Triệu Phú Ổ Chuột Chương 12


Chương 12
X gkrxz opknu (hay một chuyện tình).

Thức ăn. Đó là tất cả những gì tôi có thể nhìn, nghe, nghĩ, và ngửi thấy ở cái ga tàu hỏa ồn ào đông đúc nơi tôi đã đứng suốt hai giờ qua trong chiếc áo sơ mi cotton và chiếc quần bò hiệu Levi’s. Nếu bạn không ăn trong một thời gian ngắn, cái đói cứ thế teo đi rồi chết. Nhưng nếu bạn không ăn trong một thời gian dài - và từ trưa hôm qua tới giờ tôi chưa có gì cho vào bụng - đầu óc bạn sẽ hoạt động theo cách rất buồn cười. Tôi chỉ nhìn thấy quanh mình toàn những người đang ăn uống. Và mũi tôi lần theo mùi thức ăn không khác gì con chó đánh hơi tìm một khúc xương. Mùi của bánh Jalebis, bánh puri và bánh kachori mới làm khiến tôi chóng mặt. Thậm chí đến thứ rất bình thường như một quả trứng luộc, vốn là món từ trước tới giờ tôi chưa hề thích, cũng làm tôi ứa nước miếng. Nhưng khi sờ túi áo, tôi chỉ tìm thấy mỗi đồng xu một rupi. Và sau cái vụ tôi để mất năm mươi nghìn rupi tối qua, nó dường như không còn là đồng xu may mắn nữa. Vậy là tôi liếm đôi môi khô nẻ và tự hỏi không biết mình phải làm thế nào để giết cơn đói.

Tôi sắp đổi chiếc đồng hồ đeo tay hiện số Casio lấy một đĩa chhole bhature thì nhìn thấy một tấm pa nô ở ngay cạnh căng tin nhà ga. Tấm pa nô chỉ ghi, “M - Chỉ một kilomet.” Ngay lập tức tôi biết mình có thể kiếm thức ăn ở đâu. Miễn phí.

Tôi rời ga Agra và bắt đầu tìm cái biển lớn màu đỏ có chữ M. Tôi rẽ sai một đôi lần gì đó, hỏi hai người bán hàng, và cuối cùng tìm thấy nó ở chính giữa một khu chợ cao cấp. Những người phục vụ ăn mặc bảnh bao tại nhà hàng McDonald nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ nhưng không xua đuổi tôi. Họ không thể đuổi một khách hàng mặc quần bò hiệu Levi’s, cho dù anh ta lôi thôi lếch thếch đến mức nào. Tôi đến đứng bên một cái thùng gỗ có nắp bật tự động. Nhân lúc không ai để ý tôi vội thò tay vào trong thùng và lôi ra tất cả những cái túi giấy màu nâu nằm trong tầm tay. Tôi rời khỏi nơi đó sau khi sử dụng căn phòng vệ sinh sạch sẽ để rửa sạch bụi đất trên mặt.

Nỗ lực bới rác đầu tiên của tôi khá thành công. Tôi ngồi trên cái ghế băng bằng gỗ sơn xanh ở bên ngoài nhà hàng, chén một cách ngon lành chiếc bánh mì kẹp rau đã bị gặm mất một nửa, mấy mẩu thịt gà, hai gói khoai tây chiên gần như còn nguyên và nửa cốc 7UP. Bới rác là một phần phương thức tồn tại qua ngày của một đứa trẻ đường phố. Tôi có quen mấy thằng bé sống nhờ cơm thừa canh cặn tìm thấy trên toa hạng sang của tàu tốc hành Rajdhani. Lại có những đứa nghiện bánh pizza kẹp thịt bò rắc tiêu của tiệm Pizza Hut, tối nào cũng cố gắng mót được ít nhất bảy tám lát thịt ngon lành từ thùng rác để bên ngoài tiệm. Nhưng tất cả những đứa ấy đều đồng ý rằng cách ăn miễn phí dễ nhất là mò đến đám cưới. Salim từng là chuyên gia về khoản này. Yêu cầu duy nhất là mặc quần áo gọn gàng và đi giày tử tế. Bạn trà trộn vào khách khứa rồi xếp hàng ở bàn tiệc đứng. Nhà gái sẽ nghĩ bạn là người của nhà trai còn nhà trai sẽ nghĩ bạn là người bên nhà gái. Bạn có thể uống tới mười hoặc mười lăm chai nước giải khát, ăn một bữa thịnh soạn và thưởng thức nhiều món tráng miệng. Bạn thậm chí có thể xoáy vài cái thìa nĩa inox đẹp đẽ. Salim đã chôm được gần đủ một bộ đồ ăn. Nhưng cậu ấy đã từ bỏ thói quen đó sau một lần đi ăn cỗ cưới ở Narimant Point, khi cậu ấy làm khách không mời của một đám cưới mà gia đình cô dâu và gia đình chú rể cãi nhau kịch liệt đến mức ẩu đả. Salim bị cả hai bên đánh cho tơi bời.

Cái bụng đói đã được no nê, tôi quyết định khám phá thành phố xa lạ này. Tôi đi qua những đường nhỏ đông đúc, đầy chật xích lô, người đi bộ và những con bò. Tôi chiêm ngưỡng những hàng rào có hoa văn phức tạp của các ngôi biệt thự cổ, thưởng thức mùi thức ăn tỏa ra từ những quán thịt nướng bên đường và quán cóc dành cho người ăn chay, chun mũi lại trước mùi hôi thối bốc lên từ các cống thoát nước và xưởng thuộc da. Tôi đọc những tấm áp phích lớn dán trên mọi khoảng trống, hối thúc mọi người đi xem những bộ phim mới hay bỏ phiếu cho những chính trị gia cũ. Tôi nhìn thấy những thợ thủ công cao tuổi, da nhăn nheo ngồi trong các cửa hàng xiêu vẹo tạo nên những bức chạm khắc bằng cẩm thạch tinh xảo và những gã bán hàng trẻ tuổi nhâng nháo bán điện thoại di động trong những cửa hàng có điều hòa nhiệt độ. Tôi phát hiện ra người giàu ở Arga không khác với người giàu ở Delhi và Mumbai, đều sống trong những ngôi nhà được xây bằng đá cẩm thạch và thủy tinh hữu cơ, có người gác cổng và chuông báo động. Và nhà ổ chuột ở Arga cũng không khác. Chúng cũng gồm những tấm tôn y như thế giả làm mái nhà; cũng vẫn những đứa trẻ trần truồng bụng ỏng nô đùa trong vũng bùn cùng lũ lợn trong khi mẹ chúng rửa xoong nồi bằng thứ nước tù đọng bẩn thỉu.

Tôi đi dọc con đường bụi bặm ngoằn ngoèo và bỗng nhiên nhìn thấy một con sông. Nước sông màu xanh vàng, đục ngầu. Mực nước rút xuống mấp mé ở điểm cho thấy mùa mưa vẫn chưa tới. Những khúc củi rều và những mảnh nhựa trôi lềnh bềnh theo dòng nước xoáy. Nếu ở nơi khác hẳn tôi sẽ dõi mắt theo dòng chảy uốn khúc, cúi xuống xem mức nước thủy triều lúc cao nhất trên bờ sông, nghển cổ để thoáng thấy một xác chết trôi dạt trên mặt nước. Nhưng không phải ở đây, không phải bây giờ. Bởi tôi đang dán mắt vào một thứ ở bên kia sông. Đó là một công trình kiến trúc trắng bóng nhô lên từ một cái nền hình vuông giống như một mái vòm đang phình ra, với những ô cửa vòm đỉnh nhọn và các hốc tường. Tòa kiến trúc được củng cố ở cả bốn mặt bởi những ngọn tháp trông như những cây giáo. Nó lấp lánh trong ánh mặt trời, nổi bật trên nền trời màu ngọc lam như một mặt trăng ngà. Vẻ đẹp của nó làm tôi mê mẩn.

Một lúc lâu sau, tôi quay ra hỏi người đi đường đầu tiên tôi gặp, một người đàn ông trung tuổi đang cầm hộp thức ăn. “Xin lỗi, cho tôi hỏi tòa nhà ở bên kia sông là tòa nhà gì vậy ạ?”

Ông ta nhìn tôi như thể tôi là kẻ mất trí. “Này, nếu không biết cái đó thì cậu đang làm gì ở Agra này hả? Đó là lăng Taj Mahal, đồ ngốc ạ.”

Taj Mahal. Kỳ quan thứ tám của thế giới. Tôi đã nghe nói về nó, nhưng chưa bao giờ được xem ảnh. Tôi đứng đó, bị cái lăng thôi miên trong khi những đám mây lơ lửng trên bầu trời tỏa bóng xuống mái vòm của nó, sự thay đổi của ánh sáng khiến cho lớp đá cẩm thạch nhẵn thín chuyển từ màu kem nhạt sang màu hoàng thổ rồi màu thạch cao tuyết hoa. Sự mất mát năm mươi nghìn rupi, nỗi lo lắng không biết tới đây mình sẽ ăn ở đâu, ngủ ở đâu và cả nỗi sợ bị cảnh sát bắt đều trở thành vô nghĩa trước sự tinh khiết toát ra từ vẻ tuyệt mỹ của nó. Ngay tại thời điểm đó, tôi quyết định hôm nay mình phải thăm Taj Mahal. Phải đến tận nơi.

Ba mươi phút rảo bước dọc con đê đưa tôi tới một cái cổng lớn xây bằng sa thạch đỏ. Một tấm bảng to màu trắng ghi dòng chữ: VÉ VÀO CỔNG TAJ MAHAL: NGƯỜI Ấn 20 RUPI, NGƯỜI NƯỚC NGOÀI 20 ĐÔ LA. THỨ HAI ĐÓNG CỬA, THỨ SÁU MIỄN PHÍ. Tôi nhìn chiếc đồng hồ Casio có báo ngày. Nó cho biết hôm nay là thứ Sáu ngày mười hai tháng Sáu. Xem chừng hôm nay là ngày may mắn của tôi.

Tôi bước qua cái máy dò kim loại, đi qua sân trước lát sa thạch với chiếc cổng ra vào có mái vòm và kia, ngay trước mặt tôi, Taj Mahal vươn lên lung linh trong sương chiều với tất cả vẻ đẹp và sự tráng lệ của nó. Tôi ngắm nhìn khu vườn đẹp đẽ với những đài phun nước, lối đi rộng rãi và cái hồ nhỏ phản chiếu hình ảnh trong vắt của lăng Taj rung rinh trong làn nước, và chỉ khi đó tôi mới để ý đến những đám đông tràn khắp khu lăng. Taj đông nghịt khách du lịch, cả trẻ lẫn già, giàu lẫn nghèo, người Ấn lẫn người ngoại quốc. Tiếng chớp đèn máy ảnh tanh tách khắp nơi, tiếng người cười nói lao xao trên sân, trong khi những viên cảnh sát cầm dùi cui với vẻ mặt nghiêm trang đang cố duy trì trật tự.

Sau nửa giờ thám hiểm không mục đích, tôi chú ý tới một nhóm khách du lịch phương Tây trông có vẻ khá giả được trang bị đầy đủ máy quay video xách tay và ống nhòm đang chăm chú lắng nghe một hướng dẫn viên cao tuổi đứng dưới chân tòa lâu đài. Tôi kín đáo lẩn vào nhóm khách đó. Người hướng dẫn viên chỉ vào tòa lâu đài bằng cẩm thạch và nói bằng giọng chua chua. “Tôi đã giới thiệu với các bạn những nét kiến trúc của sân trước làm bằng sa thạch đỏ, Chowk-i Jilo Khana, nơi chúng ta vừa đi qua. Giờ tôi sẽ nói cho các bạn biết đôi chút về lịch sử của Taj Mahal.”

“Vào một ngày, năm 1607, hoàng tử Khurram thuộc hoàng gia Mughal đang dạo bước tại hội chợ Meena Bazaar ở Delhi thì chợt nhìn thấy một cô gái bán lụa và chuỗi hạt thủy tinh tại một sạp hàng nhỏ. Ngài mê mẩn sắc đẹp của người con gái đến nỗi ngay lúc đó đã đem lòng yêu nàng. Nhưng phải mất tới năm năm ngài mới có thể cưới được người con gái đó. Tên thật của nàng là Arjuman Banu, nhưng ngài đặt cho nàng cái tên mới là Mumtaz Mahal. Khi đó nàng mười chín tuổi còn ngài vừa tròn hai mươi. Mumtaz Begum là cháu gái của Noorjahan hay còn gọi là Mehrunnisa, vợ của Jahangir và đồng thời là cháu gái của nữ hoàng Ba Tư triều đại Akbar, Bilgis Begum. Mumtaz và Khurram cưới nhau năm 1612 và trong mười tám năm họ đã có với nhau mười bốn người con. Mumtaz là người bạn không thể chia lìa của chồng nàng trong mọi chuyến hành trình và mọi cuộc viễn chinh. Nàng là đồng chí, là cố vấn và là người khơi nguồn cảm hứng cho hoàng đế trong những hoạt động từ thiện, những việc làm nhân nghĩa đối với người ốm đau và người cần giúp đỡ. Nàng qua đời trong khi sinh nở vào ngày mùng bảy tháng Sáu năm 1630 tại Burhanpur, chỉ ba năm sau khi Khurram trở thành hoàng đế Shahjahan của triều đại Mughal. Vào lúc lâm chung Mumtaz Mahal đã yêu cầu hoàng đế hứa với nàng bốn điều: thứ nhất, ngài sẽ dựng một tượng đài xứng với sắc đẹp của nàng; thứ hai, ngài sẽ không tái hôn; thứ ba, ngài sẽ đối tốt với các con; thứ tư, ngài sẽ đi viếng mộ nàng vào ngày giỗ của nàng. Cái chết của Mumtaz làm hoàng đế đau buồn đến nỗi nghe nói tóc ngài bạc trắng chỉ sau một đêm. Nhưng tình yêu dành cho người vợ lớn đến nỗi ngài đã ra lệnh xây dựng cho nàng một trong những lăng mộ đẹp nhất trên trái đất. Công việc được bắt đầu vào năm 1631. Nó phải mất tới hai mươi hai năm với nỗ lực tổng hợp của hai mươi nghìn nghệ nhân và thợ thủ công lành nghề từ Ba Tư, đế quốc Ottoman và thậm chí là châu Âu, và kết quả là những gì các bạn thấy trước mắt, lăng Taj Mahal, công trình được Rabindranath Tagore miêu tả là ‘giọt lệ trên gò má của thời gian’.”

Một cô gái mặc quần soóc cực ngắn giơ tay lên. “Xin lỗi cho hỏi, Tagore là ai vậy?”

“Ồ, ông ấy là nhà thơ Ấn Độ rất nổi tiếng từng giành giải Nobel. Ông ấy có thể được so sánh với, chẳng hạn như, William Wordsworth,” người hướng dẫn viên trả lời.

“William là ai?”

“Đừng bận tâm. Như tôi đã nói, tổ hợp kiến trúc Taj Mahal được cấu thành bởi năm yếu tố chính: Darwara nghĩa là cổng chính, Bageecha hay vườn, Masjid hay đền thờ, Naqqa Khanar hay nhà nghỉ và Rauza nghĩa là lăng mộ chính. Ngôi mộ thực sự được đặt trong lâu đài nơi chúng ta sẽ thăm trong ít phút nữa. Vào đến đó tôi sẽ chỉ cho các bạn thấy chín mươi chín cái tên của thánh Allah trên mộ Mumtaz và chiếc hộp bút được đặt trong mộ của Shah Jahan, đặc điểm nổi bật của một người nắm giữ quyền lực là nam giới. Những đài tưởng niệm này, theo truyền thống của vương triều Mughul, chỉ là đại diện cho những cỗ quan tài thật nằm ở cùng vị trí trong một hầm mộ ẩm ướt, không trang trí dưới lòng đất. Lăng mộ chiếm diện tích 57 mét vuông. Lâu đài bên trong trung tâm cao 24,5 mét, có đường kính 17,7 mét và được bao bọc bởi lớp tường ngoài cao gần 61 mét. Các tháp ở bốn mặt đều cao 40 mét. Các bạn sẽ thấy nghệ thuật chạm trổ thời đại đó tinh xảo đến mức nào bởi ngay cả lớp trang trí dày ba centimet cũng được khảm tới hơn năm mươi viên đá quý. Các bạn cũng sẽ nhận thấy những chữ khắc các đoạn kinh Koran quanh cổng vòm đều đồng nhất bất kể chúng ở độ cao nào.”

“Là một tượng đài biểu trưng cho tình yêu vĩnh hằng, lăng Taj bộc lộ những nét tinh tế của nó trước những ai biết đánh giá cái đẹp. Các bạn sẽ nhận thấy nền lăng hình chữ nhật chính là biểu trưng cho các mặt khác nhau mà từ đó người ta ngắm nhìn một người phụ nữ đẹp. Cổng chính giống như tấm mạng phủ trên mặt người phụ nữ, sẽ được vén lên một cách từ từ, thật nhẹ nhàng trong đêm tân hôn. Giống như một món đồ trang sức, lăng Taj lấp lánh dưới ánh trăng khi những viên đá bán quý khảm trong đá cẩm thạch trắng ở lăng mộ chính tiếp xúc với ánh trăng. Taj có màu hồng nhạt vào buổi sáng, màu trắng sữa vào chiều muộn và màu vàng ánh vào những đêm có trăng. Những thay đổi này, như người ta nói, mô tả các tâm trạng khác nhau của người phụ nữ. Giờ tôi sẽ dẫn các bạn vào trong lăng. Xin hãy cởi giày ra và để ở đây.”

Các du khách cởi giày và bước vào lăng chính. Tôi vẫn ở bên ngoài, cố khớp những màu sắc thay đổi của lâu đài với những kiểu tâm trạng thay đổi mà tôi thấy ở Neelima Kumari.

Ai đó gõ nhẹ vào vai tôi. Tôi quay phắt lại, thấy một người ngoại quốc đeo kính cùng vợ và hai đứa con đang nhìn tôi chằm chằm. Ông ấy được trang bị đủ các loại máy tiên tiến từ máy quay phim xách tay đến máy quay đĩa mini. “Xin lỗi, cậu nói được tiếng Anh không?” ông ta hỏi tôi.

“Có,” tôi đáp.

“Cậu làm ơn nói cho chúng tôi biết đôi chút về Taj Mahal. Chúng tôi là khách du lịch. Từ Nhật Bản. Chúng tôi chưa biết về thành phố của cậu. Chúng tôi vừa mới tới ngày hôm nay.”

Tôi muốn nói với ông ấy rằng tôi cũng chưa biết về thành phố này, rằng tôi cũng vừa mới tới đây ngày hôm nay, nhưng khuôn mặt tò mò của ông ấy đã cuốn hút tôi. Bắt chước giọng nói nghiêm trang của người hướng dẫn viên, tôi bắt đầu nói với ông ấy những gì tôi nhớ được. “Taj Mahal được hoàng đế Khurram xây cho vợ ngài là Noorjahan, còn được biết đến với cái tên Mumtaz Begum, vào năm 1531. Ngài gặp nàng trong khi nàng đang bán vòng trang sức trong một khu vườn và đem lòng yêu nàng, nhưng mười chín năm sau mới cưới nàng làm vợ. Nàng luôn cận kề bên ngài trong tất cả các trận chiến và sinh cho ngài mười tám người con trong vòng mười bốn năm.”

Ông người Nhật ngắt lời tôi. “Sinh mười tám người con chỉ trong mười bốn năm? Cậu có chắc không?” ông ta rụt rè hỏi.

“Tất nhiên,” tôi quở trách ông ta. “Ông biết đấy, chắc phải có mấy lần đẻ sinh đôi. Dù sao đi nữa, trong khi sinh đứa con thứ mười chín, Mumtaz đã qua đời ở Sultanpur vào ngày mười sáu tháng Sáu. Nhưng trước khi chết, bà xin nhà vua ban cho bốn đặc ân. Một là xây Taj Mahal, hai là không đánh đập các con, ba là làm cho tóc ngài bạc, bốn là... Tôi không nhớ, nhưng nó không quan trọng đâu. Đấy, như các bạn có thể thấy, Taj Mahal gồm một cổng vào, một khu vườn, một nhà khách và một ngôi mộ.”

Ông người Nhật gật đầu hào hứng. “Phải, phải, chúng tôi đã thấy cổng vào và khu vườn. Giờ chúng tôi đi thăm ngôi mộ. Nhưng nhà khách ở đâu nhỉ?”

Tôi quắc mắt nhìn ông ta. “Chẳng phải tôi đã nói với ông là những ngôi mộ thật nằm dưới lòng đất rồi sao? Vậy thì tất cả khu vực nằm trên mặt đất chắc phải là nhà khách. Ở bên trong lăng các bạn sẽ nhìn thấy mộ của Mumtaz và mộ của hoàng đế. Đừng quên xem cây bút được dát chín mươi chín viên ngọc nhé, và cứ ba centimet các bạn sẽ lại thấy năm mươi cái tên thánh được khắc trên tường. Các đoạn kinh khắc trên tường đều có nghĩa giống nhau, bất kể các chữ khắc khác nhau như thế nào. Điều đó chẳng tuyệt sao? Hãy nhớ rằng lâu đài cao 160 mét và các ngọn tháp cao 17 mét. Ngoài ra, nếu ngắm Taj Mahal từ các góc khác nhau, các bạn sẽ thấy những tấm mạng khác nhau của một người đàn bà trong đêm tân hôn. Hãy đi thử ngắm xem. Tôi xin nói kẻo quên mất, Tagore, nhà thơ nổi tiếng của chúng tôi, người đã giành giải Nobel nhờ những vần thơ ca ngợi Taj Mahal, đã gọi lâu đài này là ‘Cái tát trên má William Wordsworth’.”

“Thật ư? Ôi chao! Thật thú vị! Sách hướng dẫn không đề cập tới những chuyện này.” Ông quay sang bà vợ nói như bắn liên thanh bằng tiếng Nhật. Sau đó ông dịch lại cho tôi nghe. “Tôi nói với vợ tôi rằng không sử dụng dịch vụ hướng dẫn du lịch chính thức giá đắt quả là hay. Cậu đã kể cho chúng tôi mọi điều thật thú vị.” Ông cười rạng rỡ với tôi. “Chúng tôi cảm ơn cậu rất nhiều. Arigato.” Ông cúi chào và thả vào tay tôi thứ gì đó. Tôi cúi chào đáp lại. Khi ông ấy đi rồi, tôi mở nắm tay ra và thấy đồng năm mươi rupi mới cứng được gấp gọn gàng. Cho chỉ năm phút làm việc!

Giờ tôi biết hai điều: tôi muốn ở lại thành phố của Taj Mahal, và tôi không ngại trở thành một hướng dẫn viên du lịch.

Bóng tối bắt đầu buông xuống khi tôi cuối cùng cũng tách mình ra khỏi cái lăng mộ bằng cẩm thạch mà giờ đây đã được phủ một màu đỏ nhạt. Tôi phải tìm nơi ở tạm. Tôi tiến đến gần một cậu con trai đang đứng trên đường. Cậu ấy trạc tuổi tôi, mặc áo phông trắng, quần màu xám và đi dép Hawaii màu xanh dương. Cậu ấy đứng yên xem một vụ ẩu đả trên đường. Tôi vỗ nhẹ vào vai cậu. “Xin lỗi,” tôi nói. Cậu ấy quay người lại và nhìn tôi bằng ánh mắt ân cần chưa từng thấy. Tôi cảm nhận được sự thân thiện, thái độ tò mò, sự nồng ấm và hoan nghênh trong đôi mắt nâu biểu cảm đó. “Xin lỗi,” tôi nhắc lại, “tôi mới tới thành phố này. Cậu có thể cho tôi biết một nơi để ở tạm không?”

Cậu con trai đó gật đầu nói, “Uzo Q Fiks X Ckka Lgxyz.”

“Cậu nói gì cơ?” tôi hỏi.

“Uzo Q Fiks X Ckka Lgxyz,” cậu ta nhắc lại, vỗ hai tay vào nhau kêu đen đét.

“Xin lỗi tôi không hiểu thứ tiếng đó. Xin lỗi đã làm phiền cậu. Tôi sẽ đi hỏi người khác vậy.”

“Ejop Bkggks Hz,” cậu ấy khăng khăng rồi nắm cánh tay tôi. Cậu ấy bắt đầu lôi tôi về phía khu chợ. Tôi đã tính chuyện đánh bài chuồn, nhưng mặt cậu ấy thân thiện đến nỗi tôi cứ để yên cho mình bị dẫn đi. Cậu ấy bước đi theo một kiểu khác thường, gần như nhón chân. Cậu dẫn tôi xuyên qua những lối đi như mê cung chật chội và những con hẻm quanh co, rồi mười lăm phút sau chúng tôi đến trước một tòa nhà lớn. Tấm biển bằng đồng gắn bên cạnh cánh cửa sắt lớn ghi mấy chữ “Cung điện Swapna”. Cậu mở cửa và chúng tôi bước vào bên trong. Cung điện có đường uốn lượn dành cho xe vào, một bãi cỏ rộng với chiếc ghế xích đu Gujarati sơn màu và một đài phun nước. Tôi nhìn thấy hai người làm vườn đang làm việc cặm cụi trên bãi cỏ. Một chiếc Contessa cổ đậu ở lối đi, đang được một người lái xe mặc đồng phục lau chùi. Bạn tôi rõ ràng quen biết những người sống trong cung điện này bởi vì không ai cố ngăn cản cậu ấy khi cậu ấy dẫn tôi qua lối dành cho xe đến cái cổng gỗ trang trí hoa văn và nhấn chuông cửa. Một chị giúp việc da ngăm đen trông thật xinh xắn trẻ trung ra mở cửa. Chị ấy nhìn bạn tôi nói, “Ồ, cậu đấy à, Shankar. Sao cậu cứ tới đây hết lần này đến lần khác thế? Cậu biết Phu nhân không thích cậu xuất hiện ở phía này mà.”

Shankar chỉ vào tôi. “Dz Izzao X Nkkh.”

Chị giúp việc nhìn tôi từ đầu đến chân. “Oh, vậy ra Shankar đưa cậu tới đây trọ hả? Tôi không nghĩ nhà phụ còn phòng trống, nhưng tôi sẽ hỏi Phu nhân xem.” Nói rồi chị biến vào trong nhà.

Ngay sau đó một phụ nữ trung tuổi xuất hiện ở cửa ra vào. Bà ta quấn một tấm sari lụa đắt tiền và đeo hàng tấn đồ trang sức bằng vàng. Khuôn mặt bà ta phủ một lớp phấn. Hồi trẻ bà ta chắc hẳn rất xinh đẹp, nhưng, không giống Neelima Kumari, mặt bà ta đã mất đi nét rạng rỡ. Thêm vào đó, môi bà ta mím chặt lại khiến bà ta trông khá khắt khe. Như một phản ứng bản năng, tôi cảm thấy không ưa bà ta.

Shankar trở nên vô cùng phấn khởi khi nhìn thấy bà ta. “Q Gkrz Ukj Hjhhu,” cậu nói, cười xếch đến mang tai, nhưng người đàn bà đó thậm chí không thèm đếm xỉa đến sự có mặt của cậu ấy. “Cậu là ai?” bà ta hỏi tôi, săm soi quần áo tôi. “Sao cậu lại đến đây cùng Shankar?”

Tôi bắt đầu nản lòng trước sự săm soi của bà ta.

“Tên tôi là Raju Sharma,” tôi nói. Tôi không thể sử dụng tên thật của mình ở thành phố này. Không thể, sau khi tôi đã giết một người đàn ông xa lạ trên tàu hỏa.

“Vậy ra cậu là người Bà la môn?” bà ta hỏi, ánh mắt thậm chí càng tỏ ra nghi ngờ hơn. Đáng lẽ tôi phải hiểu được rằng một người Bà la môn da đen hẳn là điều gì đó khác thường lắm.

“Vâng. Tôi vừa tới Agra. Tôi đến hỏi xem liệu có chỗ nào ở tạm được không.”

“Ta có khu nhà phụ cho thuê.” Tôi nhận thấy bà ta dùng từ “ta” không khác gì cách vua chúa thường dùng. “Hiện giờ không còn phòng trống, nhưng nếu cậu đợi được một tuần thì ta có thể sắp xếp cho cậu một phòng. Mỗi tháng cậu sẽ phải trả bốn trăm rupi, và tiền thuê phòng phải trả trước toàn bộ vào đầu tháng. Nếu cậu chấp nhận các điều kiện đó, thì Lajwanti có thể dẫn cậu đi xem nhà phụ. Nhưng cậu phải tìm chỗ khác mà ở tạm trong một tuần.”

“Cảm ơn bà,” tôi đáp bằng tiếng Anh. “Tôi sẽ thuê phòng đó và tuần tới sẽ trả bà bốn trăm rupi.”

Bà ta ném cho tôi cái nhìn sắc lẻm ngay khi nghe thấy tôi nói tiếng Anh. Vẻ nghiêm khắc trên mặt bà ta phần nào dịu đi. “Có lẽ cậu có thể ở cùng Shankar một tuần. Lajwanti, dẫn cậu ấy tới nhà phụ.”

Và thế là kết thúc cuộc phỏng vấn được tiến hành ở cửa.

Lajwanti dẫn tôi tới nhà phụ nằm ngay sau cung điện, và tôi phát hiện ra khu này cũng tương tự như một khu chawl ở miền Bắc Ấn Độ. Nó có một cái sân rộng trải sỏi, với các phòng nối liền nhau được xây vòng quanh sân. Chắc phải có ít nhất ba mươi phòng cho thuê. Phòng Shankar ở gần như chính giữa hành lang phía Đông. Cậu mở khóa cửa và chúng tôi bước vào trong. Trong phòng chỉ có độc một chiếc giường, một cái tủ tường và nối liền với một căn bếp bé tẹo, giống y như trong khu chawl của chúng tôi ở Ghatkopar. Nhà vệ sinh công cộng nằm cuối hành lang phía Đông. Việc tắm rửa chỉ có thể được tiến hành ở giữa sân, dưới một vòi nước của thành phố, ngay trong tầm nhìn của tất cả những người thuê nhà ở đây. Lajwanti chỉ cho tôi phòng của chị ấy. Nó ở trước phòng của Shankar tám phòng. Căn phòng tôi sẽ chuyển đến sau một tuần nữa nằm sau phòng của Shankar bốn phòng.

Trước khi Lajwanti quay trở lại cung điện, tôi vội hỏi. “Xin lỗi, nhưng cậu Shankar này là ai vậy? Tôi chỉ vừa mới gặp cậu ấy ở trước cổng của Taj Mahal.”

Chị ấy thở dài. “Cậu ấy là một cậu bé mồ côi sống ở đây. Tất cả chúng tôi đều rất mến cậu ấy. Cậu bé tội nghiệp đó có vấn đề ở não và không nói rõ ràng mạch lạc được, chỉ toàn thốt ra những lời vô nghĩa. Cậu ấy đi lang thang quanh thành phố cả ngày. Phu nhân tốt bụng đã dành cho cậu ấy một phòng miễn phí và còn cho tiền để cậu ấy mua thức ăn. Nếu không thì những người ở trại tâm thần đã đến mang cậu ấy đi từ lâu rồi.”

Tôi choáng váng. Đối với tôi, Shankar có vẻ là một cậu con trai thông minh, chỉ bị khiếm khuyết ở khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ thôi. Có lẽ đánh giá của tôi về bà chủ cũng lệch lạc. Nếu đã rủ lòng thương Shankar thì bà ta không thể là người lạnh lùng như vẻ bề ngoài. “Thế còn Phu nhân. Kể thêm cho tôi nghe về bà ấy đi,” tôi bảo Lajwanti.

Giống như một người chép sử của triều đình đang thuật lại phả hệ của một nữ hoàng, Lajwanti kể về dòng dõi khá ấn tượng của bà chủ. “Bà ấy thật ra là nữ hoàng Swapna Devi. Nhưng tất cả chúng tôi đều gọi bà ấy là Phu nhân hoặc Rani Sahiba. Cha bà là vua của tiểu vương quốc Jamgarh, Raja Shivnath Singh, thuộc triều đại Rathore. Về phía họ ngoại, ông ngoại của bà là vua của Dharela, gần Agra, Raja Ravi Pratap Singh, người sở hữu đầu tiên của cung điện này. Khi hai mươi tuổi, Swapna Devi kết hôn với Kunwar Pratap Singh, con trai của vua xứ Bhadoni 10000 thuộc vương triều Gautam và chuyển đến Benares, nơi gia đình bà có một cung điện. Thật không may, chỉ hai năm sau khi họ kết hôn, chồng bà, vị hoàng tử trẻ tuổi, qua đời, nhưng bà không tái giá. Bà tiếp tục sống ở Benares trong mười hai năm tiếp theo. Trong thời gian đó, ông ngoại của bà, Raja Ravi Pratap Singh, qua đời, để lại cung điện này cho bà. Vậy nên bà chuyển về Agra và sống ở đây được mười năm rồi.”

“Thế còn con cái thì sao?” tôi hỏi chị ấy.

Lajwanti lắc đầu. “Không. Bà ấy không có con, vậy nên bà ấy luôn khiến mình bận rộn với các hoạt động từ thiện và công tác xã hội. Bà ấy có lẽ là người phụ nữ giàu có nhất Agra này và quan hệ rất rộng. Cảnh sát trưởng và chánh án quận tuần nào cũng ăn ở nhà bà ấy, vì thế cậu chớ có ấp ủ cái ý tưởng ở đây mà không trả tiền thuê phòng. Nếu cậu không trả tiền phòng vào ngày đầu tiên, thì ngày thứ hai sẽ phải cuốn gói khỏi đây. Cậu nên biết rõ điều đó.”

Tối hôm đó, Shankar nấu cơm cho tôi ăn và cứ khăng khăng nài tôi ngủ ở giường cậu. Cậu ấy ngủ trên sàn đá cứng. Lòng tốt của cậu ấy khiến mắt tôi ứa lệ. Việc cậu ấy cũng là một đứa trẻ mồ côi như tôi khiến giữa cả hai nảy sinh một sự gắn bó sâu sắc. Một sự gắn bó vượt trên cả tình bạn. Vượt trên cả tình bằng hữu. Vượt trên cả ngôn từ.

Đêm đó ở Agra trời đổ mưa.

Tôi phải trả bốn trăm rupi cho Phu nhân trong vòng bảy ngày nên không lãng phí thời gian thu lượm kiến thức liên quan đến công việc tôi đã lựa chọn. Năm mươi rupi tôi có cho phép tôi tới Taj Mahal trong hai ngày, và Shankar cho tôi vay mười rupi cho ngày thứ ba. Tôi lượn lờ quanh những đám khách du lịch phương Tây, nghe các hướng dẫn viên nói tiếng Anh và cố nhớ đến mức tối đa những thông tin chi tiết được nhắc tới. Việc đó không khó lắm, một phần vì tôi mê Taj Mahal như tên móc túi mê chiếc xe bus đông người. Có lẽ sự say mê đó đã ở sẵn trong máu tôi. Mumtaz Mahal có thể là một trong những tổ tiên của mẹ tôi. Hoặc có thể bố tôi thuộc dòng dõi hoàng triều Mughal. Dù sao chăng nữa, cho tới ngày thứ tư tôi cũng đã thu lượm đủ kiến thức về Taj Mahal để mong gia nhập đội ngũ hàng trăm hướng dẫn viên không có giấy phép hành nghề ở Agra. Tôi lượn lờ quanh lối vào lát sa thạch đỏ và mời chào những vị khách du lịch nước ngoài đã đến thăm Taj ngay cả trong cái nóng tháng Sáu ngột ngạt. Những “khách hàng” đầu tiên của tôi là một nhóm thiếu nữ sinh viên đại học đến từ nước Anh với những nốt tàn nhang, làn da rám nắng, séc du lịch và rất ít quần áo. Họ lắng nghe tôi nói một cách chăm chú, không hỏi bất cứ câu hỏi khó nào, chụp nhiều ảnh và đưa cho tôi một tờ mười bảng làm tiền boa. Chỉ khi đổi tiền tại cửa hàng kinh doanh ngoại hối tôi mới biết mình có bảy trăm năm mươi rupi, thậm chí sau khi đã trừ đi ba phần trăm tiền hoa hồng cho cửa hàng đó. Gần đủ để trả tiền thuê nhà cho hai tháng tới!

Một tuần sau tôi chuyển tới phòng của mình ở khu nhà phụ, nhưng trong bảy ngày ở trong phòng của Shankar tôi đã biết được nhiều điều về cậu ấy. Tôi phát hiện ra ngôn ngữ của cậu ấy không chỉ là những lời lắp bắp vô nghĩa. Mặc dù chúng ta thấy lời cậu ấy nói nghe có vẻ vô nghĩa, nhưng với cậu ấy chúng chứa đựng tính mạch lạc nội tại riêng biệt. Tôi cũng biết được rằng thức ăn ưa thích của Shankar là bánh chapatti và đậu lăng. Rằng cậu ấy ghét cà tím và bắp cải. Rằng cậu ấy không quan tâm đến đồ chơi. Rằng cậu ấy có kỹ năng hội họa tuyệt vời và có thể vẽ một người một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ nhất mà chỉ cần dựa vào trí nhớ. Và rằng, giống như tôi, cậu ấy cũng mơ thấy mẹ mình. Hai đêm tôi nghe thấy cậu ấy kêu lên, “Mẹ ơi, mẹ ơi,” trong giấc ngủ. Và tôi biết, sâu thẳm trong con người mình, cậu ấy sở hữu một khả năng nói tốt hơn là chỉ có thể phát ra những âm tiết vô nghĩa.

Việc sống với cậu ấy chắc hẳn có một tác động về mặt tâm lý đối với tôi, vì tôi nhớ mình đã mơ thấy một người phụ nữ trẻ cao ráo quấn sari trắng, bế một đứa bé trên tay. Gió rít phía sau cô ấy khiến những món tóc bay lòa xòa, che khuất khuôn mặt. Đứa bé nhìn vào mắt cô ấy líu lo rất dễ thương, “Mẹ... mẹ.” Người mẹ mở miệng đáp lại, nhưng âm thanh duy nhất thoát ra từ đôi môi cô ấy là “Q Gkrz Ukj Hu Wxwu.” Đứa bé thét lên và ngã lộn nhào khỏi lòng cô ấy. Tôi choàng tỉnh, vội kiểm tra xem mình có còn lưỡi hay không.

Trong năm tiếp theo ở Agra, tôi thu lượm được một lượng thông tin dồi dào về Taj Mahal. Tôi biết được những chi tiết rất sâu về cuộc đời Mumtaz Mahal, chẳng hạn như người con thứ mười bốn, người con mà sự chào đời được đổi bằng mạng sống của bà, được gọi là Gauharar. Tôi ghi nhớ những mô tả chi tiết về công việc xây dựng Taj Mahal, chẳng hạn ngân khố quốc gia đã cung cấp 466.55 kg vàng ròng trị giá sáu mươi vạn rupi vào năm 1631, và tổng chi phí của công trình lên tới 41.848.826 rupi, 7 anna và 6 pie. Tôi đào sâu vấn đề gây tranh cãi liên quan đến việc ai mới thực sự là người xây Taj và cái tuyên bố không xác thực cho rằng đó là Geronimo Veroneo, một thợ kim hoàn người Ý. Tôi tìm hiểu truyền thuyết về Taj thứ hai và bí ẩn về những gian hầm và một ngôi mộ thứ ba có thể có. Tôi có thể cao giọng diễn thuyết về nghệ thuật pietra dura, được sử dụng trong mẫu hoa văn trên các bức tường của Taj và trong những khu vườn được tạo ra theo phong cách Char Bagh Ba Tư. Khả năng nói tiếng Anh trôi chảy tạo cho tôi một lợi thế ngay từ đầu. Du khách nước ngoài lũ lượt kéo đến với tôi và chẳng bao lâu danh tiếng hướng dẫn viên Raju đã lan xa. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng tôi là một chuyên gia về Taj Mahal. Tôi có thông tin, nhưng không có hiểu biết. Hướng dẫn viên Raju không hơn gì một con vẹt chỉ biết kể lại một cách trung thành những gì mình nghe được mà không thực sự hiểu nổi nghĩa của một từ.

Qua thời gian, tôi học nói “Konichiwa” với các du khách Nhật, nói “Dasvedanya” với du khách Nga, “Muchasgracias” với người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha boa cho tôi và nói “Howdy” với những người Mỹ lỗ mãng. Nhưng, tôi nuối tiếc khôn nguôi vì không có lấy một khách hàng người Australia nào, để tôi có thể vỗ vào lưng và nói “Chúc một ngày tốt lành, ông bạn, tôi sẽ cho ông biết những thông tin lý thú về lăng mộ vĩ đại này.”

Tôi cũng bắt đầu kiếm kha khá từ các du khách. Tiền bạc không dư dả nhưng chắc chắn đủ để trả tiền thuê nhà, thỉnh thoảng có thể ăn tại quán McDonald hoặc tiệm Pizza Hut, và vẫn có thể dành dụm chút ít cho một ngày mưa. Ấy là chưa kể một ngày mưa đã chẳng còn ý nghĩa đối với một người gần như cả đời sống ngoài trời dưới những đám mây mùa mưa. Tôi đã trải qua quá nhiều bất hạnh và với nỗi sợ hãi thường trực trong lòng rằng bất kỳ ngày nào chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy cũng có thể đến bắt tôi vì tội giết một gã thổ phỉ vô danh hay Shantaram hoặc thậm chí Neelima Kumari, tôi cảm thấy mình có lập kế hoạch lâu dài cho tương lai cũng chẳng ích gì. Bởi vậy, tôi coi tiền bạc, cũng như coi cuộc đời mình, là một thứ hàng hóa có thể dùng cho đến cạn. Dễ đến thì dễ đi. Chẳng có gì ngạc nhiên, tôi sớm trở nên nổi tiếng trong khu nhà phụ là một người hảo tâm.

Dân cư ở khu nhà phụ là một bộ sưu tập hỗn tạp: sinh viên đại học nghèo đến từ những làng quê xa xôi, những tay thư ký chính phủ đem nhà ở chính thức của mình cho thuê bất hợp pháp với giá cắt cổ, người lái tàu hỏa, nhân viên giặt là, người làm vườn, đầu bếp, nhân viên lau dọn, thợ hàn, thợ mộc, thậm chí cả một nhà thơ với bộ râu không thể không có. Nhiều người trong số họ trở thành bạn của tôi. Sống giữa họ, tôi hiểu được rằng câu chuyện của hoàng đế Shahjahan và Mumtaz Mahal không phải câu chuyện duy nhất trong cái thành phố nhỏ bé không mấy nhộn nhịp này.

Lajwanti là người “cung cấp tin tức” chính thức của khu nhà phụ. Chị ấy nhạy bén và luôn biết chính xác chuyện gì xảy ra bên hàng xóm. Chị ấy biết những kẻ đánh vợ, người ngoại tình, kẻ say xỉn, người keo kiệt, những kẻ không chịu trả tiền thuê nhà và kẻ ăn hối lộ. Bất chấp lòng trung thành rõ rành rành đối với bà chủ của mình, chị ấy không phản đối việc chia sẻ vài mẩu tin thú vị về cung điện. Tôi đã nghe được từ chị những chuyện ngồi lê đôi mách về quá khứ đầy màu sắc của Swapna Devi. Nghe đồn bà ta đã có một cuộc tình nồng cháy với em trai của người chồng quá cố, Kunwar Mahendra Singh, nhưng cuối cùng đã cãi nhau và đánh thuốc độc giết chết ông ta. Cũng có tin đồn mối quan hệ bất chính đó đã dẫn đến kết quả là một đứa con gái ngoài giá thú ở Benares. Không ai biết chuyện gì đã xảy ra với đứa con gái đó, và dường như cũng chẳng người nào quan tâm.

Một tối, Shakil, một trong những sinh viên nghèo sống trong khu nhà phụ đến gặp tôi.

“Raju bhai, nếu cậu không phiền, tôi có thể xin cậu một ân huệ được không?” anh ta rụt rè hỏi.

“Được, Shakil, gì vậy?” tôi hỏi, cảm nhận được mục đích chuyến viếng thăm của anh ta.

“Quả thực, tháng này bố tôi không thể gửi tiền qua bưu điện cho tôi được vì làng chúng tôi đang gặp hạn hán, và nếu thứ Hai này không nộp học phí cho trường đại học thì tôi sẽ bị đuổi học. Cậu làm ơn cho tôi mượn một trăm năm mươi rupi được không? Tôi hứa sẽ hoàn trả ngay khi nhận được giấy lĩnh tiền tháng tới.”

“Dĩ nhiên rồi, Shakil. Tôi đã cho nhà thơ Najmi vĩ đại của chúng ta mượn năm mươi rupi và cho Gopal mượn một trăm, và tôi vẫn giữ một trăm để mua áo mới nhưng việc của anh cấp bách hơn việc của tôi, vậy nên cứ cầm cả đi.”

Shankar và tôi được Lajwanti mời tới phòng chị ấy ăn tối. Chị ấy chưa kết hôn và sống một mình ở khu nhà phụ, nhưng chị ấy có người em gái sống ở một ngôi làng cách Agra khoảng ba mươi cây số. Điều đầu tiên khiến tôi chú ý ở căn phòng của Lajwanti là sự sạch sẽ hết mức của nó. Đó là căn phòng sạch sẽ nhất mà tôi từng thấy. Sàn phòng lát đá được lau chùi đến bóng loáng. Không hề có một vết bụi. Giường được sắp xếp gọn gàng, ngay đến một nếp nhăn trên tấm khăn trải giường bằng cotton cũng không thấy. Có những vật trang trí nho nhỏ được bày trên mặt lò sưởi với độ chính xác về mặt hình học. Mọi thứ đều cực kỳ gọn gàng sạch sẽ. Thậm chí cái bếp trông cũng sạch đến nỗi tôi gần như có thể hình dung ra bồ hóng từ bếp của chị ắt phải trắng chứ không đen. Shankar và tôi ngồi trên ghế; Lajwanti ngồi trên giường, quấn tấm sari màu hồng nhạt. Chị có vẻ rất phấn khởi và kể với chúng tôi rằng chị đã bắt đầu tìm một chàng rể phù hợp cho em gái, cô Lakshmi, người giờ đây đã mười chín tuổi.

“Thế còn chị thì sao?” tôi hỏi chị. “Chẳng phải chị là chị thì phải kết hôn trước sao?”

“Đúng, tôi nên như vậy,” chị đáp. “Nhưng với Lakshmi tôi không chỉ là một người chị gái, tôi còn là cha là mẹ từ khi cha mẹ con bé mất cách đây năm năm. Đó là lý do khiến tôi không thể hành động một cách ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mình. Một khi gả chồng cho em tôi xong, coi như trách nhiệm của tôi đã hoàn thành và khi đó tôi có thể tìm hoàng tử của mình.”

“Vậy chị định tìm chàng rể phù hợp bằng cách nào?”

“Hai tháng trước tôi đăng quảng cáo trên tờ báo tiếng Hindi Dainik Ujana, và nhờ phước lành của nữ thần Durga nên phản hồi rất tốt. Nhìn xem có bao nhiêu thư gửi đến này.” Chị đưa ra cả một bó thư và phong bì. Chị chọn từ đó ra sáu tấm ảnh và đưa cho chúng tôi xem. “Nói cho tôi biết, trong số này cậu nào hợp với Lakshmi đây?”

Shankar và tôi ngắm nghía các chú rể tương lai. Chúng tôi tìm thấy khiếm khuyết ở hầu hết bọn họ. Người thì trông quá già. Người thì có điệu cười hiểm ác. Người thì xấu xí. Người lại có một vết sẹo. Một bức trông không khác gì ảnh tù nhân trong hồ sơ cảnh sát. Chỉ còn lại mỗi một bức ảnh. Đó là ảnh chụp một thanh niên đẹp trai với kiểu tóc hợp thời trang và bộ ria mép rậm. “Đúng, anh chàng này trông có vẻ khá nhất trong bọn,” tôi nói với Lajwanti. Shankar cũng gật đầu nhiệt liệt tán thành. “Q Gqft Pdz Wku,” cậu ấy nói.

Lajwanti hài lòng với sự lựa chọn của chúng tôi. “Cậu ấy cũng là sự lựa chọn của tôi. Không chỉ trông dễ ưa nhất, cậu ấy còn là người có trình độ nhất và xuất thân từ một gia đình tử tế. Các cậu có biết cậu ấy là một viên chức cao cấp của nhà nước không?”

“Thật ư? Anh ta làm gì?”

“Cậu ấy là một viên chức trong ngành mía đường của quận. Lakshmi sống với cậu ấy sẽ sướng như một bà hoàng. Vậy tôi có nên bắt đầu thương lượng với gia đình cậu ấy không? Hay cứ để ơn phước của thần Durga thúc đẩy quá trình này?”

“Tất nhiên, hãy tiến hành ngay không chậm trễ.”

Tối đó Lajwanti đãi chúng tôi một bữa ăn ngon tuyệt, gồm bánh puri, bánh kachori, khoai tây, đậu lăng, muttar paneer, được bày trên những chiếc đĩa bằng thép sạch đến nỗi có thể chập đôi lại thành gương. Tôi cảm thấy gần như có lỗi khi ăn bằng bộ đồ ăn sạch bóng của chị và cứ lo chúng sẽ bị xước. Tôi không nhịn được bèn hỏi chị, “Lajwanti, làm thế nào mà nhà chị sạch sẽ ngăn nắp thế? Chị nuôi một người hầu gái à?”

Chị tỏ ra cảm kích trước sự chú ý của tôi. “Đừng đùa tôi. Làm thế nào một cô hầu lại có thể thuê cho mình một cô hầu chứ? Tôi là người giữ cho căn nhà cực kỳ sạch sẽ và ngăn nắp. Đó là thói quen của tôi từ khi còn nhỏ. Tôi không thể sống trong một căn nhà bẩn thỉu. Hễ nhìn thấy một vết bẩn trên sàn, một mẩu thức ăn dính trên bàn ăn hay một vết nhăn trên khăn trải giường là các ngón tay tôi lại ngứa ngáy. Trước kia mẹ tôi từng nói, ‘Lajwanti thậm chí không thể chịu đựng được một chiếc lá từ trên cây rơi xuống không đúng chỗ.’ Đó là lý do tại sao Rani Sahiba rất hài lòng về tôi. Hôm trước tôi nghe lỏm được bà ấy nói với vợ ông cảnh sát trưởng rằng Lajwanti là cô giúp việc tốt nhất bà ấy có và bà ấy sẽ không bao giờ để tôi đi khỏi đây.” Chị ấy cười rạng rỡ vì hãnh diện.

“Đúng thế, tôi đồng ý, chị là cô giúp việc cừ nhất thế giới. Nhưng tốt hơn chị không nên đến phòng tôi, nếu không chị sẽ phát ốm lên mất.”

Shankar cũng đồng ý rằng Lajwanti là người giúp việc cừ nhất. “Q Gkrz Gxesxipq,” cậu ấy nói và toét miệng cười rạng rỡ.

Hôm nay, những khách hàng cuối cùng của tôi là một nhóm bốn sinh viên đại học giàu có đến từ Delhi. Họ là những người trẻ tuổi ồn ào, diện quần bò xịn và đeo kính râm nhập ngoại, đưa ra những lời bình luận hỗn xược về Taj Mahal, không ngừng trêu ghẹo nhau và thổ ra những câu đùa tục tĩu. Cuối buổi thăm quan có hướng dẫn viên này, họ không chỉ trả tiền công mà còn boa đậm cho tôi. Sau đó họ mời tôi đi chơi đêm với họ trên chiếc xe minivan có người lái thuê. “Hướng dẫn viên Raju, hãy đi với chúng tôi, chúng tôi sẽ làm cho cậu sung sướng,” họ nài nỉ. Thoạt đầu tôi khước từ, nhưng họ cứ nài nỉ mãi và tôi biết ơn họ vì khoản tiền boa hậu hĩnh đến nỗi không thể từ chối được. Tôi nhảy lên xe.

Trước tiên chúng tôi đến khách sạn Cung điện. Đó là lần đầu tôi đặt chân đến một khách sạn năm sao. Tôi ngồi trong nhà hàng có máy lạnh của khách sạn, ngắm những bộ đèn chùm tỏa ánh sáng êm dịu lấp lánh, những người phục vụ mặc chế phục, thưởng thức nhạc không lời êm ái, nhìn các vị khách ăn mặc sang trọng phô ra sự giàu có và uy quyền. Đàn ông nói bằng giọng trầm tự tin, phụ nữ thì giống như những cô búp bê thanh tú. Thức ăn khiến người ta ứa nước miếng. Một cậu con trai trong nhóm đưa thực đơn cho tôi. “Này, Raju. Cứ gọi bất cứ món gì cậu thích.” Tôi nhìn thực đơn và gần như ngộp thở khi thấy giá tiền. Một đĩa thịt gà chiên bơ có giá sáu trăm rupi! Tại cái quán cóc gần khu nhà phụ tôi có thể mua một đĩa y như thế mà chỉ mất có năm mươi lăm rupi. Nhưng tôi hiểu ở đây bạn không chỉ trả tiền thức ăn mà còn trả cho không khí của khách sạn. Các cậu con trai gọi gần như tất cả các món ghi trên thực đơn và hai chai whisky Scotch.

Cảnh sang trọng này khiến tôi khó chịu. Ở Mumbai, Salim và tôi mò đến các đám cưới của nhà giàu để được ăn miễn phí nhưng chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy phẫn uất về sự giàu có của họ. Nhưng nhìn những cậu con trai giàu có này tiêu tiền như rác, tôi lại bị bóp nghẹt bởi ý thức hoàn toàn mới về sự thiếu thốn. Sự tương phản với cuộc sống không hoàn hảo của tôi giày vò tôi bằng tác động của sự đau đớn về thể xác. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi cái đói trong tôi teo đi rồi chết hẳn, bất chấp hàng bao nhiêu thức ăn hấp dẫn bày tú hụ trên bàn. Chính khi đó tôi nhận ra mình đã thay đổi. Và tôi tự hỏi không biết người ta cảm thấy như thế nào khi không còn mong muốn gì nữa vì bạn đã đáp ứng cho họ mọi thứ, làm họ ngạt thở trong tiền bạc thậm chí từ trước khi họ được sinh ra. Sự tồn tại mà không có mong muốn gì có phải là điều rất đáng ao ước không? Và liệu sự thiếu thốn niềm khao khát có tốt hơn chính sự thiếu thốn thuần túy không? Tôi nghĩ về những câu hỏi này, nhưng không đạt được câu trả lời thỏa mãn nào.

Sau khi đã ăn đủ thức ăn, uống đủ whisky, các cậu con trai lại bảo tôi lên chiếc minivan.

“Giờ chúng ta đi đâu?” tôi hỏi.

“Rồi cậu sẽ biết,” họ nói rồi cười phá lên.

Người lái xe đưa chúng tôi qua những đường phố hẹp và những khu chợ đông đúc tiến về vùng ngoại ô của Agra. Cuối cùng anh ta cho xe chạy vào một khu định cư trông rất lạ nằm gần đường quốc lộ được gọi là Basai Mohalla. Ở lối vào khu đó có một bảng thông báo: “Vào khu vực đèn đỏ bạn phải chịu mọi rủi ro. Hãy luôn nhớ sử dụng bao cao su. Phòng bệnh AIDS, giữ lấy mạng sống.” Tôi không hiểu hai chữ đèn đỏ trên bảng thông báo ám chỉ điều gì. Chẳng căn nhà nào trong tầm mắt tôi có gắn đèn đỏ. Có ít nhất một tá xe tải đỗ bên đường. Mấy đứa trẻ đi chân đất la cà trên đường - không thấy bóng dáng mẹ chúng đâu. Tiếng nhạc và tiếng lục lạc đeo trên chân các vũ công văng vẳng trong không gian đêm. Ở phía xa, tôi có thể nhìn thấy mái vòm và những ngọn tháp của Taj Mahal lấp lánh dưới ánh trăng vàng. Quầng sáng của mặt trăng và toàn cảnh của lăng mộ cẩm thạch thậm chí khiến cả lớp lớp những ngôi nhà tạm bợ một hoặc hai tầng bụi bặm và bẩn thỉu này cũng đều nhuốm chút bụi vàng.

Mấy cậu sinh viên bước xuống xe tiến về một khu nhà nhỏ. Tôi lưỡng lự, nhưng họ kéo tôi đi. Giờ tôi nhận thấy khu này khá tấp nập. Những gã đàn ông trông có vẻ gớm guốc mặc pyjama kurta lởn vởn trước nhà, bỏm bẻm nhai trầu. Tôi nhìn thấy những cô gái ở các độ tuổi khác nhau chỉ mặc váy lót dài và áo cánh, trát bự phấn và đeo đồ trang sức, ngồi trên các bậc lên xuống. Vài cô liếc mắt ve vãn chúng tôi và giơ ngón tay thực hiện những cử chỉ khiêu dâm khêu gợi. Giờ thì tôi đã hiểu khu vực đèn đỏ là gì. Đó là nơi gái mại dâm hoạt động. Tôi đã nghe nói về sự tồn tại của đường Falkland ở Mumbai và đường G.B ở Delhi, nhưng tôi chưa bao giờ thực sự đến thăm một khu đèn đỏ. Tôi thậm chí còn không biết ở Agra có một khu như thế. Đêm nay quả thực đang trở thành một đêm dành cho những trải nghiệm mới của tôi.

Mấy cậu con trai bước vào một căn nhà hai tầng rộng rãi trông đỡ tồi tàn hơn những căn nhà khác, không quên kéo tôi vào cùng. Chúng tôi bước vào một phòng chờ thông với các hành lang hẹp dẫn tới một dãy phòng nhỏ.

Một người đàn ông đón chúng tôi. Gã còn trẻ, khuôn mặt có vết sẹo và đôi mắt gian giảo. “Xin hoan nghênh, các quý ông, các ông đã đến đúng chỗ rồi đấy. Chúng tôi có những cô gái trẻ đẹp nhất Agra,” gã nói.

Các cậu con trai hội ý riêng với gã, đàm phán giá cả. Một tập tiền được trao tay. “Chúng tôi trả cả cho cậu rồi, Raju ạ. Đi đi, và vui vẻ bằng tiền của chúng tôi nào,” họ nói, rồi mỗi người biến vào một căn phòng cùng một cô gái. Tôi bị bỏ lại một mình ở phòng chờ. Ngay sau đó, một người đàn bà lớn tuổi nhai paan tới đưa tôi đi cùng bà ta. Tôi theo bà ta lên tầng trên. Bà ta dừng lại trước một cánh cửa gỗ sơn xanh và bảo tôi vào phòng. Sau đó, với những bước chân mệt mỏi, bà ta xuống cầu thang.

Tôi không quyết định nổi mình nên vào phòng hay quay ra xe. Một phần trí óc bảo tôi rời khỏi đó ngay lập tức. Nhưng phần khác lại thúc ép tôi ở lại, và tôi bị dồn ép bởi sự tò mò gần như bất thường. Trong những bộ phim tiếng Hindi mà tôi đã xem, nhân vật nữ chính hành nghề mãi dâm chắc chắn là một cô gái tốt bụng bị ép phải làm cái nghề này. Kết thúc bộ phim cô gái bán dâm thế nào cũng tự tử bằng cách uống thuốc độc. Tôi tự hỏi liệu có phải mình bị đưa đến cái nhà thổ này là có mục đích hay không. Phải chăng có một nhân vật nữ chính đang đợi tôi phía sau cánh cửa này. Liệu có phải tôi là người hùng của cô ấy, người có nhiệm vụ đến cứu cô ấy. Phải chăng tôi có thể thay đổi kết cục và ngăn không cho cái chết đến với cô ấy.

Tôi đẩy cánh cửa rồi bước vào phòng.

Đó là một căn phòng nhỏ có một chiếc giường kê ở chính giữa. Không hiểu sao tôi chẳng chú ý gì đến xung quanh. Mắt tôi chỉ bị hút vào cô gái vận sari màu hồng tươi đang ngồi trên giường. Cô có nước da ngăm đen và xinh đẹp, với đôi mắt dễ thương được viền phấn côn, đôi môi tô son gợi cảm và mái tóc đen dài tết đuôi sam được điểm những bông hoa trắng thơm ngát. Cô đánh phấn rất đậm và cả cổ lẫn hai cánh tay đều đeo đồ trang sức.

“Xin chào,” cô nói. “Đến ngồi ở giường với em đi.” Lời thốt ra từ miệng cô nghe như những nốt nhạc từ cây đàn piano. Tôi miễn cưỡng bước tới chỗ cô. Cô ấy cảm nhận được sự ngần ngại của tôi bèn nở nụ cười. “Đừng lo. Em không cắn anh đâu.”

Tôi ngồi xuống giường cạnh cô. Tôi để ý thấy khăn trải giường không được sạch, có những vết bẩn và những vệt ố kỳ lạ.

“Anh là người mới,” cô nói. “Tên anh là gì?”

“Ram Mohammad Thom - không, không... Raju Sharma,” tôi đáp, kịp ghìm lại đúng lúc.

“Có vẻ như anh quên mất tên của mình trong chốc lát.”

“Không - không đâu. Tên cô là gì?”

“Nita.”

“Nita gì?”

“Nghĩa là gì á?”

“Tôi muốn nói tên đầy đủ của cô là gì? Cô không có họ sao?”

Cô cười khúc khích. “Ngài đến nhà thổ, thưa ngài, chứ không phải phòng đăng ký kết hôn. Gái mại dâm không có tên họ. Giống như những con mèo con chó nuôi trong nhà, chúng em chỉ được gọi bằng tên không thôi. Nita, Rita, Asha, Champa, Meena, Leena, tùy anh chọn.” Cô nói bằng giọng vô cảm chẳng gợn chút cay đắng hay nuối tiếc.

“Vậy cô là gái mại dâm?”

Cô ấy lại cười. “Anh đúng là kỳ lạ. Này anh, khi đến Basai Mohalla, anh chỉ gặp toàn gái bán dâm thôi. Chắc chắn anh sẽ không gặp mẹ và các chị em gái của anh ở cái khu này của Agra rồi!”

“Cô bao nhiêu tuổi?”

“Câu hỏi này thích hợp hơn đấy. Em mười bảy. Đừng có nói là anh muốn một cô còn trẻ hơn em đấy nhé. Em thấy anh trông không quá mười sáu tuổi.”

“Tôi cũng mười bảy. Hãy nói cho tôi biết cô làm nghề này bao lâu rồi?”

“Quan trọng gì chứ? Tất cả những gì anh cần biết là em còn trinh hay không. Ồ, em không còn trinh đâu. Anh sẽ phải trả gấp bốn lần số tiền anh đã trả cho em nếu muốn một cô gái trinh. Nhưng cứ thử với em mà xem, em thậm chí còn tuyệt hơn cả một cô gái trinh. Anh sẽ không thất vọng đâu.”

“Cô không lo có thể mắc bệnh sao? Có một tấm bảng ở lối vào cảnh báo về bệnh AIDS đấy.”

Cô ấy lại cười, một tiếng cười trống rỗng, rỗng tuếch. “Này, đây là nghề dành cho em, không phải một sở thích. Nó giúp em kiếm được đủ tiền để nuôi thân và nuôi gia đình. Nếu em không làm nghề này, gia đình em đã chết đói từ lâu rồi. Những gái bán dâm như em biết về AIDS. Nhưng thà ngày mai chết vì bệnh còn hơn hôm nay chết vì đói, anh không nghĩ thế à? Giờ anh định tiếp tục hỏi hay làm gì đó nào? Sau này đừng có trách em làm anh hết thời gian và Shyam đưa khách hàng mới vào. Em đang đắt khách đấy.”

“Shyam là ai?”

“Anh ta là người dẫn khách của em. Em đưa tiền cho anh ta. Nào vào việc đi, em sẽ cởi sari.”

“Không. Đợi đã. Tôi muốn hỏi cô vài câu nữa.”

“Này, anh đến đây để làm tình hay để nói chuyện hả? Anh giống như cái gã phóng viên da trắng tới đây cùng với máy quay phim và máy ghi âm. Anh ta nói không quan tâm đến em mà chỉ đang tiến hành một cuộc nghiên cứu thôi. Nhưng em vừa cởi áo choli ra là anh ta quên luôn cái nghiên cứu của anh ta. Âm thanh duy nhất trong máy ghi âm là tiếng rên của chính anh ta. Giờ để xem anh có giống y như anh ta không.”

Cô ấy giật áo của mình ra chỉ bằng một động tác. Cô ấy không mặc áo ngực. Hai bầu vú rắc chắc của cô lộ ra tựa như các vòm tròn của một Taj Mahal màu nâu. Chúng tròn trĩnh một cách hoàn hảo, mịn màng và hai đầu vú chĩa ra như những đỉnh tháp nhọn đẹp tuyệt. Miệng tôi khô không khốc. Hơi thở của tôi trở nên nông hơn. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch trong lồng ngực. Tay cô ấy lướt xuống ngực tôi và cô nhận thấy tôi cương cứng. Cô ấy cười, “Tất cả đàn ông đều giống nhau. Khi nhìn thấy vú đàn bà là tất cả đạo đức của các anh chuồn ra ngoài cửa sổ hết. Làm đi.” Cô ấy kéo tôi vào cô và tôi trải qua một khoảnh khắc đê mê tột đỉnh, thuần túy. Một dòng điện phóng qua cơ thể tôi gây rung động hơn cả những cơn sốc. Tôi run lên vì khoái lạc.

Sau đó khi chúng tôi nằm cạnh nhau dưới chiếc quạt trần lắc lư và tôi cũng đã góp một vết bẩn trên tấm khăn trải giường, tôi hít mùi hương thơm ngát từ những bông hoa trên mái tóc đen huyền của cô và hôn cô ấy một cách vụng về.

“Sao anh không nói cho em biết đây là lần đầu tiên của anh?” cô ấy nói. “Nếu anh nói, thì em đã nhẹ nhàng hơn. Nhưng giờ thì đi đi, thời gian của anh hết rồi.” Cô ấy ngồi phắt dậy và bắt đầu thu nhặt quần áo của mình.

Sự lỗ mãng đột ngột của cô ấy làm tôi bực mình. Năm phút trước tôi là người tình của cô, nhưng giờ tôi là một khách hàng đã dùng hết thời gian của mình. Lúc đó tôi hiểu rằng khoảng thời gian thú vị đã thực sự trôi qua. Điều kỳ diệu đã tan biến, và giờ đây khi không còn mờ mắt vì khao khát nữa, tôi nhìn thấy căn phòng trong sắc màu thực của nó. Tôi thấy một chiếc cassette trên chiếc bàn tường, được nối với nguồn điện bằng một cái dây màu đen xấu xí. Tôi nhìn thấy những mảng tường mốc đã bong sơn. Tôi nhìn thấy tấm rèm cửa sổ đỏ bạc màu sờn cũ. Tôi nhìn thấy các vết ố bẩn trên tấm khăn trải giường và những giọt nước mắt trên đệm. Tôi cảm thấy hơi ngứa, có lẽ là do những con ghẻ rúc trên giường. Tôi hít cái mùi ẩm mốc và thối rữa của căn phòng. Mọi thứ giờ đây dường như đều dơ dáy và nhớp nhúa. Nằm trên cái giường nhơ nhớp này tôi cảm thấy ô uế và bẩn thỉu. Tôi cũng ngồi dậy và vội vã mặc quần áo.

“Còn tiền boa cho em thì sao?” cô ấy hỏi trong khi mặc áo.

Tôi lấy từ trong ví ra tờ năm mươi rupi và đưa cho cô. Cô ấy nhét nó vào trong áo với vẻ biết ơn.

“Anh có thích chuyện đó không? Anh có đến nữa không?” cô ấy hỏi.

Tôi không trả lời và vội vã rời khỏi phòng.

Sau đó, ngồi trong chiếc minivan quay về thành phố, tôi ngẫm nghĩ về các câu hỏi của cô ấy. Tôi có thích chuyện đó không? Có. Tôi có đến nữa không? Có. Một cảm giác mới lạ khiến tôi xao xuyến, làm tôi choáng váng. Đó là tình yêu ư? Tôi tự hỏi mình. Tôi không biết câu trả lời, nhưng tôi biết điều này - tôi đã vào một khu vực đèn đỏ và phải tự chịu mọi rủi ro. Tôi đã gặp một gái mại dâm, đã quan hệ tình dục lần đầu tiên. Và giờ thì tôi mắc câu rồi

Trong thành phố người ta đang hoang mang vì bệnh dại. Nhiều trẻ em đã chết sau khi bị chó dại cắn. Bộ Y tế khuyên các công dân cảnh giác hơn nữa và hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Tôi cảnh báo Shankar, “Cẩn thận khi đi ra ngoài nhé. Đừng đến gần con chó nào. Cậu hiểu không?”

Shankar gật đầu.

Hôm nay đến lượt anh thợ sửa giày Bihari. Anh ta là người duy nhất cho tới giờ chưa hỏi vay tiền tôi. “Raju, Nanhey con tôi ốm quá và đã vào điều trị tại bệnh viện tư của bác sĩ Aggarwal. Bác sĩ bảo tôi phải mua thuốc khẩn cấp mà thứ thuốc ấy đắt lắm. Tôi đã cố gom góp được bốn trăm rupi. Cậu có thể cho tôi vay ít tiền không? Tôi xin cậu đấy.”

Tôi đưa cho Bihari hai trăm rupi, biết rằng mình sẽ chẳng bao giờ lấy lại được số tiền đó. Nhưng anh ta vẫn không thể mua được tất cả các loại thuốc. Hai ngày sau, Nanhey, đứa con sáu tuổi của anh ta, chết tại bệnh viện.

Tối hôm đó Bihari trở về khu nhà phụ với xác thằng con được bọc trong một tấm vải liệm trắng. Anh ta rõ ràng đã uống say và bước đi liêu xiêu. Anh ta đặt đứa con đã chết ở giữa cái sân trải sỏi gần vòi nước do thành phố cung cấp và gọi mọi người ra ngoài. Rồi anh ta chửi rủa một thôi một hồi rất thậm tệ. Anh ta không chửi riêng một ai mà chửi tất cả. Anh ta chửi đám người giàu sống trong những ngôi nhà lộng lẫy không thèm quan tâm đến người nghèo hầu hạ họ. Anh ta chửi những tay bác sĩ giàu sụ lừa tiền của bệnh nhân. Anh ta chửi chính phủ toàn hứa hão trên giấy. Anh ta chửi tất cả chúng tôi chỉ biết giương mắt nhìn. Anh ta chửi những đứa con anh ta vì chúng đã ra đời. Anh ta chửi chính mình vì vẫn còn sống. Anh ta chửi Chúa đã tạo ra một thế giới bất công. Anh ta chửi thế giới, chửi Taj Mahal, chửi hoàng đế Shahjahan. Ngay cả cái bóng đèn điện treo bên ngoài nhà anh ta vốn đã có lần làm Nanhey bị điện giật hay cái vòi nước do thành phố cung cấp cũng không thoát khỏi cơn giận dữ của anh ta. “Cái thứ vô dụng này, khi chúng tao cần, thì mày chẳng cho nổi hai giọt nước, nhưng khi con trai tao dùng, thì mày lại cho phép nó nô giỡn suốt hai tiếng liền đến nỗi nó mắc viêm phổi. Rồi mày sẽ sớm bị nhổ đi thôi, mày sẽ bị han gỉ dưới địa ngục,” anh ta chửi rủa và đá cái vòi nước. Sau nửa giờ chửi rủa gào hét không ngừng, anh ta đổ sụp xuống sân nức nở. Anh ta ôm đầu đứa con đã chết trong tay và khóc than cho tới khi cạn cả nước mắt, khan cả tiếng.

Trong phòng mình, tôi nằm trên giường nghĩ về những bất công của cuộc đời. Hình ảnh Nanhey bé bỏng nô đùa trong khu nhà phụ vụt qua trí óc tôi. Tôi muốn khóc, nhưng những giọt nước mắt không chịu chảy ra. Tôi đã nhìn thấy quá nhiều xác chết. Vậy nên tôi kéo cái chăn trắng nhăn nhúm lên qua đầu và bắt đầu ngủ. Và tôi nằm mơ thấy một Taj Mahal trong một sắc nâu đặc biệt. Một Taj Mahal với hai vòm tròn tuyệt đẹp

Một tuần sau tôi trở lại thăm Nita. Lần này tôi phải trả tiền đầy đủ cho Shyam, tay dắt khách cho cô ấy. Ba trăm rupi. Tôi nằm trên chiếc giường bẩn thỉu của cô ấy, làm tình và nghe cô ấy nói những chuyện tục tĩu.

“Vậy là em thích làm gái mại dâm?” tôi hỏi cô sau khi chúng tôi làm tình.

“Sao? Có gì xấu chứ? Đó cũng là một nghề, giống như những nghề khác.”

“Nhưng em thích nó à?”

“Đúng. Em thích ngủ với người lạ. Như anh chẳng hạn. Nó giúp em có đủ tiền để cung cấp cho gia đình. Và thứ Sáu nào em cũng có thể đi xem một bộ phim mới toanh ở rạp. Một cô gái còn có thể muốn gì hơn nữa nào?”

Tôi nhìn vào đôi mắt nai của cô ấy và biết cô đang nói dối. Cô ấy là diễn viên đang đóng vai. Chỉ có điều cô ấy sẽ không giành được giải thưởng nào, giống như Neelima Kumari.

Nita càng có vẻ bí ẩn thì tôi càng muốn biết về cô ấy rõ hơn. Cô ấy làm trỗi dậy trong tôi một nỗi khao khát không giống bất cứ khao khát nào tôi từng trải nghiệm trước đó. Tôi có thể đã vào được bên trong cơ thể cô ấy, nhưng giờ tôi muốn vào trong tâm trí của cô ấy. Vậy nên tôi bắt đầu đi thăm cô vào các ngày thứ Hai khi Taj Mahal đóng cửa. Sau bốn năm chuyến thăm cuối cùng tôi đã thành công trong việc phá vỡ sự phòng thủ của cô ấy.

Cô kể với tôi rằng cô thuộc bộ lạc Bedia đến từ huyện Bhind ở Madhya Pradesh. Bố mẹ cô hiện vẫn còn sống, cô có một anh trai và một người chị hiện đã có gia đình riêng hạnh phúc. Ở địa phương của cô có một truyền thống là mỗi gia đình đều có một người con gái làm việc như gái bán dâm của cộng đồng, được gọi là Bedni. Cô gái này kiếm tiền cho gia đình trong khi đàn ông tiêu tốn thời gian vào uống rượu và chơi bài. “Đó là lý do tại sao ở địa phương của chúng em, sự ra đời của một đứa bé gái là một dịp ăn mừng chứ không phải một lý do để buồn chán. Quả thực, mỗi đứa con trai là một cái nợ. Anh có thể tìm thấy các Bedni đến từ làng em trong các nhà thổ, trạm đỗ xe tải, khách sạn và các quán hàng ven đường, tất cả đều bán thân để kiếm tiền.”

“Nhưng tại sao mẹ em lại chọn em? Sao bà ấy không chọn chị gái em?”

Nita bật ra tiếng cười trống rỗng. “Bởi vì nhan sắc của em trở thành một cái bả. Mẹ em có quyền quyết định trong hai đứa con gái của bà đứa nào sẽ lấy chồng còn đứa nào sẽ trở thành gái mại dâm. Bà chọn em làm Bedni. Có lẽ nếu trông cũng bình thường như chị gái thì em đã không bị gửi tới đây. Em có lẽ đã được đến trường, đã kết hôn và có con. Giờ thì em ở trong cái nhà thổ này. Đó là cái giá em phải trả cho sắc đẹp của em. Vậy nên đừng có khen em đẹp.”

“Em làm nghề này bao lâu rồi?”

“Từ khi em đến tuổi dậy thì. Khi lễ bỏ khoen mũi nathni utherna và nghi thức trùm đầu sar dhakwana kết thúc, em được cho rằng đã trở thành đàn bà. Vậy là ở tuổi mười hai, trinh tiết của em được đem bán đấu giá cho người trả giá cao nhất và em bị bán vào cái nhà thổ này.”

“Nhưng chắc chắn nếu muốn, em có thể bỏ nghề và lập gia đình, đúng không?”

Cô xòe tay ra. “Ai sẽ cưới một gái điếm chứ? Người ta nghĩ bọn em sẽ làm việc cho đến khi cơ thể của bọn em bắt đầu tàn tạ hoặc cho tới khi bọn em chết vì bệnh tật, tùy theo điều nào xảy ra sớm hơn.”

“Anh biết một ngày nào đó em sẽ tìm được hoàng tử của mình,” tôi nói, mắt rưng rưng lệ.

Hôm đó cô ấy không chịu nhận một đồng tiền boa nào của tôi.

Sau đó tôi ngẫm lại cuộc trò chuyện với Nita và tự hỏi tại sao tôi lại nói dối cô ấy. Tôi thực lòng không muốn cô ấy tìm được một hoàng tử nào khác. Ngay cả khi không nhận ra điều đó thì tôi cũng đã yêu cô ấy mất rồi.

Cho đến giờ, ý niệm của tôi về tình yêu hoàn toàn dựa trên những gì tôi đã thấy trong những bộ phim Hindi, nơi nhân vật nam và nhân vật nữ nhìn vào mắt nhau rồi suỵt, một phản ứng hóa học kỳ lạ nào đó xảy ra khiến tim họ đập rộn ràng và dây thanh âm của họ ngứa ngáy, thế rồi tiếp theo bạn sẽ thấy họ ca hát ở những ngôi làng Thụy Sĩ hay tại những khu mua sắm ở Mỹ. Tôi cứ nghĩ mình đã trải nghiệm tia sáng chói lòa của tình yêu khi tôi gặp cô gái vận salwar kameez màu xanh da trời trên toa tàu hỏa đó. Nhưng chỉ mùa đông năm ấy ở Agra, tình yêu mới thực sự đến với tôi. Và lại một lần nữa tôi hiểu rằng cuộc sống thực rất khác với cuộc sống trong phim. Tình yêu không xảy ra ngay tức khắc. Nó luồn vào trong bạn rồi làm đảo lộn cuộc sống của bạn. Nó tô màu cho khoảng thời gian bạn thức và lấp đầy những giấc mơ của bạn. Bạn bắt đầu đi trên không khí và nhìn thấy cuộc sống trong những sắc thái mới lung linh. Nhưng nó cũng mang đến sự đau đớn ngọt ngào, sự hành hạ thú vị. Cuộc sống của tôi thu nhỏ lại chỉ còn xoay quanh những cuộc gặp gỡ đầy háo hức với Nita và nỗi khao khát cô giữa các cuộc gặp gỡ đó. Cô đến với tôi ở những nơi kỳ cục nhất, vào những lúc kỳ cục nhất. Tôi hình dung ra khuôn mặt xinh đẹp của cô ngay cả trong lúc tôi đang hướng dẫn cho một khách tham quan tám mươi tuổi bơ phờ. Tôi ngửi thấy hương tóc cô ngay cả khi tôi đang ngồi trong nhà xí. Tôi nổi da gà nghĩ tới chuyện làm tình của chúng tôi khi tôi mua khoai tây và cà chua ở chợ rau quả. Và trong sâu thẳm lòng mình tôi biết cô ấy là nàng công chúa của tôi. Khát vọng cháy bỏng của đời tôi là một ngày nào đó sẽ cưới được cô ấy. Nỗi lo lắng ám ảnh tôi là không biết cô ấy có đồng ý hay không.

Một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy đã đến khu nhà phụ của chúng tôi. Một viên thanh tra và hai cảnh sát bước từ trên xe xuống. Tim tôi thót lại. Nỗi sợ hãi lạnh băng hình thành trong sâu thẳm tâm can tôi. Cuối cùng tôi cũng bị bắt vì những tội lỗi đã phạm phải. Đây là quy luật của đời tôi. Hễ tôi vừa mới bắt đầu đứng vững được một chút là y như rằng số phận lại giật mạnh tấm thảm dưới chân tôi. Thế nên rất có thể khi vừa mới khám phá ra tình yêu thực sự, tôi sẽ bị đưa đến một nhà tù, nơi mà, giống như hoàng đế Shahjahan, tôi sẽ ngồi trong cảnh giam cầm cô đơn mà khao khát Nita, nàng Mumtaz Mahal của riêng tôi.

Viên thanh tra lấy từ trong xe ra một chiếc loa phóng thanh và phát đi một thông báo. Tôi cứ nghĩ ông ta sẽ nói, “Ram Mohammad Thomas, bí danh Raju Sharma, có chịu ra đầu thú hay không?” Nhưng thay vì thế ông ta lại nói, “Tất cả cư dân sống trong khu nhà này có thể ra ngoài hết được không? Có một vụ cướp ở ngân hàng Agra và chúng tôi có lý do để tin rằng bọn cướp đang ở đây. Tôi phải tiến hành khám xét khu nhà này.” Nghe thấy thông báo đó, tôi cảm giác gánh nặng trong lòng được trút ra hết. Tôi mừng đến nỗi muốn chạy ra ôm lấy viên thanh tra.

Cảnh sát xông vào từng phòng và tiến hành khám xét toàn diện. Họ vào phòng tôi, hỏi tên, tuổi, nghề nghiệp và hỏi tôi có thấy kẻ khả nghi nào đang lẩn lút ở khu nhà này hay không. Tôi không nói cho họ biết tôi là một hướng dẫn viên du lịch không có giấy phép hành nghề. Tôi nói tôi là sinh viên và mới đến sống ở khu nhà này. Họ hài lòng với các câu trả lời của tôi. Họ nhìn xuống dưới gầm giường tôi. Họ ngó vào bếp, gõ gõ xoong chảo, lật đệm lên rồi đi sang phòng bên. Viên thanh tra đi cùng đám cảnh sát.

Giờ họ đang ở trong phòng Shankar.

“Tên cậu là gì?” viên thanh tra hỏi Shankar bằng giọng cục cằn.

“Hu Ixhz Qo Odxifxn,” Shankar đáp, có vẻ hơi lúng túng.

“Gì cơ? Cậu có thể nhắc lại được không?”

“Odxifxn.”

“Thằng khốn chết tiệt này, mày giỡn ông à?” viên thanh tra tức tối nói, giơ dùi cui chực đánh Shankar.

Tôi vội can thiệp. “Ngài thanh tra, Shankar có vấn đề về thần kinh. Cậu ấy không nói được.”

“Vậy sao cậu không nói trước hả?” Ông ta quay sang mấy viên cảnh sát. “Sang phòng bên đi. Chúng ta sẽ chẳng moi được gì từ một kẻ mất trí đâu.”

Trong ba giờ sau đó họ lục soát tất cả ba mươi phòng và cuối cùng phát hiện ra một chỗ giấu tiền ở phòng của Najmi, anh nhà thơ để râu, người tự xưng là một người viết ca khúc cho Bollywood. Tất cả chúng tôi đều sửng sốt khi phát hiện ra chàng thi sĩ trẻ tuổi của chúng tôi còn là một tên cướp ngân hàng bán thời gian. Điều đó cho thấy vẻ bề ngoài dễ đánh lừa người ta lắm. Tôi hầu như không thể ca thán. Những wallah ở khu nhà phụ này cũng sẽ sửng sốt y như thế khi họ phát hiện ra cái quá khứ ba chìm bảy nổi của tôi!

Lajwanti đã đến phòng tôi, mang cho tôi mấy cái bánh laddoo mới làm vẫn còn giòn lấy từ đền thờ thần Durga gần đó. Chị ấy rất phấn khởi.

“Này, Lajwanti, những cái bánh này là gì vậy? Chị được tăng lương à?” tôi hỏi chị ấy.

“Hôm nay là ngày hạnh phúc nhất đời tôi. Nhờ ơn phước của thần Durga, cuối cùng cái cậu quan chức của ngành mía đường ấy đã đồng ý cưới Lakshmi. Em gái tôi bây giờ sẽ sống như một bà hoàng. Tôi đang chuẩn bị cho một đám cưới không thua kém bất cứ đám cưới nào.”

“Nhưng còn của hồi môn thì sao? Nhà trai không đòi hỏi gì à?”

“Không, không hề. Họ là gia đình khá giả. Họ không đòi tiền bạc gì hết. Họ chỉ yêu cầu mấy thứ lặt vặt thôi.”

“Chẳng hạn như thứ gì?”

“Chẳng hạn như một chiếc xe máy Baja, một cái máy xay hiệu Sumeet, năm bộ vest hiệu Raymond và một số đồ trang sức bằng vàng. Trong bất kỳ trường hợp nào tôi cũng sẽ sắm đầy đủ cho Lakshmi.”

Tôi sửng sốt. “Nhưng Lajwanti à, những thứ đó sẽ tiêu tốn của chị một số tiền khá lớn đấy - ít nhất là mười vạn rupi. Chị kiếm đâu ra số tiền đó?”

“Bấy lâu nay tôi đã dành dụm tiền cho đám cưới của Lakshmi. Tôi đã gom góp được gần năm mươi nghìn rupi rồi. Và tôi sẽ mượn Rani Sahiba năm mươi nghìn.”

“Chị có chắc là bà ấy sẽ cho chị mượn số tiền lớn như thế không?”

“Tất nhiên. Tôi là người giúp việc tốt nhất của bà ấy mà.”

“Ồ, vậy thì chúc may mắn.”

Tôi tiếp tục gặp Nita, nhưng bầu không khí trong nhà thổ làm tôi ngạt thở. Và tôi ghét phải đối mặt với tay dắt gái Shyam có đôi mắt gian giảo. Vậy nên, theo gợi ý của Nita, chúng tôi gặp nhau ở bên ngoài. Thứ Sáu nào cô ấy cũng đi xem phim một mình. Tôi đi cùng cô ấy. Cô ấy thích bỏng ngô. Tôi mua cho cô ấy một gói bỏng ngô to và chúng tôi ngồi ở hàng ghế sau của rạp Akash Talkie bẩn thỉu tối tăm. Cô ấy ngồi ăn bỏng ngô và cười khúc khích trong khi tôi luồn tay vào trong lớp váy muslin sờ cặp vú mịn màng của cô ấy. Khi bộ phim kết thúc, tôi ra khỏi khán phòng trong tình trạng người thì nóng, mặt thì đỏ, và không biết chúng tôi đã xem một bộ phim tâm lý xã hội, phim kinh dị hay một bộ phim giật gân. Bởi tôi chỉ dán mắt vào Nita thôi, và tôi hy vọng chuyện của chúng tôi dần dần nhưng chắc chắn sẽ trở thành một thiên tình sử.

 

 

Shankar vừa bước vào phòng tôi vừa khóc.

“Có chuyện gì vậy?” tôi hỏi.

Cậu ấy chỉ xuống đầu gối mình. Đầu gối cậu ấy bị rách và thâm tím. Ngay lập tức tôi thấy lo lắng. “Sao cậu lại bị thương như thế này, Shankar? Cậu bị ngã à?”

Shankar lắc đầu. “X Akc Wqp Hz,” cậu ấy nói.

Tôi ước gì cậu ấy có thể nói cho người khác hiểu được dù chỉ một lần. “Tớ xin lỗi, tớ không hiểu. Cậu đi ra ngoài và chỉ cho tớ cậu bị thương như thế nào, được không?”

Shankar dẫn tôi ra ngoài và điểm giao giữa cái sân trải sỏi và đường chính. Có một bức tường chắn thấp ở góc sân nơi bọn trẻ trong khu nhà phụ thường nhảy lên nhảy xuống.

“Yxi Ukj Ozz Pdxp Akc? Dq Wqp Hz Dznz,” Shankar nói và chỉ vào đầu gối.

Tôi dõi theo hướng tay cậu ấy và gật đầu tỏ vẻ đã hiểu. Tôi đoán cậu ấy chắc hẳn đã nhảy từ trên tường xuống và làm mình bị trầy xước. “Đi nào, Lajwanti có túi cứu thương để ở trong phòng. Tớ sẽ nhờ chị ấy băng vết thương cho cậu.”

Tôi đã không nhìn thấy một con chó nhỏ ghẻ lở có bộ lông lốm đốm đen nằm thở hổn hển trên lề đường trải sỏi ngay dưới chân bức tường, không nhìn thấy rớt rãi chảy ròng ròng từ hàm răng trắng nhởn sắc nhọn của nó.

 

 

Một năm mới đã tới, mang đến hy vọng và những mơ ước mới mẻ. Nita và tôi đều bước sang tuổi mười tám - tuổi được phép kết hôn. Lần đầu tiên tôi bắt đầu nghĩ về tương lai, thậm chí tin mình có thể có một tương lai. Một tương lai với Nita ở bên. Tôi thôi không cho những người sống trong khu nhà phụ mượn tiền nữa. Giờ tôi cần đến từng xu.

Hôm nay là thứ Sáu, cũng là một đêm trăng tròn, một sự kết hợp rất hiếm hoi. Tôi thuyết phục Nita không đi xem phim mà cùng tôi đến Taj Mahal. Chúng tôi ngồi trên thềm đá cẩm thạch vào lúc tối muộn đợi vầng trăng hiện ra phía sau những đài phun nước và hàng bách xanh sẫm. Thoạt tiên có một tia sáng bạc chiếu qua những cây cao ở phía bên phải chúng tôi, khi vầng trăng cố nhô lên khỏi một cụm nhà thấp và đám tán cây, rồi, bất ngờ, nó hiện ra lung linh trên bầu trời. Màn đêm được vén lên và Taj Mahal phô ra tất cả vẻ lộng lẫy huy hoàng của nó. Nita và tôi đều khiếp sợ. Taj Mahal hiện ra tựa như một hình ảnh của thiên đường, một con ma óng ánh sắc bạc nhô lên từ dưới sông Yamuna. Chúng tôi siết chặt tay nhau, không biết đến những đám khách du lịch đã bỏ ra năm mươi đô la mỗi người để được ngắm Taj trong ánh sáng của một đêm trăng tròn.

Tôi ngắm nhìn Taj và ngắm nhìn Nita. Vẻ tuyệt mỹ vô tri của Taj bắt đầu mờ nhạt so với vẻ hoàn mỹ của khuôn mặt cô ấy. Những giọt nước mắt bắt đầu trào ra khóe mi tôi, khi tất cả tình yêu tôi kìm nén trong tim suốt mười tám năm trào dâng mãnh liệt. Tôi cảm thấy một sự giải phóng cảm xúc tựa như một con đập bị vỡ, và lần đầu tiên tôi trải nghiệm những gì mà hoàng đế Shahjahan chắc hẳn đã cảm thấy về Mumtaz Mahal.

Đó là giây phút tôi đã mong chờ suốt cuộc đời và đã chuẩn bị cho nó khá kỹ càng. Najmi, anh chàng thi sĩ để râu, trước khi vào tù đã để lại cho tôi một cuốn thơ Urdu, và tôi đã học thuộc lòng một số đoạn thơ trữ tình. Vào lúc cao hứng, Najmi thậm chí đã sáng tác một đoạn thơ trữ tình Ba Tư ca ngợi Nita để tôi sử dụng. Đoạn thơ đó như sau:

Sắc đẹp của em là thứ thuốc tiên

Dành cho một cuộc đời mồ côi

Tôi sẽ chết vì tương tư, sẽ than khóc từ dưới mồ

Nếu em chối từ không làm vợ của tôi.

Tôi cũng nhớ được nhiều đoạn đối thoại bất hủ trong những câu chuyện tình nổi tiếng trên phim. Nhưng ngồi với Nita dưới thềm lăng Taj Mahal ngập tràn ánh trăng tôi từ bỏ cái thế giới của thơ ca và phim ảnh. Tôi nhìn vào mắt cô ấy và hỏi một cách đơn giản, “Em có yêu anh không?” Và cô ấy trả lời chỉ bằng duy nhất một từ, “Có.” Đối với tôi từ đó hàm chứa nhiều ý nghĩa hơn tất thảy những tập thơ và những cuốn sách giới thiệu về Agra. Và khi nghe thấy từ đó tim tôi đập rộn ràng vì vui sướng. Tình yêu mãnh liệt của tôi vượt ra khỏi trái đất, cất cánh bay lên bầu trời như một con diều. Và khi đó, lần đầu tiên, tôi cảm thấy Taj Mahal như một ngôi nhà có sự sống chứ không phải một lăng mộ lạnh lẽo; vầng trăng tròn phía trên đầu chúng tôi trở thành một vệ tinh cá nhân chiếu xuống thứ ánh sáng bí mật, và chúng tôi cảm thấy hạnh phúc khi được tắm trong ánh sáng thiên đường của nó, trên thiên đường độc nhất của chúng tôi.

Shankar chạy đến phòng tôi. “Ykhz Mjqyfgu. Gxesqipq qo ynuqic,” cậu ấy thông báo và dẫn tôi tới phòng Lajwanti.

Lajwanti đang khóc trên giường. Những giọt nước mắt của chị ấy rơi xuống tựa như những hạt trân châu nhỏ, những giọt nước mắt làm thẫm cả mặt vải của tấm ga trải giường không gợn nếp nhăn, dường như lạc lõng trong căn phòng ngăn nắp đến khắc khổ của chị. “Có chuyện gì vậy, Lajwanti? Sao chị lại khóc?” tôi hỏi chị ấy.

“Vì cái mụ chó cái Swapna Devi đó. Mụ ấy không chịu cho tôi vay tiền. Giờ tôi làm thế nào lo được cho đám cưới của em gái tôi đây?” chị ấy nói và lại nức nở.

“Này, không ai trong khu nhà này có ngần ấy tiền. Chị không thể vay ngân hàng sao?”

“Hừ, ngân hàng nào lại đi cho một con hầu nghèo kiết xác như tôi vay tiền chứ? Không, giờ tôi chỉ còn một cách.”

“Cách gì? Hủy bỏ đám cưới của em gái chị ư?”

Nỗi tức giận lóe lên trong mắt chị ấy. “Không. Tôi sẽ không bao giờ làm thế. Có lẽ tôi sẽ phải làm những gì mà nhà thơ Najmi của chúng ta đã làm. Ăn cắp tiền.”

Tôi nhảy phắt ra khỏi ghế. “Chị mất trí rồi à, Lajwanti? Đừng có nghĩ tới chuyện đó. Chị không thấy cảnh sát bắt Najma đi như thế nào sao?”

“Đó là vì Najmi là tên ngốc. Tôi có một kế hoạch rất dễ thực hiện, và tôi sẽ cho cậu biết vì cậu giống như em trai tôi vậy. Đừng nói cho ai biết chuyện này, thậm chí cả Shankar. Tôi đã nhìn thấy chỗ để két sắt nơi Swapna cất tất cả những thứ quý giá của bà ta. Trong phòng ngủ của bà ta có một bức tranh lớn được đóng khung treo trên bức tường phía bên trái. Đằng sau bức tranh là một cái hốc có gắn chiếc két sắt. Bà ta để chìa khóa két sắt dưới đệm phía góc bên tay trái. Tôi đã có lần bí mật quan sát bà ta mở két sắt. Nó chứa đầy tiền và đồ trang sức. Tôi không định lấy trộm tiền vì việc đó sẽ bị phát hiện ngay lập tức, nhưng tôi đang tính sẽ lấy một chuỗi hạt. Bà ta cất trong két nhiều chuỗi hạt đến nỗi sẽ không biết mình bị mất một chuỗi đâu. Cậu nghĩ sao?”

“Lajwanti, Lajwanti, hãy nghe tôi nói. Nếu chị coi tôi là em trai của chị, thì hãy nghe theo khuyên của tôi. Đừng nghĩ tới cái kế hoạch này. Hãy tin tôi, tôi đã phạm pháp nhiều lần rồi và tôi biết sớm muộn gì chị cũng bị bắt thôi. Và khi ấy, thay vì được dự đ 10000 m cưới của em gái, chị lại ngồi quay máy xay ở một nhà tù nào đó.”

“Ồ, đàn ông các cậu rặt một lũ ẻo lả,” chị ấy phẫn nộ nói. “Tôi cóc quan tâm cậu nói gì. Tôi sẽ làm những gì tôi phải làm.”

Thất vọng, tôi nhờ đến đồng xu cũ đáng tin cậy của mình. “Nhìn này, Lajwanti, chị không tin tôi cũng chẳng sao. Nhưng chị hãy tin vào sức mạnh của đồng xu mầu nhiệm này. Nó không bao giờ đưa chị đi lầm đường đâu. Hãy xem nó cho biết điều gì nhé. Tôi sẽ gieo đồng xu. Nếu ngửa, chị sẽ không thực hiện kế hoạch của mình, nếu sấp, chị cứ làm những gì chị muốn. Ok?”

“Ok.”

Tôi gieo đồng xu. Nó ngửa. Lajwanti thở dài. “Có vẻ như đến cả vận may cũng chống lại tôi. Ok, tôi sẽ về làng và cố huy động tiền từ vị tộc trưởng quen biết tôi. Hãy quên những gì chúng ta đã nói đi nhé.”

Ba ngày sau, Lajwanti khóa cửa phòng, xin nghỉ làm một tuần, và về quê.

“Anh muốn em thôi làm gái bán dâm,” tôi nói với Nita.

Nita đồng ý. “Em không muốn chết trước khi hai mươi tuổi giống như Radha. Raju, hãy đưa em ra khỏi đây.”

“Anh sẽ đưa em ra khỏi đây. Anh có nên nói chuyện với Shyam về việc này không?”

“Có, chúng ta phải có được sự đồng ý của anh ta.”

Ngay tối hôm đó tôi nói chuyện với tay dắt mối. “Nghe này, Shyam, tôi yêu Nita và muốn cưới cô ấy. Cô ấy sẽ không làm việc ở nhà chứa nữa.”

Shyam nhìn tôi từ đầu đến chân như thể tôi là một con côn trùng. “Tao hiểu rồi, vậy ra mày đã nhồi vào đầu óc nó tất cả những ý nghĩ ngớ ngẩn đó. Nghe này, thằng khốn, không ai có thể bảo Nita ngừng làm việc ở nhà chứa. Chỉ tao mới có thể bảo nó ngừng. Và tao không muốn nó ngừng. Nó là con ngỗng đẻ trứng vàng. Và tao muốn những quả trứng đó tiếp tục được đẻ ra trong một thời gian dài, dài.”

“Thế có nghĩa là anh sẽ không bao giờ để cô ấy lấy chồng?”

“Tao có thể cho phép nó lấy chồng, nhưng chỉ với một điều kiện. Đó là người đàn ông cưới nó phải đồng ý bồi thường cho tổn thất thu nhập của tao.”

“Tổn thất thu nhập dự tính của anh là bao nhiêu?”

“Để xem nào... bốn mươi vạn rupi. Mày có thể trả tao số tiền đó không?” Gã cười to rồi đuổi tôi đi.

Đêm đó tôi kiểm lại số tiền tiết kiệm của mình. Tôi có tổng cộng 480 rupi. Khoản còn thiếu là 399,520 rupi.

Tôi cảm thấy tức giận đến mức chỉ muốn vặn cổ tên dắt mối. “Shyam sẽ không bao giờ đồng ý cho em lấy anh,” hôm sau tôi nói với Nita. “Cơ hội duy nhất dành cho chúng ta là bỏ trốn.”

“Không,” Nita sợ hãi nói. “Người của nhà chứa thế nào cũng tìm ra chúng ta. Năm ngoái Champa đã cố trốn đi với một người đàn ông. Bọn họ tìm ra cô ấy, đánh què chân người đàn ông, và bỏ đói cô ấy mười ngày liền.”

“Nếu thế anh sẽ phải giết chết Shyam,” tôi nói, ánh thâm hiểm lóe trong mắt.

“Không,” Nita phản đối kịch liệt. “Hãy hứa với em anh sẽ không bao giờ làm chuyện đó.”

Tôi ngạc nhiên. “Nhưng tại sao?”

“Bởi vì Shyam là anh trai em."

Một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy đã đến khu nhà của chúng tôi. Cảnh sát tỏa ra. Lần này có một viên thanh tra mới. Tất cả chúng tôi lại bị gọi ra. “Nghe đây, những kẻ vô tích sự, một việc rất nghiêm trọng đã xảy ra. Có kẻ đã lấy cắp chuỗi ngọc lục bảo rất quý từ nhà bà Swapna Devi. Ta ngờ rằng kẻ trộm là một trong số các người, lũ khốn kiếp. Vậy ta cho các người cơ hội ra đầu thú, nếu không khi tóm được tên trộm, ta sẽ đánh cho hắn nhừ đòn.”

Ngay tức khắc tôi lo cho Lajwanti, nhưng khi nhìn thấy chiếc khóa trên cửa phòng chị ấy và nhớ ra rằng chị ấy đã về quê, tôi thở phào nhẹ nhõm. Thật tốt là chị ấy đã từ bỏ cái kế hoạch điên rồ đó, từ bỏ ý định lấy trộm một chuỗi hạt. Chị ấy cứ nghĩ Swapna Devi sẽ không phát hiện ra nếu bị mất, giờ thì chỉ trong giây lát cảnh sát đã biết chuyện rồi.

Tất cả chúng tôi, từng người từng người một, lần lượt bị tra hỏi. Tới lượt Shankar, cảnh tượng y như trước lặp lại.

“Tên gì?” Viên thanh tra hỏi.

“Odxifxn,” Shankar đáp.

“Mày nói gì?”

“Q Oxqa Hu Ixhz Qo Odxifxn.”

“Đồ khốn, mày đang cố giỡn ông...” ông ta nói qua hai hàm răng nghiến chặt. Tôi lại giải thích và viên thanh tra dịu đi. Ông ta phẩy tay ra hiệu cho Shankar lui ra.

Lần này cảnh sát rút đi tay không. Không có chuỗi hạt nào và không có kẻ tình nghi nào.

Tối hôm ấy một con chó nhỏ ghẻ lở có bộ lông lốm đốm đen chết gần Taj Mahal. Chẳng ai để ý đến sự việc này.

Ngày hôm sau Lajwanti từ quê lên và chị ấy bị bắt ngay lập tức. Một viên cảnh sát nhễ nhại mồ hôi lôi chị ấy từ trong phòng ra chiếc xe jeep có gắn đèn đỏ nhấp nháy. Chị ấy luôn miệng kêu gào.

Bất lực, tôi đứng nhìn cảnh tượng bày ra trước mắt mình. Tôi đứng cạnh Abdul, người làm vườn của cung điện Swapna.

“Abdul này, sao cảnh sát lại lôi Lajwanti đi? Sao Rani Sahiba không can thiệp? Xét cho cùng, Lajwanti là người hầu gái tốt nhất mà bà ấy từng có kia mà.”

Abdul nhe răng cười. “Chính Phu nhân đã gọi cảnh sát đến bắt Lajwanti.”

“Nhưng tại sao?”

“Bởi vì Lajwanti đã lấy trộm chuỗi hạt từ két sắt của bà ấy. Hôm nay cảnh sát khám nhà cô ta ở quê và đã tìm thấy chuỗi hạt đó.”

“Nhưng làm thế nào mà Swapna Devi lại biết Lajwanti đã lấy trộm chuỗi hạt? Khi vụ trộm xảy ra chị ấy có ở đây đâu.”

“Bởi vì cô ta đã để lại phía sau một dấu hiệu làm lộ chân tướng. Cậu thấy đấy, cô ta không về quê ngay. Cô ta ở lại Agra chờ cơ hội đột nhập vào nhà mà không bị ai để ý. Khi cô ta vào phòng ngủ lấy trộm chuỗi ngọc, Phu nhân đang dự tiệc. Nhưng trước khi đi dự tiệc, Phu nhân đã chải đầu ở trên giường và để mấy chiếc ghim và kẹp tóc ở trên tấm ga trải giường bằng sa tanh. Khuya hôm đó khi Phu nhân về nhà, bà ấy phát hiện ra tất cả ghim và kẹp tóc của bà ấy được xếp gọn gàng trên bàn trang điểm. Sự việc này ngay lập tức cảnh báo bà ấy. Bà ấy kiểm tra két sắt và phát hiện ra mình bị mất một chuỗi ngọc. Vậy là bà ấy biết ngay kẻ trộm chẳng phải ai khác mà chính là Lajwanti.”

Tôi đấm vào trán mình. Lajwanti không thể nhịn được mà cứ phải là một cô hầu hoàn hảo, ngay cả khi chị ấy thực hiện một vụ trộm!

Tôi cố đứng ra xin Swapna Devi giùm cho Lajwanti, nhưng bà ta chối từ với vẻ khinh bỉ lạnh lùng. “Ta quản lý khu nhà phụ này chứ không phải làm từ thiện. Tại sao cô ta cứ phải thu xếp một đám cưới xa hoa như thế cho em gái cô ta chứ? Lũ dân nghèo các người chớ nên cố quá sức mình. Cứ ở trong giới hạn của mình thì các người sẽ không gặp rắc rối.”

Hôm đó tôi cảm thấy thực sự căm ghét bà ta. Nhưng có lẽ bà ta nói đúng. Lajwanti đã phạm phải một sai lầm cơ bản là cố bước qua cái ranh giới chia tách sự tồn tại của người giàu khỏi sự tồn tại của người nghèo. Chị ấy đã phạm một sai lầm tai hại là mơ ước quá xa vời vượt quá điều kiện của mình. Mơ ước càng lớn thì sự thất vọng càng sâu. Đó là lý do tại sao tôi có những mơ ước nhỏ bé có thể thực hiện được. Chẳng hạn như mơ ước cưới được một gái điếm sau khi đã trả cho người anh trai đồng thời là tay dắt mối gian giảo của cô ấy khoản tiền bốn mươi vạn rupi. Chỉ thế thôi.

Tôi chưa kịp hoàn hồn sau vụ Lajwanti bị bắt thì một bi kịch khác đã ập đến.

Shankar đến phòng tôi, ho và nằm vật xuống giường. Trông cậu ấy rất mệt mỏi và cậu ấy kêu đau cánh tay và đầu gối. “Q Xh Oqyf,” cậu ấy vừa nói vừa đập đập tay.

Tôi sờ trán cậu ấy và phát hiện ra cậu ấy bị sốt nhẹ. “Cậu bị cảm lạnh rồi, Shankar ạ,” tôi bảo cậu ấy. “Về phòng nghỉ đi. Lát nữa tôi sẽ mang thuốc cho cậu uống.” Cậu ấy đứng dậy, nhón chân đi về phòng mình. Cậu ấy có vẻ bồn chồn và dễ khích động.

Khuya hôm đó tôi đưa cho Shankar mấy viên thuốc giảm đau nhưng tình trạng cậu ấy tiếp tục xấu đi. Sang đến ngày thứ hai bệnh tình của cậu ấy trở nên trầm trọng. Cậu ấy không thể cử động cánh tay và thét lên khi đèn bật sáng. Khó khăn lắm tôi mới cặp được nhiệt độ cho cậu ấy và tôi sửng sốt phát hiện ra nhiệt độ của cậu ấy đã tăng vọt lên tới 103 độ F. Tôi lập tức đi tìm bác sĩ cho cậu ấy. Vị bác sĩ làm việc ở phòng khám của nhà nước thẳng thừng từ chối đi với tôi vì thế tôi buộc phải tìm tới một bác sĩ tư. Ông bác sĩ đó đòi tôi trả tám mươi rupi mới chịu tới khu nhà phụ của chúng tôi. Ông ấy khám cho Shankar rồi hỏi tôi gần đây có thấy vết rách hay vết bầm tím nào xuất hiện trên người cậu ấy không. Tôi nói cho ông biết về cái đầu gối trầy xước của cậu ấy. Bác sĩ gật đầu và cho tôi biết chẩn đoán của ông ấy. Shankar mắc bệnh dại - có lẽ từ một con chó điên. Đáng lẽ cậu ấy nên đi tiêm vắc xin tế bào lưỡng bội và vắc xin phòng bệnh dại ở người ngay khi bị nhiễm bệnh, nhưng giờ thì quá muộn rồi. Tình trạng của cậu ấy rất nghiêm trọng. Chẳng bao lâu nữa cậu ấy sẽ có biểu hiện sợ nước. Cậu ấy sẽ cho thấy những dấu hiệu rối loạn, lẫn, thậm chí bị ảo giác. Cậu ấy có thể sẽ có những cơn co thắt cơ và thậm chí là co giật. Rồi cậu ấy sẽ bị cấm khẩu hoàn toàn khi dây thanh âm bị liệt. Cuối cùng cậu ấy sẽ rơi vào tình trạng hôn mê và ngừng thở. Nói một cách đơn giản, cậu ấy sẽ chết. Và tất cả sẽ diễn ra trong vòng bốn mươi tám tiếng đồng hồ.

Ông bác sĩ giải thích một loạt những điều đáng sợ đó bằng cung cách ân cần khéo léo thông thường của mình. Tôi buồn lắm. Chỉ nghĩ tới cái chết của Shankar thôi tôi đã ứa nước mắt rồi. “Bác sĩ, chẳng lẽ hoàn toàn không có cách gì để cứu được Shankar sao?” Tôi van xin ông ấy.

“Ồ,” ông ấy ngập ngừng. “Cách đây một tháng thì không có cách gì, nhưng tôi nghe nói một loại vắc xin hoàn toàn mới đang trong quá trình thử nghiệm vừa được nhập vào Ấn Độ. Nó được gọi là RabCure và hiện nay chỉ duy nhất nhà thuốc Gupta là có loại vắc xin đó.”

“Nhà thuốc đó ở Rakab Ganj phải không?”

“Đúng. Nhưng tôi không nghĩ cậu có đủ tiền để mua loại vắc xin đó.”

“Nó có giá bao nhiêu?” Tôi hỏi mà lòng nôn nao.

“Khoảng bốn mươi vạn rupi.”

Tôi ngẫm nghĩ về cái tình huống mỉa mai này. Việc chữa trị cho Shankar cần bốn mươi vạn rupi và tay dắt mối của Nita cũng đòi đúng ngần ấy tiền. Và tôi có bốn trăm rupi trong túi.

Tôi không biết mình sẽ lấy tiền ở đâu để chữa bệnh cho Shankar, nhưng tôi biết không thể bỏ mặc cậu ấy, vậy nên tôi quyết định đưa cậu ấy sang phòng tôi. Tôi bế cậu ấy trên tay. Mặc dầu gần bằng tuổi tôi nhưng người cậu ấy dường như phi trọng lượng. Chân tay cậu ấy rũ xuống và tôi có cảm giác không phải mình đang bế một người sống mà là đang bê một bao khoai tây. Tôi để Shankar nằm trên giường còn mình nằm dưới sàn, một sự đền đáp đúng những gì cậu ấy đã làm vì tôi gần hai năm trước, mặc dầu giờ đây chuyện đó như thể đã xảy ra cách đây hai mươi năm rồi.

Shankar vật vã, trở mình và ngủ chập chờn. Tôi cũng có một đêm khó khăn, giấc ngủ chập chờn với ác mộng về những con chó và những đứa trẻ chỉ nói bằng những âm tiết vô nghĩa. Và rồi, bỗng nhiên, vào nửa đêm, tôi nghe thấy mấy tiếng, “Mẹ ơi, mẹ ơi,” rất to. Tôi choàng tỉnh và thấy Shankar đang ngủ ngon lành. Tôi dụi mắt tự hỏi không biết có phải giấc mơ của Shankar đã bất ngờ gặp giấc mơ của tôi hay không.

Suốt cả ngày hôm sau Shankar nằm bẹp trên giường, càng lúc càng yếu. Dù biết cậu ấy đã bị kết án tử hình nhưng tôi vẫn hành động như thể cậu ấy chỉ bị cảm cúm nhẹ. Tim tôi tan vỡ khi nhìn khuôn mặt hiền lành của cậu ấy và mường tượng rằng tôi sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy khuôn mặt đó nữa. Thậm chí những âm tiết vô nghĩa của cậu ấy ngày hôm nay dường như cũng giống những câu nói sâu sắc đáng ghi nhớ.

Đêm buông xuống và Shankar bắt đầu có biểu hiện co giật cánh tay. Cậu ấy gặp khó khăn khi uống nước và chỉ ăn mỗi một chiếc bánh chapatti với đậu lăng, món ưa thích của cậu ấy. Trán cậu ấy nóng hầm hập. Tôi cặp nhiệt độ cho cậu ấy và nhận thấy cậu ấy sốt tới 105 độ F. “Q Akip Sxip Pk Aqe Nxej,” cậu ấy nói và bắt đầu khóc. Tôi cố hết sức an ủi cậu ấy nhưng thật khó truyền được sức mạnh cho người khác khi chính ta cảm thấy trong lòng hoàn toàn trống rỗng.

Tôi lại ngủ chập chờn, và lại bị những con quỷ của quá khứ hành hạ. Khuya hôm ấy, khoảng gần hai giờ, tôi nghe thấy tiếng gì đó từ giường của Shankar vọng tới, giống như có người đang kêu than. Tôi từ từ ngồi dậy, vẫn trong tình trạng hoàn toàn mất phương hướng. Tôi nhìn mặt Shankar. Mắt cậu ấy nhắm nghiền, nhưng môi mấp máy. Tôi căng tai ra nghe xem cậu ấy lẩm bẩm những gì và suýt giật nảy mình. Vì tôi dám thề là Shankar đã nói, “Xin đừng đánh con, mẹ ơi.”

“Shankar! Shankar!” Tôi bò lên giường. “Cậu vừa nói gì đó, đúng không?”

Nhưng Shankar đã hoàn toàn quên mất tôi, hoàn toàn chìm trong thế giới của riêng mình. Mắt cậu trợn ngược lên và cậu ấy rõ ràng đang mê sảng. Ngực cậu ấy rung lên như đang trong cơn co giật và đờm dãi từ miệng chảy ra. “Sao mẹ lại đuổi con đi, mẹ?” Cậu lẩm bẩm. “Con xin lỗi, đáng lẽ con nên gõ cửa. Làm sao con biết chú đang ở trong ấy với mẹ cơ chứ? Mẹ, con yêu mẹ. Con đã vẽ những bức tranh về mẹ. Cuốn nhật ký màu xanh da trời của con đầy những bức tranh về mẹ. Những bức tranh về mẹ, con yêu mẹ, mẹ ạ. Con yêu mẹ rất nhiều. Đừng đánh con, mẹ ơi. Con hứa con sẽ không kể với ai, mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ ơi...”

Shankar nói bằng giọng một đứa trẻ sáu tuổi. Cậu ấy đã đi ngược trở lại một thời đã qua từ lâu. Trở lại thời cậu ấy có mẹ. Trở lại thời cuộc sống của cậu ấy, lời nói của cậu ấy, có ý nghĩa. Tôi không biết tại sao bỗng nhiên cậu ấy lại có thể nói một cách có nghĩa và rành mạch như thế trong khi bác sĩ đã tuyên bố cậu ấy sẽ hoàn toàn không nói được nữa. Nhưng tôi không muốn tìm lý do. Ai lại đi đặt câu hỏi về một phép mầu bao giờ.

Đó là tất cả những gì tôi nghe được từ Shankar trong đêm đó, và sáng hôm sau khi thức dậy, cậu ấy lại trở thành cái người mười sáu tuổi y như trước, người nói bằng những âm tiết vô nghĩa. Nhưng tôi nhớ cậu ấy đã nhắc tới cuốn nhật ký màu xanh da trời. Tôi tìm quanh phòng cậu và phát hiện ra nó được giấu ở dưới gầm giường.

Cuốn nhật ký đó gồm những tờ giấy vẽ lỏng lẻo, và tất cả đều là những bức tranh đẹp vẽ một người đàn bà bằng bút chì. Các bức vẽ rất chính xác, tỉ mỉ đến từng chi tiết. Nhưng tôi sững sờ không phải vì sự xuất sắc của những bức vẽ mà vì nhân dạng của đối tượng được vẽ. Bởi vì người đàn bà trong các bức vẽ là Swapna Devi.

“Tớ biết cậu đã giấu tớ điều gì trong suốt thời gian qua, Shankar ạ. Tớ biết Swapna Devi là mẹ cậu,” tôi nói với Shankar và giơ cuốn nhật ký màu xanh lên.

Mắt cậu ấy mở to ngập tràn sợ hãi và cậu ấy cố chộp lấy cuốn nhật ký từ tay tôi. “Cqrz Hz Wxyf Hu Aqynu,” cậu ấy thét lên.

“Tớ biết đó là sự thật, Shankar ạ. Tớ biết cậu đã phát hiện ra cái bí mật dơ dáy của bà ta và đó là lý do bà ta đuổi cậu ra khỏi nhà. Và đó là khi cậu bị mất khả năng nói như một đứa trẻ bình thường. Tớ nghĩ mẹ cậu đã sống với cái tội lỗi này trong suốt cuộc đời mình. Có lẽ đó là lý do bà ta trả tiền thuê phòng cho cậu và cho cậu tiền. Nhưng ngay bây giờ tớ sẽ đi gặp mẹ cậu, yêu cầu bà ta chi tiền chữa bệnh cho cậu.”

“Ik, Ik, Ik, Lgzxoz Akip Ck Pk Hu Hjhhu,” cậu ấy kêu lên. Nhưng tôi đã lên đường tới cung điện Swapna để nói chuyện thẳng thắn với Rani Sahiba.

Thoạt đầu Rani Sahiba từ chối gặp tôi, tuyên bố bà ta chỉ gặp những người đã có hẹn trước với bà ta. Tôi ở lì trên bậc cửa trong hai giờ, cho tới khi bà ta cuối cùng cũng mủi lòng.

“Rồi, sao cậu lại đến quấy rầy ta?” Bà ta hỏi bằng giọng hách dịch.

“Tôi biết bí mật của bà, Swapna Devi ạ,” tôi nói toẹt vào mặt bà ta. “Tôi đã phát hiện ra Shankar là con trai bà.”

Cái mặt nạ vương giả tuột ra trong khoảnh khắc và mặt bà ta tái đi nhưng bà ta lấy lại bình tĩnh cũng nhanh chẳng kém và thái độ kiêu căng của bà ta lại quay ra khiến tôi ớn lạnh bằng sự khinh miệt của nó. “Đồ vô tích sự, sao mày dám đưa ra một lời cáo buộc thô bỉ như thế? Ta không có quan hệ gì với Shankar hết. Chỉ vì ta thể hiện chút ít cảm thông với nó mà mày biến nó thành con trai ta ư? Biến khỏi đây ngay, nếu không ta sẽ cho người tống cổ mày đi.”

“Tôi sẽ đi,” tôi nói với bà ta. “Nhưng chỉ sau khi nhận bốn mươi vạn rupi từ bà. Tôi cần tiền để chữa bệnh cho Shankar. Cậu ấy bị mắc bệnh dại.”

“Mày điên rồi à? Mày nghĩ ta sẽ đưa cho mày bốn mươi vạn sao?” bà ta rít lên.

“Nhưng nếu tôi không có được số tiền đó thì Shankar sẽ chết vì chứng sợ nước trong vòng hai mươi tư giờ tới.”

“Mày làm gì ta không quan tâm, nhưng đừng có quấy rầy ta.” Và sau đó bà ta nói cái lời hằn học nhất mà tôi từng nghe từ một người mẹ. “Có lẽ nó chết đi là tốt nhất. Thằng bé tội nghiệp đó sẽ được giải thoát khỏi cảnh khổ sở. Còn mày, đừng có cả gan nhắc lại với ai cái lời xằng bậy rằng nó là con trai ta.” Bà ta đóng cửa lại.

Tôi đứng trên bậc cửa nhà bà ta, nước mắt giàn giụa. Tôi ít ra cũng còn đủ may mắn khi bị mẹ vứt bỏ từ lúc chào đời, nhưng Shankar tội nghiệp bị mẹ mình ném đi giữa đường đời và giờ bà ta từ chối không chịu nhấc một ngón tay lên để ngăn cái chết sắp xảy đến với cậu ấy.

Tôi quay về phòng của Shankar mà lòng nặng trĩu. Những lời nói của Swapna Devi cứ vang vang bên tai tôi như tiếng búa nện. Bà ta muốn Shankar chết như một con chó điên. Chưa bao giờ sự nghèo túng của mình lại làm tôi phẫn uất nhiều như bây giờ. Ước gì tôi có thể giải thích cho con chó đã cắn Shankar rằng trước khi cắn ai lẽ ra nó nên tìm hiểu xem người nó sắp tấn công có mua nổi thuốc giải độc hay không.

Ngày hôm sau tôi làm một việc mà cả chục năm rồi tôi không làm. Tôi cầu nguyện. Tôi tới đền thờ thần Durga, dâng hoa cầu cho Shankar khỏi bệnh. Tôi tới nhà thờ thánh John thắp một ngọn nến cho Shankar. Tôi tới thánh đường Kali Masjid cúi đầu trước thánh Allah, cầu xin ngài rủ lòng thương Shankar. Nhưng ngay cả sức mạnh của sự cầu nguyện cũng tỏ ra là chưa đủ. Suốt cả ngày Shankar vẫn đau đớn cực độ, đau hầu như khắp người. Hơi thở của cậu ấy càng lúc càng bất thường.

Đêm xuống. Đêm không trăng, nhưng ở khu nhà phụ dường như không phải vậy bởi vì ánh phản chiếu của hàng nghìn ngọn đèn thắp sáng cung điện Swapna khiến nó trông giống như một ngọn nến khổng lồ. Trong cung điện người ta đang tổ chức tiệc tùng. Ông cảnh sát trưởng đã tới, cả chánh án quận nữa, và cả một đám đông các doanh nhân, những người có vai vế trong xã hội, các nhà báo nhà văn. Tiếng nhạc khe khẽ và tiếng cười vẳng tới khu nhà phụ. Chúng tôi nghe thấy tiếng ly rượu chạm nhau lách cách, tiếng nói chuyện rì rầm, tiếng tiền xủng xoảng. Trong phòng tôi có một sự yên lặng kỳ lạ, sự yên lặng chỉ bị phá vỡ bởi tiếng thở khó nhọc của Shankar. Cứ khoảng nửa giờ cơ thể cậu lại bị những cơn co giật hành hạ. Nhưng cậu bị quấy rầy nhiều nhất bởi chứng co giật ở họng, với thứ nước dãi chảy thành dây sền sệt khiến cậu ấy rất khó chịu. Giờ chỉ cần nhìn thấy một cốc nước là cậu ấy lên cơn co giật. Một cơn gió nhẹ nhất cũng gây ra hậu quả tương tự.

Trong số vô vàn chứng bệnh có thể khiến con người chết, có lẽ ác nghiệt nhất là chứng sợ nước, khi mà nước, cái thứ được cho là tạo ra sự sống, lại trở thành nguyên nhân gây ra cái chết. Ngay cả bệnh nhân ung thư cũng có thể ấp ủ chút hy vọng, nhưng bệnh nhân mắc bệnh dại thì không.

Nhìn Shankar đang chết dần, tôi chỉ có thể hình dung ra Swapna Devi chắc hẳn phải nhẫn tâm hết mức mới để con trai bà ta chết theo cái cách khủng khiếp này trong khi bà ta đang tổ chức tiệc tùng tại nhà mình. May mà tôi đã ném khẩu Colt xuống sông, nếu không đêm nay nhất định tôi sẽ lại gây ra một vụ giết người nữa.

Càng về khuya, những cơn co giật của Shankar càng trở nên mau hơn, cậu ấy thét lên đau đớn và bắt đầu sùi bọt mép. Tôi biết cái kết thúc đã đến gần.

Cuối cùng Shankar chết lúc mười hai giờ bốn mươi bảy phút sáng. Ngay trước khi chết cậu ấy có một khoảnh khắc minh mẫn nữa. Cậu ấy cầm tay tôi, thốt ra một tiếng duy nhất, “Raju.” Sau đó cậu ấy giữ chặt cuốn sổ màu xanh và kêu, “Mẹ ơi, mẹ ơi,” rồi nhắm mắt mãi mãi.

Agra trở thành thành phố chết chóc. Tôi có một xác chết trong phòng và một cuốn sổ màu xanh trong tay. Tôi lật các trang giấy một cách bâng quơ, nhìn những bức phác họa bằng bút chì vẽ một phụ nữ, một người mẹ nhẫn tâm. Không, tôi sẽ không gọi bà ta là “người mẹ”, bởi vì gọi như thế là xúc phạm tất cả những người mẹ.

Tôi không biết phải phản ứng thế nào trước cái chết của Shankar. Tôi có thể la hét và kêu gào giống như Bihari. Tôi có thể chửi tất cả thần thánh trên trời và tất cả các thế lực trên trái đất. Tôi có thể đập phá cánh cửa, ném đồ đạc, đá cột đèn. Và sau đó tôi sẽ gục xuống mà khóc. Nhưng hôm nay nước mắt không chịu chảy ra. Một cơn thịnh nộ bỏng rẫy từ từ dâng lên trong lòng tôi. Tôi giật các trang giấy khỏi cuốn sổ và xé chúng thành những mảnh nhỏ. Rồi, bất thình lình, tôi bế Shankar lên và đi về phía cung điện sáng trưng.

Mấy tay gác cổng mặc đồng phục chặn đường tôi, nhưng vừa nhìn thấy xác chết trên tay tôi họ vội mở cổng ra. Tôi đi dọc con đường uốn lượn dành cho xe chạy vào cung điện, nơi những chiếc xe hơi nhập ngoại đắt tiền của khách khứa đậu thành hàng, chiếc nọ nối chiếc kia. Tôi tiến đến cái cổng được trang hoàng và nhận thấy nó mở sẵn đón chào. Tôi băng qua tiền sảnh lát đá cẩm thạch và bước vào phòng ăn nơi khách khứa sắp dùng món tráng miệng. Tất cả các cuộc trò chuyện đều ngừng lại khi mọi người nhìn thấy tôi.

Tôi bước tới bàn ăn và khẽ đặt xác của Shankar xuống giữa bàn, giữa một chiếc bánh kem vani và một tô rasagullas. Những người phục vụ đứng im như tượng. Các thương gia ăn mặc bảnh bao ho hắng và cựa quậy trên ghế vẻ khó chịu. Những quý bà bấu lấy vòng cổ của mình. Ông chánh án quận và ông cảnh sát trưởng nhìn tôi bằng ánh mắt lo ngại. Swapna Devi, ngồi ở đầu bàn, khoác tấm sari bằng lụa dày và mang cả đống đồ trang sức trên người, trông như thể sắp ngộp thở. Bà ta cố gắng mở miệng, nhưng nhận thấy dây thanh âm của mình đã bị liệt. Tôi nhìn thẳng vào bà ta với tất cả sự khinh rẻ mình có thể tập hợp được và nói.

“Bà Swapna Devi, nếu đây là cung điện của bà, và bà là nữ hoàng của nó, thì hãy thừa nhận vị hoàng tử này. Tôi đưa đến cho bà người con trai đã chết của bà, Kunwar Shankar Singh Gautam. Cậu ấy chết cách đây nửa giờ, ở khu nhà phụ nơi bà đã giấu cậu ấy trong suốt từng ấy năm. Bà đã không chịu chi tiền để chữa bệnh cho cậu ấy. Bà đã không làm tròn bổn phận của một người mẹ. Giờ hãy thực hiện trách nhiệm của một bà chủ nhà trọ đi. Xin hãy lo đám tang cho người thuê nhà không một xu dính túi của bà.”

Tôi nói xong, cúi đầu chào các vị khách đang theo dõi với sự im lặng tuyệt đối, rồi rời khỏi cái cung điện ngột ngạt đó bước ra ngoài trời đêm mát mẻ. Tôi nghe nói không một ai ăn tráng miệng.

Cái chết của Shankar tác động đến tôi một cách sâu sắc. Tôi ngủ, khóc rồi lại ngủ. Tôi không đến Taj Mahal nữa. Tôi không gặp Nita nữa. Tôi không đi xem phim nữa. Tôi đã ấn cái nút “Tạm dừng” đối với cuộc sống của tôi. Trong khoảng nửa tháng sau cái chết của Shankar, tôi đi lang thang khắp Agra như con thú phát cuồng. Một tối cậu sinh viên Shakil phát hiện thấy tôi đứng bên ngoài phòng Shankar nhìn chằm chằm vào cái khóa cửa như một kẻ say rượu nhìn chai whisky. Bihari, anh thợ chữa giày, thấy tôi ngồi bên cạnh vòi nước và nước chảy thành giọt từ mắt tôi chứ không phải từ cái vòi. Abdul, người làm vườn tại cung điện Swapna, bắt gặp tôi đang đi nhón chân quanh khu nhà phụ giống như Shankar thường làm. Đang giữa mùa đông, nhưng với tôi thành phố trở nên nóng nực và vắng vẻ đến mức hiu quạnh. Tôi cố để mình chìm vào sự tồn tại hỗn loạn của nó. Tôi cố trở thành một âm tiết vô nghĩa trong chuỗi tiếng nói huyên thuyên không ngừng nghỉ của nó, và tôi suýt nữa đã thành công trong việc ném mình vào trạng thái lơ ngơ.

Khi tôi thức tỉnh thì đã quá muộn. Có một cú điện thoại từ trạm điện thoại công cộng địa phương gọi tới và Shakil chạy đến báo cho tôi biết. “Raju, Raju, có người gọi điện nói rằng Nita đã gọi. Cô ấy muốn cậu đến phòng cấp cứu của bệnh viện Shinghania ngay bây giờ.”

Tôi cảm thấy vô cùng lo lắng khi nghe tin đó và chạy ba dặm liền tới bệnh viện Shinghania. Tôi tránh được trong gang tấc không đâm sầm vào một bác sĩ, suýt làm lộn nhào một chiếc xe đẩy, và xông vào phòng cấp cứu như viên thanh tra bất thình lình xuất hiện để ngăn chặn vụ cướp có vũ trang.

“Nita đâu?” tôi hỏi một y tá đang ngơ ngác.

“Em đây, Raju.” Giọng Nita nghe yếu ớt. Cô ấy nằm trên xe đẩy phía sau một ngăn riêng có rèm che. Vừa nhìn thấy cô ấy tôi đã suýt ngất vì sốc. Khắp mặt cô ấy chỗ nào cũng bầm tím còn môi bị méo đi một cách kỳ dị như thể cằm cô ấy bị biến vị. Hai chiếc răng của cô ấy vẫn đang chảy máu và mắt trái thâm đen.

“Kẻ nào... kẻ nào đã khiến em ra nông nỗi này?” tôi hỏi, gần như không nhận ra giọng mình nữa.

Cô ấy nói rất khó khăn. “Đó là một người đàn ông đến từ Mumbai. Shyam bảo em tới phòng hắn tại khách sạn Cung điện. Hắn trói em lại và làm tất cả chuyện này với em. Những gì anh thấy trên mặt em chẳng là gì cả. Nhìn những gì hắn đã làm với người em mà xem.”

Nita lật người sang một bên và tôi nhìn thấy những vết roi đỏ hằn sâu trên tấm lưng thon của cô, như thể ai đó đã dùng roi ngựa quật cô ấy. Sau đó cô ấy vén áo lên và tôi gần như chết đứng. Ngực cô ấy chi chít vết bỏng do điếu thuốc lá đang cháy gây nên, trông giống như những vết rỗ xấu xí trên làn da nâu mịn màng của bầu ngực cô. Trước đây tôi đã từng nhìn thấy cảnh này.

Máu tôi bắt đầu sôi lên. “Anh biết ai đã làm chuyện này với em. Hắn có nói tên hắn không? Anh sẽ giết hắn.”

“Em không biết tên hắn, nhưng hắn cao và...”

Đúng lúc đó Shyam bước vào phòng, tay cầm gói thuốc. Vừa nhìn thấy tôi là gã đã tức điên lên. “Đồ khốn,” gã hét lên và túm cổ áo tôi. “Sao mày dám mò đến đây hả? Chỉ vì mày mà Nita mới gặp chuyện này.”

“Anh điên à, Shyam?” Tôi kêu lên.

“Không, mày điên thì có. Mày nghĩ Nita là tài sản của riêng mày, mày bảo nó bỏ nghề và không ngoan ngoãn phục vụ khách hàng nữa. Mày có biết người khách từ Mumbai đó trả cho nó bao nhiêu không? Năm nghìn rupi. Nhưng em gái tao đã tin mày: chắc hẳn nó đã cưỡng lại ông ta và mày thấy chuyện gì đã xảy ra rồi đấy. Giờ để tao nói cho mày biết một điều. Nếu mày muốn gặp lại Nita thì hãy mang bốn mươi vạn rupi đến cho tao. Còn nếu không gom nổi số tiền đấy thì quên Nita đi. Nếu tao nhìn thấy mày lảng vảng quanh bệnh viện, tao sẽ cho người giết mày đấy, hiểu chưa? Giờ thì biến đi.”

Ngay lúc đó tôi có thể giết Shyam, bóp cổ gã, làm gã tắc thở, hoặc dùng ngón tay móc mắt gã ra. Nhưng tôi nhớ tới lời hứa với Nita, và bằng cách nào đó tôi đã kìm nén được cơn giận đang trào sôi. Tôi không tài nào chịu đựng nổi nếu phải nhìn khuôn mặt Nita thêm nữa, vậy là tôi rời phòng cấp cứu. Tôi chỉ biết duy nhất một điều. Bằng cách này hay cách khác tôi phải kiếm được bốn mươi vạn rupi. Nhưng kiếm ở đâu bây gờ?

Tôi lập kế hoạch và chờ dịp Swapna không có nhà. Hai tối sau, tôi thấy Swapna lái chiếc Contessa của bà ta đến dự tiệc trong thành phố và tôi đột nhập vào địa phận cung điện Swapna qua một lỗ hổng trên bức tường bao. Lajwanti đã giảng giải cho tôi về địa hình chi tiết của ngôi nhà và chẳng khó khăn gì tôi cũng xác định được vị trí ô cửa sổ dẫn vào phòng ngủ của Swapna Devi. Tôi dùng xà beng nạy cánh cửa rồi bước vào trong phòng ngủ xa hoa của bà ta. Tôi không có thời gian chiêm ngưỡng chiếc giường lớn bằng gỗ óc chó được chạm khắc hay chiếc bàn trang điểm bằng gỗ tếch. Tôi chỉ tìm một bức tranh lớn được đóng khung và phát hiện ra nó nằm trên bức tường bên trái. Đó là bức tranh vẽ đàn ngựa với màu sắc rực rỡ và có chữ ký của một người tên là Husain. Tôi vội gỡ bức tranh khỏi móc treo và phát hiện ra một cái hốc hình vuông ở trong tường nơi gắn két sắt. Tôi nhìn xuống dưới góc đệm bên tay trái và không thấy chiếc chìa khóa nào ở đó. Tôi bị mất thăng bằng trong giây lát nhưng rồi nhẹ cả người khi phát hiện ra chiếc chìa khóa ở góc đệm bên tay phải. Chìa khớp với ổ khóa và cánh cửa két sắt nặng nề từ từ mở ra. Tôi nhìn vào trong két và lại bị sốc. Két sắt gần như trống rỗng. Không có chuỗi ngọc, không vòng tay, vòng chân bằng vàng. Chỉ có bốn xấp tiền mỏng, ít giấy tờ, một tấm ảnh đen trắng chụp một đứa bé đang ở tuổi tập đi. Không cần phải nhìn thật gần tôi cũng biết đó là ảnh của Shankar. Tôi không hề thấy day dứt về việc khoắng cái két sắt này. Tôi nhét bốn xấp tiền vào túi áo, túi quần, đóng két sắt lại, trả bức tranh và chìa khóa về chỗ cũ và đi ra theo lối tôi đã vào.

Tôi chạy vội về phòng mình ở khu nhà phụ, khóa cửa lại rồi ngồi xuống đếm tiền. Bốn xấp tiền tổng cộng 399.844 rupi. Tôi lục lọi khắp các túi quần, túi áo của mình và tìm được 156 rupi. Hai món tiền đó gộp lại được đúng bốn mươi vạn rupi. Cứ như thể nữ thần Durga đã phù hộ cho tôi.

Tôi đút tiền vào một cái túi giấy màu nâu, giữ chặt nó bằng tay phải và chạy tới bệnh viện. Khi tôi vào phòng cấp cứu, một người đàn ông trung tuổi đeo kính, mặt lởm chởm râu ria và mái tóc rối bù va phải tôi. Tôi ngã xuống sàn gạch và cái túi màu nâu tuột khỏi tay. Những tờ giấy bạc rơi tóe loe khỏi túi. Người đàn ông nhìn thấy những tờ bạc và đôi mắt lóe lên tia sáng điên dại. Ông ta bắt đầu nhặt những tờ bạc giống như một đứa bé phấn khích. Trong một thoáng tôi ngây người ra, tự hỏi không biết có phải mình đang nhìn thấy cảnh lặp lại của vụ trộm trên tàu hỏa hay không. Nhưng sau khi nhặt hết những tờ bạc, người đàn ông trả chúng cho tôi và chắp hai tay lại, “Tiền này là của cậu, nhưng tôi xin cậu, người anh em, hãy cho tôi mượn số tiền này. Xin hãy cứu mạng con trai tôi. Nó mới chỉ mười sáu tuổi thôi. Tôi không thể chịu đựng được nếu phải nhìn nó chết,” ông ta van xin như một kẻ ăn mày.

Tôi vội nhét tiền vào chiếc túi giấy màu nâu và cố tống khứ ông ta đi.

“Con trai ông bị làm sao?”

“Nó bị một con chó dại cắn. Giờ nó đang mắc chứng sợ nước. Bác sĩ nói đêm nay nó sẽ chết trừ khi tôi mua được loại vắc xin tên là RabCure, loại vắc xin chỉ bán tại nhà thuốc Gupta. Nhưng nó có giá bốn mươi vạn rupi, một giáo viên như tôi thì đào đâu ra số tiền lớn như vậy. Tôi biết cậu có số tiền đó, người anh em ạ. Tôi xin cậu, hãy cứu mạng con trai tôi và tôi sẽ trở thành nô lệ của cậu suốt đời,” ông ta nói rồi òa khóc như một đứa trẻ.

“Tiền này dùng để chữa bệnh cho một người rất thân thiết đối với tôi. Tôi xin lỗi, tôi không thể giúp ông được,” tôi nói và đi qua cánh cửa kính.

Người đàn ông chạy theo bám lấy chân tôi. “Xin đợi một lát, người anh em. Hãy nhìn bức ảnh này. Đây là con trai tôi. Hãy nói xem làm sao tôi sống nổi nếu đêm nay nó chết?” Ông ấy chìa ra bức ảnh màu chụp một cậu con trai trông thật trẻ trung ưa nhìn. Cậu có đôi mắt đen biểu cảm và nụ cười nồng ấm. Cậu làm tôi nhớ tới Shankar, và tôi vội nhìn đi chỗ khác. “Tôi đã nói với ông rồi, tôi xin lỗi. Làm ơn đừng quấy rầy tôi,” tôi nói và gỡ chân mình khỏi tay ông ấy.

Tôi không nhìn lại phía sau xem ông ta có tiếp tục đi theo hay không mà vội vã đi tới giường của Nita. Shyam và một gã đàn ông khác đến từ nhà chứa đang ngồi trên ghế trước mặt Nita giống như hai gã lính canh. Họ đang ăn bánh gối gói trong một tờ báo ướt. Nita hình như đang ngủ. Mặt cô bị băng nhiều chỗ.

“Gì thế?” Shyam vừa nói vừa nhai bánh gối. “Tại sao mày đến đây, thằng khốn?”

“Tôi đã có số tiền anh yêu cầu. Đúng bốn mươi vạn rupi. Nhìn xem.” Tôi chìa cho gã xem những xấp bạc.

 Shyam huýt sáo. “Mày lấy trộm số tiền này ở đâu hả?”

“Đó không phải việc của anh. Tôi tới để đưa Nita đi với tôi.”

“Nita sẽ không đi đâu hết. Bác sĩ nói phải mất bốn tháng nó mới hồi phục được. Và vì mày phải chịu trách nhiệm về những vết thương của nó, mày nên trả cả tiền chữa trị cho nó nữa. Nó cần được phẫu thuật thẩm mỹ. Cái loại phẫu thuật đó đắt kinh khủng, tiêu tốn của tao gần hai mươi vạn bạc đấy. Vậy nên nếu muốn có Nita thì mày hãy quay lại đây với sáu mươi vạn, nếu không thằng bạn tao đây sẽ chăm sóc mày.”

Gã đàn ông ngồi cạnh Shyam rút từ trong túi quần ra một con dao bấm và xoay xoay nó giữa những ngón tay như một thợ cắt tóc chuẩn bị cạo râu cho khách hàng. Gã nở nụ cười nham hiểm làm lộ hàm răng ám màu trầu thuốc.

Khi đó tôi biết Nita sẽ không bao giờ là của tôi. Rằng Shyam sẽ không bao giờ để cô ấy đi. Rằng cho dù có xoay xở mang tới được sáu mươi vạn, Shyam sẽ đòi một trăm vạn. Đầu óc tôi dường như mụ đi và tôi nhìn thấy quanh mình toàn một màu đen. Cơn buồn nôn tấn công tôi. Khi bình tĩnh lại tôi nhìn thấy một tờ báo ướt nằm trên sàn. Trong tờ báo đó có một mục quảng cáo cho thấy khuôn mặt của một người đàn ông cười xếch đến mang tai đang kẹp mấy tờ bạc trị giá hàng nghìn rupi giữa các ngón tay. Dưới bức ảnh đó là lời chú thích, “Hoan nghênh quý vị đến với chương trình truyền hình tuyệt vời nhất. Hoan nghênh quý vị đến với chương trình ALTP - Ai là tỷ phú. Các đường dây điện thoại đang thông. Hãy gọi điện hoặc viết thư cho chúng tôi để xem liệu bạn có phải là người may mắn giành được giải thưởng lớn nhất trên trái đất hay không!” Tôi nhìn địa chỉ ghi trên quảng cáo đó. Nó ghi, “Prem Studios, Khar, Mumbai.” Chính lúc đó tôi biết mình sẽ tới Mumbai.

Tôi bước ra khỏi phòng cấp cứu như kẻ mất hồn. Mùi thuốc sát trùng của bệnh viện không kích thích các giác quan của tôi nữa. Người đàn ông đeo kính vẫn đứng ở hành lang. Ông ta nhìn tôi bằng ánh mắt khấp khởi hy vọng, nhưng lần này không cố xáp đến gần tôi. Có lẽ ông ta đành cam chịu cái chết của đứa con. Tôi vẫn cầm cái túi giấy màu nâu trong tay. Tôi ra hiệu cho ông ta. Ông ta lê bước tới chỗ tôi như con chó trông chờ một khúc xương. “Đây, cầm lấy.” Tôi đưa cái túi ra. “Tôi có bốn mươi vạn rupi ở trong túi. Đi cứu con trai ông đi.”

Người đàn ông cầm lấy túi tiền, quỳ sụp xuống chân tôi và òa khóc. “Cậu không phải con người, cậu là một vị thần,” ông ta nói.

Tôi cười thành tiếng. “Nếu tôi là thần thánh, chúng ta sẽ không cần đến bệnh viện. Không, tôi chỉ là một hướng dẫn viên du lịch nhỏ bé có những ước mơ lớn,” tôi nói và cố bước về phía trước, nhưng ông ta lại chặn đường tôi. Ông ta lấy từ trong túi áo ra một chiếc ví da sờn cũ và rút ra một tấm danh thiếp. “Tiền cậu đưa cho tôi là một khoản tôi nợ cậu. Đây là danh thiếp của tôi. Tôi sẽ trả tiền cậu ngay khi có thể, nhưng từ lúc này tôi là người hầu của cậu.”

“Tôi không nghĩ sẽ cần ông. Thực ra, tôi không nghĩ mình sẽ cần bất cứ ai ở Agra. Tôi sắp đi Mumbai.” Tôi lơ đãng nói với ông ta và nhét tấm danh thiếp vào túi áo. Người đàn ông nhìn tôi lần nữa bằng đôi mắt đẫm lệ rồi lao ra khỏi bệnh viện, chạy về hướng Rakab Gani và cái nhà thuốc Gupta mở cửa thâu đêm.

Tôi sắp bước ra bên ngoài bệnh viện thì một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy phanh kít lại. Một viên thanh tra cùng hai cảnh sát nhảy ra khỏi xe. Hai người đàn ông nữa bước xuống từ ghế sau, và tôi nhận ra họ. Một người là bảo vệ tại cung điện Swapna, còn người kia là Abdul, người làm vườn. Người bảo vệ chỉ vào tôi. “Ngài thanh tra, đây là cái cậu Raju đó. Cậu ta là kẻ đã lấy trộm tiền của Rani Sahiba.” Viên thanh tra chỉ đạo cho các cảnh sát của ông ta. “Vì chúng ta không tìm thấy gì trong phòng hắn, tiền chắc hẳn ở trong người hắn. Hãy khám túi thằng khốn này.” Mấy người cảnh sát sờ nắn khắp áo quần tôi. Họ tìm thấy một gói kẹo cao su nhỏ, vài hạt ngô, một đồng xu một rupi giờ dường như chẳng còn là đồng xu may mắn nữa.

“Hắn không có gì. Hắn nhẵn túi,” một cảnh sát trả lời.

“Thật sao? Dẫu sao, cứ đưa hắn về điều tra. Chúng ta sẽ tìm ra hắn đã ở đâu tối nay,” viên cảnh sát nói một cách cộc cằn.

“Ztyoz Hz?” tôi đáp, môi méo đi một cách dị dạng.

“Mày vừa nói gì? Tao không hiểu,” viên thanh tra nói, có vẻ hơi thất vọng.

“Q Yxqa Uj Xnz Qaqkp.”

“Mày nói vớ vẩn gì thế?” viên thanh tra tức giận nói. “Mày đang cố giỡn ông hả, thằng khốn? Ông sẽ dạy cho mày một bài học.” Ông ta vung dùi cui lên định đánh tôi, nhưng Abdul vội can thiệp. “Xin đừng đánh cậu ấy, thanh tra. Raju trở nên mất cân bằng tinh thần kể từ sau cái chết của Shankar bạn cậu ấy. Shankar trước đây cũng từng nói giống như thế này.”

“À, là trường hợp đó hả? Vậy tại sao anh lại nghĩ hắn là kẻ tình nghi? Chúng ta sẽ chẳng moi được gì từ một kẻ điên đâu. Nào, đi thôi,” ông ta ra hiệu cho mấy viên cảnh sát. Rồi ông ta nhìn tôi. “Xin lỗi đã quấy rầy, giờ cậu có thể về nhà.”

“Pdxif Ukj,” tôi nói. “Pdxif Ukj Rznu Hjyd."

Tôi ngồi trên giường của Smita, nước mắt rơi lã chã. Smita cầm tay tôi, khẽ vuốt ve. Tôi nhận thấy mắt cô cũng nhòa lệ. “Shankar tội nghiệp,” cô ấy nói. “Từ những gì cậu đã kể với tôi, tôi nghĩ cậu ấy là một đứa trẻ bị chứng tự kỷ. Cậu ấy đã phải chịu một cái chết thật khủng khiếp. Cậu đã trải qua quãng thời gian thật đau buồn, Thomas ạ. Cậu không đáng phải chịu tất cả nỗi đau đó.”

“Nhưng nỗi đau của tôi vẫn không bằng của Nita. Hãy hình dung những gì cô ấy đã phải trải qua từ năm mười hai tuổi mà xem.”

Smita gật đầu. “Đúng, tôi có thể hình dung được. Cô ấy vẫn ở Agra à?”

“Cô ấy có lẽ vẫn ở đó, nhưng tôi không chắc lắm. Đã bốn tháng nay tôi không có tin tức gì của cô ấy. Tôi không biết liệu mình có còn gặp lại cô ấy nữa hay không.”

“Tôi tin rằng cậu sẽ gặp lại cô ấy. Giờ chúng ta hãy xem câu hỏi cuối cùng nào.

Bảng hiệu trong trường quay hiện lên hai chữ “Im lặng” nhưng khán giả không chịu để ý đến nó. Họ chỉ vào tôi và bàn tán với nhau một cách phấn khích. Tôi là gã bồi bàn ngốc nghếch đã đặt cược một trăm triệu rupi vào một câu hỏi.

Prem Kumar hướng vào máy quay. “Giờ chúng ta sẽ chuyển sang câu hỏi số mười một với giải thưởng trị giá một trăm triệu. Hãy tin tôi, chỉ cần nghĩ đến nó thôi tôi đã nổi da gà rồi. Vậy, anh Thomas, anh có căng thẳng không?”

“Không.”

“Thật ngạc nhiên. Anh ở đây, chơi trò may rủi với mười triệu rupi đã giành được vậy mà anh thậm chí không cảm thấy một dấu hiệu lo lắng nào. Xin hãy nhớ cho, nếu trả lời sai anh sẽ mất tất cả. Nhưng nếu trả lời đúng thì một trăm triệu rupi sẽ thuộc về anh. Chưa người nào thắng được số tiền lớn đến vậy, thậm chí trong xổ số cũng không. Vậy chúng ta hãy xem ngay tại đây, ngay bây giờ, lịch sử có được lập nên hay không. Ok, đây là câu hỏi số mười một, và nó thuộc lĩnh vực...” Prem Kumar dừng lại để tạo kịch tính, sau đó anh ta nói nốt câu... “văn học Anh!” Bảng hiệu của trường quay chuyển sang hai chữ “Vỗ tay”.

“Thomas, hãy cho tôi biết anh có chút kiến thức nào về văn học Anh không? Anh đã từng đọc những cuốn sách, những vở kịch, những bài thơ bằng tiếng Anh chưa?”

“Ồ, tôi có thể đọc thuộc lòng bài ‘Baa, Baa, Black Sheep’, nếu như anh gọi đó là thơ tiếng Anh.”

Khán giả cười rộ lên.

“Tôi phải thú nhận, đầu óc tôi hơi chộn rộn một chút, nhưng đừng bận tâm. Chắc hẳn cậu đã nghe nói tới Shakespeare?”

“Sheikh nào?”

“Shakespeare, người vĩ đại nhất trong số những nhà viết kịch sử dụng tiếng Anh, cậu biết chứ? Ồ, ước gì tôi được quay trở lại những ngày học đại học, khi tôi dành toàn bộ thời gian của mình tham gia đóng trong các vở kịch của Shakespeare. Trong các bạn có ai nhớ nhân vật Hamlet không? ‘Sống hay không sống, đó là vấn đề. Đằng nào cao quý hơn, chịu đựng những viên đá, những mũi tên của số mệnh phũ phàng, Hay cầm vũ khí mà chống lại bể khổ, và chống lại để diệt chúng đi?’ Nhưng tôi nói thế là đủ rồi. Chính anh Thomas là người phải trả lời câu hỏi tiếp theo, và giờ sẽ đến mốc một trăm triệu rupi. Trong vở kịch nào của Shakespeare chúng ta thấy xuất hiện nhân vật Costard? Đó là a) Vua Lear, b) Người lái buôn thành Venice, c) Uổng công vô ích vì tình yêu hay d) Othello?

Tiếng nhạc vang lên. Tôi ngây ra nhìn Prem Kumar.

“Hãy cho tôi biết, anh Thomas, anh có biết chút gì về điều chúng ta đang nói tới không?”

“Không.”

“Không ư? Vậy anh định làm gì? Anh phải đưa ra câu trả lời, ngay cả khi phải dựa vào việc gieo đồng xu. Anh biết đấy, nếu may mắn của anh tiếp tục kéo dài, thì anh sẽ tìm được câu trả lời đúng và sẽ giành được giải thưởng một trăm triệu rupi. Vậy quyết định của anh là gì?”

Đầu óc tôi mụ đi. Tôi biết cuối cùng mình đã bị dồn vào thế bí. Tôi suy nghĩ trong ba mươi giây, và rồi quyết định. “Tôi sẽ sử dụng sự trợ giúp.”

Prem Kumar nhìn tôi giễu cợt. Dường như anh ta đã quên mất trò chơi này có cái gọi là những sự trợ giúp. Cuối cùng anh ta sực tỉnh. “Một sự trợ giúp ư? Vâng, tất nhiên, anh còn cả hai sự trợ giúp. Xin hãy cho biết, anh muốn sử dụng sự trợ giúp nào? Anh có thể yêu cầu tôi loại ra hai phương án sai hoặc sử dụng sự trợ giúp của người thân.”

Tôi lại bối rối. Tôi biết tìm đến ai để có được câu trả lời cho câu hỏi này? Salim cũng mù tịt như tôi. Ông chủ quán Jimmy biết về Shakespeare cũng nhiều như một kẻ say rượu biết phương hướng. Và văn học đối với đầu óc của những người dân sống ở Dharavi cũng xa vời như sự trung thực đối với cảnh sát vậy. Chỉ có Cha Timothy là có thể giúp tôi trong câu hỏi này, mà Cha thì chết rồi. Tôi có nên yêu cầu sự trợ giúp năm mươi năm mươi không? Tôi cho tay vào túi áo lấy ra đồng xu cũ đáng tin cậy của mình và ngạc nhiên khi chạm phải mép của tấm danh thiếp. Tôi rút nó ra. Đó là một tấm danh thiếp có ghi, “Utpal Chatterjee, giáo viên tiếng Anh, trường Thánh John, Agra” và một số điện thoại. Thoạt tiên tôi không hiểu. Tôi không nhớ người nào mang tên này hay thậm chí không nhớ làm thế nào mà tấm danh thiếp này lại ở trong túi áo mình. Rồi, bỗng nhiên, tôi nhớ ra cảnh ở bệnh viện: người đàn ông tóc rối bù, đeo kính, có đứa con trai mười sáu tuổi sắp chết vì chứng sợ nước. Một tiếng kêu không chủ ý bật ra khỏi môi tôi.

Prem Kumar nghe thấy tiếng kêu đó và nhìn tôi sắc lẻm. “Xin lỗi, anh nói gì?”

“Tôi nói anh có thể làm ơn gọi điện cho quý ông này được không?” Tôi đưa tấm danh thiếp cho Prem Kumar. “Tôi sẽ sử dụng quyền trợ giúp từ người thân.”

Prem Kumar lật lật tấm danh thiếp giữa những ngón tay. “Tôi hiểu. Vậy là anh biết một người có thể giúp anh trong câu hỏi này.” Mặt anh ta lộ vẻ lo lắng. Anh ta và người sản xuất chương trình trao đổi với nhau bằng mắt. Người sản xuất chương trình xòe hai bàn tay của mình ra. Hai chữ “Trợ giúp” hiện trên màn hình. Chúng tôi nhìn thấy cảnh hoạt họa một con tàu đang chạy trên biển, một người bơi đang kêu cứu và được ném cho một chiếc phao cứu sinh màu đỏ.

Prem Kumar nhấc chiếc điện thoại không dây từ phía dưới bàn lên và đưa nó cho tôi. “Điện thoại đây. Hãy hỏi bất cứ điều gì từ bất cứ ai anh muốn. Nhưng anh chỉ có hai phút thôi, và thời gian của anh bắt đầu,”anh ta nhìn đồng hồ đeo tay, “... nào!”

Tôi cầm điện thoại và bấm theo số ghi trên tấm danh thiếp. Cuộc gọi được kết nối và đầu dây bên kia ở Agra bắt đầu đổ chuông. Nhưng nó cứ đổ chuông, đổ chuông, đổ chuông hoài mà không ai nhấc máy. Nửa phút trôi qua. Sự căng thẳng trong trường quay dường như có thể sờ thấy được. Khán giả nhìn tôi nín thở. Đối với họ, tôi chẳng khác gì một diễn viên nhào lộn trong rạp xiếc đang thực hiện động tác đi trên dây mà bên dưới không có tấm lưới an toàn nào. Chỉ cần một động tác không chính xác là người diễn viên có thể ngã lộn nhào và chết liền. Chín mươi giây nữa trôi qua và tôi sẽ mất một trăm triệu rupi.

Đúng lúc tôi sắp gác máy thì ở đầu dây bên kia có người nhấc máy. Tôi chỉ còn lại hơn một phút. “Alô?”

“Alô. Tôi có thể nói chuyện với với ông Utpal Chatterjee không ạ?” tôi nói nhanh.

“Chính tôi đây.”

“Ông Chatterjee. Tôi là Ram Mohammad Thomas.”

“Ram Mohammad... gì ạ?”

“Thomas. Ông có lẽ không biết tên tôi, nhưng tôi đã giúp đỡ ông ở bệnh viện Singhnia nơi con trai ông phải nằm điều trị. Ông còn nhớ không?”

“Ôi, trời ơi.” Bỗng nhiên giọng ông ấy thay đổi hoàn toàn. “Bốn tháng qua tôi tìm cậu loạn cả lên. Cảm ơn cậu đã gọi cho tôi. Cậu đã cứu mạng con trai tôi, cậu không biết tôi đã cố...”

Tôi ngắt lời ông ta. “Ông Chatterjee, tôi không có nhiều thời gian. Tôi đang tham gia một chương trình trò chơi truyền hình và tôi cần ông trả lời nhanh một câu hỏi giúp tôi.”

“Một câu hỏi ư? Vâng, tất nhiên rồi, tôi sẵn sàng làm những gì cậu muốn.”

Giờ chỉ còn chưa đầy ba mươi giây nữa. Mọi con mắt đều đổ dồn vào chiếc đồng hồ treo tường đang hối hả báo từng giây trôi qua.

“Hãy nói cho tôi biết, thật nhanh, vở nào trong số những vở kịch sau đây của Shakespeare có một nhân vật được gọi là Costard? Đó là a) Vua Lear, b) Người lái buôn thành Venice, c) Uổng công vô ích vì tình yêu hay d) Othello?”

Từng giây trôi qua và từ phía Chatterjee chỉ có sự im lặng.

“Ông Chatterjee. Ông có thể nói cho tôi biết câu trả lời không?”

Chỉ còn lại mười lăm giây khi Chatterjee trả lời, “Tôi không biết.”

Tôi chết lặng cả người. “Gì cơ?”

“Tôi xin lỗi, tôi không biết câu trả lời. Nói đúng hơn, tôi không chắc lắm. Tôi không nhớ có nhân vật này trong vở Người lái buôn thành Venice hay vở Othello. Nhân vật đó hoặc là ở trong vở Vua Lear hoặc là ở trong vở Uổng công vô ích vì tình yêu - Tôi không chắc là vở nào.”

“Nhưng tôi chỉ có thể đưa ra một câu trả lời thôi.”

“Vậy thì hãy chọn Uổng công vô ích vì tình yêu. Nhưng, như tôi đã nói, tôi không chắc chắn lắm. Tôi xin lỗi, tôi không thể giúp gì hơn được...”

Prem Kumar cắt ngang. “Xin lỗi, anh Thomas. Hai phút của anh đã hết. Giờ tôi cần câu trả lời.

Tiếng nhạc nền nghe không còn hồi hộp nữa. Nó lạnh lùng tuyệt đối. Tôi chìm sâu vào dòng suy nghĩ.

“Anh Thomas, anh có biết rõ ông Chatterjee không?” Prem Kumar hỏi tôi.

“Tôi mới chỉ gặp ông ấy một lần.”

“Và ông ấy là một giáo viên tiếng Anh giỏi đến mức nào?”

“Tôi không biết.”

“Vậy anh có thể tin vào câu trả lời của ông ấy, hay anh muốn nghe theo trực giác của mình hơn?”

Tôi quyết định. “Tôi sẽ nghe theo trực giác của mình, và trực giác mách bảo tôi hãy tin vào câu trả lời mà ông Chatterjee đã đưa ra. Đó là C. Uổng công vô ích vì tình yêu.”

“H 886 y nghĩ lại đi. Hãy nhớ rằng nếu đưa ra câu trả lời sai, anh không những không giành được một trăm triệu rupi mà còn mất luôn mười triệu rupi mà anh đã giành được cho tới thời điểm này.”

“Câu trả lời cuối cùng của tôi vẫn là C.”

“Anh có hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm không?”

“Có.”

“Tôi hỏi lại anh một lần nữa. Anh có hoàn toàn, hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm không?”

“Có.”

Tiếng trống đổ dồn. Câu trả lời đúng nhấp nháy trên màn hình.

“Ôi, trời ơi, đó là C. Anh đúng hoàn toàn, một trăm phần trăm!” Prem Kumar đứng dậy. “Ram Mohammad Thomas, anh là người đầu tiên trong chương trình này giành được một trăm triệu rupi. Thưa các quý bà quý ông, lịch sử đã được lập nên! Và giờ chúng ta phải nghỉ ít phút.”

Khán giả trở nên cuồng nhiệt. Tất cả mọi người đều đứng dậy vỗ tay trong hơn một phút.

Mặt Prem Kumar đỏ bừng. Anh ta nhễ nhại mồ hôi.

“Vậy anh cảm thấy thế nào?” anh ta hỏi tôi.

“Q Bzzg Cnzxp!” tôi nói.

Anh ta trông có vẻ thất vọng. “Xin lỗi, anh vừa nói gì?”

“Tôi nói tôi cảm thấy tuyệt vời,” tôi đáp và nhìn lên. Tôi thấy Shankar mỉm cười với tôi từ trên cao. Và dường như tối nay nữ thần Durga đang thực sự phù hộ độ trì cho tôi. 

Hết chương 12. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27937


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận