Đạo là thiên nhiên, quy luật, tất nhiên, chân lý; thuật là kỹ xảo, thủ đoạn, bản lĩnh; nhân sinh không thể thiếu cả hai. Nhưng trong lịch trình của nhân sinh, đạo phi thường đạo, thuật phi thường thuật(1) là những việc thấy rất nhiều. Chương này không những giải thích mối quan hệ giữa hai bên mà còn bàn luận về cái hại vô cùng của “ngụy đạo” và “ngụy thuật”, đồng thời còn nói về sự khu biệt và công dụng giữa đạo và đức, thành thật và gian trá, trí và ngu, chân và ngụy, đại đạo và tiểu thuật, thiện và ngụy thiện, nêu rõ ràng tư tưởng triết học nhân sinh ở “vô thuật, vô mưu, vô danh, vô công”. Có điều, tôi cũng nói cả câu “ngay cả tôi cũng không có một chút biện pháp nào”, tạo sao lại thế?
Một kiểu “sùng bái khái niệm” của người Trung Quốc
Tôi hay nói đại đạo vô thuật là muốn nói những ai hợp với đại đạo, tiếp cận với nắm vững đại đạo thì không cần suốt ngày suy tính; là muốn nói không nên hoa hòe hoa sói, không nên đào sâu nghĩ xa về mưu kế, không nên làm bộ làm tịch để làm duyên, không cần khua chiêng đánh trống để quảng cáo, không cần khoe công một cách đáng ghét, không dùng người xấu để thưa kiện trước, không kéo bè kéo cánh, không tìm kiếm ô dù, không mê mẩn với mình, không ác ý làm thương tổn người khác, nhất là càng không nên lao tâm khổ tứ để bịa chuyện, không nên che giấu người này, tâng bốc người kia để cuối cùng tự mình cũng không còn biết tình hình chân thực là gì.
Đại đạo vô thuật là mây trôi nước chảy(1), đi ở chỗ nên đi, dừng ở chỗ không thể không dừng, xuất từ tâm, phát từ tình, nói ắt thành tâm, làm ắt thành thực, cười ra cười, khóc ra khóc, mọc ra mọc, lụi ra lụi, bằng phẳng ngay ngắn, vững vàng trong dạ, được yêu hay bị nhục đều không kinh sợ, thành hay bại đều không lo lắng, được hay mất cũng thuận theo, bị phỉ báng hay được tôn vinh cũng để mặc, biết sai thì ắt sửa, biết không sai thì ắt không sửa, làm việc có thể làm, không làm việc không thể làm; làm hay không, nói hay không, sửa hay không đều tự nhiên có đạo cả, không cần đặc biệt dốc sức, không cần đặc biệt thanh minh, không cần đặc biệt biện giải, không cần đặc biệt múa lưỡi, nâng gì nặng coi như nhẹ, lâm nguy mà như không, cười một tiếng rồi bỏ đó, nói một lời rồi cho qua. Không nói hay hơn nói, mà lúc này thì không lên tiếng hay hơn lên tiếng.
Đại đạo vô thuật là cách nói mang đậm bản sắc Trung Quốc. Bất tất phải nói đến những câu “đại phương vô ngung, đại khí vãn (bản khác viết là miễn, với nghĩa không cần, dường như càng có lí hơn) thành; đại âm hy thanh, đại tượng vô hình”(1) của Lão Tử, chỉ riêng cách nói đại đạo vô thuật đã có mùi vị kẻ sĩ nên lượng hiểu biết trước đã rồi sau đó hãy làm văn nghệ và muốn gì thì tùy tâm nhưng không vượt ra ngoài quy củ. Tôi đương nhiên cũng ghi nhớ câu nhà văn Ba Kim hay nói: “Kỹ xảo cao nhất là không có kỹ xảo”.
Điều cần nói rõ ở đây là “thuật” trong câu đại đạo vô thuật vừa nêu có nghĩa chủ yếu là tâm thuật. Một số kỹ thuật của sự học ngoài thân như các kỹ thuật của ngành nghề, kỹ thuật quân sự, kỹ thuật khoa học ở bậc cao, kỹ thuật thể thao, kỹ xảo nghệ thuật, y thuật, đặc biệt là kỹ thuật về phương diện mổ xẻ của khoa ngoại đương nhiên là không thể thiếu. Thiếu sót lớn của văn hóa Trung Quốc không phải là quá coi trọng những kỹ thuật nói trên mà là quá coi nhẹ. Người Trung Quốc không có tín ngưỡng tôn giáo thống nhất, song có khái niệm sùng bái. Người ta tin có một đại đạo như thế, nếu nắm vững được thì vạn năng, bách chiến bách thắng, mà không đánh cũng thắng nữa. Khi chúng ta bàn về đại đạo vô thuật, chúng ta nên cảnh giác với môn học huyền bí này.
Chỗ giống và chỗ khác giữa thuật và đạo
Thuật và đạo không phải là hai khái niệm hoàn toàn đối lập nhau. Nắm vững kỹ xảo cao siêu, không bao giờ tách rời với tinh thần dấn thân, yêu nghề, phấn đấu, theo đuổi hoàn mỹ, chuyên tâm, bám trụ, phục vụ xã hội của người muốn nắm vững kỹ xảo cao siêu đó. Còn người nào công tác chỉ vào hạng hai, thô sơ, chất lượng kém, chẳng làm nên việc gì hoặc có sở trường nào, được gọi là loại “bất học vô thuật”, thì phần lớn có liên quan tới sự lười biếng, cẩu thả, không nghĩ đến việc tiến thủ, thích nhàn hạ, ghét vất vả hoặc đứng núi này trông núi họ, không nghĩ tới về lâu về dài của người ấy. Đây không còn là vấn đề thuật nữa mà đã chuyển sang vấn đề đạo rồi.
Lại lấy vấn đề lễ phép đối với người làm thí dụ. Có lúc lễ phép biểu hiện thành một số chi tiết kỹ thuật như kỹ tính và kiêng dè về mặt dùng từ ngữ, mẫu mực về cử chỉ, cho chí cách ăn mặc, ăn uống, tiếp nhận, đưa đón, biểu lộ tình cảm, v.v..., hơn nữa mỗi nơi lại có phong tục, tập quán, quy củ riêng. Đây dường như là vấn đề rất có tính kỹ thuật song lại có liên quan với việc tôn trọng người khác, tôn trọng nền văn hóa khác của một người. Khi bạn có ý đồ xiểm nịnh, lời ăn tiếng nói và cử chỉ của bạn nhất định sẽ hèn hạ, còn khi bạn cho mình là nhất, coi người khác, dân tộc khác như cỏ rác, lời lẽ và cử chỉ của bạn nhất định sẽ cao ngạo. Khi bạn đầy một bụng âm mưu quỷ kế, nhất định bạn sẽ vờ vĩnh, giả dối và nhỏ mọn trong đối xử với người và vật; ngược lại, khi bạn học cách nói năng lịch sự, học các tập quán văn minh, lễ phép đưa đón, giúp đỡ lẫn nhau, cũng là học những nguyên tắc cơ bản trong đối xử với mọi người thì sẽ tăng được một chút văn minh, giảm được một chút ngu muội và man dã. Tu dưỡng làm thay đổi được thể xác, ở yên ổn làm thay đổi được tính khí, học tập làm thay đổi được tinh thần, hành động làm thay đổi được diện mạo. Tích lũy sự học ở ngoài thân sẽ ảnh hưởng và thay đổi cả sự học ở cùng thân, đó cũng là điều không còn nghi ngờ gì nữa.
Nhưng khi không chú ý kỹ đến kỹ thuật thì đồng thời chúng ta lại quá chú ý đến tâm thuật. Thử đọc Đông Chu liệt quốc chí mà coi, khi các nước Âu, Mỹ còn chưa khai hóa được bao nhiêu, thì chúng ta ai nấy đều trở thành người lo lắng quá mức về người khác, trở thành những chuyên gia về quyền mưu và tâm thuật. Muốn trị ngu và thoát khỏi ngu thì việc cần làm là học tập. Muốn trị giả dối thì việc cần làm là đại đạo vô thuật. Bạn đã có đại đạo làm việc thiện cùng người khác, có cách đánh giá thiết thực về bản thân, có hiểu biết về bản tính và nhược điểm của mình, có nhìn nhận thông suốt về ý niệm và hiện thực, có biết sợ và không biết sợ cần thiết, biết hiến dâng và vượt hẳn bình thường, có kiên trì theo đuổi và khoáng đạt, có từ bi và cự tuyệt quyết liệt, có bền bỉ và điều chỉnh... mà điều quan trọng nhất trong số đó là lời nói việc làm đều phải thật lòng, làm người phải thật lòng, vậy thì bạn ắt sẽ ứng phó dễ dàng với hầu hết tình hình phức tạp đủ loại, không nơi nào đến mà không có lợi, càng nới khoan với người thì mọi mặt càng đạt tới mức tốt đúng mức, càng bắn trúng vòng mười, từng bước đi đều đến đúng chỗ. Những thất thố khó tránh khỏi trong quá trình đó thì lại đúng là cơ hội để đạt được lớn hơn, hoàn mỹ hơn, là bước đệm để lên cao thêm một tầng lầu, là sự cố ý thả trước khi bắt lấy, là phối khí cho bản nhạc giao hưởng của trời, là muôn màu nhiều vẻ của sóng to biển cả. Đó là những điều mà tâm thuật và tiểu thuật đều không thể đạt tới.
Tuy nhiên ở đây cũng có một vấn đề. Nếu đại đạo của bạn cao siêu quá, vượt mức bình thường nhiều quá thì đại đạo ắt tựa hồ giả tạo, tựa hồ quá khôn khéo, tựa hồ cố làm ra vẻ. Người khác lo lắng với được mất, bạn lại không hề để ý đến được mất, như thế ai sẽ hiểu cho bạn? Người khác khao khát làm quan, bạn kiên quyết từ chối làm quan, người ta sẽ hỏi phải chăng bạn làm bộ? Người khác thấy tiền thì mắt sáng lên, bạn hào phóng mở túi ắt có người nghi ngờ, đời này mà còn có người tốt như vậy sao? Người khác cực đoan, nhóm này không đội trời chung với nhóm kia, còn bạn thì riêng mình tỉnh táo, công bằng, rộng lượng, như thế có lẽ bạn sẽ bị coi là kẻ giả dối, lập lờ hai mặt. Điều này chứng tỏ muốn đạt tới đại đạo vô thuật cũng không phải chuyện dễ.
Thật ra, làm ra bộ khảng khái, khoan dung, công bằng, lấy thuật thay cho đạo cũng đâu phải chuyện dễ? Bộ điệu nào cũng không thể thay thế cho bản chất của bạn, cũng không thể che giấu tình cảm chân thực của bạn; thuật gì thì cũng có hàng trăm kẽ hở, giấu đầu hở đuôi. Làm thế này, làm thế nọ đều chẳng hơn được làm đúng bản chất của mình, có như thế thì điều xuất sắc nhất, chân thực nhất, tiện lợi nhất, gánh vác được tốt nhất, đạo phát được tự nhiên nhất vẫn là vì sự học cùng thân, làm cho bản thân được tốt hơn từ căn bản.
Muốn như thế thì càng cần vô thuật rồi. Giữ mình không thay đổi, cười mà cho qua tất cả; tiểu thuật thật đáng thương, nói vụng thật đáng buồn, thủ đoạn xảo quyệt ắt lộ tẩy, tâm thuật cũng uổng phí, mưu kế dù tính toán cực thông minh thì ngược lại sẽ làm lỡ tính mệnh bạn. Thôi hãy lãnh đạm bỏ đấy, hãy làm việc của bạn, đi con đường của mình.
Đại đạo là gì? Là quy luật không di chuyển theo ý chí của bạn. Hưng suy, tươi héo, đầy vơi, chìm nổi, thắng thua, thông biến của vạn vật đều quyết định bởi rất nhiều nhân tố ngoài ý nguyện chủ quan của bạn. Đối với quy luật khách quan như thế, tác dụng tâm thuật của bạn hầu như chỉ là số không. Người hiểu đại đạo, hiểu quy luật thì hành vi và lời nói tất nhiên sẽ đúng mực, tới nơi nào cũng thích hợp, tự mình cảm thấy thoải mái, dễ chịu mà người khác nhìn bạn cũng cảm thấy như thế, như vậy thì còn cần tiểu thuật và tiểu xảo làm chi?
Ở đây còn có một điểm xuất phát nữa. Trong cuộc cạnh tranh, chinh chiến, ganh đua của nhân sinh, bạn sẽ dựa vào đâu để có thành tích đáng có và giành được thắng lợi? Dựa vào việc nâng cao hay hạ thấp bản thân? Nâng cao bản thân tức là nói các mặt đều có một giới hạn cơ bản, một nguyên tắc cơ bản, một thái độ cơ bản, vì thế mà bạn được ung dung, thảnh thơi, khoan khoái, đã nói là đúng, đã làm là xong, đến nơi nào cũng thắng. Hạ thấp bản thân tức là chơi trò tiểu xảo, tiểu thủ đoạn, tiểu âm mưu quỷ kế, tuy có thành tích nhất thời nhưng về lâu dài thì mất thể diện.
Đại đạo vô thuật còn đồng thời là một lý tưởng, một quá trình. Có thể bạn đang cần ôn tập thuật, ôn tập đạo, có thể bạn đã hoặc đang ngộ thuật ngộ đạo, có thể bạn vừa ngưỡng mộ đại đạo song lại chưa thể quên được cái thuật tiểu xảo, có thể bạn theo đại đạo một hồi rồi lại theo tiểu thuật một hồi, có thể bạn do tinh tường tiểu thuật mà cuối cùng đạt được đại đạo, chí ít thì cũng gần tới đại đạo. Đại đạo là vô bờ, đại đạo là vô tận; thuật cũng có thể là tinh tường rồi còn cầu tinh tường nữa, cho tới khi tinh đến tột cùng thì là đại đạo vô thuật rồi. Bạn có thể làm được tốt và cũng có thể còn tương đối kém, nhưng bạn có biết đến một lý tưởng như thế hay không, bạn có tin tưởng có một viễn cảnh như thế hay không? Vậy thì hãy khiến cho diện mạo bản thân và diện mạo sự vật thay đổi lớn đi thôi!
Đại trí vô mưu và tiểu xảo
Tôi còn hay nói đến đại trí vô mưu. Kế mưu đều là tỉa tót, tiểu thông minh, tiểu xảo. Người tinh thông kế mưu thường cho người ta cảm giác mắt họ đảo lia lịa, họ giỏi tùy cơ ứng biến, tính toán chi li. Người sống trên đời có một điểm quan trọng nhất là chữ tín của bản thân. Người lắm mưu nhiều kế có thể dễ dàng khiến người khác sa bẫy, có thể khiến bản thân thoát khỏi cảnh khốn cùng, có thể tìm cho mình lời lẽ thích hợp dùng cho mãi mãi, có thể đến đâu cũng giành được chút lợi nhỏ, nhưng phiền phức chí mạng là người lắm mưu nhiều kế thường không được mấy ai tin vì họ không đáng tin cậy. Hơn nữa là, mưu kế do tạm thời vắt óc nghĩ ra, héo mòn gan ruột nghĩ ra so với cuộc sống thiên biến vạn hóa, với vấn đề hóc búa trăm quái nghìn kỳ, với thế giới muôn màu muôn vẻ và với những phiền lụy ngàn đầu vạn mối, thì bao giờ cũng là co đi kéo lại vẫn hở đầu hoặc chân, lo được cái này thì hỏng cái kia, hỏng vì thô lược, hỏng vì lạc hậu. Mưu kế chẳng những thường không đủ dùng mà còn thường đáng ngờ. Chẳng hạn có những người đặc biệt chú ý lấy lòng người khác thì nói năng không ngừng tâng bốc người ta, song người được tâng bốc chưa chắc đã là tên ngốc, lẽ nào anh ta không nhận ra bạn đang nịnh hót bằng lời lẽ đường mật hay sao? Trên đời này có biết bao nhiêu truyện tiếu lâm về nịnh hót, đó chẳng phải chứng tỏ người ta đã tiến được một bước rất dài về mặt này hay sao?
Người ta từng có lúc tưởng lầm kỹ xảo quyết định tất cả. Chẳng hạn có lúc chúng ta đã trao đổi về ai đó có tài ăn nói đặc biệt giỏi. Đúng thế, ăn nói có phân biệt giỏi và kém, tiếng nói có phân biệt rõ ràng và thiếu rõ ràng, từ dùng có phân biệt xác đáng và không xác đáng, âm đới rung động hòa với hơi ở cổ, hơi ở ngực, hơi ở bụng cũng khác nhau về vui tai và chói tai. Nhưng đồng thời, người nói giỏi như nhau thì có người cho người nghe ấn tượng nói trơn như mỡ, có người để lại ấn tượng nói quá khôn khéo, có người để lại ấn tượng nói quá sự thực, không có tài lớn (đây là lời đánh giá về Mã Tắc của Lưu Bị trong Tam quốc diễn nghĩa), có người để lại ấn tượng nói thì là người khổng lồ còn hành động thì là người tí hon. Lại có người để lại ấn tượng “nói đâu trúng đó, cởi được mắc mớ”, “nghe bác nói một buổi, hơn đọc sách mười năm”, là lời nhỏ mà nghĩa lớn, nghe không chán tai; là đúng tình đúng lý, không bắt bẻ được; là trí tuệ truyền sang, rộng mở thông suốt; là lời tuyệt diệu tuôn ra, đẹp khôn xiết kể.
Như thế là muốn nói, chỉ nói giỏi, chỉ có kỹ xảo là chưa đủ, cần phải có một loại phẩm chất, bước vào một loại hóa cảnh thì biến thành một bản năng, một tâm cảnh, một phong độ. Nói năng thì chân thật, không giả dối, phân tích vấn đề thì trúng vào chỗ quan trọng, làm việc thì vừa hay được kết quả, gặp hiểm nguy thì vững vàng ứng phó, không để tai những việc lặt vặt nhỏ mọn, đối với lời ác ý làm thương tổn thì có lý có mức độ; đối xử với người thì khoan hậu, tự kiềm chế; đối với bản thân thì luôn luôn phản tỉnh; sống thì niềm vui tràn trề; kết bạn thì thiết tha, gắn bó; xử lý việc nhà thì ôn tồn, hòa thuận... Tự thực hành đạo, tự có niềm vui; làm việc nên làm, nghỉ lúc đáng nghỉ, co duỗi mặc lòng, hành động tùy ý; không kiêu không nôn nóng, không sa lầy trì trệ, giàu mà có đức, nghèo mà vui đạo. Những điều này đương nhiên chẳng liên quan gì với mưu kế, như thế là đại trí vô mưu.
Sự khu biệt giữa đại trí hay không còn ở chỗ đại trí là nhìn xa. Ví như đánh cờ, điều bậc đại trí nhìn thấy là toàn bộ bàn cờ, thậm chí là cả bàn cờ sau khi đã đánh xong; là lấy và bỏ ở tầm lớn, là lựa chọn những cái lớn, là có điều làm và không làm ở những việc lớn. Còn cái mà kẻ tiểu mưu nhìn thấy là nước cờ tiếp theo, là một quân, một vị trí, một thế tấn công hay phòng ngự. Vì sao đại trí lại tựa như ngu? Vô mưu thì có thể không ngu được sao?
Một trăm mưu kế khập khiễng chẳng bằng một lòng chân thành. Một trăm thứ hoa hoét của mưu kế chẳng bằng một bản sắc của tự thân. Cảnh quan đẹp đẽ của một trăm mưu kế chẳng bằng cảnh giới từ trên cao nhìn xuống và tấm lòng khoan dung rộng mở, đặc biệt là chẳng bằng tầm nhìn xa và nghĩ sâu của bậc đại trí. Đấy không chỉ là ý niệm mà là kinh nghiệm. Có một số trí thức chuyên nghiệp sau khi đảm nhiệm một chút công tác nào đó thì không sao làm tiếp được phần chuyên môn nữa, mà không còn phần chuyên môn này thì từ đó anh ta hoặc chị ta ắt sa vào việc tính toán, diễn tập kế mưu vô cùng vô tận và cũng vô ích, vô hiệu quả. Kế mưu làm dị hóa con người, kế mưu khiến người ta trở thành nô lệ của chúng, trở thành nốt nhấn trên màn trò chơi điện tử, khiến người ta mất hết lòng tốt, niềm vui, nhân từ, linh khí, thành khẩn và lạc thú tối thiểu nhất, cuối cùng cho đến khi trở thành máy chết, hỏng cả màn hình và hỏng toàn bộ máy tính mới thôi.
Đại đức vô danh và đại dũng vô công
Sau đây tôi lại nói về đại đức vô danh và đại dũng vô công. Đại đức là quan tâm và giúp đỡ người khác, lấy đó làm vui mà không chờ mong bất kỳ sự đền đáp nào, là vì đại cục mà không ngại hàm oan chịu khuất, nhường vinh dự cho người khác, để lại khó khăn cho mình. Những việc này đều không có chỗ cho sự nổi danh, cũng không thể đăng báo tuyên truyền.
Lão Tử nói: “Thế nhân giai tri thiện chi vi thiện, tư bất thiện hĩ; giai tri mỹ chi vi mỹ, tư bất mỹ hĩ”(1). Như thế là nói người đời khi đều biết thiện là tốt lành, tức đều biết thiện được hoan nghênh, được khen ngợi; thiện là được nhiều hơn mất, thiện thì được đền bù, thậm chí được đền bù lớn. Động cơ làm điều thiện như thế thì có thể đã pha tạp nhiều thành phần không thuần khiết, có nhân tố nghênh đón tâm lý thích thiện của mọi người, như thế sẽ là làm duyên bằng thiện, cũng là giả làm điều thiện, thiện mà giả tức là ngụy thiện, đương nhiên như thế không còn là thiện nữa. Ngoài ra, khi người ta đều biết thiện là tốt lành thì sẽ có ý cạnh tranh, có ý ghen tị, muốn được tỏ cho người biết và có tâm lý hiếu thắng v.v... Nhất là quan niệm về thiện sẽ khơi dậy dục vọng lũng đoạn của một số người, chí ít cũng tranh nhau quyền giải thích về thiện. Như thế là khi hiểu được sự đáng quý của thiện, có cảm xúc về ánh sáng của thiện song chưa trừ hết được thói xấu thì một số người sẽ lấy thiện làm cớ mà đánh dẹp người khác. Thiện đã tốt như vậy thì bất thiện đương nhiên là xấu rồi. Ai cũng muốn nói mình là thiện còn người mình không thích là bất thiện. Thế là hai người, hai nhóm người, người của hai nước, của hai tộc người, nhất là tín đồ của hai tôn giáo đều có thể tuyên bố bên mình là tối thiện, còn đối phương là tà ác đến cực đoan, từ đó phát động cuộc thánh chiến, cấm đoán, đóng cửa tới tiêu diệt đối phương. Như thế há thiện chăng? Há bất thiện chăng? Từ xưa tới nay, đủ mọi cách tuyên truyền khua chiêng đánh trống với những giáo huấn nổi tiếng thì kết quả thường là không được lý tưởng, thậm chí sự việc diễn ra đi ngược lại ý nguyện. Vì thế dân chúng thường tỏ thái độ hoài nghi và bài học rút ra từ hiện tượng này cần được suy ngẫm.
Đại đức thật sự là cứu người mà không hay biết, giúp người mà không nhận ra, tha thứ cho mọi người có thể tha thứ được mà không cần lên tiếng. Còn đối với những cử chỉ thiện mà lại nhằm tranh danh đoạt lợi, đối với những sự việc mà phương tiện truyền thông muốn đem phô trương thì nên tránh, mãi mãi không để cho mình trở thành trung tâm được ca tụng, mãi mãi không để cho mình được hưởng thụ danh tiếng quá mức, không để cho mình được ca tụng công đức, càng không nên để cho mình được sùng bái. Nếu đã có danh tiếng nào đó, vinh dự nào đó không đáng mừng thì nhất định nên mong có lời trách cứ, thậm chí cả những lời ác độc hướng về mình để được cân bằng, để sự việc được cân bằng một cách bình thường, luôn luôn và mãi mãi giữ cho mình có sự tỉnh táo và cảnh giác, vĩnh viễn không nên vui quá rồi kiêu ngạo quên mình là ai.
Đại dũng cũng như thế. Đại dũng là một mình dám đối mặt với tà ác, bẻ gãy được tà ác hoặc đánh thắng được tà ác trong tình thế bất lợi; là bảo vệ được người tốt, bảo vệ được nguồn sống của Tổ quốc và nhân dân, có tinh thần nhẫn nhục chịu trách nhiệm, chịu được cảnh lặng lẽ không ai biết đến, có điều làm và có điều không làm, mà những việc như thế thì vừa hay lại không thể tuyên truyền và tâng bốc. Dũng sĩ khua chiêng đánh trống rao bán “đại lực hoàn” phần lớn đều không phải dũng sĩ thật sự; mèo nào thích kêu, thích ra lời thanh minh hầu hết đều không biết bắt chuột; đại vương khoác lác mở miệng chỉ một lời là dẹp yên một vùng lớn không kể được là dũng cảm; lời nói của những ai đứng nói mà không thấy đau lưng, chỉ biết trách cứ người khác mà không thể hy sinh oanh liệt, đều không đáng tin.
Ai có thể “bốn không”?
Sau khi nói về bốn không - tức vô thuật, vô mưu, vô danh, vô công, tôi thấy đã không tránh khỏi có chút lãng mạn và thi vị, không tránh khỏi triết lý quá. Trong hiện thực, người làm được “bốn không” quá ít, còn những việc mà người ta chăm chăm muốn có lại quá nhiều. Nếu bạn chẳng có một thứ gì, nếu bạn vừa đói vừa rét, nếu bạn mắc bệnh nặng hoặc thân hình tàn phế, bạn có thể “bốn không’ được chăng?
Đúng thế, lúc đó bạn phải đi làm thuê để kiếm cái ăn, bạn phải xin cứu tế. Lúc đó ăn cơm là đại đạo của bạn; kiếm được cơm là đại trí của bạn, người cho bạn ăn cơm là đại đức; vì muốn kiếm cơm mà không ngại việc khổ, việc nặng, việc hiểm nguy là đại dũng của bạn. Những cái đại ấy dường như chỉ treo lên đấy để mà ngắm nghía, suy ngẫm thôi, chứ không thể coi như cơm mà ăn được.
Xung quanh ta, mọi người đều bận rộn, dường như không ai có nhã hứng với “bốn không”. Chúng ta bảo họ đang hoạt động. Quả thực có người tài chỉ bình thường nhưng biết hoạt động, giỏi hoạt động trong công tác, chức vị, chức danh, đãi ngộ, nhà ở, xét giải thưởng... cho mình, tranh thủ càng nhiều người có ảnh hưởng, có quyền lực ủng hộ mình. Kết quả là hoàn cảnh của họ hơn hẳn những ai có thực tài, thực học nhưng ngượng phải chạy vạy và mở miệng xin cho mình. Những việc như thế bạn không thừa nhận cũng không được. Ở đây tôi chỉ có thể nói, một là tôi không thể kê thuốc cho từng cảnh ngộ. Hai là, “bốn không” không bài trừ hoạt động, hoạt động chẳng qua là để tranh thủ càng nhiều người hiểu mình và ủng hộ mình, tranh thủ giành được điều kiện tốt hơn một chút. Ở đây có sự thừa nhận xã hội và người trên, có niềm tin đối với bản thân và sự khiêm nhường đáng có; còn có cả sức sống, cả tính tích cực và lòng hăng hái của bản thân nữa. Ba là, cùng là hoạt động song vẫn có sự phân biệt giữa phù hợp và không phù hợp với đại đạo, có sự phân biệt giữa cao thượng và thấp hèn, có sự phân biệt giữa thói xấu hoặc chỉ là làm theo thói thường, có sự phân biệt giữa thu được hiệu quả tốt về cơ bản và để lại ấn tượng tốt cho người khác với để lại cảm quan xấu cho người khác, thậm chí là người có tâm địa xấu xa. Bốn là, điều căn bản hơn là bạn hoạt động trên cơ sở gì? Bạn có chân tài thực học, chân tâm thực ý, cảnh giới trong lòng và trí tuệ sáng sủa có làm điểm xuất phát và điểm trụ của bạn, có làm vốn liếng và hình tượng cơ bản cho bạn hay không? Nếu là có, đương nhiên bạn có thể làm ít mà đạt nhiều công, mọi phía đều thuận lợi, cẩn thận mà làm tới đâu xong đến đó. Còn nếu ngược lại, nếu bạn vô tài vô đức, tình ý giả dối, ích kỷ hẹp hòi, cố chấp ngu xuẩn, không có một sở trường nào mà lại phàn nàn kêu ca thì bạn càng hoạt động nhiều, chẳng qua cũng là càng lộ xấu nhiều mà thôi.
Ý nghĩa của mấy cái “không” đó thực ra rất đơn giản: giảm bớt, thậm chí trừ bỏ cái tâm giả dối, cái tâm cơ hội xảo quyệt, cái tâm mua danh cầu tiếng và cái tâm nôn nóng có công, được lợi. Nếu bạn trừ bỏ hẳn bốn cái nói trên song bạn lại chẳng có gì cả thì xin lỗi nhé, tôi thật chẳng biết phải làm sao với bạn. Còn nếu bạn trừ bỏ, hoặc chí ít giảm bớt bốn cái tâm nói trên, mà bạn còn có sự chân thành, còn có kiến thức thực sự, còn có bản lĩnh thực sự, có tâm tư chân thực, thế thì bạn hãy đem bản sắc thực sự của mình ra và làm một người chân thực đi!
Chúng ta đều là người bình thường, cho dù có tích lũy được bao nhiêu kinh nghiệm và hiểu biết, chúng ta cũng không thể từ chối cuộc sống và công việc hàng ngày, chúng ta không có cách nào từ chối những việc nhỏ bình thường nhất. Nói đến những việc như ăn cơm, mặc quần áo, kiếm tiền, tiêu tiền, đi làm, về nhà, gọi điện thoại, nhận điện thoại, chào bạn, tạm 4c29 biệt nhé, đèn đỏ dừng lại, đèn xanh đi, mua vé, soát vé, vào rạp, ra về, xếp hàng lần lượt v.v..., chúng ta và người khác không có gì khu biệt, kẻ trí và người ngu cũng vị tất đã khác nhau là mấy. Người đọc rất nhiều sách hay và người chưa đọc quyển nào hay cũng không có khác nhau gì lớn. Theo lý thì giữa tiến sĩ và mù chữ, cấp vụ và cấp tổ, đại gia và người làm thuê cũng không nên có ít nhiều khu biệt. Sinh ra đã bình đẳng rồi, bản thân không có gì ghê gớm, đó cũng là đại đạo cần phải thừa nhận, không nên đại tiện, tiểu tiện cũng làm bộ làm dạng, làm ra vẻ ta đây là lãnh đạo, là tinh hoa, là thời thượng, là bậc tiên tri tiên giác. Đói muốn ăn cơm, khát muốn uống nước, gặp người lạ thì “How do you do?”, đó là những điều không cần phải rườm lời mà cũng không phải là những điều sách này muốn truyền thụ. Hãy cứ theo cái lẽ “thuận sinh”(1) như ông Trương Trung Hành từng đề xướng. “Bốn không” không phải là thủ tiêu cuộc sống, hoạt động, công tác và sự vụ bình thường hàng ngày, mà là cần giảm bớt tâm thuật với những chiêu giả, lấy lòng bằng hoa hòe hoa sói, làm rùm beng để mua danh, cầu tiếng, nông cạn chỉ muốn lập tức nên việc. Ở những sự vụ thông thường, chúng ta có thể cũng rất thông thường; ở không ít lĩnh vực thế tục, chúng ta cũng không ngại thuận theo thói tục. Nhưng khi thật sự đến lúc phải dùng tới bản lĩnh, khi thực sự đến nơi có phân biệt cao thấp, khi thực sự cần đến kinh nghiệm, hiểu biết về nhân sinh và triết học nhân sinh thì người ta ắt nhận ra ngay sự phân biệt giữa đạo và thuật, trí và mưu, nhận ra ngay thiện không màng tới danh, dũng không mặn mà với công. Chọn người tương đồng rồi tương đồng theo, chọn người bình đẳng rồi bình đẳng với họ, chọn người khác mình rồi không giống họ, chọn người cao diệu rồi cao diệu với họ, chọn người ưa vật chất rồi “vật chất” đối với họ, chọn người triết lý rồi triết lý với họ, đó là đạo vậy. Việc gì cũng phải có thủ đoạn, có mưu kế thì đấy là yêu quái; việc gì cũng phải trợn mắt, gây phiền hà, làm ầm ĩ là cố chấp. Còn mọi việc đều buông xuôi theo dòng cùng chảy vào chỗ ô uế thì đó là chim để làm thịt, bị để đựng cỏ, chẳng làm nên việc gì.
Cái đáng cười của A.Q không phải là
Càng ở trong nghịch cảnh càng cần tranh thủ có được niềm vui trong cuộc sống và sự tiến bộ về học tập. Cuộc sống là không gì chiến thắng được, dù là tà ác cũng vĩnh viễn không thể phá hủy toàn bộ lạc thú của cuộc sống. Hồi “Cách mạng Văn hóa”, tôi ở nông thôn vùng Tân Cương, bị tước đoạt quyền sáng tác và quyền được tham gia sinh hoạt chính trị. Tiền đồ của tôi hết sức u ám, xa vời, nhưng tôi vẫn cố gắng sống cho vui vẻ và có ý nghĩa. Tôi thích được cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với nông dân dân tộc thiểu số, tôi thích học văn hóa và ngôn ngữ của họ; tôi học cả cách nấu ăn mang đặc sắc nông thôn Tân Cương, tôi ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên của vùng đất Tân Cương rộng lớn. Tôi thích uống trà sữa và sữa ngựa chua, tôi thích ăn món thịt bốc, cơm bốc, bơ sữa chua trộn mì, bánh mì nướng, bánh bao nướng cho chí cháo bột ngô đặc sền sệt. Tôi chui vào rừng cây, lên núi tuyết, cưỡi ngựa đi qua đồng cỏ mênh mông vô bờ, tôi hát dân ca Tân Cương vừa học được, tôi nuôi mèo, nuôi gà, lợp nhà, đào hầm chứa rau. Tôi đánh bạn với rất nhiều người dân tộc thiểu số, đối xử với nhau bằng tấm lòng. Ở nơi tôi đã từng lao động, tôi đẩy cửa nhà ai thì ở đó đều có bạn bè, tôi hiểu được mọi nỗi buồn vui, giận, mừng của họ.
Tìm niềm vui trong cảnh ngộ là để sống tiếp, bởi vì có sống thì mới thấy được mọi thứ. Nói như thế tuyệt nhiên không phải nhằm nói hay cho khổ nạn, biện hộ cho khổ nạn, song tuyệt nhiên cũng không phải chỉ biết có nước mắt nước mũi dầm dề kêu khổ suốt ngày. Trong hầu hết mọi trường hợp, sức sống vẫn có khả năng chiến thắng lực lượng không muốn cho mình được sống yên lành. Đối với lực lượng tà ác không cho mình được sống yên lành, bạn cố gắng sống cho tốt đẹp thì đó là câu trả lời sắc sảo nhất. Có một cách nhìn nhận cho rằng như thế chẳng khác gì phép thắng lợi tinh thần của A.Q(1). Tinh thần AQ sở dĩ đáng cười đáng khinh không phải vì anh ta thường tự an ủi trong hoàn cảnh xấu. Căn bệnh của anh ta là hoàn toàn không dám nhìn thẳng vào hoàn cảnh, vào sự ngu muội, sự vô tri, sợ bị làm nhục, bị bắt nạt của mình, trái lại anh ta lại bắt nạt người yếu đuối hơn mình như cô tiểu. Phép thắng lợi tinh thần của anh ta hoàn toàn không có ý nghĩa, rất vô lối và buồn cười, như tưởng tượng đối phương là con mình. Là con thì sao nào? Lẽ nào con anh ta như cu Don hay con anh ta như Vương Râu Xồm giúp được gì đó cho số phận của anh ta? Có lúc năng lực giữ được thăng bằng về tâm lý, năng lực giữ được thân thể khỏe mạnh lại rất quan trọng. Người ta không phải lúc nào cũng phát động được cuộc “thánh chiến” chống lại thế lực tà ác, có lúc người ta cần phải chờ đợi, có lúc cần phải nhẫn nại, có lúc cần phải im lặng vì toàn cục, có lúc nhất thời nhìn chưa được rõ cần phải nhìn lại một lần nữa, cần để cho sự việc phát triển thêm rồi mới bộc lộ bản chất của mình. Người ta không thể cứ làm theo ý nguyện của mình, cũng không thể tin vào những lời đại ngôn, tuyên bố rằng đã nhìn thấu tất cả như nhìn vào lòng bàn tay, đồng thời việc mình không muốn làm thì lại cứ yêu cầu người khác xông lên, xông lên, yêu cầu người khác nhanh chóng trở thành liệt sĩ và trách cứ người khác tại sao trải qua những ngày gay go bất bình thường như thế mà vẫn cứ sống được.
Chờ đợi không có nghĩa là chẳng làm gì cả, chờ đợi không có nghĩa là ngủ hết ngày này đến ngày khác. Chờ đợi có nghĩa là tích lũy, chờ đợi là dịp tốt để được học tập. Chính trong nghịch cảnh, người ta mới trấn tĩnh để đạt được tỉnh táo và giàu tinh thần phản tỉnh. Trong nghịch cảnh, bạn cần hết sức cẩn thận, cần nghiêm khắc yêu cầu mình; trong nghịch cảnh, bạn có điều kiện tập trung tinh lực nhất để đọc sách và suy nghĩ. Nghịch cảnh chẳng khác gì giai đoạn sau tiến sĩ ở viện nghiên cứu nhân sinh; nghịch cảnh là dịp để tự thanh lý, một dịp để mới cũ thay thế cho nhau; nghịch cảnh là một cơ hội tốt giúp bản thân bước vào cảnh giới tinh thần mới chín muồi hơn, tôn quý và trang trọng hơn.
Đứng về một ý nghĩa nào đó mà nói, không gì cần kíp hơn là phải giữ vững trạng thái tinh thần tốt đẹp. Chỉ cần bản thân ở vào trạng thái tinh thần, trạng thái tâm lý tốt đẹp thì ai cũng chẳng thể làm gì được bạn. Bất kể ở vào nghịch cảnh như thế nào, bản thân không suy sụp về mặt tinh thần thì chẳng ai có thể đánh gục được bạn.
Trong thời kỳ các phong trào chính trị nổ ra liên miên, một số người vào lúc cuộc vận động mới bắt đầu, chưa xảy ra việc gì nghiêm trọng đã sợ muốn chết, nghĩ đến tự tử hoặc tự tử. Tôi đã gặp mấy người như thế, mà theo hiểu biết của tôi thì họ thuộc hai loại. Một loại là trước kia họ buồm xuôi gió thuận, cảnh ngộ rất tốt đẹp, không gặp khó khăn trở ngại nào nên năng lực chịu đựng về mặt tâm lý rất kém - nói không được dễ nghe cho lắm là quá được nuông chiều nên yếu ớt. Một số “phong trào viên” thường bị phê đấu, bị thẩm tra trong các phong trào ấy thì ngược lại tương đối vững vàng, chịu đựng được đánh đấm. Một loại nữa bị đưa đi phê đấu, trở về nhà thì không được yên ấm, gia đình có thành viên nào đó thực hiện “đại nghĩa diệt thân”(1). Tổng kết kinh nghiệm về phương diện này là để cho tinh thần của chúng ta càng có sức mạnh kiên cường hơn, tố chất tâm lý càng ưu việt hơn. Đương nhiên nói như thế không phải nhằm cãi hộ cho sai lầm của những kẻ gây ra khổ nạn. Dù sao, tố chất tâm lý của người dân đều tốt hơn, kiên cường hơn cũng là nhân tố lành mạnh và ổn định, họ không dễ dàng bị xúi bẩy, cũng không dễ dàng bị dọa nạt. Đương nhiên điều này không thể thay thế cho sự kém cỏi trong việc uốn nắn lại chính sách và đường lối.
“Người đáng thương ắt có chỗ đáng giận”
Có một câu nói nổi tiếng “Người đáng thương ắt có chỗ đáng giận”. Tôi không rõ xuất xứ của câu này, lần đầu tiên tôi đọc thấy là trong một truyện của Thầm Dung(1).
Câu này có chút tàn khốc. Người ta nên, quả thực là nên thông cảm với những người đáng thương và căm giận những kẻ gây nên cảnh ngộ đánh thương cho người khác. Nhưng câu nói khiến người ta rùng mình này lại lấp lánh ánh sáng lạnh lẽo, có lúc còn khá đẹp. Chí ít cũng có một phần sự thật chứng tỏ những người điên cuồng rêu rao, tính khí cố chấp, chủ quan, phiến diện, tự cho là phi phàm, hơi một tí là làm tổn thương người khác, không chịu nghe một lời khuyến cáo nào, nói khoác, thích phô trương, thích đưa chuyện thường dễ trở thành bia bắn của vận ách khi tai họa xảy đến, thường dễ bị trừng phạt quá mức. Còn những người nhút nhát sợ việc, ích kỷ, mù mờ lý lẽ, khinh suất hành động thường là càng giãy giụa càng mắc bẫy, càng mong hy sinh người khác để cứu mình thì càng xa cách bình an, càng lún xuống vực sâu...
Đương nhiên chúng ta cần nhìn thẳng vào sai lầm của nhân loại và rất nhiều sai lầm mà chúng ta phạm phải. Chúng ta cần nhìn thẳng vào thói tham lam và tự cho là đúng của chúng ta, lòng ích kỷ và tầm nhìn thiển cận của chúng ta, thói ghen ghét và nghi ngờ vớ vẩn, sự cuồng vọng và làm bậy làm bừa của chúng ta cùng sự ngu xuẩn và ngoan cố. Những sai lầm này đã dẫn đến, đang dẫn đến và sau này sẽ còn dẫn đến tai họa không biết nặng nề đến chừng nào. Nhìn thẳng vào xấu xa của người khác cũng gọi được là dũng cảm, nhìn thẳng vào xấu xa của mình thì chẳng những là đại dũng mà còn là đại trí, đại nhân. Tất cả lời lẽ nói về khuyết điểm của bản thân cho dù có đôi chút khó nghe nhưng đều có tác dụng làm sáng mắt sáng tai cả. Hiểu được điều này thì chúng ta càng tỉnh táo hơn, càng thấy rõ hơn, càng hít thở thoải mái hơn, không đến nỗi hơi trắc trở một tí đã toan tự tử.
Đương nhiên cũng có người không cho như thế là phải. Người ấy thật vô cùng đáng kính, nhưng lại bị đối xử rất rất bất công. Vô thuật hay hữu thuật, vô mưu hay hữu mưu, thân ngoại hay thân đồng, cảnh giới hay lòng dạ, dù có nói kỹ đến thế nào chăng nữa thì cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với những người bất hạnh đặc thù ấy. Nhân sinh cũng rất bí ẩn, ai là người hiểu thấu được đây? Làm thế nào bây giờ? Vương Mông tôi cũng chẳng có biện pháp nào cả. Tài nghệ của Vương Mông cũng chỉ đến mức như con lừa đất Kiềm(1), chúng ta có thể âm thầm thương cho người ấy, thở dài và rơi nước mắt cho người ấy, chúng ta chỉ có thể vì người ấy mà cảm thấy bức xúc và bi thương.
Kinh nghiệm nhân sinh và nỗi xấu hổ của tôi
Nhưng đồng thời với việc trên, chúng ta cũng có lý do để tin ở mức nhất định vào thiên đạo hữu thường, ác giả ác báo, tin vào nói khoác chẳng dài lâu, âm mưu sớm muộn cũng lộ tẩy, lòng người đều tự có cái cân, hoặc chí ít cũng lấy ra được những viên bi đồng đẳng hoặc tiếp cận nhau trong số những viên bi có bốn màu khác nhau kia. Chúng ta không tin ở thắng lợi quá dễ dàng, cũng bất tất phải tin vào thất bại quá dễ dàng. Chính nghĩa không thể nói thắng là thắng, ngược lại kẻ ác cũng đừng hòng mọi việc đều xuôi thuận. Cho dù trên trời có rơi xuống mồi nhử làm điều ác và đột nhiên xuất hiện tình thế rất thuận lợi cho kẻ ác thì bọn họ cũng sẽ vì tranh giành nội bộ, vì kiêu ngạo và buông thả vô độ, vì tích oán quá sâu, vì mối lợi và dục vọng hun đốt trong tim, vì không tuân thủ luật pháp, vì hành động ngược chiều, vì táng tận lương tâm mà lúc nào cũng có thể thất bại và đi tới diệt vong. Khi đã có một dự tính cơ bản và lạc quan như thế, đã có niềm tin lớn như thế thì vĩnh viễn không bao giờ khiến bản thân sa vào vũng bùn tự oán tự hận, thở dài não nuột trong thời gian dài mà không thể rút chân ra.
Tôi còn có một kinh nghiệm nữa, nếu điều này cũng coi được là kinh nghiệm, thì đó là hãy yêu mến thiên nhiên và trở về với thiên nhiên. Tôi không nói về thiên nhiên theo nghĩa bảo vệ môi trường mà nói đến thiên nhiên theo khía cạnh lành mạnh về tâm lý. Thiên nhiên lớn như trời sao, trăng sáng, mặt đất, biển cả, núi tuyết, mặt trời mọc buổi sáng, lặn buổi tối, sa mạc, rừng cây..., nhỏ như côn trùng, hoa cỏ, giọt sương, hòn cuội... đều là thiên nhiên kỳ diệu, sáng láng khiến tinh thần con người được rong ruổi. Nói cho cùng, con người ta đến từ thiên nhiên rộng lớn rồi cuối cùng lại trở về với thiên nhiên. Con người có mối liên hệ hài hòa với thiên nhiên, có niềm theo đuổi tìm đến cái thật, tìm đến sự hiểu biết với thiên nhiên, có cảm giác an toàn do kính sợ, do tự mình khống chế và do đó cũng được nhờ cậy ở thiên nhiên. Gió xuân thổi vào người, mưa hè tưới xuống thân, gió mát trăng thanh chẳng cần mất tiền mua, rồi còn quanh năm xanh ngắt cỏ thơm, mười dặm rực hồng hoa hạnh. Biển rộng mặc cá nhảy, trời quang mặc chim bay, trời cao trăng nhỏ, nước rút đá lộ. Sông lớn chảy về Đông, suối dài mặt trời lặn... đó là những thứ mà người khác rất khó tước đoạt khỏi bạn, trừ phi tước đoạt sinh mạng của bạn. Nhưng tước đoạt sinh mạng đâu có dễ như thế? Từ xưa đến nay, biết bao nhiêu người hơi một tí là tước đoạt sinh mạng của người ta thì cuối cùng đều có hồi kết là thân và đầu mỗi thứ mỗi nơi.
Yêu quý thiên nhiên là yêu quý nơi mình ra đi, nơi mình trở về, nơi mình nhờ cậy, nơi mình vui buồn. Yêu quý thiên nhiên là yêu quý nơi tồn tại và nơi được tôn trọng của loài người, yêu quý nơi xuất phát và trở về của loài người. Yêu quý thiên nhiên còn là mãi mãi đứng trên mảnh đất bất bại, mãi mãi sống giữa mặt đất và bầu trời, mãi mãi như nhật nguyệt đi qua bầu trời và sông suối chảy qua mặt đất, mãi mãi làm bản thân được yên ổn, vững vàng, mãi mãi có trái tim và xương sống làm chủ, mãi mãi là cảnh giới rộng mở, cao thượng nhưng vững vàng như chân đạp trên mặt đất.
Đương nhiên tất cả những điều nói trên đều không thể giải quyết vấn đề của người quả thật gặp phải vận ách. Bạn quả thực bị nỗi oan không đâu, bạn bị thiên tai giáng xuống, bạn bị tai nạn giao thông, bạn bị cướp, bị hành hung và nhiều nỗi bất hạnh khác, tất cả đều không thể nhờ học được chút kiến thức, nhờ có được cảnh giới như thế nào đó mà giải quyết được. Tôi khó lòng giúp đỡ bạn, tôi cảm thấy xấu hổ, tôi chỉ có thể chúc bạn gặp được vận may, tránh xa vận xấu. Vạn nhất ai đó thực sự gặp phải nỗi bất hạnh lớn thì tôi chỉ có thể mong bạn kiên cường vượt qua mọi cửa ải gian nguy để giành lấy cơ hội chuyển vần càng tốt và càng nhanh hơn nữa.
Hết phần 9. Mời các bạn đón đọc phần 10!