Triết Học Nhân Sinh Của Tôi Phần 8


Phần 8
Bàn về cảnh ngộ nhân sinh

Cuộc đời một con người bao giờ cũng diễn ra trong cảnh ngộ đặc định, vô số cảnh ngộ đặc định khác nhau nối tiếp lại tạo thành một tuyến nhân sinh hoàn chỉnh. Tuyến cảnh ngộ này vừa không thể tròn, cũng chẳng thể thẳng. Bạn sẽ gặp phải nghịch cảnh, thuận cảnh và tục cảnh, khó xử; bạn cũng có thể vì thế mà sinh ra nhiều loại tâm thái khác nhau và quan trọng hơn là mỗi người khác nhau đều có thái độ nhân sinh khác nhau khi ở trong cảnh ngộ của đồng loại. Đó chính là nguyên nhân căn bản vì sao nhiều người có cảnh ngộ giống nhau nhưng số phận lại khác nhau. Chương này nói về thái độ cần có trong cảnh ngộ khác nhau, đồng thời từ trải nghiệm và suy nghĩ trước đây mà nêu ra nhiều kiến giải có tính đối sách.

Nghịch cảnh: khảo nghiệm và thách thức của nhân sinh

Người ta bao giờ cũng gặp phải nghịch cảnh. Bị đả kích, bị liệt vào danh sách khác về mặt chính trị là một loại; gặp phải thiên tai, nhân họa, ốm đau, thương vong là một loại; bị cố ý hãm hại là một loại; thực sự có lỗi lầm rồi kết quả là bị cuốn vào một sự kiện, một vụ án không hay ho gì là một loại; đơn giản hơn chút nữa thì vợ hoặc chồng đòi ly hôn, con trai hay con gái nghiện ma túy cũng là một loại. Có khi vô duyên vô cớ bị một số tin đồn làm tổn thương, bị một số lớn lời nói gió bay công kích, bị một số vai hề trên văn đàn vu cáo, có thể chưa gọi được là nghịch cảnh song cũng làm cho bản thân buồn bực khốn đốn.

Người ta ai cũng có mặt yếu mềm. Khi bạn bị người yêu dấu hoặc bạn thân phản bội, khi bạn bị thầy giáo hiểu lầm tới mức oan khuất, thì thành quả lao động của bạn bị vấy nhục hoặc bị tổn hại; khi lòng thành thực và tốt bụng của bạn bị hoài nghi một cách ác ý, khi lũ lưu manh vô lại và bọn tiểu nhân ti tiện chẳng học hành, chẳng có tài cán gì mà bạn khinh bỉ nhất lại diễu võ dương oai, hất hàm chỉ tay sai bảo, tức là khi chuông vàng câm tiếng, mảnh chĩnh réo vang thì ai có thể không thất vọng, không nổi giận lên tới sao Ngưu, sao Đẩu, không căm giận liều mạng một phen?

Còn khi bạn quả thật có thiếu sót, có nhược điểm, có sai lầm gây ra hậu quả nghiêm trọng và siêu nghiêm trọng, bạn có thể không nản lòng nhụt chí, tinh thần sa sút đến nghìn trượng được không?

Song đó cũng là lúc cần có sức mạnh nhất. Bạn có thể tự mình bình tâm, tự có đủ sức chịu đựng, không lên cơn thần kinh; bạn có thể giữ vững lý tính và sự tôn nghiêm, có thể giữ được tỉnh táo trong lúc khó khăn, tự xem lại mình mà tuyệt nhiên không oán trời oán người, cũng bất tất vội vàng nói mạnh để tự biện hộ, đồng thời dùng sách lược đối ứng và bước đi khả thi nhất, nhất là không dùng bất kỳ lời lẽ và hành động thiếu sáng suốt, không thỏa đáng, không hiệu quả mà còn có hại hay không?

Đó là sự khảo nghiệm, là thách thức, là việc cần đến bản lĩnh thực sự; đó cũng là bản lĩnh không được truyền thụ trên lớp học, trong nhà trường.

Thuận cảnh: có thể sẽ trở thành cái bẫy

Người ta không chỉ gặp nghịch cảnh mà còn bất chợt hoặc trong thời gian ngắn cũng gặp cảnh đã thông thì trăm việc đều thông, đã thuận thì trăm điều đều thuận, thậm chí là lúc “vừng đã ra hoa đốt đốt cao”(1). Trong thuận cảnh cũng thai nghén nguy hiểm hoặc càng nhiều nguy hiểm hơn. Điều nguy hại là sẽ có một số người phẩm cách không cao bao vây bạn. Bạn rất khó từ chối tất cả ở ngoài nghìn dặm, bạn thường theo thói thường mà nhận định những người như thế cũng có lợi cho mình, thậm chí có chỗ còn dùng được. Bạn cho rằng mình có thể chế ngự họ, song bạn đã quên rằng mặt khác, những người chính trực, chính phái quanh bạn đang xa rời bạn và người tốt đang thất vọng vì bạn. Lâu dần bạn cũng thất vọng với những người tốt, người tốt nhạt nhẽo với bạn và bạn cũng lạnh nhạt với họ. Dần dần bạn đã biến chất - biến thành “đại ca đại” do bọn tiểu nhân xu phụ quyền thế “bồi dưỡng” nên, lúc nào cũng tự cho mình là đúng.

Ở đây mấu chốt là phải tỉnh táo. Khi một người đến đâu cũng tâng bốc bạn thì có thể anh ta muốn mượn dịp để tự tâng bốc. Khi bạn ở trong thuận cảnh, bạn sẽ trở thành lá cờ, cây gậy, chiêu bài, bùa hộ thân của một số người. Những người thẳng thắn khuyên can sẽ lảng tránh bạn, vì vậy mà bạn sẽ càng ngày càng trở nên dung tục, thế lợi. Vô tình hay hữu ý, bạn sẽ tập hợp một nhóm, một đoàn thể nhỏ của mình, bạn tự cho là đắc kế mà kỳ thực là đang tụt dốc.

Nguy hiểm thứ hai là thuận cảnh đem lại sự tiện lợi, thậm chí một đặc quyền nào đó, thế là bạn cứ việc hưởng thụ, bạn vui thú với cái mình thích mà đánh mất ý chí, bạn tham lam vô độ, bạn vi phạm pháp luật, làm loạn kỷ cương, thế là bạn tự chuốc lấy diệt vong.

Nguy hiểm thứ ba là bản thân thuận cảnh có sức dụ dỗ và làm mê đắm, thế là bạn quyến luyến với thuận cảnh, mong ước thuận cảnh theo mình mãi mãi; thế là bạn không chịu làm việc trong gian khổ, không chịu tích lũy từng chút một, không chịu học tập để tiến bộ, không muốn sinh sống và công tác như nhân viên bình thường, không muốn bất kỳ hiểu lầm và gian khổ nhất thời nào. Bạn trở nên kiêu căng và điên khùng, mê muội, không phân biệt được đúng sai.

Nguy hiểm thứ tư là thuận cảnh nuôi dưỡng tính xấu của con người. Bạn sẽ dễ nổi giận, dễ bi quan, hơi một tí là toan làm thương tổn người khác và như thế bạn sẽ khó thu xếp cuộc sống của mình.

Nguy hiểm thứ năm, thứ sáu, thứ bảy... có nói cũng không hết. Ở đây tôi còn muốn nhấn mạnh một nguy hiểm nữa. Một người vốn dĩ có sở trường chuyên môn, có tu dưỡng chuyên nghiệp, tức là có bản lĩnh và thực lực thật sự nhưng vì ở trong thuận cảnh một thời gian dài nên trở thành người thích xuất đầu lộ diện ở khắp nơi, thích nói suông, thích viết lời tựa, lời lưu niệm, cắt băng khánh thành, chụp ảnh lưu niệm, dự tiệc, thích vinh hoa phú quý, thích được sang trọng, cuối cùng trở thành Hoa Uy tiên sinh(1) không một sở trường nào, trở thành vô lại, ký sinh trùng, dầu con hổ(2) và phường ăn hại.

Tôi còn nhớ lời ông Chu Cốc Thành kể cho tôi nghe: hồi mới giải phóng, một lần Mao Chủ tịch nói chuyện với ông về chặng đường quanh co của cách mạng. Mao Chủ tịch nói ông thể hội rất sâu sắc về câu “thất bại là mẹ thành công”. Ông Chu nói, nhưng “thành công cũng là mẹ thất bại”. Mao Chủ tịch hỏi ông nói như thế là nghĩa làm sao? Ông Chu đáp, người thành công dễ sinh kiêu ngạo, hủ bại, tranh quyền đoạt lợi. Mao Chủ tịch trầm ngâm một lát. Ông Chu sợ Mao Chủ tịch không vui, vội nói thêm: “Nhưng chủ tịch là ngoại lệ!”, còn Mao Chủ tịch nói: “Ông nói rất đúng!”

Tục cảnh: sự lặp lại đơn giản


sinh mệnh và “lãng mạn mù quáng”

Trong tình hình hiện nay, mọi người đang tập trung tinh lực kiến thiết đất nước, có lẽ phần đông hiếm khi gặp phải nghịch cảnh hay thuận cảnh gì đặc biệt mà càng nhiều hơn là gặp tục cảnh: công tác không tốt cũng không xấu, nghề chuyên môn cũng được song không xuất sắc, cũng không phải hoàn toàn là người đứng vào cho đủ số, hoàn cảnh khách quan chung chung, sức khỏe, tâm tình, thu nhập, địa vị, hoàn cảnh chủ quan đều có thể nói là so với trên thì kém, so với dưới thì hơn.

Cuộc sống như thế là bình thường, bình lặng, bình tĩnh và bình hòa. Mấy chữ bình này thật ra cũng là hạnh phúc và may mắn. Miền Nam Trung Quốc coi chữ bình là chữ may mắn, tốt lành. Hồng Kông dịch chữ Benz (xe ô tô) thành Bình, thật thú vị. Song trạng thái bình thường đó rất dễ bị những ai thanh cao, có chí lớn, việc nào cũng không buông xuôi hoặc đa sầu đa cảm cho là tầm thường. Cuộc sống như thế lặp đi lặp lại quá nhiều, ngày lặp lại ngày, năm lặp lại năm, quá ít cảm giác tươi mới lãng mạn và kích thích. Tĩnh đến cùng cực thì thích động, người ta sống quá lâu trong cảnh tương đối tĩnh lặng sẽ đột nhiên thấy tức thở, muốn nổi giận. Nhà văn Nga Tsekhov rất giỏi viết về tâm thái bất mãn đối với cuộc sống tẻ nhạt ấy của địa chủ nhỏ và tiểu thị dân.

Ở đây có một danh từ có sức sát thương rất mạnh là “tầm thường”. Sống với bạn đời bao nhiêu năm mà không bên nào ngoại tình thì như thế dường như có chút tầm thường. Ngủ, thức, ăn uống đều điều độ, không trúng độc vì cồn, không dùng ma túy, không bị tai nạn giao thông cũng không bị ung thư, như thế phải chăng cũng có chút tầm thường? Không trở thành chiến sĩ thi đua, không trở thành tội phạm, không làm nên quan to, cũng chẳng trở thành đại gia, không trở thành ăn mày cũng không cần chạy trốn, chưa từng ở phòng sang trọng tại khách sạn năm sao cũng không phải ngủ ngoài đường, chưa gặp gái điếm cũng chưa gặp bọn lừa đảo, chưa đụng phải gián điệp cũng chưa được gặp Lôi Phong, không gặp cuộc diễm tình cũng không bị bất lực hay lãnh cảm, thế thì làm thế nào đây? Tầm thường đang chờ bạn ở đấy.

Trước những lời oán trách, than thở tầm thường như vậy, tôi chẳng có biện pháp nào cả. Khi còn trẻ, điều tôi sợ nhất cũng là sự tầm thường. Một trong những mục đích sáng tác là để chống lại sự tầm thường. Thậm chí tôi còn cho rằng rất nhiều trí thức chọn cách mạng không phải vì bị đói khát và áp bức như nông dân và công nhân, mà vì muốn chối bỏ sự tầm thường - buông xuôi theo dòng, tự mãn tự túc, sợ thay đổi, sợ hy sinh v.v... Sau này, khi đã tích lũy được kinh nghiệm già nửa thế kỷ, tôi mới hiểu ra: sự tầm thường rất khó nói là một loại nghề nghiệp, một hoàn cảnh khách quan hay sản vật đặc thù của chính trị. Thương nhân là tầm thường chăng? Cuộc sống hòa bình là tầm thường chăng? Chính trị của chủ nghĩa anh hùng và chính trị đại chúng hóa, bên nào càng tầm thường hơn? Người vừa tốt nghiệp tiểu học phê phán Einstein như từng xảy ra trong “Cách mạng Văn hóa”, thực ra lại khiến cho người ta không cảm thấy tầm thường. Phải chăng tầm thường cần đến điên cuồng mới chữa khỏi? Còn một tiến sĩ khoa học nhân văn, một Ph.D(1) mới ra lò, đã làm ra vẻ cứu thế, hoặc tỏ vẻ chỉ cần bổng lộc thực sự là có thể ngả theo bất kể kim tiền và quyền lực thế nào thì rút cuộc đằng nào mới là tầm thường? Thật là chỉ có trời biết!

Thơ là không tầm thường nhất chăng? Có đủ loại thơ giả mạo, xấu kém và còn có thi sĩ tục khôn xiết kể. Tôi từng cay nghiệt chế giễu loại nhà thơ như thế, là tất cả những gì tốt nhất đã đưa vào thơ rồi nên anh ta chỉ còn lại thấp kém và xấu xa thôi. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có tầm thường, trừ phi cách mạng không bao giờ thắng lợi, cách mạng không bao giờ phổ cập, cách mạng trở thành cuộc mạo hiểm theo kiểu Che Guevara. Trong công việc lãng mạn như họa sĩ, minh tinh, quan chức ngoại giao, nhà phi hành, lính thủy và thuyền trưởng đều có những kẻ tầm thường. Như vậy, nghề nào có trạng nguyên thì nghề ấy cũng có tầm thường. Nghĩ đi nghĩ lại, chỉ bọn khủng bố là không tầm thường. Mặt khác, nếu lạm dụng từ tầm thường cho người khác, tự cho chỉ mình là thanh cao, chỉ biết lãng mạn mù quáng như cố nhà văn Vương Tiểu Ba từng nói, thì chỉ làm hỏng nhân sinh thông thường và chính đáng mà thôi.

Tầm thường hay không chủ yếu là vấn đề cảnh giới, vấn đề tu dưỡng về văn hóa và niềm thích thú. Nếu tầm thường kiểu buồn bã thở than hoặc chửi rủa người khác thì chẳng bằng tự mình đọc nhiều sách, học tập nhiều hơn, nâng cao phẩm vị của mình, mở rộng tầm mắt của mình, đồng thời sống bình thường trong tình thế bình thường một cách chính đáng. Hiện có một câu nói đang lưu hành là “đại nhã nhược tục, đại dương nhược thổ”(1). Nhã thực sự không hề cự tuyệt hay chí ít cũng không buồn lòng với đại chúng thông thường/bữa ăn nhanh/phương tiện truyền thông/cổ áo xanh(2). Nhã hoặc “tây” thực sự không hề dốc sức để biểu thị mình không hài hòa với thói tục, đứng một mình, đi một mình ở chốn trời cao mây nhạt. Chỉ có địa chủ nông thôn dưới ngòi bút của nhà văn Nga cũ mới giữ lại tấm vé xem kịch từ hơn mười năm trước ở Peterbourg và luôn luôn khoe với người khác rằng mình không tục.

Người tục chẳng có gì đáng sợ, điều đáng sợ là mượn tục để cắt xén và bài xích mọi thứ cao thượng, cao nhã, hoặc khiến thế tục phát triển theo hướng thấp kém và tệ hơn nữa là thô tục. Còn có thói khiến người ta nổi da gà là tự mình tục là đủ rồi, nhưng lại cứ cho mình cao nhã, mở miệng ra là chê người này, người nọ tục. Chẳng hạn thích ăn uống tuyệt nhiên không phải tật xấu gì ghê gớm, chẳng qua là một phần trong lạc thú của đời người. Nhưng vì tham chén tham bát mà vung phí tiền bạc, cầu thân để kiếm lợi, làm mất tư cách, tư thái xấu xa lộ ra hết thì đó quả là thấp kém. Tiến thêm một bước nữa, mượn tiệc tùng nhậu nhẹt làm thủ đoạn để kết giao với kẻ xấu, cùng chúng mưu đồ phạm tội, khôn khéo hoặc trắng trợn vơ vét, vi phạm luật pháp, làm loạn kỷ cương thì như thế không chỉ là tục đến mức ác mà còn là tội ác. Còn nếu như nhậu nhẹt đủ rồi liền lập tức quay sang công kích nhậu nhẹt thì thế nào?

Chí ít cũng có thể đưa ra một kiến nghị tương đối dễ thực hiện: hãy bồi dưỡng năng lực thẩm mỹ cho mình. Bất kể công tác của bạn, chuyên môn của bạn là trị quốc bình thiên hạ hay trên vũ trụ, dưới địa cầu; là tranh ngôi quán quân hay quét dọn nhà vệ sinh; là muôn màu muôn vẻ hay mấy chục năm vẫn như một ngày thì thế nào bạn cũng nên đọc ít sách nổi tiếng, xem ít tranh nổi tiếng, nghe chút âm nhạc hay hý khúc, thưởng ngoạn núi cao, sông lớn, dùng văn hóa của nhân loại, văn hóa của Tổ quốc điểm xuyết và làm phong phú thêm cho cuộc sống hạn hẹp của mình; dùng vẻ đẹp của nghệ thuật và thiên nhiên bổ sung, an ủi cho ngày tháng bình thường và tâm hồn của mình khó tránh khỏi có lúc cảm thấy trống vắng. Làm như thế hơn đứt lối tự cho mình là thanh cao.

 

Bàn về cảnh ngộ luôn biến đổi

Cảnh ngộ luôn luôn biến đổi, có lúc người xung quanh không nhận ra sự biến đổi đó. Đứng xa mà nhìn thì người ấy mọi thứ đều như cũ, song bản thân anh ta hay chị ta tự biết rõ mình đang lên dốc hay xuống dốc hoặc quả thật vẫn như thường. Cùng được hoan hô như nhau nhưng bản thân tự hiểu đó là hoan hô thực lòng hay chỉ là lịch sự, giả dối, hoặc là trao đổi vì mục đích gì đó. Cùng kiếm được tiền như nhau nhưng bản thân tự biết đó là thu nhập hợp lý, hợp pháp hay nhờ nỏ cứng bất chấp thủ đoạn; là còn có thể tiếp tục phát triển hay giết gà mẹ để lấy trứng, tát cạn đầm để bắt cá. Cùng có chức danh cao cấp như nhau, tự mình đều thấy rõ là do học khắp Đông Tây, thông thạo có thừa hay là miễn cưỡng ứng phó, che được đầu hở đằng đuôi. Cùng một cửa hàng như nhau, tự mình biết dự kiến sau này sẽ ăn nên làm ra hay sẽ sa vào hoàn cảnh nguy hiểm để rồi diệt vong.

Sự biến đổi cảnh ngộ, nhất là đột ngột xấu đi thường khiến người ta lo lắng, bất an, không chịu phục hoặc không nén nổi tức giận, oán trời oán đất, nôn nóng, cuống quít, hoặc lo lắng cho sự được mất mà hành động khinh suất, thiếu suy nghĩ, tự chuốc lấy nhục nhã, phiền não.

Thực ra sự biến đổi đó là rất bình thường, người ta không thể may liền trăm ngày, hoa không thể tươi liền nghìn ngày. Mọi biến đổi đều có cái giá của chúng, buồm căng gió thuận thì cũng gần với dấu hiệu gặp nguy. Đương nhiên vận may thì có khác, tao ngộ khó lường, song nhìn một cách tổng thể thì cũng không có điều gì đặc biệt cần kinh ngạc. Sự biến đổi của sự vật thường nối tiếp nhau, nghịch cảnh là sự chuẩn bị cho thuận cảnh, thuận cảnh là tấm đệm cho nghịch cảnh, trong thuận cảnh có thể đã ẩn chứa nhân tố của nghịch cảnh, trong nghịch cảnh có thể đã tích lũy nhân tố cho thuận cảnh. Cảnh ngộ có lúc biến đổi đột ngột, đứt đoạn đột ngột tính liên tục, như thế gọi là ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây. Tuy Hà Đông và Hà Tây có khác nhau nhưng người vẫn là con người ấy, tình lý vẫn tình lý ấy, người ta không nên đến nỗi trôi dạt tới bước ấy, cứ tưởng đâu ở Hà Đông thì thành thần, sang Hà Tây thì thành quỷ.

Trong một bài thơ theo thể cổ vịnh hồ Ca Nạp Tư khu A Lặc Thái ở Tân Cương mới làm gần đây, tôi có câu rằng: “Hoặc hữu ba lan hợp sóc vọng, Ưng vô huyết khí trục trầm phù”(1). Tôi muốn nói đến một loại tâm tình, một loại trạng thái: tâm tình có sóng, hoàn toàn không phải không thể. Nhưng cái mà tâm tình đó hòa hợp là sự biến đổi của tự nhiên chứ không phải sự chìm nổi nói chung hoặc những theo đuổi tính toán được mất nhỏ nhặt, phiền nhiễu. Khi viết mấy câu thơ này, tôi đã 67 tuổi, đã qua cái tuổi đuổi theo chìm nổi rồi. Song chúng ta vẫn có thể có một mục tiêu, cho phép lòng nổi sóng chứ không theo đuổi nổi chìm. Trong đó chí ít có một nguyên nhân, đó là thuận cảnh, nghịch cảnh v.v... chẳng qua là cách nói tương đối dung tục, sơ đẳng, vốn không có phép tắc định sẵn, kết luận định sẵn. Thắng bại là chuyện bình thường của người cầm quân. Những câu “Tái ông thất mã an tri phi phúc?”(1), “Bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”(2) đều nói về những việc không phải vừa nhìn đã thấy rõ ngay. Trong lúc hoạn lộ hanh thông đã ẩn mối nguy vấp ngã liền kề; trong lúc sinh sôi, tích tụ và dạy bảo(3) đã chuẩn bị thành công cho tương lai. Thất bại trong thực nghiệm đến mấy chục lần, hàng trăm lần sẽ đánh thông tới tột cùng sáng láng, còn trong ngọn lửa hồng khua chiêng đánh trống đã để lộ ra khoảng trống rỗng không tránh khỏi. Sự vô liêu, vô thú, vô năng(4) của con người tuyệt nhiên không phải vì khiêm nhường, do trầm tĩnh, do tự thân không phấn chấn mà là vì nôn nóng, nông cạn, cảnh giới thấp kém, ăn no suốt ngày không để tâm vào việc gì; đã thế lại còn nổi giận, hơi một tí là bày thế muốn ăn sống nuốt tươi người khác. Thuận lợi nhất thời chẳng có gì đáng mừng, gian truân nhất thời không có gì đáng buồn. Thuận hay nghịch không phải ở chỗ có thể hay không, có lợi hay không mà ở chỗ có phù hợp với đạo lớn, có phù hợp với quy luật phát triển của sự vật hay không, có phù hợp với tiêu chuẩn lựa chọn sáng sủa của trí tuệ hay không. Mấu chốt ở tự thân có đứng vững chân chèo được không, có học tập nâng cao được không, quả thật có sở trường, có đứng được ở chỗ bất bại hay không.

Phong độ lý tính, ung dung và
nỗi “hiu quạnh”

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng cần giữ chút phong độ. Phong độ rất quan trọng đối với con người, phong độ là vẻ ngoài của toàn bộ nội hàm, phong độ không thể tạo ra được. Người hiếu học, suy nghĩ sâu sắc, hiểu rộng, lòng bình thản, tính ôn hòa, khiêm tốn, tự tin, nhìn xa trông rộng thì dễ thành công, dễ làm nên chuyện, dễ làm ra tấm ra món. Như thế gọi là lý tính, ung dung, ổn định, tự mình thấy dễ chịu mà người khác nhìn vào cũng mát mắt. Còn khoe khoang làm rộn, biếng học vô tài, làm bộ làm tịch, chợt nguội chợt nóng thì người như thế tất nhiên sẽ thất bại, tất nhiên sẽ mất tư thái bình thường, tất nhiên sẽ biến thành hề, bản thân sẽ không thoải mái, mắt la mày lét, người khác trông thấy cũng buồn thay cho anh ta.

Thuận cảnh hay nghịch cảnh thực ra chỉ tương đối, cần phải suy nghĩ kỹ, phải bình tĩnh ứng phó, quyết không được nôn nóng cầu cái lợi trước mắt. Chẳng hạn trong “Cách mạng Văn hóa”, cảnh ngộ của bạn quá tốt, được Giang Thanh coi trọng, song đó tuyệt nhiên không phải điều tốt, không thể coi là thuận cảnh. Trong một số trường hợp, thật ra phải vui lòng với hiu quạnh mới là tốt. Có người việc gì cũng lao lên trước, việc gì cũng sợ người khác quên mất mình, đó cũng là thiếu hiểu biết. Hiu quạnh và chuyên tâm không tách rời nhau. Chuyên tâm là tiền đề giành lấy chân tài thực học, mà chân tài thực học lại là cơ sở để giành quyền chủ động trong mọi hoàn cảnh. Lòng dạ trong sáng, ý nghĩ thuần khiết, phong độ thảnh thơi, tinh thần sung mãn thì thành quả thực sự, việc tốt thực sự chỉ trong nay mai.

Ức chế tình cảm kích động
và lựa chọn có lý tính

Chúng ta thường thiên về đánh giá quá cao tác dụng của tình cảm kích động. Từ hý khúc của nước ta, chúng ta nhận ra dân tộc Trung Hoa rất giàu tình cảm kích động đã được hý kịch hóa, hơi một tí là chiêng trống đánh dồn, kèn thổi vang dội, rồi đại trung đại gian, giận dữ hoảng hốt, hơi một tí là vung dao chém tới, húc đầu mà chết, bắt ngay tại trận hoặc vội vàng quỳ gối. Cũng có thể vì trong cuộc sống hàng ngày dân ta bị đè nén về tinh thần quá nhiều nên cần phải được xả hơi ùng oàng trên sân khấu một phen. Những biến động kịch liệt của Trung Quốc gần một trăm năm nay và cuộc cách mạng trời long đất lở càng đầy rẫy tình cảm kích động. Có lẽ có thể nói, không có tình cảm kích động thì không có cách mạng và tình cảm kích động như thế là cần thiết, không thể tránh được vì nó chính nghĩa và vĩ đại. Song nếu chỉ dựa vào tình cảm kích động thì không thể giải quyết nhiều vấn đề về kinh tế và xây dựng xã hội. Cuộc đại nhảy vọt năm 1958 xảy ra trong những ngày tháng đầy kích động được gọi là “năm tháng rực lửa”. Rực lửa thì rực lửa thật, tình cảm phấn khích xông lên trời thì xông lên trời thật, song hùng tâm tráng chí ba năm vượt nước Anh, năm năm vượt nước Mỹ lại không thực hiện được. Nhảy vọt được một hồi rồi cuối cùng là nạn đói ghê gớm lan khắp Trung Quốc.

Đến “Cách mạng Văn hóa”, tình cảm kích động càng được nâng tới mức độ áp đảo tất cả. Lâm Bưu nói những là học tập, tác phẩm của Mao Chủ tịch cần phải mang theo tình cảm để học, như thế là có ý gì? Như thế là đề xướng chủ nghĩa mông muội và chủ nghĩa tín ngưỡng, thủ tiêu lối tư biện khoa học và sự kiểm nghiệm bằng thực tiễn, lấy ngu trung ngu hiếu thay thế sự tổng kết và nhận thức về quy luật khách quan. Rất nhiều khẩu hiệu lúc đó không thể phân tích nổi, chẳng hạn “Tất cả vì Mao Chủ tịch”, “Thề chết bảo vệ Cách mạng Văn hóa Trung ương”, “Hiểu phải chấp hành, không hiểu càng phải chấp hành”. Những câu hô lớn đó được đem ra làm mệnh đề lý luận và khẩu hiệu chính trị thì thật là không sao hiểu nổi. Chúng có hàng trăm chỗ hổng, về căn bản không thể tự bênh vực được, vì thế mới phải dùng đến tình cảm gì gì đó hết sức vô lý cố bắt người ta phải nuốt xuống.

Như thế, khuấy động tình cảm không chỉ là một đặc trưng của văn học nghệ thuật mà còn là đặc trưng của đời sống xã hội nước ta. Một số hội nghị của chúng ta cũng vậy. Một chủ trương mà người hưởng ứng lơ thơ hoặc mỗi người nói một phách thì bỗng nhiên ngay lập tức rất nhiều kiến giải khác nhau được nêu ra, thế là người phụ trách bèn thổi cho lửa bùng lên. Ông ta vừa nổi giận thì trăm điều đều thông, trăm điều đều thuận. Ai thấy thế đều cảm thấy có chút như tính khí đứa trẻ già, có cảm giác mãi mãi không lớn lên được. Một thời gian trước cải cách, thuật ngữ chính sách chính trị của chúng ta có lúc cũng khá là tình cảm hóa, văn hóa hóa, tỉ dụ hóa, chẳng hạn “nhanh, nhiều, tốt, kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội”, “gió hòa mưa nhỏ”. Những câu này càng giống một khẩu lệnh trữ tình hoặc một phương thức tu từ chứ không giống một đường lối chính trị. Còn nghiên cứu văn nghệ của chúng ta lại có dày đặc thuật ngữ chính trị, như khuynh hướng, mũi giáo, ảnh xạ, dụng tâm v.v... Đây là một hiện tượng văn hóa, một hiện tượng đổi chỗ của ngôn ngữ rất đặc sắc, rất thú vị.

Bây giờ hóa ra văn đàn và luận đàn học thuật của chúng ta hơi một tí cũng động đến tình cảm, lấy trữ tình tràn trề song thường là đơn giản hóa, tự ngã hóa một cách chủ quan thay thế cho suy luận lôgích và phân tích theo kinh nghiệm thực tiễn; hơi một tí là làm ra vẻ thao tác nói những lời tột mức, buồn bã, khoe khoang, hơi một tí là làm ra vẻ bi tráng, cô độc, dũng cảm và vĩ đại chứ không hề xây dựng được chút gì thực sự. Chúng ta bị xúi quẩy vì những “nhà” khuấy động tình cảm, “việc thành còn thiếu, việc bại có thừa” như thế còn ít hay sao?

Chính vì lẽ đó mà chúng ta phải đặc biệt nhấn mạnh đến lý tính, nhấn mạnh tỉnh táo, toàn diện và nhìn xa trông rộng. Đây không phải là vấn đề kỹ xảo, vấn đề thuật lạ về xử thế, vấn đề hiểu thấu nhân tình, cũng không phải đơn thuần là vấn đề trí tuệ và chỉ số thông minh. Việc lựa chọn giữa nói khoác lừa đời và chân tình, giữa đón ý kích động và có tình có lý, giữa xuất đầu lộ diện và cắm cúi cần cù, giữa hẹp hòi cố chấp và thu nạp trăm sông, giữa mù quáng gây rối và thận trọng chịu trách nhiệm chẳng những là sự lựa chọn của chỉ số thông minh mà còn là sự lựa chọn của nhân cách và đạo nghĩa.

Bây giờ tôi trở lại nói về khống chế tình cảm trong nghịch cảnh. Vấn đề là càng ở nghịch cảnh càng phải khống chế bản thân không được kích động, không nên nổi giận, không nên bi thương quá độ, không nên phản ứng quá mức. Tôi không có ý hạ thấp tác dụng của tình cảm trong mọi hoạt động của nhân sinh. Văn chương không phải là vật vô tình, với tư cách là người sống bằng chữ nghĩa, tôi làm sao lại không cần tình cảm cho được? Nhưng tình cảm của bất kỳ người nào cũng không đơn nhất, đơn hướng. Trong đau thương nên có sự kiên cường tự nhắc nhở mình cần đứng vững; trong thất vọng nên có sự không cam chịu, quyết tâm thử một lần nữa, chí ít cũng có sự khoáng đạt, không coi đó là ghê gớm; trong phẫn nộ sẽ có niềm tự tin nghiến răng chịu đựng; trong hiểm nguy ngoài sợ hãi ra còn có quyết tâm hễ đánh là thắng, hễ “khắc” là “phục”. Giống như khi bất giác xuất hiện những tình cảm không tốt như tiêu cực, bi quan, oán trách, cho chí cam tâm lạc hậu, con người mỗi khi gặp phải phiền phức, không thuận lợi cũng sẽ nảy sinh lòng dũng cảm, có khí phách lớn, vững vàng và tỉnh táo, nghĩa hiệp và đáng kính, khảng khái và bi tráng cùng tâm tình rộng mở không ngại vật lộn, hy sinh một phen song quyết không phải làm liều, thiếu suy nghĩ. Tình cảm của con người thực ra là sự thống nhất của một nhóm những điều pha tạp, là chỉnh thể của những điều trái ngược nhau song lại phối hợp với nhau. Tình cảm cũng cần một cái khung hợp lý, sự phân bố hợp lý, sự phối hợp hợp lý chứ không phải chỉ biết lửa đổ thêm dầu.

Bất kể như thế nào chúng ta cũng nên dùng lý tính trong sáng để chế ngự tình cảm của chúng ta, thống lĩnh toàn bộ tình cảm bằng cách tương đối tích cực và lành mạnh để khi cần thiết thì có thể dung nạp bão tình cảm ở cấp 12 bằng tấm thân năm thước. Một người chân chính nhất định sẽ tìm thấy biện pháp để cắn chặt răng, không khóc không cười mà cần được thông cảm, trời có sụp cũng chống được, răng có vỡ do cắn cũng phải nuốt xuống.

Sợ hãi là gì?

Sợ hãi là một phương thức tình cảm hết sức tiêu cực. Sợ hãi có lúc trở thành sự lo lắng, lo lắng có việc tồi tệ hơn xảy ra. Nhưng sự thực đã chứng minh, việc người ta lo lắng sẽ xảy ra phần lớn lại không xảy ra, ngược lại chính sự lo lắng trở thành lực lượng tiêu hủy ý chí của mình.

Nhưng tôi lại không hề phủ định hoàn toàn mọi loại hình sợ hãi, bởi vì đứng trước lịch sử và xã hội, quá khứ và tương lai, trước quốc gia và thế giới, trước vũ trụ và thiên nhiên im lặng, nếu trong lòng không có chút sợ hãi thì có lẽ chúng ta càng làm theo tình cảm, càng tự khua chiêng đánh trống, càng hành động khinh suất, càng chẳng biết kiêng dè và càng làm bừa. Sợ hãi là gì? Là có sự kiềm chế trong lòng, là biết có một số việc mình không nên làm và không làm được, là biết trên thế giới chẳng phải riêng mình tồn tại, là biết trên đời ngoài nguyện vọng của bạn còn có một hay nhiều nguyện vọng khác nữa, ngoài hành động phù hợp với phương hướng của bạn còn có những cố gắng theo hướng ngược lại hoặc hướng khác. Sự phát triển của sự vật ngoài khả năng như bạn mong mỏi, còn có một hoặc nhiều loại khả năng khác, tức là thừa nhận tình hình thế giới không quyết định bởi ý kiến chủ quan của bạn, thế là mỗi khi gặp sự việc gì, bạn cần phải suy nghĩ kỹ, bạn phải lắng nghe cả bốn phương tám hướng, bạn sẽ không làm việc gì quá đáng, bạn sẽ để lại đất lùi, bạn sẽ kiềm chế được bản thân. Sợ hãi là biết sự hữu hạn của thời gian và không gian ít ỏi, nhỏ bé của mình, sợ hãi là biết tri thức bạn có được không đủ trông cậy, còn có những lỗ hổng lớn bày ra trước mắt bạn. Thế là bạn sẽ luôn luôn điều chỉnh bản thân chứ không độc đoán, nói một là một, càng ngày càng quá, duy ngã độc tôn(1), cứng đầu cố chấp, tự chuốc lấy diệt vong.

Tình cảm kiêng dè sợ hãi còn ở chỗ bất kể bạn khẳng định nhân sinh, ca tụng nhân loại như thế nào thì bạn cũng không cho rằng bản thân và nhân loại là cao đến tót vời. Thực sự cao đến tót vời là một đối tượng có tính chung cực tựa như tình cảm tôn giáo, do đó là đối tượng phi hiện thực, được suy nghĩ, mộng tưởng, tìm kiếm, được lễ bái, cũng là kết quả của sự lễ bái. Có thể điều bạn cho là hoàn mỹ nhất, tuyệt đối nhất là một loại hình thái ý thức, một loại ý niệm chính trị, ý niệm đạo đức, có thể là phạm trù lặng lẽ thống trị tất cả, bao trùm tất cả: đạo, nhân, nghĩa, hư vô, bác ái, tự do, chân lý, thiên nhiên, khoa học. Có lẽ rất nhiều người sùng bái Thượng đế, Phật, Chúa Allah, tức là thần nhân cách hoặc thần khái niệm. Thậm chí có thể chỉ là một tôtem: lửa, sinh thực khí, rắn, rồng, cá. Người triệt để duy vật cũng thừa nhận tính vật chất của thế giới, thế giới vật chất tồn tại ngoài tâm linh của con người, thế giới vật chất có quy luật khách quan không thay đổi theo ý chí của con người. Quy luật này bạn cần tôn trọng, phải tôn trọng và không thể không tôn trọng. Dù sao bạn cũng phải kính sợ quy luật chủ tể thế giới hoặc thần nhân cách trừu tượng hoặc một ý niệm nào đó. Bạn sợ mình sẽ bị sức mạnh và sự tồn tại nói trên trừng phạt vì hành vi sai lầm, độc ác, trái với lương tâm của mình. Ngược lại, nhân vật Vương Hy Phượng từng tuyên bố không tin tưởng có kiếp sau do đó không sợ gì hết thì đến chương Lộng quyền ở chùa Thiết Giám trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng, sự không sợ hãi của cô ta ngược lại đã biểu hiện thành mất hết mọi sự kiềm chế về tâm lý, mất hết mọi chút kiêng kỵ cuối cùng để tránh làm điều ác, mất hết giới hạn cuối cùng của việc làm người, do đó đã không gì là không làm, kể cả điều ác.

Hổ giấy làm thế nào biến thành chuột giấy?

Có điều không làm và không gì không làm về đại thể là ranh giới giữa người tốt và kẻ xấu. Kẻ xấu vì dám làm tất cả nên thường chiếm ưu thế về mặt chủng loại vũ khí, chẳng hạn họ có thể lôi kéo kết bè, tung dư luận làm người khác trúng thương, người khác đã rơi xuống giếng mà còn ném đá theo, đầu cơ trục lợi, mà những thủ đoạn này thì người tốt đều lánh xa. Người tốt do sợ lẽ trời và lương tâm, không thể làm những việc tàn ác nhẫn tâm. Như thế thì chẳng phải kẻ xấu có nhiều thủ đoạn hơn, có ưu thế về chủng loại vũ khí là gì?

Song người tốt lại chiếm ưu thế về nhân tâm, đạo đức, cảnh giới, trí tuệ, kể cả ưu thế nghiệp vụ của các ngành nghề. Đạt tới xuất sắc bằng ưu thế là con đường chính đáng thông suốt, muốn xuất sắc bằng cái ác là leo cây kiếm cá, là nghĩ một đằng lại làm ra một nẻo. Chỉ số thông minh bình thường hay hơi cao một chút thì hiểu rõ lý lẽ có điều không làm; ánh mắt thiển cận, đói không chọn thứ ăn mới không gì là không làm, bất kể thủ đoạn. Di chứng để lại của loại người sau là căn bệnh trầm kha không sao chữa khỏi. Tôi có hai câu vè rằng: “Hổ giấy giễu xem thành chuột nhắt. Dám cười sói xám hóa nha y”. Như thế là muốn nói hổ giấy không chừng chỉ chớp mắt là biến thành chuột giấy, còn sói xám có đóng giả nha sĩ vẫn rất dễ bị lộ tẩy, chẳng có gì đáng sợ.

Năm nay tôi đã 68 tuổi, chưa kể được là quá già, kinh nghiệm cũng rất có hạn, song dù sao đã kịp thấy một chút tụ tán, nổi chìm của nhân sinh. Tôi không dám nói mọi người mọi việc đều là thiện thì thiện báo, ác thì ác báo trăm phần trăm, song tôi dám nói rất ít khi kẻ ác làm điều ác mà lại không hề bị trừng phạt chút nào; tuyệt đại đa số kẻ ác đều không được quả thiện. Trải nghiệm của một con người cũng giống như một quốc gia, một đoàn thể, một công ty, giữa việc tốt và việc xấu bạn đã làm có mối quan hệ cân bằng giữa người cho vay và người vay. Bạn lập được nhiều công, tích lũy rất nhiều hoặc được thừa kế từ đời trước, tiền bạc trong nhà tất nhiên sẽ nhiều, có làm một chút việc xấu thì cũng như tiêu hoang một chút, dường như vẫn chống chọi được, không đến nỗi phá sản. Như thế gọi là khí số chưa hết. Nhưng một khi bạn tiêu xài quá mức, thậm chí cả cơ nghiệp của tổ tiên cũng tiêu xài gần hết thì lúc đó bạn có muốn lâp lỗ hổng cũng chẳng được. Như thế gọi là khí số đã hết. Bệnh đã vào đến xương tủy, có cố dội cốc nước vào xe củi đang cháy thì cách bổ cứu đó thật chẳng ăn thua, vậy thì lẽ nào lại không rồi đời cho được?

Chờ đợi: khái niệm tích cực khi không có cách nào khác

Nếu như hổ giấy mãi vẫn chưa biến thành chuột giấy, nếu hổ giấy đang giương nanh múa vuốt ngoạm người, ăn thịt người, tức là khí số của kẻ xấu chưa hết thì trong nghịch cảnh như vậy, điều quan trọng nhất có lẽ là học tập và chờ đợi. Thời gian vĩ đại nhất và tương đối công bằng nhất. Người biết chờ đợi là người thông minh và cũng là người thực sự có niềm tin, có năng lực, có đầu óc và có kiến giải.

Chờ đợi là khái niệm bề ngoài có vẻ tiêu cực nhưng thực ra lại tích cực. Chờ đợi là gì? Là không tự ý làm liều, không nóng ruột vì chờ đợi, không đói mà ăn bừa, không mạo hiểm, không hạ mình cầu xin, không hơi một tí là mắc lỗi, không lắc lư theo gió, không cơ hội chủ nghĩa, không hứng thú với thấp kém, không cẩu thả kiếm lời, không bán rẻ nguyên tắc, không bán rẻ linh hồn. Đằng sau chờ đợi là lòng tôn trọng, là niềm tin, là tiết tháo, là nguyên tắc, là đạo lớn. Đồng thời với chờ đợi là học tập, phát triển và phong phú.

Chờ đợi còn là một không gian, một sàn diễn để xem trong không gian và sàn diễn ấy bạn sẽ trình diễn vở gì, phối hợp với công năng gì. Chờ đợi không phải là không làm việc gì, không phải thân hình như cây khô, lòng như tro nguội. Trong khi chờ đợi có thể học được rất nhiều, có thể giành được (ít nhất cũng là giành được theo cách nhìn của bạn) học vị. Chờ đợi có thể rèn luyện, điều dưỡng thân thể và tâm hồn, có thể học được Thái Cực quyền, học được thể dục tăng cường sức khỏe, chạy ở cự ly ngắn hoặc dài, chí ít cũng học được nhảy dây, đá cầu, nằm ngửa rồi ngồi dậy. Chờ đợi có thể sống nhàn nhã, chơi núi chơi thuyền, nhắp rượu, đánh đàn... Tóm lại là biết nhẫn nại chờ đợi, không lên bừa xe, lên bừa thuyền, không hại người hại mình. Một khi đã sảy chân thì ôm mối hận nghìn thu.

Những đức tính tốt đẹp mang tính chủ động

của con người trong cảnh ngộ

Con người bất kể trong tình huống nào cũng đáng khen vì có những đức tính tốt đẹp sau đây:

Một là tỉnh táo. Tỉnh táo là nhìn thấy mọi mặt và mọi khả năng của sự vật, nhìn thấy chỗ dựa cho sự sản sinh của nhiều lý lẽ khác nhau, nhìn thấy hiện trạng tồn tại và các mối quan hệ trái ngược song lại bổ sung cho nhau của chúng. Tỉnh táo là biết giữ gìn sự siêu thoát đúng mức, biết giữ một khoảng cách cho quan sát, biết giữ sự khách quan toàn diện, không tình cảm hóa và lợi hại cá nhân hóa. Tất cả những đức tính vừa nêu đều giúp ích cho việc giữ được tỉnh táo. Từ chối gây thế lực, từ chối lừa bịp dọa nạt, từ chối dùng người đông thế mạnh thay thế cho suy nghĩ và khảo nghiệm.

Hai là suy nghĩ. Từ góc độ khác nhau, đường lối khác nhau suy đi nghĩ lại hết vấn đề quan trọng này đến vấn đề quan trọng khác. Có thể từ kết luận mà suy ra tiền đề, cũng có thể từ tiền đề suy ra hậu quả. Có thể chứng minh từ hướng khác hoặc hướng ngược lại, tức là vì luận chứng mà phải như thế nào, luận chứng đầu tiên nếu không được như ý thì sẽ trở thành sự tham khảo cho luận chứng sau ra sao. Có thể suy nghĩ về “nhất vạn”, tức tính tất nhiên và có thể dự kiến trong trường hợp bình thường, cũng có thể suy nghĩ về “vạn nhất”, tức khả năng không dự kiến được và phá lệ, tức khả năng cực nhỏ, khả năng biến dị và ngẫu nhiên. Muốn làm rõ A có phải bằng B hay không, có thể hãy làm sáng tỏ trước tiên mối quan hệ của A, của B với C, D, E, F, G cho tới X; sau đó lại nghiên cứu mối quan hệ của CDE với VWX. Cũng có thể trước hết hãy khảo sát Z tuyệt đối không bằng A rồi so sánh với B. Thuận rồi xoay lại thành ngược, tăng rồi giảm, rồi biến động, đó nên là phương pháp suy nghĩ của bạn.

Ba là lạc quan hay khoáng đạt. Trạng thái tình cảm luôn liên quan với thái độ nhân sinh và điều này cũng có tính lan tỏa. Một khuôn mặt vui tươi hiền hậu ắt làm thức tỉnh và đổi lấy sự vui vẻ và tốt bụng của vô số người xung quanh. Còn đôi mắt sói dữ dằn ắt sẽ dẫn tới sự cảnh giác và tránh né. Vô lý gây sự mà không bị ăn đòn thì có thể vì người khác né tránh, còn hơi một tí là giành phần thắng - tự cho là đắc chí, song cuối cùng cái mà anh ta hay chị ta mất đi vẫn nhiều hơn cái được. Điều họ gây nên chỉ có thể là chán ghét và khinh miệt.

Người như sau đây mới là người đáng yêu nhất:

1. Việc không vui và không có ý nghĩa thì quên đi cho nhau.

2. Khó khăn nhỏ không đáng nói thì không để ý.

3. Học được qua mọi trở ngại để rồi làm nên.

4. Luôn nhìn thấy hy vọng, nhìn thấy khả năng mới.

5. Tin mình có nhiều bạn, nếu hôm nay quả thật chưa có thì ngày mai ắt có.

6. Tin tưởng người ở phía đối lập cũng sẽ chuyển hóa; nếu hôm nay anh ta còn bám riết lấy bạn thì ngày mai anh ta sẽ có chút thay đổi.

7. Tin vào thời gian, thời gian có lợi cho người tốt bụng, có lợi cho trí tuệ và trong sáng; bất lợi cho âm mưu, bất lợi cho hẹp hòi.

8. Tự nắm vững mình, mặc cho sóng gió nổi lên cứ ngồi vững.

9. Tin tưởng vấn đề khó nào đó cũng có ngày tháo gỡ được; việc gì hôm nay chưa làm được thì ngày mai bạn ắt có biện pháp. Vũ trụ có biện pháp, thời gian có biện pháp, lịch sử có biện pháp. Nguy nan có to bằng trời đi nữa thì đối với lịch sử mà nói, chẳng đáng kể mảy may.

10. Tin tưởng sự vật hầu hết không chỉ có một cách giải quyết; tin tưởng ở khả năng lựa chọn, khả năng đánh thông, cũng có khi chỉ là khả năng bỏ đó coi như xong, bước vào vương quốc tự do chứ không phải vương quốc tất nhiên.

11. Tin rằng còn có rất nhiều công việc có ý nghĩa đang chờ mình, còn mình thì rất bận, không hơi đâu mà thở than, oán trách, nhấm nháp đau khổ và theo hầu tranh cãi.

12. Tin rằng trở ngại là điều không thể tránh, không vướng mắc ở chỗ này thì vướng mắc ở chỗ khác. Được và mất về đại thể cân bằng với nhau, không mất ở chỗ này thì mất ở chỗ khác, chỗ này mất thì chỗ kia sẽ được, chỗ này được thì chỗ kia ắt sẽ mất. Trở ngại chỗ này sẽ nhắc nhở bạn phòng bị nguy hiểm lớn hơn ở chỗ kia, như thế gọi là mất tiền tài mà tránh được tai họa, ốm lặt vặt thì tránh được bệnh lớn. Mất nhỏ chỗ này có lẽ đồng thời chuẩn bị cho được lớn ở chỗ kia, mất nhỏ ở chỗ kia có lẽ để chuẩn bị được lớn ở chỗ này.

Bốn là chủ động. Nắm chắc số phận trong tay, vững vàng tiến bước, tự cường không nghỉ. Mấu chốt là trong trường hợp nào cũng có việc để làm, ít nhất cũng có môn nào đó để học. Trong tình huống nào cũng phải tìm được vị trí cho mình, kế sống cho mình, khả năng tiến lâu dài và khả năng tích lũy. Nếu không tìm được khả năng trăm phần trăm thì tìm khả năng một phần trăm, một phần nghìn, một phần vạn, một chút khả năng thôi cũng cần phát huy tác dụng của nó, không cần để ý người ta nói ra sao, nhìn ra sao.

Năm là vui với tập thể, chan hòa với tập thể. Trong đám đông cảm thấy thú vị chứ không phải đau khổ. Tam nhân đồng hành tất hữu ngô sư(1) chứ tuyệt nhiên không phải ba người đi với nhau trong đó ắt có kẻ thù của ta.

Sáu là cẩn thận giữ mình đúng mức, từ đó có điều không làm, có điều không tranh, có điều không nói, có điều khác với mọi người.

Bảy là có hứng thú về tình cảm. Nồng hậu, đầy ắp, phong phú nhiều vẻ, đậm đà sức sống phơi phới thì thú vui là vô cùng. Tuyệt đối không nên khô khan, nghèo nàn, đơn bạc đến đáng thương, nhạt nhẽo vô vị, mắt như mắt cá chết, như thế thì nỗi khổ không gì so sánh nổi.

Tám là tập trung tinh lực, không mệt mỏi trong thời gian dài, trăm khó không núng, gắng làm tốt mọi việc hoặc mấy việc mà vốn dĩ nên làm tốt và có thể làm tốt được.

Vô thường và hữu thường

Trong quyển sách này có mấy chỗ tôi nói đến “thiên đạo vô thường” lại có mấy chỗ nói đến “thiên hạ hữu thường”. Vậy thì đạo trời là vô thường hay là hữu thường.

Xin trả lời: vô thường cũng là hữu thường, hữu thường cũng là vô thường. Đây không phải trò chơi chữ.

Vô thường là nói không có sự vật nào, đối tượng, tình thế, cục diện nào là không bao giờ thay đổi. Tục ngữ có câu: “Người không trăm ngày tốt, hoa chẳng nghìn ngày hồng”. Phật giáo nói vạn vật đều có sinh, trú, hoại, diệt hoặc sinh, lão, bệnh, tử. Các bậc hiền triết đời xưa của Trung Quốc đặc biệt chú ý tới lẽ thịnh cực tất suy, bĩ cực thái lai. Đó cũng là lẽ trăng tròn thì khuyết, nước đầy thì tràn, chia ly ắt hợp, hợp lâu ắt chia. Tục ngữ còn nói ba mươi năm Hà Đông, ba mươi năm Hà Tây, gió và nước luân lưu xoay chuyển. Ca khúc đang lưu hành cũng hát: “Hoa đẹp không thường nở, cảnh đẹp chẳng trường tồn” vẫn là cái ý này. Đứng về số phận một cá nhân, người Trung Quốc từ lâu đã chú ý đến tính chuyển hóa, tính tương phản, tương thành giữa những quan niệm, phạm trù đối lập với nhau như tụ tán, nổi chìm, vinh nhục, hành tàng, bĩ thái. Hiểu lý lẽ này rồi thì sẽ coi mọi biến hóa là điều bình thường, sẽ có chuẩn bị tư tưởng trước sự phát sinh của mọi sự việc, sẽ không bảo thủ kêu trời gọi đất, ngoan cố chống lại đạo trời tức quy luật khách quan.

Vô thường còn có một nghĩa nữa là chỉ tính ngẫu nhiên không thể dự kiến sự biến động của sự vật. Trời có mây gió bất thường, người có họa phúc trong một sớm một chiều(1), họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai(2), vận khứ kim thành thổ, thời lai thổ tác kim(3), ốc lậu thiên phùng liên dạ vũ, thuyền trì hựu ngộ đính đầu phong(4)...

Vì sao lại nói vô thường tức là hữu thường? Là nói sự biến đổi, phát triển như thế là hợp với quy luật, mà quy luật là thường. Quy luật của biến hóa là vô thường mà hữu thường, hoặc hữu thường mà vô thường. Như thế thì người có kiến thức, có ngộ tính sẽ chủ động cố gắng trong lúc có biến đổi, có thể thấy được mầm mống biến hóa trước khi hoặc khi bắt đầu biến đổi, do đó ở được chỗ an để suy nghĩ về chỗ nguy, lúc chưa mưa đã buộc cửa sổ cho chắc, ở trong lúc biến mà không kinh sợ, lâm nguy không hãi. Còn trong hoàn cảnh xấu thì họ vẫn có thể lên cao trông xa, nhìn thấy cơ hội xoay chuyển, nhìn thấy hy vọng, có chuẩn bị trước, không bỏ lỡ thời cơ chuyển bại thành thắng, vần xoay được càn khôn.

Vô thường, tức biến đổi không ngừng, còn cho chúng ta thấy khả năng tự điều chỉnh, tự thăng bằng, tự hô ứng của thiên đạo, mà sự điều chỉnh thăng bằng, hô ứng ấy chính là hữu thường, tức biểu hiện có thường lý, hợp thường tình, hướng tới bình thường thỏa đáng. Người Trung Quốc nói trèo cao ngã đau, ngã đau đối với người trèo cao là vô thường, còn đối với quần thể và xã hội thì lại là sự cân bằng và điều chỉnh, vì thế mà là biểu hiện của hữu thường. Một người làm bừa, không nể sợ một điều gì sớm muộn rồi cũng bị quy luật khách quan trừng phạt; một bá chủ sớm muộn gì cũng có ngày sụp đổ. Bởi vậy anh hùng một thời nay ở đâu? Đối với người ấy, đó là biểu hiện của thiên đạo vô thường, còn đối với người khác thì lại vừa vặn chứng minh thiên đạo hữu thường, đạo trời rộng lớn, thưa mà không để lọt. Cái mà đạo trời bảo vệ và duy trì là sự cân bằng về động thái, nếu không thế, chẳng hóa ra nghiêng lệch quá mức hay sao?

So sánh ra, Trung Quốc ngày xưa khá nhấn mạnh tính tuần hoàn, tính số mệnh và ý nghĩa đạo đức của quy luật biến hóa này, như thuyết khí số, làm nhiều điều bất nghĩa ắt chết, không phải không được báo đáp mà do thời chưa đến v.v... Ở đây liên hệ vận mệnh với số, quả là đáng phải suy nghĩ. Điều này cũng có thể chứng minh thuyết hữu thường và thuyết “3322”.

Còn người châu Âu và người Mỹ thì nhấn mạnh hơn đến sự tự phấn đấu. Quan niệm vật do trời chọn, người thích hợp thì sống, sinh tồn có cạnh tranh, tốt thì thắng, kém thì bại là do Nghiêm Phục(1) cuối đời Thanh đưa vào qua cuốn sách do ông dịch là Thiên diễn luận. Ngoài ra, những thuyết “trời giúp người tự giúp”, “người có chí ắt làm nên”, “Thượng đế muốn ai diệt vong thì trước hết cho người đó điên cuồng” v.v... của người châu Âu và người Mỹ cũng tỏ rõ họ rất nhấn mạnh sự phấn đấu chủ quan. Sự nhấn mạnh này đương nhiên là tích cực, song nếu nhấn mạnh quá đà thì lại trở thành thuyết duy ý chí, trở thành câu mà chúng ta cũng thường nói là “người bạo gan bao nhiêu, đất ra của bấy nhiêu”. Đương nhiên nói như thế là phản khoa học!

Việc tìm tòi quy luật vô thường và hữu thường sẽ còn tiếp tục, song đối với vận mệnh tự thân, lứa chúng ta có thể cố gắng nắm vững hơn nữa, ung dung hơn nữa, tích cực hơn nữa. Cảnh ngộ không bao giờ chết gí và không còn chút đạo lý nào. Cảnh ngộ sẽ thay đổi theo quy luật nhất định. Người ta ai cũng có cơ hội của mình, cũng có trở ngại cho mình; có vô thường và cũng có hữu thường riêng của mình, có cơ may xuôi buồm thuận gió và cũng có vận ách của mình. Chúng ta hãy đối xử với những biến hóa trong cảnh ngộ của mình bằng thái độ thông minh hơn, lý tính hơn.

Ngạn ngữ phương Tây có câu: vận mệnh là cây đàn piano, mọi việc quyết định ở cách diễn tấu của bạn! Cho dù bạn ở trong tình thế tồi tệ nhất, không thể đánh đàn piano được nữa, thì bạn vẫn có thể trầm tĩnh, trấn tĩnh hơn người khác một chút, do đó thắng lợi cuối cùng vẫn có khả năng thuộc về bạn. Nếu như cuối cùng vẫn không thắng lợi thì sao? Được thôi, chí ít chúng ta đã dốc hết sức, chúng ta không có điều gì hối hận khi tự hỏi lòng mình, chúng ta sẽ nở nụ cười kiêu ngạo với số phận nghiệt ngã, cay đắng ấy!

Hết phần 8. Mời các bạn đón đọc phần 9!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/35583


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận