Triệu Phú Ổ Chuột Chương 3


Chương 3
Gánh nặng của một người linh mục.

Nếu đã có lần đếnDelhibằng tàu hỏa, chắc hẳn bạn đã từng ghé thăm Paharganj. Rất có thể bạn đã đến cái ga tàu hỏa Paharganj bụi bặm và ồn ào đó. Bạn đã ra khỏi nhà ga, gần như chắc chắn đã rẽ trái về phía trung tâm Connaught Place, đi vòng qua khu chợ đông đúc với những nhà nghỉ hạ giá và gái mại dâm rẻ tiền dành cho du khách. Nhưng nếu đi về phía bên phải, qua bệnh viện Mother Dairy và J.J. Women, bạn sẽ nhìn thấy một tòa nhà màu đỏ có cây thánh giá lớn màu trắng. Đó là nhà thờ St Mary. Đó là nơi tôi đã sinh ra đúng vào ngày Giáng sinh cách đây mười tám năm. Hay nói chính xác hơn, đó là nơi tôi bị bỏ lại trong cái đêm đông giá buốt của ngày 25 tháng Mười hai. Bị bỏ lại trong cái thùng lớn mà các bà sơ đặt ở đó để quyên quần áo cũ. Cho đến nay tôi vẫn không biết ai đã bỏ tôi vào đó và tại sao người ấy lại làm thế. Sự nghi ngờ luôn hướng về phía khoa Sản của bệnh viện J.J. Có lẽ tôi đã được sinh ra tại đó và mẹ tôi, vì những lý do chỉ bà mới biết, đã buộc phải bỏ rơi tôi.

Trong mơ, tôi thường nhìn thấy cảnh này. Một phụ nữ trẻ, cao ráo và duyên dáng, quấn một tấm sari trắng, rời bệnh viện sau nửa đêm với một đứa bé trên tay. Gió rít. Mái tóc đen dài bay lòa xòa khắp mặt người phụ nữ ấy, che khuất những đường nét. Lá xào xạc bên chân người ấy. Bụi bay khắp nơi. Chớp lóe sáng. Người phụ nữ bước những bước nặng nề về phía nhà thờ, ôm ghì đứa bé vào ngực. Người ấy đi đến trước cửa nhà thờ, dùng cái vòng sắt để gõ cửa. Nhưng gió thổi mạnh đến nỗi dìm cả tiếng gõ. Người ấy không còn thời gian. Nước mắt rơi lã chã, người ấy phủ lên mặt đứa bé những nụ hôn. Rồi cô đặt nó vào trong thùng, sắp xếp đống quần áo cũ để đứa bé nằm đó được thoải mái. Cô nhìn đứa bé lần cuối, ngoảnh mặt đi và sau đó, chạy khỏi ống kính máy quay, biến mất trong đêm tối...

Các bà sơ ở nhà thờ St Mary điều hành một trung tâm dành cho trẻ mồ côi kiêm dịch vụ cho trẻ làm con nuôi, và tôi được xếp vào danh sách chờ được nhận nuôi cùng một nhóm trẻ mồ côi khác. Tất cả những đứa trẻ khác đều được người ta nhận làm con nuôi, còn tôi thì chẳng có ai. Một cặp bố mẹ nuôi tương lai đến gặp tôi và đưa mắt nhìn nhau. Họ lắc đầu một cách mơ hồ rồi chuyển sang chiếc nôi khác. Tôi không biết tại sao. Có lẽ tôi đen quá. Xấu xí quá. Quấy quá. Có lẽ tôi không có nụ cười ngây thơ, hoặc tôi ọ ẹ quá nhiều. Vậy nên trong hai năm tôi vẫn ở trong trung tâm dành cho trẻ mồ côi. Thật kỳ cục, các sơ không buồn đặt cho tôi một cái tên. Tôi chỉ được gọi là Đứa bé - đứa bé không ai muốn.

Cuối cùng tôi cũng được bà Philomena Thomas và chồng bà là Dominic Thomas nhận làm con nuôi. Quê gốc ở Nagercoil bang Tamil Nadu, hiện họ sống tạiDelhi. Bà Thomas làm công việc quét dọn ở nhà thờSt Josephcòn chồng bà là người làm vườn. Vì họ đã bốn mươi tuổi rồi mà vẫn chưa có con nên Cha Timothy Francis, linh mục của giáo sứ, thuyết phục họ tính chuyện nhận con nuôi để lấp đầy khoảng trống trong cuộc đời. Thậm chí Cha còn chỉ họ tới trung tâm dành cho trẻ mồ côi của nhà thờ St Mary. Ông Thomas chắc hẳn chỉ nhìn tôi một cái rồi chuyển ngay sang đứa trẻ khác, nhưng bà Philomena Thomas đã chọn tôi ngay khi nhìn thấy tôi. Tôi là sự tương xứng hoàn hảo đối với nước da ngăm đen của bà ấy!

Ông bà Thomas mất hai tháng để hoàn thành các thủ tục giấy tờ nhận tôi làm con nuôi, nhưng chỉ ba ngày sau khi rước tôi về nhà và thậm chí trước khi tôi được đặt tên thánh, ông Thomas phát hiện ra rằng khoảng trống trong cuộc đời vợ ông đã được lấp đầy rồi. Được lấp đầy không phải nhờ tôi, mà nhờ quý ông theo đạo Hồi tên là Mastan Sheikh, một người thợ địa phương chuyên may đồ nữ, đặc biệt là váy ngắn. Nghe đồn bà Philomena Thomas đã bỏ rơi ông chồng già và đứa trẻ mới được nhận làm con nuôi để cùng ông thợ may trốn tớiBhopal. Cho đến giờ không ai biết bà ấy ở đâu.

Phát hiện ra chuyện, ông Thomas nổi giận đùng đùng. Ông kéo cái nôi có tôi nằm trong tới nhà ông linh mục rồi bỏ tôi ở đó. “Thưa Cha, đứa bé này chính là nguyên nhân gây ra mọi rắc rối trong cuộc sống của tôi. Cha đã ép tôi nhận nó làm con nuôi, vậy nên giờ Cha muốn làm gì với nó thì làm.” Và Cha Timothy chưa kịp nói “Amen” thì Dominic Thomas đã bước ra khỏi nhà thờ. Người ta nhìn thấy ông ấy lần cuối cùng khi ông đang mua vé tàu hỏa đếnBhopalvới một khẩu súng ngắn trong tay. Vậy nên dù muốn hay không, tôi cũng thuộc trách nhiệm của Cha Timothy. Cha cho tôi thức ăn, cho tôi chỗ trú ngụ và cho tôi một cái tên: Joseph Michael Thomas. Không có lễ rửa tội. Không có nghi thức linh mục nhúng đầu tôi vào bình nước thánh. Không có nghi thức rảy nước thánh. Không có chiếc khăn trắng nào được che trên người tôi. Không có ngọn nến nào được thắp lên. Nhưng tôi đã trở thành Joseph Michael Thomas. Trong sáu ngày.

Vào ngày thứ Bảy, có hai người đàn ông đến gặp Cha Timothy. Một người to béo vận bộ kurta màu trắng và một người gầy gò để râu mặc sherwani.

“Chúng tôi thuộc Ủy ban Mọi Tín ngưỡng,” người đàn ông to béo nói. “Tôi là Jagdish Sharma. Đây là ông Inayat Hidayatullah. Ủy viên thứ ba của chúng tôi, ông Harvinder Singh, đại diện cho những người theo đạo Sikh, lẽ ra cũng đến, nhưng ông ấy không may bị kẹt xe ở Gurudwara. Chúng tôi sẽ đi thẳng vào vấn đề. Thưa Cha, chúng tôi nghe nói Cha đang che chở cho một bé trai mồ côi.”

“Đúng vậy. Bố mẹ nuôi của thằng bé tội nghiệp đó đã biến mất, bỏ nó lại cho tôi chăm sóc,” Cha Timothy nói, vẫn chưa thể đoán ra lý do của cuộc viếng thăm bất ngờ này.

“Cha đã đặt cho thằng bé tên gì?”

“Joseph Michael Thomas.”

“Đó chẳng phải là một cái tên của người theo đạo Cơ đốc ư?”

“Đúng, nhưng...“

“Làm sao cha biết bố mẹ đẻ của nó là người Cơ đốc?”

“Tôi không biết.”

“Vậy tại sao cha lại đặt cho nó một cái tên của người Cơ đốc?”

“Thì tôi phải gọi nó bằng cái tên nào đó chứ. Joseph Michael Thomas có gì không ổn nào?”

“Đủ thứ. Chẳng lẽ Cha không biết ở vùng này phong trào chống cải đạo mạnh đến mức nào sao? Một số nhà thờ đã bị phóng hỏa bởi những nhóm người quá khích bị thuyết phục rằng ở đó đang diễn ra sự cải đạo theo Cơ đốc giáo với quy mô lớn.”

“Nhưng đây đâu phải sự cải đạo.”

“Nào, thưa Cha, chúng tôi biết Cha không có bất cứ động cơ sâu xa nào. Nhưng người ta đang đồn rằng Cha đã cải đạo cho một thằng bé Hindu.”

“Nhưng làm thế nào các ông biết thằng bé đó theo đạo Hindu?”

“Điều đó chẳng quan trọng đối với bọn lưu manh đang dự định lục soát nhà thờ của Cha vào ngày mai. Đó là lý do chúng tôi tới đây để giúp Cha. Để xoa dịu tình hình.”

“Vậy theo các ông tôi phải làm gì?”

“Chúng tôi nghĩ Cha nên đổi tên cho thằng bé.”

“Đổi thành gì?”

“Ồ... đặt cho nó một cái tên Hindu có lẽ sẽ giải quyết được vấn đề đấy. Sao Cha không đặt tên nó là Ram, theo tên của một trong những vị thánh được mến chuộng của chúng ta nhỉ?” Ông Sharma nói.

Ông Hidayatullah khẽ hắng giọng. “Xin lỗi, ông Sharma, chẳng phải chúng ta đang thay thế một điều xấu bằng một điều xấu khác hay sao? Tôi muốn nói, bằng chứng nào cho thấy thằng bé này sinh ra đã là người Hindu? Nó có thể là người đạo Hồi, các ông biết đấy. Tại sao lại không thể gọi nó là Mohammad nhỉ?”

Trong ba mươi phút tiếp theo ông Sharma và ông Hidayatullah tranh luận về những điều hay tương ứng với cái tên Ram và Mohammad. Cuối cùng, Cha Timothy đành đầu hàng. “Này, nếu việc đổi tên có thể khiến đám người đó không quấy rầy tôi, thì tôi sẽ làm. Các ông nghĩ sao nếu tôi chấp nhận cả hai sự gợi ý của các ông và đổi tên đứa bé thành Ram Mohammad Thomas? Cái tên đó sẽ làm hài lòng tất cả mọi người.” Thật may cho tôi, ngày hôm đó ông Singh đã không đến.

Cha Timothy cao, trắng trẻo, rõ ràng đang ở độ tuổi trung niên. Ông có một ngôi nhà lớn nằm trong khuôn viên nhà thờ với một khu vườn rộng đầy cây ăn quả. Trong sáu năm sau đó, ông trở thành cha, mẹ, ông chủ, thầy giáo và linh mục của tôi, tất cả trong một. Nếu trong cuộc đời tôi có gì đó gần giống như là hạnh phúc, thì đó chính là quãng thời gian tôi ở với ông.

Cha Timothy sinh ra ở miền Bắc nước Anh, một nơi được gọi làYork, nhưng ông định cư ở Ấn Độ đã nhiều năm. Nhờ ông mà tôi biết đọc và biết nói thứ tiếng Anh chuẩn. Ông dạy tôi những chuyện kể của Mẹ Ngỗng và các bài hát ru. Tôi thường ngâm nga bài “Ngôi sao nhỏ lấp lánh, lấp lánh” và “Baa, baa, chú cừu đen” bằng cái giọng lạc điệu kinh khủng, góp phần, theo tôi nghĩ, mang đến cho Cha Timothy một sự giải trí thú vị giữa bộn bề công việc của một vị linh mục.

Sống trong địa phận nhà thờ, tôi cảm thấy mình là một phần của một gia đình lớn. Ngoài Cha Timothy, trong nhà còn có người lão bộc trung thành Joseph, và bà Gonzalves, người hầu gái, cũng sống ngay gần đó. Lại còn cả một đám trẻ đường phố là con của những người thợ hàn ống nước, thợ chữa giày, người quét dọn, thợ giặt, những người vốn sống ngay gần đó và không hề ngần ngại khi sử dụng đất đai của nhà thờ để chơi cricket và chơi bóng đá. Cha Timothy kể cho tôi biết về cuộc đời của Chúa Jesus, về Adam và Eva, còn gia đình mở rộng đó mang đến cho tôi những kiến thức cơ bản về các tôn giáo khác. Tôi được biết về Mahabharata và kinh Koran. Tôi được biết về cuộc trốn chạy từMeccađếnMedinacủa Nhà Tiên tri Mohammed và về chuyện đốt xứ Lanka.Bethlehemvà Ayodhya, thánh Peter và lễ hội hành hương tới thánh địaMecca, tất cả trở thành một phần trong quá trình trưởng thành của tôi.

Mặc dầu vậy, điều đó không có nghĩa rằng tôi là một đứa trẻ sùng đạo đặc biệt. Tôi cũng giống như bất cứ đứa trẻ nào khác với ba mối bận tâm chính: ăn, ngủ và chơi. Tôi dành nhiều buổi chiều chơi với những đứa trẻ hàng xóm cùng trang lứa, đuổi chim bắt bướm trong vườn của Cha Timothy. Trong khi người lão bộc già Joseph quét bụi cho những món đồ cổ trong phòng ăn, tôi lẻn ra ngoài, cố giật mấy quả xoài chín dưới con mắt cảnh giác của người làm vườn. Nếu bị bắt quả tang, tôi xỉ vả ông ta một thôi một hồi bằng tiếng Hindu. Tôi thường nhảy nhót thỏa thích trong cơn mưa mùa, cố bắt những con cá nhỏ trong các vũng nước mưa đục ngầu để rồi ho hắng và hắt hơi khiến Cha Timothy hoảng hồn. Tôi thường chơi bóng đá với bọn trẻ đường phố, về nhà với những vết trầy xước và bầm tím, để rồi khóc ti tỉ suốt đêm.

Cha Timothy sống một cuộc sống tích cực. Cha đi dạo hàng sáng, chơi golf, bóng rổ, tennis, đọc sách ngấu nghiến và mỗi năm dành ba kỳ nghỉ để về thăm người mẹ già ở Anh. Ông cũng là một người chơi violon điêu luyện. Hầu như tối nào ông cũng ngồi trong khu vườn dưới ánh trăng chơi những giai điệu sâu lắng nhất mà bạn có thể tưởng tượng được. Và trong mùa mưa, cứ mỗi đêm trời đổ mưa, tôi lại nghĩ rằng trời nghe được những giai điệu buồn của ông mà khóc.

Tôi thích vào nhà thờ. Đó là một tòa nhà cổ xây năm 1878 với những ô cửa sổ bằng kính màu và mái nhà bằng gỗ trông rất đẹp mắt. Bàn thờ được chạm trổ rất đẹp. Phía trên bàn thờ là cây thánh giá lớn có các chữ cái INRI. Có tượng Nữ Thánh Đồng Trinh, tượng Chúa Hài Đồng và tượng của nhiều vị thánh khác. Các hàng ghế trong nhà thờ được làm bằng gỗ tếch, nhưng chúng chỉ được lấp đầy vào ngày Chủ nhật. Cha Timothy thực hiện một bài thuyết giáo dài trên bục giảng kinh, còn tôi ngủ gà ngủ gật trong suốt thời gian đó, chỉ tỉnh dậy khi Cha ban cho mọi người nước thánh và rượu vang. Tôi cũng thích nghe tiếng đàn organ và dàn đồng ca. Tôi thích những quả trứng Phục sinh và cây thông Noel, những thứ mà, tiếc thay, mỗi năm chỉ xuất hiện một lần, thích những đám cưới tại nhà thờ, vốn được tổ chức vào tất cả các mùa. Tôi thường chờ Cha Timothy nói, “Và bây giờ con có thể hôn cô dâu.” Tôi luôn là người đầu tiên tung hoa giấy.

Quan hệ của tôi và Cha Timothy chưa bao giờ được định nghĩa một cách chính xác. Tôi chưa bao giờ xác định được một cách rõ ràng tôi là người hầu hay là con trai, là kẻ ăn bám hay người được cưng chiều. Vậy nên trong những năm đầu đời, tôi sống trong ảo tưởng hạnh phúc rằng Cha Timothy là cha đẻ của mình. Nhưng dần dần tôi hiểu ra có gì đó không ổn. Bởi một điều rằng, tất cả những người đi lễ sáng Chủ nhật đều gọi ông là Cha và tôi lấy làm ngạc nhiên rằng sao ông là cha của nhiều người đến thế, sao tôi có nhiều anh chị đến thế, mà tất cả đều lớn hơn tôi nhiều. Tôi cũng cảm thấy khó hiểu trước cái thực tế ông thì trắng mà tôi lại không. Vậy nên một hôm tôi hỏi ông và ông đã đập tan cái thế giới ảo tưởng mà tôi vẫn sống trong đó từ trước cho tới lúc bấy giờ. Một cách dịu dàng hết mức, ông giải thích cho tôi hiểu rằng tôi là một đứa trẻ mồ côi bị mẹ bỏ trong cái thùng quyên quần áo cũ của trung tâm trẻ mồ côi thuộc nhà thờ St Mary, và rằng đó là lý do ông trắng mà tôi thì không. Đó là lần đầu tiên tôi hiểu được sự khác biệt giữa cha và Cha. Và đêm đó, lần đầu tiên, nước mắt tôi rơi không phải vì nỗi đau thể xác.

Ngay khi hiểu ra mình không có quan hệ huyết thống với Cha Timothy và được sống trong nhà thờ chỉ nhờ lòng tốt của ông, tôi kiên quyết đền đáp, ít nhất một phần, cái ơn mà tôi nợ ông. Tôi bắt đầu làm những việc vặt cho ông, chẳng hạn mang quần áo từ rổ đựng đồ giặt tới máy giặt. Ngồi trước máy giặt, nhìn cái lồng giặt quay tròn, quay tròn và tự hỏi không biết làm thế nào mà quần áo khi ra khỏi máy giặt lại sạch một cách kỳ diệu đến thế. Có hôm tôi còn cho cả những cuốn sách bụi bặm vào trong máy giặt. Rửa bát đĩa ở bồn rửa trong bếp. Đánh vỡ những chiếc đĩa sứ đẹp. Thái rau. Có lần suýt chặt đứt cả ngón tay.

Cha Timothy giới thiệu tôi với nhiều giáo dân của ông. Tôi đã gặp bà Benedict, bà cụ ngày nào cũng đều đặn đi lễ mixa, ngay cả khi trời mưa hay mưa đá, cho tới một hôm bà bị trượt ngã trên vỉa hè và chết vì bệnh viêm phổi. Tôi đã dự đám cưới của Jessica, người khóc nhiều đến nỗi khiến cha mình lên cơn đau tim. Có lần tôi được đưa tới dự bữa trà mặn tại nhà đại tá Waugh, Tùy viên Quốc phòng Australia tại Delhi, người dường như nói chuyện với Cha Timothy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Tôi đã tham gia một chuyến câu cá với ôngLawrence, ông này chẳng câu được con cá nào liền mua một con cá hồi to từ chợ cá để lừa dối vợ mình.

Tất cả những người tôi đã gặp không có gì ngoài những lời ca ngợi dành cho Cha Timothy. Họ nói ông là vị cha xứ tốt nhất mà giáo khu này từng có. Tôi đã thấy ông an ủi thân nhân của người chết, chăm sóc người ốm, cho người nghèo vay tiền, thậm chí ăn cơm cùng những người hủi. Ông có một nụ cười trên khuôn mặt dành cho từng thành viên của giáo khu, có giải pháp cho mọi vấn đề, và một câu trích từ kinh thánh cho mọi dịp - chào đời, lễ rửa tội, lễ kiên tín, lễ ban thánh thể đầu tiên, kết hôn hoặc từ trần.

Hôm nay là ngày Chủ nhật và nhà thờ chật kín người đến dự lễ mixa. Nhưng hôm nay Cha Timothy không đứng một mình phía sau bàn thờ. Bên cạnh ông có một người nữa, cũng mặc áo thầy tu và đeo dải cổ áo màu trắng. Ông ta trông giống võ sĩ quyền Anh hơn là linh mục. Cha Timothy giới thiệu ông ta. “... Và chúng ta rất vui mừng đón chào Cha John Nhỏ, người đã gia nhập nhà thờSt Josephvới vai trò linh mục phụ tá. Như các vị có thể thấy, Cha John trẻ hơn tôi nhiều, và mặc dầu mới chỉ được phong chức ba năm trước nhưng Cha là người giàu kinh nghiệm. Tôi chắc chắn ông ấy có thể hiểu rõ hơn các tín đồ trẻ tuổi, những người mà, như tôi biết, thường gọi tôi sau lưng là ‘ông già cổ hủ’.” Giáo đoàn cười khúc khích.

Tối đó, Cha Timothy mời Cha John ăn tối. Theo đúng bổn phận thì Joseph là người phục vụ họ, nhưng vì hăng hái muốn gây ấn tượng với Cha Timothy, tôi đã bê một bát xúp đầy từ bếp và loạng choạng bước về phía bàn ăn. Đúng như những gì người ta có thể trông đợi ở một đứa trẻ bảy tuổi không được rèn luyện, thay vì đặt bát xúp lên bàn, tôi đánh đổ nguyên cả bát vào người Cha John. Ông ta đứng phắt dậy, và lời đầu tiên thoát ra khỏi miệng ông ta là “Mẹ kiếp!” Cha Timothy nhướn mày lên, nhưng ông không nói gì.

Ba ngày sau Cha Timothy đi nghỉ ở Anh, để lại nhà thờ, và tôi, cho Cha John cai quản. Hai ngày sau tôi gặp ông ta khi ông ta đang bước xuống từ dãy cầu thang trong nhà thờ.

“Chào Cha,” tôi nói một cách lịch sự.

Cha John nhìn tôi vẻ khinh bỉ. “Mi chính là thằng nhỏ mồ côi ngu đần hôm trước đã đổ xúp vào người ta! Trong lúc Cha Timothy đi vắng, tốt hơn mi nên cư xử cho phải phép. Ta sẽ theo dõi mi thật sát sao đấy.”

Joseph bảo tôi mang một ly sữa tới phòng Cha John. Ông ta đang xem phim chiếu trên vô tuyến. Ông ta mời tôi vào. “Vào đi, Thomas. Mi có muốn xem bộ phim này với ta không?” Tôi nhìn lên màn hình. Đó là một bộ phim Anh - nói về các linh mục, tôi nghĩ vậy, bởi vì tôi thấy một linh mục mặc áo thầy tu màu đen đang nói chuyện với một linh mục mặc áo thầy tu màu trắng. Tôi nhẹ cả người khi thấy Cha John thích xem những bộ phim tôn giáo có nội dung lành mạnh. Nhưng cảnh tiếp theo khiến sống lưng tôi ớn lạnh, bởi vì nó chiếu cảnh một đứa con gái, trạc tuổi tôi, đang ngồi trên giường. Có vẻ như nó không phải một đứa con gái bình thường, vì vẻ mặt nó rất ngộ và mắt nó lia láo nhìn khắp xung quanh. Vị linh mục mặc áo đen bước vào phòng nó với một cây thánh giá trên tay. Ông ta chĩa cây thánh giá về phía đứa con gái và nó bắt đầu tuôn ra thứ ngôn ngữ tục tĩu nhất mà tôi từng nghe, và nó nói bằng cái giọng khàn khàn của một người đàn ông trưởng thành. Tôi lấy ngón tay bịt tai, vì Cha Timothy đã dạy tôi không nên nghe những lời tục tĩu như vậy. Bỗng nhiên đứa con gái ngừng nói. Nó bắt đầu cười khanh khách như một con điên. Sau đó nó mở miệng và một thứ chất lỏng màu xanh lá cây nhớp nháp được phun ra từ miệng nó nhằm vào người vị linh mục như dòng nước phun ra từ vòi tưới cây. Tôi cảm thấy buồn nôn. Tôi không thể xem thêm được nữa và chạy về phòng mình. Tôi nghe thấy Cha John cười ré lên. “Quay lại đây, thằng nhóc mồ côi ngu đần, đó chỉ là phim thôi mà,” ông ta gọi.

Đêm đó tôi mơ thấy ác mộng.

Ba ngày sau tôi đi chợ với Joseph. Chúng tôi mua thịt, trứng, rau và bột. Chiều muộn hôm đó, trên đường quay trở về nhà thờ, tôi nghe thấy tiếng xe gắn máy ở phía sau. Tôi chưa kịp ngoái lại nhìn thì người lái xe gắn máy đã ở ngay sát chúng tôi. Ông ta phát vào đầu tôi rồi phóng vù đi, làm bụi cuộn lên mù mịt. Tôi chỉ kịp nhìn thấy phía sau ông ta. Ông ta có vẻ là người to béo, mặc áo khoác da và quần bó màu đen, đèo một người đàn ông ăn mặc y hệt như thế ở đằng sau. Tôi không biết tại sao người lái xe gắn máy đó lại đánh vào đầu tôi. Tôi không hề nghĩ người đó lại là Cha John. Suy cho cùng, tôi chỉ là một thằng nhóc mồ côi ngu đần mà thôi.

Một tuần sau tôi phải chuyển một số bức thư cho Cha John, nhưng lúc đó ông ta đang tắm. “Cứ để thư ở bàn,” ông ta quát vọng ra từ phòng tắm. Khi sắp ra khỏi phòng, tôi chợt nhìn thấy thứ gì đó thò ra từ dưới tấm đệm của ông ta. Tôi nhìn kỹ hơn. Đó là một cuốn tạp chí. Tôi kéo nó ra. Rồi tôi phát hiện ra một tập tạp chí ở dưới đệm. Chúng không dày nhưng đều có bìa bóng loáng trông khá đẹp. Chúng có những cái tên lạ lùng như Cuộc diễu hành vui vẻ, Ra ngoàiSức mạnh vui vẻ(1)_. Nhưng những người đàn ông trên bìa tạp chí trông không có vẻ hạnh phúc và vui vẻ cho lắm. Tất cả bọn họ đều lông lá và trần truồng. Tôi vội để những cuốn tạp chí đó xuống dưới tấm đệm như cũ. Tôi sắp rời khỏi phòng thì Cha John từ phòng tắm bước ra. Ông ta quấn một chiếc khăn tắm quanh thắt lưng. Nhưng ngực ông ta chằng chịt những hình xăm kỳ lạ bằng mực đen và trên hai cánh tay ông ta có hình những con rắn. “Mày làm gì ở đây hả?” ông ta mắng tôi. “Cút ngay!”

Tôi không biết tại sao Cha John lại có những hình vẽ kỳ lạ đó trên người và tại sao ông ta lại giấu những cuốn tạp chí đó dưới đệm. Tôi chỉ là một thằng nhóc mồ côi đần độn.

Tôi thường nhìn thấy những người đàn ông trẻ trông khá lạ tới nhà thờ vào buổi tối và tìm đến phòng của Cha John. Khách khứa cũng từng đến gặp Cha Timothy, đôi khi vào những giờ khuya khoắt, nhưng họ chưa bao giờ đến bằng xe mô tô, mặc áo khoác da và đeo những sợi dây chuyền to tướng. Tôi quyết định bám theo một người khách đến phòng Cha John. Anh ta gõ cửa, bước vào trong phòng và Cha John đóng cửa lại. Tôi nhòm qua lỗ khóa nhỏ. Tôi biết mình đang làm một việc xấu, nhưng tôi không đừng được vì tò mò. Qua lỗ khóa tôi nhìn thấy Cha John và người thanh niên mặc áo da kia đang ngồi trên giường. Cha John mở ngăn kéo và lấy ra một cái túi ni lông đựng thứ bột trắng gì đó. Ông ta rắc một lớp bột mỏng lên mu bàn tay trái. Rồi ông ta làm y như thế lên bàn tay trái của người bạn. Cả hai cúi mặt xuống chỗ bột và hít vào thật sâu. Chỗ bột trắng đó dường như biến vào trong mũi họ. Cha John cười phá lên như đứa con gái điên trong phim. Bạn ông ta nói, “Thứ này tốt đấy, ông bạn! Cách này quá tốt đối với một linh mục. Làm thế nào mà lúc đầu ông có thể vào được cái nhà thờ chết tiệt này thế?”

Cha John lại cười. “Tôi thích bộ này,” ông ta nói và đứng dậy khỏi giường. “Làm đi,” ông ta nói với bạn mình và đưa tay ra. Tôi vội rút lui.

Tôi không biết tại sao Cha John lại hít thứ bột trắng mịn đó vào mũi. Nhưng khi đó tôi cũng chỉ là một thằng nhóc mồ côi ngu đần mà thôi.

Cha Timothy cuối cùng cũng trở về sau kỳ nghỉ ở Anh và tôi vui mừng được gặp lại ông. Tôi gần như chắc chắn ông đã nghe được nhiều lời phàn nàn về Cha John, bởi vì chỉ hai ngày sau khi ông trở về họ đã tranh luận gay gắt trong thư phòng. Cha John lao ra khỏi phòng trong cơn giận dữ.

Lễ Phục sinh đã kết thúc. Tất cả những quả trứng Phục sinh của tôi đã bị ăn hết. Và bà Gonzalves, bà giúp việc, đang cười thầm.

“Có chuyện gì vậy, bà Gonzalves?” tôi hỏi bà.

“Cậu không biết à?” bà ấy thì thầm vẻ bí mật. “Joseph bắt gặp Cha John ở trong nhà thờ cùng với một người đàn ông khác. Nhưng chớ nói với ai nhé, và đừng có hở ra một lời nào với Cha Timothy, nếu không sẽ có rắc rối lớn đấy.”

Tôi không hiểu. Cha John ở cùng một người đàn ông khác trong nhà thờ thì có gì không ổn chứ? Cha Timothy lúc nào chẳng ở cùng với những người đàn ông khác trong nhà thờ. Chẳng hạn như khi ông nghe xưng tội.

Hôm nay, lần đầu tiên, tôi ở trong phòng xưng tội.

“Nào, con trai của ta, con đến để nói với ta điều gì?” Cha Timothy hỏi.

“Là con đây, thưa Cha.”

Cha Timothy suýt nhảy ra khỏi ghế của mình. “Con làm gì ở đây, Thomas? Chẳng phải ta đã bảo con rằng đây không phải chuyện đùa sao?”

“Con đến để xưng tội, thưa Cha. Con có tội.”

“Thật ư?” Cha Timothy dịu đi. “Con đã làm gì sai?”

“Con đã lén nhìn vào phòng Cha John qua lỗ khóa. Và con đã nhìn những thứ của ông ấy mà không được ông ấy cho phép.”

“Được rồi, con trai. Ta không nghĩ ta muốn nghe kể về chuyện đó.”

“Không, Cha nhất định phải nghe, thưa Cha,” tôi nói và bắt đầu kể cho ông nghe về những cuốn tạp chí để dưới đệm, những hình xăm trên người, những vị khách mặc áo da đến vào ban đêm, và chuyện ông ta hít thứ bột mịn đó.

Tối hôm ấy trong thư phòng diễn ra một cuộc tranh cãi kịch liệt hơn bao giờ hết giữa hai vị linh mục. Tôi ở ngoài cửa lắng nghe. Có nhiều tiếng quát tháo. Cha Tim 33a4 othy kết thúc cuộc tranh cãi bằng việc dọa tố cáo Cha John với giám mục. “Tôi là một linh mục,” ông nói. “Và là một linh mục, ông phải mang trên người một gánh nặng lớn lao. Nếu không thể làm được điều đó thì ông hãy quay trở lại trường dòng đi.”

Sáng nay một khách du lịch ba lô người Anh nhân dịp qua Delhi đã ghé vào nhà thờ và Cha Timothy phát hiện ra anh ấy cũng là người xứ York. Vậy là ông đưa anh ấy về nhà và cho phép ở lại đó ít ngày. Ông giới thiệu anh ấy với tôi, “Ian, hãy gặp Thomas, người sống cùng chúng ta ở đây. Thomas, đây là Ian. Con có biết cậu ấy cũng là người xứ York không? Con luôn hỏi ta về quê hương của ta; giờ con có thể hỏi cậu ấy.”

Tôi thích Ian. Anh ấy khoảng mười lăm mười sáu tuổi. Anh ấy có nước da trắng trẻo, đôi mắt xanh và mái tóc vàng hoe. Anh ấy cho tôi xem những tấm ảnh chụp thành phố York. Tôi nhìn thấy một nhà thờ lớn. “Nó được gọi là Thánh đường York,” anh ấy nói. Anh ấy cho tôi xem ảnh chụp những khu vườn, các bảo tàng và công viên.

“Anh đã gặp mẹ của Cha Timothy chưa? Bà ấy cũng sống ở York đấy,” tôi hỏi anh ấy.

“Chưa. Nhưng khi nào trở về tôi sẽ gặp, vì giờ tôi đã có địa chỉ của bà ấy rồi.”

“Thế còn mẹ anh thì sao? Bà ấy cũng sống ở York chứ?”

“Bà ấy đã từng sống ở đó. Nhưng bà chết cách đây mười năm rồi. Một người lái xe mô tô đã đâm vào bà ấy.” Anh lấy một tấm ảnh của mẹ mình từ trong ví ra và đưa cho tôi xem. Bà ấy có nước da trắng, đôi mắt xanh và mái tóc vàng hoe.

“Vậy tại sao anh đến Ấn Độ?” tôi hỏi anh.

“Để gặp bố tôi.”

“Bố anh làm nghề gì?”

Ian ngập ngừng một lúc. “Bố tôi dạy học tại một trường Công giáo ở Dehradun.”

“Sao anh không sống ở Dehradun luôn?”

“Bởi vì tôi đang học ở York.”

“Vậy tại sao bố anh không sống cùng anh ở York?”

“Có nhiều lý do. Nhưng cứ ba năm ông ấy lại về thăm tôi một lần. Lần này tôi quyết định đến Ấn Độ thăm ông ấy.”

“Anh có yêu bố không?”

“Có, yêu nhiều lắm.”

“Anh có mong ước bố anh sống với anh mãi mãi không?”

“Có. Thế còn bố cậu thì sao? Ông ấy làm nghề gì?”

“Em không có bố. Em là một thằng nhóc mồ côi ngu đần.”

Ba ngày sau, Cha Timothy mời Cha John đến ăn tối với Ian. Họ ăn uống trò chuyện tới khuya và Cha Timothy thậm chí còn chơi violon nữa. Quá nửa đêm một chút, Cha John ra về, nhưng Cha Timothy và Ian thì vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau. Tôi nằm trên giường, lắng nghe tiếng cười vọng tới qua ô cửa sổ mở. Tôi khó ngủ.

Đêm đó trăng sáng và gió thổi mạnh. Những cây khuynh diệp trong khuôn viên nhà thờ đung đưa, những cánh lá xào xạc trong gió. Tôi buồn đi vệ sinh nên trở dậy. Trên đường đến phòng vệ sinh, tôi nhìn thấy ánh đèn trong phòng Cha John. Tôi cũng nghe thấy những tiếng động trong đó. Tôi rón rén đi tới cửa phòng. Cửa đóng, vì vậy tôi nhìn qua lỗ khóa. Những gì tôi nhìn thấy trong đó thật đáng sợ. Ian bị đè xuống bàn và Cha John đang cưỡi trên người anh ấy. Xà rông của ông ta tụt xuống tận chân. Tôi bối rối tột độ. Có thể tôi đúng là một thằng nhóc mồ côi ngu đần, nhưng tôi biết có gì đó không ổn. Tôi chạy tới chỗ Cha Timothy lúc này vẫn đang say ngủ. “Dậy đi, Cha ơi! Cha John đang làm chuyện tồi tệ với Ian!” tôi kêu lên.

“Với ai? Với Ian ư?” Cha Timothy tỉnh ngay lập tức. Cả hai chúng tôi chạy tới phòng Cha John và Cha Timothy xộc vào trong. Ông nhìn thấy những gì tôi đã thấy. Mặt ông tái nhợt đến nỗi tôi nghĩ ông sắp ngất đến nơi. Ông bám lấy cánh cửa để khỏi khuỵu xuống. Rồi mặt ông đỏ bừng vì giận dữ. Ông gần như sùi cả bọt mép. Tôi hoảng sợ. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy ông giận dữ đến thế. “Ian, về phòng đi,” ông quát. “Cả con nữa, Thomas.”

Tôi làm như ông bảo, thậm chí còn thấy hoang mang hơn cả lúc trước.

Sáng hôm sau tôi bị đánh thức từ sớm bởi hai tiếng súng từ phía nhà thờ vọng tới. Ngay lập tức, tôi cảm thấy có chuyện chẳng lành. Tôi chạy tới nhà thờ và chứng kiến một cảnh tượng khiến tôi rúng động tận tâm can. Cha Timothy nằm trong một vũng máu gần bàn thờ, ngay phía dưới tượng Chúa Jesus bị đóng đinh câu rút. Ông mặc áo thầy tu, trông như thể đang quỳ cầu nguyện. Cách chỗ ông chừng mười bước chân, thi thể của Cha John nằm đó, máu me be bét. Có vẻ như đầu ông ta bị vỡ, vài mẩu óc dính trên những chiếc ghế dài. Ông ta mặc áo da. Trên cánh tay ông ta có hình những con rắn đen.Tayphải ông ta nắm chặt một khẩu súng ngắn.

Tôi nhìn cảnh tượng đó, cảm thấy hơi thở của mình nghẹt lại trong cổ. Tôi thét lên. Đó là một tiếng thét xé tai, tựa như một viên đạn phá tan sự tĩnh lặng của buổi sáng. Nó làm mấy con quạ đậu trên những cây khuynh diệp hoảng sợ bay đi. Nó khiến Joseph đang lau đồ trang trí trong phòng ăn phải dừng lại nghe ngóng. Nó thúc ép bà Gonzalves phải tắm vội tắm vàng. Và nó đánh thức Ian, khiến anh ấy chạy vội vào trong nhà thờ.

Tôi gục xuống người Cha Timothy khóc như một đứa trẻ tám tuổi khóc khi nó mất đi tất cả mọi thứ trong đời. Ian đến ngồi xuống bên tôi. Anh ấy nhìn thi thể của Cha Timothy và cũng òa khóc. Chúng tôi nắm tay nhau cùng khóc suốt gần ba tiếng đồng hồ, cứ thế khóc thậm chí sau khi chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy của cảnh sát tới, thậm chí sau khi người bác sĩ mặc áo choàng trắng cùng xe cứu thương tới, thậm chí sau khi họ phủ vải trắng lên các thi thể, thậm chí sau khi họ khênh những thi hài ấy lên xe cứu thương, thậm chí sau khi Joseph và bà Gonzalves đưa chúng tôi về nhà và cố hết sức an ủi chúng tôi.

Sau đó, rất lâu sau đó, Ian hỏi tôi, “Tại sao em lại khóc nhiều như thế, Thomas?”

“Bởi vì ngày hôm nay em thực sự trở thành một đứa trẻ mồ côi rồi,” tôi trả lời. “Ông ấy là cha em. Cũng giống như ông ấy là Cha của tất cả những người đến nhà thờ này. Nhưng tại sao anh khóc? Anh khóc bởi vì những gì anh đã làm với Cha John ư?”

“Không, anh khóc vì anh cũng đã mất tất cả. Anh cũng đã trở thành một đứa trẻ mồ côi như em.”

“Nhưng cha anh còn sống kia mà. Ông ấy ở Dehradun mà,” tôi kêu lên.

“Không. Đó là một lời nói dối.” Anh ấy lại bắt đầu nức nở. “Giờ anh có thể cho em biết sự thật. Cha Timothy Francis có thể là Cha của em, nhưng ông ấy là cha anh.”

Vẻ mặt Smita đượm buồn. “Đúng là một câu chuyện thương tâm,” cô ấy nói. “Giờ tôi đã hiểu Cha Timothy muốn nói gì khi ông ấy đề cập đến gánh nặng của một linh mục. Thật ngạc nhiên rằng trong từng ấy năm ông ấy đã sống một cuộc đời kép, vừa là linh mục vừa là một người đàn ông đã bí mật có vợ có con. Vậy cuối cùng chuyện gì đã xảy ra với Ian?”

“Tôi không biết. Anh ấy trở về Anh. Với một ông chú, tôi nghĩ vậy.”

“Còn cậu?”

“Tôi bị đưa vào Trung tâm giáo dưỡng dành cho trẻ vị thành niên.”

“Tôi hiểu rồi. Giờ hãy cho tôi biết về câu hỏi thứ hai nào,” Smita nói và nhấn nút “Play” trên chiếc điều khiển từ xa.

Chúng tôi vẫn đang trong khoảng thời gian nghỉ giải lao dành cho quảng cáo.

Prem Kumar rướn người về phía trước và nói thầm với tôi, “Để tôi nói cho cậu biết câu hỏi tiếp theo là gì. Tôi sẽ hỏi cậu FBI là chữ viết tắt của cái gì. Cậu đã bao giờ nghe nói về tổ chức này chưa?”

“Chưa.” Tôi lắc đầu.

Anh ta nhăn mặt. “Tôi biết mà. Này, chúng tôi muốn cậu giành thêm một ít tiền nữa. Tôi có thể thay câu hỏi này bằng một câu hỏi khác. Mau nói cho tôi biết có chữ viết tắt nào quen thuộc đối với cậu không?”

Tôi nghĩ một lát rồi trả lời. “Tôi không biết về FBI nhưng tôi biết INRI.”

“Đó là gì vậy?”

“Nó được viết trên đỉnh cây thánh giá.”

“Ồ! Được rồi, để tôi kiểm tra ngân hàng dữ liệu của mình đã.”

Giờ giải lao đã hết. Nhạc hiệu nổi lên.

Prem Kumar quay sang tôi. “Anh Ram Mohammad Thomas, tôi thật tò mò về tôn giáo của anh. Trong tên của anh dường như bao hàm mọi tôn giáo. Hãy cho tôi biết, anh đi đâu để cầu nguyện?”

“Người ta cứ nhất thiết phải đến một ngôi đền, một nhà thờ hay một thánh đường để cầu nguyện sao? Tôi tin vào những gì Kabir nói. Hari ở phía Đông, Allah ở phía Tây. Hãy nhìn vào trái tim của bạn và trong đó bạn có thể tìm thấy cả Ram lẫn Karim.”

“Anh nói rất hay, anh Thomas ạ. Có vẻ như anh là một người thông thạo mọi tôn giáo. Nếu như vậy thật thì câu hỏi thứ hai có lẽ sẽ không khó đối với anh. Ok, và đây là câu hỏi số hai, câu hỏi giành hai nghìn rupi. Dãy chữ cái nào trong những dãy chữ cái sau đây thường được khắc trên cây thánh giá? Đó là a) IRNI, b) INRI, c) RINI hay d) NIRI? Câu hỏi như vậy đã rõ ràng chưa, anh Thomas?”

“Rồi,” tôi đáp.

“Ok. Vậy chúng ta hãy nghe câu trả lời của anh.”

“Câu trả lời là B. INRI.”

“Anh hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm chứ?”

“Vâng.”

Tiếng trống dồn nổi lên. Câu trả lời đúng nhấp nháy trên màn hình.

“Hoàn toàn đúng một trăm phần trăm! Anh vừa giành được hai nghìn rupi.”

“Amen,” tôi nói. 

Hết chương . Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25901


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận