Triệu Phú Ổ Chuột Chương 10


Chương 10
Quyền giết người.

Có nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn trong việc đi bộ một cách lơ đãng ở Mumbai. Bạn có thể vô tình giẫm phải một cái vỏ chuối và ngã sóng soài. Bạn có thể bất ngờ nhận thấy bàn chân mình ngập trong một bãi phân chó ướt nhoét. Bạn có thể đột ngột xóc nảy cả người lên vì bị một con bò cái ngang ngạnh từ phía sau đi đến húc thẳng vào mông. Hoặc một người bạn từ lâu đứt liên lạc mà bạn muốn tránh mặt có thể xuất hiện một cách kỳ diệu từ dòng người hỗn loạn và bỗng nhiên ôm chầm lấy bạn.

Đó là những gì đã xảy ra với tôi vào ngày thứ Bảy 17 tháng Sáu trước trường đua ngựa Mahalaxmi, khi tôi tình cờ gặp Salim Ilyasi. Sau năm năm.

Ba tháng trước, khi từ Agra đến Mumbai lần đầu tiên, tôi quyết tâm không liên lạc với Salim. Đó là một quyết định khó khăn. Tôi luôn nhớ cậu ấy trong suốt những tháng năm tôi sống cùng gia đình Taylor ở Delhi, trong những gian nan thử thách của tôi ở Agra, và sống trong cùng thành phố mà lại không được gặp cậu ấy thực sự là một gánh nặng đối với tôi. Nhưng tôi đã hạ quyết tâm không để cậu ấy dính dáng vào cái kế hoạch tham gia chương trình trò chơi truyền hình của tôi.

“Mohammad!” Salim reo lên khi nhìn thấy tôi. “Cậu đang làm gì ở Mumbai vậy? Cậu tới đây khi nào? Suốt bao nhiêu năm qua cậu đã ở đâu?”

Tôi cho rằng gặp một người bạn từ lâu đứt liên lạc cũng giống như được thưởng thức một món ăn yêu thích mà đã lâu lắm rồi mình chưa ăn. Tôi không biết chồi vị giác của bạn phản ứng như thế nào sau một thời gian dài, không biết món ăn đó có còn ngon như ngày xưa hay không. Tôi gặp Salim sau năm năm với những cảm xúc lẫn lộn. Liệu cuộc hội ngộ của chúng tôi có ấm áp như tình bạn của chúng tôi ngày trước? Liệu chúng tôi có còn chân thành với nhau không?

Ban đầu chúng tôi không chuyện trò nhiều, chỉ ngồi trên một chiếc ghế băng ở gần đó. Chúng tôi không nghe tiếng quang quác của những con mòng biển đang bay lượn trên đầu. Chúng tôi không chú ý đến những cậu nhóc đang đá bóng trên đường. Chúng tôi không nhìn đám đông những người mộ đạo đang đi đến đền thờ Haji Ali. Chúng tôi chỉ ôm chặt lấy nhau mà khóc. Khóc cho quãng thời gian chúng tôi ở bên nhau, khóc cho những khi chúng tôi mất nhau. Rồi chúng tôi kể về mọi chuyện xảy ra trong khoảng thời gian chúng tôi xa nhau. Đúng hơn, Salim nói còn tôi lắng nghe.

Salim đã trở nên cao ráo đẹp trai hơn. Ở tuổi mười sáu, cậu ấy trông tuyệt như bất cứ ngôi sao điện ảnh nào của Bollywood. Cuộc sống đô thị khắc nghiệt đã không làm hư cậu ấy như nó từng làm hư tôi. Cậu ấy vẫn yêu thích những bộ phim tiếng Hindi và vẫn tôn thờ những ngôi sao Bollywood (tất nhiên trừ Armaan Ali). Cậu ấy vẫn đến cầu nguyện tại đền thờ Haji Ali vào thứ Sáu hàng tuần. Và, quan trọng nhất, lời tiên đoán của người xem tướng tay cuối cùng cũng thành sự thực. Cậu ấy không còn làm dabbawallah đi đưa cơm hộp cho tầng lớp trung lưu ở Mumbai, mà đã ghi tên vào một trường đào tạo diễn xuất đắt giá để học cách trở thành diễn viên.

“Cậu có biết ai trả học phí cho tớ không?” cậu ấy hỏi tôi.

“Không.”

“Đó là Abbas Rizvi.”

“Nhà sản xuất phim nổi tiếng đã sản xuất ra hàng loạt bộ phim bom tấn đó ư?”

“Đúng, chính ông ấy. Ông ấy đã mời tớ đóng vai chính trong bộ phim tiếp theo của ông ấy được khởi quay sau hai năm nữa, khi tớ bước sang tuổi mười tám. Từ giờ tới lúc đó ông ấy sẽ chu cấp cho tớ học hành.”

“Nhưng điều đó tuyệt quá, Salim ạ. Làm thế nào mà tất cả chuyện này lại xảy ra được?”

“Đó là một câu chuyện dài.”

“Không câu chuyện nào có thể đủ dài đối với tớ, Salim ạ. Mau lên, kể từ đầu cho tớ nghe đi.”

Và đây là câu chuyện do Salim kể, bằng lời của chính cậu ấy.

“Sau khi cậu đột ngột bỏ đi, tớ còn lại một mình ở khu chawl. Tớ tiếp tục cuộc sống của một dabbawallah trong bốn năm nữa, nhận và chuyển những hộp cơm, nhưng vẫn tiếp tục mơ ước trở thành diễn viên. Một hôm trong lúc đến nhận hộp cơm từ vợ của một khách hàng tên là Mukesh Rawal, tớ nhận thấy tường nhà ông ấy được trang trí bằng những bức ảnh chụp ông với nhiều ngôi sao điện ảnh nổi tiếng. Tớ hỏi bà Rawal có phải chồng bà làm trong ngành công nghiệp điện ảnh hay không. Bà ấy nói ông ấy chỉ là nhân viên phụ trách bán hàng trong một hãng dược phẩm, nhưng tham gia làm phim bán thời gian trong vai trò diễn viên phụ.

Nghe thấy thế tớ rất ngạc nhiên. Ngay chiều hôm đó tớ chạy đến văn phòng của ông Mukesh Rawal và hỏi ông ấy liệu tớ có thể trở thành một diễn viên phụ như ông ấy không. Mukesh nhìn tớ phì cười. Ông ấy nói tớ quá bé để trở thành diễn viên, nhưng đôi khi họ cũng có những vai dành cho học sinh nam và trẻ đường phố mà có khi hợp với tớ. Ông ấy hứa sẽ giới thiệu tớ với quản lý của ông ấy là Pappu Master, người chuyên cung cấp diễn viên phụ, và bảo tớ đưa cho ông ấy vài bức ảnh màu cỡ sáu nhân tám chụp ở nhiều tư thế khác nhau. Nếu Pappu ưng các bức ảnh của tớ, ông ấy có thể sẽ chọn tớ đóng vai phụ trong một bộ phim. Mukesh nói với tớ rằng đối với một diễn viên phụ, người ta không đòi hỏi kỹ năng diễn xuất mà tớ trông phải thật sáng láng trong một bộ vest, thật hăm dọa trong bộ đồ của một tên du côn và thật quyến rũ trong bộ đồng phục học sinh. Ông ấy khăng khăng rằng tớ nên có những bức ảnh được chụp một cách chuyên nghiệp tại một ảnh viện.”

“Đêm đó tớ không ngủ được. Ngay sáng hôm sau tớ tới hiệu ảnh và hỏi giá chụp. Người thợ ảnh phát một cái giá cao ngất trời, gần bằng số tiền tớ kiếm được trong cả tháng. Tớ nói với ông ta, ‘Arrey baba, tôi không thể trả nhiều tiền như vậy đâu.’ Vậy là ông ta khuyên tớ nên mua một chiếc máy ảnh dùng một lần rẻ tiền và tự chụp lấy rồi đem đến ông ấy phóng ảnh cho. Tớ làm như ông ấy bảo. Tớ mua một chiếc máy ảnh và nhờ người đi đường chụp ảnh hộ. Tớ ngồi trên chiếc mô tô của một người nào đó dựng trước Churchgate và làm ra bộ lạnh tanh như Amitabh Bachchan trong phim Muqaddar ka Sikandar. Tớ ngồi trên lưng ngựa tại bãi biển Chowpatty y chang Akshay Kumar trong Khel. Tớ đứng trước khách sạn Sun ‘n’ Sand trong tư thế giống hệt Hrithik Roshan trong Kaho Na Pyar Hai. Tớ cầm một vỏ chai Johnny Walker trong tay và cố làm ra vẻ say mèm như Shahrukh Khan trong Devdas. Tớ cười xếch đến mang tai trước đài phun nước Flora giống như Govinda thường cười trong tất cả các bộ phim của anh ta. Tớ có gần hai chục bức ảnh chụp tớ, nhưng cuộn phim có những ba mươi sáu kiểu cơ vì thế tớ phải chụp hết thì mới mang đi rửa ảnh được. Vậy là tớ quyết định chụp nhà cửa và những người tớ thấy thú vị. Tớ chụp ga Victoria Terminus và Gateway của Ấn Độ. Tớ bấm máy chụp một cô gái đẹp ở Marine Drive, một ông già ở Bandra, thậm chí chụp cận cảnh một con lừa ở Colaba. Bức ảnh cuối cùng tớ chụp là ảnh một người đàn ông trung tuổi, da ngăm đen ở Mahim đang ngồi trên ghế băng hút thuốc. Các ngón tay của ông ấy được trang điểm bằng những chiếc nhẫn đủ màu sắc. Chỉ khi ấn nút chụp tớ mới nhận ra mình vừa chụp ảnh ai và tớ như bị tê liệt.”

“Cậu muốn nói gì?” tôi hỏi Salim. “Ông ấy là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng ư? Đó là cái gã Armaan Ali đáng tởm ư?”

“Không, Mohammad, đó là một người mà cậu cũng biết rõ. Đó là ông Babu Pillai có biệt hiệu là Maman. Người đã đưa chúng ta từ Delhi đến đây và suýt làm chúng ta bị mù đấy.”

“Ôi, trời ơi!” Tôi lấy tay che miệng. “Ông ta có nhận ra cậu không?”

“Có, ông ta nhận ra. ‘Mày là Salim phải không? Mày là thằng nhóc đã trốn khỏi chỗ tao phải không. Nhưng lần này thì mày không trốn nổi đâu.’ Ông ta gầm lên và lao tới.”

“Tớ thậm chí không kịp suy nghĩ. Tớ quay người chạy về phía đường cái. Một chiếc xe bus trờ tới và tớ nhảy lên đúng lúc, bỏ lại Maman đang thở hổn hển trên đường.”

“Tớ ngồi trên xe, đang nghĩ về sự thoát hiểm đầy may mắn của mình, thì, cậu thử đoán xem chuyện gì xảy ra?”

“Chuyện gì?”

“Chiếc xe bus dừng lại trước đèn giao thông và một nhóm côn đồ đầu quấn băng, tay cầm kiếm, cầm xiên và đinh ba nhảy lên xe.”

“Ôi, trời ơi! Đừng có nói với tớ rằng đó là một nhóm quá khích đấy nhé.”

“Đúng như thế đấy. Lúc đó tớ hiểu rằng chúng tớ đã rơi vào giữa một cuộc nổi loạn công cộng. Xác xe âm ỉ cháy bày ra trước mắt chúng tớ. Các cửa hàng đã biến thành đống gạch vụn, những vết máu có thể nhìn thấy rõ trên vỉa hè, đất đá, gậy gộc và dép guốc bị vứt bừa bãi trên đường. Tài xế vội nhảy xuống khỏi xe. Đầu óc tớ mụ đi vì sợ. Tớ cứ tưởng mình sẽ chẳng bao giờ gặp lại một cảnh tượng kinh hoàng như thế này nữa. Tớ nghe thấy những âm thanh mà tớ tưởng mình đã quên. Tiếng thét của mẹ và tiếng kêu gào của anh trai vang vọng bên tai tớ. Tớ bắt đầu run lên bần bật. Những tên du côn nói với mọi người trên xe bus rằng một nhóm người Hồi giáo quá khích đã đốt nhà của người Hindu và giờ bọn họ sẽ trả thù. Sau đó tớ được biết toàn bộ rắc rối ấy bắt nguồn từ cuộc tranh cãi vặt vãnh về một cái vòi nước ở một khu ổ chuột. Nhưng đầu óc mọi người chứa đầy thù hận đến nỗi trong vòng vài giờ đồng hồ những chiếc xe bus đã bị đốt, nhà bị phóng hỏa, người bị tàn sát.”

“ ‘Từng người một hãy nói tên của mình ra. Tất cả những người Hindu được phép xuống xe, tất cả người Hồi giáo ngồi yên,’ bọn côn đồ tuyên bố. Những hành khách đang run rẩy lần lượt nói tên của mình. Arvind. Usha. Jatin. Arun. Vasanti. Jagdish. Narmada. Ganga. Milind. Xe bus bắt đầu trống dần. Bọn phá rối quan sát từng hành khách bằng những con mắt sắc như mắt chim ưng. Chúng kiểm tra vết thần sa trên đường ngôi tóc của phụ nữ, hỏi vài người đàn ông những câu hỏi chi tiết để chắc chắn về tôn giáo của họ, thậm chí bắt một đứa bé trai vạch quần đùi ra. Tớ thấy buồn nôn trước cảnh tượng dã man này, nhưng tớ vẫn ngồi run rẩy tại chỗ. Cuối cùng chỉ còn lại hai hành khách trên xe bus: tớ và một người đàn ông ngồi sau tớ hai ghế.”

“Cậu biết đấy, Mohammad, trên phim, khi một cảnh tượng như thế xảy ra, nhân vật chính sẽ đứng lên kêu gọi lòng nhân đạo của bọn quá khích. Anh ấy sẽ nói với bọn chúng rằng máu của người Hindu và người Hồi đều có cùng một màu. Rằng khuôn mặt không nói lên tôn giáo của chúng ta. Rằng tình yêu được ưa chuộng hơn sự thù hận. Tớ biết nhiều đoạn đối thoại như vậy và tớ có thể đọc thuộc lòng bất cứ đoạn đối thoại nào trong số những đoạn đó trước bọn phá rối này, nhưng khi cậu mặt đối mặt với sự dã man tàn bạo như vậy, cậu quên hết mọi lời nói. Cậu chỉ nghĩ đến một điều duy nhất. Cuộc sống. Tớ muốn sống, vì tớ phải thực hiện ước mơ trở thành diễn viên. Còn lúc này đây cả ước mơ lẫn người mơ ước sắp sửa bị thiêu cháy trên một chiếc xe bus ở Mumbai.

“ ‘Tên mày là gì?’ Tên cầm đầu hỏi.”

“Tớ có thể nói tên mình là Ram hoặc Krishna, nhưng lưỡi tớ líu hết cả lại. Một trong những kẻ tấn công chỉ vào chiếc tabeez quấn quanh cổ tớ. ‘Thằng khốn này rõ ràng là người theo đạo Hồi, hãy giết nó đi,’ hắn giục.”

“ ‘Không. Giết nó thì dễ ợt. Chúng ta hãy thiêu sống thằng ôn này trong chiếc xe bus. Rồi nó và cộng đồng của nó sẽ ngộ ra là đừng có bao giờ động vào nhà của chúng ta nữa,’ tên cầm đầu nói và cười hô hố. Một tên khác mở nắp một can xăng và bắt đầu tưới xăng lên xe bus. Tớ đã từng thích mùi xăng nhưng từ cái ngày đó hễ cứ ngửi thấy mùi xăng là tớ lại liên tưởng đến mùi thịt cháy.”

“Người đàn ông ngồi sau tớ hai hàng ghế đứng bật dậy. ‘Các anh chưa hỏi tên tôi. Để tôi nói cho các anh biết. Tên tôi là Ahmed Khan. Và tôi muốn xem tên khốn nào dám động vào cậu bé này,’ ông ta nói.”

“Bọn phá rối im lặng một lát, rồi tên cầm đầu lên tiếng. ‘Ái chà, vậy ông cũng là người đạo Hồi. Tốt lắm, ông sẽ bị thiêu sống cùng với thằng nhóc này.’ ”

“Người đàn ông đó không hề sợ hãi. ‘Trước khi các anh đốt tôi hãy nhìn cái này đã,’ ông ta nói và rút ra một khẩu súng lục. Ông ta chĩa súng vào bọn phá rối.”

“Giá mà cậu nhìn thấy bộ mặt của tất cả những tên du côn đó. Mắt chúng lồi ra khỏi tròng. Chúng vứt lại kiếm và đinh ba trên xe bus rồi chạy tán loạn để giữ lấy mạng sống. Mạng sống của tớ đã được cứu. Những giọt nước mắt biết ơn trào ra khóe mắt tớ.”

“Người đàn ông nhìn thấy tớ khóc và hỏi, ‘Tên cậu là gì?’ ”

“ ‘Salim... Salim Ilyasi,” tớ đáp, vẫn không thôi thổn thức.

“ ‘Cậu không biết nói dối sao?’ ông ta nói. ‘Nhưng tôi đánh giá rất cao những người nói thật ngay cả khi họ đối diện với cái chết.’ ”

“Ông ta nói với tớ ông ta là một nhà xuất nhập khẩu sống một mình trong một ngôi nhà lớn ở khu Byculla. Ông ta nói ông ta cần một người lo việc nấu nướng dọn dẹp, và chủ yếu là trông nhà những khi ông ta đi công tác. Tớ băn khoăn tự hỏi tại sao một doanh nhân như ông ta lại mang súng khi đi xe bus, nhưng ông ta hứa sẽ trả gấp đôi số tiền tớ kiếm được từ việc đi đưa cơm hộp và tớ lập tức đồng ý trở thành người giúp việc cho ông ta.”

“Ahmed có một căn hộ rộng rãi với ba phòng ngủ, một gian bếp khá rộng và một phòng khách có chiếc ti vi ba mươi sáu inch. Tớ làm công việc nấu nướng, dọn dẹp, lau chùi nhưng vẫn không quên ước vọng trở thành diễn viên. Ở một mức độ nào đó, làm việc cho Ahmed cũng tốt, bởi vì ông ấy hầu như vắng nhà cả ngày, thậm chí thỉnh thoảng vắng nhà một hoặc hai tuần. Trong thời gian đó tớ dạo qua các ảnh viện. Tớ mang cuộn phim đi rửa và có được những tấm ảnh sáu nhân tám tuyệt vời. Tớ đưa chúng cho Mukesh Rawal để ông ấy chuyển cho Pappu Master, người chuyên cung cấp diễn viên phụ. Cậu tin hay không thì tùy, nhưng sau ba tháng tớ nhận được lời mời đóng phim đầu tiên.”

“Thật ư?” Tôi reo lên. “Cậu được mời đóng vai nào trong bộ phim nào?”

“Đó là vai một sinh viên đại học trong một bộ phim của Abbas Rizvi mang tên Những chàng trai tồi có Sunil Mehra diễn xuất.”

“Vậy thì hãy đi xem phim đó ngay bây giờ. Tớ muốn xem cậu trên màn ảnh và nghe những lời thoại của cậu.”

“À...” Salim ngần ngừ. Cậu ấy nhìn xuống giày của mình. “Cậu biết đấy, vai diễn của tớ bị cắt vào phút cuối. Vậy nên cậu sẽ chỉ nhìn thấy tớ trên màn hình trong ba giây thôi, đang ngồi tại một chiếc bàn trong lớp học với ba mươi sinh viên khác. Những lời thoại duy nhất trong cảnh đó là lời thoại giữa Sunil và giáo viên.”

“Gì cơ?” tôi kêu lên thất vọng. “Chỉ ba giây! Vai kiểu gì thế không biết?”

“Diễn viên phụ chỉ được đóng những vai như vậy thôi. Chúng tớ không phải diễn viên chính. Chúng tớ chỉ thuần túy là một phần của cảnh phim. Cậu có nhớ cảnh những bữa tiệc lớn trong phim không? Diễn viên phụ là những vai thêm mắm thêm muối đứng loanh quanh nhấm nháp đồ uống trong khi các diễn viên chính khiêu vũ điệu valse trên sàn nhảy. Chúng tớ là người qua đường khi nhân vật chính đuổi bắt tên vô lại. Chúng tớ là kẻ đứng vỗ tay trong vũ trường khi hai nhân vật chính chiến thắng trong một cuộc thi khiêu vũ. Nhưng tớ không thấy phiền khi đóng vai trò diễn viên phụ. Nó cho phép tớ thỏa mãn ước mơ được chứng kiến những cảnh hậu trường. Và nó cho phép tớ gặp nhà sản xuất Abbas Rizvi. Ông ấy thích diện mạo của tớ và hứa sẽ dành cho tớ một vai dài hơn trong bộ phim tiếp theo của ông ấy.”

“Trong sáu tháng tiếp theo, tớ phát hiện ra nhiều điều về Ahmed. Nói chung, ông ta là người khá kỳ lạ. Ông ta chỉ có hai thú vui trong cuộc sống: ăn thức ăn ngon và xem ti vi. Ông ta chỉ xem hai chương trình ti vi - cricket và chương trình Theo dõi tội phạm ở Mumbai. Ông ta mê cricket. Mỗi khi có trận đấu, cho dù đội Ấn Độ tham gia hay không, ông ta đều theo dõi hết. Ông ta dậy lúc ba giờ sáng nếu như có một trận đấu ở Tây Ấn và lúc nửa đêm nếu đó là trận đấu ở Australia. Ông ta thậm chí theo dõi cả những trận đấu giữa những đội còn non trẻ như đội Kenya và Canada.”

“Ông ta lưu giữ một cuốn nhật ký ghi lại mọi thống kê về môn cricket. Ông ta thuộc lòng số đánh bóng trung bình của tất cả và của từng cầu thủ đánh bóng, số điểm phát bóng của tất cả và của từng cầu thủ giao bóng, số lần bắt bóng của một cầu thủ chặn bóng và số lần người giữ tam trụ môn chấm dứt lượt chơi của đối thủ. Ông ta có thể cho cậu biết số điểm cao nhất và thấp nhất trong một trận đấu, số điểm chạy tối đa được ghi trong một vòng ném bóng, tỷ số lớn nhất và sít sao nhất.”

“Nhưng ông ta lưu các thông tin ấy vì một mục đích - để cá cược các trận cricket. Tớ phát hiện ra điều này trong loạt đấu giữa đội Ấn Độ và đội Anh. Ahmed vừa xem ti vi vừa cố gọi di động cho ai đó. Vậy nên tớ hỏi ông ta, ‘Ông đang làm gì vậy, Ahmed bhai?’ ”

“ ‘Tôi chuẩn bị chơi satta,’ ông ta đáp.”

“ ‘Satta? Đó là gì vậy?’ ”

“ ‘Đó là cách gọi khác của trò cá cược bất hợp pháp. Satta được các tổ chức thế giới ngầm có thế lực ở Mumbai tổ chức với doanh thu hàng ngày lên tới hàng triệu rupi. Hàng triệu rupi đặt cược cho mỗi trận đấu cricket, cả nghìn rupi cho mỗi trái bóng. Tôi là một trong những người đánh cược lớn nhất. Ngôi nhà mà cậu thấy, chiếc ti vi đắt tiền này, cái lò vi sóng trong bếp, điều hòa nhiệt độ trong phòng ngủ, tất cả đều từ những vụ thắng cược mà ra. Ba năm trước tôi trúng một quả đậm trong trận Ấn Độ gặp Australia. Cậu có nhớ trận đấu nổi tiếng ở Eden Garden không? Vào thời điểm đội Ấn Độ được 232-4 điểm, có nguy cơ phải chấp nhận thất bại chung cuộc và tỷ lệ kèo là một nghìn ăn một chống lại đội Ấn Độ, tôi đã đặt cược vào Laxman cùng đội Ấn Độ và đã kiếm được một trăm nghìn rupi!’ ”

“ ‘Một trăm nghìn!’ Tớ trố mắt ra.”

“ ‘Đúng. Hôm nay tôi chỉ cược mười nghìn cho đội Ấn Độ. Tôi đang cố hỏi nhà cái xem kèo thế nào nhưng máy ông ta bận liên tục.’ Ông ta dập điện thoại hai lần, sốt ruột nhìn đồng hồ và lại bấm số một lần nữa. Lần này ông ta gọi được. ‘Alô, Sharad bhai phải không? AK đây. Mã số 3563. Kèo trận này thế nào?’ Tôi nghe thấy giọng nhà cái vang lên chập chờn trong điện thoại. Tôi có thể nghe thấy tiếng bình luận vọng đến: ‘Đội Ấn Độ đã dẫn trước đội Anh 173 điểm. Một khi số điểm dẫn trước vượt quá 250, tỷ lệ đặt cược sẽ nghiêng hẳn về đội Ấn Độ. Với số điểm dẫn trước dưới 250 thì tỷ lệ vẫn là năm mươi-năm mươi, nhưng nếu vượt quá mốc 250 thì tỷ lệ cược sẽ là ba ăn một nghiêng về đội Ấn Độ.’ ”

“ ‘Vậy tỷ lệ kèo đội Anh thắng là bao nhiêu?’ Ahmed hỏi.”

“ ‘Ông điên à?’ nhà cái đáp. ‘Đội Anh không thắng nổi đâu; khả năng cao nhất của họ là cầm hòa. Nhưng nếu ông hỏi kèo thì đó là tám ăn một. Ông có muốn cược bây giờ không?’ ”

“ ‘Có. Đặt cho tôi mười nghìn, đội Ấn Độ thua,’ Ahmed nói.”

 “Tớ sửng sốt khi nghe Ahmed đặt cược như vậy, vì đội Ấn Độ đang chiếm ưu thế. Nhưng rõ ràng Ahmed biết nhiều hơn tay nhà cái vì cuối cùng đội Anh đã thắng, những lá cờ Anh bay phấp phới trên sân thi đấu cricket Lord’s còn Ahmed đấm vào không khí và reo lên hỉ hả, ‘Yes! Yes! Yes!’ Ông ta lại gọi cho nhà cái. ‘Kyun Sharad bhai, tôi đã đúng phải không? Tôi đã kiếm được bao nhiêu? Tám mươi nghìn à? Ha! Một khoản lợi nhuận không tồi cho vài giờ làm việc!’ ”

“Ahmed ra ngoài lôi về một chai chất lỏng sủi tăm, và tối hôm đó tớ được uống ngụm sâm banh đầu tiên trong đời.”

“Thú vui thứ hai trong cuộc sống của Ahmed là xem chương trình Theo dõi tội phạm ở Mumbai. Cậu đã bao giờ xem chương trình đó chưa?”

Tôi lắc đầu. “Chưa, chương trình đó không chiếu ở Delhi.”

“Ồ, đó là một chương trình nhạt phèo. Nó giống như bản tin vậy, chỉ có điều nó không đề cập đến lụt lội, bạo loạn, chiến tranh và chính trị. Nó chỉ nói về những vụ phạm tội nghiêm trọng. Ai bị giết, ai bị hãm hiếp, nhà băng nào bị cướp, kẻ nào đã vượt ngục, những chuyện đại loại như thế.”

“Ahmed thường ngồi trước ti vi với một đĩa thịt nướng và cười ầm ĩ mỗi khi nghe tin tức trên chương trình Theo dõi tội phạm ở Mumbai. Không hiểu sao ông ta lại thấy chương trình đó rất buồn cười.”

“Thỉnh thoảng Ahmed nhận được những chiếc phong bì màu vàng do người đưa thư mang tới. Tớ được chỉ thị một cách nghiêm khắc không được phép đụng vào thư từ của ông ta mà chỉ việc để chúng trên bàn ăn. Một buổi chiều, cậu bé đưa thư mang đến một chiếc phong bì to màu vàng đúng lúc tớ đang uống trà. Tớ vô tình đánh đổ trà lên chiếc phong bì và phát hoảng. Tớ biết nếu thấy tớ làm hỏng bưu phẩm của ông ta thì Ahmed sẽ nổi giận. Chiếc phong bì ấy có thể chứa những chứng từ thương mại có giá trị mà biết đâu giờ đã bị hư hại rồi. Vậy nên tớ ngồi xuống cẩn thận bóc nắp phong bì ra. Tớ luồn ngón tay vào và lấy ra những giấy tờ... và bật lên tiếng huýt gió vì ngạc nhiên.”

“Tại sao? Có gì trong đó vậy?”

“Chẳng có gì nhiều. Bưu phẩm đó chỉ chứa mỗi một bức ảnh màu sáu nhân tám chụp khuôn mặt một người đàn ông và nửa tờ giấy có những chữ được đánh máy rõ ràng. Ngay đến tớ cũng có thể đọc được mảnh giấy đó. Nó ghi:

Tèn:        Vithalbhai Ghorpade.

Tuọi:      56.

Íìa ch: 73/4 íôĩøng Marve, Malad.

Tất cả chỉ có vậy.”

“Tớ đoán đó là thông tin về một nhà kinh doanh nào đấy đang làm ăn với Ahmed nên không nghĩ ngợi gì nhiều về mảnh giấy. Tớ cẩn thận dán lại và để chiếc phong bì trên bàn ăn. Buổi tối Ahmed về nhà và mở chiếc phong bì ra. Sau đó ông ta nhận được một cú điện thoại ngắn. ‘Vâng, tôi đã nhận được cái gói đó rồi,’ ông ấy chỉ nói có vậy.”

“Gần hai tuần sau, Ahmed đang ngồi trước ti vi xem chương trình Theo dõi tội phạm ở Mumbai. Tớ đang thái rau trong bếp nhưng vẫn có thể nghe rõ tiếng người dẫn chương trình. ‘... Về một vụ việc khủng khiếp khác xảy ra ở Malad, cảnh sát đang tìm kiếm đầu mối của vụ giết hại một doanh nhân danh tiếng tên là Vithalbhai Ghorpade, người được phát hiện đã bị giết chết tại nhà riêng ở đường Marve.’ Cái tên đó làm tớ giật mình. Tớ nhìn lên màn hình ti vi và suýt cắt phải ngón tay vì trên màn hình hiện lên bức ảnh y hệt bức ảnh trong chiếc phong bì màu vàng. Người dẫn chương trình tiếp tục, ‘Ông Ghorpade, năm mươi sáu tuổi, đã bị bắn chết ở tầm bắn thẳng trong khi đang ở nhà một mình. Ông ta còn vợ và một cậu con trai. Theo cảnh sát Malad, động cơ chính của vụ án có vẻ là giết người cướp của vì căn nhà bị lục lọi và nhiều tài sản có giá trị đã biến mất.’ ”

“Tớ thấy Ahmed cười thành tiếng khi nghe bản tin. Điều này cũng làm tớ ngạc nhiên. Tại sao Ahmed lại cười trước cái chết của đối tác làm ăn?”

“Một tháng sau, lại có một chiếc phong bì màu vàng khác. Ahmed đi vắng và tớ không tài nào cưỡng nổi mà không ngó xem bên trong phong bì có gì. Lần này tớ hơ hơi nước mở phong bì sao cho không để lại dấu vết. Tớ mở nắp phong bì và rút ra một bức ảnh màu khác. Bức này chụp chân dung một thanh niên có bộ ria mép rậm và một vết sẹo kéo dài từ mắt trái tới gốc mũ 42d5 i. Mảnh giấy được đánh máy có nội dung như sau:

Tèn:        Jameel Kidwai.

Tuọi:           28.

Íìa ch: 35 Chung cô Shilajit,

                    Colaba.

 

Tớ ghi nhớ cái tên đó và trả tấm ảnh vào phong bì.”

“Tối hôm ấy Ahmed về nhà và nhìn chiếc phong bì. Có một cú điện thoại, giống như lần trước, và ông ta xác nhận mình đã nhận được phong bì. Đúng một tuần sau, tớ nghe tin tức trong chương trình Theo dõi tội phạm, biết rằng một luật sư trẻ tên là Jameel Kidwai đã bị bắn chết trong khi đang bước ra khỏi xe riêng ở gần nhà của anh tại khu chung cư Shilajit. Phát thanh viên nói, ‘Cảnh sát nghi ngờ động cơ của vụ giết người này có liên quan đến các băng đảng xã hội đen vì Kidwai đã đại diện cho một số ông trùm mafia tại tòa án. Vụ án đã được tiến hành điều tra nhưng hiện vẫn chưa có manh mối nào.’ Ahmed, ngồi đó với ly whisky trên tay, cười hỉ hả khi nghe tin này.”

“Lúc bấy giờ tớ thực sự lo lắng. Tại sao Ahmed lại nhận được ảnh của những người đó qua thư? Tại sao chẳng bao lâu sau những người đó lại chết? Đây vẫn còn là bí ẩn đối với tớ. Vậy nên, ba tuần sau, khi chiếc phong bì màu vàng tiếp theo được chuyển tới, tớ không chỉ xem bức ảnh, chụp chân dung một ông già, mà còn ghi lại địa chỉ. Đó là một ngôi nhà nằm trên đường Premier ở Kurla. Ngày hôm sau tớ bám theo Ahmed. Ông ta bắt tàu đến Kurla rồi đi bộ tới đường Premier. Nhưng ông ta không vào ngôi nhà đó. Ông ta chỉ lượn qua lượn lại ba hoặc bốn lần giống như để kiểm tra. Hai tuần sau, chương trình Theo dõi tội phạm đưa tin ông già đó được phát hiện đã bị giết tại nhà riêng trên đường Premier ở Kurla.”

“Tớ không phải thằng ngốc. Ngay lúc đó tớ biết Ahmed đã giết người đàn ông ấy và tớ đang sống với một kẻ giết người thuê. Nhưng tớ không biết phải làm gì. Ahmed đã cứu mạng tớ một lần và tớ thậm chí không thể nghĩ tới việc nộp ông ta cho cảnh sát. Trong thời gian đó, Abbas Rizvi gọi điện và chính thức mời tớ đóng một vai phụ trong bộ phim tiếp theo của ông ấy. Khi nhận được tin đó, tớ chạy một mạch tới đền thờ Haji Ali. Tớ cúi đầu chạm trán vào tấm vải phủ ngôi mộ và cầu cho Razvi sống thật lâu.”

“Trong hai tháng tiếp theo tớ sống một cuộc đời hai mặt không thoải mái chút nào. Nếu Ahmed là một kẻ giết người thuê giả dạng doanh nhân thì tớ là một diễn viên giả dạng người hầu. Ahmed có quyền giết người nhưng tớ biết rằng một ngày nào đó chính ông ta sẽ bị giết. Tớ chỉ hy vọng mình sẽ không bị kẹt giữa hai làn đạn. Và rồi mọi chuyện vỡ lở.”

“Chuyện gì đã xảy ra?”

“Chuyện xảy ra bốn tháng trước - chính xác là vào ngày hai mươi tháng Ba. Tớ nhớ rất rõ vì đó là hôm đội Ấn Độ thi đấu trận chót với đội Australia và Ahmed vừa đặt một mẻ cược khác. Ông ta từng đặt cược cho mọi thứ: không chỉ cho đội thắng mà còn tam trụ môn đầu tiên đổ, cầu thủ giao bóng chiếm được tam trụ môn đầu tiên, người chiến thắng trong trò sấp ngửa và còn cả liệu trong thời gian thi đấu trời có mưa hay không. Đôi khi ông ta cược cho gần như mọi trái bóng trong trận đấu - liệu nó là lượt ném bóng ghi được bốn, sáu hay không được điểm chạy nào. Sáng hôm đó Ahmed nói với nhà cái, ‘Sharad bhai, mã 3563 đây. Ông nghĩ đường pitch sẽ thế nào? Hôm qua thì phẳng, nhưng từ hôm nay bóng sẽ bắt đầu xoáy chứ? Dự báo thời tiết hôm nay trời đẹp đấy, nhưng ông có nghĩ có thể sẽ mưa không?’ Rồi ông ta đặt cược. ‘Hãy cược cho tôi hôm nay Sachin Malvankar sẽ lần thứ ba mươi bảy ghi được một trăm điểm trong một trận đấu. Tỷ lệ cược thế nào?’ Nhà cái nói, ‘Anh ta đã ghi được bảy mươi tám điểm rồi và mọi người đều cảm thấy anh ta chắc chắn sẽ ghi được một trăm điểm, thế nên kèo không hứa hẹn lắm đâu. Mức tốt nhất tôi có thể đưa ra là mười ba ăn mười.’ ‘OK,’ Ahmed nói, ‘vậy thì cược cho tôi một trăm nghìn. Như vậy thì chí ít tôi cũng sẽ lời được ba mươi nghìn.’ ”

“Cả chiều hôm đó Ahmed ngồi trước ti vi xem Malvankar chơi, huýt sáo ầm ĩ cổ vũ cho mỗi lượt chạy của anh ta. Khi Malvankar tiến dần tới thành tích một trăm điểm, Ahmed càng lúc càng thêm phấn khích. Đến lúc Malvankar bước vào loạt điểm chín mươi, Ahmed lo lắng đến phát điên, cắn cắn móng tay, cầu nguyện trước mỗi lượt ném bóng, co rúm người lại mỗi khi Malvankar đón trượt bóng. Nhưng Malvankar chơi như một vận động viên bậc thầy. Anh ta tiến từ mốc chín mươi mốt tới chín mươi lăm với một quả bạt thẳng tuyệt đẹp ghi được bốn điểm liền. Sau đó anh ta giành được một điểm nữa, tiến tới mốc chín mươi sáu. Thêm một điểm nữa. Chín mươi bảy. Rồi Gillespie phát một đường bóng ngắn và Malvankar oai vệ gạt nó ra vòng biên. Hayden chạy theo bóng cố ngăn không cho nó ra ngoài dây chắn. Malvankar và đồng đội Ajay Mishra chạy nhanh giữa các trụ môn. Họ ghi thêm một điểm nữa. Chín mươi tám. Rồi họ lao nhanh để giành một điểm nữa. Chín mươi chín. Hayden bắt được bóng khi nó chỉ cách đường biên có vài phân rồi ném một cú bóng xoáy, không phải về phía người giữ tam trụ môn Adam Gilchrist mà lại tới chỗ cầu thủ giao bóng. Malvankar nhìn thấy trái bóng đó bay tới liền hét ‘Khôông!’ với Mishra, người đang lao về phía anh để chạy lượt ba. Nhưng anh chàng Mishra đần độn đó vẫn tiếp tục chạy dọc đường pitch về phía Malvankar. Thất vọng, Malvankar buộc phải bắt đầu thực hiện lượt chạy thứ ba. Anh sắp chạy tới chỗ cầu thủ giao bóng thì trái bóng Hayden ném đã rơi thẳng vào trụ môn! Malvankar bị chặn đứng khi chỉ còn cách vạch vôi sáu inch và trọng tài thứ ba tuyên bố anh bị loại. Khi đã ghi được chín mươi chín điểm.”

“Cậu có thể tưởng tượng được điều gì đã xảy ra với Ahmed. Ông ta đã đặt một trăm nghìn vào lần thứ ba mươi bảy Malvankar ghi được một trăm điểm và giờ ông ta mất tất cả chỉ vì một điểm. Ông ta nguyền rủa Gillespie, ông ta nguyền rủa Hayden, và trên hết, ông ta nguyền rủa Mishra. ‘Tao muốn giết chết thằng khốn đó,’ ông ta gầm lên rồi lao ra khỏi nhà. Có lẽ ông ta tới quán bar để tiêu sầu.”

“Cũng trong chiều hôm ấy, một chiếc phong bì màu vàng nữa được gửi đến. Tớ đã lo trong đó là ảnh một cầu thủ cricket nào đó của đội Ấn Độ, nhưng khi nhìn thấy những gì ở trong phong bì tớ gần như chết hẳn.”

“Tại sao? Trong đó có gì? Mau nói cho tớ biết đi.”

“Trong phong bì đó có một bức ảnh màu sáu nhân tám của Abbas Rizvi, nhà sản xuất phim, và một mảnh giấy đánh máy có địa chỉ của ông ấy. Tớ biết ông ấy sẽ là nạn nhân tiếp theo của Ahmed, và biết rằng cùng với cái chết của ông ấy, giấc mơ trở thành diễn viên của tớ cũng chết theo. Tớ phải cảnh báo Rizvi. Nhưng nếu phát hiện ra, Ahmed sẽ giết tớ không chút băn khoăn. Suy cho cùng, ông ta là kẻ giết thuê chuyên nghiệp có quyền giết người.”

“Vậy cậu đã làm gì?” tôi hỏi, thở không ra hơi.

“Tớ đã làm những gì tớ phải làm. Tớ lập tức đến gặp Rizvi và nói cho ông ấy biết về vụ thuê giết ông ấy. Ông ấy không tin tớ, vậy nên tớ cho ông ấy xem bức ảnh và mảnh giấy được chuyển tới qua đường bưu điện. Khi nhìn thấy bức ảnh trong tay, mọi nghi ngờ của ông ấy tan biến hết. Ông ấy nói với tớ rằng ông ấy sẽ chạy sang Dubai và tạm lánh ở đó khoảng một năm. Ông ấy mang ơn tớ nhiều lắm, và ông ấy hứa khi nào quay lại sẽ cho tớ đóng vai chính trong bộ phim tiếp theo của ông ấy, còn từ giờ cho tới khi đó ông ấy sẽ chu cấp cho tớ đi học. Thế nên đó là lý do ông ấy tài trợ cho khóa học diễn xuất của tớ và lý do tớ đếm từng ngày cho tới khi tớ bước sang tuổi mười tám.”

“Trời ơi, đúng là một câu chuyện lạ lùng, Salim ạ,” tôi nói và bật ra tiếng thở sâu. “Nhưng cậu không bị Ahmed phát hiện vì đã mang chiếc phong bì đó đến cho Razvi chứ? Tối hôm đó chắc hẳn ông ta sẽ nhận được điện thoại và sẽ biết chiếc phong bì đã bị mất.”

“Không, tớ không để mình bị lộ, vì tối hôm đó khi Ahmed về nhà ông ta đã thấy chiếc phong bì để trên bàn ăn.”

“Nhưng... vậy thì Ahmed đáng lẽ đã giết Rizvi rồi chứ.”

“Không, bởi cái phong bì đó chứa một bức ảnh mới và một địa chỉ mới mà tớ đã thuê đánh máy ở một cửa hàng đánh máy gần đó.”

“Thông minh thật. Cậu muốn nói cậu đã đưa một địa chỉ không có thực ư? Nhưng làm sao cậu có thể đưa ra một bức ảnh không có thực cơ chứ?”

“Tớ không thể. Vậy nên tớ không làm thế. Tớ cung cấp cho Ahmed một bức ảnh thật và địa chỉ thật, và quả thực ông ta đã thực hiện vụ giết người đó. Nhưng trước khi ông ta có thể phát hiện ra mình giết nhầm người, tớ bảo với ông ta tớ phải đi Bihar gấp và không làm việc cho ông ta nữa. Tớ trốn ở chỗ này chỗ nọ, không bén mảng đến Byculla, thậm chí còn không đến đền thờ Haji Ali ở ngay phố đối diện nữa. Và rồi tuần trước tớ xem chương trình Theo dõi tội phạm và biết cảnh sát đã bắn chết một kẻ giết thuê khét tiếng tên là Ahmed Khan trong một cuộc đọ súng gần ga Churchgate. Vậy nên hôm nay tớ đến đền thờ Haji Ali để tạ ơn thánh Allah, và lạ không chứ, vừa ra khỏi đó tớ đã gặp được cậu chứ không phải ai khác!”

“Đúng, đây quả là một sự tình cờ đáng ngạc nhiên. Nhưng tớ chỉ hỏi thêm một câu nữa thôi. Cậu đã đưa ảnh và địa chỉ của ai cho Ahmed?”

“Kẻ duy nhất đáng bị như vậy. Tớ đã đưa cho ông ta một bức ảnh màu sáu nhân tám của ông Buba Pilla, và địa chỉ của Maman!!”

Smita vỗ tay. “Tuyệt! Tôi đã biết cậu là một người thông minh nhưng tôi không biết Salim cũng là một thiên tài. Cậu ấy có quyền giết người qua sự ủy nhiệm, và cậu ấy đã chọn một mục tiêu hoàn hảo. Vậy sau đó chuyện gì đã xảy ra? Cậu có nói cho Salim biết việc cậu tham gia chương trình trò chơi truyền hình không?”

“Không. Tôi không tiết lộ lý do tôi đến Mumbai. Tôi chỉ nói rằng tôi ở Delhi, làm người giúp việc, và đang thăm thú thành phố này vài ngày.”

“Vậy Salim không hề hay biết về sự xuất hiện của cậu trong chương trình ALTP ư?”

“Không. Tôi định thông báo cho cậu ấy, nhưng tôi chưa kịp làm việc đó thì đã bị cảnh sát bắt.”

“Tôi hiểu. Giờ thì hãy xem cuộc hội ngộ bất ngờ với Salim đã giúp gì cho vận may của cậu trong trò chơi đó.”

Trong trường quay, các ngọn đèn lại mờ dần.

Prem Kumar hướng vào máy quay. “Giờ chúng ta hãy chuyển sang câu hỏi số chín với mức thưởng một triệu rupi.” Anh ta quay sang tôi. “Anh sẵn sàng chưa?”

“Sẵn sàng,” tôi đáp.

“OK. Đây là câu hỏi số chín. Một câu hỏi thuộc lĩnh vực thể thao. Hãy cho tôi biết, anh Thomas, anh chơi môn thể thao nào?”

“Không môn nào cả.”

“Không ư? Vậy làm thế nào mà anh rắn chắc như vậy được? Nhìn tôi đây này, tôi càng ngày càng bệu ra mặc dầu sáng nào cũng tập thể dục.”

“Nếu ông phải làm việc như một bồi bàn và ngày nào cũng phải đi lại ba mươi cây số thì ông cũng sẽ có thân hình rắn chắc,” tôi đáp.

Khán giả cười khúc khích. Prem Kumar cau có.

“OK, đây là câu hỏi số chín, về môn cricket. Cầu thủ cricket nổi tiếng nhất của Ấn Độ Sachin Malvankar đã bao nhiêu lần đạt được một trăm điểm trong một trận đấu đối kháng? Các sự lựa chọn của anh là a) 34, b) 35, c) 36 hay d) 37?”

Nhạc nổi lên.

“Tôi có thể hỏi một câu được không?”

“Có chứ, chắc chắn rồi.”

“Từ sau loạt trận với đội Australia, đội Ấn Độ có chơi với đội của nước nào không?”

“Không, theo tôi biết thì không.”

“Vậy thì tôi biết câu trả lời. Đó là C. 36.”

“Đó là câu trả lời cuối cùng của anh? Hãy nhớ rằng có một triệu rupi gắn liền câu trả lời của anh đấy.”

“Vâng, đó là C. 36.”

“Anh hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm chứ?”

“Vâng.”

Tiếng trống dồn nổi lên. Câu trả lời đúng nhấp nháy.

“Chính xác một trăm phần trăm! Sachin Malvankar đúng là đã ba mươi sáu lần ghi được một trăm điểm trong một trận đấu đối kháng. Anh vừa giành được một triệu rupi! Thưa các quý bà quý ông, giờ chúng ta sẽ dành ít phút cho quảng cáo.”

“Cắt!” tôi nói. 

Hết chương 10. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27934


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận