Từ khi kinh tế thị trường bước vào Trung Quốc đến nay, hầu như không ai là không sùng bái mối quan hệ với người, thậm chí coi như một môn để giảng dạy. Có điều, “nhân tính ác không nhất thiết chỉ thuộc về người khác”, “mối quan hệ với người là hai chiều”, cần né tránh “đồng minh” và còn có thuyết “phi chiến xa” nữa. Vậy thì mối quan hệ với người mà tôi tuân thủ gồm những gì? Mối quan hệ với người tốt nhất là “quên đi” lại là nghĩa làm sao?
Tìm thầy dạy mình
Lấy một ví dụ đơn giản: cũng một sự việc, tìm cùng người như nhau để phối hợp, giúp đỡ; có người làm mà làm không nên, có người làm thì lại làm tốt hơn. Điều này không thể tìm thấy đáp án trong sách vở. Bạn chỉ có biết cách tìm tòi, biết cách suy nghĩ, biết cách phân tích, biết cách quan sát, chiêm nghiệm thì bạn mới có thể dần dần hiểu được phải làm việc đó như thế nào, phải tiếp xúc với người lạ như thế nào, phải gây được tín nhiệm và thiện cảm của người khác như thế nào, phải nhờ vả người như thế nào, phải nói rõ nhu cầu và ý định của mình với người khác ra sao, phải ngầm tỏ ý mình cũng có thể giúp được người ta ra sao v.v...
Trước đây người Mỹ đã từng viết cuốn sách về thuật lạ trong xử thế, cũng đã dịch ra Trung văn, nhưng một là, thuật lạ xử thế của nước Mỹ chưa hẳn đã thích hợp với Trung Quốc; hai là, một khi xử thế đã có kỳ thuật, hơn nữa còn viết ra và dịch ra được thì những kỳ thuật ấy chỉ có thể là thứ mạt hạng, chỉ có thể là vặt vãnh bề ngoài, chỉ có thể là ngắt bừa nếu không phải là những lời lừa bịp.
Việc “tổng kết kinh nghiệm” về mặt quan hệ cũng chỉ có thể ở trình độ rất thấp, tổng kết rất phiến diện, thậm chí sai lầm. Chẳng hạn, nhờ vả ai làm việc gì đó, có người dùng phương pháp biếu xén, nghiêm trọng hơn chút nữa là đút lót, hối lộ. Thật không may, quả thực đưa lễ là một biện pháp nhờ vả người, nhưng chúng ta cần hiểu rằng không phải bất cứ nhờ vả việc như thế nào cũng có thể đưa lễ, cũng không phải bất cứ lễ nào cũng có thể đưa, hơn nữa không phải bất cứ người nào cũng có thể đưa lễ. Biếu xén và hối lộ chỉ cách nhau có một bước, mà hậu quả của hối lộ là rất nghiêm trọng, là hành vi phi pháp, là phạm tội, mà đã phạm tội thì phải nghĩ tới sẽ phải chịu sự trừng phạt như thế nào. Còn một điểm nữa là làm việc bằng cách đưa lễ thì một khả năng là không làm được, một khả năng nữa là phản ứng dây chuyền ác tính, càng đưa lễ càng “đen”, sự việc chỉ có thể phát triển theo hướng dung tục và xấu đi. Vả chăng, rất ít khi sự việc làm được nhờ hành vi đó, cho dù thành công thì bạn cũng phải trả giá đắt. Nói như thế là vì bạn biểu hiện quá tầm thường, khó coi, do đó hình ảnh, danh dự của bạn đều bị ảnh hưởng theo mặt trái, lời bạn nói ra sẽ bị chiết khấu đi rất nhiều, người có phẩm vị nhất định sẽ cảm thấy ngán khi phải giao thiệp với bạn. Thanh danh “thần thông quảng đại” nhất thời của bạn sẽ đi tới kết luận rút cục chẳng dùng được vào việc lớn, rút cục chẳng phải đại tài, không đáng tin cậy, không giao nổi việc lớn. Đương nhiên, điều tôi nói không nhằm phủ nhận mọi lễ vật. Những quà biếu có tính bạn bè, có tính kỷ niệm, có tính cảm ơn, có vị “tình người” đều khó có thể phủ nhận và gạt bỏ. Đó cũng là một đặc điểm của thế giới. Việc tốt và việc thô tục, việc thô tục và việc xấu, việc xấu và việc phi pháp, phạm tội có lúc khác nhau chỉ một chút, khoảng cách chỉ là một phân, một tấc và chỉ cần thế tính chất và mùi vị đã thay đổi, vì vậy hoàn toàn phải nhờ ở việc tự mình nắm cho vững.
“Nhân tính ác” không nhất định chỉ thuộc về người khác
Từ đây mở ra, tôi muốn nói những việc về quan hệ với người. Trung Quốc là nước lớn, đông dân, chế độ xã hội Trung Quốc thực thi là xã hội chủ nghĩa, Trung Quốc thiếu khá nhiều truyền thống giữ khoảng cách giữa người và người, tôn trọng chuyện riêng tư của nhau. Cuộc sống của người Trung Quốc có thể còn nhiều thiếu sót, nhưng có một điều là họ quyết không cô độc. Chúng ta rất khó tưởng tượng ra một người nào đó cả đời ít giao thiệp, chỉ biết làm theo ý mình, tự làm những điều mình cho là phải. Trái lại, truyền thống văn hóa của chúng ta đặc biệt chú trọng đến mối quan hệ giữa người và người, rất nhiều quy phạm đạo đức như trung, hiếu, tín, nghĩa và lễ đều trước hết được dùng để quy phạm mối quan hệ với người. Chúng ta lại rất coi trọng tình cảm, người quen dễ làm việc là lý lẽ không cần nói cũng rõ. Người bây giờ hơi một tí là nói đến môn học quan hệ, ấy là vì có nguyên nhân của nó.
Quan hệ với người lại là một chủ đề người ta ít muốn nhìn thẳng vào, bởi vì mối quan hệ đó không ngoài chuyện đại loại như cùng nhau ăn uống, chăm sóc nhau một chút, người quen dễ làm việc v.v... nói thế tuy hơi tầm thường song cũng không có gì phải ngại. Quan hệ với người phiền toái nhất là vướng mắc với nhau, lúc đầu có lẽ chỉ là bất đồng ý kiến thông thường, dần dần trở thành sự phiền toái giữa người này với người khác, bạn có muốn nghĩ không có gì phiền phức cũng không được. Mâu thuẫn giữa người với người dường như còn nhiều hơn cả mối mâu thuẫn, xung đột giữa hổ và hổ, sói và sói. Hiện nay có một từ là “mặt đối lập”, trên dưới, phải trái, chỗ nào cũng có chuyện người đối lập với người. Người nhiều dễ xảy ra xung đột với nhau, đó cũng là sự thực. Một nhóm cán bộ, nhân viên về hưu, sáng sớm kéo nhau tới một nơi tập thể dục hay nhảy cho khỏe người, kết quả là cũng chia thành hai phe chọi nhau, chuyện như thế tôi từng nghe kể lại. Thật là thích chọi nhau quá lắm. Trong xã hội ngày nay, có ai dám nói mình và người khác chưa từng bao giờ phát sinh mâu thuẫn không?
Thực ra, nhiều người rất sợ có vướng mắc trong mối quan hệ với người, một khi đã sa vào sự vướng mắc ấy thì chẳng khác nào sa xuống ao bùn, xuống hố phân, thường là có cố nhảy ra cũng không ra được, muốn gột rửa cũng rửa không sạch, có cố tranh cãi cũng không thể làm rõ, có muốn rút lui cũng không chỗ nào để rút lui. Tuy nhiên, sợ không có nghĩa là bản thân có thể không cần mối quan hệ với người khác, không có nghĩa là bản thân có thể giữ mình cho sạch, tránh bùn nhơ không để cho vấy vào. Hơn nữa, điều quan trọng hơn là, người tự nói mình thanh cao, thuần khiết, cao thượng, nhã nhặn như thế nào, chưa hẳn trong mối quan hệ với người đã không có lỗi nào đáng công kích; không hẳn anh ta hoặc cô ta, không có trách nhiệm trong mối quan hệ với người, không hẳn họ hoàn toàn không tầm thường, ích kỷ, không ghen ghét, không tự đánh trống khua chiêng cho mình, không đa nghi và chấp nhặt, không có dã tâm và giả dối. Như thế là nói nhân tính ác không nhất thiết chỉ thuộc về người khác.
Quả thật những vướng mắc trong quan hệ cuối cùng thường trở thành món nợ cù nhầy, hơn nữa nên biết rằng không mấy ai có sức lực, có đầu óc lại hứng thú, rỗi hơi lắng nghe lời tố khổ của các bên - những lời tố khổ này nói chung đều đã thêm mắm thêm muối, mượn dịp thêm thắt, tránh những việc nghiêm trọng, chỉ nói những vấn đề nhỏ hoặc cố cãi lấy được, tùy tiện bôi xóa nếu không làm cho càng xấu đi thì cũng xuyên tạc sự thật, bịa đặt, nói vung tán tàn, đảo lộn trắng đen. Tuy bản thân bạn cảm thấy mình rất có lý, cảm thấy vấn đề giữa bạn và đối thủ của bạn là cuộc tranh cãi giữa điều phải lớn và điều trái lớn, là cuộc tranh cãi về đạo đức cao hay thấp, là cuộc tranh cãi để bảo vệ lẽ trời và lương tâm, nhưng người ta lại không hề có hứng thú nghe lời tố cáo của bạn. Chẳng ai muốn dính vào cuộc tranh cãi giữa bạn và đối thủ của bạn, ai cũng cho rằng cuộc đấu tranh không biết đâu là cùng đó là một việc làm chán ngắt. Điều này tự bạn cần phải nhận thức cho rõ.
Lẩn tránh “đồng minh”
Đương nhiên cũng có những thí dụ ngược hẳn lại. Có người đặc biệt thích thú với vướng mắc trong quan hệ giữa bạn và người khác. Không có tranh chấp cũng tìm ra kẽ hở, đánh hơi ý đối địch. Người như thế là loại người sống nhờ vào mắc mớ trong quan hệ giữa người và người. Người đó sẽ do thám tình hình của bạn, bày mưu tính kế, đưa tin, khuyến khích cho tới khi đánh trận đầu thay bạn, xông lên trước tiên, lấy tư cách là đội viên cảm tử của bạn mà xông lên đánh dữ..., từ đó mà được hưởng lợi. Khi đã có những kẻ tự nguyện làm tên tốt trước đầu ngựa thì lo gì quan hệ giữa người với người lại không có tranh chấp hay sao?
Bởi vậy, sự lựa chọn tốt nhất là né tránh những ai tự nguyện xung phong vì bạn. Nếu thực sự không tránh được thì cũng phải có chủ định: cười nói ngoài mồm thì được, coi là thân tín thì đừng. Chuyên vời gọi những người như thế, chuyên coi trọng những người như thế thì hỏng to, nó chỉ chứng tỏ chẳng qua bạn cũng cùng một giuộc với loại người ấy, là chồn cùng một hang với nhau mà thôi.
Bởi vậy, nên tránh mạng lưới vướng mắc giữa người với người như tránh ôn dịch, tránh cùng với bất kỳ người nào mắc vào sự tranh chấp cá nhân vô vị, tránh sa vào việc kết thành đồng minh với mỗ mỗ nào đó và đúng đắn hơn là phải đối đầu với mỗ mỗ đó. Tại sao phải tránh kết đồng minh cá nhân với mỗ mỗ? Nguyên nhân, một là kết minh không phân biệt phải trái thì lúc đầu hai người có thể vì có chung chí thú, có chung ý niệm mà kết đồng minh, sau đó kết đi kết lại biến thành một nhóm nhỏ, biến thành “tập đoàn lợi ích”, biến thành vinh cùng vinh, nhục cùng nhục, biến thành kẻ “độc phu”(1), trở thành giặc của dân, thành “đại ca”, thành công cụ cho giáo chủ đại tà lợi dụng. Sự thật đó thấy đã nhiều, không có gì mới; hai là, do kết đồng minh nên bạn có thể có chút lợi nhỏ, trở nên có chút thế lực, đi đến đâu cũng có thể làm nơi đó trở nên náo nhiệt, anh lôi kéo tôi, tôi lôi kéo anh, anh giúp tôi một việc tôi giúp anh một việc v.v... Đó là điều hoàn toàn có thể. Song đồng thời, thành cũng Tiêu Hà, bại cũng Tiêu Hà(1), người nhờ lôi kéo mà được chút lợi thì rồi hầu hết cũng ngã ngựa vì sự lôi kéo đó. Xin hãy thử nghĩ, trong số những anh em “chí cốt” đó của bạn, có được mấy người là thánh nhân, có được mấy người là Lôi Phong? Họ làm đồng minh của bạn thực ra chỉ nhằm lợi dụng bạn làm lợi cho họ, họ thổi phồng bạn kỳ thực là để thổi phồng mình, họ tâng bạn lên kỳ thực để tâng chính họ. Bạn xây dựng mối quan hệ đặc thù với họ, họ sẽ đòi hỏi bạn phải luôn nhớ làm việc cho họ. Bạn đoàn kết được một nhóm nhỏ thì bạn làm mất lòng một số đông; họ làm những việc tồi tệ thì bạn phải cõng thay cho họ; họ có bị chửi thì bạn phải chịu đựng thay họ.
Lại nói, thế nào là cáo mượn oai hổ? Một khi bạn kết minh với họ, họ sẽ lấy danh nghĩa là người thân tín, người anh em, người cùng họ với bạn để làm bậy ở khắp nơi, điều này có muốn đề phòng cũng chẳng đề phòng nổi. Hơn nữa, họ còn hơi một tí là to tiếng, còn cắn xé lẫn nhau vì món lợi chia không đều. Đã có biết bao người giỏi, tướng tài bị hủy hoại trong tay cái gọi là “người của mình”? Hơn nữa, càng là tiểu nhân càng dễ gây mâu thuẫn với đủ mọi người. Hôm nay hắn gieo họa cho Trương Tam, ngày mai hắn trách móc Lý Tứ, bạn làm thế nào đây? Họ không thể hiểu được bất cứ ý nghĩ nào hơi lớn của bạn. Lôgích của họ là tôi vì anh mà hai nách giắt hai dao thì anh phải chung thù chung địch với chúng tôi. Chưa được mấy ngày, nếu không làm thành chòm thành nhóm mới là lạ. Người dựa vào một nhóm nhỏ mà gây náo loạn được một lúc rất đông, nhưng nhờ thế mà thành đại sự, giành được thành tích thực sự, thắng lợi thực sự thì tôi chưa từng được thấy.
Kết đồng minh trong quan hệ giữa người và người còn vì quá yêu mà thành phẫn nộ, phẫn nộ mà thành hận thù, chuyện đó tôi thấy nhiều lắm. Người tụ tập bên bạn vì tư lợi càng nhiều thì người rời bỏ bạn vì tư lợi (không được thỏa mãn), mà oán bạn, hận bạn, biến bạn thành thù lại càng lắm. Mối quan hệ đơn thuần xây dựng trên quan hệ lợi và hại thì bạn đồng minh là đối thủ “hậu bổ”(1). Đấy thật là câu danh ngôn chí lý.
Hãy nhớ kỹ: quan hệ với người bao giờ cũng phải là hai chiều
Nói như thế không phải bảo suốt đời bạn không cần có bạn bè, không cần có người chí đồng đạo hợp để cùng hợp tác. Những người bạn như thế, một là không phải tuyệt đối, không phải là một tiểu tập đoàn trong xã hội đen, không phải là sự tụ bạ của lũ vong mệnh, nghĩa là nói họ không nên có tính bài xích kẻ khác. Hôm nay ý kiến chúng ta nhất trí thì chúng ta ra sức hợp tác, ngày mai ý kiến không thống nhất nữa, hoặc bạn đột nhiên cảm thấy cùng làm chung một việc với tôi có chỗ nào bất tiện, mỗi người tự có thể làm riêng mà không hề trở mặt coi nhau là thù. Về một điểm nào đó bạn nhất trí với tôi nên chúng ta có thể hợp tác giúp đỡ nhau, đương nhiên như thế là rất tốt; về một điểm khác, hoàn cảnh và góc nhìn của bạn khác tôi nên không nhất trí với tôi, đó cũng là chuyện rất bình thường. Chẳng hạn, bạn có kinh nghiệm của bạn, bạn nhận định anh A xấu tính, khó làm việc, vì thế bạn lựa chọn thái độ xa lánh anh A. Nhưng một ông nào hoặc một bà nào thấy mình không đủ thực lực, do đó không thể không cúi đầu dưới mái hiên nhà anh A, quyết định phải nhờ vả A, liền gần gũi và lấy lòng anh A, như vậy bạn sẽ như thế nào? Như thế bạn có nhận định ông kia và bà kia đã phản bội tình bạn với bạn không? Như thế bạn có tuyệt giao với hai người đó không? Theo tôi bất tất phải như thế. Biện pháp tốt là trước tình thế đó, bạn nên có chủ ý, có thể tránh nhắc quá nhiều đến những vấn đề của A trong khi giao thiệp trong khi hợp tác với ông hoặc bà nào đó, đồng thời phải thấy rằng tình hình mỗi người mỗi khác, chí hướng và biện pháp mỗi người mỗi khác. Làm thịt lợn lại chọc mông, mỗi người có một cách; cắt tóc thì dùng dùi, mỗi ông thầy có cách truyền thụ riêng; chim ưng có đạo của chim ưng, rắn có thuật của rắn, tại sao bạn lại cố đòi hỏi người ta phải có cách lựa chọn tuyệt đối nhất trí với bạn?
Hãy nhớ kỹ, quan hệ giữa người với người bao giờ cũng phải là hai chiều. Bạn yêu cầu người ta việc gì cũng phải làm theo bạn thì việc gì bạn cũng phải bảo vệ, che chắn cho người ta. Muốn người ta không ngại hy sinh, cho dù trong một lúc phải vứt bỏ hết lợi ích của mình vì lợi ích của bạn thì bạn phải chuẩn bị tư tưởng vì lợi ích của người ta mà không ngại đắc tội với người bạn không hề muốn làm phật ý. Nghĩa vụ nào bạn không gánh vác được thì tốt nhất chớ nên yêu cầu người khác phải gánh vác thay bạn; sự hy sinh nào bạn không muốn làm thì tốt nhất không nên động một tí là đòi người ta phải hy sinh vì bạn. Những ai tự cho là thông minh nhưng lại không chính phái thì điều họ cảm thấy thích thú là để người khác ra mặt đối đầu vì mình, bám chặt đối thủ không lơi tay vì mình, còn bản thân thì lẩn vào phía sau làm người tốt. Thực ra như thế đều là những tính toán ma quỷ chỉ biết thỏa ý mình, cuối cùng người đã mất quân lại phải đền cả phu nhân chỉ có thể là chính bản thân. Lại như, nếu bạn hy vọng một số người cung kính bò rạp trước bạn vậy thì bạn có thể vì người khác trước, sau đó mới nghĩ tới mình, chịu khổ trước, hưởng thụ sau hay không?
Quan hệ giữa người với người lại mãi mãi có thể biến đổi không đứng yên. Hôm nay thuận lợi trơn tru, ngày mai có thể rạn nứt; hôm nay phối hợp rất ăn ý, ngày mai có thể hai lòng ba ý. Có quan hệ tốt với người bên cạnh cố nhiên là đáng mừng, nhưng nếu thấy có rạn nứt, có nghi ngờ, có khó hiểu thì bất tất phải đau đầu đứt ruột, càng không nên lòng như lửa đốt, nôn nóng sốt ruột mà chỉ nên cười rồi bỏ qua, coi là việc tự nhiên. Ngàn dặm dựng rạp dài, không có bữa tiệc nào là không tàn, đến thoải mái thì tan cũng thoải mái, đó là giao tiếp của người quân tử vậy.
Điều tôi muốn nói ở đây có nghĩa là không nên họp thành nhóm nhỏ, mượn một từ để nói là không nên kết đồng minh. Một kinh nghiệm nữa là không nên nhờ vả. Thái độ của tôi là: tôi tôn trọng mọi vị lãnh đạo nhưng không nhờ vả; tôi đối xử tốt với các bạn nhưng không kéo bè kéo cánh.
Trong một xã hội mà sắc thái nhân trị còn chưa tuyệt tích thì mối quan hệ với lãnh đạo, quan trọng nhất là cần để lại ấn tượng cho lãnh đạo, đó là điều không cần nói mà ai cũng hiểu. Nhưng nếu mặt này làm quá đi một chút thì sẽ thành quỳ gối làm tôi tớ, xiểm nịnh về hùa. Đó là điều bậc chính nhân quân tử không coi ra gì. Trước hết về mặt hình tượng, thành công của một người có hình tượng xấu ắt bị chế ước bởi hình tượng ấy của mình, đó là điều thứ nhất. Điều thứ hai là, người nhờ vả cũng có thể đem lại một số lợi nào đó cho người được nhờ vả song cũng đem đến những rủi ro rất lớn. Rủi ro thứ nhất là đứng nhầm đội ngũ. Bạn không chính phái vậy mà nhờ vả lại thành công, chứng tỏ nhân vật mà bạn nhờ vả cũng không chính phái, hoặc chí ít cũng thiếu nghiêm túc; mong muốn nhờ người ấy mà được vẻ vang cũng có thể cuối cùng phát sinh kết quả cùng người ấy bị sứt mẻ. Mọi mối quan hệ giữa những người không chính phái đều có thể bị phỉ báng, bị phê bình, bị hỏi tội, bị kiểm tra, gặp ác báo. Người quân tử thường bình thản, khoáng đãng trong lòng, kẻ tiểu nhân thường lo lắng, không an tâm(1), đó cũng là một phương diện. Cách làm không chính phái của bạn ắt sẽ phải trả giá không ít. Ba là, bạn nhờ vả A, anh ta nhờ vả B, thế là bạn trở thành người của A, anh kia trở thành chó của B. Khi người đương chức đương quyền biến A thành B, thế thì kết quả của bạn như thế nào còn cần hỏi nữa chăng? Giậu đổ bìm leo, sau khi A bị ngã ngựa hoặc bị buộc phải rút lui, ngoài cảnh ngộ không có mẹo hay nào để nhờ vả, thử hỏi bạn còn có kết cục nào hay hơn? Bốn là, bạn dồn hết học vấn và tinh lực cho việc kết bè mưu lợi riêng với người khác hoặc nhờ vả quyền thế, thời gian quý báu của bạn cũng dùng hết vào việc mong lên được ngôi đền đại nhã, khả năng chịu đựng trong tâm lý của bạn dành hết cho việc xử lý những áp lực rất lớn về tâm lý do mối quan hệ không chính phái đem lại, thử hỏi bạn còn có bao nhiêu bản lĩnh thực sự, bạn còn có được bao nhiêu sức khỏe và tuổi thọ?
Chúng ta hãy trao đổi một vấn đề như sau: giới hạn phân biệt giữa tôn trọng, có thiện ý chính đáng với người khác và nhờ vả, lôi kéo không chính phái ở chỗ nào? Điều thứ nhất ở đây là nguyên tắc đạo đức. Mọi sự tôn trọng và ý tốt của bạn có hợp với đạo đức không? Hai là nguyên tắc lương tri. Cách làm cho dù là lấy lòng ông chủ, cấp trên, cấp dưới hay bạn bè của bạn phải chăng có điều gì khiến lương tri của bạn cảm thấy không yên ổn không? Ba là nguyên tắc hợp pháp. Bạn đối xử tốt với người nào đó, lòng tốt đó phải chăng có điều gì trái với chuẩn mực pháp luật? Bốn là nguyên tắc công khai. Bạn có quan hệ tốt với ai đó, vậy bạn có dám công khai thừa nhận bạn và ai đó có quan hệ hữu hảo, tri kỷ hay không? Nghĩa là, mọi chi tiết trong quan hệ với người khác của bạn phải chăng có chỗ nào đó không thể cho người khác biết hay không? Năm là nguyên tắc tôn trọng. Bạn tôn trọng và làm ơn cho người khác như thế nào? Phải chăng bạn đã duy trì được sự tôn nghiêm của mình và người khác trong mối quan hệ ấy? Trong mối quan hệ của bạn với người khác phải chăng có hành vi và lời nói nào làm tổn thương đến nhân cách của mình và của người khác hay không? Cuối cùng là không cẩu thả gây thù hằn, không cẩu thả trong việc đấu nguyên tắc. Muốn mình có mối quan hệ tốt đẹp, muốn mình có được cảm tình tốt của nhiều người, đó là điều có thể lý giải và cho phép, song hơi một tí là coi người khác như quân thù, hơi một tí là công kích người ta hết trước mặt đến sau lưng, gieo rắc tin đồn bất lợi cho người ta, thậm chí hơi một tí là báo cáo, đưa đơn, xúi giục một số người xung quanh tranh đấu cho mình thì đó là điều không khả thủ, mà đúng ra nên nói là điều khả ố, thấp kém, đáng sỉ nhục. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, người ta có ý kiến và cách nghĩ không nhất trí với bạn, đó là điều rất thông thường, rất chính đáng, không nhất thiết họ đã là địch thủ, đối thủ của bạn. Còn bạn, nếu bạn có thái độ của bọn ác ôn, hoặc chí ít cũng của kẻ đôi co, nếu bạn thích đấu đá, hơi một tí là nổi khùng, hễ có việc là tranh cãi như kẻ mắc bệnh tâm thần thì điều mà bạn thu hoạch được chỉ có thể là phê bình, phản cảm, phản kích, ghét bỏ, cô lập, tuyệt vọng, trời giận mà người cũng giận, còn bản thân trở thành kẻ oán trời oán người. Đó gọi là “rau hẹ tháng Sáu”, thối cả một khu phố.
Thuyết “phi chiến xa” của tôi
Một người bạn làm công tác nghiên cứu ngôn ngữ của tôi có một câu danh ngôn như sau: “Không nên khinh suất trói mình vào chiến xa của một ai đó.” Trên đời có một loại người rất không chính phái, rốt cuộc chỉ chuốc lấy đen đủi. Họ tuyên chiến với phe đối lập của ai đó để tỏ ra mình trung thành với ai đó. Loại người này không ngừng báo cáo với cấp trên, hoặc với người thuộc loại hình khác mà mình định xu phụ về tình hình của phe đối lập, biểu lộ sự phẫn nộ, bày mưu tính kế cho cấp trên rồi rêu rao khắp nơi rằng mình vì lợi ích của cấp trên mà đấu tranh với số người kia như thế nào. Những biểu hiện đó của họ thường đánh động được trái tim của những nhân vật đầu óc u mê, hơn nữa cảnh giới cực thấp. Đó có thể nói là những bông hoa độc, dễ dàng được lòng những kẻ thích thuyết tính ác, thuyết duy đấu, thuyết tính sói; ai theo những thuyết đó sẽ thích kẻ thù của kẻ thù với mình nên không bao giờ có được người bạn thực sự.
Thuyết “phi chiến xa” cực kỳ quan trọng trong việc xử lý mối quan hệ với cấp trên. Thỉnh thoảng chúng ta gặp tình hình như sau: mấy vị lãnh đạo cấp trên hoặc mấy ông chủ có ý kiến không thống nhất. Đối với người không chính phái, đây là một dịp tốt, vừa vặn có thể mượn dịp ấy để dựa vào người này bán người kia, hoặc thân cận với người này chê bai người kia, kiếm cho mình một cơ hội tiến thân, một vị trí lập thân. Nhưng đồng thời đấy cũng là một rủi ro rất lớn. Bạn luồn lách giữa mấy vị lãnh đạo, mấy ông chủ gây ly gián, đưa tin thất thiệt, đảo lộn thị phi, thử hỏi lúc đó, bạn có nghĩ mình là ai không? Bạn có bao nhiêu bản lĩnh, bạn hiểu được bao nhiêu sự vật có tính toàn cục, bạn gánh được trách nhiệm lớn chừng nào hay không? Có thể mấy ông cấp trên đó qua một thời gian lại làm lành với nhau, đoàn kết nhất trí, cuối cùng họ phát hiện ra bạn chính là người gây chuyện; có thể vì quan hệ thị phi đó mà bạn được một bên nào đó tin dùng và thích thú, vậy cũng như thế, bạn sẽ bị người khác hoài nghi, lạnh nhạt, bài xích vì chuyện xích mích về nhân sự đó. Xin nói thật lòng là những ai hơi một tí đã nhảy vào những vụ mắc mớ trong quan hệ của đủ hạng người thì bao giờ cũng cho tôi cảm giác họ là “loạn thần tặc tử”.
Đương nhiên như thế không phải để nói bạn không thể có khuynh hướng, có nhận xét đúng sai, có phán đoán riêng của mình về mọi cuộc tranh chấp; cũng không phải để nói bạn không thể có sự ủng hộ hay phản đối theo ý mình. Đối với những trường hợp ấy, tùy từng trường hợp mà bàn mới được, chỉ có điều trở thành tranh chấp cá nhân thì chẳng hay; xuất phát từ việc phân biệt phải trái thì được, còn xuất phát từ tâm lý nhờ vả thì chỉ khiến người ta buồn nôn.
Hai mươi mốt chuẩn mực của tôi
Về mối quan hệ với người, tôi có những chuẩn mực cơ bản như sau:
1. Không tin những người hơi một tí là mách ai đó đang chửi mình.
2. Không tin những ai vừa gặp đã khen, đã ca ngợi luôn mồm.
3. Không ghét những ai từng công khai tranh luận, phê bình mình.
4. Tu 66f6 yệt đối không bố trí, sắp xếp một số người chuyên thu gom những lời người khác nói xấu sau lưng mình.
5. Trong trường hợp công khai, nhất là trong phạm vi ảnh hưởng quyền lực của mình, tức nơi có thể lợi dụng quyền lực hoặc ảnh hưởng của mình thì tuyệt đối không triệu tập những người mách nhiều về người khác đã nói gì đó về mình như thế nào. Làm như thế chẳng khác nào tự tháo chân ghế của mình.
6. Không trả lời bất kỳ lời công kích nhân thân cá nhân mình, chỉ thảo luận những vấn đề quả thật có ý nghĩa không những đối với mình, với đối thủ của mình mà với cả số đông người, với xã hội và quốc gia, với việc xây dựng một lý thuyết học thuật nào đó và với sáng tạo nghệ thuật.
7. Nói chung không biện hộ cho mình nhưng có thể làm sáng tỏ một số quan điểm, một số lựa chọn, một số điều thị phi.
8. Trong một lúc chưa làm rõ hoặc bị oan cũng không hề gì. Mình vẫn là mình, anh ta vẫn là anh ta. Một điều oan mà còn không chịu được thì chỉ có thể là người yếu đuối.
9. Không tùy tiện từ chối người khác cũng như không tùy tiện nhận lời người khác. Không hứa hẹn, không bắt người ta phải chờ đợi lâu, không khoe khoang thực lực của mình ở những việc chẳng ra sao.
10. Không nôn nóng biểu hiện mình, cũng không nôn nóng sửa lỗi của người khác. Hãy nghe thêm, hãy xét thêm, hãy suy nghĩ thêm.
11. Không nghị luận sau lưng Trương giỏi, Lý kém.
12. Hãy nhớ kỹ mối quan hệ với người bao giờ cũng là hai chiều, người học người khác thì người ta sẽ học mình, người giúp đỡ người khác thì người ta sẽ giúp đỡ mình, người kính trọng người khác thì người ta sẽ kính trọng mình, người yêu người khác thì người ta sẽ yêu mình. Cũng như vậy, người nói về người khác thì người ta ắt nói về mình, người chỉnh người khác thì người ta ắt chỉnh mình, người hại người khác thì người ta ắt hại mình, người chơi người khác thì người ta ắt chơi mình, người giả dối với người khác thì người ta ắt giả dối với mình.
13. Tuyệt đối không nghe những lời xúi giục, không nhận sự khêu gợi, tuyệt đối không vì A xúi giục mà coi B là kẻ thù, cũng không vì B xúi giục mà xông vào A.
14. Trong mối quan hệ với người không bao giờ nghĩ mình có lợi gì trong việc đó.
15. Không bao giờ được cho rằng bất kỳ người nào đó tiếp xúc với mình đều ngu hơn, đần hơn, dễ sập bẫy hơn mình.
16. Khi cảm thấy bất ngờ vì người nào, việc nào đó thì trước hết hãy nghĩ về hướng tốt, có thể người ta làm việc ấy là để giúp mình, hoặc ít nhất về khách quan cũng không có hại gì cho mình. Ngàn lần không nên lập tức nghĩ người ta có ý thù địch với mình.
17. Không bao giờ tranh chấp với bất kỳ người nào, kể cả người không hữu hảo nhất với mình. Bạn bận với những mắc mớ trong quan hệ, tôi bận với công tác nghiệp vụ của tôi. Kết quả của việc bạn gây mắc mớ vị tất đã là thế này thế nọ, còn kết quả công tác nghiệp vụ của tôi có thể có một số thành tích. Mọi thành tích của tôi là lời đáp tốt nhất cho bạn và càng là niềm an ủi lớn nhất cho bạn bè.
18. Hãy tìm điểm kết hợp được, phù hợp được chứ không nên chỉ nhằm vào mâu thuẫn, chia rẽ. Mãi mãi nên bình thản, thản nhiên, yên lòng, giữ hòa khí, có ý kiến khác là việc bình thường, coi người có ý kiến bất đồng là người bạn nói thẳng trong hiện thực hoặc người bạn nói thẳng trong tương lai, chứ không chấp nhặt, vừa thấy người có ý kiến bất đồng đã như ngồi phải gai, mặt hết đỏ lại tái.
19. Không bao giờ bàn luận và suy nghĩ vấn đề từ được mất của cá nhân, không bao giờ cứ “tôi, tôi, tôi” khi tranh luận với người khác. Thà coi mọi tranh chấp là tranh chấp về lý lẽ học thuật còn hơn là cá nhân hóa, “phân chó hóa” tranh chấp đó.
20. Coi xử lý mối quan hệ với người là một học trình đặc thù, từ đó mà phân tích và nắm vững thêm một bước tình hình đất nước của chúng ta, lịch sử, kết cấu xã hội của chúng ta, truyền thống triết học và trào lưu tư tưởng thời thượng, lôgích học, khoa học, văn minh giáo dưỡng và tâm lý lành mạnh của chúng ta, v.v... Đó là ý tưởng “học lý hóa” những điều đã nói ở mục trên.
21. Có thể lấy hết sức lực ra mà học tập, mà công tác, mà viết lách, mà trang trí nhà cửa, cho chí đi du lịch, đi đá bóng, đi chơi, nhưng trong quan hệ với người, trong phản ứng, trong cọ xát, trong đối phó với sự công kích, nhiều nhất chỉ nên dùng đến ba phần sức lực, nhiều nhất chỉ phát lực trong ba mươi giây, sau đó lập tức trở về với trạng thái chuyên tâm dốc chí học tập và làm việc. Bỏ thêm một chút sức lực và thời gian nào đều tuyệt đối là lãng phí thời gian, lãng phí tinh lực, lãng phí sức sống.
Hai mươi mốt điều nói trên, bản thân tôi chưa làm được hết thảy, nhưng quả thực tôi hiểu rằng phàm những ai làm như thế thì hiệu quả ắt rất tốt; phàm những ai không làm như thế, đều là người ngu xuẩn, hồ đồ, đều uổng phí tâm cơ, đều làm mất thể diện. Đó là điều không sai một ly. Nguyên tắc tương tự khác còn có thể dẫn tới rất nhiều, rất nhiều điều nữa, vì vậy hai mươi mốt điều nói trên chẳng qua là ném gạch nhằm dẫn ngọc về để mà cùng khuyến khích nhau.
Quan hệ với người tốt nhất là “quên đi”
Nói cho cùng, quan hệ là làm điều thiện với người. Đúng vậy, chúng ta thường gặp những người chẳng có việc gì cũng sinh sự, đặt điều bịa chuyện, ghét người giỏi, ghen người tài, cả tin, cả nghe và cả những người dùng quyền lực để mưu đồ lợi riêng, lấy thế đè người, âm mưu quỷ kế, lừa bịp, dối trá, v.v... Có lẽ quả thật bạn muốn làm điều thiện cho người nhưng điều thiện của bạn chưa chắc đã đổi về được điều thiện, lúc đó bạn nên biết bất kỳ tính sáng tạo nào - nói một cách khách quan - đều là sự khiêu chiến đối với tầm thường; bất kỳ sự cơ trí và trí tuệ nào đều làm nổi bật sự ngu xuẩn và ngang ngược; bất kỳ sự hảo tâm hảo ý nào về khách quan cũng phơi bày, làm khó chịu cho người lòng dạ khó đoán, còn chí công vô tư thì dường như cố ý làm mất mặt những người tâm địa nhỏ nhen. Bạn càng làm tốt, càng có người căm ghét bạn. Đó là hiện thực không thể không nhìn thẳng vào.
Người ta khi gặp phải những người và việc không được như ý thường than thở, cảm khái tình đời hiểm ác, lòng người hiểm ác, nhưng nên đối phó với hiểm ác đó như thế nào mới là điều đáng bàn.
Đối phó thứ nhất thường là căm giận cái ác, cho rằng mình và nhóm bạn bè của mình là những thiên sứ trong sáng, cho rằng mọi người xung quanh đều là ác quỷ, ác ôn, thế là suốt ngày nghiến răng nghiến lợi, cho rằng mình chịu nỗi khổ lớn thì cừu hận càng phải sâu, cơn giận nổi lên làm con tim lạc lối, suốt ngày không thôi. Cách đó không khả thủ, bởi vì thứ nhất đó là bệnh thần kinh, hai là lấy ác báo ác thì bản thân đã ác rồi, bản thân đã không khác mấy, đã đi đến đồng nhất với ác ma ác quỷ trong lòng và trong mắt của anh ta hoặc chị ta rồi.
Thứ hai là đối phó với cái ác bằng sự ngờ vực. Thì thầm ngờ vực, che che đậy đậy, lo lắng được mất, ngập ngừng không quyết, sợ thiệt thòi, mắc bẫy, luôn cảm thấy xung quanh đều là kẻ thù địch, kết quả là có thể bạn tránh được thiệt thòi vài ba bận nhưng lại mất đi càng nhiều bạn bè và cơ hội hơn, mất đi lòng khoan dung và niềm tin, mất đi khả năng vốn dĩ có thể làm nên việc lớn. Đó là cách không làm nên việc.
Thứ ba là đối phó với cái ác bằng “đại ngôn”. Khuấy động tình cảm đối phó với cái ác, dùng tình cảm bi phẫn đối phó với cái ác; hễ cất lời là nói đến hiểm ác, hễ mở miệng là mắng chửi người đời đều ác, riêng mình ta thiện, người đời đều đục, riêng mình ta trong, hễ cất lời là đe quét sạch ngàn quân như cuốn chiếu, dọa cho nổ tung bao nhiêu tấn TNT. Hiện nay đang có một cách nói rất phổ biến cho rằng sứ mệnh của người trí thức là phê phán. Cách nói này chính xác hơn đối với trí thức sống tại những quốc gia chủ nghĩa tư bản phát triển phương Tây, đặc biệt vì trong hoàn cảnh của họ, khả năng trở thành chủ lưu là tự mãn, tự túc, là hưởng thụ vật chất, là tương đối hoặc tạm thời bình ổn, là “sự kết thúc của lịch sử”, cho chí chủ nghĩa bá quyền. Những điều cần phê phán trong tình hình Trung Quốc hiện nay đương nhiên tuyệt đối không ít. Từ Chiến tranh Nha phiến đến nay, chúng ta đã dùng từ trường mâu đến xe tăng để phê phán - tức phê phán bằng vũ khí như Mác nói và đã phê phán 160 năm. Từ cách mạng Tân Hợi đến nay, chúng ta đã dùng vũ khí để phê phán và dùng phê phán làm vũ khí để “cách hơn 90 năm cái mạng”. Từ Ngũ Tứ đến nay, từ ngày thành lập Đảng đến nay, chúng ta đã phê phán hơn 80 năm; từ xây dựng nước năm 1949 đến Hội nghị Toàn thể Trung ương Đảng lần thứ III khóa 11, chúng ta lại đưa chữ “phá” đi đầu, dùng đại phê phán mở đường, quét sạch mọi thứ, đào sâu tìm kỹ, con Khỉ Vàng phấn khích múa cây bổng ngàn cân, thân và danh bọn trí thức đều bị tiêu diệt. Phê đấu quyết không mềm lòng chùn tay rồi lại đấu phê vượt mức, ầm ĩ nổ vang, chúng ta phê phán trong 30 năm và đánh mất đi không biết bao nhiêu là cơ hội.
Ngày nay, chúng ta còn đối mặt với rất nhiều vấn đề, rất nhiều nguy cơ, rất nhiều việc bất nghĩa, đương nhiên còn cần phê phán, phê phán và lại phê phán; đấu tranh, đấu tranh và lại đấu tranh. Trí thức Trung Quốc vẫn sẽ trân trọng truyền thống biết cách đấu tranh, dũng cảm đấu tranh, cần cù đấu tranh của mình. Chúng ta cũng biết trước mặt vẫn còn rất nhiều điều tà ác, rất nhiều cái bia cho đấu tranh, song nếu cho rằng mắng chửi bề ngoài một cách rẻ tiền là gánh vác được sứ mệnh của người trí thức, là đã rất không phải với dân tộc lắm tai nhiều nạn của chúng ta, cũng là rất không phải với chút sách vở mà chúng ta đã đọc đấy! Trong tình thế trăm việc đối phó đang chờ, chắc hẳn nếu nói chúng ta càng cần nỗ lực, chí ít cũng là nỗ lực một cách xây dựng, cần suy nghĩ có lý tính, cần tích lũy và kế thừa mọi điều tốt đẹp, chính diện, cần phải lấp đầy những lỗ hổng về văn hóa hiện đại, cần phải kết hợp những mệnh đề có tính khẳng định như phê phán và kế thừa, phát huy, bảo vệ và xây dựng v.v... Như thế lẽ nào lại chẳng đúng đắn hơn hay sao? Hơn nữa làm việc có tính xây dựng, nói trên phương diện khác, cũng là phê phán, phê phán chủ nghĩa giáo điều xơ cứng không tiến lên được, phê phán thoát ly thực tế và nói khoác không biết xấu hổ, phê phán các loại chủ nghĩa Utopia, phê phán chủ nghĩa phong kiến và Tây hóa toàn bộ một cách không tưởng; cũng là phê phán thói hủ bại chỉ biết đến mối lợi và dục vọng cùng tội phạm kiểu sâu mọt của xã hội. Làm việc có tính xây dựng là chuẩn bị vững chắc cho sự tiến bộ của xã hội; sự giàu mạnh, dân chủ, văn minh, không thể xây dựng bằng những lời thóa mạ, chỉ trích liên tiếp không ngừng mà xây dựng trên sự tích lũy và bước tiến vượt bậc về vật chất và tinh thần đáng phải có.
Thứ tư là đối phó với cái ác bằng tiêu cực. Cả đời chỉ biết ca cẩm như bị bệnh thần kinh, cằn nhằn than khổ không dứt, nổi giận không bao giờ nguôi, bực bội, oán trách “khách quan” không biết bao nhiêu lần mà kể. Tới lúc sinh mệnh chỉ còn hơi thở cuối cùng, ông ta hoặc bà ta đã biết chắc là chẳng làm nên được việc gì nhưng vẫn oán trời trách người. Than ôi!
Vậy thì liệu chúng ta có thể giữ được trong sạch và càng giữ được ổn định, giữ được phẩm chất và càng giữ được tâm tình vui vẻ, giữ được tinh thần chính nghĩa và càng giữ được lý tính, giữ được có cái không làm, có cái không tin và càng giữ được thiện ý đối với người hay không? Nhiều khi người ta tuyệt đại đa số vẫn là tốt, chí ít cũng là bình thường. Song có thể vì bình thường quá mức nên cũng khiến cho những “thanh niên phẫn nộ” phải nhảy dựng lên chăng? Còn tôi thì trước sau vẫn cho rằng, trong phần lớn trường hợp và tuyệt đại đa số người, thái độ của họ đối với bạn ra sao quyết định ở thái độ của bạn đối với họ thế nào. Còn như nói về thiếu sót của họ, không nhất thiết họ đã nhiều hơn bạn, cho dù thường thường họ không ít hơn bạn. Dù sao đi nữa, chúng ta hãy cố gắng làm cho mình trở thành nhân tố tốt lành, nhân tố ổn định, đoàn kết, nhân tố văn minh mà không phải là ngược lại. Chúng ta có thể cố gắng để trở nên bình lặng trong lòng và hiền hòa tính khí, bình tĩnh, có lý trí, khiêm nhường, cung kính, lễ độ, lấy việc giúp người làm niềm vui. Cho dù nhất thời bạn chưa hiểu lắm về một người nào đó, song chỉ cần họ không bị tình nghi phạm tội hình sự, còn bạn cũng không nhận nhiệm vụ trinh sát hình sự thì trước hết bạn vẫn nên đối xử với họ bằng tình hữu hảo. Đối với người lạ cũng không nên có ác ý, có ý đối địch; không nên vô cớ hoài nghi, không nên từ chối gạt họ ra xa, càng không thể làm thương tổn họ bằng lời nói. Tùy tiện làm tổn thương ai đó thì rốt cuộc chỉ có thể bộc lộ sự ấu trĩ và thấp kém của mình.
Còn như đối với những người, hoặc một người nào đó quả thật có ý đối địch với bạn, thậm chí đã gây sự với bạn bằng bất cứ thủ đoạn nào, vậy thì bạn có thể phản xạ tự hỏi rằng mình đã có thiếu sót gì hay chưa? Đã từng ghi chép gì khiến ông ta hoặc bà ta cảm thấy bị hại hay chưa? Có khả năng trừ bỏ hiểu lầm, hóa giải địch thành ta hay không? Cũng còn nên đặt mình vào địa vị họ mà nghĩ xem họ có điểm nào tha thứ được hay không? Còn nên tiến thêm một bước, nghĩ xem đối phương sở dĩ độc ác như thế hẳn phải có nguyên nhân từ hoàn cảnh. Lại xoay sang mặt khác mà nghĩ, bụng dạ độc ác rất có thể có liên quan với hoàn cảnh ở vào thế yếu. Thấy cọng cỏ đã tưởng là rắn mà đánh thì vì mười năm trước, ông ta hay bà ta đã bị rắn cắn suýt chết. Lại quay về xét bản thân, họ căm ghét đến mức như thuốc độc, như rắn rết, hẳn vì thành tích của bạn quá lớn, tiếng tăm của bạn quá nổi, những thứ giành được quá nhiều hoặc chí ít cũng nhiều hơn họ. Thảo nào! Còn đối phương hạ độc thủ với bạn vừa hay chứng tỏ đối phương tuyệt vọng. Xét ra toàn cảnh, mọi căm ghét, oán thù cá nhân, mọi xúi giục gây sự, mọi đơn kiện có ký tên cũng vậy mà rêu rao, tung tin cũng thế, rồi đánh bằng gậy hay chụp mũ cũng như nhau, trong tình thế không khí tương đối ổn định thì tác dụng của những hành động trên rất có hạn, mà có thể còn có tác dụng ngược hẳn lại. Bạn thấy quái lạ mà không cho là quái lạ thì cái quái lạ ấy ắt bại vong. Bạn có thể hành động bình thường, phản ứng ở mức bình ổn, có tâm thái thoải mái, không bị kéo vào cuộc, để cho các sự việc tiến lên theo trình tự, để cuộc sống của bạn tiến về phía trước theo quỹ đạo đã định sẵn. Hoặc cũng có thể đơn giản hơn chút ít là bạn tạm thời bỏ qua, không đếm xỉa là xong. Bạn bận như thế, bạn có công việc, có học tập, có sáng tạo, có nghiệp vụ, có tinh thần, sứ mệnh và còn biết bao nhiêu lạc thú trong cuộc sống nữa, thế thì làm sao bạn có thể “theo hầu” những người chuyên thích gây gổ đang ở thế đường cùng trời tối, không còn hy vọng, chỉ còn sống nhờ cuộc đấu tranh với kẻ địch giả tưởng?
Đương nhiên tôi không nói bất kỳ người nào bạn không đếm xỉa là không có chuyện gì xảy ra nữa, vẫn còn kiểu quấy nhiễu, gây rối không biết đâu là cùng. Song như chúng ta thường ngày vẫn nói, “một bàn tay vỗ không kêu”, kinh nghiệm của tôi chí ít cũng dùng được đến 6/7, tức 84,3% khi tay bạn không vỗ thì anh ta cũng xẹp. Còn 15,7% kia, bạn cứ không đếm xỉa tới họ, cứ làm “tiên sinh tốt, tốt” thì cũng không xong. Họ buộc bạn phải nhe nanh với họ, cho họ ít bài học, cho họ chút lợi hại thì họ mới chịu thôi. Chúng ta không thể vì có 15,7% người muốn được “dạy bảo” mà đi “hầu” 84,3% người gây gổ, như thế lãng phí quá! Chúng ta cũng không vì đại đa số có thể dùng cách không đếm xỉa để giải quyết mà bỏ qua phản ứng với 15,7% người kia.
Đối với số đáng ghét chiếm 15,7% ấy, khi cần thiết, nhằm đúng rồi, tìm đúng rồi thì trong thời cơ có lợi nhất, bạn cũng có thể đánh trả. Nhưng đó tuyệt nhiên không phải là quy luật thông thường, ngẫu nhiên làm một lần thôi thì được, đam mê với “đạo” đó thì sai lầm đấy, làm lỡ việc chính đáng đấy, làm lỡ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc đấy, cũng làm lỡ chuyến đi sáng sủa trong cuộc đời của bạn chỉ vì trót sa xuống cống ngầm đấy! Loại việc này chỉ nên phản kích tự vệ, điểm đúng huyệt thì thôi, kịp thời rút lui, ưa chuộng hòa bình. Bởi vậy mới cần chừng mực như thế, mới cần để ý vừa đến độ thì thôi. Cố nhiên điều này có liên quan đến tính chất mâu thuẫn, có liên quan với điểm xuất phát chung của việc làm điều thiện cho người, cũng liên quan đến việc tỉnh táo đánh giá lực lượng của mình. Không nên cho rằng mình có thể làm thay đổi được rất nhiều người, rất nhiều việc; không nên cho rằng mình đã đủ lý rồi thì có thể tiêu diệt ai đó; không nên cho rằng thành tích của mình huy hoàng thì có thể che giấu được xấu xa dù rất nhỏ của người khác. Tay lớn đến mấy cũng không che nổi trời, thế giới đâu phải chỉ mình bạn cư trú? Đặc biệt là không nên mê tín hiệu quả của tranh luận và phê phán, cho dù đạo lý có mênh mông như nước Trường Giang, khí thế có cao chót vót như ngọn Thái Sơn, ngôn từ có sắc bén, lợi hại như kiếm sắc và thuốc nổ, quyền uy có rực rỡ như mặt trời giữa trưa, bạn phê phán xong rồi là xong, anh ta nghe không lọt thì vẫn cứ là nghe không lọt. Trong hầu hết trường hợp, điều cá nhân bạn làm được chỉ là nói ra quan điểm của mình khiến cho những người không cố chấp biết rằng trên đời này không chỉ có mỗi một loại quan điểm như vậy. Mạnh mồm đoạt lý khó dùng được vào việc lớn, tranh luận trở đi trở lại chỉ có thể làm lỡ việc. Như thế, điều bạn có thể làm được, đạt được đều chỉ có hạn, bạn không bao giờ nên hy vọng có ngày “vua đến mọi nơi, mọi nơi hoan hô”; nếu quả thật có một ngày như thế thì cũng chẳng ra sao, không cậy nhờ được. Đặc biệt là những cuộc tranh luận, đấu tranh nội bộ, thường thường là đấu đã đời nhưng cuối cùng cũng chẳng có kết quả gì đành phải kết thúc. Cho dù thế không thể đứng chung thì một ngày kia cũng có thể hóa giải can qua thành lụa ngọc(1). Kết cục của việc giành cho kỳ được ra ngô ra khoai thường thường là không qua được cũng cho qua, vẫn còn đó món nợ không biết đâu mà lần. Dùng lời một vị lãnh đạo mà nói, thì hai người đấu với nhau đến mấy chục năm, cuối cùng cả hai chết đi thì điếu văn cũng tương tự nhau mà thôi. Suy cho cùng, vẫn cần xem ai càng lấy đại cục làm trọng, ai càng có thể đoàn kết với mọi người. Dứt khoát không thể tỏ ý chí và khí khái nhất thời, làm ra bộ Bá Vương đúng đắn xưa nay. Hậu quả của điều đó rất có thể là chim bay trứng vỡ, chẳng thành công được việc gì, tự mình cô lập, ngoảnh vào góc nhà mà khóc.
Sở dĩ tôi nói nhiều như thế thực ra để nhằm nói rằng căn bản nên quên đi những lời nói về quan hệ với người, quên đi môn học quan hệ. Vì quan hệ mà cầu quan hệ chỉ có thể đi tới đường cùng ngõ tắc, chuốc lấy cười chê của người hiểu biết; hoặc nhỏ mọn keo kiệt, tục không sao chịu nổi. Một người chỉ cần chuyên tâm học tập, nỗ lực công tác, chân thành giữ chữ tín, làm điều thiện cho người, bình đẳng đối xử với người khác, lành mạnh hướng tới thì quan hệ với quần chúng, quan hệ với mọi người tự nhiên cũng tốt. Nhất thời có vấn đề bị hiểu lầm thì đó chẳng qua chỉ là một khúc nhạc đệm nho nhỏ, một đoạn độc tấu ngăn ngắn. Quan hệ là sản phẩm phụ, là một thứ phái sinh, tách ra từ cái chính, là thứ tự nhiên như vốn có. Đối với quan hệ, thà vướng mắc do hồ đồ, do sơ xuất chứ chớ nên vướng mắc vì thông minh, tinh quái, vướng mắc vì tính toán chi ly.
Hết phần 4. Mời các bạn đón đọc phần 5!