Sự khỏe mạnh của sinh mệnh cố nhiên cần đến một thân thể khỏe mạnh song đó tuyệt nhiên không phải toàn bộ ý nghĩa của sự khỏe mạnh về sinh mệnh. Sinh mệnh khỏe mạnh thực sự là nhân sinh không đau khổ, không lệch lạc. Điều càng quan trọng hơn là sự sạch sẽ về tâm lý và thái độ nhân sinh không lệch lạc. Đối xử với người khác như thế nào, nhìn thẳng vào bản thân như thế nào, mở rộng lĩnh vực nhân sinh như thế nào, nhìn nhận số phận như thế nào, giữ vững thái độ nhân sinh lạc quan như thế nào là những điều tôi cố gắng trình bày trong chương này. Thật vậy, tôi không hề keo kiệt bút mực khi đả kích nhược điểm của nhân tính, ví như khái niệm “triết học tế bào ung thư”, trong ba con dấu khắc chơi của tôi lại có một con dấu gồm ba chữ “không đề phòng”.
Một tiêu chuẩn giá trị nhân sinh
Tôi còn muốn nói về một nguyên tắc lành mạnh hoặc lạc quan, đó là một tiêu chuẩn giá trị có tính phổ biến của nhân sinh và cũng là hy vọng cực thấp, đồng thời cực cao của tất cả mọi người. Chúng ta còn có thể nói khỏe mạnh là trạng thái và xu hướng tự nhiên nhất, sơ khai nhất của bản thân sinh mệnh. Một ngọn cỏ, một chú chim, một con cá đều mong muốn tự thân khỏe mạnh chứ không phải ốm yếu, lệch lạc hoặc chết đi quá sớm. Cho dù từ quan niệm rộng bạn có cách nhìn thiên về bi quan đối với số phận của trái đất và loài người thì trong những năm đang sống cụ thể, tốt nhất là bạn hãy nên có thái độ lành mạnh và lạc quan. Nguyên tắc của nhà nho là ngoài lục hợp(1) ra, còn gì nữa cũng không kể. Có lẽ chúng ta có thể kể, kể nhưng không sa lầy. Như thế có nghĩa là đối với những việc ở ngoài lục hợp, tức không gian ba chiều, những việc ở bờ bên kia(2), bất kể nghị luận về chúng, suy nghĩ về chúng, đau buồn thở than, nghĩ thoáng, hy vọng về chúng như thế nào thì chúng không nên quay trở lại can dự, đè nén cuộc sống của chúng ta ở bờ bên này. Quyến luyến chung cực và quan tâm thế tục không thể thay thế cho nhau, phủ định lẫn nhau. Tư biện hình nhi thượng và vụ thực hình nhi hạ cũng không thể khinh miệt nhau, chọi hích nhau, càng không thể thủ tiêu nhau.
Khỏe mạnh bao gồm khỏe mạnh về sinh lý và lành mạnh về tâm lý. Khỏe mạnh về sinh lý thì tôi chẳng cần múa lưỡi, còn khỏe mạnh về tâm lý thì liên quan đến rất nhiều vấn đề. Chẳng hạn có một thú nghiền gây sự được xây dựng trên cơ sở thuyết tính ác, đi đến đâu cũng gây gổ với người trên kẻ dưới xung quanh, mở miệng là thị phi, nhắm mắt là khen chê, kết bạn chuyên kết với những người mách lẻo với mình rằng ai ai đó nói xấu mình, nói chuyện chỉ chuyên nói ai ai đó xấu, còn mình thì tốt tới số như thế nào. Người như thế thì hứng thú sở trường vốn có ngày một mất đi, nội dung sống, tin tức về cuộc sống mới mẻ nhất luật không tiếp thu, như thế thì mọi thứ sinh động, thú vị, mới mẻ, làm thân và tâm vui vẻ đều rời bỏ, còn lại chỉ là căng thẳng, nôn nóng như điên, bất an, phẫn khích, con tim mệt mỏi ngày càng tăng, có đề phòng cũng chẳng kịp. Hiện tượng này có thể dùng di chứng sau khi đấu tranh giai cấp trong thời gian dài và tàn dư của trào lưu tư tưởng cực “tả” để giải thích, song e rằng đó không chỉ là vấn đề về đường lối chính trị mà còn là vấn đề tâm lý không được khỏe mạnh, đó là một loại bệnh tinh thần cảm tính, là chứng u uất và chứng nôn nóng điên cuồng phát ra cùng một lúc, là sự thiếu hụt cực đoan về năng lực tự điều tiết, là dấu hiệu báo trước sự băng hoại về tinh thần.
Lòng thương yêu lương thiện và “triết học tế bào ung thư”
Tốt bụng và lòng thương yêu là biểu hiện quan trọng của nhân cách kiện toàn. Còn sự tràn lan cái ác phần lớn là một biến thái, một trạng thái bệnh hoạn, là một loại chứng tật không lành mạnh, vừa giày vò bản thân vừa quấy rối người khác, quấy rối xã hội, là một loại tế bào do bệnh biến ra. Lâm Bưu từng đưa ra mệnh đề “Không phải anh xơi tái tôi thì tôi xơi tái anh”, rõ ràng đó không phải là triết học của người mà là triết học của sói, là triết học tế bào ung thư.
Nước ta có rất nhiều ngạn ngữ, tục ngữ, công thức mang tính chất “bông hoa dữ”, dường như khuyến khích người ta làm điều ác, chẳng hạn “lượng hẹp không phải quân tử, không độc chẳng phải trượng phu”, “ngựa không cỏ ăn đêm chẳng béo, người không tiền thu ngoài chẳng giàu”, “hạ thủ trước thì mạnh, hạ thủ sau tai ương”, “chết đói là không mắt(1), chết bụng căng mới bạo gan”, “không đánh người chăm chỉ, không đánh kẻ biếng lười, chỉ chuyên đánh đứa không mắt”, “tâm hại người không hề có, tâm phòng người không thể không”. Những câu vừa nói đều do tổng kết kinh nghiệm mà có, tôi không vì tính ưa sạch sẽ mà phỉ nhổ chúng. Như trên đã nói, hiểu biết và phòng ngừa cái ác là tiêu chí quan trọng, thậm chí là chủ yếu của sự trưởng thành.
Nhưng sự vật bao giờ cũng có một mặt khác, do vậy ở đây cũng còn có cách nói khác, chẳng hạn nói “Người nhân ái thì thọ”(1). Tại sao người nhân ái lại thọ? Người nhân ái yêu người, suy mình ra người khác, cái gì mình không muốn thì không gán cho người khác; kẻ yêu người thì người mãi yêu kẻ ấy, kẻ ghét người thì người mãi ghét kẻ ấy. Cuộc sống của kẻ theo thuyết duy ác(2) mới căng thẳng, quẫn bách, co cụm, khô khan, hẹp hòi, cứng nhắc biết bao, còn người đối xử với nhân sinh, đối xử với thế giới bằng lòng tốt và lòng yêu thương thì cảnh giới của họ mới rộng lớn biết bao, tâm tình mới ấm áp, nhân sinh mới hạnh phúc biết bao! Có một loại lý luận đề xướng ăn chay cho rằng động vật trong giây phút bị giết tâm tình rất độc ác, thu lấy hơi chúng thở ra lúc đó cho đọng thành nước thì chính nước đó đã là một vật chất có độc tính cực mạnh. Con người cũng như vậy. Những ai nhìn nhận thế giới với ý thù địch vô hạn, những ai thù địch với tất cả thì thân thể họ sẽ sản sinh ra rất nhiều dung dịch độc, hơi độc, độc tố, phân tử độc. Tốt với người khác một chút chính là tốt với bản thân một chút. Nghĩ nhiều hơn về sở trường của người khác và sở đoản của mình, thì trước hết là bản thân nhờ đó mà được thanh thản, vui vẻ, vậy tại sao không muốn làm?
Có lúc tôi tình nguyện nghĩ về người khác tốt một chút, tốt hơn một chút, chẳng những chỉ vì muốn người khác khỏi oan uổng mà cũng vì không để cho bản thân sinh độc, trúng độc, truyền độc. Nhà văn nữ Thiết Ngưng có một truyện nhan đề là Kẹo cưới, viết về một cô gái bị đối xử lạnh nhạt trong lễ cưới của bạn, bèn bỏ tiền mua kẹo mang về, nói với người nhà rằng cô dâu tặng kẹo cho mình. Nếu coi người làm như thế là lừa dối, vậy thì thế giới nên có càng nhiều những người như thế. Tôi thường quen làm những việc tốt thay người như vậy.
Từ lâu tôi đã muốn tranh luận với Tào Tháo (nhân vật trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa chứ không phải nhân vật trong lịch sử). Tiểu thuyết nói về nguyên tắc làm người của ông ta là “thà ta phụ người trong thiên hạ chứ không chịu để người trong thiên hạ phụ ta”. Đầu óc u ám như thế, thử hỏi ăn cơm còn thấy ngon không? Làm tình có thoải mái không? Ngủ có ngon giấc không? Tại sao không đổi nguyên tắc đó thành “thà người trong thiên hạ phụ ta chứ ta không phụ bất kỳ người nào trong thiên hạ”. Như vậy có phải sống được sáng sủa hơn, có lẽ phải hơn, sung sướng hơn không?
Có một năm tôi không ở Bắc Kinh, về sau nghe nói cơ quan tôi có một người bạn lớn tuổi hơn một chút phản đối nhiều lần một việc có lợi cho tôi, trong khi tôi xưa nay vẫn rất tôn kính và thân thiện với ông ấy. Song ngay sau đó tôi vẫn qua lại cùng làm việc với ông như chẳng có việc gì xảy ra, đưa ông đi mua những quà tặng của nước ngoài. Tôi nghĩ, có thể ông không hiểu tường tận về đoạn đời kinh qua của tôi, ông lại lớn tuổi hơn tôi, còn tôi bấy giờ lại ở thế “đang lên”(1), bởi thế ông cảm thấy bất an là điều có thể tha thứ. Ngoài ra, ông này còn kết giao bạn bè rộng rãi, có ý muốn làm nên một việc gì. Vì một việc nhỏ mà kết oán với ông tôi không khỏi ngán ngẩm, huống hồ sự phản đối của ông chẳng ảnh hưởng gì tới việc “thu lợi” của tôi. Tôi quyết định chẳng làm gì cả, cam tâm im lặng chịu một thiệt thòi không hề có, cam tâm làm một “kẻ chịu oan lớn”. Cứ để cho ông tưởng tôi là thằng ngu mới hay. Quyết định như thế rồi, tôi chứ không phải ai khác đặc biệt vui mừng, đó là một thí dụ về ù ù cạc cạc hiếm có. Đương nhiên hồ đồ, ù ù cạc cạc như thế phải có điều kiện, và rất hạn chế.
Có lúc tôi cũng nghe tin đồn, “văn nhân tương khinh”(1) mà, rằng ai ai đó trong trường hợp nào đó, nói gì đó về mình. Nói chung tôi cười rồi bỏ đó. Sau lưng tôi, anh ta nói này nói nọ, song khi gặp tôi thì không dám hoặc không tiện, hoặc không đến nỗi nói những lời thiếu khiêm tốn, đó là điều thứ nhất. Văn nhân có tật hay nói quá sự thật, cho dù anh ta đã nói những lời bất kính song không có nghĩa là câu đó tiêu biểu cho một nhìn nhận, một ý đồ hoặc một quyết định nghiêm trọng nào đó. Rất có thể anh ta nói xong là quên luôn, nói xong rồi thì trong một trường hợp khác có thể lại khen mãi không thôi, đó là điều thứ hai. Trong lúc vô tình, bạn tranh cãi với anh ta về tôi cao anh thấp, hơn nữa thực ra anh ta nói những gì cũng chẳng đáng kể, trên thực tế bạn đã chiếm hết cơ hội trước anh ta rồi, còn không để cho anh ta được sướng miệng và phát tiết bực dọc một chút hay sao? Đó là điều thứ ba. Đó cũng là “không tranh thì chẳng ai có thể tranh với mình”. Bạn cái gì cũng muốn hỏi, cái gì cũng muốn hỏi cho ra, vậy bạn có đủ thì giờ không? Bạn có đủ sức lực không? Bạn có hứng thú không? Nếu bạn đều không có thì thôi đi cho xong, đó là điều thứ tư. Đối với mình, thế nào bạn cũng phải có yêu cầu cao hơn, mong đợi và niềm tin cao hơn, cảnh giới, phong độ, tâm hồn bạn thế nào cũng phải có những biểu hiện bất phàm khác nhau, thế thì bạn còn muốn chĩa mũi nhọn gầm ghè ra chiêu đọ sức với một người đáng thương, kém bạn và sẽ thất bại với bạn nữa hay không? Thôi cứ cho anh ta chút không gian để gây sự đi! Đó là điều thứ năm. Bản thân tuyệt nhiên không phải đã hoàn mỹ, không có khuyết điểm thì khi người khác dán mắt vào bạn, muốn bạn xấu hơn nữa thì về khách quan đó lại là theo dõi, giúp đỡ bạn. Hoan nghênh, hoan nghênh, không gì tốt bằng. Anh tức giận, anh ghen ghét, đó là anh cứ muốn thế, còn tôi, tôi hoàn toàn không để ý vì tôi muốn tiêu dao vui vẻ, đó là điều thứ sáu.
Không hiểu tự phản tỉnh, tự kiềm chế
cũng là “tà giáo”
Tôi có biết một tiêu chuẩn của bác sĩ tâm lý: khi một người biết thừa nhận mình có khiếm khuyết nào đó về mặt tinh thần thì chứng tỏ bệnh của người đó đã đỡ và đã đỡ nhiều, vì tự phản tỉnh, tự phê phán là một tiêu chí quan trọng của tâm lý khỏe mạnh. Để được khỏe mạnh và vui vẻ, sau nữa không chỉ khỏe mạnh và vui vẻ thì kinh nghiệm của tôi là nên bồi dưỡng cho mình tinh thần tự phản tỉnh và tự phê phán, đó cũng là sức mạnh để đề kháng với bệnh tinh thần. Nên nuôi dưỡng thói quen tự phản tỉnh, tự kiểm điểm, tự kiềm chế. Khi đã biết tự phản tỉnh, tự kiểm điểm, tự kiềm chế rồi thì sẽ không nghĩ xấu mãi về người khác, bản thân sẽ khỏe mạnh hơn.
Ngược lại, tự thổi phồng đến vô biên thì nhìn ai cũng không thuận mắt, thì sẽ phải một mình chiến đấu với toàn Trung Quốc, toàn thế giới. Cuộc chiến đấu đó có khi có cảm giác bi tráng, cảm giác vĩ đại, có một sức mạnh nghiêm túc phải hiến thân cho ý niệm tuyệt đối. Chẳng hạn nhân vật chính Jean Valjean trong tiểu thuyết Những người khốn khổ của nhà văn Victor Hugo, việc làm điều thiện của ông được thực hiện trong bối cảnh khắp nơi là tội ác và ông phải vác cây thánh giá nặng nề. Trái tim của ông là trái tim của Jésus, vai trò của ông thực ra là vai trò của con Chúa Trời. Đó là điều đáng kính, song đó cũng là sự khoa trương lãng mạn, đó là tấm lòng rộng lớn liền với vũ trụ bao la, là tình thánh, tình thơ của bậc thánh nhân, không phải là sự đánh giá và định vị hiện thực, không có nhiều khả năng thực hiện. Điều quan trọng hơn là ông muốn cứu vớt thế giới bằng lòng yêu thương, ông không hề thù hận, càng không hề thù ghét loài người.
Nhân đây tôi muốn nói rằng theo tôi, tôn giáo và sùng bái tôn giáo, thứ tôn giáo nghiêm túc và chính quy chứ không phải tùy ý, là hiện tượng ra đời ở thời kỳ đầu hoặc khá sớm của lịch sử văn minh nhân loại. Như thế thì người khởi thủy sáng tạo nên Jésus, Kitô hay Thích Ca Mâu Ni cũng vậy, hoặc Môhamét cũng thế, đều là được thần thánh hóa, phi nhân hóa, biến thành hình nhi thượng một cách triệt để. Họ đều tồn tại trong sách kinh, lời kinh của tôn giáo chứ không phải ở gần người phàm, tên của họ là một biểu tượng mang ý nghĩa chung cực về cơ bản tách rời khỏi tục thế hình nhi hạ. Thân thế của họ thuộc phạm trù nghiên cứu thần học chứ tuyệt nhiên không thuộc phạm trù khoa học. Nếu là ngày nay, một người thân thịt thai phàm, một người sống trong thời đại khoa học kỹ thuật ở trình độ cao, tiêu dùng ở mức cao, trí tuệ và năng lực ở mức cao mà toan tự xưng là Chúa Cứu thế, tự cho là thần thánh, tự sùng bái và hy vọng cũng được người khác sùng bái, có ý muốn sáng lập nên một tôn giáo mới, có ý muốn bảo toàn thể tín đồ vái lạy mình như vái lạy thần phật thì không nghi ngờ gì nữa, tôn giáo của anh ta ắt là tà giáo chứ không thể có khả năng nào khác.
Cảnh giới “lớn” và lạc thú “nhỏ”
Vì - đương nhiên không chỉ vì - sự khỏe mạnh của thân thể và tâm hồn thì điều thứ nhất là phải tốt bụng, nhân ái. Đời người có rất nhiều niềm vui, trước hết vui nhất là được làm điều tốt, hiểu người khác và tha thứ cho người khác cũng rất vui. Điều thứ hai là cảnh giới lớn, lạc thú nhỏ. Cảnh giới lớn là không tranh giành ngắn dài trong một ngày, không tính toán thiệt hơn cỏn con dưới mũi; không để ý đến việc nhất thời bị hiểu lầm, bị công kích; thắng được mà thua cũng chịu được; hòa chung vào dòng lớn cũng được mà cô độc, cô lập cũng được; không ích kỷ, chí ít là ít vì cá nhân nên ít phải sợ hãi; lòng có chí lớn thì ta nuôi dưỡng tinh thần chính trực của ta. Tóm lại là trong cảnh ngộ khác nhau đều thấy được ánh sáng, thấy được cơ hội chuyển biến, thấy được hy vọng, thấy được lợi ích, như thế gọi là “chủ nghĩa lạc quan không có thuốc chữa”. Cảnh giới lớn không làm chuyện tranh đấu nhỏ nhặt, không vì có điều gì khác mà chí ít vì không có thời gian. Hao phí thời gian ở những việc nhỏ như mắt muỗi, ở những chuyện thầm thì nhỏ to, so bì từng li từng tí, keo kiệt ki bo, ở những chuyện tự nói tự nghe, thế thì xin bạn hãy cho biết, người như thế suốt đời làm được việc gì lớn?
Lạc thú nhỏ là nói không từ chối việc nhỏ, từ việc nhỏ mà cảm thụ được lạc thú cuộc đời. Niềm vui cũng là giá trị. Niềm vui không chỉ ở mục tiêu chung cực và lý tưởng cao xa trong cuộc sống mà còn ở quá trình và đủ mọi việc cụ thể, nhỏ bé trong cuộc sống. Niềm vui không chỉ ở mục tiêu đạt được mà còn có ở toàn bộ quá trình trải qua để đạt được mục tiêu đó. Bình minh trở dậy, quét dọn sân vườn là lạc thú; mua quẩy rán hoặc ninh cháo, xay sữa đậu nành hoặc đun sữa bò, nướng bánh mì hoặc ngâm trà cơm cũng là lạc thú. Chen xe buýt, nhìn chúng sinh, ngắm những đôi tình nhân lên xe buýt rồi vẫn đắm đuối nhìn nhau là một lạc thú. Đi taxi mà nghe ông D tán dóc như thần, sao lại không vui? Đặt mua báo xem riêng rất hay, song không phải mất tiền lại xem được nhiều tờ báo trên bảng treo báo để đọc chung cũng rất vui. Thổi cơm, xào rau, nướng bánh, làm bánh cảo, mua bánh cảo rã đông nhanh bán sẵn hay rửa bát cũng rất vui; sửa xe đạp, cọ bồn xí, chữa cửa điện, nối dây bảo hiểm đều rất thú. Nói chuyện với người hiểu biết là một sự hưởng thụ, mỏi miệng với người hồ đồ thì nhờ đó bạn biết được trên đời này lại có loại người không sao nói cho hiểu được, như thế chẳng phải là dịp để mở rộng tầm mắt hay sao? Hết lòng với cha mẹ là điều thỏa mãn nhất. Phục vụ con cái cảm thấy ngọt ngào nhất. Hết lòng vì vợ là có phúc nhất. Giúp đỡ bạn bè là đắc ý nhất. Mua đồ, đi dạo, uống trà, gọi điện thoại, nhận điện thoại, du lịch, trở về nhà, đọc sách, viết thư pháp, có bệnh thì uống thuốc, vô bệnh thì rèn luyện tập tành, mùa đông sưởi ấm, mùa hè hóng mát, rửa mặt, rửa chân, tắm táp, giặt quần áo đều là những việc khiến người ta vui biết mấy.
Người vĩ đại đến đâu cũng là người bình thường, người vĩ đại đến đâu cũng nên hưởng thụ niềm vui của người bình thường, sống như người bình thường. Hãy quý trọng mọi cơ hội nói chuyện, mọi cơ hội công tác, mọi dịp đổ mồ hôi, trân trọng từng việc, từng giờ, từng ngày trong những năm được hưởng tuổi trời. Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa, sáng sớm tôi thường xỏ chân vào đôi dép lê đi mua bánh rán. Khi Tân Phượng Hà biết chuyện này, nhiều lần cô phản ứng rất dữ dội. Thực ra đó chính là niềm vui của tôi.
Tuy chúng ta chưa biết hết được những điều bí ẩn của vũ trụ, của địa cầu, của sinh mệnh, của nhân sinh, nhưng chúng ta sao có thể không thừa nhận sự xuất hiện của con người là một kỳ tích vĩ đại? Sao chúng ta có thể không thừa nhận sự tồn tại của chúng ta là một kỳ tích vĩ đại? Chúng ta có thể không thừa nhận ý thức của chúng ta, tư tưởng của chúng ta, tình cảm của chúng ta là đáng trân trọng muôn phần được sao? Chúng ta có thể không quý trọng một ngày, một giờ, một phút trong những năm trời cho hay sao? Chúng ta làm sao có thể hơi một tí là nghĩ đến kiện cáo, hơi một tí là lên mặt những người nợ mình hai trăm quan tiền?
Trong đủ mọi tật xấu của con người, trong đủ loại lời mắng chửi, vô thú(1) là một từ rất nặng, là một từ có tính hủy diệt. Đáng buồn là người vô thú có quá nhiều. Người như thế ngoài một vài thứ như tiền bạc, chức quan, nhiều nhất thì có thêm mấy trò ma quái ra, không còn có yêu thích, thú vui nào. Chỉ nghĩ đến kiện cáo, chỉ nghĩ đến lợi riêng, chỉ nghĩ đến thị phi, người như thế nhiều nhất có thêm ý nghĩ đến ăn uống. Không đọc sách, không xem báo, không du ngoạn núi non, sông hồ, không ngắm hoa, không trồng cỏ, không nuôi rùa, cá, mèo, chó, không đánh cờ, không đánh bài, không lao động, không rèn luyện, không học tập, không ca hát, không nhảy múa, không luyện Thái Cực quyền, không khóc, không cười, không hài hước, không tò mò, không hỏi han, không xem triển lãm tranh, không chơi công viên, không đi dạo bách hóa..., bản thân người đó không có một hứng thú nào, tệ hơn nữa là làm hỏng cả tâm trạng của những ai tiếp xúc với anh ta. Tôi có lúc thậm chí nghĩ hơi quá đáng một chút: “Thà làm kẻ ác còn hơn làm một gã đàn ông vô thú” (đàn bà khá hơn, vì nói chung họ ít nhất cũng phải để ý đến cuộc sống nên còn có chút hơi thở cuộc sống). Nhất là khi nghĩ đến một người không biết vui thú chút gì mà còn có vợ, vợ anh ta sẽ phải sống suốt đời với một người như thế thì quả thật tôi nổi da gà!
Ba tiêu chuẩn của sự khỏe mạnh
sinh mệnh
Bây giờ có thể thảo luận tiêu chuẩn của sự khỏe mạnh về tâm lý rồi.
Một là về cơ bản phải tốt bụng, có thiện ý đối với người khác, trong đó điều cần đặc biệt nhấn mạnh là phải kìm nén ghen ghét. Mối quan hệ đối địch thường gặp trong cuộc đấu tranh giai cấp lớn là đấu tranh bảo vệ Tổ quốc không nằm trong cuộc thảo luận ở chương này, bởi vì quan hệ đối địch đó và quan hệ giữa tồn vong sống chết không do tâm lý người ta lựa chọn. Ở đây tôi muốn nói về việc người ta thường do đố kỵ ghen ghét mà đánh mất bản tính tốt bụng của mình. Vì ghen ghét, người ta thường lấy lỗi lầm của người khác làm thành tích của mình, coi cú ngã của người khác làm bước tiến của mình. Mà ghen ghét về cơ bản là tâm lý của kẻ yếu. Chỉ có người nào chạy không nhanh mới mong người khác phạm quy bị phạt đuổi ra, hay bị vấp ngã nhào ra đất. Người không có tài kiếm tiền mới gửi gắm hy vọng ở việc người ta bị mất ví tiền. Ghen ghét khiến người ta vui sướng với tai họa của người khác, mới khiến người ta thù ghét người tài, đến nằm ngồi cũng không yên, bao nhiêu cái xấu bộc lộ ra hết. Một nơi ở miền Đông Bắc có cháu trai một người nọ, vì ghen ghét với chú làm tương rất thành công, đã lén trèo tường chạy sang nhà chú đổ dầu hỏa vào hầu hết các chum tương. Trên truyền hình, anh ta còn hậm hực nói với phóng viên đài truyền hình: “Tôi còn muốn ông ta chết cháy nữa kia.” Không chỉ nói một lần mà anh ta còn nói đến lần thứ hai. Đáng tiếc là những đứa cháu như thế có ở cả những người có học. Kẻ ghen ghét ở mức độ cao không khác gì đứa cháu của người làm tương, chỉ có điều thủ đoạn cao hơn đổ dầu hỏa một chút, hơn nữa còn tìm một số lý lẽ mũ mạo đường hoàng để cãi phứa mà thôi.
Dì Triệu trong Hồng lâu mộng là một bản mẫu về ghen ghét. Bà ta làm hai hình nộm nhỏ, viết tên Bảo Ngọc và Vương Hy Phượng lên đó, cả ngày sinh tháng đẻ nữa rồi lấy kim đâm vào giữa tim hình nộm, đó là hành động điển hình của kẻ ghen ghét. Nghe nói các nước trên thế giới cũng có tục mê tín dùng phương pháp vu thuật tương tự để trả thù. Theo một ý nghĩa nào đó, ghen ghét là nguồn gốc của vạn tội ác. Gánh nặng mà ghen ghét để lại cho người ta thật quá sức chịu đựng, bóng râm nó bao trùm lên người ta quá đen tối. Chỉ có ra sức trừ bỏ lòng đố kỵ, hướng lòng không phục khó tránh giữa người và người sang hướng cạnh tranh hợp pháp, tích cực, sáng sủa, chính đáng thì mới là lành mạnh.
Hai là sáng sủa. Có tốt bụng mới sáng sủa được, ghen ghét, hẹp hòi, âm mưu, độc địa chỉ mang đến đen tối. Giống với ghen ghét là điên cuồng tự cao, tự đại, điên cuồng tự cho mình là trung tâm. Người có thói điên cuồng tự cao tự đại và tự cho mình là trung tâm thường dễ mất lý trí, mất khả năng tự kiềm chế. Họ tự khoe, tự nói, tự thưởng thức về mình, họ tự suy nghĩ, tự than thở, cưỡi bong bóng xà phòng bay lên trời, đồng thời công kích người khác, phủ định người khác, oán hận người khác, đòi hỏi, thắt buộc, lừa bịp người khác, nóng vội như lửa đốt trong lòng. Kết quả quá nóng vội tất nhiên là thất vọng, nản lòng, bi quan yếm thế rồi chửi rủa tất cả, cũng có nghĩa là tự mình đóng băng.
Cái gọi là điên cuồng và cuồng nhiệt ấy nếu biểu hiện thành sáng tạo nghệ thuật thì còn có chỗ chấp nhận được. Có lúc cuồng nhiệt là biểu hiện của thiên tài, song điều đó chỉ hạn chế ở sự tất yếu và khả năng không tồn tại thao tác, ở sáng tạo nghệ thuật không có tính chỉ đạo, và càng không có tính chỉ thị. Có lúc còn bao gồm một số nghiên cứu học thuật hoặc sự tự mình hoàn thiện về mặt đạo đức, nhưng cũng chỉ hạn chế ở những mục đích không lấy cuồng nhiệt làm khuôn mẫu, làm cương lĩnh hành động, tức chỉ hạn chế ở những hoạt động hoàn toàn phi hiện thực và không tính đến lợi ích chung. Tác phẩm nghệ thuật bạn sáng tạo, quan điểm mới mẻ bạn nêu ra trong lúc cuồng nhiệt, có lẽ sẽ làm kinh động thế giới, dựng riêng một lá cờ, không gì thay thế được, chí ít cũng có so sánh đấy nhưng không ai hơn, bởi vì sự tồn tại của nó đã tạo ra một phong cách riêng. Nhưng nếu bạn dùng sự điên cuồng thiếu khống chế đó vào việc trị gia, kết bạn, kêu gọi hoặc ra lệnh thì ắt sẽ trở nên sai lầm, không lành mạnh.
Ba là lý tính và sự kiên trì. Thực ra tôi là người tính tình nóng nảy, nhạy cảm và dễ nổi nóng. Vì thế hồi trẻ tôi đã đọc đi đọc lại những đoạn nói về sự xung động và dưỡng khí trong sách Lão Tử và Mạnh Tử. Tôi cũng nhiều lần nghe các bậc tiền bối giảng về lý lẽ “độc thư thâm xứ ý khí bình”(1). Song cho đến nay, trong quá nửa cuộc đời, tôi đã có rất nhiều kinh nghiệm về những lần tức giận, nổi nóng đến mức bất thường. Tôi nhận ra sâu sắc rằng bất kể anh có bao nhiêu lý do chính đáng đi nữa thì “lửa giận đốt lòng” mãi mãi là một biểu hiện của sự thất bại, tuyệt đối thuộc về hiện tượng tinh thần tiêu cực, tuyệt đối chỉ có thể d 5f3d n tới kết quả là mất thể diện. Hư hỏa bốc lên, lý trí hạ xuống, hình tượng sẽ méo mó, cử chỉ mất thích đáng, làm tổn thương đến người không có tội, người thân thì đau lòng mà kẻ thù thì khoái trá, đó là sự phát triển dây chuyền tất nhiên. Vậy thì nếu quả thật không khống chế nổi, cái tức sinh ra, cái giận bùng lên, làm mất tư thái đáng có thì làm thế nào? Không cách gì khác là phải mau chóng hạ nhiệt rồi dập lửa. Điều này có thể coi là một điểm tốt của tôi. Lửa giận của tôi bốc lên nhanh và xẹp đi cũng nhanh, như thế gọi là không dây dưa, không để bụng, gọi là mặt trăng mặt trời xâm thực lẫn nhau, gọi là sau sấm nổ mưa to vẫn là trời quang mây tạnh. Tôi hoàn toàn không làm nổi không lỗi, không lầm, nhưng bất luận thế nào cũng chẳng thể sai rồi cứ sai, càng ngày càng quá, sợ bệnh nên kỵ thầy thuốc, cuối cùng tự chuốc lấy diệt vong.
Không đề phòng: một con dấu khắc chơi của tôi
Vì một cuộc sống sáng sủa thì ắt phải có thái độ quang minh, trong sáng, cởi mở, không bao giờ được thậm thụt, lén lút, điên rồ. Tôi có một con dấu khắc chơi, gọi là “không đề phòng”. Tôi rất thích ba chữ “không đề phòng” này. Không đề phòng vì lòng dạ bằng lặng, rộng mở, không làm những việc không dám cho ai biết, chẳng có tâm địa nào mờ ám, cái gì cũng có thể lôi ra phơi dưới ánh mặt trời. Không đề phòng còn vì không sợ để lộ nhược điểm của mình. Có nhược điểm thì thế nào cũng lộ ra, chẳng khác gì ưu điểm nào cũng có cơ hội biểu hiện, biểu đạt vậy. Thái độ thản nhiên không ngại đối với nhược điểm của mình chính là biểu hiện đầy tự tin, từ đó tương đối dễ khiến người khác cũng tin mình. Chỉ cần bạn quả thực có chỗ hơn người, sở trường hơn người thì một số nhược điểm nào đó lộ ra ngược lại càng chứng tỏ nhược điểm của bạn chỉ có vậy mà thôi, còn điểm mạnh, điểm đáng yêu đáng kính của bạn thì chẳng khác gì phong cảnh chốn núi sâu, đẹp không sao kể xiết. Thế thì cần gì phải đề phòng?
Nhược điểm và ưu điểm, sở trường và sở đoản thường thường không khác gì hai mặt của đồng tiền kim loại, hai bên thật khó chia, khó rời. Người thẳng thắn nhanh mồm nhanh miệng thường dễ lỡ lời, còn người không hề nói lỡ lời lần nào, có thể là người dạ ngay nhanh miệng được không? Người có tư tưởng sâu sắc dễ tỏ ra lạnh lùng, bạn tới chỗ nào cũng bốc lửa tận trời, hỏi còn sâu sắc được chăng? Thông minh quả rất dễ bị cho là giảo hoạt, thật thà quá rất dễ bị cho là vụng đần; nói trên trời dưới biển dễ bị cho là khoác lác, tỉ mỉ cẩn thận dễ bị cho là hà khắc, ở thế thượng thăng được cho là gặp vận may, ở thế đi xuống bị cho là giá áo túi cơm. Người ta nhìn thấy nhược điểm của bạn thì càng hiểu chỗ mạnh của bạn và cho rằng đó là điều rất đáng tin. Kết quả của cảnh giác cao độ và che giấu bản thân thì trong trường hợp tốt nhất chẳng qua là khiến người ta khó đoán bạn cao sâu đến đâu, nên tuy kính trọng mà xa lánh. Bạn bọc kín khuyết điểm thì đồng thời cũng che kín điểm mạnh của bạn.
Người ta đều cảm thấy một người không đề phòng thường thẳng thắn, chân thực, đáng tin cậy, người ta sẽ thà gần gũi một người không đề phòng và để lộ không ít nhược điểm chứ không muốn nhẹ dạ cả tin một người đo từng bước lập điếm canh, phủ thành kín cổng cao tường, làm bộ làm tịch, lên mặt khoe mẽ, chưa hề để lộ bất kỳ vấn đề nào, cũng chưa hề biểu thị bất kỳ tình cảm chân thành nào. Người ta không thể đem giả dối đổi được chân tình, không thể giành được tín nhiệm bằng cách đề phòng cẩn mật. Không đề phòng còn vì bản thân tự tin ở phẩm hạnh cơ bản của mình, tin vào quan điểm cơ bản, lập ý cơ bản, phương lược cơ bản và thái độ cơ bản của mình. Tự tin vào cảnh giới, tâm thuật, học vấn, bản sắc cho chí động cơ và hiệu quả lâu dài của bản thân thì người đó qua được thử thách, chịu đựng được nắng soi, trải qua được lựa chọn gắt gao và khảo nghiệm. Người quân tử thường bình thản, khoáng đãng, kẻ tiểu nhân thường lo lắng, không an tâm, câu này thật đúng không sai!
Cuối cùng, không đề phòng lại là đề phòng tốt nhất, khi hễ có một gã nào đó phải đề phòng. Tôi rất phục một thành ngữ, đó là “phòng thì phòng sao cho xiết”. Đề phòng bao giờ cũng có sót, có hở, đề phòng được thì tấn công được, đề phòng chặt chẽ vị tất đã chặn được mũi tấn công sắc bén. Còn vì không đề phòng mà hình thành sáng sủa, thẳng thắn, giao lưu và tin cậy, có cảm tình và hòa hợp, tính nết tốt dễ gần gũi, hiểu biết nhau, ủng hộ lẫn nhau nhờ tin cậy nhau. Đó không phải là đề phòng tốt nhất đó sao? Lại là phòng tuyến có ở khắp nơi, hơn nữa lại không có bia bắn cụ thể để bắn, để tháo dỡ, để cho lửa đạn công phá. Khi những người có mục đích khác hòng xúc phạm bạn, chẳng phải bạn càng được đồng tình, khiến cho những cách làm gây hại cho bạn sa vào cô lập hay sao?
Lấy “có” để đề phòng thì thế nào cũng có chỗ yếu. Lấy “không” để đề phòng thì như Lão Tử đã nói, tê ngưu không có nơi húc sừng, hổ không có nơi dùng móng vuốt, binh lính không có chỗ đặt lưỡi dao. Những ai muốn làm hại người không đề phòng thường cảm thấy không biết hạ thủ chỗ nào, những người toan phê đổ những ai không đề phòng thường cảm thấy không biết bắt đầu từ đâu, những kẻ nghiến răng nghiến lợi chỉnh tài liệu đen về người không đề phòng thường oán trách tài liệu chỉnh không được tốt. Khéo thay! Hay thay!
Sáng tạo cho mình không chỉ một thế giới
Sáng tạo cho mình không chỉ một thế giới, đó lại là một lời khuyên thật lòng nữa. Người ta không chỉ cần đến một thế giới. Bạn cần có sự nghiệp, lại cần có gia đình của mình. Nếu bạn lựa chọn cách sống độc thân thì bạn cần có đời sống riêng của mình, nên có niềm yêu thích của mình - bất kể người khác có coi trọng hay không niềm yêu thích của bạn. Nên có sở trường không chỉ ở một phương diện, nên có thói quen đọc sách, cất giữ, ghi chép, nên có ước mơ, nên có ý nghĩ xa xôi và thế giới nội tâm của mình, ít nhất cũng nên có cái thú riêng, niềm vui riêng và thói nghiền riêng của mình. Khi công tác không được như ý, ít nhất bạn cũng được đền bù bằng sự ấm áp, bằng lời an ủi, bằng sự say mê yêu thích ở gia đình mình hoặc nơi ở của mình. Trong thời kỳ có những phong trào chính trị liên miên, người ta thường phê phán “cảng tránh gió”. Hay quá, đó là cảng tránh gió to, là nơi tránh được hoặc cũng giảm nhẹ được tai nạn, giữ được ổn định, nghỉ ngơi, tu dưỡng để rồi bảo vệ, sinh sôi được lực lượng. Những “cảng tránh gió” đó cống hiến rất lớn cho quốc gia, cho nhân dân, cho bản thân nữa. Không có “cảng tránh gió” thì sau những trận nổ tung theo kiểu dệt thảm trải sàn trong các cuộc vận động chính trị, hỏi còn bảo tồn được bao tài năng có ích? Hỏi ngày nay còn có những việc tốt đẹp như vừa cải cách đã đạt hiệu quả, vừa mở cửa đã phát triển mạnh mẽ hay không?
Khi xảy ra những tai biến không ai hiểu ra sao, chí ít bạn vẫn có thể nghe nhạc, trồng hoa, bày những vật yêu quý, viết vài bài thơ không nhất thiết đăng báo. Khi một sở trường chuyên môn nào đó nhất thời không có chỗ dùng, bạn còn có sở trường chuyên môn khác để lựa chọn, để triển khai thân thủ. Hồi ở Tân Cương, tôi không cách nào sáng tác được song ít nhất tôi còn có thể dịch giữa tiếng Hán và tiếng Duy Ngô Nhĩ, mà ở chỗ có nhiều dân tộc tụ cư, phiên dịch là công việc hết sức quan trọng. Tôi còn thấy một số người có sở trường chuyên môn đặc biệt, khi tuổi đã đến lúc thôi giữ chức thì họ lập tức chuyển sang hoạt động chuyên nghiệp, thực hành chuyên môn của mình, phía này “hạ đài” thì phía kia “thượng đài”, mặt này thoái ẩn thì mặt kia tái xuất, thật là tuyệt! Họ như cá về biển, như chim lên trời, được đặt đúng chỗ, cuộc sống của họ lại bắt đầu. Còn những người ngoài hội họp, truyền đạt văn kiện ra không biết làm gì cả, sau khi lui xuống rồi thật là trống vắng, tịch mịch, khó mà tiêu khiển nỗi buồn chán. Không có sở trường chuyên môn gì đặc biệt thì chí ít cũng nên có chút hứng thú, yêu thích. Bạn thích trồng hoa, bạn thích nuôi mèo, chó và những con vật cưng khác, bạn chơi đồ cổ, bạn chơi tem, bạn viết thiếp, bạn thích đánh bài, bạn thích nấu nướng, đó đều là thế giới tự có được niềm vui của bạn. Khi đã tới trình độ tự mình có được mấy thế giới rồi, bạn sẽ mãi mãi đứng trên mảnh đất bất bại. Ngược lại, bạn sẽ nhìn thấy một số kẻ cố chấp, ích kỷ, nhìn nhận hẹp hòi, lúng túng không có đường nào mà đi, hoặc kết bè kết bọn chạy đôn chạy đáo, gọi trời kêu đất, trời tối đường cùng, thật là đáng thương, mà cũng đáng cười, đáng than.
Nghĩa là, vừa phải tập trung tinh lực lại không thể chỉ biết một mặt, trói chặt mình vào một sợi dây thừng; mối quan hệ tương sinh tương khắc, vừa bổ sung vừa vi phạm ở bản thân, chỉ có thể lần mò trong cuộc sống thực tế. Thêm ra mấy thế giới không phải để đối lập cái này với cái kia, chuyên tâm một dạ cũng không phải chỉ biết một sợi dây thừng. Không có tư tưởng linh hoạt, làm sao có được nhân sinh sống động?
Đương nhiên điều này cũng không có tính đồng nhất như thép. Có người cả đời chỉ thích một việc, làm một việc, không có ý thích gì khác, không có theo đuổi gì khác ngoài công việc chính và đã dâng hiến tất cả cho công việc ấy do đó đã đạt được thành tích huy hoàng. Như thế thì sao nào? Chúng ta hãy kính chào ông hoặc bà đó là xong.
Hãy nhớ kỹ: bạn vĩnh viễn không bao giờ chiếm được tất cả số điểm
Cần luôn chuẩn bị cho sự thất bại, sự va vấp, bị chỉ trích hoặc gặp nguy hiểm, về điểm này bạn chớ bao giờ có tâm lý cầu mong. Tâm lý cầu mong, tự đánh giá mình quá cao, tự lấy mình làm chuẩn mực là ba sai lầm mà con người nói chung dễ mắc nhất. Cuộc đời có khi nào là không có nguy hiểm? Trẻ nhỏ tập đi có nguy hiểm là vấp ngã, chưa biết tập đi, mới biết bò thôi thì càng nguy hiểm. Mọi người đều khen, không một ai phê bình bạn, có thể được không? Đó là điều hay chăng? Chuyện này cũng giống như một người nửa đời về trước chưa hề bị lây bệnh do vi rút nào, như vậy hệ thống miễn dịch và sức đề kháng của người đó ắt yếu hơn mọi người nói chung, và như thế là rất nguy hiểm. Bệnh AIDS sở dĩ đáng sợ chẳng phải vì nó phá hoại hệ thống miễn dịch của con người hay sao? Trong cuộc đời thường có sự cân bằng rất lạ lùng: việc tốt và việc xấu, được lọt mắt xanh và hiểu lầm, oan khuất và may mắn, người tốt và kẻ xấu (như bạn từng gặp). Đó thường là sự cân bằng về cơ bản.
Hồi tôi lao động ở nông thôn miền Y Lê tại Tân Cương, một lần rửa mặt không cẩn thận đã giẫm gãy kính đeo mắt. Ông chủ nhà - một lão nông người Duy Ngô Nhĩ an ủi tôi: Thế là rất hay. Người ta không thể đến đâu cũng được, đến đâu cũng có lợi. Tất nhiên là phải mất mát, hao tổn về một mặt nào đó thì mặt kia mới có lợi. Còn có một nhân vật đoạt được quyền trong “Cách mạng Văn hóa”, tự phong là Đội trưởng. Anh ta rất đắc ý với việc hất cằm, chỉ tay ra lệnh của mình, nhưng khi người khác nhắc nhở rằng văn hóa của anh ta quá thấp thì anh ta nói: “Tôi không thể là người có văn hóa vì một người không thể mặt nào cũng vẹn toàn, mặt nào cũng vẹn toàn thì sống lâu làm sao được?”
Những lời nói đó thậm chí có màu sắc mê tín, nhưng chúng phản ánh một thế giới quan chất phác. Một là, vạn vật đều có sự cân bằng, tiếng Bắc Kinh gọi là “tìm thăng bằng cho mình”. Hai là không thể cầu toàn, không thể mong lũng đoạn cái thắng và cái tốt, không thể tuyệt đối hóa. Cách nói theo tiếng Anh là “anh không bao giờ chiếm được tất cả số điểm”. Ba là, Tái ông mất ngựa, sao biết chẳng phải phúc? Gặp phải việc xấu, nên coi đó là việc xảy ra đúng tình lý, coi là việc đương nhiên, thậm chí coi là việc không phải không tốt.
Công thức toán học của số phận
Ở đây nên là một quy tắc tựa như của toán học đang phát huy tác dụng. Trong một truyện ngắn, tôi từng kể có một trò chơi bịp bợm lần đầu tiên tôi thấy trên bờ biển Bắc Đới Hà. Người chủ trì bỏ bốn loại bi ve màu sắc khác nhau vào túi, mỗi loại màu gồm năm viên, sau đó để người chơi thò tay vào túi lấy ra mười viên và quy định cách thưởng phạt khác nhau tùy theo tỉ lệ lấy được bi. Anh ta quy định tỉ lệ lấy bi ra là 3322 (tức loại bi thuộc hai màu A, B là 3, loại bi thuộc hai màu C, D là 2, hoặc hai màu A, C là 3, hai màu B, D là 2 hoặc màu khác cũng vậy) thì người chơi bị phạt năm tệ; nếu bi lấy ra là 4321 hoặc 3331, người chơi bị phạt hai tệ; nếu bi lấy ra là 4222 thì đạt giải năm, giải thưởng là một vỏ ốc biển hoặc một dây đeo khóa; nếu bi lấy ra là 4330 hoặc 4411 thì đoạt giải tư, giải thưởng là một bao thuốc lá ngoại. Còn nếu bi lấy ra là 5311 thì đoạt giải ba, giải thưởng là một đồ chơi người máy. Nếu là 5410 thì đoạt giải nhì, giải thưởng là một tút thuốc lá ngoại, nếu là 5500 thì đoạt giải thưởng lớn là một máy ảnh. Bề ngoài xem ra dường như cơ hội trúng thưởng nhiều hơn là bị phạt, hơn nữa lại là trò chơi bốc thăm miễn phí, nếu thua chỉ nộp phạt chứ không cần mua vé vào cửa, thế là nhiều người đã mắc lừa khi chơi cái gọi là “trò chơi miễn phí” này. Tôi đứng bên ngoài quan sát, tám, chín phần mười người lấy bi trong túi ra đều là 3322, một, hai phần mười lấy ra là 4321 hoặc 4330, ngẫu nhiên mới có người lấy ra được 4222, 4411 hoặc 4330. Chưa một ai lấy được số 5500. Người chơi đã không trúng thưởng lại còn bị phạt, chỉ trách tay mình “thối” khiến chủ trò sướng không kể xiết. Sau khi về nhà, tôi dùng bài đánh tú lơ khơ hoặc quân bài mạt chược chơi thử, kết quả cũng tám, chín phần mười là 3322, một, hai phần mười là 4321 hoặc 4330.
Như thế là mọi cơ hội đều có xu hướng quân bình, anh 3 thì tôi 2, anh 4 (ít thấy) thì tôi 3, khả năng chiếm hai số 55 gần như là không, chiếm một số 5 cũng khó xảy ra. Tôi gọi đó là tính công bằng có ý nghĩa toán học của số phận. Đây là một vấn đề xác suất chẳng chút phức tạp, nhà toán học đương nhiên có thể ghi ra công thức cho nó.
Ngoài ra, cơ hội cũng còn có tính so le không đều, tính không tương đồng, tính ngẫu nhiên. Nếu bạn bỏ vào túi không phải 20 viên bi mà là 24 viên, bạn không muốn lấy ra số 3322 mà lại là 3333 thì bạn sẽ không thành công. Số 3 và 2 là một tầng so le, một tầng khác biệt nhau. Màu sắc các viên bi cũng khác nhau, mỗi lần ra khác nhau, hình thành nên tầng so le thứ hai. Giả sử bốn loại bi có màu sắc là đỏ, vàng, xanh, trắng, đỏ 3, xanh 3, vàng 2, trắng 2 thì thành 3322; đỏ 3, vàng 3, xanh 2, trắng 2 cũng là 3322, sau đó là đỏ trắng xanh vàng, trắng vàng đỏ xanh, trắng xanh đỏ vàng v.v... đều có thể xếp thành 3322, tức quân bình tương đối giống nhau và lại không giống nhau, biến hóa trăm bề, chênh lệch hết mức, khó mà nắm bắt. Than ôi, cái đạo toán học lớn lắm thay!
Tôi suy nghĩ rất lâu về đạo đó, tôi nghĩ số phận cũng vậy mà thôi, cơ hội cũng thế, dường như có một bàn tay trong chốn u minh. Đối với người theo thuyết vô thần, số phận là công thức và quy luật toán học, toán học là Thượng đế, là Chúa. Bạn muốn giành được tất cả vận may, hoặc bạn oán trách mọi cái xui xẻo đều đổ xuống đầu bạn, như vậy chẳng khác gì bạn chỉ muốn con số 5500. Con số này không phải hoàn toàn không có được, song cơ hội cực hiếm, xác suất cực thấp. Có được điểm số ấy thực sự chẳng khác gì mua xổ số trúng được giải độc đắc, chẳng khác gì đi máy bay gặp phải tai nạn trên không, chẳng ai tránh được, ai cũng phải chấp nhận. Nghĩ thông suốt được điều này thì chúng ta bớt oán trời, oán người, bớt phẫn uất bất bình, bớt lửa ghen thiêu đốt, bớt cảm thấy oan khuất, bớt bi quan thất vọng.
Đương nhiên cách nói này không thể dùng để che giấu những thiếu sót trong hiện thực cuộc sống và trong thể chế hiện hành, thậm chí chúng ta còn có thể nói, nhiều vấn đề xã hội sở dĩ có lúc xuất hiện thành khối u ác tính là do có thiếu sót về mặt thể chế, hoặc do đặc quyền, hoặc do thói xấu, hoặc do làm trái, khiến cho trò chơi lấy bi trong túi tách ra khỏi quỹ đạo công bằng, công khai, chính đáng của xác suất toán học, khiến cho một bàn tay toan thay thế xác suất và quy tắc dám phát cho một số người nào đó toàn bộ số đỏ và cho một số người khác toàn số 0000; hoặc bàn tay ấy muốn cho ai 5500 thì người đó được 5500, ngoài ra những người khác chỉ được bốc bừa, kết quả tất nhiên là phần thưởng siêu ngạch chảy ra ngoài, không duy trì cuộc chơi được nữa. Những người bị phạt vì vớ phải 0000 hoặc 3322 sẽ nhào tới cuộc chơi, phá cuộc chơi, lật cuộc chơi, thiên hạ từ đó mà lắm chuyện.
Cách nói này cũng không thể thủ tiêu sự phấn đấu của cá nhân, “đạo trời thưởng cho ai chuyên cần”(1) quả là câu nói đúng. Chỉ có không ngừng phấn đấu, không ngừng tìm tòi thì bạn mới có thể từ vô số cơ hội tương tự như 3322, từ những món tiền phạt phải trả luôn tay, cuối cùng tìm được những viên bi trúng thưởng mình cần.
Ý nghĩa duy nhất của cách nói này là muốn cho người ta biết họ rất khó được số 5500. Thuận lợi và vấp ngã, trợ lực và trở lực, biết tài và hiểu lầm, may mắn và đen đủi, đường vòng và đường tắt, tình bạn và căm thù, gặt hái và mất trắng... bao giờ cơ hội bạn giành được cũng hầu như là 3 và 3, 2 và 2, tức là nói về đại thể là quân bình. Vấp phải cái tiêu cực, gặp phải chuyện xui xẻo chẳng khác gì bạn vớ phải những viên bi có màu sắc mà bạn không thích. Đừng vội nôn nóng, có lẽ viên bi tiếp theo sẽ là màu khác, màu mà bạn thích nhất đấy. Đợi đến khi viên bi may mắn xuất hiện đi, bạn đã chuẩn bị sẵn sàng chưa đấy? Bạn có thể lập tức cho viên bi may mắn phát huy tác dụng tích cực nhất, hữu hiệu nhất không? Cơ hội xuất hiện nói chung không yêu riêng một người đặc biệt nào, rất nhiều người thành công kỳ thực suốt đời gập ghềnh, khảo nghiệm, thách thức, tai nạn mà họ phải chịu thực ra chỉ nhiều hơn chứ không bao giờ ít hơn người bình thường. Vấn đề chỉ là ở chỗ họ không buông trôi cơ hội, không bỏ qua cái gọi là ngồi nhìn cơ hội đi mất. Khi cơ hội đến, thậm chí khi thử thách đến, lập tức họ có thể cho thấy năng lực, phẩm chất, quyết đoán, ý chí... của họ, tóm lại là toàn bộ sự học ở ngoài thân và sự học ở cùng thân. Nếu bạn có thể thì xin chúc mừng bạn, thành công và thắng lợi nhất định thuộc về bạn.
Hết phần 7. Mời các bạn đón đọc phần 8!