Triệu Phú Ổ Chuột Chương 11


Chương 11
Nữ hoàng phim bi kịch.

Một bộ phim gia đình trộn lẫn giữa hài và hành động, rồi cuối cùng kết thúc trong bi kịch. Đây chính là cách tôi miêu tả quãng thời gian tôi sống cùng Neelima Kumari theo ngôn ngữ điện ảnh. Cô ấy là một nữ diễn viên. Và tôi làm việc trong ba năm tại căn hộ của cô ấy ở Juhu Vile Parle.

Mọi chuyện bắt đầu vào chính cái đêm Salim và tôi trốn khỏi nanh vuốt của Maman và đồng bọn của ông ta. Chúng tôi bắt chuyến tàu hỏa địa phương tới Juhu. Chúng tôi đi bộ đến căn hộ của Neelima Kumari, nhấn chuông cửa và đợi.

Một lúc lâu sau cánh cửa bật mở. “Ai đó?” Một quý bà đứng trước mặt chúng tôi. Radhey, cái cậu què ấy, đã nói đúng. Cô ấy cao ráo và xinh đẹp, trông giống y hệt một nhân vật nữ chính, chỉ có điều già hơn. Salim quỳ sụp xuống chân cô ấy. “Này.” Cô ấy vội lùi lại. “Hai cậu là ai? Khuya thế này các cậu làm gì ở đây?”

“Chúng cháu là bạn của Radhey,” tôi chắp hai tay lại, đáp. “Cậu ấy nói với chúng cháu rằng cô đang cần một người giúp việc. Chúng cháu đến xin làm việc cho cô. Chúng cháu biết cô là một quý cô rất tốt bụng. Chúng cháu rất cần thức ăn và nơi ở và chúng cháu hứa sẽ làm bất cứ việc gì cô sai bảo.”

“Đúng, tôi cần một người giúp việc nhưng tôi không thể thuê một người còn quá trẻ như thế này.”

“Thưa cô, chúng cháu chỉ nhìn có vẻ ít tuổi thôi. Chúng cháu có thể làm công việc của bốn người đấy. Cháu còn biết nói tiếng Anh nữa. Cô cứ thử chúng cháu đi ạ.”

“Nhưng tôi không cần hai người giúp việc. Tôi chỉ nhận được một người thôi.”

Salim và tôi nhìn nhau. “Vậy thì chí ít cô hãy chọn một trong hai đứa cháu đi ạ,” tôi nói.

“Tên cậu là gì?” cô ấy hỏi Salim.

“Salim.”

“Ồ, cậu là người đạo Hồi, đúng không?”

Salim gật đầu.

“Xem nào, tôi rất tiếc, nhưng người mẹ già đang sống cùng tôi không thể ăn bất cứ thứ gì đã bị một người theo đạo Hồi đụng vào. Riêng tôi thì tôi không tin vào cái chuyện tiếp xúc gây ô nhiễm vớ vẩn đó, nhưng tôi biết làm gì chứ?” Cô ấy nhún vai. Salim trông ỉu xìu.

Rồi cô ấy quay sang tôi. “Thế còn cậu thì sao? Tên cậu là gì?”

“Ram ạ,” tôi nói với cô ấy.

Vậy là tôi nhận được việc làm đó, và chỉ khi ấy tôi mới phát hiện ra rằng sống cùng một ngôi sao điện ảnh không hấp dẫn như người ngoài thường nghĩ. Khi nhìn thấy họ trong tình trạng không hóa trang bạn sẽ thấy họ cũng giống y như bạn và tôi mà thôi, cũng với những mối lo lắng và sự thiếu tự tin y hệt. Khác biệt duy nhất là chúng ta chủ yếu bận tâm về chuyện tiền nong, hoặc vì thiếu tiền, còn họ thì chủ yếu bận tâm về danh tiếng của mình. Hoặc vì thiếu danh tiếng.

Họ sống như cá trong bình. Ban đầu họ ghét cái bình, rồi khi sự nịnh hót tăng lên, họ bắt đầu yêu nó. Và khi mọi người không còn dồn sự chú ý vào họ nữa, họ đơn giản teo đi rồi chết.

Căn hộ của Neelima Kumari rộng rãi và hiện đại, được bài trí trang nhã bằng tranh và những tấm thảm phủ kín sàn đắt giá. Căn hộ có năm phòng ngủ. Phòng ngủ chính rộng có buồng tắm là phòng Neelima, phòng mẹ cô là phòng rộng thứ nhì. Theo như tôi biết, Neelima không có người thân nào khác.

Phòng Neelima là phòng đẹp nhất trong căn hộ. Nó có một cái giường ngủ khổng lồ trải khăn nhung được kê ở chính giữa phòng. Tường phòng được ốp kính nên bạn có thể thấy hình ảnh của chính mình được phản chiếu qua cả nghìn tấm gương nhỏ xíu. Có một cái bàn trang điểm chất đầy nước hoa và những chai mỹ phẩm. Cạnh bàn phấn là chiếc ti vi Sony 29 inch, một đầu VCR và một đầu VCD đời mới nhất. Một bộ đèn chùm đắt tiền treo trên trần. Một máy điều hòa nhiệt độ êm như ru giữ cho căn phòng mát mẻ đến thú vị. Những ngăn kệ bằng kính kê sát tường chất đầy cúp và giải thưởng đủ loại. Có một cái kệ bằng kính khác chất đầy tạp chí điện ảnh cũ. Tất cả những cuốn tạp chí đó đều có ảnh Neelima Kumari trên trang bìa. Nhìn tất cả những thứ đó tôi cảm thấy mình thật vinh dự được làm việc trong căn hộ của cô. Ở thời hoàng kim, cô chắc hẳn phải là nữ diễn viên nổi tiếng nhất Ấn Độ.

Mẹ Neelima là một người thật sự khó ưa. Mặc dầu đã gần tám mươi, bà ấy có sinh lực của một người bốn mươi tuổi và lúc nào cũng theo sát tôi. Tôi là người giúp việc duy nhất làm việc trọn thời gian ở nhà đó. Có một phụ nữ Bà la môn người Maharashtria đến nấu bữa tối và rửa bát đĩa, còn một người hầu gái làm việc bán thời gian đảm đương việc giặt giũ. Tôi làm tất cả những việc khác. Tôi lau bụi và quét dọn, tôi là quần áo và chuẩn bị bữa trà tối, tôi làm những việc vặt ở bên ngoài, mua báo và thanh toán tất cả hóa đơn sinh hoạt. Nhưng mẹ của Neelima chẳng bao giờ hài lòng cho dù tôi kính cẩn gọi bà ấy là “Maaji”. “Ram, cậu chưa mang sữa cho tôi,” bà ấy nói. “Ram, cậu chưa là khăn trải giường của tôi... Ram, cậu chưa lau sạch bụi trong phòng này... Ram, cậu lại lãng phí thời gian rồi đấy... Ram, cậu chưa đun nóng trà cho tôi.” Đôi khi tôi bực mình trước sự xoi mói liên tục của bà ấy đến nỗi chỉ muốn băng miệng bà ấy lại.

Mặc dầu Neelima nhiều lúc cũng hay châm biếm, nhưng cô không khắt khe lắm. Cô muốn tôi trở thành người giúp việc sống luôn tại đó. Trong căn hộ ấy có thừa phòng trống mà tôi có thể ở, nhưng mẹ cô không cho phép “đàn ông” sống trong nhà. Vậy nên tôi bị đẩy đến một khu chawl ở Ghatkopar và hàng ngày phải đi từ đó đến căn hộ của cô. Cô trả tiền thuê phòng cho tôi ở khu chawl. Ở một góc độ nào đó, việc ấy cũng tiện cho tôi, bởi vì Salim có thể sống cùng phòng với tôi.

Tôi đi mua sắm với Neelima. Cô không có xe hơi nên chúng tôi bắt taxi. Tôi không thích đi ra ngoài cùng cô. Cô chỉ mua mỹ phẩm hoặc quần áo và tôi phải xách những chiếc túi nặng trình trịch của cô. Cô chẳng bao giờ tới McDonald hay Pizza Hut. Và cô chẳng, chẳng bao giờ, mua cho tôi thứ gì.

Hôm nay chúng tôi đang ở khu Cuff Parade, trong một cửa hiệu bán sari đắt tiền. Trong hơn hai tiếng đồng hồ chúng tôi đã xem hàng trăm tấm sari, rồi cô mua ba tấm với giá năm mươi nghìn rupi, gần bằng tiền công hai năm của tôi. Khi chúng tôi bước ra khỏi phòng trưng bày có điều hòa nhiệt độ, một nhóm nữ sinh mặc đồng phục đi tới chỗ cô ấy. Họ trông rất phấn khích.

“Xin lỗi, có phải cô là nữ diễn viên Neelima Kumari không ạ?” một người trong nhóm hỏi.

“Phải,” Neelima nói, trông có vẻ khá vui.

“Thấy chưa,” cô gái đó kêu lên với các bạn của mình. “Tớ đã nói với các cậu rằng cô ấy là Neelima mà.” Rồi cô nữ sinh lại quay sang chúng tôi. “Neelimaji, chúng cháu là những fan cuồng nhiệt của cô. Gặp được cô giống như một giấc mơ trở thành hiện thực vậy. Chúng cháu không mang theo sổ lưu chữ ký, nhưng xin cô vui lòng ký tên lên vở bài tập của chúng cháu được không ạ?”

“Tất nhiên, rất sẵn lòng,” Neelima nói và lấy bút từ trong ví xách tay. Từng người từng người một, các cô gái đưa tập vở của mình ra, trông có vẻ hết sức hài lòng. Neelima hỏi tên từng cô rồi nguệch ngoạc viết, “Tặng Ritu với lòng yêu mến. Neelima.” “Tặng Indu với lòng yêu mến. Neelima.” “Tặng Malti với lòng yêu mến. Neelima.” “Tặng Roshni với lòng yêu mến. Neelima.” Các cô gái đọc những chữ đề tặng và kêu ré lên vì vui sướng.

Neelima rõ ràng sôi nổi hẳn lên trước sự nịnh hót này. Đây là lần đầu tiên tôi thấy có người nhận ra cô và tôi ngạc nhiên trước tác động của điều đó đối với cô. Đột nhiên cô nhìn tôi bằng ánh mắt quan tâm trong khi tôi xách cái túi mua hàng nặng trĩu, mồ hôi mồ kê nhễ nhại dưới cái nóng. “Ram, chắc giờ cậu cảm thấy đói rồi. Đi nào, đi ăn kem thôi,” cô nói. Tôi kêu ré lên vì vui sướng.

Thỉnh thoảng Neelima nói cho tôi biết về nghệ thuật làm phim. Cô ấy nói với tôi về các kỹ thuật viên tham gia dựng một bộ phim. “Người ta cứ tưởng một bộ phim được dựng chỉ nhờ các diễn viên và đạo diễn. Họ không biết đến hàng nghìn người ở hậu trường mà nếu không có sự nỗ lực của những người đó thì bộ phim sẽ chẳng bao giờ hoàn thành nổi. Chỉ sau khi các kỹ thuật viên đã hoàn thành phần việc của mình, đạo diễn mới có thể búng ngón tay mà nói với các diễn viên, ‘Ánh sáng, máy quay, diễn!’ ” Cô nói cho tôi biết về những người chuẩn bị sân khấu, trang phục, ánh sáng và phụ trách trang điểm, những người đóng thế và những người giúp việc vặt cho diễn viên.

Sau đó cô dạy cho tôi biết về các thể loại. “Tôi ghét những bộ phim sản xuất thời nay, trong đó người ta cố nhồi nhét hết mọi thứ - bi, hài, hành động, kịch mê lô. Không. Một bộ phim hay phải trung thành với thể loại của nó. Ngày trước tôi luôn chọn lựa cẩn thận những bộ phim mình sẽ tham gia, sau khi đã hiểu đầy đủ ý nghĩa của câu chuyện và nó đòi hỏi gì ở tôi. Cậu sẽ không bao giờ bắt gặp tôi đang hát hò nhảy múa trong một cảnh rồi sau hai cuộn phim lại đang hấp hối. Không đâu, Ram. Một nhân vật phải nhất quán. Giống như một họa sĩ lớn được nhận ra qua phong cách có một không hai, một diễn viên sẽ được biết đến nhờ sự hợp vai độc nhất vô nhị của mình. Một thể loại của riêng mình. Một nghệ sĩ lớn không phải là người chỉ đơn thuần phù hợp với một thể loại phim mà là người định nghĩa cho thể loại đó. Cậu đã đọc bài phê bình bộ phim mới Mối quan hệ của trái tim trên tờ Thời báo Ấn Độ chưa? Nhà phê bình viết rằng nữ diễn viên Pooja đã làm hỏng hoàn toàn cảnh chết. ‘Tôi ước gì Neelima Kumari thủ vai trong bộ phim này để đối xử công bằng với nhân vật. Các nữ diễn viên trẻ ngày nay nên học thủ thuật diễn xuất từ những huyền thoại như cô.’ Tôi thực sự sung sướng khi đọc lời bình đó. Được nêu ra như một tấm gương, như ví dụ mẫu mực về một thể loại, là sự ca tụng tột bậc mà một diễn viên có thể nhận được. Tôi sẽ cho đóng khung bài phê bình đó.”

“Vậy phong cách độc nhất vô nhị của cô là gì?”

Cô mỉm cười. “Tôi biết cậu còn quá nhỏ nên không biết Neelima Kumari được mệnh danh là Nữ hoàng Phim Bi kịch của Ấn Độ. Vào đây, tôi sẽ cho cậu xem cái này.”

Cô dẫn tôi vào phòng ngủ và mở một cái tủ bằng kim loại. Mắt tôi gần như rơi ra khỏi tròng vì cái tủ đó chứa đầy những cuốn băng video. “Cậu có biết tất cả những cuốn băng này là những bộ phim tôi đã tham gia diễn xuất không?”

“Thật ư? Vậy ở đây có bao nhiêu cuốn băng ạ?”

“Một trăm mười bốn. Đó là số phim tôi đã đóng trong suốt hai mươi năm sự nghiệp của mình.” Cô chỉ vào hàng thứ nhất. “Đây là những bộ phim đầu tiên của tôi. Phần lớn là những bộ phim hài vui nhộn. Tôi chắc cậu biết phim hài là gì, đúng không?”

Tôi sốt sắng gật đầu. “Biết ạ. Giống như những bộ phim có Govinda đóng.”

Neelima chỉ vào hàng thứ hai. “Đây là những bộ phim thuộc giai đoạn giữa sự nghiệp của tôi. Hầu hết là phim gia đình. Nhưng tôi cũng tham gia trong bộ phim hồi hộp ly kỳ nổi tiếng Tên của kẻ giết người và bộ phim kinh dị kinh điển Ba mươi năm sau.”

Cuối cùng cô chỉ vào bốn hàng còn lại. “Và tất cả những băng này là phim bi kịch. Cậu có thấy hàng trăm giải thưởng và cúp mà tôi đã đoạt được trong những năm ấy không? Hầu hết những giải thưởng đó được trao cho những bộ phim thuộc thể loại này. Đây là bộ phim ưa thích nhất của tôi.” Cô gõ nhẹ lên một cuốn băng. Tôi đọc nhãn của nó. Trên đó ghi Mumtaz Mahal. “Đây là bộ phim mà trong đó tôi đã đóng một vai diễn để đời, vai người vợ Mumtaz Mahal của Hoàng đế Shahjahan. Thậm chí tôi còn nhận được giải thưởng quốc gia cho diễn xuất của mình. Cậu nhìn thấy chiếc cúp ở chính giữa không? Tôi đã nhận nó từ tay thủ tướng Ấn Độ đấy.”

“Vậy, thưa cô, đó là vai lớn nhất cô từng đóng phải không ạ?”

Cô thở dài. “Đó là một vai hay, không nghi ngờ gì, chứa đựng rất nhiều cảm xúc, nhưng tôi cảm thấy mình vẫn chưa có được vai diễn lớn nhất trong đời.”

Mẹ của Neelima không được khỏe. Bà ấy ho và kêu rên rất nhiều. Thói phàn nàn chê bai của bà ấy trở nên không thể nào chịu đựng nổi. Bà ấy luôn miệng ca cẩm về điều kiện sức khỏe của mình và ngay cả Neelima bà ấy cũng không tha, liên tục nhắc nhở cô về các bổn phận đối với người đã mang cô đến với thế giới này. Tôi nghĩ Neelima đã bắt đầu khó chịu. Ngoài các việc lặt vặt khác của mình, giờ tôi phải dành nửa ngày đi mua thuốc cho Maaji, rồi sau đó phải đảm bảo bà ấy uống đúng giờ đủ các loại thuốc viên nén, viên con nhộng và thuốc nước.

Không khí trong căn hộ náo nhiệt hẳn lên. Tối nay kênh truyền hình quốc gia Doordarshan sẽ phát sóng bộ phim của Neelima mang tên Người vợ cuối cùng. Đây là một trong những phim bi kịch nổi tiếng của cô và cô muốn tất cả chúng tôi cùng xem với cô ở phòng khách. Tám giờ tối chúng tôi tập trung trước màn hình ti vi. Người đầu bếp, cô hầu gái và tôi ngồi trên thảm còn Maaji ngồi tựa đầu trên sofa cạnh Neelima. Bộ phim bắt đầu. Tôi không thực sự thích phim này. Nó nói về một gia đình trung lưu nghèo đang phải đương đầu với rất nhiều vấn đề. Trong phim tràn ngập tiếng khóc lóc và than vãn. Lại thêm cơ man là tiếng rên rỉ làm nền của Maaji. Bộ phim phơi bày cuộc sống một cách quá trần trụi. Tôi thấy thật nực cười khi sản xuất ra một bộ phim như thế. Xem phim làm quái gì nếu như bạn có thể thấy người thực việc thực từ nhà hàng xóm ở ngay bên kia đường? Mặc dầu vậy, Neelima trong phim trông rất trẻ trung xinh đẹp và diễn xuất thực sự hay. Quả là một cảm giác kỳ lạ khi xem một bộ phim và được thấy diễn viên chính của nó ngồi ngay sau bạn. Tôi không biết cô cảm thấy như thế nào khi cô nhìn thấy chính mình trên màn ảnh. Liệu cô có nhớ đến những người phụ việc, nghệ sĩ hóa trang, kỹ thuật viên ánh sáng, những người ghi âm làm việc phía sau sân khấu không?

Trong phim Neelima chết sau khi thực hiện một bài diễn thuyết vô cùng xúc động. Bộ phim kết thúc ngay sau khi cô chết. Chúng tôi đứng dậy duỗi chân duỗi tay. Khi đó tôi nhận thấy Neelima đang khóc. “Thưa cô,” tôi lo lắng hỏi, “có chuyện gì vậy ạ? Sao cô khóc?”

“Không sao đâu, Ram. Tôi chỉ thấy thương cho nhân vật trong phim thôi. Thấy chưa, giờ tôi cười đây này.”

“Làm thế nào mà các diễn viên như cô mới phút trước còn cười phút sau đã khóc ngay được ạ?”

“Đó là phẩm chất của một nghệ sĩ lớn. Cậu có biết tại sao người ta gọi tôi là Nữ hoàng Phim Bi kịch không?”

“Tại sao, thưa cô?”

“Bởi vì trong phim tôi đóng, chưa bao giờ tôi phải sử dụng glycerine để làm mình chảy nước mắt. Tôi có thể rơi nước mắt tùy ý.”

“Như vậy thì có gì ghê gớm chứ? Tôi cũng chẳng bao giờ cần glycerine để làm mình chảy nước mắt,” tôi nói với cô hầu gái khi Neelima đã ở ngoài tầm nghe.

Càng nhìn Neelima, tôi càng hiểu tại sao cô lại được gọi là Nữ hoàng Phim Bi kịch. Có một vẻ u sầu thầm kín vây quanh cô. Thậm chí trong nụ cười của cô tôi cũng dò ra dấu hiệu của nỗi buồn. Tôi tò mò về quá khứ của cô, tự hỏi tại sao cô chưa bao giờ kết hôn. Cô dường như không có bạn bè đích thực. Nhưng thi thoảng cô ra khỏi nhà và đến khuya mới trở về. Tôi tự hỏi không biết cô gặp gỡ ai. Tôi không cho rằng đó là bạn trai hoặc một người tình bởi vì cô chưa bao giờ trở về với vẻ mặt rạng rỡ. Cô luôn về nhà với bộ dạng phờ phạc và chán nản rồi đi thẳng về phòng ngủ. Đây là một bí ẩn mà tôi muốn khám phá tận gốc rễ.

Tôi cũng tò mò về nỗi ám ảnh của cô đối với sắc đẹp. Sắc đẹp hình thể. Cô là người xinh đẹp, vậy mà vẫn dành hàng giờ để trang điểm và chải chuốt trước gương. Bàn trang điểm của cô la liệt các lọ kem. Một hôm tôi thử đọc các nhãn mác của chúng. Có những lọ kem chống nếp nhăn, kem làm tan mỡ thừa, mỹ phẩm chống lão hóa. Có kem làm sáng da, kem chống lão hóa chứa hydrat, kem dưỡng da ban đêm và các loại gel làm săn da. Phòng tắm của cô đầy chật những loại dầu tắm và xà bông có mùi rất lạ, những cái mặt nạ được cho là giúp bạn trông trẻ trung. Trong tủ thuốc, thuốc của cô ấy nhiều chẳng kém gì thuốc cho Maaji. Có những loại hoóc môn tăng trưởng và kem làm cho ngực săn chắc, dược phẩm chứa melatonin và các loại dược phẩm chống ô xy hóa.

Cuối cùng, một hôm tôi nói với cô, “Thưa cô, nếu không phiền cô có thể cho cháu hỏi, tại sao cô cần nhiều đồ trang điểm thế này ạ? Giờ cô có đi diễn nữa đâu.”

Cô ấy nhìn vào mắt tôi. “Những người hoạt động trong ngành điện ảnh chúng tôi đã trở nên rất phù phiếm. Chúng tôi quen nhìn thấy mình khi đã trang điểm đến nỗi không đủ can đảm nhìn vào gương và thấy khuôn mặt thật của mình. Hãy nhớ, đã là diễn viên thì cả đời là diễn viên. Phim có thể kết thúc, nhưng vai diễn vẫn phải tiếp tục.”

Tôi tự hỏi không biết cô nói điều này từ tận tâm can hay chỉ nhắc lại lời thoại trong bộ phim nào đó.

Hôm nay một điều thực sự tuyệt vời đã xảy ra. Maaji chết trong khi đang ngủ. Thọ tám mươi mốt tuổi.

Neelima khóc một chút, sau đó bắt tay vào thu xếp cho đám tang. Cứ như thể toàn bộ ngành công nghiệp điện ảnh đều đổ đến căn hộ của cô để chia buồn. Cô ngồi trên sofa trong phòng khách với vẻ chịu đựng, quấn sari trắng và trang điểm qua loa. Tôi nhận ra nhiều người trong số khách khứa. Có các nam nữ diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất, ca sĩ và nhạc sĩ. Phòng khách đông nghịt. Tôi nghển cổ ngó những ngôi sao nổi tiếng mà tôi đã ngắm hình của họ trên tạp chí Starbust và đã xem phim họ đóng trên màn ảnh. Tôi ước gì Salim có mặt ở đây cùng tôi. Nhưng cậu ấy sẽ thất vọng. Bởi các vị khách trông không giống những ngôi sao quyến rũ mà chúng tôi thấy trên màn ảnh. Họ không trang điểm và không mặc những bộ đồ hào nhoáng. Tất cả họ đều mặc đồ trắng toát và ai trông cũng lạnh lùng ủ rũ. Thậm chí cả những người nổi tiếng với phim hài.

Tôi không biết Neelima cảm thấy thế nào trước cái chết của mẹ cô ấy. Nhưng đối với tôi, sự từ giã cõi đời của Maaji tựa như trò giải trí thú vị sau một bộ phim đáng thất vọng.

Một tháng sau khi Maaji qua đời, Neelima đề nghị tôi làm người giúp việc sống ngay tại nhà cô. Cô biết Salim sống với tôi ở khu chawl, vậy nên cô tiếp tục trả tiền thuê phòng cho Salim. Tôi chuyển đến căn hộ của cô. Nhưng tôi không được ở tại một trong bốn phòng ngủ bỏ trống. Tôi được xếp vào phòng là ủi.

Tôi để ý thấy sau cái chết của Maaji, Neelima bắt đầu ra ngoài thường xuyên hơn, nhiều lần còn không buồn về nhà buổi tối. Tôi tin rằng cô đang hẹn hò với ai đó. Có lẽ sẽ sớm có một cuộc hôn nhân.

Tôi bị đánh thức bởi tiếng sột soạt từ phòng khách vọng tới. Âm thanh đó không rõ lắm nhưng cũng đủ để khuấy động giấc ngủ của tôi. Tôi dụi mắt và nhìn chiếc đồng hồ báo thức bên cạnh. Đồng hồ chỉ hai giờ ba mươi sáng. Tôi không biết Neelima làm gì mà giờ này còn đi lại trong căn hộ. Đột nhiên tôi nhận ra có lẽ người tình của cô đến thăm và tôi trở nên phấn khích. Tôi nhón chân rời khỏi phòng tiến về phía phòng khách.

Phòng tối đen nhưng có một người đàn ông ở đó. Anh ta không giống một người tình. Anh ta đeo mặt nạ màu đen trùm kín đầu chỉ để hở hai con mắt. Tay trái anh ta cầm một chiếc bao tải màu đen. Trong tay phải của anh ta là một chiếc đèn pin đang rọi vào cái đầu VCR. Anh ta nhanh chóng rút các dây cáp điện ra, nhấc cái VCR lên bỏ vào bao tải. Tôi biết anh ta không phải một người tình. Anh ta là tên trộm. Và tôi thét lên. Đó là một tiếng thét xé tai, tựa như một viên đạn phá vỡ sự tĩnh lặng của đêm. Nó đánh thức Neelima Kumari, khiến cô vội chạy đến phòng khách. Nó làm cho tên trộm hoàn toàn bối rối, buông rơi cả cái bao tải lẫn chiếc đèn pin và đưa hai tay bịt tai. Và nó làm vỡ bức tượng thủy tinh được đặt một cách khéo léo trên mặt tủ ti vi.

“Có chuyện gì vậy?” Neelima hổn hển hỏi. Cô bật đèn phòng khách lên. Rồi cô nhìn thấy tên trộm và cũng bật ra một tiếng thét. Đến lúc này thì tên trộm gần như đã điếc đặc. Gã quỳ sụp xuống van xin chúng tôi. “Xin cô, tôi không phải kẻ trộm. Tôi chỉ đến xem nhà cô thôi.”

“Ram, mang điện thoại tới đây cho tôi. Tôi sẽ gọi cảnh sát ngay lập tức,” Neelima bảo tôi. Tôi nhanh nhẩu chạy đi lấy cho cô chiếc điện thoại không dây.

Tên trộm lột mặt nạ ra. Gã là một người đàn ông trẻ có chòm râu dê. “Xin cô, xin đừng gọi cảnh sát, tôi cầu xin cô. Tôi không phải kẻ trộm. Tôi là sinh viên năm cuối tại trường St Xavier. Tôi là một trong những fan cuồng nhiệt nhất của cô. Tôi đến nhà cô chỉ để xem cô sống như thế nào thôi.”

Tôi nhận thấy Neelima rõ ràng dịu hẳn đi khi nghe nói đến người hâm mộ. “Đừng nghe gã, thưa cô,” tôi cảnh báo cô. “Gã là một tên trộm. Nếu là người hâm mộ thì tại sao gã lại lấy chiếc VCR của chúng ta?”

“Tôi sẽ nói cho cô biết tại sao, Neelimaji ạ. Tôi đã mua mọi cuốn băng ghi những bộ phim có cô thủ vai. 114 cuốn cả thảy. Ngày nào tôi cũng xem ít nhất một bộ phim của cô. Do bị sử dụng nhiều, chiếc VCR của tôi thành ra trục trặc. Tôi phải đem nó đi sửa. Nhưng tôi không thể chịu đựng nổi một ngày trôi qua mà không xem bộ phim nào của cô. Vậy nên tôi nghĩ tôi sẽ lấy một trong những đầu VCR của cô. Xem phim bằng cái VCR của cô sẽ làm cho trải nghiệm trở nên đáng nhớ hơn nhiều. Tôi định khi nào đầu VCR của tôi sửa xong, tôi sẽ đem trả lại cái của cô. Xin hãy tin tôi, thưa cô. Tôi xin lấy người cha đã khuất của tôi ra mà thề rằng tôi không hề nói dối.”

“Tất cả đều là dối trá, thưa cô,” tôi kêu lên. “Cô nên gọi cảnh sát.”

“Không, Ram,” Neelima nói. “Trước tiên hãy để tôi kiểm tra xem có đúng người này đã nói thật hay không. Nếu đã xem tất cả 114 bộ phim của tôi thì anh ta có thể trả lời được một số câu hỏi. OK, anh này, hãy nói cho tôi biết tôi đã đóng vai một cô gái nông thôn tên là Chandni trong phim nào?”

“Làm sao tôi có thể quên bộ phim đó được chứ, Neelima? Đó là một trong những bộ phim yêu thích của tôi. Đó là phim Về làng, đúng không?”

“Đúng. Nhưng câu hỏi đó quá dễ. Hãy cho tôi biết tôi đã nhận được giải thưởng Filmfare vào năm 1982 cho bộ phim nào?”

“Câu đó thậm chí còn dễ hơn. Cho phim Đêm tối, tất nhiên.”

“Chao ôi, anh nói đúng. OK, hãy cho tôi biết tôi đã diễn cùng Manoj Kumar trong bộ phim nào?”

“Đó là một bộ phim ái quốc, phim Tiếng gọi của tổ quốc.”

“Ồ, anh cũng xem cả phim đó cơ à?”

“Neelima, tôi đã nói với cô rồi, tôi là fan đương thời cuồng nhiệt nhất của cô. Hãy cho tôi biết, tại sao cô lại đồng ý nhận vai diễn rẻ tiền trong phim Tình yêu vĩnh cửu? Tôi luôn nghĩ đạo diễn đã sử dụng cô không đúng mức.”

“Anh hỏi về phim Tình yêu vĩnh cửu quả là đáng ngạc nhiên. Tôi cũng cảm thấy đáng lẽ mình không nên đóng vai đó. Tất cả sự ngợi khen trước thành công của bộ phim đó đều dồn về Sharmila, còn tôi thì bị đối xử bất công.”

“Nhưng cô thật tuyệt vời trong Mưa ở Bombay. Tôi nghĩ cảnh độc thoại mà cô thể hiện ở ngôi đền sau khi cha cô chết là cảnh đáng nhớ nhất phim. Cô đáng ra phải được nhận giải Filmfare cho bộ phim đó, nhưng thay vào đấy cô lại được nhận giải thưởng này cho phim Đàn bà.”

“Đúng vậy. Nếu phải lựa chọn giữa Đàn bà Mưa ở Bombay thì tôi sẽ chọn bộ phim thứ hai. Tôi phải nói rằng anh biết rất nhiều về các bộ phim của tôi. Tên anh là gì?”

“Tên tôi là Ranjeet Mistry. Tôi hai mươi bốn tuổi. Tôi luôn muốn hỏi cô về Mumtaz Mahal, bộ phim mà tôi cho là hay nhất từ trước đến giờ. Về cảnh sinh nở, khi cô đang hấp hối còn ông Dileep, người đóng vai vua, ngồi bên giường cô, cô đã yêu cầu ông ấy hứa với cô một điều, rồi cô tháo chiếc vòng đeo tay bằng vàng của cô ra - nhưng cô không đưa nó cho ông ấy. Tại sao cô làm thế?”

“Thật đáng ngạc nhiên. Anh đã chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất của bộ phim đó. Tôi sẽ nói cho anh biết câu trả lời. Nhưng sao anh lại ngồi dưới đất nhỉ? Lại đây, ngồi trên cái sofa này đi. Còn Ram kìa, cậu cầm điện thoại đứng đó làm gì hả? Cậu không thấy nhà chúng ta có khách sao? Đi lấy hai tách trà và một ít bánh quy đi. Để tôi kể cho cậu nghe, khi Mumtaz Mahal được quan niệm...”

Lúc tôi quay lại với hai tách trà, Neelima và tên trộm đang cười đùa với nhau như hai người bạn lâu ngày gặp lại. Tôi lắc đầu hoài nghi. Người đàn ông này đến lấy trộm đồ của cô, ấy vậy mà chỉ vì gã đã xem một vài bộ phim của cô mà cô mời gã ăn bánh quy và uống trà.

Những gì bắt đầu là một phim hồi hộp ly kỳ lại hóa ra là một phim gia đình.

Một tối cô gọi tôi. “Ram, ngày mai tôi muốn cậu chuyển ra khu chawl. Chỉ một ngày thôi. Tôi cần chút riêng tư trong nhà.”

“Nhưng tại sao, thưa cô?”

“Đừng hỏi,” cô ấy nói bằng giọng cáu gắt. “Cứ làm như tôi bảo.”

Trong ba tháng tiếp theo cô ra lệnh cho tôi như thế ba lần. Tôi biết trong lúc tôi không có mặt, cô tiếp người tình của cô tại nhà và không muốn tôi biết. Vậy nên lần tiếp theo khi cô bảo tôi ở lại Ghatkopar hôm sau hãy về, tôi không hoàn toàn tuân lệnh cô. Tối tôi đến Ghatkopar, nhưng thay vì về nhà vào bảy giờ sáng hôm sau, tôi trở về lúc năm giờ và lượn lờ bên ngoài căn hộ. Quả đúng như dự đoán, sáu giờ sáng cánh cửa bật mở và một người đàn ông bước ra. Anh ta cao, khuôn mặt có vẻ tử tế, nhưng đôi mắt đỏ ngầu và mái tóc bù xù làm hỏng hết cả diện mạo của anh ta. Anh ta mặc quần bò màu xanh da trời và áo sơ mi trắng. Anh ta cầm một xấp tiền và một điếu thuốc đang cháy trong tay trái, xoay xoay chùm chìa khóa xe giữa các ngón tay. Anh ta trông có vẻ quen quen nhưng tôi không thể nhớ nổi anh ta là ai. Anh ta thậm chí không liếc nhìn tôi lấy một lần trước khi bước xuống cầu thang dẫn tới tầng một. Chờ đến bảy giờ sáng tôi mới vào nhà.

Tôi trải qua cú sốc đầu tiên khi nhìn thấy tình trạng phòng khách. Mẩu thuốc lá và tàn thuốc rong rắc khắp nơi. Một cái ly úp nằm ở giữa bàn cạnh một chai whisky rỗng không. Đậu phộng rơi vãi khắp mặt thảm. Mùi rượu nồng nặc khắp phòng.

Cú sốc thứ hai xảy ra khi tôi nhìn thấy Neelima Kumari. Cô bị bầm tím khắp mặt và một bên mắt thâm đen. “Trời ơi, thưa cô, chuyện gì xảy ra với cô thế này?” tôi kêu lên.

“Không có chuyện gì đâu, Ram. Tôi bị trượt khỏi giường và bị thương. Không có gì đáng lo đâu.”

Tôi biết cô ấy nói dối. Người đàn ông tôi nhìn thấy đi ra khỏi căn hộ đã làm chuyện này với cô. Và đổi lại, cô đã cho hắn ta thuốc lá, whisky và tiền. Tôi cảm thấy đau đớn và giận dữ, cảm thấy mình bất lực không thể bảo vệ cho cô.

Từ hôm đó một sự thay đổi khó nhận thấy đã xảy ra với Neelima. Cô trở nên nhút nhát và sống thu mình. Tôi nghĩ cô bắt đầu uống whisky bởi tôi thường ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở của cô.

Một buổi sáng tôi lại thấy một bên mắt cô thâm đen và trên cánh tay có một vết bỏng thuốc lá. Tôi không chịu nổi nữa. “Thưa cô, nhìn thấy cô trong tình trạng này cháu cảm thấy rất buồn. Ai làm chuyện này với cô?” tôi hỏi cô.

Cô có thể đã nói, “không phải việc của cậu,” nhưng sáng hôm đó cô rất trầm ngâm. “Cậu biết đấy, Ram, có người nói rằng thà yêu để rồi mất mát còn hơn chẳng bao giờ yêu. Nhiều lần tôi tự hỏi không biết có đúng như vậy hay không. Tôi cũng đã yêu. Tôi không biết mình đã mất mát hay chưa, nhưng tôi đã phải nhận rất nhiều đau khổ. Có một người đàn ông trong đời tôi. Có lúc tôi nghĩ anh ấy yêu tôi. Có lúc tôi nghĩ anh ấy căm ghét tôi. Anh ấy tra tấn tôi một cách từ từ, từng tí từng tí một.”

“Vậy tại sao cô không bỏ anh ta?” tôi kêu lên.

“Không đơn giản như vậy đâu. Thậm chí trong đau khổ cũng có thú vị. Một cảm giác đê mê ngọt ngào. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy nếu đau khổ có thể ngọt ngào đến thế, thì cái chết sẽ thú vị biết nhường nào. Khi anh ấy tra tấn tôi bằng mẩu thuốc lá hút dở, tôi không muốn thét lên. Tôi muốn đọc những lời thoại đáng nhớ trong phim Đàn bà. Cảnh cái chết. ‘Ôi cuộc sống, người hay thay đổi làm sao. Chính cái chết mới là người tình đích thực của ta, người bạn chung thủy của ta. Hãy đến đây, hỡi cái chết, hãy ôm ta trong tay người, hãy thầm thì vào tai ta thứ âm thanh ngọt ngào của sự im lặng, và hãy đưa ta tới xứ sở của tình yêu vĩnh cửu.’ ”

“Nhưng đó chỉ là phim thôi, thưa cô,” tôi cầu xin cô.

“Suỵt! Cậu đã quên những gì tôi từng nói, rằng đã là diễn viên thì cả đời là diễn viên sao? Chớ quên rằng tôi sẽ mãi mãi được biết đến như Nữ hoàng Phim Bi kịch. Và tôi không trở thành nữ hoàng phim bi chỉ nhờ đọc lên những lời thoại mà biên kịch giao cho. Tôi sống cuộc đời các nhân vật của mình. Ghalib không trở thành nhà thơ bi kịch vĩ đại chỉ nhờ viết được mấy dòng trong một cuốn sách. Không. Ta phải cảm giác được nỗi đau, phải trải nghiệm nó, phải sống với nó trong cuộc sống hàng ngày thì ta mới có thể trở thành một nữ hoàng bi kịch.”

“Nếu đây là tiêu chuẩn thì cháu có thể trở thành vua bi kịch ư?” Tôi hỏi, tròn xoe đôi mắt ngây thơ của một đứa trẻ mười hai tuổi.

Cô không trả lời.

Neelima đang trả lời phỏng vấn của phóng viên tạp chí Starburst trong phòng khách. Tôi mang vào một khay gulab jamuns và bánh gối.

“OK, Neelima, chúng ta đã nói về quá khứ, giờ hãy quay về hiện tại. Tại sao chị lại từ bỏ nghiệp diễn?” Tôi chăm chú theo dõi trong khi cô phóng viên mân mê chiếc máy ghi âm. Cô ấy còn khá trẻ, xinh đẹp rạng rỡ với nước da trắng trẻo và mái tóc đen dài chấm vai. Cô ấy mặc một chiếc quần đen lịch sự cùng áo kurti in hoa và đi giày mềm cao gót màu đen.

“Bởi vì họ không còn sản xuất những bộ phim như trước kia nữa. Niềm đam mê, sự tận tụy đã biến mất rồi. Diễn viên ngày nay không khác gì những sản phẩm được sản xuất theo dây chuyền, người này giống y hệt người khác, nói lời thoại như những con vẹt. Không có chiều sâu. Mỗi lần chúng tôi chỉ làm một bộ phim. Giờ tôi thấy các diễn viên chạy sô ba bộ phim một ngày. Thật nực cười.” Neelima dùng tay ra dấu.

“Ồ, xin thứ lỗi cho tôi, nhưng tôi nghe nói một phần lý do khiến chị bỏ diễn là bởi chị không được mời đóng vai nào.”

Sự tức giận bừng bừng trên mặt cô. “Ai nói với cô điều đó? Dối trá hoàn toàn. Tôi đã được mời đóng một số vai, nhưng tôi từ chối. Những vai đó không đủ thuyết phục. Và những bộ phim đó không hướng vào diễn viên nữ chính.”

“Chị muốn nói rằng chị không được mời đóng vai chính nữa mà chỉ là những vai bà chị hoặc bà cô già.”

“Sao cô dám xem thường tôi và công việc của tôi hả? Tôi phải nói rằng ngày nay đến phóng viên cũng đánh mất sự lịch thiệp rồi. Cô không thấy giải thưởng và những chiếc cúp xếp hàng trên giá kia sao? Cô nghĩ tôi không diễn mà giành được những giải thưởng đó chắc? Cô nghĩ tôi có được biệt hiệu Nữ hoàng Phim Bi kịch chỉ nhờ hát quanh những cái cây giống như các diễn viên chính hạng xoàng ngày nay, những người trông không khác gì vai phụ được tô điểm sao?”

“Nhưng... nhưng chúng ta đâu có nói về sự nghiệp quá khứ của chị...”

“Tôi biết chính xác cô đang nói về điều gì. Mời cô ra khỏi đây ngay lập tức. Ram, dẫn quý cô này ra ngoài và đừng bao giờ mở cửa cho cô ta vào nhà nữa.” Cô ấy đứng dậy và đùng đùng bỏ ra khỏi phòng. Tôi tiễn cô phóng viên đang bối rối ra cửa.

Tôi không tài nào xác định được đây là phim hài, phim tâm lý hay phim bi.

Trong căn hộ của Neelima có nhiều bức ảnh được đóng khung. Nhưng tất cả đều là ảnh chụp cô. Neelima đang nhận giải thưởng nào đó, Neelima đang cắt băng khánh thành, Neelima đang theo dõi một tiết mục biểu diễn, Neelima đang trao giải thưởng. Không có ảnh bất kỳ ngôi sao điện ảnh nào khác, trừ hai bức được đóng khung trong phòng ngủ của cô. Đó là ảnh chụp hai phụ nữ xinh đẹp, một là người da trắng, một là người Ấn Độ.

“Những phụ nữ này là ai ạ?” một hôm tôi hỏi cô.

“Người ở bên trái là Marilyn Monroe còn người ở bên phải là Madhubala.”

“Họ là ai ạ?”

“Cả hai đều là những nữ diễn viên nổi tiếng đã qua đời khi còn trẻ.”

“Tại sao cô giữ ảnh của họ?”

“Bởi vì tôi cũng muốn chết trẻ. Tôi không muốn chết trong vẻ già cỗi tiều tụy. Cậu đã nhìn thấy ảnh Shakeela trên tờ Film Digest tuần này chưa? Bà ấy là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng vào những năm năm mươi và giờ chắc phải chín mươi tuổi rồi. Trông bà ấy mới già và khô héo làm sao. Và đó chính là hình ảnh mà mọi người sẽ nhớ về bà ấy sau khi bà ấy chết. Già, nhăn nheo và tiều tụy. Nhưng mọi người sẽ luôn nhớ đến Marilyn Monroe và Madhubala với vẻ trẻ trung bởi vì họ chết trẻ. Hình ảnh cuối cùng mà mọi người lưu giữ về ta chính là hình ảnh khi ta chết. Giống như Madhubala, tôi muốn để lại phía sau một hình ảnh của sắc đẹp và sự trẻ trung nguyên vẹn, của sự duyên dáng và quyến rũ vĩnh cửu. Tôi không muốn chết khi chín mươi tuổi. Nhiều lúc tôi ước giá như tôi có thể dừng tất cả những chiếc đồng hồ trên thế giới này lại, đập vỡ mọi chiếc gương và làm đóng băng khuôn mặt trẻ trung của mình đúng lúc.”

Một nỗi buồn lạ lùng lan tỏa khắp người tôi khi tôi nghe những lời này. Ở một góc độ nào đó, Neelima là một người mồ côi, giống như tôi. Nhưng không giống tôi, cô có một gia đình lớn - người hâm mộ của cô, các nhà sản xuất và các đạo diễn. Và cô sẵn sàng hy sinh tất cả vì lợi ích của họ. Để họ có thể mãi mãi nhớ cô là một phụ nữ trẻ trung.

Lần đầu tiên tôi cảm thấy may mắn vì mình không phải ngôi sao điện ảnh.

Một nhà sản xuất phim nổi tiếng sẽ đến nhà cô. Neelima rất phấn khởi. Cô tin rằng ông ta sẽ mời cô đóng phim và một lần nữa cô sẽ lại được đứng trước máy quay. Cô dành cả ngày để trang điểm và thử những bộ đồ khác nhau.

Nhà sản xuất đến vào buổi tối. Ông ta thấp, hói đầu và bụng phệ. Tôi được sai mang gulab jamuns, bánh gối và nước giải khát vào.

“... một vai tuyệt vời dành cho cô, Neelima ạ,” nhà sản xuất nói. “Tôi luôn là một trong những người hâm mộ cuồng nhiệt nhất của cô. Tôi đã xem phim Đàn bà mười lăm lần. Cái cảnh chết đó. Ôi, chao ôi, xem cảnh ấy tôi có thể chết đi được. Đó là lý do tôi quyết tâm kéo cô ra khỏi cuộc sống ẩn dật. Bộ phim này, bộ phim mà tôi đã lôi kéo được một đạo diễn hàng đầu tham gia, là một bộ phim lấy phụ nữ làm trung tâm. Tôi mời cô đóng một vai tuyệt vời.”

“Ông đã ký hợp đồng với đạo diễn nào?”

“Đó là Chimpu Dhawan.”

“Nhưng chẳng phải ông ta là đạo diễn phim hài sao?”

“Vậy thì đã sao? Dù gì đi nữa, trong phim này sẽ có những tình huống hài hước. Các vai chính tôi đã ký với Shahrukh Khan và Tabu rồi.”

“Tôi không hiểu. Ông đã ký hợp đồng với một vai nữ chính rồi. Vậy ông sẽ có hai vai nữ chính ư?”

“Không, không phải thế.”

“Vậy Tabu sẽ đóng vai nào?”

“Cô ấy là diễn viên chính.”

“Vậy ông mời tôi đóng vai gì?”

“Ồ, cô không hiểu ư? Tôi mời cô đóng vai mẹ của Shahrukh Khan.”

Cô lập tức tống khứ nhà sản xuất đó ra khỏi nhà mình.

Nhà sản xuất rời khỏi nhà, sùi bọt mép. “Đồ chó cái hư hỏng, mụ ta nghĩ gì chứ? Mụ vẫn mơ tưởng đến vai nữ chính cơ đấy. Mụ ta không soi gương sao? Mình không phân cho mụ vai bà nội là còn may đấy. Hừm!”

Tôi nghĩ đây là một cảnh hài khá hay.

Người tình của cô lại tới. Nhưng lần này mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn. Cô nằm trên giường với một vết cắt sâu phía trên lông mày bên trái và má cô sưng vù. Cô nói năng rất khó khăn.

“Chúng ta phải gọi cảnh sát, thưa cô, để họ bắt kẻ đáng ghét đó,” tôi giục cô trong khi bôi thuốc mỡ sát trùng vào vết thương cho cô.

“Không, Ram ạ. Tôi sẽ ổn thôi.”

“Ít nhất cô hãy cho cháu biết tên kẻ đó.”

Cô cười khàn khàn. “Làm thế thì ích gì chứ? Đừng lo, người đàn ông đó sẽ không bao giờ đến đây nữa. Cuối cùng tôi cũng đã chia tay anh ta. Đó là lý do anh ta làm chuyện này với tôi. Nếu anh ta quay lại, tôi sẽ phỉ nhổ vào mặt anh ta.”

“Và cô sẽ âm thầm chịu đựng bao lâu nữa? Hãy nhìn xem hắn đã làm gì với khuôn mặt của cô.”

“Định mệnh của một người đàn bà là phải âm thầm chịu đựng. Và những gì anh ta đã làm với khuôn mặt của tôi chẳng thấm vào đâu so với những gì anh ta làm với phần còn lại của cơ thể tôi. Cậu có thực sự muốn thấy không? Vậy thì nhìn đây.” Cô cởi cúc áo và tháo khuy áo ngực ra. Lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy cặp vú trần của một phụ nữ. Cặp vú to, khẽ rung rung, thõng xuống như vú của một con bò cái. Tôi sửng sốt lùi lại khi nhìn thấy những vết bỏng do điếu thuốc lá gây lên trên khắp khuôn ngực cô, trông như những hố bom đen ngòm trên da thịt trắng trẻo mịn màng của cô. Tôi òa khóc.

Cô cũng khóc. “Tôi không muốn sống với một cái mặt nạ nữa. Tôi đã dùng đủ các các loại mặt nạ, đủ các kiểu hỗ trợ sắc đẹp rồi. Tôi muốn trở thành một người phụ nữ đích thực dù chỉ một lần trong đời. Hãy lại đây với ta, con trai,” cô nói và kéo mặt tôi vào ngực cô.

Tôi không biết Neelima Kumari nghĩ gì khi cô kéo tôi vào lòng mình. Không biết cô xem tôi như con trai hay như người tình, không biết cô làm thế để quên đi nỗi đau hay đơn giản chỉ để kiếm chút cảm giác sung sướng rẻ tiền. Nhưng khi tôi gục mặt vào giữa hai bầu vú của cô, mọi nhận thức về thế giới bên ngoài ngừng lại trong trí óc tôi và lần đầu tiên tôi cảm thấy như thể mình không còn là một đứa trẻ mồ côi nữa. Rằng tôi đã có một người mẹ thực sự, một người mẹ mà tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt, có thể chạm vào da thịt. Và vị nước mắt mằn mặn của tôi hòa trộn với mồ hôi và mùi da thịt của cô trong cái trải nghiệm cảm động nhất của cuộc đời mười ba năm của tôi. Mọi đau đớn và khổ cực, mọi sự xúc phạm và nhục nhã mà tôi đã chịu đựng trong từng ấy năm bỗng tan đi trong khoảnh khắc đó. Tôi muốn dừng tất cả những chiếc đồng hồ trên thế giới này lại và muốn đóng băng khoảnh khắc đó mãi mãi. Vì mặc dầu quá ngắn ngủi nhưng ngay cả trong khoảng thời gian ngắn ngủi đó nó đã tạo ra một cảm giác chân thực mà không sự diễn xuất nào có thể mong tái tạo được.

Đó là lý do tôi không cố định nghĩa phần này là một phim tâm lý, phim hồi hộp ly kỳ hay phim bi. Nó vượt trên tất cả và trên bất kỳ thể loại nào.

Neelima và tôi không bao giờ nhắc lại cái buổi sáng ấy. Sau đó những chuyện từng xảy ra không bao giờ còn xảy ra nữa. Nhưng cả hai chúng tôi sống với nhận thức rằng cuộc sống của chúng tôi đã biến đổi một cách không thể nào kéo lại được.

Cô muốn bỏ cái mặt nạ của mình nhưng không đủ sức mạnh tinh thần làm như vậy. Và cô không chịu tiếp nhận sự giúp đỡ của tôi. Định mệnh không thể tránh khỏi của một nữ hoàng phim bi kịch túm chặt lấy cô với một sự thúc bách đã được làm mới lại. Cô trở nên chán nản hơn. Cô uống rượu nhiều đến mức hầu như không còn ý thức được về thế giới xung quanh nữa. Cô sa thải người hầu gái và người đầu bếp. Tôi là người giúp việc duy nhất còn lại trong căn hộ. Và rồi cô chuẩn bị cho vai diễn lớn nhất cuộc đời mình.

Neelima Kumari bảo tôi xếp tất cả những cuốn tạp chí điện ảnh có ảnh của cô thành một đống gọn ghẽ. Cô tự sắp xếp mọi chiếc cúp và giải thưởng của mình, đặt những chiếc cúp bạch kim ở phía trước, tiếp đến là cúp vàng và cúp bạc. Cô vận tấm sari đắt tiền nhất và đeo những đồ trang sức đẹp nhất của mình. Cô dành ba tiếng đồng hồ trước gương để làm cho khuôn mặt trông đẹp nhất từ trước đến nay. Sau đó, cô đổ tất cả mỹ phẩm vào toilet. Cô tới tủ thuốc ném hết dược phẩm hỗ trợ sắc đẹp đi. Sau đó cô mở một cái lọ chứa những viên thuốc giảm đau mà bác sĩ đã kê cho mẹ cô. Tôi không biết cô đã nuốt bao nhiêu viên trong số thuốc ấy.

Cuối cùng cô vào phòng ngủ, tra cuốn băng phim Mumtaz Mahal vào đầu VCR. Cô ngồi xuống giường và nhấn nút “Play” trên chiếc điều khiển từ xa. Bộ phim bắt đầu chạy trên màn hình ti vi. Cô bảo tôi ra chợ mua rau và ngồi đó đợi.

Tối hôm đó khi đi chợ về, tôi nhìn thấy cô trông hệt như một nàng dâu mới xinh đẹp đang nằm ngủ trên giường. Nhưng không cần chạm vào làn da lạnh ngắt của cô tôi cũng biết cô đã chết. Trong tay cô cầm một chiếc cúp. Trên chiếc cúp có ghi, “Giải thưởng Quốc gia dành cho Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Trao tặng Neelima Kumari cho vai diễn của cô trong phim Mumtaz Mahal, 1985.”

Những gì tôi thấy trước mắt chỉ có thể được miêu tả là đoạn cao trào của một bộ phim tâm lý.

Tôi nhìn cái xác của Neelima Kumari mà không biết phải làm gì. Điều duy nhất tôi chắc chắn là tôi sẽ không gọi cảnh sát. Họ hoàn toàn có khả năng quy trách nhiệm cho tôi và bắt tôi vì tội giết người. Vậy nên tôi làm điều duy nhất hợp logic. Tôi bỏ chạy tới khu chawl ở Ghatkopar.

“Sao cậu lại tới đây?” Salim hỏi tôi.

“Tớ cũng bị cô chủ đuổi việc rồi, giống như chị hầu gái và người đầu bếp.”

“Chúng mình sẽ làm gì bây giờ? Làm thế nào chúng mình trả tiền phòng ở khu chawl này được đây?”

“Đừng lo, cô ấy đã trả tiền thuê phòng cho hai tháng tới rồi. Cho tới lúc đó chắc chắn tớ sẽ tìm được việc làm mới.”

Mỗi ngày sống ở khu chawl tôi đều lo sợ một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy sẽ đến bắt mình đi, nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Trên báo cũng không có tin tức gì về cái chết của Neelima Kumari. Trong thời gian đó, tôi tìm được việc làm ở xưởng đúc.

Một tháng sau người ta phát hiện ra thi thể của cô, và chỉ phát hiện ra bởi một người hàng xóm phàn nàn về mùi khó chịu. Vậy là họ phá cửa và vào nhà. Họ không tìm thấy gì ở phòng khách và bốn phòng ngủ đầu tiên. Sau đó họ phát hiện ra một xác chết đang thối rữa ở phòng ngủ chính. Tấm sari trông còn mới, những đồ trang sức lấp lánh, nhưng khuôn mặt và thân hình của người chết thì đã biến dạng đến mức không thể nhận dạng được. Họ đeo mặt nạ trắng rồi mang cái xác ấy đi khỏi đó và ném chiếc cúp vào thùng rác. Họ xác nhận được nhân dạng của cô nhờ các dấu tích về răng. Và khi phát hiện ra cô là ai họ công bố bức ảnh chụp thi thể thối rữa của cô trên trang nhất tất cả các báo. “Neelima Kumari, Nữ hoàng Phim Bi kịch nổi tiếng trong quá khứ, đã tự vẫn. Cô bốn mươi tư tuổi. Thi thể đã bị biến dạng nghiêm trọng của cô được phát hiện tại nhà riêng một tháng sau khi chết.”

Giờ tôi gọi sự việc này là một bi kịch thực sự.

Smita bật ra một tiếng thở dài. “Không có gì đáng ngạc nhiên khi các ngôi sao điện ảnh đều loạn thần kinh! Cậu biết không, tôi đã xem Mumtaz Mahal và cũng luôn muốn biết bí ẩn đằng sau chiếc vòng đeo tay bằng vàng. Tôi không biết Neelima Kumari đã kể gì với tên trộm.”

“Thật không may, điều đó sẽ vẫn là một bí ẩn. Giờ chúng ta sẽ nói về Neelima Kumari hay tôi sẽ kể cho cô nghe điều gì xảy ra tiếp theo trong chương trình trò chơi truyền hình đó?”

Với vẻ miễn cưỡng, Smita nhấn nút “Play”.

Trong trường quay có tiếng xôn xao huyên náo. Chúng tôi đang ở giữa giờ giải lao dài. Nhà sản xuất chương trình, một người đàn ông cao ráo có mái tóc dài giống như đàn bà - hoặc một ngôi sao nhạc rock - đang bận hội ý với Prem Kumar ở một góc. Sau khi ông ta rời đi, Prem Kumar ra hiệu cho tôi lại gần.

“Này, Thomas,” Prem Kumar nói với tôi, “cậu đã chơi tốt một cách kỳ lạ trong chương trình này. Cậu đang có một triệu rupi vốn liếng. Hãy nói cho tôi biết, cậu định làm gì bây giờ?”

“Ông muốn nói gì?”

“Tôi muốn hỏi, cậu dừng lại tại đây hay sẽ chơi để giành giải thưởng một tỷ rupi? Hãy nhớ, giờ sẽ là Chơi hoặc Trả tiền.”

“Ồ, vậy thì, tôi sẽ dừng lại. Tôi đã gặp may cho đến thời điểm này. nhưng may mắn của tôi có lẽ cạn hết rồi.”

“Như thế thật đáng tiếc, Thomas ạ. Chúng tôi nghĩ nếu cậu tiếp tục chiến thắng trong trò chơi này, cậu có thể trở thành hình mẫu tiêu biểu nhất cho giới trẻ của nước ta. Vậy nên chúng tôi, những người làm chương trình ALTP, quyết định tạo điều kiện cho cậu giành chiến thắng. Cậu nhớ tôi đã giúp cậu giành chiến thắng trong câu hỏi thứ hai như thế nào chứ? Nếu lúc đó tôi không đổi câu hỏi cho cậu thì cậu đã ra về mà không có xu nào trong túi rồi. Trong ba câu hỏi tiếp theo tôi muốn làm điều tương tự giúp cậu. Tôi hứa với cậu, nếu cậu đồng ý tiếp tục vòng chơi Chơi hoặc Trả tiền thì chúng tôi sẽ giúp cậu thắng, bởi vì chúng tôi muốn cậu thắng. Đó là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra trong chương trình của chúng tôi.”

“Ông có trong đầu loại câu hỏi nào?”

“Điều đó không thực sự quan trọng, bởi vì chúng tôi sẽ bí mật cho cậu biết trước câu trả lời. Nếu cậu đã có thể tin cậy tôi trong câu hỏi thứ hai, thì tôi chắc chắn cậu sẽ có thể tin cậy tôi trong câu hỏi số mười, số mười một, mười hai. Vậy chúng ta thỏa thuận nhé?”

“Được rồi, nếu ông đảm bảo cho chiến thắng của tôi thì tôi khó lòng mà từ chối. Vậy hãy nói cho tôi biết, câu hỏi tiếp theo là gì?”

“Tốt lắm.” Prem Kumar vỗ tay. “Billy,” anh ta nói với nhà sản xuất, “Anh Thomas đã đồng ý tiếp tục vòng chơi Chơi hoặc Trả tiền.” Anh ta quay sang tôi thì thầm, “OK, để tôi nói cho cậu biết câu hỏi tiếp theo. Tôi sẽ hỏi cậu, ‘Chiều dài của eo biển Palk nằm giữa Ấn Độ và Sri Lanka là bao nhiêu? Các sự lựa chọn là a) 64 km, b) 94 km, c) 137 km và d) 209 km?’ Câu trả lời đúng là c)137 km. Cậu hiểu chưa?”

“Rồi. Nhưng làm sao tôi có thể chắc chắn đó là câu trả lời đúng?”

“Ái chà, cậu không tin tưởng chúng tôi sao, Thomas? Ồ, tôi không trách cậu đâu. Suy cho cùng, ở đây chúng ta đang nói tới một tỷ rupi. Vậy tôi sẽ chứng minh cho cậu thấy. Đây, hãy nhìn vào cuốn sách này. Tôi chắc cậu có thể đọc các con số.” Anh ta lấy ra một cuốn sổ có hàng trang hàng trang câu hỏi và câu trả lời, giống như một cuốn sách đố vui. Anh ta gõ gõ ngón tay vào một câu hỏi. Đó chính là câu anh ta đã hỏi tôi. Và nó có câu trả lời tương tự: 137 km.

“Giờ thì cậu yên tâm là tôi sẽ không lừa cậu chứ?”

Tôi gật đầu.

“OK. Cậu nên trở về chỗ ngồi của mình đi và tôi sẽ ra với cậu ngay.”

Nhạc hiệu nổi lên và bảng hiệu của trường quay hiện lên hai chữ “Vỗ tay”. Prem Kumar nói với khán giả. “Thưa các quý bà quý ông, chúng ta đang ở một điểm mốc lịch sử trong chương trình này. Chúng ta có một người chơi đã đạt đến con số kỳ diệu một triệu rupi. Giờ anh ấy phải quyết định tiếp tục tranh đua cho giải thưởng cao nhất hay dừng cuộc chơi. Giờ phút quyết định đầy thử thách đã đến, anh Thomas ạ. Quyết định của anh là gì? Anh sẽ chơi để chiến thắng hay sẽ bỏ cuộc? Dẫu vậy, anh hãy nhớ rằng nếu chơi tiếp, anh sẽ đối mặt với rủi ro mất tất cả 118a số tiền anh giành được cho đến thời điểm này. Vậy anh nói gì nào?” Anh ta nở nụ cười trấn an tôi.

“Tôi sẽ chơi,” tôi nói khẽ.

“Xin lỗi, gì cơ?” Prem Kumar nói. “Anh có thể nói to hơn một chút được không?”

“Tôi sẽ chơi,” tôi nói to và tự tin.

Một số khán giả há hốc miệng vì kinh ngạc. Một số người thốt lên, “Ôi, chao ôi!” Một số khác nói, “Đúng là gã ngu!”

“Đây là quyết định cuối cùng không thay đổi của anh ư?” Prem Kumar nói. Anh ta lại cười với tôi.

“Đúng,” tôi nói.

“Vậy thì, thưa các quý bà quý ông, chúng ta đã làm nên lịch sử,” Prem Kumar hớn hở. “Chúng ta có ở đây một người chơi sẵn sàng bất chấp rủi ro. Trước đây chúng ta từng có một người chơi bất chấp rủi ro - và đã mất tất cả. Hôm nay chúng ta sẽ xem xem liệu anh Thomas có lập nên lịch sử bằng cách trở thành người chiến thắng giải thưởng lớn nhất trong lịch sử hay không. OK, vậy chúng ta đã sẵn sàng cho ba câu hỏi cuối cùng của vòng chơi Chơi hoặc Trả tiền. Xin hãy dành cho anh một tràng pháo tay thật lớn.”

Tiếng trống dồn nổi lên. Mấy chữ “Chơi hoặc Trả tiền” nhấp nháy trên màn hình. Khán giả đứng dậy tại chỗ và vỗ tay nồng nhiệt.

Sau khi tiếng nhạc lịm dần, Prem Kumar quay sang tôi. “OK, anh Thomas, anh đã giành được một triệu rupi và đang bước vào vòng chơi áp dụng luật cái chết bất ngờ mà chúng tôi gọi là Chơi hoặc Trả tiền. Anh sẽ hoặc giành được một tỷ hoặc sẽ mất tất cả những gì anh đã giành được cho đến lúc này. Vậy đây là câu hỏi số mười có mức thưởng mười triệu rupi, vâng, mười triệu rupi đang ở rất gần. Và đây là câu hỏi. Neelima Kumari, Nữ hoàng Phim Bi kịch, đã giành được giải thưởng quốc gia...”

“Nhưng đây không phải câu hỏi...”

“Anh Thomas, xin đừng ngắt lời khi tôi đang đọc câu hỏi. Hãy để tôi đọc xong đã,” anh ta nói giọng lạnh lùng. “Tôi đang hỏi, Neelima Kumari, Nữ hoàng Phim Bi kịch, đã giành giải thưởng quốc gia vào năm nào. Đó là a) 1984, b) 1988, c)1986 hay d) 1985?”

Tôi nhìn Prem Kumar trừng trừng. Anh ta nở nụ cười tự mãn. Giờ thì tôi đã hiểu anh ta. Những gì anh ta đã nói với tôi trong giờ nghỉ giải lao là một trò lừa nhằm nhử tôi vào vòng chơi này. Nhưng anh ta không đoán trước được vận may của tôi. Vận may của tôi vẫn còn.

“Tôi biết câu trả lời. Đó là D. 1985.”

“Gì cơ?” Prem Kumar sững sờ. Anh ta ngạc nhiên đến nỗi thậm chí quên không hỏi rằng tôi đã chắc chắn một trăm phần trăm hay chưa. Anh ta ấn nút như một cái máy và câu trả lời đúng nhấp nháy. Đó là D.

Prem Kumar trông như thể vừa nhìn thấy ma. “Anh... Anh Thomas... vừa... giành được m-mười triệu rupi,” anh ta lắp bắp, lúng túng vô cùng.

Khán giả trở nên cuồng nhiệt. Tất cả mọi người đều đứng dậy hoan hô. Một số người bắt đầu nhảy múa trên lối đi giữa các hàng ghế.

Prem Kumar quệt mồ hôi trán và uống một ngụm to nước chanh.

Những gì đáng lẽ là một bi kịch lại thành ra một màn kịch vui nhộn.

Hết chương 11. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27935


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận