Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Chương 19

Chương 19
Nghệ thuật hóa nhân sinh

Khi chúng ta miêu tả và khen ngợi một kỹ năng, một hoạt động và công việc của một người nào đó, chúng ta thường dùng từ “nghệ thuật”. Chẳng hạn chúng ta bảo bóng đá Brasil là một loại nghệ thuật, khen khả năng lãnh đạo của một vị lãnh đạo nào đó là nghệ thuật, khen một quan chức ngoại giao có nghệ thuật đối đáp, thậm chí bảo một người nào đó đạt tới nghệ thuật làm người v.v... Nói như thế là có ý gì? Đội Brasil đá bóng như múa thì khi đó độ tinh thâm của kỹ thuật, tầm phóng khoáng của động tác và nét đẹp của hình thể đã hòa vào làm một. Một vị lãnh đạo biết cách liên hệ với quần chúng nhân dân, biết cách biến chủ trương chính trị của đảng mình, phái mình thành nhu cầu của nhân dân, biết cách tổ chức, phân phối lực lượng, biết cách điều động mọi nhân tố tích cực, đồng thời hóa giải và khắc phục mọi nhân tố tiêu cực để đạt tới mục tiêu của mình được nhanh nhất, tốt nhất và trả giá ít nhất... thì như thế, hoạt động chính trị của ông ta đã biến thành sức hấp dẫn về nhân cách. Ông ta đã kết hợp được sự tính toán sáng suốt về lợi và hại của chính trị cùng tình cảm chân thực trong nội tâm với tinh thần hiến thân trung thành của nhân dân vào làm một. Việc ông ta làm rất ngoạn mục, lời nói rất hay, như thế chẳng là nghệ thuật thì là gì? Hoạt động ngoại giao cũng vậy, mà đối xử với đời, với người cũng thế, đều có sự phân biệt giữa vụng về, cứng nhắc, ngang ngược, giật gấu vá vai, mệt mỏi ứng phó với ung dung, tự nhiên, văn minh, trôi chảy như mây bay nước cuốn, thừa sức xử lý.

Như thế là để nói một việc gì đã học được, đã làm được, đã vào được tới hóa cảnh. Hóa cảnh là nơi chuẩn xác nhất, thích đáng nhất, vừa đúng độ nhất, lại là nơi mỹ mãn, đẹp đẽ, khiến người ta dễ chịu khi nhìn thấy. Làm một công việc thể lực như gặt lúa, càng là lão nông lao động giỏi thì gặt càng đẹp mắt, còn càng là người mới thì càng cong mông rướn cổ, càng mắm môi mắm lợi thì lúa càng đổ nghiêng đổ ngả, mọi vẻ vụng về đều lộ ra bằng hết. Lại như làm một cuộc diễn thuyết, nói đến khản cổ, hết hơi chưa chắc đã diễn thuyết được hay, đỏ bừng mặt mũi cũng không được gọi là biết nói chuyện; nhai từ cắn chữ, khoe khoang ra vẻ, làm bộ làm tịch, phô trương thanh thế cũng không thể gọi là biết nói chuyện. Trong hầu hết trường hợp, thật lòng nói thực, lời lẽ dễ nghe, không ồn ào, to tát, càng nghe càng thấy thú, trọn vẹn như vốn có sẵn thì đấy mới là cách biểu đạt lời nói thành công nhất.

Như thế là để nói, đặc điểm lớn nhất khi tới hóa cảnh là cái học ngoài thân trở thành cái học cùng thân, mọi học vấn tri thức, bản lĩnh, niềm tin đều hóa thành bản năng, bản sắc, thành niềm yêu chuộng và thói quen, thành niềm vui và nhu cầu nội tại, thành niềm sung sướng và sự thỏa mãn về thẩm mỹ. Thế là thành thực bên trong mà lộ hình ra ngoài, chỉ nghe mệnh lệnh ở sự thành thực nội tâm, tùy theo ý muốn mà không ra ngoài quy củ, chẳng khác gì đầu bếp giỏi ung dung mổ trâu như vào chỗ không người, trị nước lớn mà như nấu món ăn nhỏ, cứ việc tùy tay nhón lấy, chỉ cần cúi xuống và nhặt lên được thì trăm trận trăm thắng, thuận lợi trăm chiều. Thế là không để lộ dấu vết, không lừa dối hù dọa, lại càng không ỷ thế ép người và đón ý để được tiếng khen.

Tất cả những điều trên nếu chỉ dựa vào sách vở là không học được, nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm thì cũng không rút ra được. Chỉ có vừa tiếp thu mọi thành quả của cá c bậc tiên hiền, suy nghĩ, lĩnh hội trong thực tiễn, lại thêm sự hiểu biết, khôn ngoan, chịu khó đọc, chịu thành khẩn làm việc, chịu suy nghĩ, chịu tìm tòi thì mới mong có vài phần hy vọng.

Trong một lúc không phân biệt được Phật và ma, chưa tới được hóa cảnh cũng cố làm ra tới hóa cảnh, không chân thành mà giả vờ làm ra vẻ phóng khoáng, không có bản lĩnh cũng cố làm ra vẻ trấn tĩnh, chưa biết rõ ngọn nguồn lại muốn làm ra vẻ sẵn có hiểu biết đầy đủ thì đấy đâu phải là hóa cảnh mà là giả dối giảo hoạt, vẽ hổ không nên hóa thành vẽ chó, hóa cảnh chưa vào được đã thành ngụy quân tử rồi.

Vậy thì làm sao phân biệt chín chắn và giảo hoạt, lão luyện và giả dối đây? Vấn đề này sau đây chúng ta sẽ còn bàn tới.

Hết chương 19. Mời các bạn đón đọc chương 20!

Nguồn: truyen8.mobi/t35069-triet-hoc-nhan-sinh-cua-toi-chuong-19.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận