Triệu Phú Ổ Chuột Chương 4


Chương 4
Lời hứa của một người em trai.

Trước khi đưa ra một quyết định bạn nên xem xét mọi khía cạnh của vấn đề. Phải dành ra một hướng thoát trong trường hợp khẩn cấp. Những người hàng xóm mới sẽ mang đến sự khích lệ. Một vấn đề nhỏ sẽ xảy ra tại tư gia, nhưng bạn sẽ giải quyết một cách nhanh chóng và ổn thỏa. Đừng đưa ra lời khuyên khôn ngoan trừ khi bạn được yêu cầu thật sự.

Đó là những gì lá số tử vi hàng ngày trên tờ Maharashtra Times hôm nay báo trước cho những người thuộc cung Ma Kết như tôi, những người sinh vào tuần cuối cùng của tháng Mười hai.

Tôi không đọc tờ Maharashtra Times. Thật ra, tôi không đọc bất cứ tờ báo nào. Nhưng đôi khi tôi chôm chỉa một tờ báo từ thùng chứa giấy lộn của ông Barve. Nó có ích khi nhóm lửa trong bếp, và thỉnh thoảng, vào những lúc chẳng có việc gì để làm, tôi ngồi lật những trang báo trước khi chúng biến thành tro để giết thời gian.

Tôi cũng chẳng tin vào những lá số tử vi. Nếu tôi tin thì theo tiên đoán của Pandit Ramashankar Shastri, tôi chẳng còn sống đến giờ. Nhưng lá số tử vi dành cho ngày hôm nay có vẻ chứa đựng một hạt nhân sự thật. Những hàng xóm mới của chúng tôi sắp chuyển tới gian phòng bên cạnh và đúng là có một vấn đề nhỏ xảy ra tại nơi ở của chúng tôi.

Chúng tôi vừa đi xem phim ở rạp Regal Talkies về và Salim vẫn đang giận tím người. Cậu ấy giật xuống tất cả những tấm áp phích có hình Armaan Ali vốn đã trang trí cho các bức tường trong căn phòng nhỏ bé của chúng tôi gần ba năm qua. Tấm áp phích có hình Armaan mặc áo khoác da bị xé thành nhiều mảnh. Tấm có hình Armaan cưỡi mô tô bị dao đâm nhiều nhát. Tấm có hình Armaan mặc áo hở cúc, để lộ vầng ngực trần đầy lông, giờ nằm trong thùng rác. Tấm có hình Armaan cầm súng bị cắt thành nhiều mảnh nhỏ và cả Armaan lẫn con ngựa của anh ta đều bị nướng trong đống lửa. Khi những tấm áp phích bị lột đi rồi, căn phòng của chúng tôi, với hai chiếc giường chỏng chơ, bỗng nhiên trông trống trải hơn trước, và những mảng tróc lở trên bức tường quét vôi trắng giờ không còn được che đi nữa.

Mặc dầu lá số tử vi ngày hôm nay đã cảnh báo, tôi không tài nào nhịn được mà vẫn đưa ra mấy lời khuyên khôn ngoan dành cho Salim. “Giờ thì cậu hiểu sự đúng đắn của những gì tớ đã nói với cậu mười tháng trước, khi cậu cứ cố hàn gắn quan hệ giữa Armaan và Urvashi rồi chứ? Tớ đã bảo cậu đừng có nhúng mũi vào chuyện của người khác hoặc biến rắc rối của người khác thành của mình. Hãy nhớ lấy chuyện này mà làm bài học cho tương lai.”

Salim sưng sỉa mặt mày nghe tôi nói trong khi giậm mạnh chân lên tấm áp phích có hình Armaan ở bể bơi cùng với một đám người đẹp.

Tôi nghe thấy tiếng bước chân và tiếng người nói ở bên ngoài căn phòng. Có vẻ như những người thuê phòng mới cuối cùng cũng đang chuyển tới căn phòng bên cạnh. Tôi cảm thấy phấn khích. Gặp gỡ người mới bao giờ chẳng vui. Tôi hy vọng những người mới đến có con trai tầm tuổi tôi. Putul và Dhyanesh là những người bạn tốt, nhưng hiếm khi họ được bố mẹ cho phép đến chơi với tôi vào Chủ nhật, ngày duy nhất tôi không phải đi làm. Ajay, một đứa hay khoe khoang, cũng thường làm tôi phát cáu. Khi tôi nói với nó tôi đã xin vào làm ở một xưởng đúc, nó đã chế giễu tôi trước cả khu. Tôi biết làm việc ở một xưởng đúc không thú vị bằng một nửa làm việc cho một ngôi sao điện ảnh, nhưng chí ít cũng còn hơn là lang thang đầu đường xó chợ.

Sau thời gian làm việc cho nữ diễn viên Neelima Kumari, sống trong căn hộ của cô ấy, tôi đã gần như quên cuộc sống ở khu chawl(1)_. Với một lô xích xông những căn hộ một phòng và các cư dân thuộc tầng lớp hạ lưu, mỗi khu chawl là một cái nách hôi hám của Mumbai. Người sống ở đây chỉ khá hơn chút xíu so với người sống ở các khu ổ chuột như khu Dharavi. Như ông Barve có lần nói với tôi, những người giàu sống trong các căn hộ bốn phòng ngủ được ốp đá cẩm thạch và đá granit, họ sướng. Những người thuộc các khu ổ chuột sống trong những cái lều rách nát, bẩn thỉu, họ khổ. Và chúng tôi, những người sống ở các khu chawl chật chội, chúng tôi chỉ sống một cách thuần túy.

Sống ở chawl cũng có những cái lợi nhất định. Những gì xảy ra với Neelima Kumari không bao giờ xảy ra ở đây, bởi vì ở chawl mọi người đều biết mọi chuyện đang diễn ra. Tất cả các cư dân đều có một mái nhà chung trên đầu và một nơi chung để mọi người ỉa đái tắm gội. Cư dân ở khu chawl không gặp nhau trong những buổi hội họp mà phải gặp nhau trong khi đứng xếp hàng bên ngoài nhà vệ sinh công cộng. Quả thực, người ta đồn rằng ông Gokhal đã gặp bà Gokhal trong khi họ đứng đợi bên ngoài nhà xí và đã phải lòng nhau. Họ cưới nhau trong vòng một tháng.

Không có cơ hội cho tôi phải lòng một cô gái nào trong chawl. Cô nào cũng béo và xấu xí, không mảy may giống nữ diễn viên Priya Kapoor mà tôi mến mộ. Ngoài ra, tất cả bọn họ đều thích những thứ vớ vẩn như búp bê và không biết chơi bất cứ trò chơi tao nhã nào như đấm bốc hay kabaddi. Không phải tôi có nhiều thời gian để chơi những trò đó. Cả ngày tôi làm việc ở xưởng đúc, tới sáu giờ tối mới về. Và nấu kim loại là một công việc cực nhọc. Hơi nóng bốc ra từ sắt nung chảy làm bạn ngạt thở và mắt bạn thường bị ngọn lửa vàng rực làm lòa đi.

“Thomas!” Tôi nghe thấy tiếng người gọi. Đó là ông Ramakrishna, người quản lý của khu chawl, đang gọi tôi. Ông ấy là một người rất quan trọng. Chúng tôi tìm đến ông Ramakrishna bất cứ khi nào bóng đèn bị hỏng hay áp suất nước ở chỗ chúng tôi quá thấp. Chúng tôi van xin ông Ramakrishna khi chúng tôi không đủ tiền để trả tiền thuê phòng hàng tháng. Chúng tôi bám nhằng nhẵng theo ông Ramaskrishna để xin ông ấy cho sửa một đoạn thanh chắn cầu thang bằng gỗ dẫn lên tầng hai đã ọp ẹp, lung lay và tồn tại như một hiểm họa.

Tôi ra khỏi phòng và thấy ông Ramakrishna đang đứng với một người đàn ông trung tuổi người thấp có vẻ mặt nhăn nhó như thể bị táo bón quá lâu. “Thomas, đến gặp ông Shantaram đi. Ông ấy là người mới tới thuê nhà, sẽ ở cạnh phòng các cậu đấy. Tôi đã nói với ông Shantaram rằng cậu là một chàng trai rất có trách nhiệm, vậy hãy giúp ông bà ấy và cô con gái ổn định chỗ ở nhé. Ok, ông Shantaram, giờ tôi phải đi rồi.”

“Ôi, không,” tôi thầm nghĩ. “Không có con trai.” Tôi tìm cách ngó xem vợ và con gái ông ta thế nào nhưng chỉ nhìn thấy loáng thoáng một người đàn bà tóc hoa râm và một cô gái, lớn tuổi hơn tôi, có mái tóc đen dài buộc lại sau lưng, đang ngồi trên giường. Shantaram nhìn thấy tôi đang ngó vào căn hộ của ông ta liền đóng ngay cửa lại.

“Ông làm nghề gì?” tôi hỏi Shantaram.

“Tôi là nhà khoa học, một nhà thiên văn học. Cậu không hiểu được đâu. Nhưng thời gian gần đây tôi đang nghỉ. Giờ tôi làm quản lý bán hàng cho một phòng trưng bày của hãng Vimal. Căn phòng chúng tôi thuê ở đây chỉ là sự sắp xếp tạm thời thôi. Chẳng bao lâu nữa chúng tôi sẽ chuyển tới một căn hộ sang trọng ở Nariman Point.”

Tôi biết ông Shantaram đang nói dối. Những người có đủ tiền để sống ở Nariman Point chẳng bao giờ chịu ở trong những khu chawl, cho dù chỉ là ở tạm thời.

Tường của các căn phòng ở khu chawl rất mỏng. Nếu bạn áp tai vào bức tường ngăn giữa hai phòng và tập trung hết mức, hoặc thậm chí tốt hơn, nếu bạn đặt một cái cốc bằng kim loại lên tường và áp tai vào nó, bạn có thể nghe thấy gần như mọi thứ đang diễn ra ở phòng bên cạnh. Salim và tôi thường làm thế với hàng xóm ở bên trái, vốn có phòng nối liền với tường bếp của chúng tôi. Ông bà Bapat giờ đây không còn là một cặp vợ chồng trẻ nữa. Người ta đồn rằng ông Bapat thường xuyên đánh vợ, nhưng rõ ràng đêm đến họ lại làm lành với nhau bởi vì Salim và tôi thường nghe thấy tiếng thở gấp gáp và hổn hển, những tiếng rên “ooh” và “aah” của họ, và chúng tôi cười rúc rích.

Tôi chỉnh cái cốc bằng thép không gỉ cho nó ép sát vào bức tường nối liền với phòng ông Shantaram rồi áp tai vào đó. Tôi có thể nghe thấy tiếng ông Shantaram.

“Chỗ này không hơn gì một cái hố đen. Nó hoàn toàn không xứng với phẩm giá của tôi, nhưng vì hai mẹ con bà, tôi sẽ chịu đựng sự bẽ mặt này cho tới khi tìm được công việc phù hợp. Nghe đây, tôi không muốn bất cứ thằng khố rách áo ôm nào bước vào nhà này. Có trời mới biết bọn chúng đến từ nơi dơ dáy nào. Có hai thằng như thế ở ngay bên phải chúng ta đấy. Tôi nghĩ chúng là những thằng bất lương bậc nhất. Và Gudiya này, nếu bố mà thấy con nói chuyện với bất cứ thằng con trai nào trong khu chawl thì con sẽ phải nhận những nhát quật bằng chiếc thắt lưng da của bố đấy, hiểu chưa?” ông ta đe dọa. Tôi sợ hãi đánh rơi cả cốc.

Suốt hai tuần tiếp theo tôi hầu như không nhìn thấy Shantaram và tuyệt đối không trông thấy vợ và con gái ông ta. Hàng ngày cô con gái có lẽ đi học ở trường đại học, nhưng khi tôi ở xưởng đúc về thì chị ấy đã yên vị trong nhà và cánh cửa luôn luôn đóng chặt.

Salim thậm chí không nhận thấy chúng tôi có hàng xóm mới. Với công việc đi đưa cơm hộp của mình, cậu ấy hầu như không có lấy một chút thời gian rỗi. Cậu ấy thức dậy lúc bảy giờ sáng và thay quần áo. Cậu ấy mặc sơ mi thụng trắng, quấn xà rông dệt bằng vải cotton và đội chiếc mũ Nehru màu trắng. Chiếc mũ đó là dấu hiệu nhận dạng của tất cả những người làm công việc đi đưa cơm ở Mumbai, và có tới gần năm nghìn người cả thảy. Trong hai giờ tiếp theo cậu ấy sẽ đến khoảng hai mươi lăm căn hộ để gom các hộp thức ăn trưa nấu tại gia đình. Sau đó cậu ấy mang chúng tới ga tàu địa phương Ghatkopar. Tại đây các hộp thức ăn được phân loại theo đích đến của chúng, mỗi hộp được đánh dấu mã quy ước bằng các chấm màu, nét gạch ngang gạch chéo trên nắp hộp, và sau đó được chất lên những chuyến tàu đặc biệt để đến đúng giờ ăn trưa sẽ chuyển tới cho các nhân viên tầng lớp trung lưu và công nhân ở khắp Mumbai. Bản thân Salim thì nhận những hộp cơm từ một chuyến tàu khác, những hộp cơm mà cậu sẽ đem giao ở khu vực Ghatkopar sau khi đã giải mã các chấm màu, các dấu gạch cấu thành địa chỉ. Cậu ấy phải rất cẩn thận, bởi vì chỉ cần nhầm lẫn một lần là mất việc như chơi. Cậu ấy không dám đưa hộp cơm có thịt bò tới một người Hindu, hoặc hộp cơm có thịt lợn tới một người theo đạo Hồi, hay hộp cơm có tỏi và hành tới một người ăn chay theo đạo Jaina.

Giờ là chín giờ tối. Salim đang lật các trang tạp chí điện ảnh. Tôi quỳ trên giường, ghé sát tai trái vào chiếc cốc áp trên tường. Tôi nghe thấy tiếng ông Shantaram nói với con gái. “Xem này, Gudiya, nhìn qua kính này mà xem. Bố đã chỉnh kính viễn vọng rồi. Con có nhìn thấy cái vật màu đỏ chói ở giữa không? Đó là sao Hỏa đấy.”

Tôi thì thầm với Salim, “Nhanh lên, lấy một cái cốc đi. Cậu phải nghe chuyện này.”

Salim cũng áp tai vào tường. Trong ba mươi phút sau đó chúng tôi lắng nghe một bài diễn giải trôi chảy về trạng thái của bầu trời. Chúng tôi nghe nói về những chòm sao, về các thiên hà và sao chổi. Chúng tôi nghe nói về chòm Đại hùng và Tiểu hùng. Chúng tôi nghe nói về cái gọi là Dải Ngân hà và sao Bắc đẩu. Chúng tôi được biết về các vành đai của sao Thổ và các mặt trăng của sao Mộc.

Nghe Shantaram nói lòng tôi tràn ngập một niềm khát khao kỳ lạ. Tôi ước mình cũng có một người cha dạy cho tôi biết về các vì sao và các hành tinh. Bầu trời đêm, từ trước đến nay đối với tôi chỉ là một khối đen khổng lồ, bỗng nhiên trở thành một nơi vô cùng ý nghĩa và kỳ diệu. Ngay khi bài giảng của Shantaram kết thúc, Salim và tôi nghển cổ ra ngoài cửa sổ phòng chúng tôi trên tầng hai, cố tìm các mốc giới trên bầu trời mà ông ta đã chỉ ra. Không có sự hỗ trợ của kính viễn vọng, chúng tôi chỉ nhìn thấy những chấm nhỏ màu trắng trên bầu trời tối đen, nhưng chúng tôi kêu ré lên sung sướng khi nhận ra bảy ngôi sao trong chòm Đại hùng, và ngay cả việc khám phá ra rằng các đốm đen trên mặt trăng không phải những vết khiếm khuyết sứt sẹo mà là những miệng núi lửa cũng khiến chúng tôi tràn ngập một cảm giác hài lòng cứ như vừa giải mã được những bí ẩn của vũ trụ.

Đêm đó tôi không mơ thấy người đàn bà với tấm sari trắng rung rinh nữa. Tôi mơ thấy những vành đai quanh sao Thổ và những mặt trăng quanh sao Mộc.

Một tuần sau tôi được báo động bởi một âm thanh mới tinh từ phòng Shantaram vọng sang. “Meo!” Tôi trườn đến bên tường với cái thiết bị trợ thính bằng inox trong tay.

Tôi nghe thấy Gudiya nói, “Bố, xem này, con có một con mèo. Nó dễ thương đấy chứ? Bạn con, Rohini, đã chọn trong lứa mèo mới đẻ nhà cô ấy cho con con này đấy. Con nuôi nó được không ạ?”

“Mẹ không ưa bất cứ con vật nuôi trong nhà nào,” bà Shantaram càu nhàu. “Phòng này đến chỗ ở cho người còn chẳng đủ nữa là - chúng ta sẽ nuôi một con vật ở đâu nào?”

“Con xin mẹ mà, nó chỉ là một con vật bé xíu thôi. Bố, bố làm ơn đồng ý đi,” cô cầu xin.

“Thôi được, Gudiya,” Shantaram nói. “Con có thể nuôi con mèo này. Nhưng con sẽ gọi nó là gì?”

“Ôi, cảm ơn bố. Con đang định gọi nó là Tommy.”

“Không. Đó là một cái tên tầm thường. Con mèo này sẽ sống trong gia đình của một nhà thiên văn học, vì vậy chúng ta nên đặt tên cho nó theo tên của một trong các hành tinh.”

“Hành tinh nào ạ? Chúng ta gọi nó là Jupiter(1)_ nhé?”

“Không. Nó là thành viên nhỏ nhất trong gia đình, vậy nó chỉ có thể được gọi là Pluto_(2) thôi.”

“Tuyệt, con thích cái tên đó, bố ạ. Nào, Pluto, Pluto, đến ăn sữa đi nào.”

“Meo!” Pluto lên tiếng.

Những chuyện vụn vặt này buộc tôi phải xem xét lại đánh giá của mình về Shantaram. Có lẽ suy cho cùng ông ta không đến nỗi tệ lắm. Nhưng, lại một lần nữa, tôi hiểu ra rằng vẻ bề ngoài dễ làm cho người ta lầm lẫn và ranh giới giữa tốt với xấu quả thực rất mong manh.

Một buổi chiều tôi thấy ông Shantaram về nhà trong tình trạng say mèm. Hơi thở của ông ta sặc mùi whisky. Ông ta bước đi lảo đảo và phải có người giúp mới trèo lên các bậc thang được. Ngày hôm sau chuyện này lại xảy ra, và ngày hôm sau nữa cũng thế. Chẳng bao lâu sau cả khu chawl đều biết ông Shantaram là một kẻ say xỉn.

Những kẻ say xỉn trong các bộ phim Hindi luôn là những nhân vật khôi hài. Cứ nghĩ đến Keshto Mukherjee với cái chai mà xem, bạn sẽ không thể nào nhịn cười được. Nhưng những kẻ say xỉn ngoài đời thực không khôi hài, họ đáng sợ. Bất cứ khi nào Shantaram về nhà trong tình trạng ngẩn ngơ vì say rượu, chúng tôi đều không cần phải dùng thiết bị trợ thính. Ông ta vặn hết volume lên mà chửi rủa và cả Salim lẫn tôi ở trong phòng đều run lên vì sợ cứ như thể chính chúng tôi là những kẻ đang bị chửi. Việc chửi rủa của ông ta đã trở thành một nghi thức, đến mức quả thực chúng tôi cứ phải đợi cho tới khi nghe thấy tiếng ông ta ngáy rồi mới ngủ được. Chúng tôi trở nên khiếp sợ cái quãng thời gian từ lúc Shantaram về nhà cho tới lúc ông ta đi ngủ. Khoảng thời gian ấy, đối với chúng tôi, là múi giờ sợ hãi.

Chúng tôi nghĩ rằng đây chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp và rằng thế nào cuối cùng Shantaram cũng sẽ hồi phục. Nhưng thực tế tình hình càng ngày càng tồi tệ hơn. Shantaram uống ngày một nhiều hơn và rồi bắt đầu ném đồ đạc. Ông ta bắt đầu với những chiếc cốc nhựa và sách vở, ném chúng vào tường trong cơn phẫn nộ. Rồi ông ta đập ấm chén và xoong nồi. Những tiếng đập phá ông ta gây ra khiến cho việc sống ngay phòng bên cạnh trở nên rất khó khăn. Nhưng chúng tôi biết có phàn nàn với ông Ramakrishna cũng chẳng ăn thua gì. Tiếng nói của hai đứa trẻ một mười ba một mười một tuổi thường chùng chình trong việc trả tiền thuê nhà chẳng có trọng lượng mấy. Vậy nên chúng tôi chỉ biết chúi đầu xuống giường thật nhanh mỗi khi một đồ vật bị ném đánh uỵch vào bức tường chung và cứ co rúm người lại sợ hãi mỗi khi nghe thấy tiếng kính rơi loảng xoảng hay tiếng đồ sứ vỡ.

Tuy nhiên giai đoạn này không kéo dài. Chẳng bao lâu sau, Shantaram bắt đầu ném các thứ vào người khác. Chủ yếu ném vào người nhà. Ông ta dành sự giận dữ cực độ cho bà vợ. “Đồ chó chết tiệt! Bà là người đã khiến đời tôi nhục nhã. Tôi có thể viết những luận án nghiên cứu về hố đen, ấy thế mà giờ lại phải làm cái việc giới thiệu áo và sari với những bà nội trợ khốn khổ. Tôi căm ghét bà! Sao bà không chết quách đi hả?” ông ta gào lên và ném một lọ hạt tiêu, một cái ly, một cái đĩa. Ném vào vợ ông ta, con gái ông ta và con mèo của chị ấy.

Một đêm ông ta vượt quá mọi giới hạn, ném một cốc trà nóng vào bà vợ. Gudiya cố che cho mẹ và thế là bị trà nóng đổ vào làm bỏng mặt. Chị ấy thét lên đau đớn. Shantaram say đến nỗi thậm chí không nhận thức được mình đã làm gì. Tôi vội chạy ra ngoài gọi taxi để bà Shantaram đưa cô con gái đi viện. Hai ngày sau bà ấy sang gặp tôi, hỏi liệu tôi có thể cùng bà ấy đi thăm Gudiya được không. “Nó cô đơn lắm. Có lẽ cậu có thể nói chuyện với nó.”

Vậy là tôi đi cùng bà Shantaram trong chuyến viếng thăm bệnh viện lần đầu tiên trong đời mình.

Điều đầu tiên tấn công các giác quan của bạn khi bạn tới một bệnh viện là mùi của nó. Tôi cảm thấy buồn nôn bởi cái mùi lờm lợm của thuốc khử trùng ngấm vào mọi ngóc ngách của những phòng bệnh bẩn thỉu. Điều thứ hai đập vào nhận thức của bạn là bạn không nhìn thấy người nào vui vẻ. Bệnh nhân nằm trên những chiếc giường màu xanh lá cây kêu rên vì đau đớn, ngay đến các y tá và các bác sĩ trông cũng có vẻ dữ tợn. Nhưng điều tồi tệ nhất là sự dửng dưng. Không ai thực sự lo lắng về bạn. Tôi đã hình dung rằng sẽ có các bác sĩ và y tá vây quanh Gudiya, nhưng giờ tôi thấy chị ấy nằm một mình trên một chiếc giường tại khoa Bỏng mà xung quanh không hề thấy bóng dáng y tá nào. Mặt chị ấy bị băng kín; chỉ hở ra đôi mắt đen.

“Gudiya, xem ai đến thăm con này,” bà Shantaram nói và mỉm cười rạng rỡ với tôi.

Tôi cảm thấy không đủ tự tin để tiếp xúc với cô gái. Chị ấy rõ ràng lớn tuổi hơn tôi nhiều. Tôi chỉ là một kẻ tò mò tọc mạch đã nghe lỏm vài chuyện vụn vặt trong cuộc sống của chị ấy; tôi hầu như không biết gì về chị ấy. Dù không nhìn thấy môi chị ấy, nhưng tôi có thể thấy mắt chị đang cười với tôi và điều đó đã làm tan băng giá giữa chúng tôi.

Tôi ngồi với chị ấy ba tiếng đồng hồ, nói chuyện này chuyện nọ. Gudiya hỏi tôi, “Sao cậu lại có cái tên lạ vậy - Ram Mohammad Thomas?”

“Đó là một câu chuyện rất dài. Khi nào chị khỏe tôi sẽ kể cho chị.”

Chị ấy kể cho tôi nghe về bản thân. Tôi biết được chị ấy sắp học xong hệ trung cấp và chuẩn bị vào đại học. Tham vọng của chị ấy là trở thành bác sĩ. Chị ấy hỏi tôi về bản thân. Tôi không kể cho chị ấy nghe chút gì về Cha Timothy và những chuyện xảy ra với tôi sau đó mà chỉ kể những trải nghiệm của tôi ở khu chawl. Tôi kể với chị ấy cuộc sống của một công nhân xưởng đúc. Chị ấy lắng nghe hết sức chăm chú và khiến tôi cảm thấy mình quan trọng và được cần đến.

Một vị bác sĩ tới nói với bà Shantaram rằng con gái bà thật may mắn. Chị ấy chỉ bị bỏng độ một và sẽ không phải mang sẹo vĩnh viễn. Chị ấy sẽ được ra viện trong vòng một tuần.

Ba tiếng đồng hồ ngồi với Gudiya cho phép tôi biết nhiều điều về bố chị. Bà Shantaram kể với tôi, “Chồng tôi là một nhà khoa học không gian nổi tiếng. Đúng hơn, ông ấy là một nhà khoa học. Ông ấy từng làm việc ở Viện Nghiên cứu Không gian Aryabhatta, nghiên cứu các ngôi sao với sự trợ giúp của những chiếc kính viễn vọng khổng lồ. Chúng tôi từng sống tại một ngôi nhà gỗ một tầng lớn nằm trong khu khuôn viên của viện. Ba năm trước ông ấy phát hiện ra một ngôi sao mới. Đó là một khám phá khoa học rất quan trọng, nhưng một nhà thiên văn học đồng nghiệp của ông ấy lại giành lấy công trạng đó. Việc ấy đã khiến chồng tôi suy sụp hoàn toàn. Ông ấy bắt đầu uống rượu. Ông ấy bắt đầu gây lộn với đồng nghiệp và rồi một hôm thì tức giận với giám đốc viện đến nỗi suýt đánh chết ông ta. Ông ấy bị đuổi khỏi viện ngay lập tức và tôi phải van xin ông giám đốc đừng báo cảnh sát bắt ông ấy. Sau khi rời viện nghiên cứu, chồng tôi tìm được công việc dạy vật lý ở một trường tử tế, nhưng ông ấy không thể kiềm chế được thói uống rượu và tính khí hung bạo. Ông ấy đánh đập học sinh chỉ vì những lỗi nhỏ và chỉ sáu tháng sau lại bị đuổi việc. Từ đó ông ấy phải làm những việc linh tinh, làm quản lý căng tin cho một văn phòng, làm kế toán trong nhà máy, và giờ làm trợ lý kinh doanh tại một cửa hàng giới thiệu sản phẩm may mặc. Và vì chúng tôi đã tiêu hết sạch tiền tiết kiệm nên phải chuyển tới sống ở một khu chawl.”

“Ông Shantaram không thể thôi uống rượu được sao?” tôi hỏi.

“Chồng tôi đã thề rằng ông ấy sẽ không đụng tới rượu nữa, và tôi bắt đầu hy vọng thời kỳ tồi tệ nhất đã qua rồi. Nhưng ông ấy không thể giữ lời hứa, và cậu thấy chuyện gì xảy ra rồi đấy.”

“Hãy cho tôi một ân huệ, Ram Mohammad Thomas,” Gudiya nói. “Xin hãy chăm sóc con Pluto giúp tôi cho tới khi tôi về nhà.”

“Nhất định rồi,” tôi hứa.

Bỗng nhiên chị ấy đưa tay ra, nắm lấy tay tôi. “Cậu chính là người em trai mà tôi chưa từng có. Phải vậy không, mẹ?” chị ấy nói. Bà Shantaram gật đầu.

Tôi không biết phải nói gì. Đây là một mối quan hệ mới mẻ đối với tôi. Trước đây tôi đã tưởng tượng mình là con trai của một người nào đó nhưng chưa bao giờ tôi hình dung mình là em trai của ai. Vậy nên tôi chỉ cầm tay Gudiya và cảm thấy một mối dây ràng buộc ngầm giữa hai chúng tôi.

Đêm đó tôi mơ thấy một người đàn bà quấn sari trắng bế một đứa bé trong tay. Gió rít phía sau lưng làm tóc bà ấy bay lòa xòa, che khuất khuôn mặt. Bà ấy đặt đứa bé vào một cái thùng đựng quần áo rồi đi. Ngay sau đó, một người phụ nữ khác tới. Người phụ nữ này cũng cao ráo và duyên dáng, nhưng mặt bị băng kín. Chị ấy bế đứa bé từ trong thùng lên và phủ lên nó những nụ hôn. “Em trai bé bỏng của chị,” chị ấy nói. “Ch-ị-gá-i,”đứa bé ríu rít đáp lại. “Meo!” một tiếng mèo kêu nghèn nghẹt đột nhiên xuyên vào màn đêm. Tôi choàng tỉnh và cố nghĩ xem tiếng kêu tôi nghe thấy đến từ giấc mơ hay từ phòng bên cạnh.

Sáng hôm sau tôi phát hiện thấy xác con Pluto mềm rũ, đầy thương tích nằm trong đúng cái thùng đựng giấy lộn nơi ông Barve vứt tờ Maharashtra Times. Cổ con mèo bị gãy và tôi có thể ngửi thấy mùi whisky trên thân hình lông lá của nó. Shantaram nói với vợ ông ta rằng con mèo đã bỏ đi đâu mất. Tôi biết sự thật, nhưng nói ra phỏng có ích gì. Pluto quả thực đã bỏ đi. Đi đến một thế giới khác tốt đẹp hơn, tôi nghĩ vậy.

“Tớ rất quý Gudiya,” tôi nói với Salim. “Tớ phải đảm bảo Shantaram sẽ không lặp lại những gì ông ta đã làm với chị ấy.”

“Nhưng cậu có thể làm gì chứ? Đó là gia đình ông ta.”

“Đó cũng là việc của chúng ta. Dù gì chúng ta cũng là hàng xóm.”

“Cậu có nhớ những gì cậu từng nói với tớ không? Rằng nhúng mũi vào chuyện của người khác hay biến rắc rối của người khác thành của mình chẳng hay ho gì đâu, đúng không Mohammad?”

Tôi chẳng biết đáp thế nào nữa.

Gudiya về nhà, nhưng tôi không sang gặp chị bởi Shantaram không cho phép bất cứ thằng con trai nào bước chân vào nhà ông ta. Bà Shantaram nói với tôi rằng chồng bà ấy đã nhận thức được mình gây ra chuyện gì và sẽ sửa đổi, mặc dầu trong thẳm sâu lòng mình bà ấy biết ông 4554 Shantaram là kẻ vô phương cứu vãn. Nhưng bà ấy không biết chồng mình có thể lún sâu tới đâu.

Chưa đầy một tuần sau khi Gudiya được ra viện, ông ta lại làm chuyện tồi tệ với chị ấy. Ông ta cố chạm vào chị ấy. Nhưng không giống cách một người cha chạm vào con gái mình. Thoạt đầu tôi không hiểu. Tất cả những gì tôi nghe thấy là ông ta gọi chị Gudiya là mặt trăng của ông ta, sau đó là tiếng bà Shantaram khóc, và tiếng Gudiya kêu lên, “Bố, đừng đụng vào con! Bố làm ơn đừng đụng vào con!”

Có gì đó nhói lên trong đầu tôi khi tôi nghe thấy tiếng khóc buồn thảm của Gudiya. Tôi muốn lao sang phòng Shantaram xé xác ông ta ra. Nhưng tôi chưa kịp gom góp lòng can đảm thì đã nghe thấy tiếng ngáy ầm ĩ của Shantaram. Ông ta đã ngủ. Gudiya thì vẫn đang khóc. Tôi không cần phải dùng tới cái cốc cũng nghe được tiếng nức nở của chị ấy.

Tiếng khóc của chị ấy tác động tới tôi theo một cách kỳ lạ. Tôi không biết một đứa em trai phản ứng như thế nào khi lắng nghe nỗi buồn của chị gái mình, bởi vì tôi không có kinh nghiệm làm một người em trai. Nhưng tôi biết bằng cách này hay cách khác tôi nhất định phải an ủi chị ấy. Không may thay, thật không dễ gì an ủi một người khi mà có một bức tường, dù mỏng đến thế nào chăng nữa, ngăn cách giữa bạn và người ấy. Tôi nhận thấy ngay dưới chân tường nơi ống nước dẫn tới căn hộ bên cạnh có một lỗ hổng nhỏ hình tròn, đủ rộng để đút một cánh tay qua. Tôi nhảy xuống khỏi giường và nằm dang chân trên nền nhà, ấn bàn tay qua cái lỗ hổng đó. “Chị, đừng khóc nữa. Đây, hãy nắm lấy tay em,” tôi gọi. Và ai đó nắm chặt tay tôi. Tôi cảm thấy những ngón tay vuốt ve cánh tay tôi, khuỷu tay tôi, cổ tay tôi, như thể một người mù đang sờ mặt ai đó. Rồi những ngón tay ấy đan vào ngón tay tôi, và tôi cảm thấy một sự truyền sức mạnh, năng lượng, tình yêu, hay bạn muốn gọi là gì cũng được, thật kỳ diệu; đúng là vào lúc ấy tôi cảm thấy tôi với Gudiya trở thành một và tôi cảm nhận được nỗi đau của chị ấy như thể đó là nỗi đau của chính tôi vậy.

Trong khi đó, Salim vẫn đang ngồi trên giường quan sát cảnh tượng này với vẻ ngạc nhiên. “Cậu điên à, Mohammad? Cậu có hiểu cậu đang làm gì không hả?” cậu ấy cảnh cáo tôi. “Cái lỗ hổng mà cậu nhét tay vào chính là cái lỗ cho chuột và gián chui vào phòng chúng ta đấy.”

Nhưng tôi không để ý đến Salim, không để ý đến bất cứ gì khác. Tôi không biết mình nắm tay Gudiya bao lâu, nhưng sáng hôm sau khi thức dậy tôi thấy mình đang nằm trên sàn nhà, bàn tay vẫn xuyên qua lỗ hổng với cả một gia đình nhà gián đang ngủ ngon lành trong túi áo.

Tối hôm sau, Shantaram lại về nhà trong tình trạng say mèm và cố quấy rầy Gudiya. “Con đẹp hơn tất cả các hành tinh và các vì sao. Con là mặt trăng của ta. Con là Gudiya của ta, con búp bê của ta. Hôm qua con đã lẩn tránh ta, nhưng hôm nay ta sẽ không để con rời xa ta đâu,” ông ta nói.

“Đừng có cư xử như thế nữa!” bà Shantaram kêu lên, nhưng ông chồng không thèm đếm xỉa đến những gì bà ấy nói.

“Đừng lo, Gudiya, tình yêu của ta dành cho con không có gì sai trái hết. Thậm chí Shahjahan, vị hoàng đế vĩ đại nhất, cũng phải lòng con gái của ngài, Jahan Ara. Và ai có thể phủ nhận quyền của người đàn ông được hái quả từ cái cây mà chính ông ta đã trồng cơ chứ.”

“Ông là một con quỷ,” bà Shantaram hét lên và Shantaram đánh bà ấy. Tôi nghe thấy tiếng chai vỡ.

“Không!” Gudiya thét lên. Tôi cảm thấy một ngọn lửa hàn đang xuyên vào óc và cảm thấy kim loại nóng chảy đang đổ lên tim tôi. Tôi không thể chịu đựng hơn được nữa. Tôi chạy tới phòng ông Ramakrishna nói với ông ấy rằng Shantaram đang làm một chuyện khủng khiếp với vợ và con gái ông ta. Nhưng Ramakrishna xử sự như thể tôi đang nói về thời tiết.

“Này,” ông ấy bảo tôi. “Bất cứ chuyện gì xảy ra trong bốn bức tường của một gia đình đều là chuyện riêng của gia đình đó và chúng ta không thể can thiệp. Cậu là một thằng bé mồ côi còn ít tuổi. Cậu chưa hiểu đời. Nhưng tôi thì tôi biết những chuyện đánh vợ, ngược đãi, loạn luân và hãm hiếp xảy ra hàng ngày tại những khu chawl ở khắp Mumbai này. Tuy nhiên, không ai làm gì hết. Người Ấn Độ chúng ta có cái khả năng tuyệt vời là nhìn thấy những đau đớn khổ cực quanh mình mà vẫn không bị ảnh hưởng. Vậy nên, như một người Mumbai đích thực, hãy nhắm mắt, bưng tai, ngậm miệng lại, và cậu sẽ vui vẻ giống như tôi. Giờ thì đi đi, đến giờ tôi đi ngủ rồi.”

Tôi chạy về phòng. Tôi nghe thấy tiếng Shantaram ngáy và nghe thấy Gudiya kêu rằng chị ấy bẩn. “Đừng chạm vào tôi! Đừng ai chạm vào tôi! Tôi sẽ gây bệnh cho bất cứ ai đến gần tôi.”

Tôi nghĩ chị ấy mất trí rồi. Và tôi cũng mất trí.

“Gây bệnh cho em đi,” tôi nói, và đút tay qua cái lỗ hổng trong tường.

Gudiya nắm tay tôi. “Chị sẽ không sống lâu nữa đâu, Ram Mohammad Thomas ạ,” chị ấy nức nở. “ Chị thà tự tử còn hơn là phục tùng bố chị.” Nỗi đau của chị ấy bay qua lỗ hổng bọc lấy tôi.

Tôi bắt đầu khóc. “Em sẽ không bao giờ cho phép chuyện đó xảy ra,” tôi nói với chị ấy. “Đây là lời hứa của một người em trai.”

Salim ném cho tôi một cái nhìn khinh rẻ, như thể đưa ra lời hứa đó là tôi đã thực hiện một hành vi phạm tội. Nhưng tôi không quan tâm đến đúng sai. Tôi sờ những ngón tay gầy guộc của Gudiya, sờ da thịt trên tay chị ấy và biết rằng cả hai chúng tôi đều là những con thú bị săn đuổi, là đồng phạm. Tội của tôi là tôi, một thằng bé mồ côi, lại dám biến rắc rối của người khác thành rắc rối của mình. Nhưng tội của Gudiya là gì? Chỉ là chị ấy sinh ra là phận gái và Shantaram là bố chị ấy.

Tôi thực hiện lời hứa của mình vào tối ngày hôm sau, khi Shantaram vừa đi làm về và đang leo lên các bậc cầu thang ọp ẹp dẫn tới tầng hai. Ông ta bước những bước chậm chạp, loạng choạng. Thậm chí quần áo ông ta cũng sặc mùi whisky. Khi ông ta sắp đi qua cái đoạn chắn cầu thang vẫn chưa được ông Ramakrishna cho sửa chữa, tôi tấn công ông ta từ phía sau. Tôi huých vào lưng ông ta và ông ta đập vào thanh chắn cầu thang bằng gỗ. Đoạn thanh chắn đó đã yếu và lung lay sẵn. Nó không chịu nổi sức nặng của ông ta. Nó kêu răng rắc và vỡ ra. Shantaram mất thăng bằng, ngã lộn xuống tầng một.

Trong phim người ta chiếu cảnh một tên tội phạm rơi xuống từ trên mái của một tòa nhà chọc trời và trông hắn như thể đang trôi lơ lửng trên không trung; hắn vặn chân, đập tay, và hét, “Aaaaaaaaaaaah!” Ngoài đời thực chuyện xảy ra chẳng giống thế chút nào. Shantaram rơi xuống như một hòn đá. Không khua tay khua chân gì hết. Ông ta đập mặt xuống đất, nằm sóng soài, chân tay dang rộng.

Chỉ khi nhìn thấy cái xác mềm rũ của Shantaram trên mặt đất tôi mới hiểu mình vừa làm gì. Và khi đó tôi mới hình dung ra hậu quả của việc mình làm.

Cảnh sát điều tra hiện trường đến trên một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy và khéo léo vẽ phấn quanh cái xác. Họ chụp ảnh và nói, “Đây là chỗ cái xác rơi xuống.” Rồi họ nhìn lên và thấy tôi trên tầng hai. Nhân viên điều tra chỉ vào tôi. “Chính thằng bé đó đã đẩy ông ta xuống. Bắt lấy nó!” Tôi bị đưa đến nhà giam, và tại đây bị lột hết quần áo, bị đánh đập. Sau đó tôi bị đưa tới tòa án, nơi có một vị thẩm phán vẻ mặt nghiêm khắc mặc áo choàng đen ngồi dưới một chiếc quạt trần. Một tấm biển màu vàng bụi bặm bạc màu ghi mấy chữ Satyameva Jayate - Sự thật luôn chiến thắng - được gắn trên bức tường sau lưng ông ta. Vị thẩm phán nhìn tôi rồi tuyên án. “Ram Mohammad Thomas, tôi tuyên bố anh phạm tội giết ông Shantaram có chủ ý. Vì vậy theo điều 302 Bộ luật Hình sự Ấn Độ, tôi tuyên bố anh phải chịu án tử hình treo cổ.”

“Không!” tôi kêu lên và cố chạy, nhưng chân bị cùm còn tay đã bị còng. Tôi bị bịt mắt và bị đưa tới phòng giam dành cho tử tù. Một cái thòng lọng được tròng vào cổ tôi và một cái đòn bẩy được kéo lên. Tôi thét lên đau đớn khi hai chân bỗng nhiên đu đưa trên không và hơi thở từ phổi tôi tắc nghẹt. Tôi mở mắt và nhận thấy mình đang ở trên thiên đường. Nhưng thiên đường dường như cũng giống khu chawl và tôi nhìn xuống, thấy xác ông Shantaram nằm dang chân dang tay dưới đất. Giờ người ta đang xúm quanh cái xác. Ai đó kêu lên, “Gọi cảnh sát đi!”

Tôi không đợi thêm phút nào nữa. Tôi bò lồm cồm xuống cầu thang và bắt đầu chạy. Tôi chạy qua cổng, qua quán bán sữa, qua tòa nhà nhiều tầng. Tôi chạy ra ga địa phương và bắt chuyến tàu tốc hành đến ga Victoria Terminus. Tôi kiểm tra mọi thềm ga để tìm một chuyến tàu đặc biệt. Cuối cùng tôi cũng tìm thấy nó và nhảy lên tàu đúng lúc nó bắt đầu lăn bánh.

Tôi rời bỏ Mumbai, rời bỏ Gudiya, rời bỏ Salim và bỏ trốn đến cái thành phố khác duy nhất mà tôi biết. Thành phốDelhi.

Smita giữ im lặng tuyệt đối trong suốt thời gian tôi kể câu chuyện. Giờ tôi có thể thấy cô xúc động sâu sắc. Tôi thấy một giọt nước mắt thấp thoáng nơi khóe mắt cô ấy. Có lẽ, là một người phụ nữ, cô ấy có thể cảm thông với nỗi đau khổ của Gudiya.

 Tôi cầm chiếc điều khiển từ xa lên. “Chúng ta hãy xem câu hỏi số ba,” tôi nói và ấn nút “Play”.

Prem Kumar xoay người trên ghế và nói với tôi. “Anh Thomas, anh đã trả lời chính xác hai câu hỏi và giành được hai nghìn rupi. Giờ chúng ta hãy xem liệu anh có thể trả lời được câu hỏi thứ ba và giành năm nghìn rupi hay không. Anh sẵn sàng chưa?”

“Sẵn sàng,” tôi đáp.

“OK. Câu hỏi số ba. Đây là câu hỏi thuộc lĩnh vực...”

Vừa lúc đó đèn ở chính giữa trường quay phụt tắt, khiến tôi và Prem Kumar bị chìm vào bóng tối.

“Tiếc quá!Houston, chúng ta có vấn đề rồi,” Prem Kumar nói. Khán giả cười rộ lên. Tôi không hiểu câu đùa đó.

“Ông vừa nói gì cơ?” Tôi hỏi Prem Kumar.

“Ồ, đó là câu nói nổi tiếng trong phim Apollo 13. Tôi chắc rằng anh không xem những bộ phim tiếng Anh. Người ta sử dụng câu nói này khi bỗng nhiên gặp vấn đề nghiêm trọng, và ở đây chúng ta có vấn đề nghiêm trọng. Chương trình không thể tiếp tục cho tới khi đèn được sửa xong.”

Khi các nhân viên kỹ thuật bắt đầu kiểm tra dây đèn, Prem Kumar nghe ai đó nói qua cái tai nghe của anh ta. Rồi anh ta rướn người về phía trước, thì thầm vào tai tôi, “Ok, anh bạn ạ, chặng đường vàng son của anh đã kéo dài suốt hai câu hỏi và giờ thì sắp kết thúc rồi. Câu hỏi tiếp theo thực sự khó đấy, đặc biệt đối với một bồi bàn. Tôi muốn giúp anh chiến thắng thêm nữa, nhưng nhà sản xuất vừa thông báo với tôi rằng ông ấy muốn chuyển sang người chơi tiếp theo, một giáo sư toán học. Xin lỗi, thật đen đủi quá!” Anh ta uống một hớp nước chanh và chép môi.

Đèn đã được sửa xong. Bảng hiệu của trường quay chuyển sang hai chữ “Vỗ tay”.

Khi tiếng vỗ tay lắng xuống, Prem Kumar nhìn tôi. “Anh Thomas, anh đã trả lời chính xác hai câu hỏi và giành được phần thưởng trị giá hai nghìn rupi. Giờ chúng ta hãy xem anh có thể trả lời được câu hỏi thứ ba và giành năm nghìn rupi hay không. Anh sẵn sàng chưa?”

“Sẵn sàng,” tôi đáp.

“Ok. Câu hỏi tiếp theo của chúng ta thuộc lĩnh vực thiên văn học. Hãy cho tôi biết, anh Thomas, anh có biết có bao nhiêu hành tinh trong hệ mặt trời của chúng ta không?”

“Các lựa chọn của tôi là gì?”

“Đó không phải câu hỏi của trò chơi, anh Thomas ạ. Tôi chỉ hỏi liệu anh có biết số hành tinh thuộc hệ mặt trời hay không thôi.”

“Không.”

“Không ư? Tôi hy vọng anh biết tên của hành tinh chúng ta đang sống.”

Khán giả phá lên cười.

“Trái đất,” tôi uể oải đáp.

“Tốt. Vậy là anh có biết tên của một hành tinh. Ok, anh đã sẵn sàng cho câu hỏi số ba?”

“Sẵn sàng,” tôi đáp.

“Ok. Đây là câu hỏi số ba. Hành tinh nào là hành tinh nhỏ nhất trong hệ mặt trời của chúng ta? Đó là a) Pluto, b) Mars, c) Neptune hay d) Mercury?” Một âm thanh thoát ra khỏi môi tôi trước khi nhạc bắt đầu nổi lên, và đó là tiếng “Meo!”

“Xin lỗi?” Prem Kumar ngạc nhiên hỏi. “Anh nói gì cơ? Tôi nghĩ tôi vừa thoáng nghe thấy tiếng mèo kêu.”

“Tôi nói là ‘A’.”

“A ư?”

“Đúng. Câu trả lời là A. Pluto.”

“Anh hoàn toàn, chắc chắn một trăm phần trăm rằng câu trả lời là A chứ?”

“Vâng.”

Tiếng trống dồn vang lên. Câu trả lời đúng nhấp nháy trên màn hình.

“Chính xác, chính xác một trăm phần trăm! Pluto đúng là hành tinh nhỏ nhất trong hệ mặt trời của chúng ta. Anh Thomas, anh vừa giành được năm nghìn rupi!”

Khán giả bị ấn tượng bởi hiểu biết sâu rộng của tôi. Vài người đứng lên vỗ tay.

Nhưng Smita vẫn im lặng.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25902


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận