Gần trưa, khách đến mừng dần đông lên, từng đợt từng đợt bắt đầu ngồi kín các bàn trong sảnh. Toàn lão gia kia là một vị tuổi ngoài bốn mươi, tư thế khoan thai, khuôn mặt mập mạp có phúc tướng, lúc đôi mắt ti hí ấy không lóe lên thì người bình thường chẳng nhìn ra chút hung ý nào cả. Phải nói khách mời của lão đều là anh tài hai mặt nam bắc Đại Giang. Đầu tiên phải kể đến người trên giang hồ, có Khoát Lạc đại sư trụ trì Đạt Ma đường Thiếu Lâm tự, Khâu chân nhân phái Nga Mi, Cảnh Ngọc Quang đệ tử phái Hoa Sơn, cùng với Chu lão ngũ bá chủ một cõi Tầm Dương, không phải đều là các nhân vật có máu mặt a? Một lúc sau, Hồng, Bạch hai vị trưởng lão Cái bang và Ngô Hạ tuần sát sứ của Thần Long môn cũng tới. Vị Toàn lão gia này quả thật thủ đoạn không vừa, lão ngồi ghế thủ tọa lập tức danh nhân tề tựu, ngay cả Bố chánh ti, Án tra ti của Giang Tây cũng cử người tham dự, ấy là chưa kể về phía thương nhân nữa. Mỗi khi có khách đến, một lão già đứng ở cổng sẽ hô to tên họ và danh hiệu của vị đó, do móm mém rụng răng nên mỗi lần hô lão đều phát ra tiếng "xì", nãy giờ không biết lão đã "xì" mấy chục lần rồi.
Bên trong đại sảnh đều là những người quyền quý cao sang. Không chỉ có họ, ở sân trước, những hán tử bình thường trên giang hồ dùng đao kiếm ăn, bán nghệ bảo tiêu cũng đến chẳng ít. Việc tiếp đón nhóm khách này có phần kém hơn, cũng may bọn họ không đến để ăn tiệc mà chủ yếu để xem nhiệt náo - hiếm khi được uống rượu cùng những đại nhân vật trên giang hồ vốn lúc bình thường chỉ nghe tên khó gặp, đúng là cơ hội hiếm hoi để mở rộng tầm mắt, cho nên những ai có thể tham dự được đều đến. Người ở đại sảnh thì thong dong vái chào nhau, kẻ ngoài sân lại ồn ào, đem chuyện của mỗi nhân vật trong kia ra xôn xao bàn tán.
Trong đám khách mừng có một thiếu niên và một tiểu cô nương đã ghé nhà họ Tưởng từ hôm qua. Thiến niên đó chính là Trương Hiểu Kí, hắn đến là do đã ước hẹn gặp Bán Nhi hôm nay tại trang viện nhà họ Tưởng. Tuy chẳng biết thế nào mà nơi đây đã bị người ta thuê tổ chức lễ cưới, nhưng hắn không thể bội ước, trong lòng lo lắng nhiều người thế này làm sao Bán Nhi tìm được mình.
Tiểu cô nương kia vốn không muốn đi, nhưng biết Trương Hiểu Kí chắc chắn sẽ đến nên nàng đành phải theo. Trương Hiểu Kí cũng không rõ câu chuyện hôm qua của tiểu nha đầu tinh linh cổ quái này là thật hay giả, nhưng thấy nàng khả ái như vậy, trong lòng hắn đã có chủ ý sẽ đến gặp ông nội nàng, nếu nàng nói dối thì đành cười trừ bỏ qua, còn nếu lời nàng là thật, hắn sẽ giúp nàng thuyết phục ông. Trương Hiểu Kí thầm nghĩ: xem tuổi của tiểu cô nương không lớn mà khinh công thân pháp đã có thành tựu, chắc là xuất thân từ võ lâm thế gia, mấy lời phải nói giúp nàng chỉ e cũng không phải dễ dàng gì.
Dạng tạp khách như hắn và nàng vốn không gây sự chú ý cho người khác, hắn cũng mua qua loa một món quà mừng rồi bước vào cổng, được xếp vào một chiếc bàn ít gây chú ý nhất trong sân. Ở đây có hơn trăm khách đang ngồi, không ít người thầm thì bàn tán rằng vị Đại Mã Kim Đao Toàn lão gia này ra tay quả nhiên rộng rãi, hơn nữa mỗi lần vung tay đều là chuyện động trời khiến người ta tò mò. Hán tử giang hồ tuy thô lỗ, nhưng tâm tình khi nghe tin cũng không khác người bình thường, luôn cả những nhân vật danh môn chính phái, cao nhân đắc đạo, miệng dù chê bai mà trong lòng mỗi khi nghe chuyện do Đại Mã Kim Đao làm, không khỏi đều ngấm ngầm tán thưởng "ta cũng nghĩ thế"*, cho nên nếu Toàn lão gia đãi khách thì mọi người đều thích đến. Trương Hiểu Kí vốn chẳng rõ đầu đuôi gì, cười nói với tiểu cô nương kia: "Ở đây rốt cuộc là người nào mở tiệc? Thật quá phô trương! Đúng rồi, tiểu muội muội tên gì nhỉ? Đến giờ ta còn quên chưa hỏi."
Tiểu cô nương đó nghe thấy câu đầu tiên thì cong cong môi chế giễu, nhưng khi nghe hắn hỏi tên mình lại vui vẻ trả lời: "Ta là Cổ Song Hoàn, nhớ kĩ đấy nhé! Thêm tám tháng một ngày nữa là tròn mười sáu tuổi." Rồi nàng cười hi hi hỏi lại hắn: "Thì ra ngươi không biết ai đang đãi khách. Vậy ngươi tới đây làm gì? Ngươi có biết trên giang hồ lưu truyền một câu chuyện cười: Nếu Chưởng môn phái Võ Đang Ứ Mộc chân nhân công khai truyền dạy Võ Đang tuyệt học Chân Vũ kiếm, ngươi đoán xem sẽ có bao nhiêu người học?"
Trương Hiểu Kí sững sờ, đó có thể xem là tuyệt học nức tiếng đã lâu; lại nghe tiểu cô nương cười nói: "Tối đa không quá mười bảy người, trong đó một nửa là những tên ngốc, những kẻ chịu phí cả nửa kiếp sống để luyện thứ kiếm pháp ngớ ngẩn đó trên đời khẳng định không nhiều đâu. Câu hỏi thứ hai: Nếu Thiếu Lâm trưởng lão Dịch Thanh truyền thụ Dịch Cân kinh thì mấy người sẽ đến?"
Nàng tự hỏi tự đáp luôn: "Tám người, một nửa là những tên thái giám, chỉ có bọn chúng mới rảnh rỗi đi luyện thôi. Nghe nói sau khi luyện qua Dịch Cân kinh của Thiếu Lâm thì trăm thứ ham muốn đều không còn, vậy thì ai mà muốn luyện chứ? Câu hỏi thứ ba như sau: Nếu Toàn Bang Đức phát Anh Hùng thiếp thì sẽ lôi kéo được bao nhiêu người đến xem lão diễn trò?"
"Đáp án là... một nửa võ lâm. Chỉ cần người có chân thì khi nghe được tin sẽ đến, người không có chân cũng sẽ dỏng tai lên mà nghe, đó chính là giang hồ hiện nay."
Nàng nói xong không nhịn được bật cười. Quả thật, giang hồ hiện tại từ khi Ngũ phái Tam minh chia quyền mà trị cũng trở nên thái bình hơn, tuy vẫn còn cảnh máu chảy đầu rơi nhưng chẳng qua chỉ trong qui mô nhỏ, không làm lung lay nổi gốc rễ chế độ của Ngũ phái Tam minh. Cõi giang hồ thật sự chưa có thời nào thái bình như thế. Dân gian có câu "Ninh vì thái bình khuyển, vật tố loạn li nhân" (Thà làm chó thời bình còn hơn làm người thời loạn), có thể thấy thời thái bình đa phần người ta sống như con vật, chỉ lúc loạn li mới thấy nhiều người**. Trong chốn giang hồ trăm loài cẩu tạp tung hoành này, nhờ vào tài quấy rối của Toàn Bang Đức mới có thể khôi phục chút sinh khí, lão sủa trước, rồi bọn người kia mù quáng sủa theo.
Thiếu niên Trương Hiểu Kí chỉ lơ đãng cười cười, lòng thầm nghĩ: thời thế này không có cái gọi là sự say mê võ thuật thật sự, ngay cả tại sư môn hắn cũng vậy thôi, võ nghiệp bất quá chỉ là viên gạch lót đường cho danh lợi. Trong số các sư huynh sư đệ của hắn, chân chính dốc hết lòng cho võ thuật có mấy người? Một số ít người dụng tâm bất quá cũng chỉ là tính dựa vào đó để xuất thế. Như ở Ngũ phái - gồm Chung Nam, Hoa Sơn, Nga Mi, Thiếu Lâm, Võ Đang, cùng Cái bang và những nhân sĩ tự do trên giang hồ hợp thành tam minh là Đồng Tâm minh, Nghĩa Lợi minh và Thái Bình minh, thảy đều tranh giành chức này tước nọ mà thôi, một khi đã chính thức ngồi được vào vị trí đó rồi, còn có mấy người tiếp tục theo đuổi luyện tập công phu?
Vừa lúc ấy, Trương Hiểu Kí nghe thấy một người ăn mặc theo lối lục lâm ngồi ở bàn bên cạnh hỏi: "Toàn lão gia lần này không biết định bày trò phá ai đây?"
Kẻ ngồi bên cạnh y trả lời: "Lão lần này hình như không phải kiếm chuyện phá thiên hạ đâu, nghe nói là đang lo đám cưới cho sư điệt."
Tên vừa hỏi cười: "Biết thế nào được, vị Toàn lão gia tử này cũng có thể chẳng quản gì đến thân sơ. Những năm gần đây, bọn ngụy quân tử không phải là hiếm, trong khi ấy hầu hết những người có chức vị đều thuộc dạng tuổi cao đức lớn không muốn đa sự, may còn có Toàn lão gia tử vạch mặt bọn đó cũng sướng." Trong lời nói ẩn chứa vẻ vui thích trước tai họa của người khác.
Tên còn lại hờ hững đáp: "Lão ta bất quá cũng vì ngày trước tranh giành hơn thua ở Chung Nam phái không được, cuối cùng mới phải bỏ ra ngoài to mồm thôi. Coi lại xem lão có dám vạch mặt những đại nhân vật chân chính không?"
Nghe thấy hai chữ "Chung Nam", vẻ mặt Trương Hiểu Kí có chút biến đổi. Chỉ nghe Cổ Song Hoàn hỏi bên tai hắn: "Nói cả nửa ngày rồi mà ta vẫn chưa biết tên ngươi. Đại ca ca, huynh tên là gì?"
Trương Hiểu Kí cười nhẹ, thầm nghĩ: tên họ ta cũng không biết mà ngày hôm qua còn đòi trốn đi với ta! Nhưng hắn không phải là người vô ý vô tứ, chỉ mỉm cười đáp: "Đến giờ mới nghĩ đến chuyện hỏi sao? Ta tên là Trương Hiểu Kí, Hiểu Kí là con ngựa buổi sớm (Hiểu là buổi sáng sớm, Kí là con ngựa)".
Tiểu cô nương cười hi hi: "Được rồi", đang định nói tiếp hai từ "tên họ...", nàng bỗng như phát hiện ra có cái gì đó không đúng, lầm bầm đọc đi đọc lại ba chữ "Trương Hiểu Kí", liền đó lắp bắp như nhìn thấy ma: "Ngươi... thật... sự... tên... là... Trương... Hiểu... Kí... sao?"
Thiếu niên cười xác nhận: "Đúng vậy."
Tiểu cô nương đưa tay vỗ đầu một cái kêu: "Trời!"
--------------------------------
Chú giải:
"Vu ngã tâm hữu thích thích yên" - đây là một câu nói của Phu Tử trích trong cuốn Mạnh Tử - Lương Huệ Vương thượng.
Cả đoạn này đại ý là vào lúc thái bình con người chỉ như loài động vật, ăn rồi ngủ, ngủ rồi ăn, nhưng vào lúc chiến tranh con người có muốn thế cũng không được, phải gồng mình mà sống, mới ra dáng con người hơn.