Triệu Phú Ổ Chuột Chương 5


Chương 5
Sự quan tâm dành cho trẻ tàn tật.

Mặt trời dường như yếu hơn, chim chóc kém vui hơn, không khí ngột ngạt hơn, bầu trời u ám hơn.

Nếu bạn bị lôi ra khỏi một ngôi nhà một tầng rộng rãi đẹp đẽ với khu vườn xinh xắn tắm trong ánh mặt trời rồi bị ném vào một cái nhà rách nát nơi bạn buộc phải sống trong căn phòng tập thể chật chội cùng hàng chục đứa trẻ khác, tôi nghĩ thể nào bạn cũng có cách nhìn lệch lạc về cuộc đời.

Và nếu bạn có bị bệnh vàng da thì đó cũng là điều khó tránh khỏi. Vàng da là một chứng bệnh khá khó chịu nhưng nó lại dẫn đến một kết quả rất tốt. Bạn được chuyển từ phòng tập thể ngột ngạt tới một phòng chỉ có mình bạn thôi. Đó là một căn phòng lớn có một chiếc giường sắt và những tấm rèm màu xanh lá cây. Nó được gọi là phòng cách ly.

Tôi phải nằm bẹp giường đã hai tuần nay. Nhưng có vẻ như tôi đã ngã bệnh từ khi họ đưa tôi đi khỏi nhà thờ sau cái chết của Cha Timothy. Họ không đến tìm tôi trên chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy. Họ đến trong chiếc xe tải màu xanh da trời có cửa sổ bịt lưới sắt. Giống như loại xe người ta dùng để bắt những con chó lang thang. Chỉ khác một điều là chiếc xe này dùng để bắt những thằng nhóc lang thang. Nếu tôi nhỏ tuổi hơn, có lẽ họ đã gửi tôi vào một trung tâm cho trẻ làm con nuôi và sẽ nhanh chóng đem tôi ra bán. Nhưng vì tôi đã tám tuổi rồi nên họ đưa tôi tới trại giáo dưỡng Delhi dành cho nam ở Turman Gate.

Trại giáo dưỡng có sức chứa bảy mươi lăm người, và dân số của nó là một trăm năm mươi người. Nó chật chội, ồn ào và bẩn thỉu. Nó chỉ có hai nhà vệ sinh với những bồn rửa rò rỉ và hố vệ sinh bẩn thỉu. Chuột chạy nhốn nháo khắp các hành lang và bếp. Nó có một phòng học với những chiếc bàn xiêu vẹo và một tấm bảng đen nứt nẻ. Và những giáo viên đã nhiều năm chẳng giảng dạy gì. Nó có một cái sân thể thao cỏ mọc cao như những thanh chắn dùng trong môn cricket và là nơi mà, nếu không cẩn thận, bạn có thể làm mình bị sầy da khi vấp phải những hòn đá to cỡ quả bóng đá. Có một huấn luyện viên thể thao mặc áo sơ mi thụng màu trắng bằng cotton nhăn và chiếc quần xếp ly. Ông ta cất dụng cụ bóng bàn và cricket trong một cái hòm kính đẹp đẽ, nhưng không bao giờ cho phép chúng tôi chạm vào chúng. Phòng ăn tập thể là một phòng rộng với sàn nhà làm bằng chất liệu rẻ tiền và những cái bàn gỗ dài. Nhưng chắc chắn tay đầu bếp đã đem bán thịt và gà mà đáng ra thuộc khẩu phần ăn của chúng tôi cho các quán ăn, và hàng ngày chỉ cho chúng tôi ăn rau hầm kèm những chiếc bánh chapatti đen xỉn, cứng queo. Ông ta ngoáy mũi liên tục và mắng bất cứ ai hỏi xin thêm thức ăn. Người quản lý, ông Agnihotri, là một ông già tốt bụng thường mặc pyjama kurta may bằng vải cotton kaki hồ bột, nhưng tất cả chúng tôi đều biết người nắm thực quyền là cấp phó của ông ta, ông Gupta, người có biệt hiệu là Nỗi Kinh Hoàng Của Turman Gate. Ông ta là người tồi nhất trong tất cả những người ở đó, một kẻ lùn tịt, lông lá, người lúc nào cũng bốc mùi da thuộc và nhai paan cả ngày. Ông ta đeo quanh cổ hai sợi dây chuyền vàng to tướng kêu đến nhức cả tai theo mỗi bước chân và cầm một cây gậy trúc ngắn mà ông ta dùng để quật chúng tôi bất cứ khi nào ông ta muốn. Có những lời đồn đại không hay rằng lúc đêm khuya ông ta thường gọi bọn con trai vào phòng, nhưng chẳng ai bàn luận gì về chuyện đó. Chúng tôi muốn nói về những điều tốt đẹp. Thích được cho phép xem vô tuyến trong phòng sinh hoạt chung hai tiếng mỗi tối. Chúng tôi ngồi túm tụm quanh chiếc vô tuyến Dyanora hai mươi mốt inch, thưởng thức những ca khúc trong các bộ phim Hindi trên kênh năm và các chương trình truyền hình nhiều tập trên kênh Doordarshan. Chúng tôi đặc biệt thích xem các bộ phim được phát vào Chủ nhật.

Những bộ phim đó nói về một thế giới tưởng tượng. Một thế giới nơi những đứa trẻ có bố, có mẹ và có ngày sinh nhật. Một thế giới nơi người ta sống trong những ngôi nhà khổng lồ, lái những chiếc xe khổng lồ và nhận được những món quà khổng lồ. Chúng tôi nhìn thấy cái thế giới tưởng tượng này nhưng không bao giờ bị nó làm cho mê mẩn. Chúng tôi biết mình không bao giờ có được một cuộc sống giống như cuộc sống của Amitabh Bachchan hay của Shahrukh Khan. Điều cao xa nhất mà chúng tôi có thể mơ tới là trở thành một trong những người có quyền lực đối với chúng tôi. Vậy nên bất cứ khi nào giáo viên hỏi chúng tôi, “Lớn lên các cậu muốn làm gì?”, không một ai trả lời rằng mình muốn trở thành phi công, thủ tướng, chủ ngân hàng hay diễn viên. Chúng tôi nói chúng tôi muốn trở thành đầu bếp, người quét dọn, giáo viên thể dục, hoặc cùng lắm là người quản lý trại. Cái trại giáo dưỡng đó đã làm chúng tôi bị thu nhỏ ngay trong con mắt của chính mình.

Tôi biết tường tận nhiều đứa con trai trong trại. Vài đứa nhỏ hơn, còn lại hầu hết đều lớn tuổi hơn tôi. Tôi đã gặp Munna, Kallu, Pyare, Pawan, Jashim và Irfan. Bị đưa từ nhà của Cha Timothy đến trại giáo dưỡng dành cho trẻ vị thành niên đối với tôi chẳng khác nào bị rơi từ thiên đường xuống địa ngục. Nhưng chỉ khi gặp những đứa con trai khác tôi mới hiểu ra rằng, đối với nhiều đứa, nơi này là thiên đường. Chúng đến từ những khu ổ chuột ởDelhivà Bihar, những khu ổ chuột ở UP, thậm chí từ những nơi rất xa xôi nhưNepal. Tôi được nghe chúng kể về những ông bố nghiện thuốc phiện và những bà mẹ làm nghề bán dâm. Tôi nhìn thấy các vết sẹo từ những vụ đánh đập do các ông chú tham lam và các bà thím đanh ác gây ra. Tôi biết về sự tồn tại của lao động cưỡng bức và sự ngược đãi trong gia đình. Và tôi đâm ra sợ cảnh sát. Họ là những người chịu trách nhiệm trong việc tống hầu hết những đứa con trai đó vào trại giáo dưỡng. Những thằng nhóc bị bắt quả tang đang lấy trộm bánh mì từ một quán bên đường hoặc chào bán những tấm vé chợ đen tại một rạp hát và không thể đút lót cho cảnh sát. Hoặc, phổ biến nhất, chúng bị tống vào đây vì các viên thanh tra không ưa bộ mặt của chúng.

Trong đám con trai ở đây phần nhiều là những kẻ “lặp lại”, nghĩa là chúng bị đưa trở lại trại thậm chí sau khi có người nhận giám hộ chúng từ Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em. Munna quay lại trại sau khi bị mẹ kế hành hạ. Jashim bị người anh tàn nhẫn đuổi đi. Pawan quay lại vì những người họ hàng nhận giám hộ cậu ấy đã bắt cậu ấy làm việc trong một nhà trọ dơ dáy và cậu ấy bị cảnh sát bắt quả tang. Bất chấp những trải nghiệm đó, nhiều cậu con trai vẫn cứ mong được “trở về”, sẵn sàng đổi một địa ngục đã biết lấy một địa ngục chưa biết.

Ngay cả khi không cần cố gắng, tôi vẫn trở thành người đứng đầu của chúng. Không phải vì tôi to lớn hơn, cũng chẳng phải vì tôi hung hăng hơn, mà bởi vì tôi nói tiếng Anh. Tôi là thằng nhóc mồ côi biết nói và đọc thứ ngôn ngữ mầu nhiệm ấy, và tác động mà điều này gây ra đối với các viên chức của trại thật thú vị. Quản lý trại thỉnh thoảng lại cất lời chào tôi. Giáo viên thể dục cho phép tôi dựng một đường ném bóng cricket tạm thời trong sân trước, tại đây chúng tôi đã có bốn năm trận đấu tử tế trước khi Munna làm vỡ cửa kính của ông quản lý và mọi trò thể thao bị cấm tiệt. Người đầu bếp lạnh lùng thỉnh thoảng ban cho tôi suất ăn thứ hai. Gupta không bao giờ gọi tôi đến phòng ông ta vào ban đêm. Còn ông bác sĩ thì nhanh chóng chuyển tôi vào phòng cách ly, không chần chừ như thường thấy, bằng cách đó, ngăn không cho tôi lây bệnh ra cả khu tập thể.

Tôi tận hưởng những ngày ở riêng của mình tại phòng cách ly được hơn hai tuần thì một giường bệnh khác được chuyển vào. Người ta nói với tôi rằng một cậu con trai mới vào trại đang trong tình trạng rất xấu. Cậu ấy được đưa tới bằng cáng vào buổi chiều, mặc chiếc áo vest màu da cam rách tướp và một chiếc quần soóc nhem nhuốc sờn cũ. Cậu ấy đeo một cái bùa màu vàng quanh cổ. Và đó là lần đầu tiên tôi gặp Salim Ilyasi.

Salim khác tôi một trời một vực. Cậu ấy có nước da màu nâu sáng và khuôn mặt tròn trịa. Cậu ấy có mái tóc đen xoăn, và khi mỉm cười, má cậu ấy hiện lúm đồng tiền. Mặc dầu mới chỉ bảy tuổi nhưng cậu ấy có đầu óc ham tìm hiểu và tốt bụng. Cậu ấy kể cho tôi nghe chuyện của cậu ấy bằng những câu ngắn, ngắc ngứ.

Cậu ấy xuất thân từ một gia đình rất nghèo từng sống trong một ngôi làng ở Bihar. Dân làng đó hầu hết là nông dân nghèo, nhưng cũng có một số địa chủ giàu có. Hầu hết dân trong làng theo đạo Hindu, nhưng cũng vài gia đình theo đạo Hồi như gia đình của Salim. Bố cậu ấy là lao công, mẹ cậu ấy là một người nội trợ, anh trai làm việc ở một quán trà. Salim đi học ở trường làng. Họ sống trong một túp lều tranh nhỏ bé nằm trên rìa khu đất của một địa chủ.

Tuần trước, trong tiết tháng Giêng rét buốt và sương giá, một biến cố đã xảy ra trong đền thờ thần Hanuman của làng. Ban đêm có kẻ đã đột nhập vào gian chính linh điện và có những hành động báng bổ đối với bức tượng thần khỉ. Trụ trì ngôi đền khẳng định rằng ông đã nhìn thấy mấy thanh niên người đạo Hồi núp ở gần sân đền. Bas, đúng vậy đấy! Những người Hindu nghe thấy thế liền nổi cơn thịnh nộ. Mang theo dao rựa và cuốc chim, gậy gộc và đuốc, họ tấn công nhà của tất cả những gia đình theo đạo Hồi. Khi đám người quá khích ấy ập đến nhà cậu, Salim đang chơi bên ngoài lều còn bố mẹ và anh trai cậu đang uống trà ở bên trong. Họ châm lửa đốt căn lều ngay trước mắt cậu. Cậu nghe thấy tiếng mẹ thét, tiếng bố kêu, tiếng anh gào khóc, nhưng đám người đó không cho phép bất cứ ai thoát ra ngoài. Cả gia đình cậu bị thiêu chết trong cảnh rùng rợn. Salim chạy tới ga tàu hỏa và nhảy lên đoàn tàu đầu tiên cậu nhìn thấy. Nó đưa cậu tới Delhi, không thức ăn, không quần áo, không có lấy một người quen. Cậu ấy nằm trên sân ga hai ngày, đói, rét, mê sảng vì sốt và đau buồn, cho đến khi một cảnh sát phát hiện và đưa cậu tới trại giáo dưỡng.

Salim nói ban đêm cậu thường gặp ác mộng. Cậu nghe thấy tiếng của đám người ấy. Tiếng thét của mẹ vang vọng bên tai cậu. Cậu rùng mình khi hình dung ra cảnh anh cậu quằn quại trong lửa cháy. Cậu nói cậu đã bắt đầu căm ghét và khiếp sợ tất cả những người theo đạo Hindu. Cậu ấy hỏi tên tôi là gì.

“Mohammad,” tôi nói với cậu ấy.

Qua thời gian, Salim và tôi trở thành những người bạn rất thân. Chúng tôi có nhiều điểm chung. Cả hai chúng tôi đều là trẻ mồ côi, không có hy vọng được “trở về gia đình”. Cả hai chúng tôi đều thích chơi bi. Và cả hai đều thích xem phim. Khi chúng tôi trở lại phòng tập thể, tôi đã sử dụng ảnh hưởng của mình để kiếm cho cậu ấy một giường ở ngay cạnh giường tôi.

Rồi một đêm Salim bị gọi tới phòng Gupta. Gupta là một người góa vợ sống trong khuôn viên của trại. Salim lo lắng. “Sao ông ta lại gọi tớ?” cậu ấy hỏi tôi.

“Tớ không biết,” tôi đáp. “Tớ chưa bao giờ đến phòng ông ta. Nhưng hôm nay chúng ta có thể tìm ra lý do.”

Vậy là Salim đi đến phòng của Gupta còn tôi rón rén đi theo.

Khi Salim gõ cửa, Gupta đang ngồi trong phòng, mặc một bộ pyjama kurta nhăn nhúm. “Vào đi... vào đi, Salim,” ông ta nói, giọng líu nhíu. Ông ta cầm một ly nước màu vàng trong tay. Ông ta nốc một hơi rồi lấy tay quệt miệng. Mắt ông ta trông tựa như hai chiếc cúc áo to. Tôi nhòm qua khe hở giữa hai bức rèm ở cửa. Ông ta vuốt ve khuôn mặt Salim, lướt ngón tay trên cái mũi xương xương và đôi môi mỏng của cậu ấy. Rồi bỗng nhiên ông ta ra lệnh, “Cởi quần ra.”

Salim bối rối trước yêu cầu đó.

“Làm như tao bảo đi, đồ khốn, nếu không tao cho mày một cái tát ra trò bây giờ,” Gupta gầm gừ.

Salim tuân theo. Cậu ấy ngập ngừng tụt quần xuống. Tôi ngoảnh mặt đi.

Gupta tiến đến chỗ Salim từ phía sau, những sợi dây chuyền kêu leng keng. “Tốt,” ông ta lẩm bẩm. Tôi nhìn thấy ông ta cởi dây rút quần và tụt quần của mình xuống. Tôi có thể nhìn thấy cái mông lông lá của ông ta. Salim vẫn không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng một màn sương mù dần được xua tan khỏi tâm trí tôi. Với sự rõ ràng đến sửng sốt, tôi bất chợt hiểu được những gì đã xảy ra trong phòng Cha John đêm đó. Và những gì đã xảy ra vào ngày hôm sau.

Tôi bật ra một tiếng thét xé tai, tựa như viên đạn phá vỡ sự tĩnh lặng của đêm. Nó đánh thức tất cả đám con trai đang ngon giấc trong các phòng tập thể; nó đánh thức người đầu bếp đang ngáy trong bếp; nó đánh thức ông quản lý đang ở trong phòng ngủ; nó đánh thức cả những con chó hoang khiến chúng bắt đầu sủa điên cuồng.

Gupta không biết chuyện gì đã xảy ra với ông ta. Ông ta vội vàng kéo quần lên và cố xua Salim ra khỏi phòng. Nhưng người đầu bếp, ông quản lý và những người bảo vệ đã trên đường tới phòng của Gupta. Đêm đó họ đã phát hiện ra cái bí mật dơ dáy của ông ta (mặc dù họ chẳng làm được gì cả). Nhưng Gupta cũng phát hiện ra tôi đã nấp sau rèm. Từ đó trở đi ông ta trở thành kẻ thù không đội trời chung của tôi. Salim bàng hoàng run rẩy, nhưng không bị tổn thương. Cậu ấy đã giũ bỏ lòng thù oán đối với người Hindu từ lâu rồi. Nhưng nỗi sợ bị ngược đãi đã hằn sâu trong cậu suốt phần đời còn lại.

Đó là một ngày mùa xuân đẹp trời. Nó dường như đẹp hơn vì chúng tôi được ra khỏi những bức tường của trại giáo dưỡng. Tất cả chúng tôi được một tổ chức phi chính phủ quốc tế đưa đi chơi một ngày. Chúng tôi đi chơi quanh Delhitrên những chiếc xe bus có điều hòa nhiệt độ. Chúng tôi ăn trưa tại vườn bách thú và ngắm nhìn những con vật ở đó. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy hà mã, kangaroo, hươu cao cổ và con lười khổng lồ. Chúng tôi nhìn thấy những con bồ nông, hồng hạc và những con rái mỏ vịt. Sau đó chúng tôi được đưa tới Qutub Minar, tòa tháp cao nhất Ấn Độ. Vừa cười vừa chen lấn xô đẩy nhau, chúng tôi trèo lên cầu thang và đứng ở ban công tầng hai nhìn ra xung quanh. Cả đàn ông lẫn đàn bà ở dưới mặt đất đều trông như những con kiến. Chúng tôi hét “Hooooo” và lắng nghe âm thanh đó lịm dần trước khi nó tới mặt đất. Cuối cùng chúng tôi được đưa đến India Gate để xem một lễ hội carnival lớn. Mỗi đứa chúng tôi được cho mười rupi để tiêu vào bất cứ trò hấp dẫn nào chúng tôi chọn. Tôi thích chơi đu quay khổng lồ, nhưng Salim túm tay áo tôi kéo tới một cái lều ghi “Pandit Ramashankar Shastri”. “Người xem tướng tay nổi tiếng thế giới. Chỉ mười rupi cho một lần xem.” Một người đàn ông ngồi trong lều, mặc bộ dhoti kurta. Ông ta có bộ râu trắng, một chấm tilak màu đỏ son trên trán cùng cặp kính lúp dày cộp. Một túm tóc màu đen thò ra từ sau gáy.

“Tớ muốn xem tay,” Salim nói. “Chỉ mất mười rupi thôi.”

“Đừng ngốc thế,” tôi nói với cậu ấy. “Những gã này chuyên lợi dụng sự cả tin của người khác. Họ không biết tương lai của cậu đâu. Vả lại, dù gì chăng nữa, trong tương lai của chúng mình cũng chẳng có nhiều điều đáng được biết.”

“Tớ vẫn muốn xem tay,” Salim khăng khăng.

“Được thôi.” Tôi đầu hàng. “Cậu cứ việc đi mà xem, nhưng tớ sẽ không dùng mười rupi của tớ vào cái việc tào lao này đâu.”

Salim trả tiền và háo hức chìa bàn tay trái ra. Người xem tướng tay lắc đầu. “Không, không phải tay trái. Con gái mới xem tay trái. Con trai phải xem tay phải.”

Salim vội chìa lòng bàn tay phải ra. Người xem tướng tay săm soi bằng kính lúp và phân tích các đường chỉ tay loằng ngoằng như thể chúng là tấm bản đồ của một kho báu được chôn giấu. Cuối cùng ông ta bỏ kính lúp xuống và bật ra tiếng thở phào mãn nguyện. “Cậu có một bàn tay khác thường, cậu bé của tôi ạ. Tôi chưa từng thấy một đường số mệnh nào tốt hơn. Tôi nhìn thấy một tương lai rất xán lạn dành cho cậu.”

“Thật ư?” Salim phấn khởi. “Tôi sẽ trở thành người như thế nào?”

Ông Shastri rõ ràng không nghĩ về điều đó. Ông ta nhắm mắt trong khoảng mười giây rồi mở mắt ra. “Cậu có một khuôn mặt đẹp. Cậu sẽ trở thành diễn viên rất nổi tiếng,” ông ta phán.

“Giống như Armaan Ali ư?” Salim kêu ré lên vì vui mừng.

“Thậm chí còn nổi tiếng hơn,” người xem tướng tay nói. Ông ta quay sang tôi. “Cậu có muốn xem tay không? Chỉ mười rupi thôi.”

“Không, cảm ơn” tôi nói và dợm bước rời khỏi lều, nhưng Salim ngăn tôi lại.

“Không, Mohammad, cậu phải xem tay. Vì tớ, cậu làm ơn đi.”

Với vẻ cam chịu, tôi xùy ra mười rupi của mình và chìa bàn tay phải ra.

Người xem tướng tay cau có nhìn tôi trong lúc chỉnh cặp kính dày cộp rồi ngắm nghía lòng bàn tay của tôi. Ông ta nhìn chăm chú trong hơn năm phút. Ông ta ghi gì đó ra giấy và làm vài phép tính.

“Có chuyện gì vậy?” Salim hỏi, giọng thảng thốt.

Người xem tướng tay hơi cau mày và lắc đầu. “Đường trí tuệ của cậu thì rõ, nhưng đường tình cảm thì mờ. Và, quan trọng nhất, đường sống ngắn. Các sao có vẻ không được tốt. Sự sắp hàng của các hành tinh cho thấy điềm rủi. Gò Mộc tinh tốt, nhưng gò Thổ tinh lại loại bỏ điều đó. Có những thử thách và cạm bẫy. Tôi có thể làm gì đó để giải hạn cho cậu, nhưng việc này sẽ tốn kém đấy.”

“Tốn bao nhiêu?”

“Khoảng hai trăm rupi. Sao cậu không hỏi xin cha cậu nhỉ? Chẳng phải ông ấy có cả một cái xe bus to tướng sao?”

Tôi bật cười. “Ha! Thầy bói, trước khi thêu dệt về tương lai của chúng tôi, lẽ ra ông nên kiểm tra xem chúng tôi thực ra là ai. Chúng tôi không phải bọn trẻ nhà giàu đâu. Chúng tôi là những đứa trẻ mồ côi đến từ Trại giáo dưỡng Delhi ở Turman Gate và chiếc xe bus này không phải xe của chúng tôi đâu. Mặc dầu vậy, ông cũng đã lừa được của chúng tôi hai mươi rupi rồi.” Tôi kéo Salim. “Nào, đi thôi. Chúng mình lãng phí thời gian như thế là đủ rồi.”

Khi chúng tôi bước ra khỏi lều, người xem tướng tay gọi tôi. “Nghe này! Tôi muốn cho cậu cái này.”

Tôi quay vào trong lều. Người xem tướng tay đưa cho tôi đồng xu một rupi cũ.

“Đây là cái gì vậy, thầy bói?”

“Đó là đồng xu may mắn. Hãy giữ lấy nó. Cậu sẽ cần đến nó đấy.”

Tôi nắm đồng xu trong tay.

Salim muốn ăn kem, nhưng chúng tôi chỉ có một rupi và chẳng mua nổi thứ gì cả. Chúng tôi nhìn những đứa trẻ khác tận hưởng chuyến đu quay của chúng. Tôi tung đồng xu lên một cách bâng quơ và nó trượt khỏi tay tôi, lăn xuống dưới gầm chiếc ghế băng. Tôi cúi xuống nhặt nó lên. Nó ngửa. Ngay bên cạnh nó là tờ bạc mười rupi ai đó đánh rơi. Tựa như Phép mầu. Salim và tôi mua kem. Tôi cẩn thận cất đồng xu vào túi. Nó đúng là chiếc bùa may mắn của tôi.

Salim thấy buồn vì tương lai của tôi hóa ra lại không được tươi sáng như của cậu ấy, nhưng cậu ấy cũng phấn khởi trước triển vọng trở thành một ngôi sao màn bạc. Trước mặt chúng tôi là một tấm áp phích lớn quảng cáo một bộ phim mới. Bằng những màu sắc trông đến sợ, nó cho thấy một người anh hùng với khẩu súng trong tay, máu trên ngực và một chiếc khăn rằn màu đen quấn quanh đầu; một tên vô lại đang nở nụ cười méo mó; một nữ nhân vật có bộ ngực đồ sộ. Salim nhìn chằm chằm vào tấm áp phích, ngây người ra.

“Cậu nhìn gì vậy, Salim?” tôi hỏi.

“Tớ đang cố hình dung xem liệu cái khăn rằn màu đen này có hợp với tớ không,” Salim trả lời.

Chúng tôi ngồi trong lớp nhưng thầy Joshi, ông thầy bệ vệ chuyên ợ và ngoáy mũi của chúng tôi, không dạy gì cả. Ông ấy đang đọc một cuốn tiểu thuyết được giấu kín đáo trong cuốn sách giáo khoa ông ấy cầm trên tay. Chúng tôi giết thời gian bằng cách gấp máy bay giấy, khắc hình lên bàn gỗ và ngủ gà ngủ gật. Bỗng nhiên Munna, người được sai đi thám thính ngoài hành lang, chạy vào. “Thưa thầy, thưa thầy,” cậu ta nói như hết hơi, “ông quản lý đang tới.”

Thầy Joshi ợ một tiếng rõ to và vội vàng cất cuốn tiểu thuyết đi. Ông ấy bật ngón tay tanh tách rồi đứng dậy. “Ok, các cậu, vậy chúng ta đang thảo luận về chủ đề gì nhỉ? Phải rồi. Tất cả các cậu đang nói cho tôi biết lớn lên các cậu muốn trở thành người như thế nào. Ai muốn là người tiếp theo đây?”

Salim giơ tay. Đây là lần đầu tiên cậu ấy giơ tay.

“Được, Salim. Cậu muốn trở thành gì nào?”

“Em sẽ trở thành diễn viên nổi tiếng, thưa thầy. Một nhà chiêm tinh đã nói với em như vậy,” cậu ấy hớn hở nói.

Cả lớp cười ré lên.

Có hai lối giải thích về người được coi là ông lớn. Một số người nói đó là một nhà kinh doanh kim cương rất giàu không có con. Vậy nên thỉnh thoảng ông ấy tới trại giáo dưỡng để nhận những đứa trẻ làm con nuôi và đưa chúng tới tư dinh tráng lệ của ông ta ở Mumbai. Những người khác nói rằng thực ra ông ấy sở hữu một trường học ở Mumbai, nơi ông ta đưa những đứa trẻ mà ông ta thấy có triển vọng đến để đào tạo một cách bài bản. Dù gì chăng nữa, cũng có một điều rõ ràng. Nếu bạn được Sethji lựa chọn, cuộc đời của bạn coi như đã được định đoạt.

Salim không quan tâm Sethji là nhà kinh doanh kim cương hay người sở hữu trường học. Cậu ấy chỉ quan tâm tới chuyện ông lớn đó đến từ Mumbai - trung tâm của ngành công nghiệp điện ảnh. Cậu ấy tin rằng Sethji tới để lôi cậu ấy ra khỏi đây và đưa cậu ấy đến thế giới chói lọi của Bollywood. Đó là vận mệnh của cậu ấy. Lời tiên đoán của người xem tướng tay sẽ trở thành sự thật.

Tất cả chúng tôi xếp hàng trong nhà ăn bừa bộn để Sethji duyệt. Salim đã tắm rửa sạch sẽ. Thực ra, cậu ấy đã tắm ba lần, kỳ đi kỳ lại toàn thân để xóa bỏ mọi dấu vết của ghét gúa. Cậu ấy mặc bộ quần áo tươm tất nhất của mình. Tóc cậu ấy được chải kỹ càng. Cậu ấy là cậu con trai xinh nhất trại. Nhưng tôi khó chịu trước sự liều lĩnh tuyệt vọng của cậu ấy. Nếu không được lựa chọn, cậu ấy sẽ suy sụp.

Sethji cuối cùng cũng đến, đi cùng hai người đàn ông khác. Ông ta trông không giống một nhà kinh doanh kim cương. Ông ta trông giống một tên gangster hơn. Nhưng nào chúng tôi đã bao giờ nhìn thấy một nhà kinh doanh kim cương. Có lẽ họ trông giống những tên gangster. Ông ta có nước da ngăm đen và bộ râu đen rậm giống như râu của tên thổ phỉ Veerappan. Ông ta mặc bộ vest bandgala. Một sợi dây chuyền vàng vừa dày vừa dài buông thòng lõng từ cổ ông ta tới tận cúc áo thứ hai. Các ngón tay của ông ta đeo đầy nhẫn có đính các viên ngọc đủ màu sắc. Vài viên màu đỏ, vài viên màu xanh da trời, vài viên màu xanh lá cây. Hai người đàn ông đi cùng ông ta trông không khác gì những tên tay sai. Sau này tôi được biết hai người đó được gọi là Mustafa và Punnoose. Gupta đi cùng họ, dẫn đường. Hai sợi dây chuyền vàng của ông ta trông thật khiêm tốn so với sợi dây chuyền của Sethji.

“Sethji, dường như ông quên chúng tôi rồi, lâu lắm ông mới lại đến. Đã có nhiều thằng bé mới vào trại kể từ lần cuối cùng ông tới đây. Chắc chắn ông sẽ tìm thấy nhiều thằng vừa ý,” Gupta nói với ông ta.

Cuộc xem xét bắt đầu. Tất cả chúng tôi phô ra nụ cười dễ mến nhất của mình. Sethji xem xét từng đứa con trai, nhìn từng đứa từ đầu đến chân bằng con mắt đánh giá. Tôi không biết ông ta tìm kiếm điều gì, bởi vì ông ta không hỏi chúng tôi câu nào, chỉ nhìn vào mặt chúng tôi thôi. Ông ta hoàn thành vòng xem xét đầu tiên. Ông ta thậm chí không thèm nhìn tôi đến lần thứ hai. Sau đó ông ta duyệt cả hàng một lần nữa. Khi đến chỗ Salim, ông ta dừng lại.

“Tên cậu là gì?” ông ta hỏi bằng chất giọng nặng trịch của người miền Nam Ấn Độ.

“S... Salim Ilyasi,” Salim lắp bắp trong cơn phấn khích.

“Thằng bé vào trại khi nào?” ông ta hỏi Gupta.

“Khoảng mười một tháng trước, từ Chhapra ở Birha.”

“Nó bao nhiêu tuổi?”

“Tám.”

“Nó còn người thân nào không?”

“Không, Sethji. Cả nhà nó đã chết trong một vụ bạo động cộng đồng.”

“Buồn thật,” Sethji nói. “Nhưng nó đúng là loại tôi cần. Ông chuẩn bị giấy tờ giúp tôi được không?”

“Ông chỉ cần nói với tôi một tiếng, Sethji ạ. Bất cứ đứa nào ông muốn đều được giao cho ông ngay lập tức. Đối với thằng bé này, chúng tôi sẽ đưa Mustafa ra với vai trò ông chú. Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em sẽ không gây khó dễ gì đâu. Thực ra, họ muốn tống được càng nhiều đứa đi càng tốt.”

“Tốt. Chuyến này hãy cứ chọn một mình thằng bé này đã.”

Gupta nhìn Salim, rồi ông ta nhìn tôi, lúc này đang đứng cạnh Salim. “Thằng bé này thì sao?” Ông ta chỉ vào tôi.

Sethji nhìn vào mắt tôi rồi lắc đầu. “Nó quá lớn.”

“Không đâu, Sethji, nó mới mười tuổi thôi. Tên nó là Thomas. Nó nói tiếng Anh chuẩn đấy.”

“Cái đó với tôi chẳng quan trọng gì. Tôi không cần nó. Tôi muốn thằng bé kia cơ.”

“Hai thằng đó thân nhau lắm. Nếu nhận Salim thì ông cũng phải nhận cả Thomas.”

Sethji phát cáu. “Ông Gupta, tôi đã nói với ông rằng tôi không muốn thằng Thomas Womas nào hết. Tôi sẽ chỉ nhận một đứa và đó là Salim.”

“Tôi xin lỗi, Sethji, nhưng tôi cố nài ông đấy. Nếu nhận Salim thì ông sẽ phải nhận Thomas. Đó là vụ giao dịch trọn gói.”

“Vụ giao dịch trọn gói ư?”

“Đúng. Mua một tặng một. Tôi sẽ không bắt ông trả tiền để nhận Thomas đâu.” Gupta cười xếch đến mang tai, làm lộ những chiếc răng ám màu trầu thuốc.

Sethji hội ý với mấy tên tay sai của ông ta.

“Ok,” ông ta nói với Gupta. “Chuẩn bị giấy tờ cho cả hai đứa đi. Thứ Hai tôi sẽ đến đón chúng.”

Salim lao vào vòng tay tôi. Cậu ấy hạnh phúc quá. Đêm đó cậu ấy không ngủ vì phấn khích. Cậu ấy mơ về cuộc sống của một diễn viên điện ảnh ở Mumbai. Về những buổi đi dạo cùng nam diễn viên Amitabh trong ánh hoàng hôn vàng rực trên đường Marine Drive và những buổi bình minh trên bãi biển Chowpatty cùng nam diễn viên Shahrukh. Đêm đó tôi cũng không ngủ được. Tôi trở mình trằn trọc trên giường. Nhưng tôi không mơ về những ngôi sao điện ảnh và thiên đường. Tôi mơ mình là một người bán hàng rong trên vỉa hè, bán trái cây. Một người đàn ông da ngăm đen cúi xuống mua vài trái xoài của tôi. Tôi thấy sợi dây chuyền vàng của ông ta buông thòng lõng. Ông ta quẳng cho tôi mấy đồng tiền lẻ. Tôi bỏ những trái xoài vào túi của ông ta, rồi bí mật bỏ vào đó một quả chuối thối. Miễn phí.

 Hành trình đến Mumbai bằng tàu hỏa của chúng tôi khá êm ả. Tôi và Salim ở toa hạng hai có giường ngủ cùng với hai gã tay sai, Mustafa và Punnoose. Họ nói với chúng tôi rằng Sethji đã đi trước bằng máy bay. Mustafa và Punnoose vận lungis, hút thuốc beedi, và gần như suốt chuyến đi chỉ ngủ và ngủ. Họ kể cho chúng tôi rất ít về Sethji. Họ nói tên thật của ông ấy là Babu Pillai, nhưng mọi người gọi ông ấy là Maman, có nghĩa là “chú” trong tiếng Malayalam. Ông xuất thân từ Kollam ở Kerala, nhưng đã định cư ở Mumbai được một thời gian dài. Ông ấy là người rất tốt bụng, đã mở hẳn một trường học dành cho trẻ em khuyết tật, giúp chúng gây dựng lại cuộc sống. Maman tin rằng những trẻ em khuyết tật gần với Thượng đế hơn. Ông ấy giải thoát trẻ em khỏi các trại giáo dưỡng, những cơ sở mà ông tin rằng chẳng là gì ngoài những nhà tù dưới một cái tên khác. Nếu Maman không cứu chúng tôi ra thì chúng tôi rốt cuộc cũng chỉ lụi cụi lau kính chắn gió xe hơi tại các điểm đèn giao thông hoặc lau sàn nhà cho người ta mà thôi. Giờ chúng tôi sẽ được dạy các kỹ năng hữu ích và sẽ được đào tạo để thành đạt. Mustafa và Punnoose là những người chào hàng xuất sắc. Cho đến cuối chuyến đi, tôi thậm chí tin rằng được Maman chọn là điều tốt nhất từng xảy đến với tôi và rằng cuộc đời tôi giờ đây sẽ thay đổi hoàn toàn.

 Thỉnh thoảng đoàn tàu đi qua những khu ổ chuột nằm dọc bên rìa đường tàu như một dải ruy băng bẩn thỉu. Chúng tôi nhìn thấy những đứa trẻ gần như trần truồng, bụng ỏng, vẫy chúng tôi trong khi mẹ chúng rửa xoong nồi bằng thứ nước đục ngầu. Chúng tôi giơ tay vẫy lại.

Quang cảnh và âm thanh của Mumbai nhấn chìm chúng tôi. Nhà ga Churchgate trông y hệt như từng được chiếu trong bộ phim Tình yêu ở Bombay. Có vẻ như Salim trông chờ sẽ tình cờ thấy Govinda hát gần nhà thờ. Mustafa chỉ tay ra bãi biển ở phía đường Marine Drive. Tôi mê mẩn khi lần đầu tiên được chiêm ngưỡng cảnh đại dương, nơi những con sóng khổng lồ trào lên xô vào bờ đá. Salim không nhìn cảnh đại dương hùng vĩ. Cậu ấy nhìn những quán giải khát và những hàng quà. “Đó là nơi Govinda và Raveena đã ăn món bhel puri,” cậu ấy giơ tay chỉ một cách phấn khích. Chúng tôi đi qua đền thờ Haji Ali. Khi nhìn thấy đền thờ, Salim giơ hai tay lên cầu thánh Allah giống y hệt cách cậu ấy đã thấy Amitabh Bachchan làm trong phim Người cu li. Chúng tôi đi qua các quận Worli, Dadar và Mahim, Mustafa và Punnoose chỉ cho chúng tôi thấy những địa điểm nổi bật. Đến pháo đài Mahim, Salim ra hiệu dừng xe lại.

“Có chuyện gì vậy?” Mustafa hỏi.

“Không có gì. Cháu chỉ muốn xem nơi những tên buôn lậu dỡ hàng trong phim Mafia!”

Khi chúng tôi tới Bandra, Juhu và Andheri, rải rác đó đây tư dinh tráng lệ của các ngôi sao điện ảnh với những bức tường bao cao ngất và cả trung đội bảo vệ mặc đồng phục, Salim trở nên ủy mị. Qua cửa sổ gắn kính phản quang của chiếc taxi, chúng tôi há hốc miệng như đám dân quê lần đầu ra thành phố trước những ngôi nhà gỗ một tầng trải dài và những tòa chung cư cao tầng. Cứ như thể chúng tôi đang ngắm nhìn Mumbai qua cặp kính râm. Mặt trời dường như rực rỡ hơn, không khí dường như mát mẻ hơn, con người dường như sung túc hơn, thành phố rộn ràng trong niềm hạnh phúc được chia sẻ không gian với những siêu sao Bollywood.

Chúng tôi tới đích đến của mình ở Goregaon. Nhà của Maman không phải ngôi nhà một tầng tráng lệ mà chúng tôi mong đợi. Nó là tòa nhà lớn đổ nát nằm trong một cái sân có một khu vườn nhỏ và hai cây cọ. Nó được bao quanh bởi một bức tường chăng dây thép gai ở bên trên. Hai người đàn ông da ngăm đen dáng người cân đối vận lungis mỏng đang ngồi bên hiên hút thuốc lá beedi. Tay họ cầm gậy tre to. Họ ngồi vắt tréo chân và chúng tôi nhìn thấy loáng thoáng đồ lót kẻ sọc của họ. Mùi rượu gạo rất đậm tỏa ra từ người họ. Punnoose nói liến thoắng với họ bằng tiếng Malayalam. Từ duy nhất tôi có thể nghe được là “Maman”. Họ rõ ràng là những người canh gác làm thuê cho ông Babu Pillai.

Khi chúng tôi bước vào trong nhà, Mustafa chỉ tay về phía một dãy nhà được lợp bằng tôn múi trông giống như những cái lán rộng ở phía bên kia sân. “Đó là trường học mà Maman lập nên dành cho trẻ em khuyết tật. Bọn trẻ sống tại đó luôn.”

“Sao cháu chẳng nhìn thấy đứa trẻ nào hết?” tôi hỏi.

“Chúng đi học nghề cả rồi. Đừng lo, đến tối các cậu sẽ gặp chúng. Đi nào, tôi sẽ chỉ phòng cho các cậu.”

Phòng của chúng tôi nhỏ và chật chội, có một bộ giường tầng và một chiếc gương dài gắn vào tường. Salim nhận giường bên trên. Chúng tôi có thể sử dụng phòng tắm ở dưới tầng hầm. Phòng tắm có một bồn tắm và một vòi tắm hoa sen. Nó không sang trọng như những ngôi nhà của các ngôi sao điện ảnh nhưng như thế là tốt rồi. Có vẻ như chúng tôi là những đứa trẻ duy nhất sống trong ngôi nhà.

Buổi tối hôm đó Maman đến gặp chúng tôi. Salim nói cho ông ta biết cậu ấy phấn khởi ra sao khi được ở Mumbai và muốn được trở thành một ngôi sao điện ảnh đến mức nào. Maman mỉm cười khi nghe điều đó. “Yêu cầu đầu tiên và trên hết để trở thành một ngôi sao điện ảnh là khả năng hát múa. Cậu có biết hát không?” ông ta hỏi Salim.

“Không,” Salim nói.

“Ái chà, đừng lo. Tôi sẽ thu xếp để một giáo viên âm nhạc hàng đầu đến dạy cậu. Chẳng bao lâu cậu sẽ giống như Kishore Kumar cho mà xem.”

Salim trông như thể sắp ôm chầm lấy Maman, nhưng cậu ấy đã kiềm chế được.

Tối đó chúng tôi sang trường ăn tối. Trường có một nhà ăn bừa bộn chẳng khác gì cái nhà ăn ở trại giáo dưỡng, với sàn nhà được làm bằng chất liệu rẻ tiền, những chiếc bàn gỗ dài và một tay đầu bếp giống y hệt tay đầu bếp của chúng tôi ở trại giáo dưỡng. Người ta bảo tôi và Salim ngồi vào cái bàn tròn nhỏ cùng với Mustafa. Chúng tôi được phục vụ trước khi những đứa trẻ khác tới nhà ăn. Thức ăn nóng sốt ngon lành, một sự cải thiện rõ rệt so với thức ăn nhạt nhẽo mà chúng tôi ăn ở Delhi.

Bọn trẻ, từng đứa từng đứa một, xuất hiện ở nhà ăn, và ngay lập tức thách thức định nghĩa của chúng tôi về địa ngục. Tôi nhìn thấy những thằng bé không có mắt, dò dẫm đường đi với sự trợ giúp của những chiếc gậy; những thằng bé với tứ chi khòng khoèo, méo mó, lết đến bàn ăn; những thằng bé cụt chân phải đi bằng nạng; những thằng bé với cái miệng kỳ dị và ngón tay cong queo, ăn bánh mì kẹp giữa hai khuỷu tay. Một số đứa trông như những thằng hề. Chỉ có điều chúng làm hai đứa tôi khóc thay vì cười. Thật may là Salim và tôi gần như đã ăn xong.

Chúng tôi nhìn thấy ba đứa con trai đứng ở một góc nhìn những đứa khác ăn, nhưng không được nhận thức ăn. Một đứa liếm môi. “Mấy cậu kia là ai vậy?” tôi hỏi Mustafa. “Tại sao các cậu ấy không ăn?”

“Bọn chúng bị phạt,” Mustafa nói. “Vì không hoàn thành công việc. Đừng lo, chúng sẽ ăn sau.”

Ngày hôm sau giáo viên dạy nhạc tới. Ông ấy là một người còn khá trẻ, khuôn mặt trái xoan được cạo nhẵn nhụi, tai to, những ngón tay xương xẩu. Ông ấy mang theo một chiếc đàn đạp hơi. “Hãy gọi tôi là Masterji,” ông ấy bảo chúng tôi. “Giờ hãy lắng nghe tôi hát.” Chúng tôi ngồi trên sàn chăm chú đến say mê trong khi ông ấy hát, “Sa re ga ma pa dha ni sa.” Sau đó ông ấy giảng giải, “Đây là bảy nốt cơ bản xuất hiện trong mỗi và mọi bản nhạc. Nào, hãy mở miệng ra và hát to những nốt này lên. Hãy để âm thanh thoát ra, không phải từ miệng, không phải từ mũi, mà từ cổ họng các cậu.”

Salim hắng giọng và bắt đầu hát. “Sa re ga ma pa dha ni sa.” Cậu ấy hát với toàn bộ sức bật của cổ họng, hát một cách phóng túng. Căn phòng vang lên âm thanh của những nốt nhạc mạch lạc do cậu ấy thể hiện. Giọng cậu ấy bay khắp căn phòng, ngân lên thanh khiết và trong sáng.

“Rất tốt.” Thầy giáo vỗ tay. “Cậu có chất giọng trời cho, rất tự nhiên. Tôi tin rằng với sự luyện tập miệt mài, chẳng bao lâu nữa cậu sẽ có thể hát thoải mái trong cả ba quãng tám rưỡi.” Rồi ông ấy nhìn tôi. “Ok. Nào, sao cậu không hát chính những nốt nhạc ấy nhỉ?”

Sa re ga ma pa dha...” Tôi cố gắng hát, nhưng giọng tôi bị vỡ và các nốt nhạc trở nên rời rạc tựa như một nắm bi bị rơi xuống sàn nhà.

Thầy giáo dùng ngón tay bịt tai. “Hare Ram... Hare Ram... Cậu hát như bò rống ấy. Tôi sẽ phải đánh vật với cậu cho mà xem.”

Salim vội cứu nguy cho tôi. “Không phải đâu, Masterji, Mohammad cũng có chất giọng tốt. Cậu ấy thét rất giỏi.”

Trong hai tuần tiếp theo, Masterji dạy chúng tôi một số bài thánh ca của các vị thánh nổi tiếng và dạy chúng tôi cách chơi đàn đạp hơi. Chúng tôi học tác phẩm doha của Kabir, những bài bhajan của Tulsidas và Mirabai. Masterji là một thầy giáo tốt. Ông không chỉ dạy chúng tôi các bài hát mà còn giải thích cho chúng tôi những sự thật tâm linh phức tạp được miêu tả sinh động qua các bài hát bằng ngôn ngữ đơn giản dễ hiểu của tầng lớp bình dân. Tôi đặc biệt thích Kabir, người đã nói trong một khổ thơ của mình như sau:

Maala pherat jug bhaya

mita na man ka pher

kar ka manka chhod de

man ka manka pher.

Anh đã lần tràng hạt suốt một kỷ nguyên rồi

Nhưng cái đầu của anh chẳng đi được phân nửa

Hãy bỏ tràng hạt trong tay anh xuống

Và bắt đầu lần tràng hạt trong tim anh đi.

Việc Salim là người đạo Hồi không mấy quan trọng đối với thầy giáo khi ông dạy cậu những bài bhajan bằng tiếng Hindi. Bản thân Salim hầu như không hề thấy phiền phức. Nếu Amitabh Bachchan có thể đóng vai một anh cu li theo đạo Hồi và Salma Khan có thể đóng vai một vị hoàng đế theo đạo Hindu, thì Salim Ilyasi có thể hát Thumaki Chalat Ram Chandra Baajat Painjaniya với niềm thích thú không kém gì một thầy tu.

Trong giai đoạn này Salim và tôi quen biết một số đứa con trai khác ở trường trẻ em khuyết tật bất chấp những nỗ lực tinh vi của Mustafa và Punnoose nhằm ngăn không cho chúng tôi giao thiệp quá nhiều với những đứa trẻ mà họ phát âm sai là trẻ “handclapped”(1)_. Chúng tôi được biết về quá khứ buồn của những cậu con trai đó và phát hiện ra rằng nói đến những người họ hàng tàn nhẫn và cảnh sát thì Mumbai chẳng khác gìDelhi. Nhưng khi chúng tôi biết nhiều hơn về những đứa trẻ đó, sự thật về Maman cũng bắt đầu hé mở.

Chúng tôi làm bạn với Ashok, cậu bé mười ba tuổi có một cánh tay dị dạng, và được trải nghiệm cảm giác sửng sốt đầu tiên.

“Bọn tớ không phải học sinh của trường,” cậu ấy nói với chúng tôi. “Bọn tớ là ăn mày. Bọn tớ đi ăn xin trên các chuyến tàu hỏa địa phương. Vài đứa trong bọn tớ còn là kẻ móc túi.”

“Thế tiền các cậu kiếm được thì sao?”

“Họ yêu cầu bọn tớ nộp tiền cho người của Maman để đổi lấy nơi ở và thức ăn.”

“Cậu muốn nói Maman là gangster ư?”

“Các cậu đã nghĩ gì nào? Ông ta không phải thiên thần, nhưng ít ra một ngày ông ấy cũng cho chúng tớ hai bữa no nê.”

Lòng tin của tôi dành cho Maman đã tan vỡ, nhưng Salim thì vẫn tiếp tục đặt niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người.

Chúng tôi tình cờ gặp Raju, một đứa con trai mười tuổi bị mù.

“Sao hôm nay cậu lại bị phạt?”

“Vì tớ không kiếm được đủ tiền.”

“Mỗi ngày cậu phải nộp bao nhiêu tiền?”

“Tất cả số tiền bọn tớ kiếm được. Nhưng nếu nộp dưới một trăm rupi, cậu sẽ bị phạt.”

“Khi đó sẽ có chuyện gì?”

“Cậu sẽ không nhận được thức ăn. Cậu sẽ ngủ với cái bụng đói meo. Lũ chuột sẽ ăn bụng cậu.”

“Này, cầm lấy cái bánh chapatti này đi. Chúng tớ để dành nó cho cậu đấy.

Chúng tôi nói chuyện với Radhey, một đứa con trai mười một tuổi bị mất một chân.

“Sao cậu không bao giờ bị phạt? Cậu luôn kiếm đủ tiền.”

“Shh... Đó là bí mật.”

“Đừng lo. Chúng tớ biết giữ bí mật mà.”

“OK. Nhưng đừng có nói cho những đứa khác biết nhé. Các cậu biết không, có một nữ nghệ sĩ sống ở Juhu Vile Parle. Hễ khi nào không kiếm đủ tiền là tớ lại tìm đến cô ấy. Cô ấy không chỉ cho tớ thức ăn mà còn cho tớ tiền để bù vào khoản thiếu hụt.”

“Tên cô ấy là gì?”

“Neelima Kumari. Người ta nói cô ấy từng có thời khá nổi tiếng.”

“Trông cô ấy như thế nào?”

“Hồi trẻ chắc hẳn cô ấy rất đẹp, nhưng giờ cô ấy đang già đi. Cô ấy nói với tớ cô ấy đang cần người giúp việc nhà. Nếu không mất một chân thì tớ đã trốn khỏi đây và đến giúp việc cho cô ấy rồi.”

Đêm đó tôi mơ thấy mình đến một ngôi nhà ở Juhu Vile Parle. Tôi nhấn chuông và đợi. Một người đàn bà cao ráo ra mở cửa. Cô ấy vận sari trắng. Gió mạnh bắt đầu rít lên, làm cho mái tóc đen dài của cô ấy bay lòa xòa, che khuất khuôn mặt. Tôi mở miệng định nói gì đó và rồi nhận thấy cô ấy đang nhìn xuống phía dưới người tôi. Tôi nhìn xuống và choáng váng phát hiện ra mình không có chân.

Tôi choàng tỉnh, người ướt đẫm mồ hôi.

Chúng tôi được giới thiệu với Moolay, một cậu con trai mười ba tuổi bị cụt một tay.

“Tớ ghét cuộc sống của mình,” cậu ấy nói.

“Sao cậu không trốn đi?”

“Trốn đi đâu? Đây là Mumbai, không phải làng của tớ. Trong cái thành phố rộng lớn này chẳng có chỗ nào để cậu giấu cái đầu của cậu đâu. Thậm chí để ngủ trong một cái ống cống thì cậu vẫn cần có các mối quan hệ. Cậu cần có sự bảo vệ của những tên gangster khác.”

“Những tên gangster khác ư?”

“Đúng vậy. Tháng trước hai cậu con trai đã trốn đi. Ba ngày sau họ trở lại. Họ không thể tìm được việc làm. Băng nhóm của Bhiku không cho phép họ hoạt động trong địa bàn của chúng. Ở đây ít ra chúng tớ cũng có thức ăn và chỗ trú ngụ, và khi chúng tớ làm việc cho Maman thì không băng nhóm nào quấy nhiễu chúng tớ.”

“Chúng tớ không muốn dính dáng đến băng nhóm nào hết,” tôi nói với cậu ấy và đọc một bài doha. “Kabira Khara Bazaar Mein, Mange Sabki Khair, Na Kahu Se Dosti, Na Kahu Se Bair... Kabir ở trong khu buôn bán, chỉ muốn có sức khỏe tốt; Ông chẳng muốn làm bạn cũng chẳng muốn trở thành kẻ thù của ai hết.”

Chúng tôi gặp Sikandar, cậu con trai được mua từ Pakistan.

Một làn sóng phấn khích lan khắp phòng ăn bừa bộn. Một đứa trẻ mới đã đến. Mustafa dẫn tới một người bạn mới và tất cả chúng tôi vây lấy cậu ta. Mustafa là người phấn khích nhất. “Sáng nay chúng tôi vớ được cậu này từ lô hàng ký gửi của Shakeel Rana,” anh ta nói và vỗ đùi vẻ khoái chí.

Đứa con trai đó không quá mười hai tuổi. Chúng tôi chạm vào người cậu ta như thể cậu ta là một con thú bị nhốt trong chuồng. Nhưng cậu ta trông không giống một con thú. Với khuôn mặt hình trái xoan, cái đầu thon thon, cặp mắt của người Hoa, mũi dày và đôi môi mỏng, cậu ta trông giống người ngoại quốc mà chúng tôi nhìn thấy trong màn quảng cáo trên truyền hình của hãng bánh quy Britannia hơn. Mustafa nói với Punnoose, “Nó đến từ đền thờ Shah Dola ở Punjab, Pakistan. Những thằng bé như thằng này được gọi là ‘Trẻ Chuột’.”

“Tại sao chúng lại có cái đầu như thế nhỉ?”

“Tôi nghe nói người ta đặt một cái vòng sắt lên đầu đứa trẻ để làm cho đầu nó ngừng phát triển. Vì thế chúng mới có cái kiểu đầu như vậy.”

“Tôi nghĩ nó có nhiều tiềm năng đấy. Maman chắc sẽ hài lòng,” Punnoose nói.

“Đúng vậy,” Mustafa đồng tình. “Một món hàng có giá trị cao thực sự.”

Vì lý do nào đó, cậu bé chuột làm tôi nhớ tới một con gấu mà tôi và Cha Timothy đã có lần nhìn thấy ở quảng trườngConnaught. Nó có một cái vòng cổ chặt khít và một cái rọ mõm màu đen. Chủ của nó chọc nó khá mạnh bằng một cái gậy nhọn đầu và nó đứng bằng hai chân sau, chào những người đứng vây quanh. Người ta ném xu cho nó. Người chủ nhặt tiền và lôi nó đi biểu diễn ở chỗ khác. Tôi bị ấn tượng mạnh bởi đôi mắt của con gấu, đôi mắt dường như buồn đến nỗi tôi phải hỏi Cha Timothy, “Gấu có khóc không ạ?”

Tôi phát hiện Jitu đang trốn trong tủ.

Cậu ấy cầm trong tay một cái túi ni lông chứa thứ gì đó màu trắng vàng. Cậu ấy để miệng túi mở kề sát mũi và miệng rồi hít thật sâu, ép đáy túi về phía mặt. Quần áo cậu ấy có mùi sơn và mùi dung môi. Mũi cậu ấy mọc mụn. Miệng cậu ấy đầy mồ hôi và dớt dãi. Sau khi cậu ấy hít cái thứ ấy vào, đôi mắt nửa nhắm nửa mở của cậu ấy trở nên lờ đờ còn hai tay bắt đầu run.

“Jitu... Jitu,” tôi lay người cậu ấy. “Cậu đang làm gì vậy?”

“Đừng làm phiền tớ,” cậu ấy nói bằng giọng uể oải. “Tớ đang phiêu du trên không trung. Tớ đang ngủ trên những đám mây.”

Tôi đập vào người cậu ấy. Cậu ấy ho ra đờm đen.

“Tớ bị nghiện keo hồ,” sau đó cậu ấy nói với tôi. “Tớ mua nó từ người sửa giày. Keo hồ giúp tớ loại bỏ cảm giác đói và đau đớn. Tớ nhìn thấy những màu sắc rực rỡ, và thỉnh thoảng thấy cả mẹ tớ nữa.”

Tôi hỏi xin cậu ấy một ít keo hồ xài thử. Sau khi hít vào, tôi bắt đầu cảm thấy hơi chóng mặt, sàn nhà dưới chân dường như chuyển động và tôi bắt đầu nhìn thấy những hình ảnh. Tôi nhìn thấy một người đàn bà cao quấn sari trắng bế một đứa bé trong tay. Gió rít làm tóc cô ấy bay lòa xòa, che khuất khuôn mặt. Nhưng đứa bé giơ bàn tay nhỏ xíu của nó lên và dùng những ngón tay dịu dàng vén tóc cô ấy, làm khuôn mặt cô lộ ra. Nó nhìn thấy hai con mắt trũng sâu, bơ phờ, một cái mũi khoằm, những cái răng sắc nhọn lấp loáng máu tươi, và giòi bọ bò ra từ dưới lớp da nhăn nheo chảy sệ xuống dưới cằm. Nó thét lên kinh hoàng và ngã lộn khỏi lòng cô ấy.

Tôi không dám thử hít keo hồ một lần nào nữa.

Trong khi đó, khóa học nhạc của chúng tôi sắp kết thúc. Masterji vô cùng hài lòng trước sự tiến bộ của Salim. “Giờ cậu đã thông thạo kỹ thuật thanh nhạc. Chỉ còn lại mỗi một bài học nữa thôi.”

“Đó là bài học gì ạ?”

“Bài bhajan của Surdas.”

“Surdas là ai ạ?”

“Ông ấy là người nổi tiếng nhất trong tất cả các ca sĩ bhakti, đã sáng tác hàng nghìn bài hát ngợi ca thần Krishna. Một ngày nọ ông ấy bị ngã xuống một cái giếng bỏ hoang. Ông ấy không thể ra khỏi đó được. Ông ấy ở dưới đó sáu ngày liền. Ông ấy không ngừng cầu nguyện và vào ngày thứ bảy ông ấy nghe thấy tiếng một đứa trẻ bảo ông hãy nắm lấy tay nó để nó có thể kéo ông lên. Với sự giúp đỡ của cậu bé, Surdas đã ra khỏi cái giếng đó, nhưng cậu bé đã biến mất. Cậu bé ấy chẳng phải là ai khác mà chính là thần Krishna. Sau đó Surdas dâng hiến cả cuộc đời mình sáng tác những ca khúc ngợi ca thần Krishna. Với cây đàn ektara một dây trong tay, ông bắt đầu hát những bài hát kể về tuổi thơ của Krishna.” Masterji bắt đầu hát, “Akhiyan hari darshan Ki Pyasi - Đôi mắt con khao khát được thấy người, thưa thần Krishna.”

“Tại sao đôi mắt ông ấy lại khao khát ạ?” tôi hỏi.

“Tôi chưa nói cho các cậu biết ư? Surdas bị mù hoàn toàn.”

Vào ngày cuối cùng trong chương trình học nhạc của chúng tôi, Masterji dành cho Salim những cái ôm hôn dồn dập vì cậu ấy đã thể hiện rất hoàn hảo một bài bhajan của Surdas. Tôi cáu kỉnh và không được tập trung cho lắm. Những cuộc gặp gỡ của tôi với các cậu bé của Maman đã khiến tôi rối trí. Mặc dầu theo một nghĩa nào đó tất cả chúng tôi đều là những đứa con của Thượng đế bất toàn, nhưng những cậu bé của Maman đối với tôi dường như là một lũ trẻ đặc biệt thiệt thòi.

Punnoose vào phòng nói chuyện với Masterji. Họ nói khẽ, sau đó Punnoose lấy ví ra và bắt đầu đếm tiền. Anh ta đưa một xấp tiền cho ông thầy dạy nhạc và ông ấy vội đút vào túi áo kurta với vẻ hàm ơn. Họ cùng nhau bước ra khỏi phòng, để tôi ở lại với Salim và cây đàn đạp hơi.

“Lẽ ra tớ đừng bao giờ rời khỏi Delhi,” tôi nói với Salim. “Cậu ít ra cũng có thể trở thành một ca sĩ xuất sắc, nhưng tớ thì chẳng được gì từ chuyến đi này.”

Đúng lúc đó tôi để ý thấy có tờ bạc một trăm rupi nằm trên sàn. Chắc hẳn Punnoose đã đánh rơi trong khi đếm tiền. Cảm giác đầu tiên trong tôi thôi thúc tôi bỏ nó vào túi mình, nhưng Salim giật lấy đồng tiền, khăng khăng đòi tôi phải đem trả cho người đánh rơi. Vậy là chúng tôi đi xuôi theo hành lang tới căn phòng được Maman dùng làm văn phòng riêng, nơi Punnoose và Mustafa thường lui tới.

Khi tới cửa phòng, chúng tôi nghe thấy những giọng nói từ bên trong vọng ra. Maman đang nói với Punnoose.

“Vậy ông thầy đã nói gì s 38a2 au khi kết thúc các bài học? Càng ngày ông ta càng đắt giá đấy.”

“Ông ta nói thằng lớn vô dụng, nhưng thằng nhỏ có nhiều tiềm năng. Ông ta nói ông ta chưa bao giờ đào tạo được một đứa trẻ nào có năng khiếu hơn thằng bé đó.”

“Vậy anh nghĩ thằng đó có thể mang về ít nhất ba trăm rupi không?”

“Ba trăm rupi đã là gì chứ? Khi nó hát, đó là ma lực. Còn mặt nó thì sao? Ai có thể cầm lòng trước khuôn mặt của nó? Tôi xin nói khả năng nó mang về bốn trăm rupi nằm trong tầm tay. Chúng ta vớ bở rồi, Maman ạ.”

“Thế còn thằng kia thì sao? Cái thằng cao ấy?”

“Ai thèm quan tâm chứ? Thằng khốn đó sẽ phải tự lo cho bản thân. Hoặc là mỗi tối mang về cho chúng ta một trăm rupi hoặc là nó chịu nhịn đói.”

“OK. Từ tuần tới hãy đưa bọn nó lên hành nghề trên tàu. Tối nay chúng ta sẽ xử lý chúng. Sau bữa tối.”

Khi nghe thấy những lời đó một cảm giác ớn lạnh chạy dọc xương sống tôi. Tôi chộp lấy tay Salim và chạy về phòng. Salim vẫn chưa hiểu cuộc nói chuyện mà chúng tôi vừa nghe thấy, và chưa hiểu những con số ám chỉ điều gì. Nhưng tôi thì cảm thấy như thể có một lưỡi cưa đang cưa trong óc mình.

“Salim, chúng mình phải trốn khỏi nơi này. Ngay bây giờ.”

“Nhưng tại sao?”

“Bởi vì có điều gì đó rất tồi tệ sẽ xảy đến với chúng mình tối nay, sau bữa tối.”

“Tớ không hiểu.”

“Tớ hiểu tất cả. Cậu có biết tại sao chúng mình lại được dạy những bài bhajan của Surdas không?”

“Bởi vì ông ấy là một nhà thơ vĩ đại?”

“Không. Bởi vì ông ấy bị mù. Và tối nay chính chúng ta cũng sẽ thành ra như thế, để người ta có thể đẩy chúng ta đi ăn xin trên các chuyến tàu hỏa địa phương. Giờ tớ tin rằng tất cả những đứa con trai tật nguyền mà chúng mình đã gặp ở đây đều bị Maman và tay chân của ông ta cố tình làm cho thành tàn phế.”

Nhưng sự tàn bạo như vậy vượt quá khả năng nhận thức của Salim. Cậu ấy muốn ở lại.

“Sao cậu không bỏ trốn một mình?” cậu ấy hỏi tôi.

“Tớ không thể đi mà không có cậu.”

“Tại sao?”

“Bởi vì tớ là thiên thần hộ mệnh của cậu, và cậu là một phần trong vụ giao dịch trọn gói của tớ.”

Salim ôm chầm lấy tôi. Tôi lấy đồng xu một rupi từ trong túi áo ra. “Nhìn này, Salim,” tôi nói với cậu ấy. “Cậu tin vào số mệnh, đúng không? Vậy hãy để đồng xu này định đoạt tương lai của chúng mình. Nếu nó ngửa chúng mình sẽ đi, nếu sấp chúng mình sẽ ở lại. OK?”

Salim gật đầu. Tôi tung đồng xu lên. Nó ngửa.

Salim cuối cùng cũng đành phải đồng ý trốn khỏi hang ổ của Maman, nhưng tâm trí cậu ấy tràn ngập hoài nghi. “Chúng mình sẽ đi đâu đây? Chúng mình sẽ làm gì đây? Chúng mình không quen biết một ai trong thành phố này.”

“Tớ biết chúng mình sẽ đi đâu. Cậu còn nhớ cô diễn viên Neelima Kumari mà Radhey đã kể với chúng mình không? Cô ấy cần một người giúp việc. Tớ có địa chỉ của cô ấy và tớ cũng biết chuyến tàu nào sẽ chạy tới đó.”

“Hay là tới gặp cảnh sát?”

“Cậu điên à? Cậu không học được gì từ Delhi sao? Làm gì thì làm, đi đâu thì đi, đừng bao giờ tới gặp cảnh sát. Đừng bao giờ.”

Chúng tôi ở trong phòng tắm dưới tầng hầm lắng nghe tiếng nước đều đặn rỏ xuống từ cái vòi nước rò rỉ. Salim ngồi trên vai tôi với một con dao trong tay, đang cố tháo những chiếc bu lông cố định tấm lưới sắt vào khung cửa sổ.

“Nhanh lên,” tôi thì thầm qua kẽ răng.

Ở phía trên, những tên lính canh của Maman đang nện gót trong phòng của chúng tôi, mở các tủ to tủ nhỏ. Chúng tôi nghe thấy tiếng quát tháo chửi rủa. Một cái chai bị vỡ, càng làm thần kinh của chúng tôi thêm căng thẳng. Salim khiếp sợ. Cậu ấy thở nhanh với những hơi thở ngắn, hổn hển. Nhịp tim của tôi đập mạnh hơn cho đến khi tôi nghe thấy tiếng đập của nó. Tiếng bước chân nghe gần hơn.

“Chỉ còn một chiếc nữa thôi,” Salim nói. “Nhưng nó bị kẹt. Tớ không nghĩ tớ có thể tháo nó ra được.”

“Làm ơn... Làm ơn thử một lần nữa đi!” Tôi thúc bách cậu ấy. “Sự sống của chúng ta phụ thuộc vào nó đấy.”

Salim vặn cái bu lông với sự gấp gáp vừa được phục hồi, xoáy con dao vào nó bằng toàn bộ sức lực của mình. Cuối cùng cái bu lông cũng phải khuất phục. Cậu ấy tháo bốn cái bu lông và nhấc tấm lưới sắt ra. Chúng tôi có thể nhìn thấy những cây cọ ở bên ngoài đang đung đưa theo gió nhẹ. Chỉ có một khoảng trống vừa đủ để chúng tôi chui ra ngoài. Đám tay sai của Maman sắp đi xuống cầu thang dẫn tới tầng hầm khi Salim chui qua cửa sổ. Rồi cậu ấy nắm tay tôi giúp tôi trườn ra ngoài. Chúng tôi trèo tới một đống sỏi đá lẫn gạch vụn, thở hổn hà hổn hển. Trăng tròn, đêm yên tĩnh. Chúng tôi hít không khí trong lành vào phổi, hít thật sâu. Không khí có mùi dừa.

Chúng tôi đang ngồi trên chuyến tàu hỏa địa phương rời Goregaon tiến về phía trung tâm của cái thành phố rộng lớn này. Vào thời điểm này của đêm tàu không đông và trong khoang của chúng tôi chỉ có vài hành khách. Họ đọc báo, chơi bài, chỉ trích chính phủ và đánh rắm. Một người bán nước giải khát rong bước vào khoang tàu của chúng tôi, mang theo một hộp nhựa giữ lạnh chật ních những chai nước giải khát đủ màu. “Coke, Fanta, Thums Up, Limca, 7 UP,” anh ta gào lên bằng cái giọng the thé. Những chai nước đều được làm lạnh, chúng tôi có thể thấy hơi ẩm ngưng tụ thành những giọt nước nhỏ li ti trên thành chai. Salim nhìn những chai nước giải khát rồi đưa lưỡi ra liếm đôi môi khô nẻ. Cậu ấy sờ túi ngực và vỗ vỗ lên nó vẻ yên tâm. Người bán hàng rong nhìn cậu ấy bằng ánh mắt hy vọng. Salim lắc đầu và anh ta bước đi.

Chẳng bao lâu sau một người bán hàng khác bước vào, một ông già để râu đeo kính mắt tròn. Có một cái khay lớn được đeo ở cổ ông ta trong chứa đầy những cái hộp han gỉ, những chai thủy tinh mờ đục và những túi ni lông nhỏ đựng riêng rẽ các thứ rễ cây, lá khô, bột, hạt. “Yusuf Fahim, bác sĩ lưu động,” ông ta rao. “Tôi có thuốc trị mọi chứng bệnh. Từ bệnh ung thư cho đến chứng táo bón, hãy nói cho tôi biết quý vị bị bệnh gì.” Không may cho ông ta, trong khoang của chúng tôi chẳng có ai bị ốm, và ông ta mau chóng rời khỏi đó, bỏ lại cái mùi hăng hăng của nghệ và gừng.

Chúng tôi nhìn những ngọn đèn thành phố lung linh khi đoàn tàu chạy qua các khu dân cư và sân vận động. Chúng tôi thoáng nhìn thấy người dân ngồi trong phòng khách nhà họ, xem vô tuyến, ăn tối, dọn giường ngủ. Khi đích đến của chúng tôi chỉ còn cách hai trạm dừng nữa, chúng tôi nghe thấy tiếng chân bước lệt sệt từ phía đằng xa khoang tàu.

Một thằng bé còm nhom khoảng bảy tám tuổi xuất hiện. Nó mặc áo màu xanh da trời và cái quần soóc bẩn thỉu. Nó bước đi với sự trợ giúp của một cái gậy và trong tay cầm một cây đàn ektara. Chúng tôi không nhận ra nó: nó không phải là một trong những đứa trẻ ở chỗ Maman.

Nó dừng lại cách chỗ chúng tôi không quá năm mét rồi đột nhiên vận hết hơi cất giọng thể hiện bài “Sunire Maine Nirbal Ke Balaram - Tôi nghe nói Krishna đến giúp đỡ những người ốm yếu,” một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của Surdas.

Chúng tôi co rúm người lại trước chất giọng du dương như dòng thác tuôn chảy của thằng bé hát rong. Hình ảnh những thằng bé ở chỗ Maman lại tràn ngập trong tâm trí chúng tôi. Raju, Radhey, Ashok và Moolay. Salim ngồi nép vào tôi còn tôi thì nhích vào tận trong góc chỗ ngồi. Nhưng giống như một cái radar, đầu thằng bé hát rong cứ hướng về phía chúng tôi. Dường như cậu ta đang nhìn chúng tôi bằng cái nhìn oán trách qua đôi mắt mù lòa. Suốt năm phút khổ sở, chúng tôi nghe cậu ta hoàn thành bài hát đó. Rồi cậu ta chìa cái bát ăn xin ra mong chúng tôi bố thí. Chỉ còn một nhúm hành khách ở trong khoang tàu và không ai buồn đưa tay tìm tiền lẻ.

Khi cậu bé hát rong tay trắng sắp sửa bước qua chỗ chúng tôi, Salim lấy từ trong túi áo ra thứ gì đó. Cậu ấy cầm nó trong bàn tay nắm chặt và nhìn tôi với vẻ có lỗi. Tôi lặng lẽ gật đầu. Với vẻ mặt đau khổ, Salim mở nắm tay về phía bàn tay đang chìa ra của cậu bé hát rong. Một tờ bạc một trăm rupi nhàu nhĩ được thả vào cái bát của cậu bé ăn mày.

Smita bất chợt run rẩy. “Tôi không thể tưởng tượng được rằng ngày nay và ở thời đại này vẫn còn có người làm những điều tàn bạo đến như vậy với những đứa trẻ ngây thơ.”

“Quả là buồn, nhưng đó là sự thật. Nếu tối hôm đó Salim và tôi không trốn đi thì có lẽ chúng tôi cũng sẽ đi hát rong trên các chuyến tàu hỏa địa phương giống như cậu bé hát rong mù đó,” tôi đáp.

“Vậy cuối cùng cậu cũng kiếm được việc làm ở chỗ Neelima Kumari chứ?”

“Vâng. Tôi đã kiếm được.”

“Và chuyện gì đã xảy ra với Salim?”

“Neelima Kumari thu xếp cho cậu ấy một phòng tại một khu chawl ở Ghatkopar.”

“Nhưng chẳng phải trong câu chuyện trước, cậu làm ở tiệm giặt và sống ở một khu chawl sao?”

“Đó là sau khi tôi rời khỏi Neelima Kumari - hay nói đúng hơn, sau khi cô ấy rời bỏ tôi.”

“Nghĩa là sao?”

“Cô sẽ sớm biết thôi.”

Smita lắc đầu và nhấn nút “Play” trên chiếc điều khiển từ xa.

 Prem Kumar hướng về phía máy quay. “Giờ chúng ta sẽ chuyển sang câu hỏi số bốn với mức thưởng mười nghìn rupi. Câu hỏi này cũng dễ thôi, nhưng chỉ trong trường hợp bạn biết các ca sĩ hát thánh ca của mình. Anh Thomas đã nói với chúng ta rằng anh tin vào mọi tôn giáo. Chúng ta hãy hy vọng anh biết các bài bhajan.” Anh ta quay sang tôi. “Anh sẵn sàng chưa?”

“Sẵn sàng,” tôi đáp.

“OK. Câu hỏi số bốn. Surdas, thi sĩ mù, là người sùng kính vị thánh nào: a) Ram, b)Krishna, c) Shiva, hay d) Brahma?”

Nhạc nổi lên.

“B. Krishna.”

“Anh hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm chứ?”

“Vâng.”

Tiếng trống dồn nổi lên. Câu trả lời đúng nhấp nháy.

“Chính xác một trăm phần trăm! Anh vừa mới giành được mười nghìn rupi!” Prem Kumar tuyên bố. Khán giả vỗ tay. Prem Kumar ngoác miệng cười. Tôi thì không.

Chương tiếp theo sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/25906


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận