Ga tàu hỏa Paharganj của thành phố Delhi ong ong bởi đủ mọi âm thanh và nhung nhúc những người là người. Những thềm ga ảm đạm tắm trong ánh sáng trắng. Những động cơ tàu phun khói hú còi như những con bò đực mất hết kiên nhẫn.
Nếu định tìm tôi trong cái mê cung đông đúc này, bạn sẽ tìm ở đâu? Có thể bạn sẽ cố tìm tôi giữa hàng chục đứa trẻ đường phố đang nằm dài trên sàn xi măng phẳng lì trong đủ mọi trạng thái ngủ nghỉ khác nhau. Bạn còn có thể tưởng tượng tôi là một người bán hàng rong trẻ tuổi, rao bán những chai nhựa chứa thứ nước máy hứng từ nhà vệ sinh của ga, vờ như đó là nước khoáng tinh khiết Himalaya. Bạn có thể hình dung tôi là một trong những người quét dọn trong chiếc áo bẩn thỉu và quần rách tướp, lê chân khắp nhà ga với một cái chổi dài loẹt quẹt quét bụi từ sân ga tới đường tàu. Hoặc bạn có thể tìm tôi giữa những đám người khuân vác mặc đồng phục đỏ đang hối hả di chuyển với đống hành lý chất nặng trên đầu.
Ái chà, hãy nghĩ lại đi, bởi vì tôi không phải người bán hàng rong, không phải người khuân vác, cũng chẳng phải người quét dọn. Hôm nay tôi là một hành khách đích thực, sẽ tới Mumbai trên toa tàu có giường nằm, đúng thế, với một chỗ được đặt trước hẳn hoi. Tôi đang mặc một chiếc sơ mi thụng hồ bột màu trắng làm từ một trăm phần trăm cotton và chiếc quần bò Levi’s - đúng vậy, quần bò Levi’s mua từ chợ Tibetan. Tôi quả quyết bước về phía thềm ga số năm để lên chuyến tàu Paschim Express tới Mumbai. Một người khuân vác vất vả lê bước bên cạnh tôi, đội trên đầu chiếc va li màu nâu nhạt. Người khuân vác này do tôi thuê và chiếc va li trên đầu anh ta là tài sản của tôi. Nó chứa vài bộ quần áo, mấy món đồ chơi cũ, một tập tạp chí Địa lý Australia và một máy chơi điện tử cho Salim. Chiếc va li tuyệt đối không chứa tiền nong gì. Tôi đã nghe quá nhiều chuyện kể về những tên trộm trên tàu hỏa đêm đến đánh thuốc mê khiến bạn ngủ rồi nẫng mất hành lý của bạn nên tôi chẳng dại gì mà để trong va li món đồ quý giá nhất đời mình - khoản tiền công tôi nhận được từ gia đình Taylor. Chiếc phong bì làm bằng giấy manila căng phồng những tờ bạc một nghìn rupi mới cứng - năm mươi tờ tất cả - vì thế được để trong người tôi, giấu ở một chỗ không ai có thể nhìn thấy. Bên trong quần lót. Tôi đã sử dụng hai nghìn rupi còn lại trang trải cho chuyến đi. Tôi dùng nó mua quần áo, mua vé tàu, mua đồ chơi cho Salim, và giờ tôi sẽ trả công cho người khuân vác và mua một ít đồ ăn thức uống. Tôi liếc qua những đồng tiền lẻ trong túi áo. Tôi áng chừng mình sẽ chỉ còn đủ tiền để bắt xe lam từ Bandra Terminus tới khu chawl của Salim ở Ghatkopar. Lẽ nào Salim lại không ngạc nhiên khi thấy tôi đến trên một chiếc xe ba bánh chứ không phải bằng chuyến tàu hỏa địa phương? Và tôi hy vọng khi nhìn thấy cái máy chơi điện tử, cậu ấy sẽ không ngất đi vì sung sướng.
Thềm ga số năm đông hơn cả khu mua sắm Super Bazaar. Những người bán hàng rong chen chúc hăng không kém gì đám cò mồi bên ngoài một cơ quan nhà nước. Hành khách tìm kiếm tên mình trên tấm bảng đặt chỗ trước với sự hăng hái y hệt những sinh viên xem kết quả thi. Tôi thấy nhà ga đã ghi sai tên tôi hoàn toàn, biến nó thành T.M.Ram. Tuy vậy, tôi vui khi được phân giường thấp số ba ở toa S7.
Toa này nằm gần cuối đoàn tàu hỏa dài và khi chúng tôi vào được trong toa thì người khuân vác đã thấm mệt, toát cả mồ hôi. Tôi ngồi xuống chiếc giường dành sẵn cho mình ở ngay bên cạnh cửa ra vào và xếp va li gọn gàng vào khoảng trống ở bên dưới. Tôi trả cho người khuân vác hai mươi rupi. Anh ta cố nài thêm, diễn giải đoạn đường dài dằng dặc từ cổng ga tới toa tàu đó và thế là tôi boa cho anh ta thêm hai rupi nữa. Tống khứ được người khuân vác đi rồi, tôi đưa mắt quan sát xung quanh.
Khoang của tôi có tất cả sáu giường. Một chiếc bên trên tôi, hai ở trước mặt và hai ở bên cạnh. Ngồi trên chiếc giường tầng một đối diện giường tôi là một gia đình bốn người, bố mẹ và hai đứa con - một đứa con trai tầm tuổi tôi và một cô con gái lớn tuổi hơn tôi một chút. Ông bố là một doanh nhân trung tuổi người Marwari mặc một chiếc áo gi lê hàng hiệu màu đen và đội chiếc mũ lưỡi trai đen. Ông ta có hàng lông mày rậm, bộ ria con kiến và vẻ mặt lạnh lùng. Vợ ông ta cũng tầm tuổi đó và trông lạnh lùng chẳng kém. Bà ta vận sari màu xanh lá cây cùng áo cộc tay màu vàng và nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ. Cậu con trai cao lêu nghêu, trông có vẻ thân thiện, nhưng chính người con gái ngồi cạnh cửa sổ mới là đối tượng hút tôi như một cục nam châm. Cô ấy thon thả và xinh đẹp, mặc bộ salwar kameez màu xanh dương cùng tấm khăn chunni được kéo xuống qua ngực. Mắt cô ấy viền phấn côn. Cô có nước da hoàn hảo và đôi môi xinh xắn. Cô ấy là cô gái đẹp nhất tôi từng gặp trong một thời gian dài. Một người con gái khiến người ta phải nhìn lần thứ hai. Và lần thứ ba. Tôi nghĩ mình có thể chìm đắm trong đôi mắt đẹp mê hồn của cô. Trước khi tôi có thể ngắm nghía kỹ hơn vẻ đẹp của cô ấy, sự chú ý của tôi hút về phía một đứa trẻ vừa khóc thét lên. Nó là một bé trai mới chỉ vài tháng tuổi, nằm trong lòng mẹ trên chiếc giường bên hông. Người mẹ là một phụ nữ trẻ trông có vẻ u sầu, vận tấm sari màu đỏ nhàu nhĩ. Có vẻ như chị ta đi một mình. Chị ta cố dỗ đứa bé nín với cái núm vú cao su nhưng nó vẫn tiếp tục khóc. Cuối cùng chị ta vén áo lên và đưa đầu vú tới môi đứa bé. Thằng bé bú với vẻ thỏa mãn và chị ta lắc lắc người đứa con ru nó ngủ. Từ chỗ của mình tôi liếc nhìn phía dưới bầu vú màu nâu căng tròn của chị ta và cảm thấy miệng mình khô không khốc, cho tới khi bắt gặp ánh mắt vị thương nhân Marwari nhìn mình chằm chằm, tôi vội nhìn ra ô cửa sổ phía sau chị ta.
Một người bán trà rong bước vào khoang. Tôi là người duy nhất hỏi mua một tách trà. Anh ta rót thứ nước trà âm ấm vào một cái cốc bằng đất nung phảng phất vị của bùn. Một thằng bé bán báo vào theo anh ta. Nhà kinh doanh kia mua một tờ Thời báo Ấn Độ. Con trai ông ta mua một tập truyện tranh Archie. Tôi mua tờ Starburst số mới nhất bằng vốn tiền lẻ đang cạn đi nhanh chóng của mình.
Đoàn tàu hú lên hồi còi cuối cùng và bắt đầu chuyển bánh, chậm một tiếng rưỡi so với thời gian quy định. Tôi nhìn đồng hồ đeo tay mặc dầu có thể thấy rõ những con số 18:30 hiện trên chiếc đồng hồ kỹ thuật số ở sân ga. Tôi lắc lắc vặn vẹo cổ tay, hy vọng những người khác, đặc biệt là cô gái kia, sẽ nhận thấy tôi đang đeo một chiếc đồng hồ kỹ thuật số Casio mới cứng được sản xuất ở Nhật Bản có hiện cả ngày tháng mà tôi đã bỏ ra những hai trăm rupi để mua ở Palika Bazaar.
Ông bố say sưa đọc báo, đứa con trai mải mê với cuốn truyện tranh. Bà mẹ bắt đầu dọn bữa tối cho gia đình. Người mẹ trẻ đã thiu thiu ngủ, đứa bé vẫn ngậm vú chị ta. Tôi giả vờ đọc cuốn tạp chí điện ảnh. Nó để mở ở tờ gập giữa có bức ảnh chụp biểu tượng gợi cảm mới nhất, Poonam Singh, trong bộ bikini, nhưng tôi không để ý đến tài sản sống còn của cô ta. Tôi còn mải nhìn trộm cô gái đang lơ đãng ngắm quang cảnh đô thị trôi qua bên ngoài cửa sổ. Cô thậm chí không nhìn tôi lấy một lần.
Tám giờ tối một người soát vé mặc áo gi lê đen bước vào khoang. Anh ta yêu cầu tất cả chúng tôi cho xem vé. Tôi rút vé của mình ra bằng một động tác vung tay mạnh mẽ, nhưng anh ta thậm chí không thèm đọc. Anh ta chỉ bấm lỗ lên tấm vé rồi đưa trả nó cho tôi. Anh ta vừa đi khỏi, bà mẹ bèn mở những hộp các tông hình chữ nhật đựng thức ăn ra. Rất nhiều thức ăn. Tôi nhìn thấy những chiếc bánh puri se lại, những củ khoai tây vàng, tương ớt đỏ và món tráng miệng. Mùi thơm khiến người ta ứa nước miếng của những chiếc bánh gulab jamun và bánh barfee tự làm tràn ngập khắp khoang. Tôi cũng bắt đầu thấy đói nhưng nhân viên bộ phận ăn uống trên tàu vẫn chưa tới nhận thực đơn bữa tối. Đáng lẽ tôi nên mua chút gì đó từ nhà ga.
Gia đình Marwari ăn một cách ngon lành. Ông bố ngốn hết chiếc puri này đến chiếc puri khác. Người mẹ thì chén sạch những củ khoai tây vàng ươm, cắn miếng nào là chấm tương ớt miếng ấy. Đứa con trai thì nhằm vào những chiếc bánh gulab jamun mềm, còn húp xì xụp nước xi rô đường nữa. Chỉ có cô gái là ăn nhỏ nhẻ. Tôi lặng lẽ liếm môi. Thật lạ là đứa con trai mời tôi một cặp puri nhưng tôi lịch sự từ chối. Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện kể về những tên trộm đóng giả hành khách, mời những người bạn đồng hành của chúng ăn thức ăn tẩm thuốc mê rồi cuỗm sạch tiền của họ. Và chẳng có lý do gì mà những cậu con trai đọc truyện tranh Archie lại không thể là kẻ trộm cướp. Tuy nhiên, nếu như cô gái kia mời tôi ăn thì tôi có thể - không, tôi sẽ - nhận lời.
Sau khi ăn tối xong, cậu con trai và cô con gái bắt đầu chơi một trò chơi được gọi là trò chơi cờ Molopoly. Ông bố và bà mẹ ngồi cạnh nhau nói chuyện phiếm. Họ nói về các bộ phim truyền hình mới nhất trên ti vi, về chuyện mua bất động sản và chuyện đi nghỉ ở Goa.
Tôi vỗ nhẹ vào bụng nơi năm mươi nghìn rupi bằng tiền giấy mới cứng nằm gọn ở phía trong cạp quần lót, cảm thấy sức mạnh của toàn bộ số tiền đó âm thầm thấm vào dạ dày, ruột, gan, phổi, tim và não của mình. Cái đói đang vò xé dạ dày tôi tan biến một cách kỳ diệu.
Nhìn hình ảnh gia đình trung lưu điển hình trước mắt, tôi không còn cảm thấy mình là kẻ xía mũi vào chuyện người khác nữa. Tôi không còn là một người ngoài nhìn trộm vào thế giới kỳ lạ của họ mà đã thành kẻ trong cuộc có thể quan hệ với họ như một người không hề thua kém, có thể nói chuyện với họ bằng ngôn ngữ của chính họ. Giống như họ, bây giờ tôi cũng có thể xem những bộ phim truyền hình dành cho tầng lớp trung lưu, chơi Nintendo và đến Kids Mart vào những ngày cuối tuần.
Những cuộc hành trình bằng tàu hỏa đầy rẫy các khả năng. Chúng bao hàm sự thay đổi về trạng thái. Khi đến đích, bạn không còn là con người giống như lúc khởi hành. Bạn có thể kết bạn trên đường đi hoặc phát hiện ra những kẻ thù cũ; bạn có thể mắc bệnh tiêu chảy do ăn phải bánh gối ôi thiu hay mắc bệnh tả do uống phải nước bị ô nhiễm. Và, tôi dám nói rằng, thậm chí bạn còn có thể khám phá ra tình yêu nữa. Ngồi trên chiếc giường số ba thuộc toa S7 của đoàn tàu 2926A với năm mươi nghìn rupi nhét trong quần lót, có một khả năng trêu ngươi kích thích các giác quan của tôi và làm tim tôi hồi hộp, đó là tôi có thể, chỉ có thể thôi, sẽ đem lòng yêu người bạn đồng hành xinh đẹp mặc bộ salwar kameez màu xanh da trời. Và khi nói đến tình yêu, tôi không muốn nói đến thứ tình yêu đơn phương không tương xứng mà chúng ta dành cho các ngôi sao điện ảnh và những nhân vật nổi danh. Tôi muốn nói đến thứ tình yêu có thể tồn tại, thực tế, thật sự. Thứ tình yêu không kết thúc bằng những giọt lệ trên gối mà sẽ dẫn đến hôn nhân. Và những đứa trẻ. Và những kỳ nghỉ gia đình ở Goa.
Tôi chỉ có năm mươi nghìn rupi, nhưng trên mỗi rupi đều viết một giấc mơ đầy màu sắc và chúng trải dài trên một màn ảnh rộng trong óc tôi, trở thành năm mươi triệu. Tôi nín thở ước sao cái khoảnh khắc đó kéo dài càng lâu càng tốt, bởi vì một giấc mơ xảy đến khi người ta thức bao giờ cũng trôi qua mau hơn một giấc mơ tới trong lúc ngủ.
Một lúc sau, hai chị em chán không chơi cờ nữa. Cậu con trai đến ngồi cạnh tôi. Chúng tôi bắt đầu nói chuyện. Tôi được biết tên cậu ấy là Akshay còn chị gái cậu là Meenakshi. Họ sống ở Delhi và đang trên đường tới Mumbai để dự đám cưới của một người chú. Akshay hào hứng nói về máy chơi game Playstation 2 và những trò chơi trên máy tính của cậu ta. Cậu ta hỏi tôi về MTV, về chuyện lướt web và nhắc đến một số trang web khiêu dâm. Tôi kể với cậu ấy rằng tôi nói tiếng Anh, đọc tạp chí Địa lý Australia, chơi trò ghép chữ và có bảy người bạn gái, trong đó có ba cô là người ngoại quốc. Tôi nói với cậu ấy tôi có một máy chơi game Playstation 3, một chiếc máy vi tính Pentium 5 và tôi lướt web cả ngày lẫn đêm. Tôi nói với cậu ấy rằng tôi tới Mumbai để gặp cậu bạn thân Salim và tôi sẽ bắt taxi từ Bandra Terminus tới Ghatkopar.
Đáng lẽ tôi nên biết rằng lừa một người mười sáu tuổi còn khó hơn lừa một người sáu mươi. Akshay nhìn thấu trò lừa dối của tôi. “Ha! Cậu chẳng biết quái gì về máy tính. Playstation 3 thậm chí còn chưa ra đời. Cậu chỉ là một thằng nói dối,” cậu ta chế nhạo tôi.
Tôi không nhịn được nữa. “Ồ, cậu nghĩ tất cả chỉ là dối trá thôi sao? Được, cậu Akshay, để tôi nói cho cậu biết rằng ngay tại đây, ngay lúc này, tôi đang có năm mươi nghìn rupi trong túi. Trong đời mình, cậu đã bao giờ nhìn thấy nhiều tiền như thế chưa hả?”
Akshay không chịu tin tôi. Cậu ta thách tôi đưa số tiền đó ra cho cậu ta xem, và viễn cảnh gây được ấn tượng với cậu ta quá hấp dẫn đối với tôi. Tôi xoay người, thò tay vào trong quần lấy ra cái phong bì bằng giấy manila hơi ẩm và phảng phất mùi nước tiểu. Tôi kín đáo rút ra một xấp tiền một nghìn rupi mới cứng rồi vẫy vẫy nó trước mặt cậu ta vẻ đắc thắng. Rồi tôi vội cất nó đi và giấu chiếc phong bì vào chỗ cũ.
Giá mà bạn có thể thấy đôi mắt Akshay lúc bấy giờ. Chúng quả thực lồi ra khỏi hốc mắt. Đó là một chiến thắng đáng để nhâm nhi mãi mãi. Lần đầu tiên trong đời tôi có một cái gì đó thực hơn một ước mơ để chứng minh cho một lời tuyên bố. Và lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy một điều mới mẻ toát lên trong đôi mắt nhìn tôi. Sự kính nể. Nó dạy tôi một bài học rất giá trị. Rằng những ước mơ chỉ có quyền năng với cái đầu của riêng ta. Nhưng tiền có quyền năng đối với cái đầu của người khác. Và lại một lần nữa tôi cảm thấy năm mươi nghìn ở bên trong quần lót của mình giống như năm mươi triệu rupi.
Giờ là mười giờ đêm và mọi người chuẩn bị đi ngủ. Mẹ của Akshay lôi khăn trải giường từ một cái túi màu xanh lá cây và bắt đầu chuẩn bị cho bốn cái giường mà gia đình họ sẽ sử dụng. Người mẹ trẻ và đứa bé đang ngủ ở chiếc giường bên cạnh tôi, chẳng bận tâm đến gối lẫn khăn trải giường. Tôi không có chăn gối và cũng chẳng buồn ngủ lắm, vì vậy tôi ngồi cạnh cửa sổ cảm nhận những cơn gió lạnh vuốt ve mặt mình, nhìn đường hầm tàu hỏa qua bóng tối. Chiếc giường tầng một đối diện giường tôi là chỗ của mẹ Akshay, tầng hai là của Meenakshi. Ông bố trèo lên chiếc giường trên đầu tôi còn Akshay thì nằm ở chiếc giường tầng hai bên cạnh, phía trên bà mẹ trẻ và đứa bé.
Ông bố ngủ ngay lập tức - tôi có thể nghe thấy tiếng ông ta ngáy. Bà mẹ trở mình và kéo chăn. Tôi nghển cổ nhìn Meenakshi, nhưng chỉ thấy được bàn tay phải cùng chiếc vòng vàng trên cổ tay cô. Bỗng nhiên cô ngồi dậy trên giường và cúi xuống phía tôi để thả đôi giày của cô xuống. Khăn chunni của cô tuột ra và tôi có thể nhìn thấy phần ngực trên của cô qua cái cổ chữ V của chiếc áo kameez màu xanh da trời. Hình ảnh đó khiến một cảm giác run rẩy bất ngờ vì thích thú chạy dọc sống lưng tôi. Tôi nghĩ cô nhận thấy tôi đang nhìn vì cô vội chỉnh lại khăn trên ngực và ném cho tôi cái nhìn bất tán thành.
Một lúc sau tôi cũng chìm vào giấc ngủ, mơ những giấc mơ trung lưu trong đó tôi mua cả triệu thứ khác nhau, gồm cả một chiếc Ferrari màu đỏ và một cô dâu xinh đẹp vận salwar kameez màu xanh da trời. Mua tất cả bằng năm mươi nghìn rupi.
Tôi bị đánh thức vì có thứ gì đó chọc vào bụng. Tôi mở mắt và thấy một người đàn ông da ngăm đen có bộ ria mép đen rậm đang dùng một cái gậy dẹt bằng gỗ chọc vào người tôi. Cây gậy không phải thứ khiến tôi lo ngại. Mà chính là khẩu súng ông ta cầm trong tay phải, cái khẩu súng chẳng chĩa vào người nào cụ thể. “Thổ phỉ đây,” hắn ta tuyên bố một cách bình tĩnh, bằng cái giọng y hệt như khi người nào đó nói, “Hôm nay là thứ Tư”. Hắn mặc sơ mi trắng, quần đen và có mái tóc dài. Hắn còn trẻ, trông giống như một anh chàng Romeo đường phố hoặc sinh viên đại học. Nhưng trước đó tôi đã bao giờ nhìn thấy một tên thổ phỉ ở ngoài màn ảnh đâu. Có lẽ chúng trông giống sinh viên đại học. Hắn lại lên tiếng. “Ta muốn tất cả các người trèo xuống khỏi giường, từ từ thôi. Nếu không ai cố hành động như một người hùng thì sẽ không ai bị thương. Đừng tính chuyện bỏ chạy vì đồng bọn của ta đã chặn cửa kia rồi. Nếu tất cả các người đều ngoan ngoãn hợp tác thì chuyện này sẽ kết thúc trong vòng mười phút.”
Akshay, Meenakshi và bố của họ cũng bị chọc gậy và bị buộc phải trèo xuống khỏi giường. Họ loạng choạng và mất phương hướng. Khi bạn đột ngột bị dựng dậy lúc nửa đêm, não bạn cần chút thời gian để phản ứng.
Giờ tất cả chúng tôi đều ngồi trên mấy chiếc giường tầng một. Akshay và bố cậu ta ngồi cạnh tôi, còn Meenakshi, mẹ cô và người phụ nữ có con nhỏ ngồi đối diện chúng tôi. Đứa bé lại quấy và bắt đầu khóc. Người mẹ cố dỗ nó nhưng đứa bé càng khóc to hơn. “Cho nó bú đi,” tên thổ phỉ thô lỗ nói với chị ta. Người mẹ bối rối. Chị ta vén áo lên và không phải một mà cả hai bầu vú đều lộ ra. Tên thổ phỉ nhe răng cười chộp lấy một bên vú của chị ta. Chị ta thét lên và vội vàng che bầu vú đó đi. Tên thổ phỉ cười hô hố. Lần này tôi không bị kích thích. Một khẩu súng nặng trình trịch gí vào đầu bạn đáng chú ý hơn nhiều một bầu vú lồ lộ.
Khi tên thổ phỉ đã có được sự chú ý tuyệt đối của mọi người, hắn bắt tay vào việc. Hắn giơ cao cái bị cói màu nâu bằng tay trái và cầm khẩu súng bằng tay phải. “OK, giờ ta muốn các người đưa hết những thứ có giá trị ra. Bỏ chúng vào cái bị này. Ta muốn đàn ông nộp ví, đồng hồ và tất cả tiền trong túi, đàn bà hãy đưa ví xách, vòng đeo tay và dây chuyền vàng cho ta. Nếu bất cứ ai không tuân theo lệnh của ta thì ta sẽ bắn kẻ đó ngay lập tức.” Mẹ của Meenakshi và người mẹ trẻ rú lên cùng một lúc khi nghe thấy những lời này. Chúng tôi nghe thấy những tiếng kêu từ góc xa của toa tàu. Đồng bọn của tên thổ phỉ có lẽ cũng đang phát ra những mệnh lệnh tương tự đối với các hành khách ở phía đó.
Tên thổ phỉ lần lượt đưa chiếc bị để mở tới từng người chúng tôi. Hắn bắt đầu từ người mẹ có con nhỏ. Với vẻ mặt sợ hãi, chị ta cầm chiếc ví xách màu nâu của mình, vội vã mở ra để lấy chiếc vú cao su và bình sữa rồi thả nó vào bị. Đứa bé bị ngừng lại giữa lúc đang bú sữa mẹ bèn bắt đầu khóc oe oe. Meenakshi có vẻ sửng sốt. Cô tháo chiếc vòng tay bằng vàng của mình ra, nhưng khi cô sắp sửa thả nó vào bị, tên thổ phỉ thả cái bị xuống và chộp lấy cổ tay cô. “Em còn đẹp hơn cả chiếc vòng, em yêu của ta,” hắn nói trong khi Meenakshi cố gắng một cách tuyệt vọng để thoát khỏi cái nắm tay như gọng kìm của hắn. Tên thổ phỉ buông tay cô ra và chộp chiếc áo kameez của cô. Hắn túm cổ áo cô, cô giằng lại, và trong lúc giằng co chiếc áo gần rách làm đôi, để lộ áo ngực của cô. Tất cả chúng tôi chứng kiến cảnh đó mà kinh hoàng. Bố của Meenakshi không chịu nổi nữa. “Đồ khốn!” ông ta gào lên và cố đấm tên thổ phỉ nhưng hắn phản xạ nhanh như một con báo. Hắn buông áo Meenakshi ra và dùng báng súng đánh bố cô. Ngay lập tức một vết rách dài và sâu xuất hiện trên trán người thương nhân và máu từ vết thương đó bắt đầu rỉ ra. Mẹ của Meenakshi lại bắt đầu rú lên.
“Câm ngay,” tên thổ phỉ gầm gừ, “nếu không ta sẽ giết tất cả các người.”
Những lời đó khiến chúng tôi bình tĩnh trở lại và tất cả chúng tôi trở nên tuyệt đối im lặng. Cảm giác sợ hãi dâng lên thành một cục nghẹn trong họng tôi và tay tôi lạnh toát. Tôi nghe tiếng thở khó nhọc của mọi người. Meenakshi lặng lẽ khóc. Mẹ cô ấy thả túi xách và những chiếc vòng tay của mình vào bị, bố cô ấy bỏ ví, đồng hồ đeo tay vào đó bằng những ngón tay run rẩy, Akshay hỏi liệu cậu ta có phải bỏ cả cuốn truyện tranh Archie vào đó hay không. Câu hỏi khiến tên thổ phỉ tức điên. “Mày nghĩ đây là trò đùa à?” hắn rít lên và tát cậu ta đánh bốp. Akshay đau đớn kêu oai oái và bắt đầu xoa má. Không hiểu sao tôi nhận thấy cảnh xung đột vừa rồi khá buồn cười, giống như màn thư giãn trong một bộ phim kinh dị. Tên thổ phỉ mắng tôi. “Mày cười gì? Mày có gì hả?” hắn cáu kỉnh. Tôi móc từ trong túi áo ra những đồng tiền lẻ còn lại và thả chúng vào bị, chỉ để lại đồng xu một rupi may mắn. Tôi định tháo đồng hồ đeo tay nhưng tên thổ phỉ nhìn nó rồi nói, “Đó là đồ giả. Ta cóc thèm.” Hắn có vẻ hài lòng với mẻ lưới vét được từ khoang của chúng tôi và đang dợm bước bỏ đi thì Akshay cất tiếng gọi, “Đợi đã, anh quên một thứ.”
Tôi quan sát cảnh tượng diễn ra trước mắt mình như một cảnh quay chậm. Tên thổ phỉ quay người lại. Akshay chỉ vào tôi nói, “Cậu này có năm mươi nghìn rupi!” Cậu ta nói khẽ, nhưng tôi có cảm giác như tất cả mọi người trên đoàn tàu này đều nghe thấy.
Tên thổ phỉ gườm gườm nhìn Akshay. “Lại một trò đùa nữa hả?”
“Kh-không,” Akshay nói. “Tôi thề.”
Tên thổ phỉ nhìn xuống dưới gầm giường của tôi. “Nó ở trong cái va li màu nâu này hả?”
“Không, cậu ấy giấu nó ở trong quần lót, trong một cái gói,” Akshay đáp, mỉm cười tự mãn.
“Ái chà chà!” tên thổ phỉ thốt lên.
Tôi run rẩy - tôi không biết mình run vì sợ hay vì giận. Tên thổ phỉ tiến đến gần tôi. “Mày sẽ im lặng đưa tiền ra hay tao phải bắt mày lột quần trước mặt tất cả mọi người đây?” hắn hỏi.
“Không, đây là tiền của tôi!” tôi kêu lên, bất giác đưa tay che đũng quần giống như một cầu thủ bóng đá đứng trước quả phạt trực tiếp. “Tôi đã làm ra số tiền đó. Tôi sẽ không đưa nó cho anh đâu. Tôi còn không biết tên anh nữa.”
Tên thổ phỉ bật cười khùng khục. “Mày không biết thổ phỉ làm gì ư? Bọn tao lấy những đồng tiền không thuộc về mình, từ những người còn không biết tên của bọn tao. Giờ mày lấy tiền ra hay để tao lột quần mày xuống và tự lấy hả?” Hắn vẫy khẩu súng trước mặt tôi.
Như một chiến binh thất trận, tôi đầu hàng trước uy lực của khẩu súng. Tôi từ từ luồn tay vào cạp quần, lôi chiếc phong bì làm bằng giấy manila dính mồ hôi và đậm mùi của sự nhục nhã. Tên thổ phỉ chộp lấy nó từ tay tôi rồi mở ra. Hắn huýt sáo khi nhìn thấy những tờ bạc một nghìn rupi mới cứng. “Mày kiếm được số tiền này từ chỗ chó nào thế hả?” hắn hỏi tôi. “Chắc mày thó ở đâu đó. Dù sao đi nữa, tao cũng cóc quan tâm.” Hắn thả nó vào trong bị. “Giờ thì trong khi tao làm việc với những đứa khác trong khoang tàu này, bọn mày đừng có thằng nào nhúc nhích đấy.”
Tôi ngồi im thin thít nhìn những giấc mơ năm mươi triệu của mình bị giật mất, bị ném vào cái bị cói màu nâu nơi chúng chen chúc với những chiếc vòng và ví của những người thuộc tầng lớp trung lưu.
Tên thổ phỉ đi sang khoang tàu bên cạnh, nhưng không ai trong chúng tôi dám giật dây báo động. Chúng tôi ngồi như cắm rễ tại chỗ không khác gì những người khóc thuê tại đám tang. Mười phút sau hắn quay lại, chiếc bị đã được buộc chặt miệng khoác trên lưng, khẩu súng trong tay phải. “Tốt,” hắn nói, xốc chiếc bị lên để chúng tôi thấy nó đã đầy ắp và nặng trĩu. Hắn nhìn tôi, nhe răng cười giống như một thằng du côn học đường vừa mới giật món đồ chơi của ai đó. Rồi hắn nhìn Meenakshi. Cô đã dùng khăn chunni che ngực, nhưng chiếc áo ngực bằng vải trắng vẫn hiện ra thấp thoáng qua lớp sa mỏng. Hắn chép miệng.
Đồng bọn của tên thổ phỉ gọi. “Tao xong rồi. Mày xong chưa?”
“Rồi,” tên thổ phỉ đáp lại. Bỗng nhiên đoàn tàu bắt đầu giảm tốc.
“Nhanh lên!” Tên thổ phỉ kia nhảy khỏi tàu.
“Tao sẽ xuống ngay. Đây, bắt lấy cái bị này.” Tên thổ phỉ ném cái bị - và những giấc mơ năm mươi triệu - bay ra khỏi cửa tàu. Hắn định nhảy xuống nhưng đến phút cuối lại đổi ý. Hắn quay lại khoang tàu của chúng tôi. “Mau lên, hôn tạm biệt tao m 3c2d ột cái nào,” hắn bảo Meenakshi, vẫy vẫy khẩu súng về phía cô. Meenakshi sợ đến thất điên bát đảo. Cô co rúm người lại.
“Em không muốn hôn ta một cái sao? OK, vậy hãy bỏ khăn chunni ra. Để ta nhìn ngực em nào,” hắn ra lệnh. Hắn cầm súng bằng cả hai tay và gầm gừ với Meenakshi. “Tao cảnh cáo lần cuối. Mau lên, cho tao nhìn da thịt mày nếu không tao sẽ bắn bay đầu mày trước khi tao đi khỏi đấy.” Bố Meenakshi nhắm mắt lại. Mẹ cô ngất đi.
Thổn thức và nức nở, Meenakshi bắt đầu gỡ khăn chunni ra. Bên dưới tấm khăn sẽ chỉ là một mảnh vải trắng. Với hai quai đeo và hai bầu áo ngực.
Nhưng tôi không nhìn thấy cảnh đang diễn ra. Tôi nhìn thấy một người phụ nữ cao ráo và mái tóc chảy dài. Gió rít sau lưng khiến mái tóc đen huyền bay lòa xòa, che khuất khuôn mặt. Cô quấn một tấm sari trắng bằng lụa mỏng rung rinh và bay bay như một con diều. Cô ôm một đứa bé trong tay. Một người đàn ông có mái tóc dài và bộ ria mép rậm, mặc quần đen và áo sơ mi trắng tiến đến gần cô. Hắn chĩa súng vào cô và nhe răng cười. “Cởi sari ra,” hắn gầm lên. Người phụ nữ òa khóc. Ánh chớp lóe lên. Bụi cuốn mù mịt. Lá bay. Đứa bé bỗng nhiên nhảy khỏi lòng mẹ, lao tới gã đàn ông, cào vào mặt hắn. Gã đàn ông rú lên và giật đứa bé ra, nhưng nó lại cào mặt hắn. Gã đàn ông và đứa bé lăn lộn trên mặt đất trong khi người phụ nữ vận sari rền rĩ ở phía sau. Gã đàn ông xoay bàn tay và chĩa súng vào mặt đứa bé nhưng hôm nay đứa bé đã được ban cho sức mạnh siêu nhân. Bằng những ngón tay bé xíu, đứa bé đẩy nòng súng khiến nó quay theo hướng ngược lại. Gã đàn ông và đứa bé lại vật lộn, xoay về bên trái rồi bên phải, lăn tròn trên mặt đất. Hai người ghì chặt nhau trong cuộc đấu một mất một còn. Có lúc gã đàn ông chiếm ưu thế nhưng cũng có khi đứa bé dường như sắp chiến thắng. Gã đàn ông cuối cùng cũng giải phóng được bên tay cầm súng. Những ngón tay của hắn cong lại quanh cò súng. Ngực đứa bé ở ngay trước nòng súng. Gã đàn ông sắp sửa bóp cò nhưng đúng vào phút cuối đứa bé lại tìm cách xoay được khẩu súng khỏi người nó và hướng nòng súng vào ngực gã đàn ông. Một tiếng nổ chói tai vang lên và gã đàn ông bật ngửa ra như thể phải chịu sức ép từ một vụ nổ lớn. Một dòng máu đỏ loang trên chiếc áo sơ mi trắng của hắn.
“Ôi, trời ơi!” Tôi nghe thấy giọng nói của Akshay, tựa như tiếng vọng trong hang. Tên thổ phỉ nằm trên sàn, cách cửa ra vào vài phân, còn tôi có một khẩu súng lục trong tay và từ khẩu súng đó một làn khói mỏng đang bay lên. Đoàn tàu bắt đầu tăng tốc.
Tôi vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Khi bạn đột nhiên bị đánh thức giữa một giấc mơ, não của bạn cần chút thời gian để phản ứng. Nhưng nếu bạn có một khẩu súng đang tỏa khói trong tay và một xác chết ở dưới chân thì chẳng có mấy lý do để hiểu lầm. Áo tên thổ phỉ đẫm máu, vệt máu đang thẫm lại và không ngừng lan rộng. Cảnh tượng không giống như những gì người ta chiếu cho bạn xem trên phim, khi mà một viên đạn ngay lập tức tạo ra một chòm đỏ nho nhỏ và nó cứ nguyên như thế cho tới khi người ta khênh người bị bắn lên xe cứu thương. Không. Thoạt đầu máu thậm chí không chảy. Nó rỉ ra rất từ từ. Đầu tiên có một chấm đỏ nhỏ xíu, không to hơn cái khuy bấm, sau đó thành một mảng hình tròn cỡ đồng xu, rồi nó lớn dần lên bằng cỡ một cái đĩa đựng chén, loang ra bằng cỡ một cái đĩa đựng đồ ăn, rồi cứ thế tiếp tục phát triển và phát triển cho đến khi dòng máu trào ra như nước lũ. Tôi bắt đầu thở hổn hển và cả khoang tàu sắp bị nhấn chìm trong dòng sông đỏ thì bố của Akshay lắc vai tôi như điên như dại. “Tỉnh lại đi nào, tôi bảo mà!” ông ta quát lên và cái màu đỏ đó tan đi.
Tôi ngồi trên giường của mình với một đám người vây xung quanh. Gần như toàn bộ những người có mặt trên toa đều đổ đến xem chuyện gì đã xảy ra. Đàn ông, đàn bà, trẻ con nghển cổ nhìn. Họ nhìn tên thổ phỉ không ai biết tên đang nằm chết trên sàn với một chòm máu đỏ thẫm trên chiếc sơ mi trắng, một ông bố với vết thương sâu trên trán, một người mẹ hoảng sợ với hai bầu vú đang bị một đứa trẻ sắp chết đói mút lấy từng giọt sữa, một người em trai sẽ không bao giờ còn đọc truyện tranh Archie trên tàu hỏa và một người chị gái sẽ gặp ác mộng trong suốt phần đời còn lại. Và một thằng bé đường phố từng được sở hữu chút tiền trong một quãng thời gian ngắn ngủi và từ giờ trở đi sẽ chẳng bao giờ còn có được những giấc mơ của tầng lớp trung lưu nữa.
Ngọn đèn vàng trong khoang tàu dường như sáng chói dị thường. Tôi chớp mắt liên tục và cầm khẩu súng trong bàn tay yếu rũ. Nó nhỏ và chắc với thân súng bằng kim loại màu sáng bạc và báng súng màu đen. Trên khẩu súng có chữ “Colt” được chạm nổi và đối diện với nó có hình một con ngựa đang nhảy lên. Tôi lật khẩu súng. Mặt kia của họng súng có ghi hai chữ “Hạng nhẹ” nhưng tôi cảm thấy nó nặng đến kỳ cục. Một số chữ cái và vài con số được chạm khắc trên khẩu súng đã bị mờ. Tôi đọc được mấy chữ “Conn USA” và “DR 24691”.
Meenakshi liếc trộm tôi. Cô nhìn tôi như Salim nhìn những ngôi sao điện ảnh. Tôi biết lúc này cô đã đem lòng yêu tôi. Nếu giờ tôi ngỏ lời cầu hôn, cô sẽ lấy tôi. Sẽ vui mừng được có con với tôi. Thậm chí không cần năm mươi nghìn rupi. Nhưng tôi không đáp lại những cái liếc của cô vì mọi chuyện đã thay đổi. Tôi chỉ nhìn khẩu súng trong tay và khuôn mặt của tên thổ phỉ đã chết, một kẻ tôi không biết tên.
Hắn có thể đã chết bằng bao nhiêu cách. Hắn có thể bị bắn chết giữa khu chợ đông đúc trong cuộc chạm trán với cảnh sát. Hắn có thể bị giết bởi một nhóm kình địch trong khi đang uống trà ở một quán ven đường. Hắn có thể bị chết trong bệnh viện vì bệnh tả, ung thư hoặc bệnh AIDS. Nhưng không, hắn không chết theo bất cứ cách nào trong những cách đó. Hắn chết vì một viên đạn do tôi bắn. Vậy mà đến tên hắn tôi còn không biết.
Những hành trình bằng tàu hỏa đầy rẫy các khả năng. Nhưng một lỗ thủng xuyên tim là sự chấm dứt tuyệt đối các khả năng đó. Làm gì có chuyện một xác chết đi đây đi đó. Họa chăng là đi tới lò thiêu, nhưng chắc chắn xác chết đó sẽ không gặp bất cứ người bán hàng rong hay người soát vé nào nữa. Tuy nhiên, có thể tôi sẽ không chỉ đụng đầu những người bán hàng rong và nhân viên soát vé mà còn cả cảnh sát. Họ sẽ đối xử với tôi ra sao đây? Như một người anh hùng đã đứng ra bảo vệ sự e lệ của một cô gái và loại khỏi thế giới này một tên thổ phỉ, hay như một kẻ giết người máu lạnh đã bắn chết một con người mà thậm chí không biết tên người đó? Tôi chỉ biết một điều: tôi không thể đánh cược với khả năng bị phát hiện. Và rồi lời nói của đại tá Taylor dội vào nhận thức của tôi như một tiếng sét từ trên trời. “RVHĐ, rối vết hết đuôi.” Tôi biết chính xác mình phải làm gì.
Khi đoàn tàu sắp sửa vào ga tiếp theo, nơi chắc chắn một đội cảnh sát đang đợi tôi, tôi liền nhảy ra khỏi cửa tàu, tay vẫn cầm khẩu súng. Tôi chạy qua đường ray và nhảy lên một đoàn tàu khác đang chuẩn bị rời ga. Tôi không ngồi trong toa nào cả; chỉ đứng bám ở cửa lên xuống. Khi đoàn tàu chạy qua một cây cầu dầm hẫng, tôi vứt khẩu súng xuống dòng sông đen ngòm. Sau đó, khi tàu dừng ở ga tiếp theo, tôi nhảy ra và tìm một đoàn tàu khác để tới một nơi khác. Tôi cứ làm thế suốt đêm, chuyển từ ga này tới ga khác, từ đoàn tàu này sang đoàn tàu khác.
Những thành phố trôi qua lờ mờ trước mắt tôi. Tôi không biết mình đang lên phía Bắc hay xuống phía Nam, sang phía Đông hay về phía Tây. Tôi thậm chí không biết tên tàu. Tôi cứ đổi tàu liên tục. Điều duy nhất tôi biết một cách chắc chắn là mình không thể tới Mumbai. Akshay có thể đã nói với cảnh sát về Salim và họ có thể tóm tôi ở Ghatkopar. Tôi cũng không muốn xuống tàu tại một nhà ga bẩn thỉu, hoang vắng để thu hút sự chú ý không cần thiết. Tôi đợi đến một nhà ga tràn ngập đèn sáng, tràn ngập âm thanh và tràn ngập người.
Chín giờ sáng con tàu chở tôi tiến vào một sân ga đông đúc, ồn ào. Tôi nhảy ra khỏi tàu, mặc chiếc áo sơ mi thụng một trăm phần trăm cotton đã rách và bị mất ba chiếc cúc, chiếc quần bò Levi’s đóng két bụi bẩn và nhọ nhem nhọ thỉu, đeo chiếc đồng hồ kỹ thuật số giả. Thành phố này có vẻ là nơi thích hợp để lẩn trốn một thời gian. Tôi nhìn tấm biển lớn màu vàng ở rìa sân ga có ghi tên thành phố. Nó tuyên bố bằng những chữ cái in đậm màu đen: “AGRA. Cao hơn mực nước biển trung bình 169 mét.”
Smita lấy tay che miệng. “Ôi, trời ơi,” cô ấy nói. “Vậy là trong suốt từng ấy năm cậu luôn sống với cảm giác tội lỗi vì đã giết chết một người ư?”
“Hai người. Chớ quên tôi đã đẩy Shantaram như thế nào,” tôi đáp.
“Nhưng chuyện xảy ra trên tàu là một tai nạn. Và cậu có thể bào chữa cho hành động đó là do tự vệ. Dầu sao đi nữa, trước hết tôi sẽ tìm hiểu xem cả hai vụ đó có vụ nào đang được điều tra hay không. Tôi không nghĩ những hành khách khác muốn khai cậu ra. Suy cho cùng thì cậu cũng giải nguy cho tất cả bọn họ. Nhân tiện cho tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra với cô gái đó, cô Meenakshi ấy? Cậu có gặp lại cô ấy không?”
“Không. Không bao giờ. Giờ hãy trở lại với chương trình trò chơi đó.”
Trong trường quay, các bóng đèn lại mờ dần.
Prem Kumar quay sang tôi. “Giờ chúng ta chuyển sang câu hỏi số bảy với mức thưởng hai trăm nghìn rupi. Anh đã sẵn sàng chưa ?”
“Sẵn sàng,” tôi đáp.
“OK. Đây là câu hỏi số bảy. Ai đã phát minh ra súng lục? Đó là a) Samuel Colt, b) Bruce Browning, c) Dan Wesson hay d) James Revolver?”
Nhạc nổi lên. Tôi chìm trong suy nghĩ.
“Anh đã bao giờ nghe nói đến những cái tên này chưa?” Prem hỏi tôi.
“Một trong những cái tên đó nghe quen quen.”
“Vậy anh muốn rút khỏi cuộc chơi hay muốn tiếp tục?”
“Tôi nghĩ tôi sẽ tiếp tục chơi.”
“Nghĩ lại đi. Anh có thể mất mười vạn rupi mà anh đã giành được cho đến thời điểm này.”
“Tôi chẳng có gì để mất. Tôi sẵn sàng chơi.”
“OK. Vậy câu trả lời cuối cùng của anh là gì?”
“A. Colt.”
“Anh hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm chứ?”
“Vâng.”
Tiếng trống dồn nổi lên. Cậu trả lời đúng nhấp nháy.
“Chính xác một trăm phần trăm! Quả thật chính Samuel Colt là người đã phát minh ra súng lục vào năm 1835. Anh vừa nhân đôi giải thưởng của mình lên thành hai mươi vạn rupi!”
Tôi không thể tin nổi. Tôi đã giành lại năm mươi nghìn rupi của mình với số lãi gấp ba. Nhờ một tên thổ phỉ da ngăm đen mà tôi không biết tên.
Trong đám khán giả nổi lên những tiếng “ôô” và “aaa”. Nhạc hiệu của chương trình lại ngân lên nhưng âm thanh duy nhất vang dội trong tai tôi là tiếng pít tông chuyển động không ngừng của một đoàn tàu hỏa đang chạy từ Delhi đến Mumbai, qua Agra.
Prem Kumar bỗng nhiên đứng bật dậy khỏi chỗ ngồi để bắt tay tôi, nhưng rồi nhận thấy bàn tay tôi rũ ra không chút phản ứng. Nếu bạn bị bất ngờ trong một chương trình trò chơi truyền hình thì phải mất một chút thời gian não của bạn mới phản ứng được.
Hết chương 8. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.