“Vô vi” vốn là triết học của Đạo gia. Dù chúng ta cần học Lão Tử nhưng chúng ta vẫn cần kiến tạo quan niệm vô vi riêng của mình. Vô vi không phải là không làm gì cả mà là không làm những việc vô ích, không hiệu quả, vô vị và tẻ nhạt, càng không phải làm những việc xuẩn ngốc. Vô vi là nắm vững một cách lý trí “không làm việc gì”, vô vi là một nguyên tắc hiệu suất, là nguyên tắc dưỡng sinh, là nguyên tắc làm nên việc, là nguyên tắc vui thú. Vô vi là một loại cảnh giới, một nguyên tắc để làm việc. Vô vi là một phong cách cởi mở, thông minh, nhưng vô vi cũng có quy tắc và ranh giới. Đó là điều chúng ta không thể lơ là.
Vô vi là một loại cảnh giới
Một biên tập viên yêu cầu tôi viết một câu có tính gợi mở. Tôi nghĩ đến hai chữ và chỉ có hai chữ, đó là vô vi.
Tôi không lý giải hai chữ này theo ý nghĩa tiêu cực thuần túy. Vô vi không phải là việc gì cũng không làm mà là không làm những việc ngu xuẩn, không có hiệu quả, vô ích, không có ý nghĩa, thậm chí vô vị và tẻ nhạt, hơn nữa còn có hại, có thương tổn, có điều xấu hổ. Con người ta một đời cần làm rất nhiều việc, làm một chút việc gì đó có giá trị, có ý nghĩa không khó, cái khó là biết không làm những gì không nên làm. Chẳng hạn, bản thân làm được chút thành tích không có gì là khó, khó là không ghen ghét với thành tích của người khác. Chẳng hạn đã nói không tranh luận những chuyện vô vị nhưng vẫn có những kẻ tầm thường tự khuấy lên chuyện được mất, vẫn có những người tự nói về mình, tự cổ súy, tự khua chiêng đánh trống cho mình; vẫn có những người khoe khoang, làm bộ làm tịch, còn có lối “tự ngã luận chứng” chỉ có thể thuyết phục bản thân; vẫn có những lời rì rầm, xì xào của những nhóm nhỏ, vẫn có những lời nói suông, nói dối tràng giang đại hải và vẫn có những người không tin tưởng, bao biện làm thay nhưng thực ra bao mà chẳng làm, thay mà chẳng xong. Lại có rất nhiều, rất nhiều người ôm những nguyện vọng không sao thực hiện nổi và vì những nguyện vọng đó mà phải hoạt động, bỏ ra tinh lực quá lớn. Vô vi tức là không làm những việc đó. Vô vi tức là cố gắng ngăn ngừa ảo vọng, cố gắng ngăn ngừa lo lắng thái quá, ngăn ngừa nôn nóng, ngăn ngừa thoát ly quy luật khách quan, thực tế khách quan và cố gắng ngăn ngừa cả chủ nghĩa hình thức. Vô vi chính là tiết kiệm tinh lực và thời gian có hạn, có như thế mới làm được một ít việc, như thế vô vi cũng là hữu vi. Có việc không làm thì mới làm được việc, ai có vô vi thì mới có thể nói về dâng hiến với người đó.
Vô vi là nguyên tắc hiệu suất, nguyên tắc sự vụ, nguyên tắc tiết kiệm, vô vi là điều kiện tiền đề số một của hữu vi. Vô vi còn là nguyên tắc dưỡng sinh, chỉ có vô vi mới có thể không tự tìm đến phiền não. Vô vi càng là một nguyên tắc đạo đức mà ý nghĩa thiết yếu của đạo đức này là có việc sẽ không làm chứ không phải không làm gì cả. Có như thế mới có thể làm cho bản thân xa rời những thú vui thấp kém, xa rời những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt, nhất là xa rời những việc của bọn ruồi nhặng.
Vô vi là một loại cảnh giới, vô vi là một loại tự vệ, tự trọng. Vô vi là niềm tin đối với mình, với người, với sự nghiệp, với lịch sử. Vô vi là niềm vui của bậc triết nhân. Vô vi là một cách giữ thế chủ động. Vô vi là tính kiên nhẫn cởi mở. Vô vi là sự thông minh. Vô vi là sự hài hước trong sáng và bình ổn. Vô vi cũng là một phong cách.
Tìm ở người khác không bằng tìm ở
Ở đây tôi muốn từ tranh chấp trong quan hệ với người mà mở rộng sang mệnh đề vô vi. Vô vi là một loại nghệ thuật, là một loại cảnh giới, không giới hạn ở vấn đề quan hệ với người và tranh chấp trong quan hệ với người, song chúng ta có thể từ lĩnh vực này mà nói rộng ra.
Về quan hệ với người, có lúc chúng ta cũng gặp phải những phiền toái khiến người ta lúng túng, phiền não. Chẳng hạn có người ghen ghét thành tích của bạn, có người hiểu lầm nhân cách của bạn, rồi người độc ác có ý trả thù, kẻ vô tri và người ấu trĩ làm ầm ĩ và còn có những tin đồn thất thiệt khá phát triển ở nước ta.
Càng có kỷ lục xuất sắc thì càng dễ được nhiều người gửi gắm hy vọng, mà kỳ vọng càng cao thì càng dễ không đạt được yêu cầu, rồi đâm ra thất vọng. Càng có kỷ lục tốt càng dễ bị mọi người chú ý, theo dõi, càng bị cầu toàn trách cứ, càng dễ bị phát hiện ra thiếu sót. Càng có ảnh hưởng lại càng bị lớp người sau với hùng tâm phơi phới đang đội đất chui lên coi là đối tượng phải vượt và trừ bỏ mê tín, coi là cây sào khi nhảy cao phải vượt qua, coi là đối thủ, coi là vật chướng ngại khi bắt đầu sang trang mới cần phải trừ bỏ. Có lý ba cây sào, vô lý cũng sào ba cây, bạn thế nào cũng trở thành nhân vật bị dị nghị, bị soi mói. Tất cả những điều đó đều là thường tình của con người, là lẽ thường của đời, chẳng có gì lạ, không đáng lấy làm lạ, không đáng bị trách cứ, càng không nên hễ gặp những chuyện ấy là cảm thấy bi tráng. Không cần hơi một tí đã tự cho mình là Lỗ Tấn(1), tự cho rằng như thế mà còn không được hiểu, cần phải đứng riêng ra như thế nào, cần phải đến chết cũng không tha thứ cho một số người nào đó ra sao. Nỗi bi tráng ấy chẳng những không có lợi cho sức khỏe thể xác và tinh thần, mà còn không có lợi cho việc đối xử một cách khách quan, công bằng với những tiếng nói khác nhau, ý kiến khác nhau. Xử lý không tốt còn có chút giống hài kịch nữa cơ đấy!
Một điều quan trọng hơn là càng tự cho, hoặc được người khác cho là thành đạt thì càng có thể phạm những sai lầm thế này hay thế khác. Họ rất dễ hoặc tương đối dễ tự cho mình là phải, tự cho mình là trong sạch, tự cho mình có quyền chỉ bảo non sông, mắng mỏ tù trưởng địa phương; một việc làm ngon lành một chút đã lầm tưởng mình cái gì cũng biết, việc gì cũng hay; một việc làm thành công đã lầm tưởng việc gì mình cũng làm được, tự mình cô lập mà luận chứng rõ ràng hành hoa trộn đậu phụ, xanh trắng phân minh rồi lầm tưởng riêng mình tìm ra được chân lý hiếm có, mình nên có sứ mệnh vĩ đại là giải những điều bí mật và cắt nghĩa những điều khó hiểu, thế rồi đóng cửa lại xúc động, tự cho rằng mình đã cao cả vĩ đại tới mức sung sướng vô hạn. Sai lầm dễ phạm phải nhất trong đời một người có hai thứ: một là lấy mình để chê bai người khác; hai là lấy mình để suy ra người. Điều thứ nhất là đánh giá mình quá cao, đánh giá người quá thấp; điều thứ hai là cho rằng mình yêu ghét thế nào thì tất nhiên người khác cũng yêu ghét như thế, tiêu chuẩn của mình ắt là tiêu chuẩn của người khác. Bây giờ xin nói về điều thứ nhất tức lấy mình để chê bai người khác.
Kể cả rất nhiều vĩ nhân, họ rất ít khi vì đánh giá mình quá thấp mà lúc đáng thắng lợi lại không thắng lợi; họ rất ít khi co rụt lại không tiến lên hoặc khiêm nhường quá mức, hầu hết các vĩ nhân đều quen với việc hô mưa gọi gió, xoay chuyển càn khôn, song những lúc cần xử lý cẩn thận, tinh tế, cần tuần tự tiệm tiến thì họ lại làm hỏng việc. Như thế là nói hô mưa gọi gió dễ, tuần tự tiệm tiến khó; mở đầu hưng vượng dễ, kết thúc chu toàn khó; thấy lỗi của người dễ, thấy lỗi của mình khó; có được sáng suốt để biết người đã là khó, song có được sáng suốt để tự biết mình thì thật là khó càng thêm khó. Khuỷu tay bao giờ cũng quặt ra ngoài, còn bản thân bao giờ cũng xót cho bản thân. Trong rất nhiều trường hợp, trong rất nhiều mối quan hệ với người, xảy ra vấn đề cho dù là bị ghen ghét, bị làm tổn thương nhưng ở mức độ đáng kể thì lỗi lầm vẫn do mình mà có, chỉ tiếc là rất ít người quay về tìm ở chính mình.
“Hiệu ứng đói khát”
và “cái giá phải trả cho mới lạ hóa”
Về vấn đề quan hệ với người không nên quá lãng mạn. Con người rất thú vị, thường thường khi tiếp xúc với một người nào đấy, điều trước tiên nhận thấy đều là ưu điểm của anh ta hoặc chị ta. Điều này cũng chẳng khác gì kinh nghiệm ăn tiệc ở tiệm ăn. Khi bắt đầu ăn món thứ nhất hoặc món nguội nổi tiếng, ấn tượng thường là rất tốt; ăn hai món chủ vị đầu tiên cũng khen không ngớt miệng, nhưng càng ăn càng tỉnh táo ra, ăn xong bữa biệc ấy mới thấy bao nhiêu là thiếu sót. Thế là chuyển mừng sang oán, chuyển khen sang chê trách, soi mói, chuyển gật đầu sang lắc đầu. Đó là vì: một là khi bắt đầu ăn, bạn đang ở vào trạng thái đói, mà đã đói thì ăn cám cũng thấy ngọt như chè, tới lúc no thì ăn chè cũng thấy chẳng ngọt; hai là, khi mới tới một tiệm ăn, khi bạn bắt đầu nâng đũa thì cảm giác ắt mới mẻ. Có câu “chuồng tiêu mới lợp thơm đến ba ngày” cơ mà! Như thế có thể gọi là “hiệu ứng mới lạ hóa”.
Trong mối quan hệ với người cũng có loại hiệu ứng đói khát và hiệu ứng mới lạ hóa ấy. Một người bạn khi mới gặp thì cả hai cố ý hoặc vô tình đều muốn biểu hiện mặt tốt nhất của mình và ghìm nén mặt không tốt đi. Mặt không tốt này ví như thô lỗ, ví như nóng nảy, ví như so bì từng ly từng tí... Một người bạn mới chẳng khác gì một cảnh mới, một tiệm ăn mới, cho chí một cái quần, cái áo mới, một chính quyền mới cũng vậy, đều mang đến cho cuộc sống của bạn một thể nghiệm mới mẻ, một không khí mới mẻ, làm thỏa mãn cơn khát sự vật mới, thay đổi mới của con người. Kết giao lâu rồi và sau khi đã nhạt dần, mọi người sẽ phải nhìn thẳng vào hiện thực và sự thật là sự vật mới cũng sẽ phai màu biến thành cũ kỹ, đối diện với cái mới hóa ra cũng phải trả những cái giá nào đó.
Duy trì nguyên tắc quan hệ với người theo kiểu lãng mạn thì trong tiểu thuyết hoặc thơ ca có thể sẽ rất cảm động, chí ít thì cũng rất thú vị, chẳng hạn phát hiện một ai đó dung tục thì cắt chiếu ngồi riêng ra để tuyệt giao; mới gặp lần đầu, mới nghe xong câu chuyện đã rút dao giúp đỡ hoặc dập đầu thi lễ... Nhưng trong cuộc sống thực tế, những cách đối xử cực đoan hóa, tuyệt đối hóa ấy ắt cho người ta cảm giác người ấy không hiểu lẽ đời và không thể hiểu được. Cách làm đó cũng đúng như Lỗ Tấn từng nói, khi bạn diễn kịch, bạn có thể là Quan Vân Trường hay Lâm Đại Ngọc, còn khi đã bước xuống khỏi sân khấu, bạn phải lập tức bỏ hết son phấn, quần áo hóa trang để trở thành người bình thường, nếu không sẽ là giả tạo, dối đời. Ấy là chưa nói đến bị bệnh thần kinh.
Hiểu được điều này, có lẽ khi gặp lại người mới quen biết là ông mỗ mỗ nào đó mà thoạt đầu có ấn tượng đặc biệt tốt đẹp nhưng sau đó chẳng qua là như thế, sau nữa vẫn chẳng qua là như thế thì đứng trước quá trình ấy, chúng ta nên tăng thêm chút sức lực chịu đựng mới được.
Nếu yêu cầu quá cao đối với người khác rồi gửi gắm hy vọng quá lớn ở người đó thì chẳng bằng hãy yêu cầu và hy vọng ở mình cũng như thế còn hơn. Nếu hơi một tí là thất vọng với người khác thì chẳng bằng hãy tự trách mình. Đều là người thường cả, chúng ta chẳng cần tâng lên quá cao, cũng bất tất khi phát hiện ra vấn đề gì đó đã thương tâm, đau lòng quá mức.
“Nghệ thuật vị nghệ thuật”:
vô sự mà sinh sự
Rất đáng tiếc là trên thế giới có rất nhiều những tiểu tài tử chẳng có việc gì để làm nhưng lại không cam tâm chịu hiu quạnh. Họ không làm nổi việc gì đúng đắn, đã không làm nổi chính trị cũng làm không nên sự nghiệp nào, đã không biết đánh trận lại cũng chẳng biết sửa chữa máy tính; họ viết không nên sách lý luận học thuật đúng đắn, vững vàng, cũng viết không nên một tiểu thuyết, một bài thơ hoặc một cái gì đó cho ra trò, song họ lại không yên tâm làm công nhân, nông dân, dạy học trò hoặc làm nghề in; họ để tâm làm một anh hùng như Đôn Kihôtê song lại không có dũng khí thách đấu với cối xay gió, thế là họ nhiệt tình tham gia nhóm gọi là văn nhân, học giả rồi tung tin, lập thuyết, ào lên kiếm chuyện, cãi lộn máy móc, chỉ sợ thiên hạ không loạn mà thôi. Nói trên phương diện khác, việc đó cũng không phải hoàn toàn vô lý, hoàn toàn vô căn cứ. Trong nhóm những văn nhân, học giả ấy đã có đúng sai, va chạm, đã có người thích thú với những tin tầm phào. Nào Lý đó dốt, nào Trương đó tài, quả thật đã có những cái gọi là người thành công, họ tự cảm thấy mình quá tài giỏi, phô diễn kiểu cách không đáng phô, và còn chó lớn sủa thì chó nhỏ cũng sủa, kể cả những nhóc con muốn làm chó nhưng chỉ làm được mèo, chuột, có lúc muốn sủa một tiếng và nhờ tiếng sủa ấy mà kiếm được mấy đồng nhuận bút. Đó cũng là quyền làm người của họ, vậy thì đừng ngại nghe loại nhân vật hạng hai, hạng ba, hạng bốn lên tiếng. Có lúc họ sủa đúng, có lúc như mèo mù vớ phải chuột chết; có lúc tóm được một lầm lỗi, một sở đắc nào đấy, cũng có tác dụng tiêu khiển, giải buồn. Điều đặc biệt là họ có thị trường, thậm chí còn có được thị trường lớn hơn so với sáng tác văn học nghiêm túc. Viết những thứ của họ, đọc những bài của họ dù sao cũng tốt hơn tụ tập đánh bạc, đả nhau, say rượu hoặc luyện Pháp luân công!
Thực ra ngành nào, nghề nào cũng có những người như thế. Sông lớn có tôm, ba ba; núi sâu rừng rậm có côn trùng, có kiến; xó xỉnh nào cũng có người chẳng có chuyện gì mà sinh chuyện ra; người gây chuyện thị phi, người ngả theo chiều gió, chẳng có cớ gì cũng làm ồn, có người nhân nước đục béo cò, đầu cơ trục lợi, có người không sao hiểu được, tự thổi phồng đến mức ở đâu cũng chứa không nổi. Chí ít thì cũng là người nói quá sự thực, cuối cùng không dùng được vào việc lớn, hoặc là người khi muốn leo cao sẽ chạy theo đuôi kẻ mạnh, có người bụng dạ hẹp hòi, ghen ghét người tài giỏi, có người hơi làm nên một chút đã phát sốt, phát rét... Nhưng không có những thiếu sót đó thì chẳng khác gì nhân loại không có những phẩm chất tốt đẹp, do đó thế giới không còn là thế giới nữa.
Tôi thậm chí còn phát hiện có người tung tin thất thiệt, gây chuyện thị phi không hề vì ý đồ bất hảo gì lớn, anh ta hoặc chị ta và đương sự, hai bên không thù không oán, không hề có quan hệ được mất, yêu ghét với sự việc được tung ra. Thói thích thú với những tin đồn thất thiệt đó chỉ là sự yêu thích nghiệp dư, một kiểu nói vung nói vít do buồn bực vì không có gì để nói, chỉ là một lối tiêu khiển thay thế trong điều kiện không có hoạt động vui chơi. Tôi gọi thói đó là “nghệ thuật vị nghệ thuật”. Bất tất cần nghiêm túc quá.
Mặc dù rất nhiều người xì đằng mũi việc làm đó thì bạn vẫn không có cách nào tiêu diệt hẳn hiện tượng này, chỉ có thể giữ lòng bình thản đối với nó. Lúc đó nên nghiến răng nắm vững việc mình thật sự cần làm và tiến hành “xây dựng cơ bản”. Anh ghen ghét tôi, tôi làm công việc của tôi; anh bỗng nhiên lớn tiếng tâng bốc tôi, tôi cứ làm công việc của tôi; anh lôi kéo một số người vây ráp tôi, tôi làm công việc của tôi như thường lệ, dùng thành tích thực sự của công việc để đáp lại những lời ong tiếng ve, dùng tinh thần trách nhiệm kiên trì không nao núng để đáp lại ý đồ làm thương tổn vô trách nhiệm, dùng thái độ không thèm đếm xỉa mọi tranh chấp hoa hòe hoa sói nhàm chán, dùng cách tìm ở chính mình để không ngừng suy ngẫm lại, không ngừng sửa đổi và hoàn thiện bản thân.
Người tị người, tức chết người?
Vẫn cần học Lão Tử
Đương nhiên cũng có một trường hợp khác. Bạn quả thật chỉ bình thường, thành tích không nổi trội, bản thân không có tài, lại cũng không có cha mẹ là ông to bà lớn, không có quan hệ xã hội chí cốt để trải đường và bắc cầu cho bạn, vì thế bạn luôn cảm thấy mình xui xẻo trong việc cấp nhà, đề bạt, xét học hàm, học vị cùng các loại công việc khổ sai hay ngon lành, có màu hay nước trong, ưu đãi hay làm khó cho nhau. Nhìn sang người khác, bạn cho rằng họ còn giá áo túi cơm, còn tầm thường hơn bạn, họ vì nhờ quan hệ, nhờ kiếm được mối, nhờ vận may, nên sống tốt hơn bạn. Thế là câu danh ngôn “người tị người, tức chết người” được tha hồ hành đạo.
Về mặt này, chúng ta có nhiều cách nói: ngựa lành người cưỡi, người lành người cưỡi; càng nghèo càng bị xơi tái, càng lạnh càng hay mót đái! Về mặt này, trước hết là cần tìm trúng, tìm được, tìm chắc ưu thế của mình. Tuy không phải đại tài song bạn cũng có chỗ khả thủ. Nói một cách tương đối, bạn nên phát huy sở trường của mình, nhất thiết không nên xa rời điều kiện của mình, sở trường của mình. Đứng núi này mà trông núi khác, như thế thì bạn ắt cảm thấy mình sống ở nơi khác. Nếu quả thật bạn không thấy mình có sở trường nào cả thì e rằng bạn phải nhận thua thiệt vậy. Người Bắc Kinh gọi như thế là “nhận rắm”(1). Đồng thời nếu bạn cảm thấy đãi ngộ thực sự không công bằng, bạn cũng có thể dựa vào lý lẽ mà cố giành lấy, cho dù phải chĩa mũi nhọn hay đem theo chút mùi thuốc súng cũng được. Theo một ý nghĩa nào đó, tranh nhau, cố tranh, tranh giành, tranh cãi nói chung là cách thức của kẻ yếu. Bạn đã nhận quả thực mình là kẻ yếu, vậy nên tôi không khuyên bạn đừng tranh. Tôi chỉ muốn khiến bạn vô vi mà lại không việc gì không làm, khiến bạn không tranh với đời song không thể cho bạn biện pháp để tranh giành. Thuyết “vô vi nhị trị”(2) của Lão Tử có chỉ số thông minh rất cao, là một cảnh giới lý tưởng, tức hóa cảnh, không phải ai cũng đạt được, làm được.
Tôi không có ý thủ tiêu mọi cuộc đấu tranh, càng không cần phải giảng giải về nhiệm vụ đấu tranh mà cả nước đã nhất trí. Trong trường hợp đặc biệt tất yếu, đối với những người cứ làm loạn không chịu thôi thì có thể cần phải đấu, cần phải thắng, cần phải cho biết thế nào là lợi hại. Như thế phải nắm lấy điểm yếu chí mạng của họ, lắp máng trên mái nhà cao, thế nước ắt như chẻ tre. Lại còn phải nghĩ tới các mặt thiên thời, địa lợi, nhân hòa, cần đứng cho cao, nhìn cho xa, biết cách xét từ đại cục mà đưa ra vấn đề để giải quyết, chứ tuyệt đối không thể là lối xâu đi xé lại giữa cá nhân với nhau. Đồng thời còn phải biết điều động nhân tố có lợi của mọi mặt, thừa nhận giáo dục bằng lời không bằng lấy hành động làm gương để giáo dục, đấu bằng lời không bằng đưa ra thành tích thực tế, tự mình nói không bằng mọi người nói. Có đấu đi đấu lại chăng nữa cũng vì để tâm ở xây dựng, coi trọng xây dựng, để ý ở đại cục thì bao giờ cũng cao hơn cảnh giới của đối thủ đến tám thước tám; không bao giờ phát tiết nỗi bực dọc cá nhân, phân trần cá nhân, ra oai cá nhân...
Một số quy tắc của vô vi
Thôi được rồi, bạn đã tranh đấu, bạn đã làm điều “chẳng vui hay sao”(1), bạn đã nổi giận, đã bất mãn và cũng đã “chiến đấu” rồi. Vậy thì:
1. Xin chớ nên quên, ở một số sự việc, làm “vi” mà kết quả vẫn là không làm (vô vi), mục đích của tranh không phải là biến thành kẻ có thói quen thích đấu, thích tranh, mà là khi đã giải quyết được một ít vấn đề rồi thì không tranh, không “làm” nữa. Như thế thì mới làm được cái gì đó (hữu vi) cho công việc chính đáng, cho sự nghiệp và những việc khác càng có ý nghĩa hơn.
2. Tranh một hồi vẫn không có hiệu quả thì thở dài một cái rồi cho đi luôn. Trên đời có một số việc phải nhờ tranh, nhờ “làm” (vi) mà có và cũng có một số việc mà điều kiện chủ quan, khách quan đều chưa hội đủ, do thời cơ chưa chín muồi, gọi là “thượng phi kỳ thời” (còn chưa đúng lúc) thì “làm” cũng uổng công, tranh cũng uổng công, chi bằng kiên tâm chờ đợi. Biết chờ đợi cũng là một bản lĩnh, cũng là một sở trường, nếu bạn quả thực không có bản lĩnh, sở trường nào khác. Đương nhiên chờ đợi không có nghĩa là hoàn toàn ngồi suông một cách tiêu cực. Bạn vẫn phải làm một vài việc tích cực, có ý nghĩa, chí ít cũng nên tăng cường học tập trong khi chờ đợi, làm cho tự thân đầy đủ, lớn mạnh lên để có được điều kiện chủ quan tốt hơn.
3. Tránh thiếu bình tĩnh, tránh chạm đến lửa tam muội(1), tránh vì tranh đấu với một vài người nào đó mà làm ảnh hưởng đến học tập, công việc, ăn uống, ngủ nghê, vui chơi thoải mái của mình; tránh những hành động khinh suất bất cần hiệu quả do bốc đồng mà có.
4. Vững tin phải trái ắt có công luận, vững tin mỗi người đều có chí, mỗi người đều có cơ hội. Vừa cưỡi lừa vừa nhìn sách hát, để rồi xem! Nói cho cùng vẫn là hãy xét bản thân, xem mình có phân lượng lớn đến đâu.
Vướng vào tranh chấp là một bi kịch lớn
Bi kịch lớn của một đời người là công việc chưa làm được bao nhiêu đã vướng vào tranh chấp với người khác. Thế là né trái, xông phải, thế là sức mòn lực kiệt, thế là máy móc đấu tranh, thế là tung hoành vung tay, thế là thân thân thù thù, thế là âm dương quái khí, thế là hễ gặp người là kể khổ như chị Tường Lâm(1), cuối cùng văn viết không nên, sách đọc không nổi, lý luận không biết phân tích, thị phi không biết phân biệt, xấu tốt nhìn nhận không ra vì chỉ chăm chăm đấu với người khác. Thế là ai phụ họa với mình đều là người tốt, bất kể là kẻ đầu cơ hay tên lừa gạt cũng vơ tuốt; hễ ai có ý kiến khác với mình đều là người xấu, bạn nói thẳng, bạn lâu năm đều nhất loạt bài xích, lòng dạ hẹp hòi, ý nghĩ cố chấp, tính khí hợm hĩnh, nghi ngờ lung tung, ca cẩm cằn nhằn. Thế là việc đúng đắn đều để lỡ, tự mình biến thành “nhà gây gổ”, kẻ âm mưu, biến thành người mắc bệnh đấu đá, lòng dạ trở nên hẹp hòi, không thiết gì đến đại cục, trở thành quái vật lấy mình làm thước đo, đầu óc u mê, như thế rồi mà còn cho mình là đúng đắn, là vĩ đại.
Bởi vậy, đối với đủ loại vấn đề trong mối quan hệ với người, có thể tìm hiểu, có thể quan sát, phân tích, có điều làm theo và có điều không làm, chứ tuyệt đối không nên chấp trước, mê mẩn, không thể dùng kỹ xảo làm người át đi nền tảng làm người. Mọi cách làm nhằm xử lý mối quan hệ với người được chính xác, đắc địa thì để ý làm theo không bằng vô tâm mà có; nếu nói đó là một ngành học, một loại bản lĩnh thì không bằng bảo đó là một loại tính cách, một loại tố chất; nếu bảo rằng dùng những cách làm đó thì đánh đâu cũng thắng, không bằng bảo chúng cút đi cho rồi. Không cốt cầu thắng thì kẻ địch mới không trận nào không thất bại, thất vọng. Thế là đến đâu cũng thắng, hoặc nói là không đánh mà thắng. Để tâm giành thắng thì khó thắng, vô tâm thành công thì tự có công. Càng cố hiểu thông quy luật của quan hệ với người thì càng nên hiểu rằng môn học quan hệ khó lòng lên được tòa nhà đại nhã, càng nên hiểu tự mình phải có chủ ý, tự mình phải biết theo đuổi giá trị đích thực.
Quan hệ tốt cố nhiên là tốt, quan hệ không được lý tưởng thì đành để mặc cho nó qua đi, đồng thời thong thả đợi cơ hội chuyển biến. Các mối quan hệ nếu hợp thì giữ lại, nếu không hợp thì thôi; đến thì “chào nhé!”, đi thì “bai bai!”, như thế trên người ai ai cũng không mất một mảy lông. Giành được cảm tình tốt về các mặt, tất nhiên là đáng mừng, nếu để lại ảnh hưởng không hay thì đành tổng kết kinh nghiệm để rồi làm lại từ đầu, không để nó ảnh hưởng đến chủ ý của mình. Bạn là người làm việc, vậy thì nên cố gắng chuyên tâm làm tốt việc đó; bạn là người làm văn thì nên cố gắng chuyên tâm viết văn cho hay; anh là cầu thủ thì nên cố gắng chuyên tâm đá bóng cho nghề; anh là ca sĩ thì nên cố gắng chuyên tâm hát cho siêu.
Nếu ai đó lấy quan hệ làm điểm lập thân thì sẽ thất bại vì những mối quan hệ ấy; lấy thành tựu trong sự nghiệp để lập thân thì tuy có thể nhất thời cũng chịu ơn hoặc bị hại vì quan hệ nhưng không thể bị quan hệ quyết định mãi mãi. Quan hệ luôn biến đổi, còn thành tích thì tồn tại tương đối ổn định. Một số nhân vật hạng ba, hạng bốn chỉ sợ không ai hỏi đến nên không ngại làm ầm ĩ lên và gây rối. Bọn ta chẳng có cách nào hơn, chỉ biết tránh họ mà còn lo không kịp. Anh cứ việc làm cái chuyện gây gổ của anh, tôi làm công việc thiết thực của tôi; anh cứ việc nhảy phốc lên cao tám trượng mà làm loạn, tôi vẫn làm công việc thiết thực của tôi; anh làm rộn lên để lấy lòng quần chúng, còn tôi vẫn làm công việc thiết thực của tôi; anh khản tiếng hết hơi, hô to hô nhỏ, điệu cao lên đến tận mây, nói ghê gớm cho ai nấy sợ, làm bộ làm tịch, vừa bịp vừa đe, tôi vẫn cứ chuyên tâm dốc chí làm việc thiết thực của tôi. Cứ như thế ngày ngày tích lũy chẳng lẽ ai cao ai thấp, ai thắng ai thua còn hồ nghi được sao?
Tham chiến nhằm đề cao mình không bằng tỏ rõ bản lĩnh
Đương nhiên tôi không có ý đề xướng khi ai đó tát má trái của bạn thì bạn nên chìa má phải ra; tôi không có ý đề xướng thuyết duy hòa (chỉ giữ hòa khí) hoặc thuyết tiêu diệt kiểu đấu tranh giai cấp; tôi cũng không có ý trở về khởi điểm cuộc thảo luận của chúng ta - tức quan hệ với người là chuyện bẩn thỉu, chúng ta nên ngoảnh mặt đi một cách thanh cao. Bạn nên có hiểu biết, bạn nên có vũ khí, nên có khả năng phòng ngự và chuẩn bị phòng ngự, bạn không cần sợ bất kỳ bọn thích nổi nóng, thích ghen tị không chính phái, không có lý tính, không cần lý lẽ. Bạn có thể phòng vệ chính đáng, tự vệ chính đáng và phản kích, khi cần thiết cũng có thể cho những kẻ mềm nắn rắn buông biết thế nào là lợi hại với ấn tượng sâu sắc; nhất là tôi không phản đối bạn thuận tay cho hắn một đòn. Tôi muốn nói trong khi làm nghề chính đáng của mình, khi thuật lại nghề chính đáng của mình, bạn đừng ngại thuận tay cho kẻ quấy rối một đòn phản kích. Thực ra thành tích của bạn đã là đòn đánh trả tốt nhất rồi, khi bạn trả đũa những người ấy, bạn không cần vạch trần chân tướng của họ song cũng có thể ngẫu nhiên nhắc đến để cho kẻ quấy rối kia bị bẽ mặt. Nhưng hành động này chỉ nên làm lúc tình cờ, chỉ nên tình cờ “đùa” một chút, không nên làm nghiêm túc, không nên tham chiến, không nên bám riết lấy kẻ không đáng bám riết, không thể biến việc phòng vệ chính đáng kẻ quấy rầy thành nghề chính của mình, càng không thể biến việc đó thành thú vui, ham muốn. Đấy không phải là chơi cờ hoặc đánh mạt chược, không có chút gì là vui thú cả. Song cũng không cần bi tráng một cách nghiêm túc, thấy cặn bã cũng “cặn bã”, thấy keo kiệt thì đem ra làm trò cười, thấy xấu xa cũng xấu xa. Chỉ cần điểm trúng thì thôi, như thế cũng đủ cho anh ta hoặc chị ta “xài” rồi.
Khi có mâu thuẫn trong quan hệ với người, không nên hơi một tí là đem Lỗ Tấn ra so. Cần biết rằng Lỗ Tấn có hoàn cảnh của Lỗ Tấn, lúc đó là đêm trước của cách mạng, lúc đó là thời kỳ cao trào của cách mạng thực sự cần lấy đấu tranh giai cấp làm cương lĩnh, lúc ấy là thời kỳ thiên hạ chưa bình định, anh hùng thời loạn nổi dậy bốn phương, lúc đó là thời đại bi tráng, là thời đại bi kịch, là thời đại của Phương Chí Mẫn và Cù Thu Bạch, là thời đại của Giang Thư (chị Giang) và Lý Đại Chiêu(1). Mọi hành động lớn nhỏ nhằm xuất kích hay tự vệ của đại sư Lỗ Tấn đều là một bộ phận nằm trong toàn bộ cao trào cách mạng, là một bộ phận của biến cách bi thảm và lẫm liệt giữa cái chưa chết hẳn và cái mới sinh ra, là một bộ phận của cuộc đấu tranh anh dũng và bi tráng của dân tộc Trung Hoa, là một bộ phận của sự sáng tạo lịch sử khảng khái đảo lộn trời đất, dám đổi mới cả nhật nguyệt. Đó đâu phải là kết quả do Lỗ Tấn đam mê với đấu tranh trong quan hệ với người, xin đừng hiểu lầm mà xác định sai tính chất, lấy lòng dạ kẻ tiểu nhân đo lòng dạ bậc đại gia. Ngày nay, cả hai bên tranh chấp đều hơi một tí là đem mình ra so bì với Lỗ Tấn. Kẻ phấn khích theo hướng cực tả, cực hữu và người cực tự cao tự đại đều có thể giương lá cờ lớn Lỗ Tấn cùng với một số ít người cũng giương lá cờ lớn Lỗ Tấn gây cuộc chiến riêng tư nhằm đề cao mình, gạt bỏ kẻ khác mình, như thế ắt không tránh khỏi đậm sắc thái trò hề hơn nữa.
Ở đây phải biết rằng: một là, môn học quan hệ có ích song ích lợi đó chỉ có hạn. Phải trái, công tội, thành tích to hay nhỏ dù sao cũng có trước do khách quan; tự cổ súy, tự đánh trống khua chiêng cũng thế, hạ thấp người khác, tự tâng bốc để “tiếp thị” cũng vậy, tác dụng của những việc ấy không thể vượt quá nhiều thước đo khách quan. Ai cũng không phải đồ ngốc, không phải là đứa trẻ thiểu năng về trí thông minh, hễ thấy quảng cáo cái gì là tin cái đó. Bản thân việc hạ thấp người mà hạ thấp được cũng chẳng cao cả gì, bị hạ thấp mãi mà không hạ thấp nổi, ấy mới là người có công phu. Quan hệ học thái quá, tâng bốc học thái quá, hễ thời gian thao tác kéo dài thì sẽ gây tác dụng ngược lại.
Hai là, tuổi xuân của con người có hạn, thời gian quý báu nhất chỉ có hạn, tinh lực và trí tuệ đều có hạn. Nếu bạn dồn linh tực để làm tốt quan hệ, để phản kích kẻ quấy rối thì điều đó đã trở thành sự cản trở lớn nhất cho sự nghiệp của bạn, cho công tác của bạn rồi. Như thế bạn còn có thể có bao nhiêu thành tích hơn người? Không bao giờ được quên rằng phản kích người quấy rối chỉ là thủ đoạn chứ không phải là mục đích; mục đích là phải làm nên thành tích, góp phần xây dựng, đưa thành quả, tác phẩm ra. Có thành tích nhưng không được đánh giá tốt cố nhiên đáng buồn, nhưng được đánh giá tốt mà lại không có thành tích thì càng đáng khinh bỉ, càng lấy làm điều sỉ nhục.
Ba là, trong sự hợp tung liên hoành ở mối quan hệ với người, điều bộc lộ của cá nhân trước hết thường không phải là nhược điểm của người đối lập với mình mà chính là nhược điểm của mình. Bạn nóng lòng sốt ruột muốn có lợi ngay, bạn đuổi danh theo lợi, bạn cổ súy khoe khoang, bạn ghen ghét người tài giỏi, kể cả lôi bè kéo cánh trong nhóm của bạn, tất cả đều lộ mặt trong khi bản thân bạn còn chưa kịp nhận ra. Có thể sự thao tác quan hệ học của bạn làm tổn thương người được một phần thì rất có thể đồng thời làm tổn thương bạn đến hai phần; có thể thao tác của bạn đề cao mình được một phần thì đồng thời cũng hạ thấp bạn đến hai phần. Những sự việc như thế phỏng còn ít hay sao?
Điều quan trọng nhất trong đời người là biết “không làm cái gì”
Một người làm nên được một việc nào đó cần rất nhiều điều kiện, có quan hệ tốt với người khác chỉ là một trong những điều kiện đó, điều kiện thực lực mới càng quan trọng hơn. Cơ hội cũng rất quan trọng, nghĩa là nói điều kiện khách quan cũng rất quan trọng. Còn có rất nhiều nhân tố tạm thời và ngẫu nhiên, thêm nữa là nỗ lực chủ quan mới mong có hy vọng. Không hiểu biết tất cả những điều trên, chỉ một mực hoạt động, thao tác, tranh giành đòi cho được thì thường thường là những hành động khinh suất, uổng phí tâm cơ, kéo mạ cho mau lớn(1), leo cây kiếm cá, nhọc lòng mà chẳng nên, chỉ tổ mệt vì chạy vạy.
Mấy chục năm nay, nhất là vài ba chục năm gần đây, tôi cũng kể được là đã thấy đủ. Có người suốt ngày loan tin mình sắp lên tận mây xanh, có người suốt ngày đi ra đi vào, có người suốt ngày tỏ ý khoe khoang, lại có người suốt ngày chửi mèo mắng chó, cố ý cho mọi người tin rằng toàn Đảng, toàn dân đều không phải với anh ta. Người như thế cuối cùng sẽ ra sao? Kiểu biểu diễn ấy của họ, ngoài việc tự bôi xấu ra, hỏi có tác dụng hữu ích nào đối với xã hội, với loài người, với lịch sử, thậm chí đối với cá nhân, với gia đình họ?
Một người nên biết mình có thể làm được gì, nên làm gì, phải làm gì; càng nên biết không nên làm gì, không cần làm gì vì thực ra làm cũng không làm nổi. Ví như, nói rất quan trọng. Truyền bá tư tưởng, xác định phương hướng, phân phối tài nguyên, thi hành quyền lực, phần lớn đều phải thông qua nói để tiến hành. Nhưng mặt khác, nói rất nhiều mà tác dụng không lớn, nói rất nhiều lời kiên quyết chẳng qua là lấy mẽ mà thôi. Nhắc đến nói, chúng ta đã từng rất coi trọng nói, những là một lời nói có thể làm đất nước hưng thịnh, một lời nói có thể làm mất nước, chẳng thiếu điều gì. Để ca tụng Stalin, nhà văn nổi tiếng của Liên Xô trước đây là Pavrenkô đã viết một truyện ngắn lấy tên là Sức mạnh của lời nói, nhưng lời nói đấy cũng chưa lên tới cao trào như trong “Cách mạng Văn hóa”. “Cách mạng Văn hóa” đúng là ngày hội cuồng hoan của lời nói. Bao nhiêu lời hay, lời trung, lời nghị luận cao siêu, ăn to nói lớn đều đã nói hết, nói thấu, nói đến trơ cả đáy; bao nhiêu lời phê phán, bôi xấu người, chửi rủa người, đe dọa người cũng đều nói cả. Diêu Văn Nguyên là kẻ giỏi nói sau người khác, còn Lâm Bưu khá biết cách nói trước người khác. Đã từng có nhiều lời nói của Diêu, của Lâm trong “Cách mạng Văn hóa” trở thành chuyện cười.
Như thế là nhận thức được sức mạnh quan trọng của lời nói vốn chưa đủ, còn phải nhận thức được có lúc không cần nói nhiều, nói cũng bằng thừa, hoặc giả không nên nói thì hơn. Chẳng hạn hơn hai mươi năm gần đây, không tranh luận về phương châm là đã biết tổng kết kinh nghiệm rút ra từ phương diện vô tác dụng, làm hỏng việc của lời nói. Suy nghĩ, cân nhắc về nguyên tắc mà không tranh luận, điều đó không những có ý nghĩa rất lớn đối với chính trị của quốc gia mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với việc làm của mỗi người. Đồng chí Đặng Tiểu Bình tự nhận “không tranh luận là một phát minh của tôi”, đó không phải là câu nói tùy tiện mà đó là lời nói kết tinh từ văn hóa Trung Quốc, hơn nữa còn được tổng kết từ lịch sử cận đại, lịch sử cách mạng, lịch sử nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Trung Quốc gần trăm năm nay.
Cái miệng là rất lợi hại, tục ngữ có câu “chúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết”(1), nhưng đó là chúng khẩu, miệng của nhiều người, còn miệng của một người thì vị tất đã có sức mạnh đến thế. Một cái miệng nói thế này, mấy cái miệng rất có thể nói cách khác. Chúng khẩu cũng phải xem có phải là chúng khẩu thật sự hay là chúng khẩu nhao lên hoặc bị bắt buộc. Chẳng hạn trong “Cách mạng Văn hóa”, chúng khẩu nhất tề đánh đổ Lưu Thiếu Kỳ, chúng khẩu đồng từ thề chết bảo vệ người này, bảo vệ người kia, nhưng kết quả thì sao nào? Chỉ có chúng khẩu thật sự thay mặt cho dân mới có sức mạnh nấu chảy vàng. Vả chăng, chúng khẩu nấu chảy vàng chỉ là một mặt của sự vật chứ không phải toàn bộ. Còn mặt khác là vàng mười chẳng sợ lửa nung, là thứ vàng đãi hết sa khoáng mới có được. Mặt khác cũng có khi chúng khẩu ngả theo gió, cũng có khi có cả “đại đa số im lặng”. Nên biết rằng trên đời, ngoài “gào thét thì gió mây biến sắc”, còn có “lặng thầm mà núi non sụp đổ”.
Vô vi cũng là một bài hát
Nhân đây tôi muốn nói một vấn đề, đó là thuyết “vô vi nhi trị” của Lão Tử. Đương nhiên, điều đó không phải tuyệt đối. Vô vi nhưng không gì mà không làm, mục đích của vô vi là hữu vi chứ không phải là ngủ, ngủ vùi không tỉnh. Chúng ta hãy bình tĩnh, khách quan mà nhìn thế giới, người làm trò hề thường không phải là người tiêu cực lùi bước mà là người hành động khinh suất. Bảo người làm trò hề là do không biết, ít biết chẳng bằng nói do không biết mà tưởng là biết; nói người nguy hại cho nhiều người là người cẩn thận từ cái nhỏ, không bằng bảo đó là người nói khoác lòe đời. Kẻ xấu, kẻ ngốc thường có cảm giác tốt đẹp quá mức về mình chứ không phải là người thiếu niềm tin. Nhi đồng, thiếu niên, chưa được học hành, trí tuệ chưa được khai thông nên mất tiếng nói, những người ấy không có gì đáng xấu hổ, nên được mọi người thông cảm, giúp đỡ. Nguyên nhân là vì họ không hề tự cao tự đại, cho mình hơn người và dựa thế làm càn.
Đương nhiên, ngay bản thân hai chữ “vô vi” đã rất đáng tranh luận. Cuộc đời phức tạp, bất kỳ người nào cũng có thể đưa ra hàng ngàn thí dụ để chứng tỏ vấn đề chủ yếu trong thái độ nhân sinh của người Trung Quốc là tiêu cực, tránh né chứ không phải ngược lại. Vậy thì điều chúng ta cần đề xướng nên là hữu vi chứ không phải vô vi. Thôi được, tôi cũng cảm thấy cách nói “vô vi” của Lão Tử hơi nghệ thuật quá, lãng mạn quá, triết lý quá. Hai chữ này nói là luận đoán khoa học không bằng nói là cảm thụ về cái đẹp; nói là một loại nguyên tắc không bằng nói là một cảm giác, là một loại cảnh giới chứ không phải là quy định cụ thể. Nhưng hai chữ này lại quá tuyệt vời, quá truyền thần (để lại ấn tượng sinh động như tranh truyền thần), quá sinh động, vì vậy tôi tình nguyện nói riêng hai chữ này. Đó cũng là một thí dụ về luận điểm trái lẽ trong ngôn ngữ chăng? Cũng như câu “đọc sách càng nhiều càng ngu” của Mao Trạch Đông, nếu nói theo mốt hiện nay thì cũng là một thí dụ về sự phiến diện sâu sắc. Mấu chốt ở chỗ linh khí có ở tự thân chúng ta, tự thân không giáo điều, không giả dối, không cố ý cãi bừa, không đọc cứng nhắc, đọc mà chẳng hiểu gì.
“Vô vi” và một số danh ngôn khác của Lão Tử, do chúng có tính hàm súc, thần kỳ, kỳ diệu, có tính triết lý và lãng mạn, vì thế hay dẫn đến hiểu sai. Cách hiểu sai thứ nhất là cho rằng Lão Tử quá tiêu cực, thực ra Lão Tử chỉ sâu sắc hơn người thường, người tục có một vài bước. Tệ hơn nữa là cho rằng những thuyết rất thấu đáo của ông như “không tranh nên thiên hạ không ai tranh được với mình”, “vô tư (không riêng tư) cho nên hình thành cái riêng tư của mình”, hay “muốn lấy cái gì ắt cho cái đó”(1) là học vấn của kẻ âm mưu. Thực ra âm mưu hay không âm mưu thì phải xem ai dùng, dùng vì cái gì, dùng như thế nào; lấy cảnh giới âm mưu để xét thuyết vô vi, nhiều nhất làm mấy bận âm mưu còn làm không được giống, đủ thấy kẻ âm mưu không hề có loại nào có khí phách, có điềm tĩnh, có lòng rỗng không như hang núi và biển rộng trời trong bằng “vô vi nhi trị”. Vô vi là một loại cảnh giới, cao sơn ngưỡng chỉ, cảnh hành hành chỉ, tuy không tới được nhưng tâm hướng tới(2). Vô vi là một loại nghệ thuật, một sự thấu suốt, một loại thiên mã hành không, tự do tự tại, lòng hiểu tay làm, không để lại vết tích. Vô vi là thiên đạo chứ không phải thường đạo (đạo hàng thường, bất biến), là lý lẽ diệu kỳ chỉ có thể hiểu bằng ý chứ không thể truyền đạt bằng lời. Vô vi là sự hưởng thụ tinh thần, là sự bay bổng của tinh thần, là sự giải phóng của tinh thần, là sự co duỗi của tinh thần, là ý viết hoa và điệu múa hiện đại của tinh thần. Bạn có thể hưởng thụ vô vi nhưng cố gượng cầu, cố giải thích, cố thao tác, cố vào vai thì rất khó.
Vô vi là một loại bài hát, ai cũng có thể hát bài hát đó song cách hát của mỗi người đều có chỗ khác nhau. Vô vi lại dường như một bản nhạc giao hưởng, bạn có thể thưởng thức, cảm thụ, liên tưởng, suy nghĩ, khen ngợi song không thể nói là đã rõ, đã hiểu hết, không thể nói đã biết sử dụng và sử dụng có hiệu quả. Nhân tiện đây xin nói trước tác của bách gia chư tử thời Tiên Tần nên dùng tâm thái bán thẩm mỹ để đọc và nhấm nháp, nếu không sẽ đọc Luận Ngữ, Mạnh Tử như đọc sách đạo học (tức giáo điều, mất hết hơi thở của cuộc sống), coi sách của Lão Trang như sách âm mưu, hoặc tiêu cực, giả vờ điên đại, ngốc nghếch, thậm chí cả Kinh Thi cũng đọc như đọc sách giáo hóa của vua tôi. Đọc như thế há không mang lại tai vạ hay sao?
Vậy thì chúng ta hãy đổi sang một cách nói khác, đó là một người cần phải có điều không làm thì mới có điều làm được, một người mệt mỏi vì bất kể việc lớn nhỏ nào cũng để tâm thì sẽ không thể có thành tích, một người tính toán so bì cái lợi nhỏ như đầu nhặng thì không thể làm nên việc đáng kể, một người nhiệt tình với quan hệ học không thể làm nên một việc gì đúng đắn, một người cố sức viết những bài văn bề ngoài thì không bao giờ có độ sâu, một người chỉ chăm chăm muốn làm nên thì trái lại khó thành công được. Nhất định phải gạt đi nhiều sự cám dỗ, chẳng những cám dỗ về thanh sắc, tiêu thụ, hưởng lạc cho chí khuyển mã, mà cả những cám dỗ làm rộn lên chút ít để được gần cái lợi, nhanh chóng thành công, kể cả cám dỗ của bí quyết đi đường tắt mà được việc, làm ít mà được công lớn thì có như thế mới làm nên được việc đáng kể.
Cố ý trồng hoa hoa chẳng sống, vô tâm cắm liễu liễu thành hàng, hai câu này ngoài việc chứng tỏ tính ngẫu nhiên trong sự phát triển của sự vật còn chứng tỏ nếu quá để ý làm gì đó thường thu xếp, thao tác thiếu thỏa đáng, càng cố gượng cầu thì càng không được. Người hữu ý cần phải xem ý của mình có phù hợp quy luật khách quan hay không. Phù hợp với quy luật khách quan thì càng cố gắng càng có hiệu quả, còn có cố gắng đấy nhưng không phù hợp quy luật khách quan thì càng cố gắng càng hỏng.
Khi càng muốn thắng thì trái lại
càng dễ bị thua
Một lần tôi hỏi ông Chu Cốc Thành tuy tuổi rất cao nhưng còn khỏe mạnh: “Đạo dưỡng sinh của bác là gì ạ?” Ông đáp: “Có nói thì người khác cũng không tin, đạo dưỡng sinh của tôi gồm ba chữ chẳng dưỡng sinh. Xưa nay tôi không hề nghĩ tới dưỡng sinh hay không, mọi ăn uống ngủ nghê hoạt động đều để cho tự nhiên hết.” Lời ông nói quá hay và càng sâu sắc hơn đối với những người uống thuốc bổ đến sinh bệnh, luyện khí công đến tẩu hỏa nhập ma, chạy quá lâu đến đột tử, lại còn Tần Thủy hoàng, Hán Vũ đế... theo đuổi loại thuốc sống lâu không già, phủ Ninh Quốc nhà họ Giả luyện đan, uống đan cuối cùng chết vì đan. Đương nhiên, tôi không có ý phủ định tính quan trọng của việc rèn luyện, sắp xếp, ăn uống, sinh hoạt điều độ.
Năm 1996, tôi sang Đức, xem trên truyền hình trận bán kết cúp bóng đá châu Âu được tổ chức tại nước Anh giữa đội Anh và đội Đức. Đội Anh ở vào trạng thái rất tốt, lại đá trên sân nhà nên nắm chắc phần thắng. Đội Đức lúc đó cũng đang ở thời kỳ đỉnh cao. Hai đội đá hòa, đá thêm vẫn hòa, phải đá luân lưu để phân thắng thua. Đội Anh cực kỳ hưng phấn, đá vào được quả 11 mét, các cầu thủ sung sướng như điên; còn đội Đức rất bình tĩnh, đá vào một quả 11 mét dường như không có phản ứng gì. Sau đó đội Anh thua. Tôi bình luận rằng: “Đội Anh quá nóng lòng muốn thắng bởi vậy mới trái lại thành thua”. Bạn tôi, một nhà Hán học người Đức nói: “Đấy là lời bình luận đúng kiểu điển hình của Trung Quốc, người châu Âu không làm sao hiểu được lôgích của anh!”
Xung quanh chúng ta chỗ nào cũng có những việc như thế. Những người chăm chăm cầu quan thì có thể làm quan to được đến đâu? Người chăm chăm cầu danh, có thể nổi tiếng đến mấy? Người tự cho là bậc tinh anh, có được bao nhiêu tác phẩm? Người chỉ sợ người khác phản đối mình có tránh được ai đó phản đối hay không? Người chỉ lo việc gì cũng bị thiệt thì có thể giành được bao nhiêu lợi? Người làm bộ làm tịch thì vì làm bộ, khoe mẽ nên chẳng phải càng giống một vai hề chứ không phải đại sư? Khua chiêng đánh trống, tâng bốc, quảng cáo chẳng phải càng tiết lộ “tác phẩm”của mình không có khí lực hay sao? Còn có người suốt ngày luận chứng bản thân luôn luôn đúng đắn, thậm chí lợi dụng quyền lực trong tay sai cấp dưới tỏ thái độ ủng hộ và xác nhận mình đúng đắn. Cách làm đó của anh ta hỏi có giống một kẻ lũng đoạn tính chính xác và tính chân lý hay không? Thậm chí còn có người cho một đám tay chân thu thập những ngôn luận bất mãn đối với mình, sau đó mới lớn tiếng làm ầm ĩ. Cách làm đáng cười này ngoài việc tự mình truyền bá những cách nói bất lợi cho mình ra, hỏi có hiệu quả nào là chính diện? Thật ra, đối với một con người, hầu hết mọi người không có hứng thú gì đặc biệt, không có mấy thành kiến và cũng không có bao nhiêu ý thích điên cuồng muốn điều tra theo kiểu tổ chuyên án. Bạn là cảnh sát giao thông, người ta lái xe tất nhiên phải nghe theo sự chỉ huy của bạn, ai cần biết giác ngộ về phẩm chất đạo đức của bạn ra sao. Anh lái xe, tôi là cảnh sát giao thông, thế thì tôi phải yêu cầu anh tuân thủ quy tắc giao thông, việc đó cũng không liên quan tới ấn tượng về anh như trên. Luôn tay luôn chân đấm ngực giậm chân bày tỏ mình, khoe khoang mình, ngoài việc làm mất thể diện ra, anh có thể làm những gì nữa? Mưu mô tính toán, quá thông minh, ngược lại ắt làm lỡ tính mạng của anh đấy! Về phương diện này, người Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm lắm. Cầu sự nghiệp, cầu đạo đức, cầu bản lĩnh, cầu học tập thì quan hệ với người sẽ tốt đẹp; cầu làm trùm, cầu nhờ cậy xoay xở, cầu tư lợi thì quan hệ với người ắt xấu. Nhiều việc trên đời này đều là hai chiều, không có sự giành được của một bên, cũng không có sự chi trả của một bên. Người nào mong có được mọi nguồn lợi trong mối quan hệ với người thì hãy nên nghĩ xem mình có thể làm những gì cho người khác.
Biết tập trung thời gian và tinh lực
cũng là một loại thiên tài
Người ta có rất nhiều cách định nghĩa về thiên tài. Có người bảo thiên tài là cần cù phấn đấu, có người nói thiên tài là ba phần may bảy phần mồ hôi, nói như thế đều có lý. Nhưng nếu là tôi, nếu nông cạn như tôi cũng có dịp nói về vấn đề định nghĩa thiên tài thì tôi muốn nói thiên tài tức là tập trung thời gian, tập trung tinh lực. Người có chỉ số thông minh bình thường, nếu biết tập trung thời gian và tinh lực của mình, đem hết sức làm tốt một vài việc, hơn nữa bền bỉ không ngơi trong thời gian dài thì nói chung đều có thể làm nên thành tích không tầm thường, có thể biểu hiện một tài năng tương đối. Thực ra, sự chênh lệch tiên thiên giữa người với người rất có thể không lớn như tưởng tượng; năng lực của con người thực ra là một số không đổi, chênh lệch lớn, biến số lớn là do bạn tập trung thời gian và tinh lực vào đâu, do tinh thần của bạn đi theo “kinh” nào. Tập trung tinh lực một đời vào chơi bài bridge, vào cờ vây, vào nuôi dế, nuôi bọ cạp, nặn người đất, nặn tò he, điêu khắc côn trùng, rồng... đều có thể sáng tạo thành tích, đều có thể trở thành đại sư. Tiếc rằng biết bao người đã phung phí thời gian quý báu, tuổi xuân quý báu, tinh lực quý báu của mình vào những việc vô vị, vô ích, vô nghĩa, vô phẩm cách. Có người suốt đời tranh danh đoạt lợi, có người cả đời móc máy đấu nhau, có người cả đời gia đình bất hòa, có người suốt đời ăn uống chơi bời, trai gái, có người suốt đời tính toán được mất, có người suốt đời ca cẩm bất mãn, có người cả đời làm việc gì cũng chỉ có nhiệt độ trong năm phút, cả đời chỉ lo thay đổi địa vị xã hội của gia đình mình... Như vậy họ còn có được bao nhiêu thời gian để tập trung tinh lực vào công tác, học tập và phấn đấu?
Còn như cái gọi là thiên tài thì biểu hiện ở những mặt ngoài sở trường chuyên môn của mình lại dường như là ngu ngốc. Tôi rất thích thú với việc Newton đem luộc đồng hồ bỏ túi như luộc trứng gà, khoét hai lỗ cho hai con mèo ra vào nhà - ông đã không hiểu lý lẽ con mèo lớn tuy không thể ra vào bằng lỗ nhỏ nhưng con mèo nhỏ có thể đi chung với con mèo lớn qua lỗ to. Như thế là đúng rồi. Có điều làm và có điều không làm thì mới làm nên được việc; có cái biết và không biết thì mới biết được; có sở trường và sở đoản thì mới có sở trường. Bất kỳ người bình thường nào chỉ cần tập trung tinh lực và thời gian làm tốt một hai việc thì đó mới là tài trí hơn người được biểu hiện ra, thì mới có thể gọi cho cánh cửa thiên tài mở ra.
Nắm vững lấy đường ranh giới của nhân sinh
Vô vi như Lão Tử nói thật sâu sắc, thật tuyệt diệu vô cùng. Đó là vì con người ta có quá nhiều, quá nhiều những hành động khinh suất làm bừa, làm bậy, vô hiệu quả đủ các loại, chẳng khác nào tự chuốc lấy đau khổ như vác đá ghè chân mình. Có lẽ chúng ta không thể yêu cầu ai cũng phải có cống hiến lớn, sáng tạo lớn, đức hạnh lớn, trí tuệ lớn, nhưng ít nhất chúng ta có thể gắng sức tránh làm những việc xấu, việc ngu trái ngược với hiểu biết thông thường.
1. Không nên tình nguyện làm bừa phản khoa học, phản thường thức, vi phạm quy luật khách quan, chẳng hạn như mong muốn dùng phong trào quần chúng để phá kỷ lục thế giới chạy 100 mét.
2. Không nên vì nhu cầu muốn biểu hiện bản thân mà làm bừa. Tôi có viết một truyện cực ngắn, kể một ông già bị ốm, mấy người con của ông vì muốn tỏ ra là có hiếu nên đã đua nhau mời một số thuật sĩ giang hồ chữa bệnh cho cha, kết quả là làm ông già sợ quá phải bỏ chạy. Điều truyện ấy muốn nói chính là cái ý này.
3. Không nên làm một cách quá mức. Để làm nên một việc có lẽ bạn chỉ cần đến 15 người giúp sức, nhưng nếu bạn triệu tập đến 1500 thì sao? Chỉ có thể là gây phản cảm lớn, gây phiền phức lớn và ngược lại là làm mà chẳng nên.
4. Không nên tính toán quá chi li khi làm, không nên làm mà phần được không bù nổi phần mất. Vì chút lợi bằng đầu nhặng mà bạn huy động can qua để làm thì chỉ khiến người biết việc chê cười, th 1d70 ậm chí tạo nên di chứng về sau thì càng là điều không thể tưởng tượng nổi.
5. Không nên làm những việc đáng xấu hổ như chạy vạy kiếm chác, khoe khoang, tâng bốc bản thân hay giả vờ ngốc nghếch...
6. Không nên tự đề cao, khoe mẽ. Chẳng hạn một số người sáng tác đều muốn tác phẩm của mình được đăng trên báo lớn, tạp chí lớn, hơn nữa còn muốn đăng trên trang đầu, mục đầu. Còn tôi, với những bài có tính tìm tòi của mình, tôi lại muốn tìm những tờ báo nhỏ, tạp chí nhỏ để đăng, lại đặc biệt dặn không nên đăng ở mục đầu. Đoạt giải ba hay không được giải tôi cũng an tâm, coi là phải lẽ. Không có gì khác, chỉ vì như thế có lợi cho thăng bằng tâm thái, có lợi cho việc mình sống tốt thì người khác cũng được sống tốt.
7. Nên xây dựng mục tiêu cao xa để mong bản thân có điều làm nên, song cũng có thể điều chỉnh và sửa đổi mục tiêu, không “vi” cái điều đã được nhiều lần chứng minh là có muốn “vi” cũng “vi” không nổi như phát minh động cơ chạy vĩnh cửu chẳng hạn.
Những việc cần chú ý trong phạm trù “vô vi” còn nhiều lắm, như không đầu cơ để được lòng người, không để tình cảm lên trên trong khi làm việc, không bỗng hăng bỗng nhụt, không lạm phát tính nóng nảy, không khoe khoang bản thân, không chỉnh người hại người, không tính toán quá ư sắc sảo, không nói trước mình sẽ giành được thành tựu đáng kinh ngạc... Tóm lại, có lẽ chúng ta không cách gì lên kế hoạch quy định những ai đó nên làm gì và vì gì, bởi vì điều kiện, hoàn cảnh, chí thú, lựa chọn giá trị của mọi loại người rất không giống nhau, và trong cùng tình hình bình thường thì nên cho phép sự không giống nhau cùng tính đa dạng đó. Chúng ta không thể kiến nghị mọi người trở thành liệt sĩ ôm mìn phá đồn, cũng không thể kiến nghị mọi người trở thành doanh nhân thành đạt; chúng ta không có cách nào kiến nghị mọi người đều phát minh sáng tạo, cũng như không có cách nào kiến nghị mọi người đều làm bố già suốt đời. Nhưng chí ít chúng ta cũng có thể kiến nghị họ không nên làm cái gì, không nên làm việc xấu, việc ngu xuẩn, không nên làm những điều trí trá, không nên làm những việc chỉ cốt trút nỗi phẫn nộ riêng tư, không để ý gì đến trách nhiệm và hiệu quả. Cuộc đời con người thật quá ngắn, trăm năm chỉ trong nháy mắt, chúng ta không thể yêu cầu mọi người đều có thành tựu như nhau, song có thể hy vọng mọi người không đem sinh mệnh, tinh lực và thời gian có hạn dùng vào những hành vi rất, rất không nên có. Không có những hành vi vốn không nên có, không có những vết xấu và những chuyện làm trò cười, không có những tội lỗi và việc làm đê tiện thì dù thành tích của bạn rất có hạn, ít nhất bạn vẫn có thể an tâm, tự tin sống trọn đời một cách chính trực, đúng đắn và bình thường.
Khi bạn hồi tưởng lại mọi việc làm của mình, bạn sẽ không cần phải ngượng ngùng xấu hổ và hối hận. Cuộc đời của một người nên chính diện yêu cầu bản thân đạt được điều đó, làm được điều đó, cảm nhận được điều đó. Đồng thời, có lẽ điều quan trọng hơn là phải vạch giới hạn với phía phản diện, tức không thể như thế này, như thế nọ, phải tránh cái này, thoát khỏi cái nọ. Như thế thì cuộc đời của bạn sẽ càng trong trẻo, càng sáng sủa, bạn sẽ có được nhiều ánh sáng và trí tuệ hơn, rời khỏi được bể khổ đen tối và ngu xuẩn. Như thế thì tốt biết bao!
Có một loại người sinh ra đã lỗi thời?
Người thứ nhất đến, anh ta nói: “Ôi, tôi đau khổ quá! Tôi đau khổ vì nhân loại ngu xuẩn, tôi đau khổ vì thể chế còn nhiều thiếu sót, tôi đau khổ vì dân tộc đau ốm, đau khổ vì nam thì ngu mà nữ thì hay kêu ca, đau khổ vì tất cả những ai oan uổng mà chết.”
Người thứ hai đến, anh ta nói: “Ôi, tôi sung sướng quá! Tôi vui mừng và hạnh phúc vì hài lòng với mọi người, với quốc gia, với bận rộn vì ăn và uống!”
Người thứ ba đến, anh ta nói: “Tôi thật vĩ đại! Tôi là anh hùng! Tôi phải kéo sóng dữ sắp ập xuống, tôi phải cháy lên vì loài người, tôi sẽ được đóng đinh trên cây thánh giá vì các người, tôi phải dùng ánh sáng của tôi để soi rọi chỗ tối tăm. Nếu bây giờ chưa có ánh sáng thì ánh sáng là tôi, nếu bây giờ chưa có sức nóng thì sức nóng là tôi; nếu bây giờ không có lương thực thì lương thực là tôi; nếu bây giờ chưa có mưa ngọt thì tôi là mưa ngọt!”
Người thứ tư đến, anh ta nói: “Tôi là đồ tồi, là kẻ ngẩn ngơ, tôi là sâu róm, tôi là bọ đất(1)...”
Người thứ năm vừa bước ra đã vỗ tay với mọi người, thế là mọi người cùng vỗ tay đáp lại. Thế là anh ta vỗ tay với mọi người lần nữa, thế là người người lại vỗ tay đáp lại anh ta. Sau đó ai nấy đều mệt nhoài, đều buồn ngủ, còn anh ta cũng không biết đi đâu mất rồi.
Người thứ bảy vừa đi đã hô to: “Tôi là người tốt, tôi là người tốt, tôi là người tốt...”
Người thứ tám không nói mình là gì và không là gì, anh ta chỉ làm cái việc anh ta làm được và phải làm. Gặp được việc tốt, anh ta vui; gặp phải việc xấu thì nhăn mày. Khi nào cần nghĩ thì anh ta nghĩ, không nghĩ ra kết quả nào thì thừa nhận mình chưa nghĩ kỹ. Ý kiến không nhất trí với người khác thì anh ta đành phải nói mình chưa nhất trí, còn nếu ý kiến nhất trí với người khác thì anh ta chẳng cần nói gì nhiều. Có người bảo anh ta quả thực rất tinh khôn, có người bảo vốn dĩ anh ta có thể trở thành nhân vật lớn nhưng nhát gan quá không trở thành được. Còn có người nói thực ra vừa sinh ra anh ta đã lỗi thời!
Hết phần 5. Mời các bạn đón đọc phần 6!