Triệu Phú Ổ Chuột Chương 6


Chương 6
Học nói giọng Australia.

“Xin cho biết tên, tuổi, giới tính, thưa ngài,” người điều tra dân số trông nhút nhát, đeo một cặp kính dày gọng đen đang đứng ở hiên cất tiếng. Anh ta cầm một tập tờ khai và luôn tay nghịch cái bút dạ màu xanh da trời.

Đại táTaylorbắt đầu phần giới thiệu với vẻ mặt cáu kỉnh. Ông mặc bộ vest bằng vải lanh màu kem. Mùa hè cũng như mùa đông, lúc nào ông cũng mặc vest. Vest hợp với dáng người cao ráo của ông. Ông có khuôn mặt trái xoan với bộ ria mép dày màu muối tiêu, cặp môi mỏng và đôi má hồng hào. Mái tóc hung đỏ của ông được vuốt về phía sau. Toàn thể gia đìnhTaylorvà tất cả người giúp việc đều đang tập trung ở hiên trước như để chụp ảnh tập thể. “Tôi là đại tá Charles Taylor, nam, bốn mươi sáu tuổi. Đây là vợ tôi, Rebecca Taylor, nữ, bốn mươi tư tuổi.” Ông chỉ bàTaylor, một phụ nữ tóc vàng dáng người thanh mảnh, mặc một chiếc váy dài. “Đây làRoycon trai tôi, nam, mười lăm tuổi.”Royđang đứng ngồi không yên với chiếc điện thoại di động của cậu. Cậu gầy và cao lêu nghêu, mặc một chiếc quần bò hàng hiệu bạc phếch kèm áo phông, đi giày đế mềm. “Đây là con gái tôi, Maggie, nữ, mười bảy tuổi.” Maggie không thật cao, nhưng khá ưa nhìn với khuôn mặt tròn, đôi mắt màu xanh da trời và mái tóc vàng hoe. Cô mặc một chiếc váy ngắn cũn.

Đại táTaylorvươn người lên cao hết cỡ và dồn thêm sức mạnh vào giọng nói. “Tôi là Tùy viên Quân sự củaAustralia. Chúng tôi là những nhà ngoại giao, vậy nên tôi không nghĩ anh nên gộp chúng tôi vào dân số của các anh. Những người duy nhất trong nhà này nên được ghi vào bản điều tra của các anh là những người giúp việc. Đó là Bhagwati, đang đứng gần cổng kia kìa. Anh ta là lái xe kiêm người làm vườn, nam, bốn mươi hai tuổi. Chúng tôi có một người hầu gái, cô Shanti, nữ, tôi nghĩ là mười tám tuổi, hiện không có mặt ở nhà. Kia là Ramu, đầu bếp của chúng tôi, nam, hai mươi lăm tuổi, và đây là Thomas, nam, mười bốn tuổi. Như vậy được chưa?

“Chưa đâu, thưa ngài, tôi cần hỏi những người giúp việc của ngài một số câu hỏi, thưa ngài. Họ đã đưa ra một bản câu hỏi dài cho cuộc điều tra dân số mới nhất này. Đủ mọi thứ kỳ quặc, chẳng hạn như bạn xem chương trình truyền hình nào, bạn ăn thức ăn gì, bạn đã từng đến thăm những thành phố nào, và thậm chí,” anh ta cười khẩy, “bao lâu bạn lại quan hệ tình dục một lần.”

Bà Taylor thì thầm với ông chồng, “Ôi Charles, chúng ta không muốn Thomas và Ramu lãng phí thời gian vào cái bài tập vớ vẩn này. Anh không tống cổ cái gã ngốc này đi được sao?”

Đại táTaylorrút bao thuốc lá từ trong túi quần. “Này, anh, cho dù tên anh là gì đi nữa thì những người giúp việc của tôi cũng thực sự không có thời gian hoàn thành cả bản câu hỏi của anh đâu. Sao anh không nhận bao Marlboro này rồi chuyển sang nhà tiếp theo nhỉ? Tôi chắc chắn anh bỏ bốn người khỏi cuộc điều tra của anh cũng chẳng sao đâu.”

Anh nhân viên điều tra dân số nhìn chằm chằm vào bao thuốc, rồi liếm môi. “Ồ... Thưa ông, ông thật tốt. Nhưng ông hiểu cho, tôi không hút thuốc, thưa ông. Tuy nhiên, nếu ông có whisky Black Label... hay thậm chí Red Label, thì tôi sẽ rất vui được giúp đỡ, thưa ông. Suy cho cùng, nếu chúng ta bỏ bốn giọt nước ra khỏi đại dương thì cũng có sao đâu, đúng không? Ai mà nhận ra sự thiếu vắng của bốn người trong một tỷ người chứ!” Anh ta cười to vẻ căng thẳng.

Đại táTaylorném cho người điều tra dân số một cái nhìn khinh miệt. Sau đó ông bước huỳnh huỵch vào phòng khách rồi quay trở lại với một chai Johny Walker Red Label. “Đây, cầm lấy cái này và đi đi. Đừng bao giờ quấy rầy chúng tôi nữa.”

Người điều tra dân số chào đại táTaylor. “Đừng lo, thưa ngài. Trong mười năm tới tôi sẽ không quấy rầy ngài nữa đâu ạ.” Anh ta vui vẻ bước đi.

Bà Taylor cũng vui vẻ. “Bọn người Ấn khốn kiếp,” bà mỉm cười. “Chỉ cần dúi cho một chai whisky là họ sẽ chẳng làm gì nữa cả.”

Bhagwati đứng ở cổng nhe răng cười. Anh ta chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng anh ta cười bất cứ khi nào ông chủ và bà chủ cười. Ramu cũng cười. Anh ta cười bất cứ khi nào thấy Maggie mặc váy ngắn.

Tôi là người duy nhất không cười. Cứ cho là lũ người hầu chúng tôi là những kẻ vô hình, không được đả động tới trong các bữa tiệc và các sự kiện đặc biệt của gia đình, nhưng đến cuộc điều tra dân số của nước mình mà cũng bị loại ra thì khó chịu quá. Và tôi ước gì ông bàTaylorđừng có tiếp tục dùng cái cụm từ đầy khinh miệt và hợm hĩnh “bọn người Ấn khốn kiếp”. Kể từ khi ở cùng họ, đây là lần thứ mười lăm tôi nghe thấy họ sử dụng cách diễn đạt này. Mỗi lần nghe thấy nó máu tôi lại sôi lên. Ok, người đưa thư, thợ điện, người sửa chữa điện thoại, cảnh sát và giờ đến nhân viên điều tra dân số cũng nghiện whisky. Nhưng đâu phải tất cả người Ấn Độ đều là kẻ nghiện ngập. Tôi ước gì một ngày nào đó mình có thể giải thích cho ôngTaylorhiểu điều này. Nhưng tôi biết tôi sẽ không làm thế. Khi bạn sống trong một ngôi nhà đẹp ở một nơi sang trọng củaDelhi, có được ba bữa ăn nóng sốt mỗi ngày và mức lương một nghìn năm trăm rupi, đúng, một nghìn năm trăm rupi mỗi tháng, bạn phải học cách nuốt lòng tự tôn của mình đi. Và mỉm cười bất cứ khi nào ông chủ và bà chủ mỉm cười.

Mặc dầu vậy, công bằng mà nói, ông bàTaylorđối với tôi rất tốt. Chẳng có nhiều người muốn thuê bạn nếu một ngày nọ bạn bỗng dưng từ Mumbai xuất hiện trên bậc cửa nhà họ. Đã thế tôi lại còn nhầm lung tung cả. Đại tá Waugh là người tiền nhiệm của đại táTaylor, và đã được thuyên chuyển hai lần rồi. Ông bàTaylorlà tín đồ Anh giáo, chẳng liên quan gì đến nhà thờ Thiên Chúa giáo La Mã của Cha Timothy. Thật may là họ đang cần gấp một người hầu bởi vì họ vừa sa thải người giúp việc cũ.

Trong mười lăm tháng tôi ở với gia đình đó, thêm năm người giúp việc nữa bị sa thải. Tất cả đều vì đại táTaylor. Ông ấy là Người Biết Tuốt. Đúng là trên có Thượng đế toàn tri, dưới có ôngTaylor. Jagdish, người làm vườn, lấy trộm phân bón từ trong lán và đại táTaylorbiết. Kết quả: bị đuổi việc ngay ngày hôm sau. Sela, người hầu gái, thó một chiếc vòng đeo tay từ phòng của bàTaylorvà đại táTaylorbiết. Kết quả: bị đuổi việc ngay ngày hôm sau. Raju, người đầu bếp, ban đêm mở tủ rượu uống vụng ít whisky. Kết quả: bị đòn và bị đuổi việc ngay ngày hôm sau. Ajay, người đầu bếp mới, lập mưu lấy trộm một ít tiền và nói hở ra cho bạn anh ta biết qua điện thoại. Kết quả: bị đuổi việc ngay ngày hôm sau và cả anh ta lẫn bạn đều bị cảnh sát bắt. Basanti, người hầu mới, mặc thử váy của Maggie. Kết quả: đúng thế, bị đuổi việc ngay ngày hôm sau. Làm thế nào mà đại táTaylorbiết những chuyện xảy ra sau những cánh cửa đóng kín, giữa đêm hôm khuya khoắt, trên điện thoại, ở những nơi không có ai, là một bí ẩn thực sự.

Tôi là người duy nhất trụ lại được. Tôi thừa nhận, thỉnh thoảng tôi cũng muốn bỏ túi một ít tiền lẻ để hớ hênh trên bàn trang điểm của bàTaylorhay thó trộm một thanh sô cô la Thụy Sĩ thơm ngon trong tủ lạnh, nhưng tôi chế ngự được những ham muốn đó. Bởi vì tôi biết đại táTaylorlà Người Biết Tuốt. Vả lại, gia đình đó tin tưởng tôi. Việc tôi có một cái tên của người Cơ đốc và nói được tiếng Anh cũng có ích. Ngoài Shanti, người mới được thuê vào làm hai tháng trước, tôi là người duy nhất được phép lui tới những nơi riêng tư của gia đình. Tôi có thể vào tất cả các phòng ngủ và là người duy nhất được xem ti vi và thỉnh thoảng được chơi Nintendo vớiRoytrong phòng khách. Tuy vậy, tôi không được phép vào phòng làm việc của đại táTaylor, nơi được gọi là Cấm địa. Đó là một phòng nhỏ nằm ngay cạnh phòng ngủ của ông chủ. Căn phòng có một cánh cửa gỗ màu nâu chắc chắn, được bảo vệ bởi một tấm lưới sắt dày. Tấm lưới sắt đó có ba cái khóa: hai khóa nhỏ và một cái khóa treo to tướng bằng vàng có ghi, “Yale. Bọc thép. Chốt boron.” Trên bức tường cạnh chiếc khóa treo có một bảng điện tử nhỏ màu trắng trên có hình một cái đầu lâu kèm hai khúc xương và các số từ 0 đến 9 giống như trên bàn phím điện thoại. Ta chỉ có thể mở cái khóa treo đó sau khi đã nhập mật mã vào. Nếu cố dùng lực để mở nó ta sẽ bị dòng điện 440 vol giật chết toi. Khi trong phòng không có người, đèn trên tấm bảng sẽ có màu đỏ. Bất cứ khi nào ôngTaylorcó mặt trong phòng đèn sẽ chuyển sang màu xanh lá cây. Không thành viên nào trong nhà được phép vào phòng này, ngay cả bàTaylor, Maggie hayRoycũng không.

Thời gian ở cùng gia đìnhTaylorđã giúp tôi quên đi những chuyện bi thảm ở Mumbai. Shantaram và Neelima Kumari đã trở thành những ký ức đau buồn nhưng xa xôi. Trong mấy tháng đầu tôi sống trong nỗi khiếp đảm thường trực, hoảng sợ mỗi khi có một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy chạy qua nhà. Qua thời gian, cảm giác bị săn lùng bắt đầu tan đi. Tôi cũng thường nghĩ về Gudiya và tự hỏi không biết chuyện gì đã xảy ra với chị ấy, nhưng thật khó mà giữ được một ký ức nếu bạn không có một khuôn mặt để gắn liền với cái tên. Dần dần, chị ấy biến vào trong cái thùng rác chứa quá khứ của tôi. Nhưng Salim thì tôi không thể nào quên. Tôi thường bị dằn vặt bởi cảm giác tội lỗi vì đã bỏ cậu ấy lại. Tôi không biết cậu ấy sẽ xoay xở như thế nào, liệu cậu ấy có còn đi đưa cơm hộp nữa hay không, nhưng tôi cố nhịn không liên lạc với cậu ấy bởi tôi sợ việc đó có thể khiến cảnh sát phát hiện ra nơi tôi đang ở.

Sống với gia đìnhTaylortôi đã biết cách nướng thịt và làm nước xốt đun. Tôi đã trở thành một chuyên gia pha chế đồ uống và định lượng whisky bằng vạch định mức trên cốc. Tôi đã được nếm món thịt kangaroo hầm và những chiếc bánh bao nhân thịt cá sấu nhập khẩu trực tiếp từCanberra. Tôi đã trở thành fan của môn bóng bầu dục, tennis và môn thể thao được gọi là Aussie Rules mà tôi xem cùngRoy. Nhưng sau cả quãng thời gian đó, tôi vẫn đánh vật với chất giọngAustralia. Tối nào tôi cũng ngồi trong phòng tập nói giống như một ngườiAustralia. “G’day Maite, see you at aight at India Gaite,” tôi nói và cười phá lên.

Tôi đặc biệt thích đi mua sắm với bàTaylor. Bà ấy hầu như toàn mua đồAustralia. Nhưng thỉnh thoảng bà ấy cũng mua các sản phẩm nhập khẩu của Super Bazaar và Khan Market. Chúng tôi mua xúc xích cay Tây Ban Nha, pho mát Roquefort, dưa chuột bao tử muối và ớt đỏ ngâm dầu ô liu. Tuyệt vời nhất là những ngày bà ấy đưa Maggie vàRoytới Kids Mart, trung tâm mua sắm dành cho trẻ em lớn nhất thế giới. Ở đó có quần áo, đồ chơi, xe đạp và đài cassette. Maggie vàRoymua những chiếc áo vải bông dài tay và quần bò còn tôi thì được hưởng một vòng cưỡi ngựa gỗ quay miễn phí.

 Royvà Maggie tháng nào cũng nhận được một cuốn tạp chí. Nó có tên là Địa lý Australia. Tôi nghĩ nó là cuốn tạp chí đẹp nhất thế giới. Hết trang này đến trang khác, nó in đầy các bức ảnh về những nơi đẹp nhất trên thế giới và tất cả những nơi đó đều ởAustralia. Có những bãi biển cát vàng trải dài hàng dặm. Những hòn đảo được viền quanh bởi những cây cọ duyên dáng. Đại dương đầy cá voi và cá mập. Những thành phố ngờm ngợp các tòa nhà chọc trời. Những núi lửa phun ra thứ dung nham chết người. Những ngọn núi tuyết phủ nằm nép mình bên những thung lũng xanh tươi, thanh bình. Ở tuổi mười bốn, tôi chỉ có một tham vọng duy nhất là được tận mắt thấy những nơi đẹp đẽ này. Được thăm đảoQueensland vàTasmania, thăm dãy đá ngầm san hôGreat Barrier Reef trước khi tôi chết.

Tôi sống với gia đìnhTaylorcũng khá thoải mái vì tôi không có nhiều việc phải làm. Không giống như ở nhà của nữ diễn viên điện ảnh nơi tôi là người giúp việc duy nhất, ở đây có ba người khác cùng chia sẻ công việc. Ramu là đầu bếp và công việc bếp núc hoàn toàn do anh ấy đảm đương. Shanti lo việc dọn giường và giặt giũ. Tôi chỉ phải hút bụi và lau dọn. Thỉnh thoảng tôi cũng đánh bóng bộ đồ ăn bằng bạc, xếp sách trong thư viện của đại tá Taylor và giúp Bhagwati cắt tỉa hàng rào. Tất cả chúng tôi sống ở khu nhà dành cho người làm nối liền với nhà chính. Chúng tôi có hai phòng nhỏ và một phòng lớn. Bhagwati sống ở phòng lớn cùng vợ và con trai. Shanti sống một mình ở phòng thứ hai. Còn tôi ở phòng thứ ba cùng Ramu. Phòng chúng tôi có một bộ giường tầng. Tôi ngủ ở giường trên.

Ramu là một anh chàng tử tế. Anh vào làm ở nhà Taylor từ bốn tháng trước và là một đầu bếp xuất sắc. Tiếng tăm nổi bật của anh là anh biết nấu món ăn Pháp, trước đây đã từng làm việc cho một gia đình người Pháp. Anh có thể làm món gâteau de saumon, crêpes suzzettecrevettes au gratin(1)_, món khoái khẩu của tôi. Ramu có thân hình cân đối và khuôn mặt khá ưa nhìn nếu như bạn không để ý đến những nốt rỗ. Anh thích xem những bộ phim tiếng Hindi. Anh thích những bộ phim mà trong đó nhân vật nữ giàu có bỏ trốn với nhân vật nam nghèo khó. Tôi ngờ rằng Shanti thích Ramu. Cái cách chị ta nhìn anh, thỉnh thoảng nháy mắt, khiến tôi nghĩ chị ta đang cố gửi tín hiệu cho anh. Nhưng Ramu không quan tâm đến Shanti. Anh yêu người khác. Anh bắt tôi thề không để lộ điều này cho bất cứ ai, vậy nên tôi không thể tiết lộ tên người ấy. Nhưng chắc hẳn tôi có thể tiết lộ đó là một cô gái xinh đẹp có đôi mắt màu xanh da trời và mái tóc vàng hoe.

Mặc dầu tôi sống ở khu nhà dành cho người giúp việc nhưng gia đình Taylor đối xử với tôi như một phần của gia đình. Bất cứ khi nào đi ăn ở nhà hàng McDonald, họ đều nhớ mua cho tôi một suất trẻ em. Khi Roy và Maggie chơi ghép chữ họ luôn cho tôi chơi cùng. Khi Roy xem cricket ở trong phòng xem ti vi, cậu ấy luôn rủ tôi cùng xem (mặc dù mỗi khi đội Australia thua cậu ấy lại cáu). Lần nào về nghỉ ở Australia, gia đình Taylor cũng nhớ mua cho tôi một món quà nhỏ - một chiếc móc đeo chìa khóa có khắc mấy chữ TÔI YÊU SYDNEY hoặc một chiếc áo phông có in thông điệp hài hước. Đôi khi sự tử tế đó làm tôi phát khóc. Khi ăn một lát pho mát Edam hoặc uống một lon bia, tôi lại thấy khó mà tin nổi mình chính là đứa trẻ mồ côi năm năm trước từng phải ăn những cái bánh chapatti đen sì cứng queo và món rau hầm không tiêu hóa nổi tại một trại giáo dưỡng bẩn thỉu cách đó không xa lắm. Nhiều lúc tôi thật sự bắt đầu tưởng tượng mình là một phần của gia đình người Australia này. Ram Mohammad Taylor. Nhưng mỗi khi một người giúp việc bị mắng hoặc bị sa thải hay bị đại tá Taylor vẫy ngón tay và nói “Bọn người Ấn khốn kiếp”, cái thế giới mơ mộng của tôi lại sụp đổ và tôi bắt đầu nghĩ mình là con chó lai đang nhòm qua ô cửa sổ bị chắn để nhìn trộm một thế giới kỳ lạ không thuộc về mình.

Nhưng có một thứ thuộc về tôi, và đó là khoản tiền công đang lớn dần của tôi mặc dầu tôi chưa nhìn thấy hoặc được chạm vào khoản tiền đó. Sau những rắc rối xảy ra với một loạt người giúp việc, đại tá Taylor quyết định không đưa tiền công cho tôi theo tháng với lý do tôi còn là trẻ con. Mỗi tháng ông chỉ đưa cho tôi năm mươi rupi để tiêu vặt. Đến khi không làm cho họ nữa tôi sẽ được nhận số còn lại như một khoản tiền tiết kiệm được tích lũy dần. Và sẽ chỉ được nhận nếu tôi cư xử tốt. Nếu không, giống như Raju và Ajay, tôi sẽ phải cuốn gói khỏi đó mà không được trả tiền công. Không giống tôi, Ramu được nhận tiền công hàng tháng. Đủ hai nghìn rupi. Anh đã tích góp được tám nghìn rupi, cất ở một chỗ trống trong tấm đệm trên giường ngủ của anh. Tôi chỉ có một trăm rupi trong túi nhưng tôi có một cuốn sổ nhỏ màu đỏ trong đó tôi cộng tiền công hàng tháng của mình. Cho tới nay, gia đình Taylor đã nợ tôi hai mươi hai nghìn năm trăm rupi. Chỉ nghĩ tới việc sở hữu số tiền này đã khiến tôi thấy chóng mặt rồi. Đêm nào tôi cũng mơ được đi thăm những nơi tôi đã nhìn thấy trong cuốn Địa lý Australia. Ramu có những tham vọng lớn hơn. Anh mơ cưới được một cô gái da trắng xinh đẹp và đi nghỉ tuần trăng mật ở Sydney rồi mở một chuỗi nhà hàng Pháp nơi anh sẽ phục vụ món thịt nai và món crème brulée_(1).

Người hàng xóm mua bán đồng nát, hay còn gọi là kabarawalla, đang ở đây. Bà Taylor bán cho ông ta tất cả số báo và tạp chí mà chúng tôi tích lại trong sáu tháng qua. Gia đình họ phải bỏ ra ít nhất mười nghìn rupi để mua chúng. Nhưng giờ chúng tôi bán chúng với giá mười lăm rupi một cân. Ramu và tôi khệ nệ bê ra từng bó Thời báo Ấn Độ, Tin nhanh Ấn Độ, Người tiên phong, Hindu. Chúng tôi lôi ra cả đống những tờ Ấn Độ ngày nay, Femina, Chủ nghĩa thế giới, Người Australia. Người mua bán đồng nát cân chúng trên cái cân bụi bặm của ông ta. Bỗng nhiênRoy xuất hiện. “Có chuyện gì vậy ạ?” cậu ấy hỏi mẹ mình.

“Có chuyện gì đâu. Mẹ và các cậu ấy đang tống khứ hết đống báo và tạp chí cũ trong nhà thôi,” bà mẹ đáp.

“Ồ, thật vậy sao?” cậu ấy nói và biến vào trong nhà. Năm phút sau cậu ấy quay trở lại, ôm ba mươi cuốn Địa lý Australia trên tay. Tôi há hốc miệng sửng sốt. Sao Roy có thể nghĩ tới chuyện bán những cuốn tạp chí đó đi cơ chứ?

Nhưng tôi chưa kịp nói gì thì người mua đồng nát đã cân những cuốn tạp chí bóng loáng ấy lên. “Chỗ này sáu cân. Tôi sẽ trả cậu chín mươi rupi,” ông ấy nói vớiRoy. Cậu ấy gật đầu. Vụ mua bán đã xong. Tôi chạy vội về phòng mình.

Ngay khi người mua đồng nát rời khỏi ngôi nhà, tôi liền gạ gẫm ông ta ở ngoài đường. “Cháu xin lỗi, nhưng bà chủ muốn lấy lại những cuốn tạp chí đó,” tôi nói với ông ta.

“Phiền quá,” ông ta nhún vai. “Tôi đã mua chúng rồi. Chúng có thứ giấy tuyệt hảo sẽ bán được giá cao.” Cuối cùng tôi phải đưa cho ông ta một trăm rupi của tôi, nhưng tôi lấy lại được những cuốn Địa lý Australia. Giờ chúng là của tôi. Tối đó, trong căn phòng nhỏ của mình, tôi trải tất cả những cuốn tạp chí ấy ra và ngắm nghía hình ảnh của những ngọn núi và bãi biển, sứa và tôm hùm, những con chim bói cá và kangaroo đang bồng bềnh trước mắt. Không hiểu sao, ngày hôm đó những nơi kỳ lạ ấy dường như trở nên dễ đi đến hơn. Có lẽ việc tôi giờ đây sở hữu những cuốn tạp chí đó có nghĩa rằng trong tim mình tôi cũng sở hữu phần nào nội dung của chúng.

Một chuyện đáng chú ý nữa xảy ra trong tháng này là việc công chiếu bộ phim Người truy bắt gián điệp trên kênh Star TV. Bộ phim nhiều tập này từng làm mưa làm gió ở Australia. Ra đời vào những năm 1980, bộ phim nói về cuộc đời của một sĩ quan cảnh sát người Australia tên là Steve Nolan chuyên truy bắt gián điệp. Đại tá Taylor nghiện nặng bộ phim này. Hầu như tối nào ông cũng biến vào Cấm địa và chỉ ra khỏi đó để ăn tối. Nhưng cứ đến tối thứ Tư, ông lại ngồi trong phòng ti vi với chai bia Foster lùn, xem Steve Nolan bắt những gã ngoại quốc đê tiện (được gọi là gián điệp), những kẻ đem bán bí mật cho một tổ chức của Nga mang tên KGB. Tôi thích bộ phim đó vì nó có những cảnh đuổi bắt bằng xe ô tô, những pha gay cấn và những công cụ tối tân, chẳng hạn như một cây bút gập đôi lại thành chiếc camera thu nhỏ, một chiếc máy ghi âm trở thành khẩu súng. Và tôi mê chiếc ô tô của Steve Nolan - một chiếc Ferrari màu đỏ tươi lao ầm ầm qua phố như một quả rocket.

Bữa tiệc ngoài trời của gia đình Taylor là một thông lệ trong mùa hè, nhưng bữa tiệc hôm nay có gì đó đặc biệt. Nó được tổ chức để tỏ lòng tôn kính đối với một vị tướng đến từ Australia, thậm chí ĐS - ngài đại sứ - cũng sẽ tới dự. Lần này Ramu và tôi, thậm chí cả Bhagwati, cũng được “phục sức” - mặc những bộ đồng phục trắng tinh đơm cúc vàng. Chúng tôi đeo găng tay trắng và đi giày đen. Mấy chiếc khăn xếp to màu trắng với cái đuôi bé xíu vướng víu trên những cái đầu nhỏ của chúng tôi. Chúng là loại khăn được chú rể đội trong lễ cưới. Chỉ có điều trông chúng tôi không hề giống các chú rể trên lưng ngựa. Chúng tôi trông giống những gã bồi bàn lạ lùng tại một bữa tiệc ngoài trời lạ lùng.

Khách khứa đã lục tục kéo đến. Đại tá Taylor đứng đón họ ở rìa bãi cỏ được cắt tỉa cẩn thận. Ông vận bộ vest màu xanh da trời nhạt. Ramu bận nướng những xiên thịt gà, thịt lợn, cá và thịt cừu trên cái vỉ nướng. Bhagwati mang cocktail đến cho các vị khách trên một cái khay bạc. Tôi trấn giữ quầy bar. Chỉ tôi mới có thể hiểu được các vị khách khi họ gọi Campari pha sô đa hay Mary Bloody. Shanti bận giúp việc trong bếp. Ngay cả chị ấy cũng mặc một chiếc váy đẹp thay cho tấm sari thường ngày.

Khách khứa hầu hết là người da trắng đến từ các đại sứ quán khác. Cũng có một số người Ấn Độ - vài nhà báo và mấy viên chức Bộ Quốc phòng. Những người da trắng uống bia Kingfisher và cocktail. Người Ấn Độ, như thường lệ, chỉ gọi rượu whisky Black Label.

Những cuộc chuyện trò ở ngoài vườn ngả theo hai phạm trù. Người Ấn Độ nói về chính trị và cricket. Các nhà ngoại giao và người xa xứ tán gẫu về những người giúp việc, đồng nghiệp và ca thán về cái nóng. “Trời nóng khủng khiếp, tôi ước gì họ cho nghỉ hè.” “Hôm nọ đứa hầu gái của tôi bỏ trốn với tay làm vườn, ngay sau khi tôi tăng lương cho cả hai đứa.” “Thời buổi này thật khó kiếm được người giúp việc tử tế. Hầu như kẻ giúp việc nào cũng là trộm cắp.”

Sự xuất hiện của ngài đại sứ cùng một người đàn ông ăn mặc sang trọng, người mà tôi nghe nói chính là vị tướng, khiến khách khứa xôn xao. Bà Taylor suýt nữa ngã bổ chửng trong lúc cuống cuồng chạy ra đón ngài đại sứ. Có vô khối những cái hôn và những cái bắt tay. Đại tá Taylor có vẻ hài lòng. Bữa tiệc đang diễn ra tốt đẹp.

Trước bảy giờ khách khứa đã về hết. Chỉ còn hai nhà báo Ấn Độ và một viên chức Bộ Quốc phòng tên là Jeevan Kumar là vẫn ngồi đó, mân mê ly Johnny Walker thứ mười của họ. Bà Taylor nhìn họ khinh bỉ. “Charles,” bà nói với chồng, “sao anh phải mời những tay nhà báo chết tiệt đó chứ? Bọn họ lúc nào cũng ra về sau cùng.”

Đại tá Taylor bật ra mấy tiếng ừ hữ tỏ vẻ đồng tình. Vị viên chức Bộ Quốc phòng, một người đàn ông dáng người to béo, da ngăm đen lảo đảo bước vào trong nhà. “Tôi có thể nói chuyện với ông một lát được không, ông Taylor?” ông ta lên tiếng. Ông Taylor vội vã đi theo ông ta.

Đã quá nửa đêm và Ramu vẫn chưa ngủ. Tôi nghe thấy anh ấy trở mình trằn trọc trên giường. “Có chuyện gì vậy, Ramu? Đêm nay anh không ngủ được à?” tôi hỏi anh.

“Làm sao tôi có thể ngủ được chứ, Thomas? Người yêu của tôi làm tôi đau khổ.”

“Anh ngốc thật. Em đã nói với anh bao nhiêu lần là đừng ấp ủ cái ý tưởng hão huyền đó rồi hả? Nếu đại tá Taylor mà phát hiện ra thì ông ấy sẽ cho người giết anh đấy.”

“Những người tình phải sẵn sàng hy sinh vì tình yêu. Nhưng ít ra giờ đây tôi cũng đã có một phần tình yêu của tôi bên mình.”

“Thứ gì vậy? Anh có thứ gì vậy?” Tôi trèo xuống khỏi giường của mình.

“Suỵt... Tôi chỉ có thể cho cậu xem nếu cậu thề sẽ không tiết lộ với bất cứ ai.”

“OK, OK, em thề. Nào, cho em xem anh có gì đi.”

Ramu luồn tay xuống dưới gối và lấy ra một mảnh vải màu đỏ. Anh đưa nó lên mũi hít thật sâu. Ngay cả tôi cũng ngửi thấy mùi nước hoa thoang thoảng.

“Cái gì thế? Anh mở nó ra xem nào.”

Ramu giở mảnh vải ra như thể nó là một lá cờ. Đó là một chiếc áo ngực màu đỏ. Tôi sửng sốt nhảy dựng lên, va đầu vào thành giường bằng gỗ.

“Ôi, trời ơi! Anh lấy cái này ở chỗ quái nào vậy? Đừng có nói với em nó là của cô ấy đấy.”

“Đây, cậu xem đi.” Ramu đưa chiếc áo ngực cho tôi.

Tôi lật ngửa rồi lật úp chiếc áo ngực. Nó có vẻ là một chiếc áo đắt tiền, đầy những họa tiết thêu ren. Có một cái mác nhỏ ở gần khuy móc, in mấy chữ “Bí mật của Victoria”.

“Victoria là ai?” tôi hỏi anh ấy.

“Victoria ư? Tôi chẳng quen biết Victoria nào cả.”

“Cái áo ngực này là củaVictoria. Nó còn có cả tên của cô ấy đấy. Anh đã lấy nó ở đâu hả?”

Ramu bối rối. “Nhưng... nhưng tôi lấy trộm nó từ phòng Maggie kia mà.”

“Ôi, trời ơi, Ramu! Anh biết anh không được phép vào phòng ngủ của các cô cậu ấy kia mà. Giờ thì anh gặp rắc rối thật rồi.”

“Này, Thomas, cậu đã hứa không nói với bất cứ ai. Làm ơn đi, tôi xin cậu, đừng làm lộ bí mật này.”

Tôi thật lòng thề trong lúc trèo về giường của mình. Lát sau Ramu bắt đầu ngáy. Tôi biết anh ấy đang mơ thấy một cô gái có đôi mắt màu xanh da trời và mái tóc vàng hoe. Nhưng tôi lại mơ thấy một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy. Tôi tin Ramu sắp gặp rắc rối. Bởi vì đại tá Taylor là Người Biết Tuốt.

Quả đúng vậy, hai ngày sau một chiếc xe jeep gắn đèn đỏ nhấp nháy đỗ xịch trước nhà. Một thanh tra cảnh sát ăn mặc bảnh bao nghênh ngang đi vào phòng ăn. Ông ta chính là viên thanh tra Tyagi đã đến bắt Ajay. Ông ta đòi gặp Ramu, vậy là mấy cảnh sát lôi anh chàng đầu bếp đó ra khỏi bếp rồi dẫn anh về phòng riêng. Tôi vội chạy theo họ. Đó cũng là phòng tôi. Họ lục soát giường của Ramu. Họ tìm thấy tiền anh cất trong đệm. Họ cũng phát hiện ra một chuỗi hạt kim cương dưới gối của anh. Tôi không biết sao nó lại ở đó được, nhưng tôi biết Ramu không phải kẻ trộm. Sau đó cảnh sát bắt đầu lục lọi đồ của tôi. Họ tìm thấy những cuốn tạp chí Địa lý Australia được xếp thành chồng gọn ghẽ ở một góc. Họ tìm thấy những chiếc móc đeo chìa khóa và áo phông của tôi. Rồi họ tìm thấy một chiếc áo ngực nhàu nhĩ dưới đệm của tôi. Tôi không biết sao nó lại ở đó được, nhưng tôi biết đó chính là chiếc áo ngực Ramu đã lấy trộm từ phòng Maggie.

Tôi bị điệu đến trước mặt gia đình Taylornhư một tên tội phạm khét tiếng. “Thưa ông Taylor, ông chỉ nói đến một kẻ lừa đảo trong nhà này, và chúng tôi đã tìm thấy chuỗi hạt kim cương cùng một số tiền ăn cắp ở giường của hắn ta. Nhưng hãy nhìn xem chúng tôi đã tìm thấy gì ở giường của thằng nhóc khốn kiếp này. Chúng tôi tìm thấy những cuốn tạp chí mà chắc hẳn nó đã lấy trộm của các con ông...” ông ta thả tập tạp chí Địa lý Australia xuống sàn, “Và chúng tôi đã tìm thấy thứ này.” Viên thanh tra giơ chiếc áo ngực màu đỏ trông giống như một lá cờ ra.

Maggie bắt đầu khóc. Ramu trông như thể sắp ngất đến nơi. Mắt đại tá Taylor lóe lên vẻ độc địa.

“Không thể tin nổi! Cả cậu cũng vậy sao, Thomas?” Bà Taylor thốt lên với vẻ sửng sốt tuyệt đối. Rồi bà nổi giận tát tôi bốn năm cái liền. “Bọn người Ấn khốn kiếp,” bà rủa. “Tất cả các người đều cùng một giuộc. Rặt một lũ lười biếng vô ơn. Bọn ta nuôi chúng mày ăn, cho chúng mày quần áo mặc mà chúng mày đáp lại bọn ta như thế này đây, chỉ nhăm nhăm lấy trộm đồ của bọn ta phải không?”

Đại tá Taylor lên tiếng bênh vực tôi. “Không đâu, Rebecca,” ông ấy nói với vợ. “Phải công bằng chứ. Thomas là người tốt. Thằng Ramu khốn kiếp đó đã giấu thứ này ở giường của Thomas. Hãy tin tôi đi, tôi biết mà.”

Lại một lần nữa đại tá Taylor cho thấy ông ấy là Người Biết Tuốt. Ngày hôm đó khả năng thông suốt mọi sự của ông ấy đã cứu tôi, và tôi lấy lại được bộ sưu tập tạp chí Địa lý Australia của mình. Nhưng những bãi biển ở Queensland và cuộc sống hoang dã ở Tasmania không còn cám dỗ tôi nữa. Ramu khóc và thú nhận anh đã lấy trộm chiếc áo ngực nhưng khăng khăng anh không lấy trộm chuỗi hạt. Anh chỉ ngón tay cáo buộc vào Shanti. Nhưng điều đó chẳng giúp ích được gì. Viên thanh tra dong anh ra xe jeep. Ông ta còn mang theo một chai whisky Black Label của đại tá Taylor, cười nhe răng. “Cảm ơn ông rất nhiều, ông Taylor ạ. Bất cứ khi nào ông cần tôi phục vụ, cứ gọi điện cho tôi. Rất vui được phục vụ ông. Đây là danh thiếp của tôi.”

Đại tá Taylor hờ hững nhận tấm thiếp và để nó trên chiếc bàn liền tường ở phòng khách.

Không khí trong nhà vô cùng náo nhiệt. Ông bà Taylor kiếm được một con chó cảnh cho Maggie. Ông đại tá cầm xích dắt con chó vào. Nó là một con chó nhỏ, lông rậm, có cái mũi nhỏ ươn ướt và cái đuôi dài. Nó trông như một con búp bê và kêu ăng ẳng thay vì sủa. Maggie nói nó thuộc giống chó Apso. Cô ấy quyết định gọi nó là Rover.

Không khí trong nhà lại náo nhiệt. Người đầu bếp mới đã tới. Tên ông ta là Jai. Ông ta biết không đến một nửa những gì Ramu biết. Ông ta chẳng bao giờ quan tâm đến việc nấu món ăn Pháp, ông ta thậm chí không phát âm nổi hai chữ au gratin. Nhưng ông ta kiếm được công việc này bởi vì ông ta là người trưởng thành, đã có gia đình, có vợ và hai con gái sống ở một ngôi làng gần đó. Tôi không thích lại phải chung phòng với người khác. Tôi thích ngủ một mình ở bộ giường tầng. Có đêm tôi ngủ ở giường trên, có đêm ngủ ở giường dưới.

Ngay từ đầu tôi đã cảm thấy không ưa Jai. Ông ta có đôi mắt gian giảo. Ông ta hút thuốc vụng trong phòng (không được phép hút thuốc trong nhà của đại tá Taylor). Và ông ta đối xử với tôi như với người hầu. “Tham vọng trong cuộc đời cậu là gì?” ông ta hỏi tôi như một giáo viên ở trại giáo dưỡng.

“Sở hữu một chiếc xe Ferrari màu đỏ,” tôi nói dối. “Thế còn tham vọng của ông?”

Ông ta đốt một điếu thuốc nữa và phả khói trong miệng ra thành những vòng tròn. “Tôi muốn mở một gara, nhưng việc đó sẽ tốn tiền đấy. Tôi có một người bạn rất giàu tên Amar, và cậu ấy hứa rằng nếu tôi có thể thu xếp được một nghìn năm trăm, thì cậu ấy sẽ đóng góp số còn lại. Cậu nghĩ những người da trắng này có bao nhiêu tiền để trong nhà?”

Tôi ngậm miệng. Vậy ra ngay từ tuần đầu tiên ông Jai đã bắt đầu lập mưu đồ cho một vụ trộm cắp. Chắc chắn ông ta không biết về Người Biết Tuốt. Ông ta sẽ sớm biết thôi.

Đại tá Taylor bắt đầu những cuộc đi dạo sáng sớm cùng con Rover tới công viên Lodhi gần nhà. Cho đến khi chính quyền Delhi ban hành một luật mới theo đó người mang chó đi cùng phải hót phân mà con chó của mình bậy ra nếu không sẽ bị phạt nặng. Từ đó trở đi tôi được lệnh đi cùng ông chủ và con chó với vai trò người dọn phân cho con Rover. Tôi ghét cái việc vặt này. Thử tưởng tượng bạn phải dậy khỏi giường từ năm giờ ba mươi rồi cầm xẻng và chảo chạy theo sau một con chó ngu xuẩn, bẩn thỉu cứ hai phút lại bậy một lần mà xem. Tuy nhiên, công viên Lodhi là một nơi thật tuyệt để đi dạo vào buổi sáng. Nó có nhiều cây xanh và ngay trung tâm có một tượng đài cổ đổ nát được gọi là Bara Gumbad. Vào buổi sáng công viên đông nghịt người chạy bộ. Tôi nhìn thấy những bà già béo phị tập yoga, những cô gái gầy gò như thể thiếu cơm tập thể dục nhịp điệu. Tôi cũng bắt đầu để ý thấy đại tá Taylor thỉnh thoảng biến mất khỏi tầm mắt của tôi một lúc lâu trong khi tôi bận hót phân của con Rover. Điều đó khiến tôi tò mò, vậy nên một buổi sáng tôi để mặc con Rover tự xoay xở lấy rồi đi theo đại tá Taylor. Tôi thấy ông ấy đi qua tượng đài Bara Gumbad và tiến về phía một bụi cây nhỏ. Tôi nhòm ra từ sau một bụi cây rậm rạp và thấy ông ấy đến gặp chính cái người Ấn Độ làm ở Bộ Quốc phòng đã đến dự bữa tiệc ngoài trời hôm nào.

“Ông Kumar, ông có biết tối qua tôi đã đi theo ông từ nhà ông ở South Ex tới tận cửa hàng kẹo mà ông không hề hay biết không?” đại tá Taylor nói.

Jeevan Kumar toát mồ hôi và rõ ràng đang bồn chồn lo lắng. Ông ta có vẻ rất hối lỗi. “Ồ, tôi thực sự xin lỗi, ngài đại tá. Từ nay về sau tôi sẽ cẩn thận hơn. Tôi biết chúng ta không nên để mọi người nhìn thấy chúng ta gặp nhau.”

“Tất nhiên, ông Kumar, điều đó thì khỏi phải nói. Nhưng nếu ông tiếp tục sơ suất với sự an toàn của mình thì tôi e rằng chúng ta sẽ phải chấm dứt những cuộc gặp gỡ trực tiếp như thế này. Hãy nhớ một luật lệ đơn giản: RVHĐ.”

“RVHĐ? ”

“Đúng. Rối vết, hết đuôi. Luật này thực ra rất đơn giản. Nó có nghĩa là ông không bao giờ được phép đi thẳng một lèo tới đích đến của mình. Hãy đổi đường, đổi xe, lẩn vào một quán bên đường, ra khỏi một quán khác, làm bất cứ điều gì để làm rối tung dấu vết của mình. Một khi ông đã làm được điều đó rồi thì sẽ cực kỳ khó để người khác bám theo ông. Cho dù người bám theo ông có là ai đi nữa thì cũng sẽ bỏ cuộc thôi.”

“OK, ngài đại tá, tôi sẽ ghi nhớ điều đó. Nhưng hãy để tôi báo cho ngài một tin tốt lành. Tôi nghĩ tôi sẽ có thể trao cho ngài những gì mà bấy lâu này ngài vẫn muốn nhận từ tôi. Hãy gặp tôi vào thứ Sáu ngày mười bốn tại bãi đỗ xe phía sau Balson ở South Ex. Thường thì chỗ đó khá vắng người. Hãy gặp nhau lúc tám giờ. OK?”

“OK.”

Cuộc gặp kết thúc. Tôi vội chạy trở về chỗ con Rover trước khi đại tá Taylor quay lại.

Thứ Sáu ngày mười bốn, mắt tôi mở to và tai tôi trở nên thính nhạy hơn. Vào buổi sáng đại táTaylorđã nói rõ các kế hoạch của mình với vợ. “Tùy viên thương mại mới McGill muốn tôi đưa ông ấy đi thăm một số nơi trong thành phố sau giờ làm. Vậy nên tôi sẽ về muộn một chút, Rebecca ạ. Đừng đợi tôi về ăn tối.”

“Được thôi. Vợ của ngài đại sứ mời em tới chơi bài brit, vậy nên tối nay em cũng sẽ ra ngoài,” bà Taylor nói.

Tôi có thể rút ra kết luận. Tại sao đại táTaylorlại nói dối vợ về cuộc gặp gỡ của ông. Ngày hôm đó sự kính trọng tôi dành cho ông đã không còn nữa. Tôi cảm thấy rất buồn cho bàTaylor.

Sau Ramu, giờ thì đến lượtRoy. Đại táTaylorbắt gặp cậu ấy đang hôn Shanti trong phòng ngủ của cậu ấy. Shanti lấy người mẹ đã khuất của chị ấy ra mà thề rằng không có chuyện gì xảy ra giữa mình và cậu chủ Roy và rằng đó là lần đầu tiên Roy hôn chị - và rằng chuyện đó chỉ là do sơ suất thôi. Nhưng mọi lời van xin của chị đều vô ích. Kết quả đúng như dự đoán: bị sa thải ngay lập tức. Nhưng ít ra chị cũng được nhận tiền công. Roy có thể sẽ phải chịu một trận đòn vì đã quá thân mật với “bọn người Ấn khốn kiếp” và cậu ấy sẽ không được đi mua sắm ở Kids Mart nữa. Tôi quyết định không làm công việc lau dọn trong phòng của Maggie trong mười ngày tới như một biện pháp phòng ngừa.

Nếu cứ làm công việc đó thì có lẽ tôi đã cứu được cô. Bởi vì chỉ hai tuần sau chuyện của Roy, chị gái cậu ấy bị tóm sống. Người Biết Tuốt thu được bằng chứng không thể chối cãi rằng cô đã hút thuốc trong phòng bất chấp những chỉ thị nghiêm khắc. Maggie cố chối tội nhưng đại tá Taylor đưa ra một bao thuốc mà cô đã giấu trong tủ và thậm chí cả những mẩu thuốc mà cô đã quên không vứt đi. Sự việc đó cũng là dấu chấm hết đối với những chuyến đi mua sắm ở Kids Mart của Maggie.

Cho dù bạn có tin hay không, hai tháng sau đại tá Taylor bắt quả tang một người khác lừa dối. Vợ của ông ấy. Bà Rebecca Taylor. Hóa ra bà ấy có quan hệ yêu đương với một người ở đại sứ quán. “Đồ chó đẻ!” ông ấy gầm lên trong phòng ngủ của họ. “Tôi sẽ trừng phạt cô cùng gã nhân tình ngu đần của cô.” Tôi nghe thấy tiếng tát và tiếng vật gì đó bị vỡ, hình như là một lọ hoa. Tối hôm đó bà Taylor không xuống ăn tối. Maggie và Roy cũng giữ khoảng cách với bố. Tôi không thể không cảm thấy thương xót bà Taylor. Chồng bà ấy đã phát hiện ra chuyện dan díu nhỏ nhặt của bà ấy nhưng bà ấy thì không hề biết tí gì về bí mật dơ dáy của ông. Tôi muốn vạch trần bí mật của đại tá Taylor. Chuyện ông ấy gặp ông già Jeevan Kumar trong bãi đỗ xe vắng người. Nhưng há miệng mắc quai và tôi cứ bị giày vò bởi một nỗi sợ thường trực rằng một ngày nào đó Người Biết Tuốt sẽ phát hiện ra chuyện tôi đã đẩy Shantaram qua đoạn chắn cầu thang. Rằng có thể ông ấy biết những điều về tôi mà thậm chí tôi không biết.

Trong khi những chuyện điên rồ ấy xảy ra trong gia đình Taylor, Jai làm tôi phát cáu. Thức ăn ông ta nấu vốn đã tồi giờ càng tồi hơn. Món xúp loãng của ông ta chẳng có mùi vị gì, món ca ri làm tôi khó chịu và ngay cả con Rover cũng không chịu ăn món thịt hầm của mình. Ông ta cứ lải nhải khiến tôi chán muốn chết về cái gara ngớ ngẩn và việc kiếm một nghìn năm trăm rupi. Tôi suýt nữa đã quyết định than phiền với đại tá Taylor về ông ta thì bi kịch xảy ra với gia đình này. Mẹ của đại tá Taylor qua đời ở Adelaide. Mọi người đều rất buồn. Lần đầu tiên chúng tôi thấy mặt yếu đuối của viên sĩ quan quân đội. “Tất cả chúng tôi sẽ đi vắng một tuần,” ông ấy nói với Jai bằng giọng khẽ khàng. “Nhà sẽ được khóa lại. Ông và Thomas có thể ăn ở ngoài.” Maggie và Roy đang khóc. Mắt bà Taylor đỏ hoe. Tất nhiên, Bhagwati cũng khóc. Thậm chí mắt tôi cũng nhòa lệ. Chỉ có một người duy nhất mỉm cười ranh mãnh sau bức tường bếp. Đó là Jai.

Đêm đó Jai đột nhập vào nhà Taylor. Ông ta không vào phòng của hai người con hay phòng ngủ của ông chủ. Ông ta đi thẳng đến Cấm địa. Trước hết ông ta ngắt điện ở nguồn. Sau đó ông ta làm chập điện ở bảng điện tử, cắt khóa bằng một cái cưa, đẩy tấm lưới sắt sang một bên và dùng lực đẩy cánh cửa gỗ bật ra.

Tôi bị đánh thức bởi tiếng thét ghê rợn vọng tới từ nhà chính của gia đình Taylor. Ba giờ sáng tôi chạy vào nhà và phát hiện những gì Jai gây ra. Ông ta đang ở trong Cấm địa, đập đầu bôm bốp vào tường. “Lũ khốn kiếp. Chúng sống như vua chúa, thế mà không có một xu nào trong nhà,” ông ta giận dữ.

Chuông báo động vang lên trong đầu tôi. Tôi tin rằng Người Biết Tuốt thế nào cũng phát hiện ra hành động phản bội của Jai cho dù ông ấy đang dự một đám tang cách đó mười nghìn dặm. Và rằng thế nào tôi cũng sẽ bị liên lụy.

“Jai, ông ngốc thế. Ông đã làm gì vậy?” tôi hét vào mặt ông ta.

“Chẳng có gì ngoài cái việc mà vì nó tôi đã đến đây. Tôi là một tên trộm chuyên nghiệp, Thomas ạ. Đã ngồi tù tám năm ở nhà tù Tihar. Tôi cứ nghĩ với cái hệ thống an ninh này thì lão khốn Taylor chắc hẳn cất vàng bạc châu báu trong phòng. Nhưng ở đây không có lấy một xu. Sự cố gắng của sáu tháng trời đã thành công cốc. OK, tôi sẽ sửa điện rồi sau đó sẽ chuồn. Tôi sẽ lấy cái đầu VCD và cái ti vi ba trong một ở phòng ti vi. Chúng là những thứ lặt vặt, nhưng tôi phải tôn trọng nghề nghiệp của mình chứ. Cậu có thể dọn dẹp những thứ tôi bày ra. Và nếu cậu cố gọi cảnh sát tôi sẽ bẻ gãy từng cái xương trên người cậu.”

Sau khi Jai đi khỏi đó, tôi đưa mắt nhìn quanh căn phòng. Trong phòng đầy những thiết bị trông rất lạ; những chiếc micro trông tựa những bông hoa hướng dương bé xíu, những chiếc camera thu nhỏ giống như những con mắt kỳ quái. Có những tập giấy ghi “Mật mã” với những sự kết hợp vô nghĩa của các chữ số và các chữ cái. Có một số cuốn sách: The Art of Espionage (Nghệ thuật tình báo), Essentials of a Good Counter Agent (Những yếu tố cần thiết của một điệp viên hai mang giỏi), Spying for Dummies (Làm gián điệp cho những kẻ ngốc). Có những tập giấy tờ với những cái mác như “Tối mật”, “Chỉ dành cho con mắt của riêng bạn”, những bức phác thảo đủ loại, một bức ghi “Bản thiết kế lò phản ứng hạt nhân hình ống sử dụng kỹ thuật tiên tiến” và một bức khác ghi “giản đồ tàu ngầm”. Và có một cái ngăn kéo chứa đầy những cuộn băng VHS thu nhỏ. Tôi nhìn nhãn mác trên các cuộn băng được sắp xếp theo trật tự abc: Ajay, Raj, Ramesh, Rebecca, Roy, Shanti, Stuart. Và Thomas. Được giấu trong chiếc ngăn kéo thứ hai là một chiếc đầu quay video xách tay. Bằng bàn tay run rẩy, tôi tra cuộn băng có tên mình vào đầu quay. Màn hình sống động với những hình ảnh từ căn phòng của tôi. Tôi nhìn thấy mình đang nằm trên giường, ghi chép gì đó vào cuốn sổ bìa đỏ; đang nói chuyện với Ramu; đang ngủ. Tôi tua nhanh cuốn băng để xem có hình ảnh nào của Shantaram trong đó hay không. Sau đó tôi tra cuốn băng có tên bà Taylor vào đầu quay. Bà ấy đang ngồi trên giường. Một người đàn ông lén lút bước vào và ôm bà ấy trong vòng tay. Tôi chỉ có thể nhìn thấy lưng ông ta. Ông ta hôn bà ấy thật lâu và mãnh liệt. Bỗng nhiên có tiếng gõ cửa và người đàn ông đó quay đầu lại nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi sợ gần chết. Đó là ngài đại sứ. Tôi vội lấy cuộn băng ra và tắt đầu video đi. Trong hai phút tôi đứng như trời trồng, lo rằng thậm chí ngay trong phòng này cũng có một chiếc camera bí mật đang hoạt động. Rồi tôi thở thật sâu. Giờ thì tôi đã biết làm thế nào đại tá Taylor lại trở thành Người Biết Tuốt. Ông ấy đã đã đặt máy theo dõi toàn bộ ngôi nhà này và có lẽ toàn bộ Đại sứ quán. Ông ấy là một tên gián điệp. Nhưng tôi không phải là Steeve Nolan trong phim Người truy bắt gián điệp. Tôi kiếm được một nghìn năm trăm rupi mỗi tháng và tôi đã cộng được tất cả 43.500 rupi trong cuốn sổ bìa đỏ của mình. Và tôi không muốn toàn bộ số tiền này chỉ tồn tại trên giấy. Tôi muốn được chạm tay vào những xấp tiền, được sờ lên bề mặt nhẵn bóng của những tờ bạc mới cứng. Vậy nên tôi sẽ ngậm miệng. Và tôi sẽ mỉm cười mỗi khi ông bà chủ của tôi mỉm cười.

Tôi gọi vào số máy di động của đại táTaylor. “Tôi xin lỗi đã làm phiền ông, thưa ông, nhưng trong nhà đã xảy ra một vụ trộm. Jai đã lấy chiếc đầu quay VCD và cái ti vi ba trong một. Và ông ta cũng đã đột nhập vào Cấm địa.”

“Gì hả???”

“Đúng vậy, thưa ông. Tôi rất tiếc, thưa ông.”

“Này, Thomas, đây là những gì tôi muốn cậu làm. Tôi muốn cậu bảo đảm an toàn cho Cấm địa ngay lập tức. Bỏ cái khóa gãy đi. Cậu không cần vào trong phòng. Chỉ việc dùng một cái khóa khác, khóa cửa phòng lại và không cho bất cứ ai vào phòng. Một điều rất quan trọng là cậu không được gọi cảnh sát. Nếu chuông báo động kêu, chỉ cần nhập mật mã sau lên bàn phím trên cửa: 0007. Cậu nghe rõ chưa: 0007 và nó sẽ ngừng kêu. Tôi sẽ lên máy bay về ngay lập tức và chiều mai sẽ có mặt ởDelhi. Nhưng tôi muốn cậu đảm bảo rằng không một ai vào Cấm địa cho đến khi tôi trở về. Cậu hiểu chưa?”

“Hiểu rồi, thưa ông.”

Đại táTaylortrở vềDelhi, thậm chí không dự đám tang của mẹ mình. Taxi vừa dừng lại trước nhà ông ấy đã chạy bổ vào Cấm địa. Rồi ông ấy đi ra trông có vẻ nhẹ nhõm. “Ơn Chúa, không thứ gì trong phòng bị lấy đi. Làm tốt lắm, Thomas. Tôi biết có thể tin cậy cậu mà.”

Hơn sáu tháng sau, cuộc sống của tôi trượt trở lại chính cái lối mòn cũ như trước đây. Một người đầu bếp mới được thuê vào làm, một người không hề dính dáng đến nhà tù Tihar. Bhagwati bị đuổi việc vì đã dùng xe cho một đám cưới trong gia đình anh ta mà không xin phép. James, bạn trai mới của Maggie, bị phát hiện và bị cấm không được bước chân vào nhà.Roybị bắt quả tang đang sử dụng thuốc phiện và bị đánh đòn. Bà Taylor và chồng tiếp tục nói với nhau theo cái kiểu khách sáo tẻ lạnh. Tôi đoán đại táTaylorvẫn tiếp tục gặp Jeevan Kumar trong những con hẻm hẻo lánh và những bãi đỗ xe vắng người.

Maggie vàRoyđang chơi trò đố chữ trong phòng khách. Họ rủ tôi chơi cùng. Nhờ chơi trò này với họ tôi đã học được nhiều từ mới, chẳng hạn như từ “bingle”, từ “brekkie”, “chalkie”, “dosh”, “skite”, và “spunk”. Maggie luôn giành chiến thắng. Vốn từ vựng của cô ấy thực sự tốt. Cô ấy là người duy nhất biết những từ có tám chữ cái và có lần cô ấy ghép được một từ có chín chữ cái. Tôi là người chơi kém nhất. Tôi ghép được những từ “go”, “eat”, “sing” và “last”. Năm thì mười họa tôi cũng ghép được những từ có sáu hoặc bảy chữ cái nhưng rốt cuộc vẫn là người ghi được ít điểm nhất. Đôi khi tôi nghĩRoymời tôi làm người chơi thứ ba chỉ để cậu ấy không phải về bét. Hôm nay, các chữ cái của tôi không được tốt. Có nhiều chữ X, J, K, và L. Trò chơi sắp kết thúc. Maggie đã có 203 điểm,Roycó 175 điểm và tôi có 104 điểm. Bảy chữ cái cuối cùng của tôi là G, P, E, E, S,AvàI.Tôi đang nghĩ mình sẽ ghép chữ “page” hoặc chữ “see”. Rồi Roy sử dụng một chữ O từ một trong những từ của Maggie để ghép thành chữ “on” và thế là tôi chợt nhớ ra. Tôi đặt chữ E, S, P và chữ I trước chữ O và đặt chữ A, G, E sau chữ N. “Espionage”. Từ đó được tổng cộng mười bảy điểm và được nhân ba vì nó nằm trong một ô vuông màu đỏ và được cộng thêm năm mươi điểm bởi nó chiếm tất cả bảy ô vuông. 101 điểm. Chịu thua đi, Maggie!

Tôi lượn lờ quanh máy điện thoại cả ngày. Maggie đang đợi James gọi và cô ấy giao cho tôi nhấc máy điện thoại trước khi bố cô ấy làm việc đó từ Cấm địa. Cuối cùng, lúc bảy giờ mười lăm, chuông điện thoại reo. Nhanh như cắt tôi nhấc ống nghe lên. Nhưng ôngTaylorvẫn nhanh tay hơn tôi. “Xin chào,” ông ấy nói.

Có tiếng thở hổn hển từ đầu dây bên kia. Rồi giọng nói của Jeevan Kumar vang lên trong ống nghe. “Gặp tôi ngày mai, thứ Năm, vào tám giờ tối tại quán kem Kwality gần Indian Gate. Tôi có một thứ tuyệt vời.”

“Tốt,” đại táTaylornói và dập máy.

Đại tá Taylorngồi trong phòng khách với chai bia Foster, xem tập mới nhất của bộ phim Người truy bắt gián điệp. Lần này Steve Nolan thực sự ở vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Anh đã phát hiện ra người bạn thân nhất của mình, người cùng học đại học với anh, người phù rể tại đám cưới của anh, là một tên gián điệp. Anh rất buồn. Anh không biết phải làm gì. Anh ngồi tại một quầy bar trong tình trạng bơ phờ và uống rất nhiều whisky. Sau đó người phục vụ ở quầy bar nói với anh, “Ngoài kia là thế giới bẩn thỉu, nhưng nếu không ai chịu làm công việc dọn dẹp thì cả đất nước này sẽ biến thành cái nhà xí.” Steve Nolan nghe thấy thế liền phấn chấn lên. Anh phóng tới nhà tên gián điệp trên chiếc Ferrari màu đỏ. “Cậu là một người đàn ông tốt làm một việc xấu,” anh nói với bạn mình trước khi rút súng ra. “Tình bạn là quan trọng. Nhưng tổ quốc là trên hết. Tôi xin lỗi,” anh nói và bắn chết người bạn.

Mười giờ đêm hôm sau, một chiếc xe jeep của cảnh sát và một chiếc xe của đại sứ quán có gắn đèn đỏ nhấp nháy phanh kít trước nhà. Chính viên thanh tra đã bắt Ramu bước ra, cùng với cảnh sát trưởng. Đại tá Taylorđi cùng họ, trông giống như Steve Nolan lúc ở quầy bar. Chưa tới mười phút sau, ngài đại sứ cũng đến, trông rất dữ tợn. “Gì thế này?” ông ta hỏi cảnh sát trưởng. “Tại sao đại tá Taylor lại bị tuyên bố là persona non grata(1)_ và bị Bộ Ngoại giao yêu cầu phải rời khỏi nước này trong vòng bốn mươi tám tiếng?”

“Ồ, thưa ngài kính mến, chúng tôi có bằng chứng cho thấy nhân viên của ngài dính líu vào các hoạt động không thích hợp với vị trí ngoại giao của ông ta. Tôi e rằng ông ta sẽ phải rời khỏi nước này,” viên cảnh sát trưởng đáp.

“Nhưng ông ấy bị buộc tội gì?”

“Chúng tôi bắt quả tang ông ta đang nhận những tài liệu nhạy cảm từ một người đàn ông tên là Jeevan Kumar, một thư ký của Bộ Quốc phòng.”

Đại táTaylortrông tái mét. Ông ấy không nói những người Ấn Độ này là những kẻ bịa chuyện khốn kiếp. Ông ấy cứ đứng ở giữa phòng khách với mái đầu cúi gục.

Ngài đại sứ bật ra một tiếng thở dài. “Tôi phải nói rằng trong suốt bao nhiêu năm làm đại sứ, đây là lần đầu tiên một nhân viên của tôi bị coi là nhà ngoại giao không được chấp nhận. Và hãy tin tôi, Charles không phải là gián điệp. Nhưng nếu ông ấy phải đi, thì ông ấy phải đi.” Rồi ông ta kéo ông cảnh sát trưởng ra một chỗ. “Ông Chopra, trong những năm qua tôi đã gửi cho ông không biết bao nhiêu thùng rượu Black Label rồi. Ông có thể cho tôi một ân huệ và trả lời một câu hỏi của tôi được không?”

“Chắc chắn là được chứ.”

“Tôi chỉ hỏi để biết thôi, ông có thể nói cho tôi hay, làm thế nào mà ông biết về cuộc gặp tối hôm nay của Charles? Liệu có phải ông bạn Kumar đã dẫn ông tới bắt ông ấy không?”

“Ông hỏi kỳ thật. Không phải là Jeevan Kumar đâu. Hoàn toàn ngược lại, đó là một trong những người của ông ấy. Sáng nay người đó đã gọi điện cho thanh tra Tyagi và nói với ông ấy hãy đến India Gate lúc tám giờ tối để bắt quả tang đại táTaylorđang nhận một số tài liệu mật.”

“Tôi không tin. Sao ông dám chắc đó là một ngườiAustraliachứ?”

Thanh tra Tyagi nói chen vào. “Ồ, thưa ngài đại sứ, giọng nói của người đó là một sự tố cáo chết người. Người đó nói như thế này, ‘G’day maite, go to India Gate, tonight at aite.’ Ý tôi là, chỉ ngườiAustraliamới nói như thế, đúng không nào?

Ngày hôm sau, đại tá Taylorrời Delhimột mình trên một chuyến bay của hãng Qantas. Bà Taylor và hai đứa con sẽ đi sau. Tôi cũng sắp rời khỏi nhà Taylor. Với ba chiếc móc đeo chìa khóa, sáu cái áo phông, ba mươi cuốn tạp 104d chí Địa lý Australia mà tôi sẽ bán cho một người mua đồng nát. Và 52.000 rupi. Những tờ bạc mới cứng.

Tôi tạm biệt gia đìnhTaylor.Royxử sự như một kẻ quái gở. Từ khi bắt đầu dùng ma túy cậu ấy trở nên điên điên khùng khùng. Maggie thì quấn lấy James. Và tôi không cần phải lo lắng cho bàTaylor. Tôi tin rằng có ngài đại sứ ở bên, mọi chuyện với bà ấy sẽ ổn cả thôi. Còn tôi, tôi sẽ đi gặp Salim ở Mumbai. Đó sẽ là một điều tuyệt vời!

Smita nhìn đồng hồ đeo tay. Nó chỉ một giờ ba mươi sáng. “Cô có chắc là cô muốn nghe tôi kể tiếp không?”

“Chúng ta có sự lựa chọn ư?” cô ấy đáp. “Ngày mai họ sẽ ban lệnh bắt giữ chính thức đối với cậu.” Cô ấy lại nhấn nút “Play”.

Chúng tôi lại đang ở trong khoảng thời gian giải lao dành cho quảng cáo. Prem Kumar gõ ngón tay xuống mặt bàn. “Thomas, cậu biết cuối cùng may mắn của cậu cũng hết rồi. Tôi sẵn sàng đánh cược với cậu rằng cậu không thể trả lời được câu hỏi tiếp theo. Vậy hãy chuẩn bị sử dụng một trong những sự trợ giúp của mình đi.”

Nhạc hiệu nổi lên.

Prem Kumar quay sang tôi. “Giờ chúng ta sẽ chuyển sang câu hỏi số năm với mức thưởng năm mươi nghìn rupi. Đây là một câu hỏi thuộc lĩnh vực ngoại giao. Khi một chính phủ tuyên bố một nhà ngoại giao là persona non grata, thì điều đó có nghĩa là gì? Điều đó có nghĩa rằng a) Nhà ngoại giao đó được trọng vọng, b) Nhiệm kỳ của nhà ngoại giao đó được kéo dài, c) Nhà ngoại giao đó được biết ơn hay d) Nhà ngoại giao đó không được chấp nhận? Anh đã hiểu câu hỏi rồi chứ, anh Thomas?”

“Vâng,” tôi đáp.

“OK. Vậy thì hãy cho chúng tôi biết câu trả lời của anh. Hãy nhớ là anh vẫn còn nguyên hai quyền trợ giúp. Anh có thể sử dụng quyền trợ giúp từ người thân hoặc có thể yêu cầu sự trợ giúp năm mươi năm mươi và tôi sẽ bỏ đi hai câu trả lời sai, để lại cho anh hai sự lựa chọn. Anh nói gì nào?”

“Tôi nói D.”

“Xin lỗi, gì cơ?”

“Tôi nói D. Nhà ngoại giao không được chấp nhận.”

“Đó là một phỏng đoán phải không? Xin nhớ rằng anh sẽ để mất mười nghìn rupi anh vừa giành được nếu trả lời sai. Vậy nên nếu muốn, anh có thể dừng cuộc chơi ngay bây giờ.”

“Tôi biết câu trả lời. Đó là D.”

Một số khán giả há hốc miệng vì kinh ngạc.

“Anh hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm chứ?”

“Vâng.”

Tiếng trống dồn nổi lên. Câu trả lời đúng nhấp nháy trên màn hình.

“Chính xác một trăm phần trăm! Anh vừa giành được năm mươi nghìn rupi!” Prem Kumar tuyên bố. Khán giả đứng dậy hoan hô. Prem Kumar lau mồ hôi trên trán. “Tôi phải nói rằng, thật xuất sắc,” anh ta nói to. “Tối nay anh Thomas dường như là Người Biết Tuốt.”

Hết chương 6. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.



Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27930


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận