Chính xác như một chiếc đồng hồ, cứ đúng tám giờ ba mươi tối còi báo động lại hú lên, dẫn đến những hoạt động điên cuồng ở khu chawl. Các cư dân làm theo những chỉ dẫn đã được ra rả trên loa phóng thanh suốt cả tuần vừa rồi nhằm đề phòng sự bùng nổ của các hành động chiến tranh. Tắt hết đèn, khóa nguồn mọi máy móc, tắt bếp ga, đóng cửa nhà, xếp hàng trật tự và đi tới boongke.
Boongke nằm bên dưới trường học. Đó là một gian phòng lớn hình chữ nhật có ánh sáng dịu. Sàn trải thảm đỏ bụi bặm bạc thếch và đồ đạc duy nhất trong phòng là hai chiếc ghế ọp ẹp và một chiếc bàn bằng kim loại cũ trên đặt một chiếc ti vi mười bốn inch. Boongke này khiến người ta cảm thấy nóng bức, ngột ngạt và có cảm giác bị giam hãm, nhưng nó là nơi bảo vệ chúng tôi, vì vậy chúng tôi quả thực không thể phàn nàn. Mặc dầu người ta đồn rằng boongke ở Pali Hill có một chiếc ti vi ba mươi hai inch, những tấm đệm Dunlopillo và điều hòa nhiệt độ.
Dân cư tập trung trước màn hình ti vi, giờ đã được chỉnh sang kênh tin tức. Tôi nhìn quanh phòng. Gần như toàn bộ khu chawl đang có mặt ở đây. Gia đình Gokhale, gia đình Nenes, nhà Bapat, ông Wagle, ông Kulkarni, bà Damle, ông Shirke, bà Barwe... Chỉ có ông quản lý Ramakrishna là không thấy đâu. Chắc hẳn ông ấy còn bận đếm biên lai thuê nhà và chữa những bóng đèn hỏng, những vòi nước rò rỉ và thanh chắn bị gãy.
Thoạt đầu là phần quảng cáo. Cuộc chiến này được Mother India Toothpaste và Jolly Tea tài trợ. Sau đó chúng tôi theo dõi bài phát biểu của thủ tướng. Các lực lượng của Ấn Độ đang thắng thế, ông ấy sốt sắng nói với chúng tôi, và việc kẻ thù hoàn toàn đầu hàng chỉ còn tính bằng ngày. Đây là cuộc quyết chiến một mất một còn, ông ấy cao giọng. Nó sẽ đặt dấu chấm hết cho chủ nghĩa khủng bố. Và cái đói. Và sự nghèo khổ. Hãy hào phóng đóng góp cho Quỹ Phúc lợi của Chiến sĩ, ông ấy hối thúc chúng tôi.
Sau bài diễn văn của thủ tướng, một nữ diễn viên trẻ xuất hiện trên truyền hình, nói những điều y hệt nhưng theo phong cách filmi_(1). Cánh phụ nữ trố mắt nhìn cô diễn viên. Họ nói trông cô ấy mới trẻ trung xinh đẹp làm sao. Họ hỏi nhau sari của cô ấy bằng lụa hay bằng the. Làm thế nào cô giữ được làn da mịn màng đến thế? Cô dùng loại xà bông nào? Cô trắng trẻo thế. Cô không cần kem Trắng và Đẹp.
Cánh đàn ông giận sôi lên. Những tên khốn đó gây ra cho chúng ta đủ các vấn đề rồi, họ nói. Đủ là đủ. Lần này chúng ta nên phá hủy hoàn toàn Pakistan.
Ông Wagle là một chuyên gia về chiến tranh. Là giảng viên đại học, ông là người có giáo dục nhất trong khu chawl. Pakistan có tên lửa và bom nguyên tử, ông ấy nói với chúng tôi. Đó là lý do chúng tôi phải ở trong cái boongke này - để chúng tôi được bảo vệ khỏi chất phóng xạ. Nhưng chẳng có gì thực sự bảo vệ được chúng tôi trước bom nguyên tử. Khi bom nổ, ông ấy nói, nước sẽ thành không khí. Không khí sẽ thành lửa. Mặt trời sẽ biến mất. Một đám mây khổng lồ hình nấm sẽ dâng lên bầu trời. Và tất cả chúng tôi sẽ chết, ông ấy kết luận một cách nghiêm nghị.
Nhưng thật khó để hình dung về cái chết khi bạn là một đứa trẻ mười hai tuổi giống như tôi và Putul, hay mười tuổi như Salim và Dhyanesh và đây là cuộc chiến tranh đầu tiên bạn nếm trải. Chúng tôi đầy háo hức tò mò. Chúng tôi ngồi mọc rễ trước cái vô tuyến, bị thôi miên bởi những hình ảnh của cuộc chiến.
Chúng tôi không biết và không quan tâm đến phóng xạ. Chúng tôi quan tâm đến những thứ quan trọng hơn. Chẳng hạn như:
Bom nguyên tử nổ to đến mức nào?
Liệu chúng tôi có thể nhìn thấy máy bay phản lực bay phía trên nhà chúng tôi không?
Nó có giống Diwali không?
Không thú vị sao nếu một quả bom nguyên tử rơi xuống cạnh khu chawl của chúng tôi?
Đã là đêm thứ ba của cuộc chiến tranh. Cuộc sống của chúng tôi trong boongke ngả theo một mô hình có thể đoán trước được. Cánh đàn bà bắt đầu mang rau củ và đồ đan vào phòng. Họ ngồi thành nhóm, thái cà chua và khoai tây, đan áo len, bóc đậu lăng, nhặt rau bina và rau mùi, trao đổi những tin tức nóng hổi. Các bà có biết bà Goswami đã mua một cái ti vi hai mươi lăm inch mới toanh không? Có trời mới biết chồng bà ta kiếm đâu ra nhiều tiền thế! Hình như ông Bapat và bà vợ đêm hôm nọ cãi nhau to. Hầu như tất cả hàng xóm láng giềng đều có thể nghe thấy! Các cô đã đọc số mới nhất của tạp chí Starburst chưa? Nó nói Armaan Ali có lẽ là người đồng tính!
Cánh đàn ông chăm chú lắng nghe bản tin và bàn luận về những đồn đại mới nhất. Có đúng là tình trạng khẩn cấp sắp sửa được ban bố không? Người ta nói Pathankot đã bị bom phá hủy hoàn toàn. Nhiều dân thường đã chết. Mehta có thông tin đáng tin cậy, từ chính Bộ Quốc phòng, rằng xăng dầu sẽ khan hiếm. Hành và cà chua gần như đã biến mất khỏi các chợ. Nên bắt đầu tích trữ sữa đi là vừa.
Bọn trẻ chúng tôi có hội riêng của mình. Chúng tôi chạy quanh gian phòng rộng, la hét, kêu gào và ngã đè lên nhau, làm cho cánh phụ nữ khiếp đảm. Chúng tôi chơi đoán chữ cho tới khi phát chán. Rồi Putul phát minh ra một trò chơi mới. Nó được gọi bằng cái tên rất hợp với hoàn cảnh là trò Chiến tranh và Hòa bình. Trò chơi khá đơn giản. Chúng tôi chia ra làm hai đội, một đội do tướng Ấn Độ chỉ huy còn đội kia do tướng Pakistan chỉ huy. Hai đội phải đuổi bắt nhau. Ai bị bắt trước sẽ trở thành tù binh chiến tranh và chỉ được thả theo cách trao đổi tù binh. Bắt được tướng sẽ tính bằng hai tù binh. Đội nào có số tù binh lớn nhất sẽ là đội chiến thắng. Chỉ có một vấn đề: không ai muốn làm tướng Pakistan. Cuối cùng bọn chúng nó tóm Salim. “Cậu là người đạo Hồi,” bọn chúng nói với cậu ấy, “vậy cậu làm tướng Pakistan đi.” Thoạt đầu Salim không đồng ý nhưng cuối cùng bị mua chuộc bằng lời hứa cậu ấy sẽ được hai gói kẹo cao su. Tôi nhập đội của Salim và chúng tôi đánh quân Ấn Độ.
Sau khi đã chơi hết mọi trò, chúng tôi túm tụm vào một góc, nghỉ cho đỡ mệt và bàn tán về chiến tranh.
“Tớ thích cuộc chiến tranh này,” tôi nói. “Nó thú vị thật đấy. Và chủ của tớ, cô Neelima Kumari, đã cho tớ nghỉ một tuần vì lệnh giới nghiêm.”
“Đúng vậy,” Putul nói. “Trường tớ cũng đóng cửa một tuần rồi.”
“Tớ ước gì tháng nào cũng có chiến tranh,” Dhyanesh nói.
“Dẹp chuyện vớ vẩn đó lại ngay!” một người đàn ông gầm lên sau lưng chúng tôi.
Chúng tôi giật mình quay đầu lại, nhìn thấy một ông già người Sikh chống nạng đứng phía sau chúng tôi. Ông gầy và cao, có bộ ria mép lưa thưa trên khuôn mặt phong sương. Ông đội chiếc khăn xếp màu xanh ô liu hợp với bộ quân phục có nhiều túi và đeo thắt lưng da to bản. Ông nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dữ tợn và giơ một ngón tay lên với vẻ cáo buộc. “Sao bọn bay dám đem chiến tranh ra mà nói giỡn hả? Chiến tranh là chuyện hệ trọng. Nó cướp đi những mạng sống đấy.”
Chỉ đến lúc đó chúng tôi mới nhận thấy ông bị mất một chân.
Chúng tôi biết ông là Lance Naik_(1) (đã xuất ngũ) Balwant Singh. Rằng ông mới chuyển đến khu chawl của chúng tôi, rằng ông sống một mình và đã bị mất một chân trong chiến trận.
Sau khi đã quở phạt chúng tôi, Balwant Singh tập tễnh đi về phía trước trên đôi nạng và ngồi xuống chiếc ghế trước màn hình ti vi.
Ti vi đang phát đi những hình ảnh được truyền trực tiếp về cuộc chiến. Màn hình bị bao phủ bởi thứ ánh sáng mờ mờ màu xanh lá cây. Chúng tôi thấy một máy phóng rocket đã được nạp một quả rocket. Một người lính nhấn một cái nút và quả rocket phóng ra trong ánh lửa sáng chói. Nửa phút sau chúng tôi nhìn thấy một luồng ánh sáng vàng xanh ở phía xa xa và có tiếng nổ. “Chúng ta đã bắn trúng mục tiêu,” một sĩ quan quân đội đứng cạnh máy phóng rocket tuyên bố. Anh ta nhe răng cười. Răng anh ta xanh đến mức dị thường. Mười giây sau một quả rocket khác được phóng đi. Phóng viên quay người hướng vào camera nói, “Đây là chương trình tin tức đặc biệt được truyền trực tiếp về tình hình chiến sự ở vùng Rajasthan. Tôi là Sunil Vyas của Star News, đang ở cùng sư đoàn số 5, mời các bạn trở lại trường quay.” Chúng tôi không được biết mục tiêu của lần phóng rocket vừa rồi là gì, quả rocket có bắn trúng đích hay không, bao nhiêu người chết trong đợt tấn công đó, và bao nhiêu người sống sót. Một ca sĩ nổi tiếng xuất hiện và bắt đầu hát một bài hát yêu nước quen thuộc với vẻ thích thú.
Lance Naik (đã xuất ngũ) Balwant Singh đứng dậy khỏi ghế. “Đây không phải cuộc chiến tranh thật sự,” ông phẫn nộ nói. “Nó là một trò đùa. Người ta đang cho các ông xem một vở kịch tình cảm tâm lý quần chúng nhiều kỳ.”
Ông Wagle không được vui. “Ồ, vậy một cuộc chiến tranh thật sự là gì?” ông ấy hỏi.
Ông Balwant nhìn ông Wagle với vẻ khinh thường của một người lính đối với một dân thường. “Một cuộc chiến tranh thật sự khác nhiều so với bộ phim trẻ con này. Một cuộc chiến tranh thật sự có máu và lòng dũng cảm. Một cuộc chiến tranh thật sự có xác chết, có những bàn tay bị lưỡi lê của kẻ thù chém đứt và những cái chân bị bom đạn làm cụt.”
“Ông đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh nào?” ông Wagle hỏi.
“Tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến tranh thực sự cuối cùng, cuộc chiến năm 1971,” Balwant Singh hãnh diện nói.
“Vậy sao ông không cho chúng tôi biết chiến tranh thực sự là như thế nào?” bà Damle nói.
“Đúng rồi, kể cho chúng cháu nghe đi, bác,” chúng tôi hò hét.
Balwant Singh ngồi xuống. “Các vị thực sự muốn biết một cuộc chiến tranh thực sự là như thế nào ư? OK, vậy thì tôi sẽ kể cho các vị nghe câu chuyện của tôi. Về mười bốn ngày vinh quang khi chúng tôi giành được chiến thắng lẫy lừng nhất trước Pakistan.”
Chúng tôi túm tụm xung quanh người lính già hệt như những đứa cháu mở to mắt nghe ông của chúng kể chuyện.
Balwant Singh bắt đầu kể. Mắt ông đượm vẻ xa xăm, mơ màng thường thấy khi người ta nói về những chuyện đã trôi qua lâu lắm rồi. “Giờ tôi sẽ đưa các bạn trở về năm 1971. Trở về giai đoạn khốc liệt nhất trong lịch sử Ấn Độ.”
Im lặng bao trùm đám thính giả trong boongke. Ông Wagle vặn nhỏ ti vi. Không ai phản đối. Chương trình thời sự trực tiếp trên ti vi với những tin tức được xào xáo lại không thể sánh với câu chuyện kể lần đầu của một người lính thực thụ.
“Cuộc chiến tranh thực sự cuối cùng bắt đầu vào ngày mồng ba tháng Mười hai năm 1971. Tôi nhớ rất rõ ngày đó bởi vì vào chính ngày phát động chiến tranh, tôi nhận được một bức thư từ Pathankot, từ người vợ yêu dấu của tôi, báo cho tôi biết cô ấy đã sinh con trai, đứa con đầu lòng của chúng tôi. Vợ tôi viết trong thư, ‘Anh không ở bên em, nhưng em biết anh đang chiến đấu cho tổ quốc của mình và điều này khiến trái tim em tràn ngập niềm tự hào và vui sướng. Em sẽ nguyện cầu cho anh được bình yên và em sẽ cùng con trai anh đợi anh chiến thắng trở về.’ ”
“Tôi đã khóc khi đọc bức thư ấy, nhưng đó là những giọt nước mắt hạnh phúc. Tôi không khóc vì phải xa gia đình vào một thời điểm như thế. Tôi hạnh phúc vì mình sẽ bước vào trận chiến với lời cầu chúc của vợ tôi và được tiếp thêm sức mạnh bởi sự chào đời của đứa con trai mới sinh.”
“Bà ấy đặt tên con trai ông bà là gì?” bà Damle hỏi.
“Ồ, từ lâu trước khi đứa trẻ chào đời chúng tôi đã quyết định rằng nếu nó là con gái, chúng tôi sẽ gọi là Durga, còn nếu là con trai, chúng tôi sẽ đặt tên nó là Sher Singh. Vậy nên nó tên là Sher Singh.”
“Chiến tranh bắt đầu như thế nào?”
“Đêm ngày mồng ba tháng Mười hai có trăng non. Dưới sự che đậy của bóng tối, kẻ thù hèn nhát mở đợt tấn công phủ đầu không kích nhiều sân bay của chúng ta nằm dọc khu vực phía Tây - Srinagar, Avantipur, Pathankot, Uttarlai, Jodhpur, Ambala, Agra - tất cả đều bị oanh tạc. Những cuộc không kích này được nối tiếp bằng một cuộc tấn công quy mô lớn vào khu vực chiến lược Chhamb ở phía Bắc.”
“Vậy khi chiến tranh nổ ra ông đang đóng quân ở đâu?” ông Wagle hỏi.
“Ngay ở Chhamb, trong sư đoàn bộ binh số 13. Tôi thuộc trung đoàn lính người Sikh và tiểu đoàn của tôi - tiểu đoàn Sikh số 35 - dàn quân ở Chhamb giữa một lữ đoàn gồm các binh chủng phối hợp. Giờ các bạn cần phải hiểu tại sao quân Pakistan lại tấn công chúng tôi ở Chhamb. Chhamb không chỉ là một ngôi làng nằm ở bờ Tây sông Munawa Tawi. Nó còn là đường giao thông huyết mạch dẫn đến các huyện của Akhnoor và Jaurian. Nếu địch chiếm được Chhamb, cả đất nước sẽ lâm nguy.”
“Vậy là đêm hôm đó quân Pakistan mở cuộc tấn công theo ba hướng nhằm vào chúng tôi. Chúng có hàng rào đại bác yểm trợ. Súng và súng cối. Cuộc bắn phá dữ dội đến nỗi chỉ trong vài giờ hầu như tất cả các boongke của chúng tôi đều bị tàn phá nghiêm trọng và ba trong số các đội trinh sát của chúng tôi bị xóa sổ.”
“Khi cuộc tấn công bắt đầu, tôi chỉ huy một đội tiên phong cùng ba người khác. Đơn vị của chúng tôi bị kẻ thù tấn công với một sức mạnh vô cùng to lớn. Các bạn nên nhớ rằng từ Munawar đến Tawi chúng tôi chỉ có ba tiểu đoàn, thế mà phải đương đầu với cả một sư đoàn bộ binh của Pakistan, sư đoàn bộ binh số 23, với một lữ đoàn tăng thiết giáp gồm khoảng một trăm năm mươi xe tăng và khoảng chín đến mười trung đoàn pháo binh. Pakistan đổ vào Chhamb một lực lượng pháo binh nhiều hơn lực lượng pháo binh ở toàn bộ mặt trận phía Đông.”
“Ba cấp dưới của tôi lúc đó là Sukhvinder Singh đến từ Patiala, Rajeshwar đến từ Hoshiarpur và Karnail Singh đến từ Ludhiana. Karnail là người giỏi nhất nhóm, cậu ấy cao lớn vạm vỡ, có giọng nói oang oang và nụ cười dễ lây. Cậu ấy không sợ chiến tranh. Cậu ấy không sợ chết. Nhưng có một nỗi sợ cứ giày vò cậu ấy hết ngày này qua ngày khác.”
“Đó là gì vậy?” ông Kulkarni hỏi.
“Sợ bị chôn. Các bạn thấy đấy, chúng tôi nghe nói nếu phát hiện thấy xác của bất kỳ người lính Ấn Độ nào, quân Pakistan sẽ không bao giờ trả xác cho chúng tôi. Thay vì thế, họ cố tình chôn các xác chết theo truyền thống đạo Hồi cho dù những người lính Ấn Độ theo đạo Hindu. Karnail là người kính thần sùng đạo và cậu ấy sợ rằng nếu chết trên chiến trường, xác cậu ấy sẽ bị chôn sâu dưới sáu tấc đất thay vì được hỏa táng. ‘Hãy hứa với tôi, thưa chỉ huy,’ một tuần trước khi cuộc chiến bắt đầu, cậu ấy nói với tôi, ‘rằng ông sẽ đảm bảo nếu chết, tôi sẽ được hỏa táng theo đúng cách. Nếu không linh hồn tôi sẽ không bao giờ tìm thấy sự bình yên và sẽ buộc phải lang thang dưới đáy âm ty trong ba mươi sáu nghìn năm.’ Tôi cố trấn an cậu ấy, nói rằng cậu ấy sẽ không chết nhưng cậu ấy vô cùng cương quyết. Vậy là chỉ để cậu ấy không nói đi nói lại nữa, tôi bảo cậu ấy, ‘Được rồi, Karnail, nếu cậu chết, tôi hứa sẽ hỏa táng cậu với đầy đủ các nghi thức của đạo Hindu.’ ”
“Vậy là vào đêm ngày mồng ba tháng Mười hai chúng tôi đang ở trong một boongke trên tuyến đầu - Karnail, Sukhvinder, Rajeshwar và tôi - khi địch bắt đầu khai hỏa...”
Ông bị Putul ngắt lời. “Bác ơi, boongke của các bác có một chiếc ti vi như trong boongke của chúng ta không?”
Người lính bật cười thành tiếng. “Không, con trai ạ. Boongke của các bác không được sang trọng như thế này đâu. Nó không có thảm cũng chẳng có ti vi. Nó vừa nhỏ vừa chật chội. Nó chỉ chứa nổi bốn người thôi. Nó nhung nhúc muỗi và thỉnh thoảng rắn còn mò vào viếng thăm nữa.”
Giọng Balwant trở nên nghiêm trang hơn. “Tôi không biết trong các bạn có ai thông thuộc địa hình Chhamb hay không. Đó là một vùng địa hình bằng phẳng nhưng nổi tiếng với loại đá xám và sarkanda - cỏ voi - cao và rậm đến mức có thể ngụy trang cho cả một chiếc xe tăng. Qua lớp cỏ rậm rạp ấy, kẻ thù tìm đến chỗ chúng tôi trong sự che đậy của bóng tối. Trước khi chúng tôi phát hiện ra điều đó, đạn súng cối đã nổ ở cả bên trái lẫn bên phải chúng tôi. Trời tối đen như mực và tôi không thể nhìn thấy gì hết. Một quả lựu đạn rơi trúng boongke, nhưng chúng tôi kịp bò ra ngoài trước khi nó phát nổ. Khi chúng tôi đánh liều bò ra khỏi boongke, một cơn mưa đạn từ một khẩu súng máy hạng nhẹ đón chào từng bước di chuyển của chúng tôi. Lặng lẽ, chúng tôi bước về phía trước, đi hàng một, cố xác định nguồn đạn. Chúng tôi tiến về phía trước an toàn và sắp tiếp cận được boongke nơi đạn được bắn ra của quân Pakistan thì một quả đạn súng cối nổ ngay phía sau tôi. Tôi còn chưa kịp nhận thức được tình hình thì Sukhvinder và Rajeshwar đã chết, Karnail thì đang chảy máu vì bị mảnh đạn găm vào bụng. Tôi là người duy nhất thoát chết, chỉ bị thương ngoài da. Tôi vội báo với chỉ huy đại đội về tình hình thương vong. Tôi cũng nói với ông ấy rằng có một khẩu LMG đang nã đạn như mưa từ boongke của địch và nếu không bị chặn họng thì nó sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho đại đội. Chỉ huy nói ông ấy không thể phí phạm thêm một tiểu đội nữa, và yêu cầu tôi bằng cách nào đó hãy vô hiệu hóa khẩu LMG.”
“ ‘Tôi sẽ tiến về boongke của địch,’ tôi nói với Karnail. ‘Cậu hãy bắn yểm trợ cho tôi.’ ”
“Nhưng Karnail ngăn tôi lại. ‘Đây là nhiệm vụ tự sát, thưa chỉ huy,’ cậu ấy nói với tôi.”
“ ‘Tôi biết, Karnail,’ tôi đáp. ‘Nhưng phải có người thực hiện nhiệm vụ này.’ ”
“ ‘Vậy hãy để tôi làm, thưa chỉ huy,’ Karnail nói. ‘Tôi tình nguyện vô hiệu hóa súng máy của kẻ thù.’ Rồi cậu ấy nói với tôi, ‘Thưa chỉ huy, ông có vợ. Ông lại vừa may mắn có được một đứa con trai. Tôi không còn ai thân thích. Không có ai ở phía sau tôi. Chẳng có ai ở phía trước tôi. Có lẽ tôi đằng nào cũng sẽ chết vì vết thương này. Hãy để tôi đi và làm gì đó phụng sự tổ quốc. Nhưng xin đừng quên lời hứa của ông, thưa chỉ huy.’ Và tôi chưa kịp thốt lời nào thì cậu ấy đã giật khẩu súng trường từ tay tôi và lao lên phía trước. ‘Bharat Mata ki Jai - Tổ Quốc Ấn Độ Muôn Năm’ cậu ấy hô to và xông vào boongke địch, dùng lưỡi lê đâm chết ba tên địch và làm khẩu LMG câm họng. Nhưng khi đứng đó với khẩu súng trong tay, cậu ấy nhận thêm một phát đạn chí tử vào ngực và đổ ập xuống đất ngay trước mắt tôi, tay vẫn cầm chắc khẩu súng.”
Cả căn phòng im phăng phắc khi chúng tôi cố hình dung ra cảnh chiến trường khốc liệt. Tiếng đạn bay, tiếng súng cối dường như vang vọng khắp căn phòng. Balwant tiếp tục kể.
“Tôi đứng chôn chân tại chỗ trong gần hai tiếng đồng hồ. Tôi được lệnh quay về đại đội nhưng lời hứa với Karnail cứ văng vẳng bên tai tôi. Giờ đây thi thể cậu ấy đang nằm trên địa phận của địch và tôi không biết ở quanh đó còn bao nhiêu lính Pakistan. Tôi là người duy nhất còn lại trong tiểu đội của mình.”
“Khoảng ba giờ sáng hỏa lực ngừng hẳn, chỉ còn lại sự im lặng chết chóc. Một cơn gió bất ngờ thổi tới khiến cây cối gần đó lao xao xào xạc. Tôi nhích từng phân về phía boongke của quân Pakistan cách đó không quá hai trăm foot. Bỗng nhiên tôi nghe thấy tiếng bước chân mơ hồ ở phía trước. Tôi căng tai nghe trên tiếng đập thình thịch của tim mình trong lúc nâng khẩu súng trường lên. Tôi lên cò súng, sẵn sàng khai hỏa, nhưng trong lòng hy vọng mình sẽ không phải sử dụng đến khẩu súng. Bắn trong bóng tối sẽ tạo ra một tia sáng từ họng súng làm lộ vị trí của tôi cho kẻ thù biết. Tôi cố nén ngay cả tiếng thở của chính mình. Một cái gì đó mảnh mai và trơn tuột bò qua lưng tôi. Tôi cảm thấy dường như là một con rắn. Tôi mong muốn đến tuyệt vọng có thể giũ nó đi nhưng nỗi sợ hãi bị địch phát hiện buộc tôi nhắm mắt lại và hy vọng nó sẽ không cắn mình. Sau một khoảng thời gian tưởng chừng như vô tận, nó bắt đầu trườn xuống chân tôi và tôi bật ra tiếng thở phào nhẹ nhõm. Lưng tôi đẫm mồ hôi còn cánh tay đau ê ẩm. Khẩu súng trường nặng như chì. Tiếng bước chân lại bắt đầu vang lên, càng lúc càng gần hơn. Tôi căng mắt nhìn vào bóng tối, cố xác định hình dạng của địch, nhưng tôi không thể nhìn thấy gì. Tôi biết rằng cái chết đang lén lút tiến đến rất gần. Hoặc tôi sẽ giết người hoặc bị người giết. Một cành cây kêu lạo xạo và tôi thậm chí nghe thấy cả tiếng thở yếu ớt. Đó là một sự chờ đợi khổ sở. Tôi phân vân không biết mình nên bắn hay đợi địch ra tay trước. Bỗng nhiên tôi nhìn thấy ánh diêm và một cái gáy thấp thoáng trong tầm quan sát tựa như một bóng ma cách tôi không quá mười foot. Tôi nhảy phắt ra khỏi bụi cỏ, lao lên phía trước với lưỡi lê tuốt trần. Đó là một tên lính Pakistan đang định đi tiểu. Tôi suýt nữa đã hạ gục hắn thì hắn bỗng quay lại, buông rơi khẩu súng trường và chắp hai tay cầu xin, ‘Xin đừng giết tôi. Tôi xin ông.’ ”
“ ‘Bọn bay còn bao nhiêu tên ở khu vực này?’ tôi hỏi hắn.”
“ ‘Tôi không biết. Tôi bị lạc đơn vị. Tôi chỉ đang cố quay về thôi. Tôi xin ông, đừng giết tôi,’ hắn òa khóc.”
“ ‘Sao ta lại không nên giết mi chứ?’ tôi hỏi. ‘Suy cho cùng mi là kẻ thù kia mà.’ ”
“ ‘Nhưng tôi cũng là một con người, giống như ông,’ hắn nói. ‘Màu máu của tôi cũng giống màu máu của ông. Tôi có một người vợ đang chờ đợi tôi ở Mirpur. Và một đứa con gái vừa mới chào đời cách đây mười ngày. Tôi không muốn chết mà vẫn chưa được nhìn thấy mặt con mình.’ ”
“Nghe hắn nói thế tôi thấy mềm lòng. ‘Ta cũng có vợ và một đứa con trai mà ta chưa được nhìn mặt,’ tôi nói với tên địch. Rồi tôi hỏi hắn, ‘Mi làm gì ở khu vực của ta hả?’ Hắn im lặng một lát rồi ngập ngừng đáp, ‘Tôi đáng lẽ đã giết ông.’ ”
“ ‘Thấy chưa,’ tôi nói với hắn, ‘chúng ta là những người lính. Chúng ta phải trung thành với bổn phận của mình. Nhưng ta hứa với mi điều này. Ta sẽ chôn cất mi theo đúng cách,’ và sau đó, không chớp mắt, tôi thọc lưỡi lê xuyên tim hắn.”
“Ugh...chi chi...” Bà Dalme nhắm mắt lại tỏ vẻ ghê sợ.
Ông Shirke cũng khó chịu. “Ông không cần phải miêu tả tỉ mỉ như thế,” ông ấy nói với Balwant trong lúc hoài công cố gắng lấy tay bịt tai Putul lại. “Tôi sợ rằng sau khi nghe những chuyện giết chóc máu me này con trai tôi có lẽ sẽ bắt đầu gặp ác mộng mất thôi.”
Balwant khụt khịt. “Ái chà! Chiến tranh đâu phải dành cho những kẻ câu nệ. Thực ra, làm cho các bạn trẻ này hiểu được chiến tranh là gì thì cũng tốt thôi. Bọn chúng nên hiểu rằng chiến tranh là chuyện rất hệ trọng. Nó cướp đi những mạng sống.”
“Chuyện gì xảy ra sau đó?” ông Wagle hỏi.
“Không có gì nhiều. Tôi đến boongke của địch, ở đây có ba xác lính Pakistan nằm cạnh xác Karnail. Tôi vác cậu ấy lên vai và lảo đảo lần về nơi đóng quân của đại đội. Sáng hôm sau chúng tôi hỏa táng cậu ấy.” Mắt Balwant đẫm lệ. “Tôi kể cho chỉ huy đại đội nghe về hành động dũng cảm phi thường của Karnail và ông ấy đề nghị truy tặng MVC cho Karnail Singh.”
“MVC là gì ạ?” Dhyanesh hỏi.
“Maha Vir Chakra. Đó là một trong những huân chương quân công cao quý nhất nước ta.”
“Vậy huân chương nào là cao quý nhất ạ?”
“Huân chương PVC hay Param Vir Chakra. Huân chương đó gần như luôn được trao theo hình thức truy tặng.”
“Vậy bác được nhận huân chương gì ạ?” Dhyanesh lại hỏi.
Vẻ đau khổ hiện lên trên khuôn mặt của Balwant. “Tôi không được tặng thưởng gì trong chiến dịch đó. Nhưng câu chuyện của tôi chưa hết đâu. Tôi vẫn phải kể với các bạn về trận Cầu Mandiala nổi tiếng.”
Ông Wagle nhìn đồng hồ đeo tay. “Ôi trời ơi, đã quá nửa đêm rồi. Chalo chalo, tôi nghĩ ngày hôm nay chúng ta đã có đủ chuyện thú vị rồi. Lệnh giới nghiêm đã hết. Giờ chúng ta nên về nhà thôi.”
Chúng tôi miễn cưỡng giải tán.
Ngày hôm sau chúng tôi lại ở trong boongke. Hôm nay cậu con trai Ajay của ông Bapat cũng có mặt. Chắc cậu ta vừa từ nhà bà nội về. Cậu ta là một kẻ hay khoác lác, lúc nào cũng khoe khoang về các món đồ chơi, máy vi tính, giày patin và một lô bạn gái của cậu ta. Tất cả chúng tôi đều ghét cậu ta nhưng không nói ra. Chúng tôi không muốn cãi cọ gây sự với một đứa con trai mười lăm tuổi mà trông như đã mười bảy. Hôm nay cậu ta mang theo một cuốn sổ nhỏ. Cậu ta gọi nó là một cuốn sổ lưu bút tích. Cậu ta cho những đứa khác xem những chữ viết nguệch ngoạc. “Đây là Amitabh Bachchan, đây là Armaan Ali, chữ này là của Raveena, đây là chữ ký của vận động viên bóng chày nổi tiếng Sachin Malvankar.”
“Thế còn chữ ký này?” Dhyanesh hỏi. Cậu ấy chỉ vào một nét chữ màu đen nguệch ngoạc không tài nào luận ra được. Ajay ngẫm nghĩ một hồi rồi nói với vẻ ngượng ngùng, “Chữ này là của mẹ tớ. Bà ấy thử bút.”
Putul cũng mang đến một thứ, nhưng đó không phải cuốn sổ lưu bút tích. Đó là một cuốn vở bài tập. Bố cậu ấy đã nói với cậu ấy rằng không đến trường không có nghĩa là không học. Giờ thì ngày nào cậu ấy cũng phải ngồi trong boongke viết văn. Đề bài hôm nay là “Con bò cái của tôi” mặc dầu Putul có con bò nào đâu.
Trên ti vi, một phát ngôn viên quân sự đang phát đi một mẩu tin vắn. “Các cuộc không kích của Pakistan nhằm vào các căn cứ không quân của Ấn Độ ở Ambala, Gorakhpur và Gwalior đã bị vô hiệu hóa thành công. Các lực lượng của Ấn Độ đã chiếm được Baghla và Rahymiar Khan. Các căn cứ tiền tuyến của Pakistan tại Bhawalpur, Sukkur và Nawabshah đã bị phá hủy hoàn toàn và Shakargarh Bulge giờ đây đã nằm dưới quyền kiểm soát của chúng ta. Ở khu vực Chhamb, những người lính của chúng ta đã đẩy lùi một đợt tấn công quy mô lớn của Pakistan nhằm chiếm cầu Mandiala.”
Chúng tôi hoan hô cuồng nhiệt. Có nhiều tiếng vỗ tay lẫn những cái bắt tay.
Balwant Singh vẫn ngồi trước ti vi như cũ. “Vậy là chúng lại tấn công Mandiala,” ông lắc đầu nói. “Bọn Pakistan này chẳng bao giờ rút ra được bài học từ sai lầm của mình.”
Tôi cảm thấy có vẻ như Balwant đang đợi người nào đó hỏi ông về cây cầu Mandiala, nhưng chẳng ai cắn câu.
Chương trình ti vi chuyển sang một cuộc bình luận tại trường quay. Một số chuyên gia đang bàn luận về chiến tranh. Một người đàn ông để râu, đeo kính nói, “Tất cả chúng ta đều biết Pakistan có gần bốn mươi đầu đạn hạt nhân. Chỉ cần một quả bom phân hạch mười lăm kiloton nổ tại một khu vực thành thị có mật độ dân số khoảng 25.000 người trên một kilomet vuông cũng đủ để giết chết khoảng 250.000 người. Giờ giả sử chúng ta ngoại suy dữ liệu này sang Mumbai, nơi...”
Ông Walge nói, “Nước sẽ trở thành không khí. Không khí sẽ biến thành lửa. Một đám mây hình nấm sẽ bùng lên trên bầu trời. Tất cả chúng ta sẽ chết.”
Ông Kulkarni tắt ti vi. “Nghe đáng thất vọng quá,” ông ấy nói. “Thay vì cái đó, tại sao chúng ta không nghe câu chuyện thú vị của người anh hùng chiến tranh của chúng ta nhỉ? Balwantji, hôm qua ông đã nhắc đến trận đánh ở cầu Mandiala. Hãy kể cho chúng tôi nghe về nó đi.”
Balwant trở nên hứng khởi, duỗi cánh tay ra rồi kéo tay áo lên. Ông gãi gãi chỗ chân cụt, xoay ghế quay về phía đám thính giả, và bắt đầu kể.
“Có một vách núi rất cao cắt ngang Munawa Tawi được gọi là Mandiala Bắc. Đây là nơi bị kẻ thù tấn công vào các đêm mồng ba và mồng bốn tháng Mười hai, vì chúng tôi hầu như không có quân trấn giữ địa điểm chủ chốt này nên các đồn bốt của chúng tôi đều bị chôn vùi. Sau đó quân Pakistan bắt đầu di chuyển bằng cả xe tăng lẫn bộ binh tới Giao điểm Mandiala nơi tôi đóng quân cùng tiểu đoàn Sikh 35, bên cạnh đại đội lính dù thuộc trung đoàn biệt kích 19.”
“Lúc bấy giờ chúng tôi hiểu rằng mục tiêu then chốt của sư đoàn 23 quân Pakistan là chiếm cầu Mandiala. Một khi điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ buộc phải bỏ Chhamb và toàn bộ khu vực phía Tây của Tawi. Vậy là đến giữa ngày mồng bốn tháng Mười hai chúng tôi bắt đầu củng cố vị trí của mình. Tiểu đoàn kỵ binh 31 được tăng viện bởi trung đoàn tăng thiết giáp 27, và tiểu đoàn Kumaon 37 đã được phái đi từ Akhnoor để mở cuộc phản công nhằm chiếm lại Bắc Mandiala. Nhưng bi kịch xảy ra khi chỉ huy của tiểu đoàn Kumaon 37 bị đạn pháo của Pakistan giết chết trước khi họ có thể sát nhập với chúng tôi. Vậy nên tiểu đoàn đó không có người chỉ huy và mãi đến tối mới tới được Tawi. Vì thế họ đi chệch sang bờ Tây, nơi nhìn ra Giao điểm Mandiala. Và vậy là khi đêm xuống chỉ có tiểu đoàn Sikh 35 và đại đội lính dù của trung đoàn biệt kích 19 canh giữ Giao điểm Mandiala, cùng với lực lượng tăng thiết giáp của tiểu đoàn kỵ binh 31 đang canh giữ Nam Mandiala.”
“Hai tiểu đoàn của Pakistan - tiểu đoàn số 6 POK và tiểu đoàn số 3 POK - mở một cuộc tấn công dữ dội xuyên Tawi vào lúc ba giờ sáng ngày mồng năm tháng Mười hai. Chúng tiến vào cùng những cỗ xe tăng Patton của Mỹ, xe tăng T-59 của Trung Quốc, súng và bom. Những chiếc máy bay phản lực của Không lực Pakistan gầm rú trên đầu chúng tôi, oanh tạc cả vùng, thả những quả bom nặng hàng nghìn cân xuống các điểm đóng quân của chúng tôi. Tôi nhìn thấy xe cháy khắp nơi, đại bác nổ, còn xe tăng tiến về phía chúng tôi tựa như những con côn trùng bằng thép khổng lồ trong đám cỏ voi mọc cao. Hỏa lực mạnh đến nỗi chỉ trong vòng năm mươi phút nó đã bắn phá đến tận cùng các điểm đóng quân của chúng tôi. Tiểu đoàn 13 POK bất ngờ đụng độ với đơn vị Jat 29 của chúng tôi và đánh cho tan tác. Khi tiến lên, chúng chiếm cứ điểm 303 sau khi giết chết người chỉ huy. Nhiệm vụ phòng thủ ở điểm này cũng được giao cho tiểu đoàn Sikh 35, nhưng thật không may, một số đồng đội của tôi không đáp lại tiếng gọi của nghĩa vụ. Họ bỏ chạy để tránh hỏa lực không ngớt của pháo binh địch. Nắm chắc được cứ điểm 303, Pakistan ra lệnh cho quân dự phòng tiến lên củng cố khu vực vừa chiếm được. Trước khi trời sáng, chúng đã tràn qua cầu Mandiala. Giờ thì dường như chỉ có phép mầu mới cứu nổi chúng tôi. Ai đó cho tôi xin ly nước được không?”
Balwant là một người kể chuyện giỏi. Ông biết nên nhấn mạnh ở từ nào, nên tạm dừng ở đâu và hỏi xin ly nước vào thời điểm thích hợp nhất, đúng lúc sự hồi hộp đã đạt tới mức không thể chịu đựng nổi.
Ai đó vội mang cho ông một chiếc cốc làm bằng nhựa cách nhiệt đầy ặp nước. Chúng tôi rướn người về phía trước. Balwant tiếp tục kể sau khi uống một ngụm nước.
“Đúng lúc đó lữ đoàn trưởng lữ đoàn 368 từ Akhnoor thân chinh tới chỗ chúng tôi. Khi tới nơi, ông ấy nhìn thấy cảnh hỗn loạn và hoang tàn cực độ. Lính tráng chạy bán sống bán chết khỏi trận địa. Mặt đất trở thành một hoang mạc đầy hố bom với những xác chết nằm rải rác cùng gạch đá và những xác xe tăng của chúng tôi đang bốc cháy. Lửa bừng bừng khắp nơi. Nước sông Tawi đã biến thành màu đỏ vì máu của binh lính. Toàn bộ nơi đó là một địa ngục. Không giống như những gì họ chiếu cho các bạn xem trên ti vi, nơi các bạn nhấn một cái nút, phóng một quả rocket rồi sau đó nhấp một hớp trà.”
“Lữ đoàn trưởng, vốn quen biết tôi, nói, ‘Balwant Singh, chuyện gì đang xảy ra thế này? Người của chúng ta biến đâu hết rồi?’ Và tôi trả lời ông ấy mà lòng nặng trĩu. ‘Thưa chỉ huy, tôi rất tiếc phải báo cáo rằng nhiều người đã bỏ trận địa và chạy trốn vì sự an toàn của bản thân. Họ không thể chống lại lực lượng áp đảo mà kẻ thù triển khai. Chúng tôi đã mất ba chiếc xe tăng và nhiều lính.’ ”
“Lữ đoàn trưởng nói, ‘Nếu tất cả chúng ta đều bắt đầu suy nghĩ như vậy thì làm sao chúng ta giành thắng lợi trong cuộc chiến này được?’ Rồi ông ấy thở dài, ‘Tôi nghĩ tình thế này vô vọng rồi. Chúng ta nên rút lui.’ ”
“Tôi lập tức phản đối. ‘Thưa chỉ huy,’ tôi nói, ‘khẩu hiệu của trung đoàn chúng tôi là Nischey Kar Apni Jeet Karon - Tôi Chiến Đấu Để Quyết Thắng. Tôi sẽ không bao giờ đầu hàng khi chưa đấu tranh.’ ”
“ ‘Đúng là tinh thần đó đấy, Balwant.’ Lữ đoàn trưởng đấm vào lưng tôi và bảo tôi tập hợp những binh lính còn lại. Trung đội trưởng của tôi cũng bỏ trận địa rồi, vậy nên lữ đoàn trưởng giao cho tôi chỉ huy trung đội. Lữ đoàn của chúng tôi được giao nhiệm vụ ngay lập tức tiến lên phía trước để chiếm lại cây cầu. Đại đội Delta thuộc tiểu đoàn Gurkha Rifles và những chiếc xe tăng còn lại của tiểu đoàn kỵ binh 31 cũng đã sẵn sàng cho cuộc tấn công.”
“Buổi sáng bắt đầu bằng trận bắn phá của đại bác và súng máy. Giao điểm Mandiala trở thành địa ngục, một vạc lửa cộng với những chấn động và tiếng nổ. Với những viên đạn bắn tỉa bay vèo vèo qua đầu chúng tôi, những khẩu súng máy không ngừng khạc ra hàng loạt đạn chết người, máy bay của kẻ thù gầm rú trên cao và bom rơi tới tấp xung quanh, chúng tôi xông ra khỏi vị trí của mình, tay nắm chắc lưỡi lê, miệng hét vang tiếng hô xung trận của người Sikh, ‘Bole So Nihal, Sat Sri Akal.’ Chúng tôi tấn công quân tiên phong của địch, dùng lưỡi lê đâm chết không biết bao nhiêu kẻ thù trong trận đánh giáp lá cà đẫm máu. Hành động táo bạo của chúng tôi khiến kẻ thù thất hồn bạt vía. Lợi thế bắt đầu nghiêng về phía chúng tôi. Chúng tôi bắt đầu đẩy lùi được quân địch.”
“Đúng lúc này quân địch quyết định đưa xe tăng vượt sông Tawi. Cho tới thời điểm đó, chúng vẫn ở bên kia sông. Một khi quân địch qua cầu và tràn sang phía chúng tôi, chúng tôi sẽ lâm vào tình thế hiểm nghèo vô phương cứu vãn. Điều tối cần thiết là phải ngăn chúng qua cầu. Giờ những cỗ xe tăng T-55 thuộc tiểu đoàn kỵ binh 31 và trung đoàn tăng thiết giáp 27 của chúng tôi bắt đầu xung trận. Ban đầu xe tăng của chúng tôi chống trả khá tốt sự công kích dữ dội của kẻ thù, nhưng khi những chiếc xe tăng Patton của Pakistan bắt đầu lăn bánh trên cầu, hai đồng đội của chúng tôi đã bỏ xe tăng chạy trốn.”
“Tôi không biết điều gì xảy ra với mình. Tôi cứ thế cắm đầu cắm cổ chạy tới một trong hai chiếc xe tăng không người điều khiển, mở cửa và nhảy vào trong. Tôi có biết về xe tăng, nhưng trước đó chưa từng lái lần nào. Tuy nhiên, tôi chỉ mất khoảng hai phút để nắm được cách điều khiển và chỉ lát sau đã làm cho chiếc T-55 chuyển động. Khi chiếc xe tăng của tôi bắt đầu chuyển động, nó tiến lên ngay dưới làn đạn dữ dội do những kẻ thù trốn trong boongke vãi ra. Vậy nên tôi lái xe tăng về phía chiến hào của địch. Chúng nghĩ tôi sẽ đầu hàng trước hỏa lực không ngớt của chúng, nhưng tôi vẫn tiếp tục tiến về phía boongke của chúng mà không hề nao núng cho tới khi chúng phải nhảy ra và tháo chạy. Một tên trong bọn chúng cố trèo lên xe tăng của tôi. Tôi lập tức điều khiển tháp pháo quay ngang và ngoặt khẩu súng trường 100mm, hất gã bay đi như búng một con ruồi khỏi cốc sữa. Trong khi đó, những chiếc xe tăng khác của chúng tôi bắt đầu nhằm vào quân địch, và hai mươi phút sau chỉ còn lại mỗi một chiếc xe tăng Patton của kẻ thù. Tôi đuổi theo khi nó cố tẩu thoát. Xe tăng của tôi bị chiếc Patton bắn trúng và bắt đầu bốc cháy. Nhưng súng của tôi vẫn đang hoạt động. Tôi tiếp tục đuổi theo chiếc Patton và bắn nó từ một khoảng cách vừa đủ năm mươi thước. Chiếc xe tăng địch bất ngờ dừng lại, lảo đảo thoái lui, tháp pháo xoay tròn như một thằng cha say rượu. Cuối cùng nó ngừng quay và chiếc xe tăng bùng cháy thành một quả cầu lửa. Tôi hét lên hoan hô. Tôi tới gặp chỉ huy và nói, ‘Tám xe tăng địch đã bị tiêu diệt, thưa chỉ huy. Tình hình đã được kiểm soát.’ ”
“Cầu Mandiala giờ đây gần như đã nằm trong tay chúng tôi. Quân địch tháo chạy tán loạn. Xe tăng của chúng đã bị phá hủy, nhưng vẫn còn những ổ kháng cự lẻ tẻ. Quân địch đã đặt một số súng máy và súng phóng rocket quanh cầu và hiện chúng vẫn hoạt động. Và, quan trọng hơn hết, cờ của Pakistan vẫn bay trên đỉnh cầu kia. Tôi phải giật nó xuống. Choáng váng bởi sự chấn động, da thịt bị rách toạc và chảy máu bởi những mảnh đạn lạc, tôi bắt đầu nhích từng phân về phía boongke của quân Pakistan. Xung quanh mình, tôi nhìn thấy những xác chết trên mặt đất lầy bùn bị bom cày xới. Tôi tiếp tục di chuyển lên phía trước cho đến khi chỉ còn khoảng mười thước là tới cái boongke vây giữa đám dây thép gai rối rắm của địch. Đến lúc đó tôi ném một quả lựu đạn khói vào boongke và ba tên lính Pakistan đổ vật ra, chết, máu me đầy người. Chỉ còn lại duy nhất một tên. Khi giương súng lên ngắm bắn, tôi chợt nhận ra súng đã bị tắc. Tên địch cũng nhận thấy điều đó. Hắn mỉm cười, giương súng lên và bóp cò. Một loạt đạn găm vào chân trái của tôi và tôi ngã lăn ra đất. Hắn chĩa súng vào tim tôi và lại bóp cò. Tôi cầu nguyện, sẵn sàng đón nhận cái chết. Nhưng thay vì một tiếng nổ chói tai, chỉ có một tiếng cạch trống rỗng. Ổ đạn của hắn đã cạn. ‘Narai Takbir - Allah O Akbar!’ hắn hét lên và lao về phía tôi với lưỡi lê tuốt trần. Tôi đón hắn bằng tiếng thét ‘Jai Hind’ và gọn gàng tránh đợt tấn công của hắn. Rồi tôi dùng báng súng đánh chết hắn. Cuối cùng tôi nắm lấy lá cờ của địch, giật nó xuống và thay thế bằng lá cờ tam tài. Khi tôi nhìn thấy cờ của chúng ta bay phấp phới trên cầu Mandiala, đó là giây phút hạnh phúc nhất trong đời tôi mặc dầu tôi biết mình đã mất một chân.”
Balwant Singh ngừng nói và chúng tôi thấy mắt ông đẫm lệ.
Không ai động đậy trong gần một phút. Thế rồi Putul đi tới chỗ Balwant và đưa cuốn vở bài tập của cậu ấy ra.
Người lính quệt nước mắt. “Arrey, gì thế này? Tôi không làm bài tập toán hộ cậu được đâu.”
“Cháu không muốn bác làm bài tập hộ cháu,” Putul nói.
“Vậy cháu đưa vở ra làm gì?”
“Cháu muốn xin chữ ký của bác. Bác là người anh hùng của chúng cháu.”
Mọi người vỗ tay.
Dhyanesh lại đưa ra câu hỏi ban nãy. “Vậy bác được tặng thưởng gì cho trận đánh đó?”
Balwant trở nên im lặng, như thể chúng tôi đã gợi lại nỗi đau trong ông. Rồi ông cay đắng nói, “Không gì cả. Người ta tặng thưởng hai huân chương MVC và hai huân chương PVC cho đơn vị 35 Sikh. Ba đồng đội của tôi được tặng thưởng huy chương Sena và một đài tưởng niệm được xây dựng ở Jaurian. Nhưng họ không tặng gì cho tôi hết, thậm chí không nhắc đến tôi trong báo cáo. Không có sự ghi nhận nào cho lòng dũng cảm của tôi.”
Ông trút ra một tiếng thở dài. “Nhưng suy nghĩ làm gì chứ. Tôi mãn nguyện khi nhìn thấy ngọn lửa cháy trên Amar Jyoti, đài tưởng niệm các chiến sĩ vô danh. Tôi cảm thấy ngọn lửa đó cháy cho những người như tôi.” Trở nên triết lý, ông đọc một bài thơ bằng tiếng Urdu. “Không báo trước chúng ta đến thế giới này. Không báo trước chúng ta sẽ biến khỏi đây. Nhưng trong khi sống trên đời, chúng ta giành lấy những chiến công mà cho dù thế hệ này không nhớ, thế hệ sau sẽ không thể quên.”
Mọi người trở nên im lặng. Bỗng nhiên bà Damle bắt đầu cất tiếng hát, “Sare jahan se achcha Hindustan hamara...” Thế rồi tất cả những người khác cùng hòa giọng hát bài ca yêu nước ấy. Tôi không biết điều gì đã tác động đến bọn trẻ chúng tôi, nhưng chúng tôi đã tổ chức một cuộc diễu hành tự nguyện. Chúng tôi xếp thành một hàng và diễu qua chỗ Balwant Singh, bàn tay phải của chúng tôi nắm chặt lại chào người lính dũng cảm này.
Đó là cuộc chiến tranh của chúng tôi. Ông là người anh hùng của chúng tôi.
Balwant Singh xúc động đến bật khóc. “Jai Hind!” ông hô vang, rồi lê bước ra khỏi căn phòng, bỏ chúng tôi lại với tiếng xào xạc của cỏ voi, tiếng bom nổ, mùi hăng hăng cay cay của thuốc nổ codit và mùi thối của xác chết.
Ông Wagle bước lên bục thông báo. “Các bạn thân mến, tôi vinh dự được thông báo rằng ngày mai một đội từ Quỹ Phúc lợi của Binh sĩ gọi tắt là SBF sẽ đến thăm chúng ta. Ngài thủ tướng kính mến của chúng ta đã kêu gọi toàn thể người dân Ấn Độ hào phóng đóng góp vì lợi ích của những người lính của chúng ta, những người đã hy sinh mạng sống để chúng ta được sống trong tự do cùng với danh dự và phẩm giá. Tôi hy vọng tất cả các bạn sẽ dốc hầu bao để giúp SBF.”
“Vậy còn người lính sống giữa chúng ta đây thì sao? Chẳng lẽ chúng ta không làm gì giúp ông ấy?” ông Shirke nói to.
Có những tiếng đồng tình, “Đúng! Đúng!”
“Đúng vậy, ông nói phải lắm. Nhưng tôi nghĩ sự giúp đỡ lớn nhất mà chúng ta có thể làm cho Balwantji là giúp thành tích của ông ấy trong cuộc chiến tranh năm 1971 được công nhận. Chúng ta sẽ gửi một bức thư cho những người của SBF tới đây ngày mai.”
Chúng tôi ai nấy đều phấn khởi. Có vẻ như cuối cùng chúng tôi cũng đang đóng góp cho cuộc chiến.
Có ba người bọn họ đến. Một người cao, một người thấp và một người béo. Cả ba đều là cựu sĩ quan; người cao thuộc hải quân, người thấp thuộc lục quân còn người béo thuộc không quân. Người béo đọc một bài diễn văn dài. Ông ấy nói với chúng tôi rằng những người lính đang thực hiện một công việc vĩ đại. Đất nước của chúng tôi vĩ đại. Thủ tướng của chúng tôi vĩ đại. Chúng tôi vĩ đại. Và sự quyên tặng của chúng tôi cũng sẽ vĩ đại. Họ chuyền một cái giỏ đi một vòng. Mọi người bỏ tiền vào đó. Một số người bỏ năm rupi, vài người bỏ mười rupi, mấy người bỏ một trăm rupi. Có một bà bỏ những chiếc vòng tay bằng vàng của mình vào đó. Salim không có tiền. Cậu ấy góp hai gói kẹo cao su. Balwant Singh không có mặt. Ông gửi lời nhắn rằng ông bị cảm cúm.
Sau đó phần hỏi đáp bắt đầu. “Ông đã từng tham gia chiến tranh chứ?” Kulkarni hỏi người đàn ông thuộc lục quân, một đại tá về hưu.
“Vâng, tất nhiên. Tôi đã trực tiếp tham gia hai cuộc chiến tranh vĩ đại, cuộc chiến năm 1965 và cuộc chiến năm 1971.”
“Trong cuộc chiến năm 1971 ông chiến đấu ở đâu?”
“Ở Chhamb, nơi có lẽ đã chứng kiến những trận đánh vĩ đại nhất.”
“Vậy ông thuộc trung đoàn nào?”
“Tôi thuộc bộ binh. Trung đoàn Sikh vĩ đại.”
“Ông có được nhận huân chương nào trong cuộc chiến năm 1971 không?”
“Ồ, quả thực, tôi được tặng thưởng một huân chương Vir Chakra. Đó là một vinh dự lớn.”
“Ông được tặng thưởng huân chương cho thành tích gì?”
“Cho trận đánh vĩ đại ở Giao điểm Mandiala, trong đó tiểu đoàn Sikh 35 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.”
“Ông là loại người gì vậy hả? Các ông nhận huân chương cho mình và phủ nhận công trạng của người khác, những người mà không có sự giúp đỡ của họ thì các ông sẽ chẳng bao giờ chiếm lại được cây cầu đó.”
“Tôi xin lỗi, tôi không hiểu. Ông đang nói đến ai vậy?”
“Chúng tôi đang nói về người lính của chúng tôi, một người anh hùng trong cuộc chiến tranh năm 1971 tại Chhamb, người đã bị mất một chân. Người đáng lẽ ra phải được tặng huân chương Param Vir Chakra, nhưng chỉ nhận được những giọt nước mắt mà thôi. Này, ngài đại tá, chúng tôi chỉ là dân thường. Chúng tôi không biết về các luật lệ và quy định của quân đội nhưng ở đây đã có một sự bất công nghiêm trọng. Liệu ông có thể xem xét xem giờ có thể làm gì đó được không? Vinh danh những người lính dũng cảm thì chẳng bao giờ là quá muộn cả.”
“Con người vĩ đại ấy ở đâu?”
“Ông ấy ở ngay trong khu chawl của chúng tôi đây.”
“Thật ư? Tốt quá. Tôi rất muốn tỏ lòng kính trọng đối với ông ấy.”
Vậy là chúng tôi dẫn ông ấy tới phòng của Balwant Singh. Chúng tôi chỉ phòng cho ông đại tá và nhìn ông ấy bước vào đó. Chúng tôi lảng vảng ở bên ngoài, không nén nổi tò mò.
Chúng tôi nghe thấy tiếng ầm ĩ như tiếng cãi cọ. Rồi có tiếng va đập mạnh. Sau chừng mười phút ông đại tá lao ra khỏi phòng, nổi giận đùng đùng. “Đây là người mà các ông phàn nàn rằng không được nhận PVC ư? Ông ta là tên vô lại khốn kiếp nhất mà tôi từng gặp. Tôi ước gì mình có thể vặn cổ kẻ đáng ghê tởm đó ngay tại đây và ngay bây giờ.”
“Sao ông dám nói về người anh hùng chiến tranh của chúng tôi như thế hả!” bà Damle mắng.
“Ông ta mà là anh hùng chiến tranh à? Đúng là trò đùa lớn nhất trên đời. Ông ta là một kẻ đào ngũ khốn kiếp. Bỏ chạy khi có dấu hiệu khó khăn đầu tiên ở khu vực Chhamb. Tôi nói cho các vị biết, ông ta là một vết nhơ đáng ghét đối với trung đoàn của người Sikh. Đáng lẽ ra ông ta phải chịu cái án nghiêm khắc mười bốn năm tù. Thật không may, những vụ án về tội đào ngũ khép lại sau năm năm, nếu không thậm chí bây giờ tôi cũng sẽ tố cáo ông ta.”
Chúng tôi sững sờ. “Ông nói gì cơ, đại tá? Ông ấy đã kể cho chúng tôi nghe rất tỉ mỉ về hành động dũng cảm của ông ấy ở Chhamb. Ông ấy thậm chí đã bị mất một chân trong khi chiến đấu kia mà.”
“Chuyện đó hoàn toàn là dối trá. Để tôi kể cho các vị nghe câu chuyện thật của ông ta, một câu chuyện thực sự khá lâm ly.” Đại tá chỉnh lại dây lưng của mình. “Khi chiến tranh nổ ra tâm trạng của Balwant Singh không được tốt lắm vì vợ ông ta vừa mới sinh đứa con đầu lòng ở Pathankot. Ông ta khao khát được ở cùng gia đình. Nỗi khao khát lớn đến nỗi ngay khi có dấu hiệu khó khăn đầu tiên ở Jaurian, khi quân Pakistan tấn công với sức mạnh tổng lực của trọng pháo, ông ta liền bỏ vị trí chiến đấu và chạy trốn. Ông ta tìm cách về Pathankot và ẩn náu trong ngôi nhà mà tổ tiên đã truyền lại cho ông ta. Chắc hẳn ông ta nghĩ rằng mình đã bỏ chiến tranh lại xa tít phía sau, nhưng chiến tranh không bỏ ông ta. Hai ngày sau khi ông ta về đến nhà, Không lực Pakistan oanh tạc căn cứ không quân Pathankot. Chúng không bắn trúng chiếc máy bay nào của chúng ta nhưng hai quả bom nghìn cân đã rơi xuống một ngôi nhà nằm gần sân bay. Hóa ra đó lại là nhà của Balwant. Vợ và đứa con trai mới sinh của ông ta chết ngay tại chỗ còn ông ta thì bị mảnh bom làm cụt mất một chân.”
“Nhưng... làm sao ông ta có thể tả lại cảnh chiến trường tỉ mỉ đến như vậy được?”
Đại tá nhăn mặt. “Tôi không biết ông ta đã kể cho các vị nghe chuyện gì, nhưng hai mươi sáu năm là một khoảng thời gian dài để đọc về những trận đánh lớn. Kẻ khốn kiếp đó đã bất ngờ xuất hiện sau từng ấy năm chỉ để lừa dối các vị và kiếm một chút cảm giác sung sướng rẻ tiền qua những câu chuyện về lòng dũng cảm mà ông ta bịa ra. Gặp phải ông ta đã làm hỏng hết tâm trạng của tôi. Hôm nay không còn là một ngày tốt lành nữa. Xin chào.”
Ông đại tá lắc đầu và bước ra khỏi khu chawl, người đàn ông cao và người đàn ông béo đi hai bên. Chúng tôi quay lại boongke. Ngày hôm đó cũng không còn là một ngày tốt lành đối với chúng tôi nữa. Chúng tôi băn khoăn không biết Balwant Singh đang làm gì. Tối hôm đó ông ta không thò mặt ra khỏi phòng.
Sáng hôm sau người ta tìm thấy ông ta trong phòng trọ ở khu chawl. Một hộp sữa và một tờ báo chưa được đụng tới nằm im lìm ở bậc cửa. Đôi nạng của ông ta được xếp gọn vào tường. Chiếc giường gỗ đã bị đẩy vào một góc. Có một chiếc cốc để trên chiếc bàn kê ở đầu giường chứa ít bã chè màu nâu. Chiếc ghế duy nhất trong phòng nằm chổng ngược ở giữa phòng. Ông ta đã treo mình lên chiếc quạt trần bằng một dải lụa buộc ở cổ, vẫn mặc nguyên bộ quân phục màu xanh ô liu, đầu gục xuống ngực. Thân thể mềm rũ của ông ta khẽ đung đưa, chiếc quạt trần phát ra những tiếng cót két yếu ớt.
Một chiếc xe jeep của cảnh sát tới, đèn đỏ nhấp nháy. Cảnh sát lục soát đồ của ông ta. Họ nói huyên thuyên, khoa chân múa tay và hỏi những người hàng xóm bằng giọng cộc lốc. Một thợ ảnh chụp ảnh bằng chiếc máy ảnh có đèn flash. Một bác sĩ mặc áo choàng trắng đến cùng xe cứu thương. Một đám đông tụ tập trước cửa phòng Balwant Singh.
Họ mang xác ông ta đi trên một chiếc cáng, phủ một tấm vải trắng nhàu nhĩ. Các cư dâ bdd n của khu chawl đứng im lặng. Putul, Dhyanesh, Salim và tôi rụt rè ngó ra từ sau lưng người lớn. Chúng tôi nhìn thi thể của người đàn ông đã chết bằng ánh mắt khó hiểu rồi cúi đầu trong sợ hãi, đau buồn và hối lỗi khi sự hiểu biết như một dòng chất lỏng chầm chậm lan trong tâm trí đang mụ đi của chúng tôi. Đến lúc ấy, những người lần đầu tiên trải qua chiến tranh trong số chúng tôi cuối cùng đã hiểu ra. Rằng chiến tranh là một vấn đề rất hệ trọng. Nó cướp đi những mạng sống.
Smita trông nghiêm nghị.
“Cô ở đâu trong thời gian chiến tranh?” tôi hỏi.
“Ngay đây, ở Mumbai,” cô ấy đáp và vội đổi chủ đề. “Hãy xem câu hỏi tiếp theo nào.”
Prem Kumar xoay người trên ghế và nói với tôi. “Anh Thomas, anh đã trả lời chính xác bảy câu hỏi để giành được hai mươi vạn rupi. Giờ chúng ta hãy xem anh có trả lời được câu hỏi thứ tám để giành năm trăm nghìn rupi hay không. Anh sẵn sàng chưa?”
“Sẵn sàng,” tôi đáp.
“OK. Câu hỏi số tám. Phần thưởng cao quý nhất tôn vinh lòng dũng cảm dành cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ là gì? Đó là a) Maha Vir Chakra b) Param Vir Chakra c) Shaurya Chakra hay d) Ashok Chakra?”
Nhạc chờ nổi lên. Chiếc đồng hồ đếm ngược bắt đầu tích tắc to hơn.
Khán giả xôn xao. Họ nhìn tôi thông cảm, chuẩn bị nói lời chia tay với người bồi bàn thân thiện ở cùng thành phố với mình.
“B. Param Vir Chakra,” tôi đáp.
Prem Kumar nhướn mày. “Anh biết câu trả lời hay chỉ đoán mò?”
“Tôi biết câu trả lời.”
“Anh hoàn toàn chắc chắn một trăm phần trăm chứ?”
“Vâng.”
Tiếng trống dồn nổi lên. Câu trả lời đúng nhấp nháy.
“Chính xác một trăm phần trăm!” Prem Kumar thốt lên. Khán giả hả hê. Tiếng vỗ tay và những tiếng “Hoan hô!” vang lên không ngớt.
Tôi mỉm cười. Prem Kumar thì không.
Smita gật đầu tỏ vẻ đã hiểu.
Hết chương 9. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.