Triệu Phú Ổ Chuột Chương 7


Chương 7
Hãy giữ lấy cúc áo của cậu.

Khallas. Thôi đi,” tôi dằn từng tiếng. “Đừng uống thêm whisky nữa. Quầy bar đóng cửa rồi. Về nhà đi.”

“Khô...ôngggg. Si...n đừng nói vậy. Cho tôi thên một ny nữa đi. Ny cuốn cùng,” người khách nài nỉ và giơ chiếc cốc không của ông ta ra. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay. Đã mười hai giờ bốn mươi lăm phút trưa rồi. Thực ra, quầy bar mở cửa tới một giờ. Với vẻ mặt nhăn nhó, tôi cầm chai rum Black Dog lên. “Một trăm rupi, thưa ông,” tôi yêu cầu. Người đàn ông móc từ trong túi áo ra một tờ bạc nhàu nhĩ và tôi rót vào chiếc cốc một lượng rượu được cẩn thận đong vừa đủ.

“Cáng ơn kậu, kậuuuu phục vụ,” ông ta nói, tợp một hớp rượu rum rồi đổ sụp xuống bàn, thả cốc rượu vỡ tan tành trên sàn nhà, đánh đổ chai sô đa và làm bát nước chấm bị lật úp. Chỉ vài giây sau là ông ta sẽ ngủ khì. Giờ tôi không chỉ phải dọn dẹp cái đám bừa bộn do ông ta gây ra mà còn phải gọi taxi, giúp ông ta ra xe và bằng cách nào đó gửi ông ta về nhà. Và mặc dầu đã đủ thông minh để buộc ông ta trả trước tiền rượu, tôi có thể quên khoản tiền boa từ vị khách này đi.

Có khi tôi còn bị đổ lỗi vì đã để tình hình thành ra thế này ấy chứ. Khách hàng này bộc lộ rõ ràng mọi dấu hiệu cho thấy ông ta có thể gục tại chỗ bất cứ lúc nào. Vậy mà tôi cứ tưởng ông ta có thể chịu nốt ly cuối cùng. Như thường thấy, tôi đã sai.

Thậm chí sau hai tháng làm việc tại quầy bar kiêm nhà hàng Jimmy, tôi vẫn không thể xác định được một cách chính xác tửu lượng của người khác. Mặc dầu tôi đã đúc rút được cả một hệ thống phân loại gần đúng về những kẻ say xỉn. Đứng đầu danh sách của tôi là ngựa. Những người này có thể uống tới tám cốc mà vẫn chưa nói líu nhíu. Tiếp đó đến lừa, mới nốc được hai ba cốc đã bắt đầu kêu be be, nói lảm nhảm hoặc trở nên ủ dột, ủy mị và bắt đầu khóc. Rồi đến chó. Càng uống nhiều thì những người này càng máu cãi lộn hoặc đánh nhau. Một số người còn cợt nhả với Rosie. Xếp sau họ là gấu, cứ rượu vào là dễ lăn quay ra ngủ. Và xếp cuối danh sách là lợn. Những người này nôn thốc nôn tháo sau khi uống cốc cuối cùng. Sự phân loại này không được chặt chẽ cho lắm. Tôi đã thấy những khách hàng bắt đầu như ngựa nhưng lại kết thúc như lợn. Và chó lại hóa thành gấu. Ơn trời, vị khách này kết thúc là gấu chứ không phải lợn.

Tôi tống khứ kẻ say xỉn cuối cùng đi và nhìn đồng hồ treo tường. Đã một giờ mười rồi. Từ hôm Rosie và bố cô ấy đi nghỉ ở Goa, hầu như hôm nào cũng phải sau nửa đêm tôi mới trở về căn phòng bé tí hin của mình trong một ngôi nhà ở Dharavi. Một phần là lỗi ở tôi. Nếu không khoe với người quản lý rằng tôi biết pha rượu và định lượng whisky bằng vạch định mức trên cốc, rằng tôi có thể phân biệt được Campari pha sô đa với rượu Bloody Mary, thì tôi đã chẳng bị người ta giao cho vị trí phục vụ quầy bar trong thời gian Alfred vắng mặt.

Quán bar kiêm nhà hàng Jimmy ở Colaba có những bức tranh đã phai màu treo trên tường, những chiếc gương sau quầy bar, đồ nội thất bằng gỗ chắc nịch và thực đơn ngon nhất Nam Mumbai. Vì thức ăn ở đó rất ngon mà giá lại rẻ nên quán thu hút được các khách hàng thuộc mọi thành phần. Vào bất kỳ ngày nào bạn cũng có thể thấy một nhà quản lý hàng đầu đang mân mê ly rượu tại quầy bar bên cạnh một công nhân hạng xoàng. Người quản lý khăng khăng bắt chúng tôi phải khơi mào cho những cuộc chuyện trò với khách hàng ở quầy bar bởi vì khi có bạn người ta sẽ uống hăng hơn. Bố của Rosie, ông Alfred D’Souza hom hem phục vụ quầy bar, vốn rất giỏi tán gẫu với khách quen. Ông ấy thuộc tên hầu hết khách quen và thường ngồi với họ hàng giờ, lắng nghe những câu chuyện ai oán của họ và đều đặn bổ sung hóa đơn thanh toán tiền rượu của họ. Chính Rosie cũng đang trở thành một cô phục vụ khá thạo việc ở quầy bar. Cô ấy ngồi tại quầy bar, mặc chiếc áo cổ trễ và váy bó, chốc chốc lại cúi xuống làm lộ rãnh ngực và dụ dỗ khách gọi thêm rượu whisky nhập khẩu đắt đỏ thay vì các loại rượu rẻ tiền của Ấn Độ. Mặc dầu vậy, thỉnh thoảng trò hề của cô cũng khiến cô gặp rắc rối với những khách hàng thô lậu tưởng cô là gái gọi rẻ tiền. Những lúc như thế tôi lại phải vào vai một nhân viên dẹp loạn không chính thức.

Ông Alfred D’Souza nghĩ giữa Rosie và tôi có gì đó mờ ám nên bất cứ khi nào cô ấy quanh quẩn cạnh quầy bar là ông ấy lại nhìn tôi như một con diều hâu. Ông ấy nhầm to. Rosie là một cô gái dễ thương. Cô ấy thấp và có bộ ngực đồ sộ. Cái cách cô ấy nghiêng đầu và thỉnh thoảng nháy mắt với tôi khiến tôi cảm thấy hình như cô ấy đang cố phát tín hiệu cho tôi. Nhưng tâm trí tôi không có khả năng tiếp nhận tín hiệu đó. Tâm trí tôi đầy ắp ký ức về một người duy nhất: Nita. Các bác sĩ ở Agra nói rằng phải mất ít nhất bốn tháng Nita mới lành các vết thương. Và tôi biết Shyam sẽ không bao giờ cho phép tôi gặp cô ấy. Đó là lý do tôi quay về Mumbai: để xua đi những bóng ma từ Agra, cả của người sống lẫn người chết. Nhưng tôi không thể chạy trốn khỏi quá khứ của chính mình trong cái thành phố này. Những ký ức của quá khứ rình rập tôi tại mọi xó xỉnh. Shantaram, nhà thiên văn học thất bại, chế nhạo tôi trên các con phố. Neelima Kumari, nữ diễn viên điện ảnh, gọi tôi trên chuyến tàu hỏa địa phương. Và Salim, bạn của tôi, nhìn tôi từ mọi tấm biển quảng cáo. Nhưng tôi đã đi đến một quyết định mang tính lý trí rằng tôi sẽ không gặp Salim. Tôi không muốn cậu ấy bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc sống điên rồ và những kế hoạch điên rồ của tôi.

Tôi sống giữa Mumbai, ở một xó xỉnh được gọi là Dharavi, trong một túp lều chật chội rộng ba mươi mét vuông, không có ánh sáng tự nhiên hay hệ thống thông gió, với những mảnh kim loại khía rãnh ghép thành mái che trên đầu. Mái lều đó rung lên bần bật mỗi khi có một chiếc tàu hỏa chạy qua phía trên. Không có nước máy và không có hệ thống vệ sinh. Đây là tất cả những gì tôi có thể trang trải được. Nhưng không phải chỉ có mình tôi ở Dharavi. Có cả triệu người giống như tôi, nhồi nhét trong cái khu đất đô thị hình tam giác rộng hai hecta lầy lội, hoang hóa, nơi chúng tôi sống như những con thú và chết như những con côn trùng. Những người di cư cơ cực từ mọi miền đất nước chen nhau để giành lấy một mảnh trời con con cho riêng mình trong cái khu ổ chuột lớn nhất châu Á này. Ngày nào cũng xảy ra cãi cọ - vì từng centimet không gian, vì một xô nước - nhiều khi trở nên gay gắt khủng khiếp. Dân cư của Dharavi đến từ những nơi tù túng bẩn thỉu của Bihar và UP, Tamil Nadu và Gujarat. Họ đến Mumbai, thành phố vàng, ôm ấp trong tim giấc mơ làm giàu và được sống cuộc sống của những người thuộc tầng lớp trung-thượng lưu. Nhưng vàng đã biến thành chì từ lâu, bỏ lại những trái tim héo mòn và những bộ óc thối rữa. Giống như trái tim và bộ óc của tôi.

Dharavi không phải nơi dành cho những kẻ kén cá chọn canh. Trại giáo dưỡng Delhi khiến chúng tôi bị thu nhỏ, nhưng môi trường đô thị dơ dáy và tàn nhẫn của Dharavi làm chúng tôi u mê và hạ thấp giá trị của chúng tôi. Những cái cống hở của nó tràn trạt muỗi. Những nhà vệ sinh công cộng hôi thối đầy ặc phân nhung nhúc chuột khiến bạn giảm bớt suy nghĩ về mùi thối mà tăng cường suy nghĩ đến việc bảo vệ cái mông của mình. Hàng đống rác thải bẩn thỉu nằm chềnh ềnh ở mọi góc, và từ đám rác rưởi ấy những người bới rác vẫn cố tìm kiếm thứ gì đó còn sử dụng được. Có nhiều khi bạn phải nhịn thở khi len chân qua những ngõ hẻm chật hẹp và bí bách của nó. Nhưng đối với những cư dân đang chết đói của Dharavi, nơi đây là nhà.

Giữa những tòa nhà chọc trời hiện đại và những khu thương mại tắm trong ánh đèn neon của Mumbai, Dharavi nằm đó như một khối u giữa lòng thành phố. Ấy vậy mà thành phố không chịu thừa nhận nó. Vì thế nó bị đặt ngoài vòng pháp luật. Tất cả những ngôi nhà ở Dharavi đều là “nhà xây dựng trái phép” có khả năng bị phá dỡ bất cứ lúc nào. Nhưng khi mà các cư dân của nó còn đang phải đấu tranh chỉ để tồn tại qua ngày, họ không quan tâm đến điều đó. Vậy là họ sống trong những căn nhà bất hợp pháp, dùng điện bất hợp pháp, uống nước bất hợp pháp và xem truyền hình cáp bất hợp pháp. Họ làm việc trong vô số những nhà máy và những cửa hàng bất hợp pháp của Dharavi, thậm chí họ di chuyển bất hợp pháp - không có vé - trên những chuyến tàu địa phương chạy qua khu vực này. 

Thành phố có thể đã cố tình phớt lờ sự phát triển khó chịu của Dharavi, nhưng đâu phải bị tuyên bố là bất hợp pháp thì căn bệnh ung thư sẽ được ngăn chặn. Nó vẫn cứ giết chết một cơ thể bằng thứ chất độc chậm phát tác của mình.

Hàng ngày tôi đi từ Dharavi tới quán bar kiêm nhà hàng Jimmy. Điều tốt đẹp duy nhất của việc làm thuê tại quán Jimmy là tôi không phải có mặt ở chỗ làm cho tới ít nhất giữa ngày. Nhưng đây là sự bù đắp cho những đêm khuya tôi phải thức phục vụ không biết bao nhiêu kẻ thô lậu say xỉn đến từ khắp nơi trong thành phố và nghe những câu chuyện ai oán của họ. Tôi rút ra một kết luận rằng rượu là đấng công bằng vĩ đại. Bạn có thể là người phụ trách quảng cáo chuyên nghiệp hay một anh thợ đúc tầm thường, nhưng nếu không cầm nổi ly rượu thì bạn chỉ là một kẻ say xỉn mà thôi.

Sau trải nghiệm đau buồn với Shantaram, tôi cứ nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ chịu nổi một kẻ say. Nhưng quán Jimmy là nơi duy nhất cho tôi việc làm. Tôi tự an ủi mình với ý nghĩ rằng mùi whisky dẫu sao cũng đỡ khó chịu hơn mùi hôi thối từ cái nhà vệ sinh công cộng ở gần lều của tôi và rằng nghe kẻ say nói còn đỡ đau lòng hơn nghe những câu chuyện thương tâm về hãm hiếp, gạ gẫm, ốm đau và chết chóc ngày nào cũng ra rả trong các căn lều của Dharavi. Vậy là giờ đây tôi đã học được cách giả bộ quan tâm và nói “Ừm”, “Đúng”, “Thật ư?”, “Ôi chao!” trước những câu chuyện về các bà vợ lừa dối và các ông chủ keo kiệt được kể hàng đêm tại quán bar kiêm nhà hàng Jimmy, trong khi cùng lúc khuyến khích khách hàng gọi thêm một đĩa gà rán, thêm một bát hạt điều muối để nhắm rượu. Và ngày nào tôi cũng mong chờ một lá thư từ những người làm chương trình ALTP, lá thư thông báo liệu tôi có được chọn tham gia chương trình hay không. Nhưng người bưu tá chẳng chuyển gì cho tôi hết.

Cảm giác thất bại bắt đầu bao phủ tâm trí tôi. Tôi cảm thấy cái mục đích rõ ràng đã dẫn dắt tôi đến Mumbai này giờ đang nằm ngoài tầm với của tôi. Tôi đang bơi ngược dòng. Dòng nước mạnh mẽ đang cuồn cuộn mà tôi thì không thể vượt qua. Nhưng rồi tôi nghe thấy tiếng kêu của Nita yêu dấu và tiếng nức nở của Neelima Kumari, vậy là sức mạnh ý chí của tôi quay trở lại. Tôi phải tham gia chương trình đó. Và cho tới khi điều đó xảy ra, tôi vẫn sẽ tiếp tục lắng nghe các câu chuyện của những kẻ say trong thành phố này. Vài chuyện hay. Vài chuyện dở. Vài chuyện khôi hài. Vài chuyện buồn thảm. Và có một chuyện hết sức quái đản.

Lúc ấy đã là quá nửa đêm, nhưng vị khách ngồi một mình tại quầy bar không chịu nhúc nhích. Anh ta đến đây trên một chiếc Mercedes có lái xe riêng hiện đang đỗ ở bên ngoài. Anh ta uống một cách đều đặn suốt từ mười giờ tối và giờ đã đến cốc thứ năm. Người lái xe mặc đồng phục đang ngáy trong xe. Có lẽ anh ta biết ông chủ của mình sẽ chẳng vội rời khỏi quán. Người đàn ông khoảng ba mươi tuổi, mặc bộ vest tối màu sang trọng, đeo cà vạt lụa và đi giày da bóng loáng.

“Anh trai yêu quý của tôi, anh trai yêu quý của tôi,” cứ độ hai phút anh ta lại nhắc câu này, giữa những hớp rượu whisky Black Label và những miếng thịt cừu nướng.

Người quản lý bật ngón tay ra lệnh cho tôi. “Thomas, đến ngồi với anh ta và hỏi han về anh trai của anh ta đi. Cậu không thấy anh bạn tội nghiệp đó đang quẫn trí sao?”

“Nhưng... thưa quản lý, giờ đã quá nửa đêm rồi. Chúng ta nên bảo anh ta về thôi nếu không tôi sẽ lỡ chuyến tàu mười hai giờ ba mươi mất.”

“Đừng có cãi lời tao nếu không tao đập bể hàm mày đấy,” ông ta gầm ghè. “Đến gợi chuyện vị khách đó đi. Mồi cho anh ta gọi rượu single malt Scotland vừa mới nhập hôm qua. Anh ta đi Mercedes tới kia mà.”

Tôi nhìn ông quản lý trừng trừng như một đứa học sinh nhìn kẻ hay bắt nạt người khác. Đầy miễn cưỡng, tôi trở lại quầy bar và tiến đến gần vị khách.

“Ôi, anh trai yêu quý, em hy vọng anh sẽ tha thứ cho em,” anh ta rền rĩ và gặm miếng thịt cừu nướng. Anh ta đang xử sự như một con lừa nhưng ít ra vẫn còn tỉnh táo, với hai cốc rượu đã ngấm vào người và ngôn từ đang tuôn ra khỏi miệng.

“Chuyện gì đã xảy ra với anh trai của ông vậy, thưa ông?” tôi hỏi.

Người đàn ông ngẩng đầu lên nhìn tôi bằng đôi mắt nửa nhắm nửa mở. “Tại sao cậu lại hỏi? Cậu sẽ chỉ làm nỗi đau tăng thêm mà thôi,” anh ta nói.

“Hãy kể cho tôi biết về anh trai của ông, thưa ông. Có lẽ việc đó sẽ làm dịu nỗi đau của ông.”

“Không. Không gì có thể làm dịu nỗi đau đó. Ngay cả whisky của cậu cũng không.”

“Được thôi, thưa ông. Nếu ông không muốn nói về anh trai của mình thì tôi sẽ không hỏi ông nữa. Nhưng còn về bản thân ông thì sao?”

“Cậu không biết tôi là ai à?”

“Không, thưa ông.”

“Tôi là Prakash Rao. Giám đốc điều hành của hãng Surya Industries. Nhà sản xuất cúc lớn nhất Ấn Độ.”

“Cúc ư?”

“Đúng vậy. Cậu biết đấy, cúc trên áo sơ mi, quần, áo khoác, váy, áo cộc tay nữ. Chúng tôi làm ra những chiếc cúc. Chúng tôi sản xuất mọi loại cúc từ mọi chất liệu. Chúng tôi chủ yếu sử dụng nhựa polyester nhưng cũng làm những chiếc cúc bằng vải, chất dẻo, da, thậm chí xương lạc đà, vỏ sừng và gỗ. Cậu đã bao giờ xem quảng cáo của chúng tôi trên báo chưa? ‘Để có được sự lựa chọn đa dạng nhất về cúc - từ cúc quần áo đến khuy kéo ngăn kéo - hãy đến với Surya. Cúc là chúng ta.’ Tôi dám chắc chiếc áo cậu đang mặc có những chiếc cúc được hãng của tôi sản xuất.”

“Thế còn anh trai ông, tên ông ấy là gì?”

“Anh trai tôi ư? Arvind Rao. Ôi, người anh tội nghiệp của tôi. Ôi, Arvind,” anh ta lại bắt đầu rền rĩ.

“Chuyện gì đã xảy ra với Arvind? Ông ấy làm nghề gì?”

“Anh ấy nguyên là ông chủ của hãng Surya Industries. Cho đến khi tôi thay thế anh ấy.”

“Tại sao ông lại thay thế ông ấy? Nào, để tôi rót cho ông một cốc từ chai single malt được chúng tôi mua trực tiếp từ Scotland nhé.”

“Cảm ơn cậu. Mùi ngon đấy. Tôi nhớ mình đã đi nghỉ tuần trăng mật ở Port Louis, Mauritius, và tại đó lần đầu tiên tôi đã nếm whisky single malt.”

“Ông đang kể về chuyện thay thế anh trai.”

“Ồ, đúng. Anh tôi là người rất tốt. Nhưng anh ấy buộc phải rời khỏi vị trí giám đốc điều hành của Surya Industries vì anh ấy bị điên.”

“Điên ư? Như thế nào chứ? Đây, một bát hạt điều mới nữa đây.”

“Đó là một câu chuyện dài.”

Tôi sử dụng một trong những câu nói của Rosie. “Đêm chưa khuya. Rượu còn đầy. Vậy sao ông không bắt đầu nhỉ?”

“Cậu là bạn của tôi ư?” anh ta nói và nhìn tôi bằng đôi mắt đờ đẫn.

“Tất nhiên. Tôi là bạn của ông,” tôi đáp kèm theo nụ cười toe toét.

“Vậy thì tôi sẽ kể cho cậu nghe chuyện của tôi, bạn ạ. Tôi say rồi, cậu biết đấy. Và người say luôn nói sự thật. Đúng không, anh bạn?”

“Đúng.”

“Vậy thì, bạn ạ, người anh của tôi, người anh yêu quý vô vàn của tôi, Arvind, là một thương nhân vĩ đại. Anh ấy gây dựng Surya Industries từ hai bàn tay trắng. Chúng tôi từng đi bán chuỗi hạt tại chợ Laadbazaar ở Hyderabad cũ. Cậu biết đấy, chỗ đó ở gần Charminar. Chính anh ấy đã cần cù gây dựng lên cái hãng kinh doanh mà giờ tôi được thừa hưởng.”

“Nhưng chắc hẳn ông đã giúp anh trai mình trong việc kinh doanh.”

“Hầu như không. Tôi là một kẻ thất bại. Thậm chí còn trượt đại học. Chính nhờ lòng cao thượng nên anh ấy mới bảo trợ cho tôi và nhận tôi vào làm ở bộ phận bán hàng của hãng. Tôi đã cố gắng hết sức và qua thời gian, càng ngày anh tôi càng tin tưởng vào năng lực của tôi. Cuối cùng anh ấy bổ nhiệm tôi vào vị trí giám đốc ngoại thương và cử tôi tới New York, nơi đặt văn phòng đại diện quốc tế của công ty.”

“New York ư? Ôi! Nơi đó chắc phải tuyệt lắm!”

“Đúng, New York là một nơi tuyệt vời. Nhưng công việc của tôi rất vất vả, phải ra ngoài hàng ngày, gặp gỡ những người bán buôn và các nhà phân phối, xử lý các đơn đặt hàng, đảm bảo giao hàng đúng thời hạn. Tôi bận từ sáng đến tối.”

“OK. Và rồi chuyện gì đã xảy ra? Xin chờ một chút, tôi sẽ mang cho ông một đĩa thịt cừu nướng nữa.”

“Cảm ơn anh bạn. Chính tại New York tôi đã gặp Julie.”

“Julie? Cô ấy là ai?”

“Tên thật của cô ấy là Erzulie De Ronceray, nhưng mọi người gọi cô ấy là Julie. Cô ấy da ngăm đen, đẹp một cách bí hiểm và gợi cảm với mái tóc quăn dày, đôi môi lúc nào cũng như hờn dỗi và eo thon gọn. Cô ấy làm công việc quét dọn trong tòa nhà nơi tôi thuê văn phòng. Cô ấy là một người nhập cư bất hợp pháp từ Haiti. Cậu đã nghe nói đến Haiti chưa?”

“Chưa. Nó ở đâu?”

“Nó là một nước nhỏ ở vùng Caribê, gần Mexico.

“OK. Vậy là ông đã gặp Julie.”

“Thỉnh thoảng tôi và cô ấy chào hỏi nhau. Một hôm Sở Di trú và Nhập tịch tóm được cô ấy đang làm việc mà không đeo thẻ xanh. Cô ấy cầu xin tôi nhận cô ấy làm nhân viên để hợp pháp hóa việc cô ấy lưu trú tại Mỹ. Lòng từ tâm dâng lên, tôi đồng ý bảo trợ cho cô ấy. Đáp lại, cô ấy cho tôi tình yêu, sự kính trọng và thứ tình dục mê ly nhất mà tôi từng nếm trải. Tin tôi đi. Tôi đang say. Người say luôn nói sự thật. Đúng không?”

“Đúng. Sao ông không làm một cốc nữa nhỉ? Rượu single malt nhập từ Scotland này thực sự ngon, đúng không?”

“Cảm ơn anh bạn. Cậu tử tế quá. Tử tế hơn Julie nhiều. Cô ta lôi kéo tôi, cậu biết đấy. Lợi dụng điểm yếu của tôi. Tôi là người đàn ông cô đơn trong một thành phố lớn. Hết chuyện này đến chuyện khác và cuối cùng tôi đã cưới cô ta.”

“Rồi sau đó ông đi nghỉ tuần trăng mật ở Port Louis, đúng không?”

“Đúng. Nhưng khi đi nghỉ tuần trăng mật trở về tôi phát hiện ra có một mặt khác đen tối hơn trong con người Julie. Tôi đến căn hộ của cô ta lần đầu tiên sau khi chúng tôi kết hôn và phát hiện ra ở đó nhan nhản thứ đồ kỳ quặc - những chai rượu rum được trang trí bằng xêquin và hạt cườm, cả một đống búp bê trông thật kỳ dị, những viên đá đủ mọi hình thù, thánh giá, trống lắc, thậm chí cả giấy làm bằng da rắn. Cô ta còn có một con mèo đen tiều tụy bẩn thỉu tên là Bossu.”

“Lần đầu tiên tôi phát hiện ra ở Julie còn có gì đó ngoài những thứ có thể nhìn thấy được là khi tôi bị một kẻ trấn lột ở Bronx tấn công bằng dao. Tôi may mắn thoát chết nhưng bị một vết thương sâu ở cánh tay. Julie không cho tôi đi bệnh viện. Thay vì thế cô ta đắp một ít thảo mộc lên cánh tay tôi rồi đọc vài câu thần chú và chỉ trong hai ngày vết thương đã biến mất, thậm chí không để lại một vết sẹo. Và lúc đó cô ta nói với tôi cô ta là một nữ tư tế voodoo.”

“Voodoo ư? Đó là gì vậy?”

“Cậu không muốn biết đâu, bạn ạ. Voodoo là một tôn giáo ở Haiti. Những người thực hành tôn giáo đó thờ những linh hồn gọi là loas và tin rằng tất thảy mọi sự vật trong vũ trụ đều có mối liên hệ với nhau. Mọi sự vật đều ảnh hưởng đến một sự vật nào đó khác. Không có gì là ngẫu nhiên, và mọi điều đều có thể. Đó là lý do những người biết voodoo có thể làm đủ mọi điều lạ thường. Chẳng hạn như khiến người chết sống lại.”

“Chắc ông đang đùa.”

“Không, không đùa chút nào. Những người chết này được gọi là zombie. Tôi đã nói với cậu là tôi say mà. Người say luôn nói thật, đúng không?”

“Đúng.” Giờ thì tôi hoàn toàn bị hút vào câu chuyện của anh ta. Tôi quên luôn cả việc mồi chài anh ta dùng thêm whisky và hạt điều.

“Julie làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Trước kia cô ta là một người phụ nữ nghèo khổ làm công việc lau dọn, nhưng giờ cô ta muốn là một phần của xã hội thượng lưu. Cô ta quên mất mình đã kết hôn với em trai của một nhà công nghiệp giàu có chứ không phải cưới chính nhà công nghiệp đó. Lúc nào cô ta cũng muốn tiền. Những đồng tiền mà tôi không thể cho cô ta bởi nó không thuộc về tôi. Nó là của anh trai tôi, của hãng.”

“Cô ta ép tôi biển thủ. Ban đầu là những khoản lặt vặt - vài đô la từ phiếu thanh toán tiền taxi giả. Sau đó là những khoản lớn hơn. Tiền nhận từ một khách hàng không được ghi vào sổ cái. Một hợp đồng được ký, tôi nhận tiền trả trước mà không gửi về trụ sở. Lâu dần, số tiền bị biển thủ đã lên tới nửa triệu đô la. Và rồi anh trai tôi, lúc ấy đang sống ở Mumbai, phát hiện ra.”

“Ôi, trời ơi! Vậy chuyện gì xảy ra sau đó?”

“Hừm, cậu nghĩ là gì chứ? Anh trai tôi nổi giận đùng đùng. Nếu muốn, anh ấy có thể báo cảnh sát bắt tôi. Nhưng một giọt máu đào hơn ao nước lã. Tôi cầu xin anh ấy tha thứ và anh ấy đã tha thứ cho tôi. Tất nhiên anh ấy thuyên chuyển tôi từ Mỹ tới một một văn phòng nhỏ ở Hyderabad và kiên quyết đòi tôi phải hoàn lại ít nhất nửa số tiền bị biển thủ bằng cách trừ dần tiền lương của tôi trong hai mươi năm.”

“Tôi vui vẻ chấp nhận các điều kiện đó. Gì cũng được miễn là không phải vào tù. Nhưng Julie nổi cơn tam bành. ‘Sao anh trai của anh lại có thể đối xử với anh như vậy hả?’ cô ta xúi bẩy tôi. ‘Anh cũng có cổ phần tương đương trong công ty, anh phải đấu tranh cho quyền lợi của mình chứ.’ ”

“Dần dà, sự cằn nhằn liên miên của cô ta bắt đầu có tác dụng. Tôi bắt đầu nghĩ Arvind là một kẻ ranh ma xảo quyệt đối xử bất công với tôi. Rồi một hôm Arvind đến Hyderabad thăm văn phòng nhỏ của tôi. Anh ấy lại phát hiện ra một số chứng cớ của các vụ biển thủ nhỏ và anh ấy mất bình tĩnh. Trước mặt toàn thể nhân viên anh ấy sỉ nhục tôi, gọi tôi là này là nọ, nói rằng tôi chẳng được tích sự gì và dọa không cho tôi dính dáng gì tới công ty nữa.”

“Tôi suy sụp. Lần đầu tiên tôi cảm thấy muốn trả đũa anh tôi. Tôi kể lại chuyện đó với Julie và cô ta nổi giận đùng đùng. ‘Đã đến lúc anh dạy cho anh trai anh một bài học rồi,’ cô ta nói với tôi. ‘Anh đã sẵn sàng trả thù chưa?’ ‘Rồi,’ tôi đáp, bởi vì đầu óc tôi đã bị những lời lăng mạ của anh tôi làm cho mụ mị. ‘Tốt, vậy thì hãy kiếm cho em một chiếc cúc từ chiếc áo chưa được giặt của anh trai anh và một lọn tóc của anh ta.’ ‘Anh kiếm đâu ra một lọn tóc của anh ấy chứ?’ ‘Đó là việc của anh,’ Julie nói. Này, sao không rót cho tôi một cốc nữa đi?”

Tôi vội rót đầy rượu vào cốc của anh ta. “Vậy làm thế nào ông lấy được tóc và một chiếc cúc áo của anh trai ông?”

“Đơn giản thôi. Một hôm tôi đến Mumbai thăm anh ấy, ở lại nhà anh ấy và giật một chiếc cúc từ cái áo anh ấy vừa để vào rổ đựng đồ giặt. Sau đó tôi tìm người thợ cắt tóc thường cắt cho anh ấy và dúi cho anh ta ít tiền để lần tới khi anh ấy đi cắt tóc, anh ta sẽ lấy cho tôi một lọn tóc của anh ấy. Tôi nói với anh ta rằng tôi cần nó cho một lễ cúng thần Venkateshwara ở Tirupathi.”

“Vậy là trong vòng một tháng tôi đã kiếm được cho Julie cả cú 3ac6 c áo lẫn lọn tóc. Những gì Julie làm tiếp theo thật lạ thường. Cô ta lấy một con búp bê đàn ông bằng vải có những đường kẻ màu đen trông rất lạ. Cô ta đính chiếc cúc vào ngực con búp bê và dính lọn tóc lên đầu nó. Sau đó cô ta giết một con gà trống và hứng toàn bộ tiết của nó vào trong một cái chảo. Cô ta nhúng đầu con búp bê vào tiết của con gà trống. Sau đó cô ta mang nó về phòng mình, lầm bầm những câu thần chú, đắp những thảo dược và rễ cây lạ lên con búp bê. Rồi cô ta lấy ra một chiếc kim màu đen và nói, ‘Búp bê voodoo đã sẵn sàng. Em đã truyền cho nó linh hồn của anh trai anh. Giờ đây, bất cứ điều gì anh làm với con búp bê này cũng sẽ xảy ra với anh trai anh ở Mumbai. Chẳng hạn, nếu em đâm cái kim này vào đầu con búp bê thì anh trai anh sẽ nhức đầu như búa bổ. Và nếu em đâm cái kim này thật sâu vào chiếc cúc, anh trai anh sẽ bị đau ngực dữ dội. Đây, thử đi.’ Tôi nghĩ cô ta đang đùa, nhưng để chiều lòng cô ta tôi bèn đâm cái kim đen vào chiếc cúc trắng trên ngực con búp bê. Hai tiếng đồng hồ sau, tôi nhận được một cú điện thoại từ Mumbai cho biết Arvind bị một cơn đau tim nhẹ và đã vào điều trị tại bệnh viện Breach Candy.”

“Ôi chao! Thật kỳ lạ,” tôi kêu lên.

“Đúng. Cậu có thể hình dung ra sự choáng váng của tôi. Không phải vì Arvind bị đau tim mà bởi vì giờ tôi đã biết Julie quả thật đã tạo ra một con búp bê voodoo ma thuật.”

“Trong hơn hai tháng tiếp theo, con búp bê trở thành đồ chơi bí mật của tôi. Tôi trút lên nó tất cả sự tức tối và nỗi oán giận âm ỉ đối với người anh trai. Tôi tìm thấy cảm giác thích thú tai ác trong việc gây đau đớn và khổ sở cho anh trai mình. Việc này trở thành nguồn tiêu khiển điên cuồng đối với tôi. Tôi mang con búp bê đến Mumbai và tận mắt chứng kiến Arvind quằn quại trên bãi cỏ nhà anh ấy trong khi tôi dùng chiếc kim đen khẽ đâm vào cái cúc đính trên con búp bê. Dần dần tôi bắt đầu sử dụng con búp bê vào những dịp có mặt người khác. Tôi mang theo nó đến một khách sạn năm sao nơi Arvind đang tiếp đãi một vài khách hàng người Nhật. Tôi kín đáo ngồi tại một chiếc bàn trong góc khuất. Tôi nghe thấy tiếng anh trai tôi nói. ‘... Vâng, ông Harada, chúng tôi có kế hoạch mở một công ty con ở Nhật Bản, nhưng phản ứng từ công ty Nippon Button không được tích cực cho lắm. Chúng tôi cũng...’ Bất thình lình tôi đâm chiếc kim đen vào đầu con búp bê. ‘Ốiiiiii!’ anh tôi thét lên và dùng cả hai tay ôm đầu. Các khách hàng ngoại quốc của anh ấy bỏ đi mà không thèm ăn tối.”

“Tôi mang con búp bê tới một đám cưới của họ hàng ở Bangalore mà cả hai anh em tôi đều được mời. Đúng lúc Arvind sắp sửa chúc mừng cô dâu chú rể, tôi sử dụng chiếc kim đen. ‘Xin Chúa phù hộ cho cả hai ốiiiiiiiiiiiii!’ anh ấy thét lên và húc đầu vào chú rể trước sự thất vọng của toàn thể khách khứa. Tối hôm đó nhiều người tỏ ra ái ngại cho tôi, nói rằng họ rất tiếc khi thấy Arvind đang dần dần hóa điên.”

“Tôi sử dụng con búp bê trong buổi lễ trao giải thưởng doanh nhân xuất sắc nhất cho anh tôi. Arvind, với chiếc cúp pha lê lấp lánh trên tay, đang trình bày bài phát biểu nhận giải. ‘Các bạn thân mến, tôi thực sự rất vinh dự được cầm trên tay chiếc cúp đẹp đẽ này. Trong suốt cuộc đời mình tôi luôn tin vào khẩu hiệu làm việc chăm chỉ và ốiiiiiiiiiiiiiiiiiiii!’ Chiếc cúp pha lê tuột khỏi tay anh ấy, vỡ thành triệu mảnh.”

“Arvind đi khám bác sĩ, ông này chụp MRI cho anh ấy mà không phát hiện thấy đầu anh ấy có gì bất thường về mặt thể chất. Bác sĩ khuyên anh ấy đến gặp chuyên gia tâm lý.”

“Cuối cùng, tôi mang con búp bê tới cuộc họp cổ đông thường niên và ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Arvind đang đọc báo cáo trong vai trò giám đốc điều hành. ‘Các vị cổ đông thân mến, tôi vui mừng được báo cáo rằng hoạt động của công ty chúng ta trong quý cuối cùng cho thấy một sự tăng trưởng đáng kể về doanh thu ốiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii!’ Ngay sau đó cả phòng họp ầm ầm như chợ vỡ khi các cổ đông quá khích đòi vị giám đốc điều hành điên điên khùng khùng từ chức. Anh ấy buộc phải từ chức trong vòng một tuần. Tôi trở thành giám đốc điều hành mới còn anh tôi thì bị nhốt trong viện tâm thần.”

“Anh trai tôi ở trong viện tâm thần hai năm. Trong thời gian đó tôi trở nên giàu có ngoài sức tưởng tượng. Julie cuối cùng đã có mọi thứ cô ta muốn. Cô ta đưa mẹ và em trai của cô ta từ Port-au-Prince đến sống với chúng tôi ở Mumbai. Nhưng khi đã có được toàn bộ cái mẽ ngoài của một người đàn ông giàu có, tôi cũng bắt đầu suy ngẫm về cuộc đời mình, về cách thức tôi đã thực hiện để đạt được sự giàu có này. Và rồi đó tôi gặp Jyotsna.”

“Cô ấy là ai?”’

“Chính thức thì cô ấy chỉ là thư ký mới của tôi, nhưng thực ra cô ấy còn hơn cả thế. Cô ấy là bạn tâm giao của tôi. Tôi và cô ấy có nhiều điểm chung mà tôi sẽ không bao giờ có với một người ngoại quốc như Julie. Cô ấy trái ngược hoàn toàn với Julie. Chính Jyotsna là người đã khiến tôi hiểu ra sự bất công khủng khiếp mà tôi đã làm với anh trai tôi. Tôi quyết tâm đưa Arvind ra khỏi viện tâm thần.”

“Vậy ông có đưa được ông ấy ra khỏi đó không?”

“Không. Đã quá muộn. Ở trong viện họ hành hạ anh tôi, bắt anh ấy phải chịu các cú sốc điện. Hai tuần trước anh ấy đã chết.”

“Gì cơ?”

“Đúng vậy. Người anh tội nghiệp của tôi đã chết,” anh ta đưa hai tay ôm đầu. “Và tôi đã giết chết anh ấy.”

Tôi bỗng nhiên bừng tỉnh khỏi trạng thái thẫn thờ. Ngài Rao đang từ một con lừa nhanh chóng biến thành con chó.

“Con chó cái Julie, giờ tôi sẽ vạch mặt cô ta. Tôi sẽ đuổi bà mẹ béo phị của cô ta ra khỏi nhà và tống cổ luôn cả thằng em trai vô tích sự của cô ta. Tôi sẽ giết chết con mèo bẩn thỉu đó và sẽ đuổi Julie ra khỏi Mumbai. Cho cô ta về Haiti mà thối rữa dưới địa ngục đi. Ha!”

“Nhưng ông định làm việc đó như thế nào?”

Mắt anh ta lóe lên vẻ quỷ quyệt. “Cậu là bạn của tôi, và tôi đang say. Người say luôn nói thật. Vậy tôi sẽ nói với cậu rằng tôi đã gặp luật sư để chuẩn bị giấy tờ ly dị rồi. Nếu Julie chấp nhận thì tốt rồi, còn không tôi cũng sẽ có cách khác. Xem này.” Anh ta lấy từ trong túi quần ra một vật. Đó là một khẩu súng lục nhỏ vểnh nòng, chắc nịch, không to hơn nắm tay của tôi. Lớp kim loại nhẵn và bóng loáng, không có nhãn mác gì hết. “Nhìn cái vật đẹp đẽ này mà xem. Tôi sẽ dùng khẩu súng này thổi bay đầu cô ta. Sau đó tôi sẽ cưới Jyotsna. Cậu là bạn của tôi. Tôi say rồi. Người say luôn nói ốiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiiii!!!” Bỗng nhiên anh ta thét lên đau đớn, ôm ngực, đập mặt xuống bàn, làm đổ chai rượu single malt và khiến chỗ hạt điều rơi tung tóe xuống sàn.

Có vẻ như một lần nữa tôi lại không được hưởng tiền boa.

Nửa giờ sau một chiếc xe jeep cảnh sát gắn đèn đỏ nhấp nháy tới. Một chiếc xe cứu thương đến cùng một bác sĩ mặc áo choàng trắng và ông này thông báo Prakash Rao đã chết vì một cơn đau tim trầm trọng. Cảnh sát kiểm tra túi quần túi áo của anh ta. Họ phát hiện thấy một chiếc ví đầy ặp tiền, một bức ảnh chụp một cô gái Ấn Độ xinh đẹp, một tập giấy có đề “Ly hôn”. Họ không tìm thấy khẩu súng nào. Dù sao đi nữa, người chết cũng không cần súng.

Smita nhìn tôi với vẻ mặt thích thú . “Cậu không trông chờ tôi sẽ tin cái chuyện mê tín vớ vẩn đó đấy chứ?”

“Tôi không phán xét. Tôi chỉ thuật lại những gì Prakash Rao đã kể cho tôi nghe mà thôi. Những gì tôi đã nghe, những gì tôi đã thấy.”

“Chắc hẳn những chuyện ấy không có thật chứ?”

“Ồ, tất cả những gì tôi có thể nói là nhiều lúc sự thật còn kỳ lạ hơn cả hư cấu nữa kia.”

“Tôi không thể tin Rao bị giết chết bởi một người nào đó dùng kim đâm vào một con búp bê voodoo. Tôi nghĩ cậu đã bịa ra câu chuyện này.”

“Tốt thôi, đừng có tin câu chuyện này, nhưng nếu vậy cô giải thích câu trả lời của tôi cho câu hỏi tiếp theo như thế nào đây?”

Smita nhấn nút “Play”.

Prem Kumar gõ ngón tay xuống mặt bàn. “Thưa các quý bà quý ông, giờ chúng ta sẽ chuyển sang câu hỏi tiếp theo, câu hỏi số sáu với mức thưởng mười vạn rupi. Đây là câu hỏi luôn được ưa thích trong mọi chương trình đố vui. Vâng. Tôi đang nói về các quốc gia và thủ đô. Anh Thomas, anh có biết rõ các thành phố thủ đô không? Chẳng hạn, anh có biết thủ đô của Ấn Độ không?”

Khán giả cười khúc khích. Họ sẵn sàng tin rằng một người bồi bàn có thể thậm chí không biết thủ đô của chính đất nước của mình.

“New Delhi.”

“Rất tốt. Vậy thủ đô của nước Mỹ là gì?”

“New York.”

Prem Kumar cười phá lên. “Không. Không đúng. OK, thủ đô của nước Pháp là gì?”

“Tôi không biết.”

“Vậy thủ đô của Nhật?”

“Tôi không biết.”

“Thế còn thủ đô của Italia? Anh có biết không?”

“Không.”

“Ồ, thế thì tôi không hiểu làm thế nào anh có thể trả lời câu hỏi tiếp theo mà không sử dụng một trong những sự trợ giúp của anh. Vậy hãy đến với câu hỏi số sáu với mức thưởng một trăm nghìn rupi. Thủ đô của Papua New Guinea là gì? Đó là a) Port Louis b) Port-au-Prince c) Port Moresby hay d) Port Adelaide?”

Nhạc chờ nổi lên.

“Liệu anh có bất kỳ manh mối nào cho câu hỏi này không, anh Thomas?”

“Có, tôi biết đâu là câu trả lời không chính xác.”

“Anh biết ư?” Prem Kumar nói vẻ hoài nghi. Nhiều khán giả bắt đầu thì thầm với nhau.

“Vâng. Tôi biết đó không phải là Port-au-Prince, thủ đô của Haiti, cũng không phải Port Louis, một thành phố ở Mauritius. Và đó cũng không phải là Port Adelaide bởi vì Adelaide ở Australia. Vậy nó phải là C. Port Moresby.”

“Thật kinh ngạc. Anh hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm chứ?”

“Vâng, tôi chắc chắn.”

Tiếng trống dồn nổi lên. Câu trả lời đúng nhấp nháy.

“Chính xác một trăm phần trăm! Đó là Port Moresby. Anh vừa giành được một trăm nghìn rupi. Giờ anh đã trở thành lakhpati_(1)!” Prem Kumar tuyên bố. Khán giả đứng dậy hoan hô. Prem Kumar lại lau mồ hôi trên trán. “Tôi thề rằng cách cậu trả lời những câu hỏi này giống như phép thuật vậy.”

Smita cười thành tiếng. “Không phải phép thuật, đồ ngốc ạ,” cô ấy nói với Prem Kumar trên màn hình. “Đó là voodoo!” Bỗng nhiên mắt cô ấy hướng xuống một vật gì đó nằm trên thảm phòng ngủ. Cô ấy cúi xuống nhặt nó lên. Đó là một chiếc cúc nhỏ có bốn đường xẻ. Loại cúc sử dụng cho áo sơ mi. Cô ấy nhìn áo của tôi. Chiếc cúc thứ ba đã bị mất. Cô ấy đưa nó cho tôi. “Đây. Tốt hơn hết hãy giữ lấy cúc áo của cậu.”

Hết chương 7. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27931


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận