Truyện Ngắn Đặc Sắc Các Tác Giả Nữ Truyện ngắn 10

Truyện ngắn 10
Cuốn trôi trong gió

Vào một ngày đầu đông năm 2009, tôi tình cờ gặp lại Phước trong một quán cà phê có những chiếc bàn kê trên bao lơn chòi lơ lửng vươn ra mặt nước Hồ Tây. Cậu ngồi một mình, bộ ấm chén cũ kỹ bày trước mặt, và đôi kính cận dường như không nhìn thấy tôi. Tôi đi theo phiên dịch cho một người Mỹ. Người Mỹ này muốn mua lại toàn bộ quán cà phê cổ xưa không mấy người lai vãng để xây năm tầng làm trụ sở công ty thiết kế nội thất khách sạn. Sau khi người Mỹ kia kết thúc cuộc xem xét bước đầu, chúng tôi chia tay nhau. Ông ta lên xe về trước còn tôi nán lại dăm phút báo cho Phước biết rằng cái quán cà phê có vẻ rất yêu quý của cậu sắp bay đi để biến thành một công trình tiện ích hơn. Phước không bình luận gì về chuyện vô vi ấy nhưng lại mở máy nói về nhân gian thế sự. Thành ra tôi ngồi lại với cậu lâu hơn dự định. Phước là nhà báo, là một người cung Nhân Mã điển hình, hùng biện như cái máy và chuyển đề tài liên tục. Người cung Nhân Mã xuất hiện ở đâu đình đám

 

ở đấy, song đôi khi cậu lại ngậm tăm im lìm như lúc đầu tôi nhìn thấy cặp kính cận cô độc của cậu hướng ra hồ nước. Vì thế tôi thấy Phước khá kỳ quặc. Thi thoảng cậu lẩm nhẩm theo một bản tình ca thời thượng bằng tiếng Pháp và có lúc hứng chí tuôn ra một tràng kinh tiếng Phạn không vấp váp. Cậu nói nhiều về chủ nghĩa cá nhân trong nghề viết, về những cuộc chiến tranh tôn giáo, về trà mạn, về tình trạng xây dựng lộn xộn trên đường Yên Phụ và chuyên đề cho số báo Tết sắp tới. Tóm lại cậu nói là chính còn tôi ngồi nghe. Tóm lại cho đến lúc tôi rét run lên vì những cơn gió thốc xuống từ màn trời màu xám và chuẩn bị khoác túi đứng dậy ra về thì đột nhiên chiếc loa cũ rè treo trên vách tường lại âm ỉ bài "Blowin’ in the wind" của Bob Dylan. Cậu khựng lại như chiếc máy hát bị bấm nút tạm dừng, mãi sau mới lẩm bẩm "Thời đại nào rồi mà người ta còn giữ Blowin’ in the wind(1) nhỉ?". Tôi định bảo rằng có gì là lạ khi chúng tôi đang ngồi ở một chỗ mà mọi thứ cũ kỹ như thể nửa thế kỷ qua thời gian đã bỏ quên nơi này. Nhưng rút cục tôi giữ im lặng vì không muốn cậu tiếp tục triển khai thêm chủ đề về Bod Dylan và các ca khúc phản chiến ở Hoa Kỳ hồi thập niên 60 nữa. Tuy nhiên, cậu lại nói tiếp một câu không ăn nhập gì với chủ đề Bob Dylan:

- Ngày xưa suýt nữa thì anh đi tu đấy. Nếu không rời khỏi cái nhà ấy sớm thì giờ anh đã là nhà sư rồi.

-…

- Anh sinh ra ở Huế, đến năm 10 tuổi mới chuyển ra Hà Nội. Sau khi gia đình anh chuyển đi, có một hộ trong xóm mua lại ngôi nhà. Sau thằng bé ở cái đất ấy cũng đi tu nốt.

Tôi bất chợt quên mất sự lựa chọn điên rồ của cậu khi ngồi một mình trên cái ban công vươn ra hồ để hứng chịu những cơn gió đầu mùa này. Tôi hỏi gấp:

- Sao có chuyện lạ kỳ thế?

- Ờ, sát vách nhà là ngôi chùa. Hồi bé anh học rất dốt nhưng kinh kệ lại thuộc làu làu. - Như để chứng minh, cậu ta đọc thêm một tràng kinh tiếng Phạn rồi mới nói tiếp. - Dạo ấy ăn cơm chùa nhiều hơn cơm nhà. Chỗ chơi là sân chùa và gốc cây đại. Quần áo chỉ độc đồ thầy chùa. Ni cô trong chùa dạy anh đọc kinh. Mở mắt ra là chạy sang chùa, đến tối mịt cũng không buồn về, như bị bùa mê thuốc lú ấy. Anh yêu quý ni cô trong chùa như mẹ của mình, bà ấy đẹp lắm, một vẻ đẹp rất khó cắt nghĩa, cho đến một ngày… anh phát hiện ra…

Tôi kinh ngạc. Cha cậu, nhà thơ, nhà biên kịch, nhạc sĩ Trần Phước T là người được cả nước biết đến. Tôi không hỏi sao lại thế nữa. Cuộc đời này có nhiều chuyện không thể hỏi sao lại thế. Cũng như tôi không th hỏi Phước rằng sao đang trong giờ làm việc, trong lúc nhiệt độ tụt xuống 15oC, cậu lại chui lên cái vị trí hiu quạnh này để độc tọa uống chè mạn. Cậu tiếp tục câu chuyện của mình và từ lúc đó, tôi cũng không hiểu sao lại thế khi đang còn rất nhiều việc phải làm vào một chiều thứ hai đầu tuần, tôi lại lạc mình vào kinh thành Huế, đứng trong ngôi nhà nằm trên Cồn Hến, bên mặt nhánh phía đông chảy qua thôn Vĩ Dạ, ngóng nhìn sang sân chùa bằng đôi mắt nâu bé nhỏ của Phước. Tôi lại thấy mình mặc chiếc áo ghi thầy chùa dài thườn thượt và đang đu mình lên cành cây đại. Tà áo rộng rũ xuống hở cả lưng. Tôi thấy người đàn bà cũng mặc áo ghi dài thượt giống tôi, chiếc khăn xám bao trên khuôn mặt thanh tú. Nhìn thấy tôi, bà nhíu đôi lông mày mảnh như vầng trăng hạ tuần.

- Phước, xuống đi con. Nếu con không muốn đọc kinh thì vào đây rửa lá chuối cùng ta. Chiều nay ta gói bánh nậm.

- Không, thế nào con cũng trèo được lên ngọn cây kia. - Tôi nghếch mặt lên trời cao. Cả xóm Cồn Hến nể sợ ni cô Đàm Khanh nhưng tôi tự cho mình là người duy nhất có quyền nhõng nhẹo cô.

- Phước như thế là không ngoan. Nếu con ngã xuống đất, ta còn đau hơn con. Ta biết con không hề thương ta chút nào.

Không đứa trẻ nào chịu nổi những lời trách móc trên khuôn mặt buồn bã của ni cô Đàm Khanh. Tôi tụt vội xuống đất, lõn nhõn chân trần chạy vào gian bếp.


- Phước, trời đang trở gió. Dép của con ở đâu?

Tôi rửa lá chuối bằng nước giếng để gói bánh nậm, thứ bánh không có nhân tôm và thịt mỡ mà khi ăn người ta không nhận ra nổi nó thiếu hai vị chính ấy. Những ngón dài mảnh dẻ của cô thoăn thoắt trên đọt chuối xanh láng nước. Lần nào cũng vậy, để lòng tôi đỡ mất kiên nhẫn khi làm việc, cô thường kể chuyện về Đức Phật. Lần này là câu chuyện Đức Phật thu phục quỷ dạ xoa Alavaka. Quỷ Alavaka bắt Đức Phật trả lời câu đố, nếu không trả lời được, nó dọa sẽ xẻ tim, nắm chân quăng qua tận bên kia sông Hằng.

- Quỷ hỏi gì? - Tôi tò mò về quỷ Alavaka hơn là về Đức Phật.

- Quỷ hỏi: Vật sở hữu quý nhất của con người là gì?

Tôi để nguyên hai bàn tay ướt chạy về nhà. Tôi ôm lỉnh kỉnh một bọc vải chéo màu xám, trong gói nhiều thứ đồ mà cô đã tặng, như một thứ phần thưởng sau bài kinh tôi đã học thuộc lòng hay suốt bảy ngày tôi tình nguyện rửa chân vào lúc 7 giờ tối mà không phải nhắc nhở. Đấy là những tràng dây chuyền màu cẩm thạch, bức tượng Đức Phật nhỏ xíu bằng đá trắng, rồi bông sen vàng óng nhũ kim. Tôi bày hết ra mặt đất và khoanh tay trả lời.

- Đây là vật quý nhất.

Cô buột cười, bàn tay xóa một vết bẩn trên má tôi.

- Khi có nó con có vui không?

- Con vui.


- Câu trả lời của Đức Phật là: Niềm vui là vật sở hữu quý nhất của con người.

- Quỷ còn hỏi gì nữa?

- Hương vị nào ngọt ngào hơn tất cả?

- Bánh nậm.

- Con là đứa trẻ chân thật nhất trên đời. Câu trả lời của Đức Phật là: Sự chân thật là hương vị ngọt ngào nhất.

- Cô có niềm vui không? - Tôi cắt ngang.

- Ta có. - Ni cô Đàm Khanh tắt vội nụ cười, nhưng rồi cô ôm tôi vào lòng, bàn tay ướt của cô nắm chặt lấy bàn tay tôi. - Có con bên cạnh là ta vui lắm.

Người đàn ông cao lớn, có đôi mắt sáng dưới hàng mày rậm là cha. Tôi đã nhìn thấy ông ngồi hàng đêm dưới ánh trăng dát vàng trên sân thượng, ánh mắt mơ hồ lắng xuống dòng sông Hương. Cây đàn guitar ôm trong lòng réo rắt điệu khúc vui tai của bản "Sơn nữ ca", đôi chân ông nhịp nhịp giữa sóng nhạc tango. Nhưng cũng có những ngày tiếng guitar rảo theo giai điệu "Blowin’ in the wind". Tôi lơ mơ trong giấc dở say dở tỉnh, thấy lơ lửng không trung văng vẳng bản nhạc buồn bã, phía bên kia vách tường đều đặn tiếng lốc cốc hòa vào lời kinh kệ đều đều vô cảm, và ngoài sân, mẹ tôi loạt xoạt chổi đót trên nền gạch đã không còn một vẩy rác. Hình như cả ba âm thanh ấy đều thi nhau trồi lên rồi cuối cùng hòa thành một bản hợp âm bấn loạn. Tôi thấy phần xác đang nằm ngủ là một đứa trẻ, nhưng phần hồn của tôi đã trưởng thành. Tôi và Phước, đều đã trưởng thành từ lâu và nhận ra những âm thanh va chạm đầy khắc khoải và đau đớn. Tiếng nọ cố trồi át tiếng kia. Cha càng đàn thì tiếng kinh kệ càng gấp gáp không theo nhịp điệu đều đặn như thường khi. Và tiếng chổi đót xoàn xoạt dường muốn quét sạch cả âm thanh. Trăng đêm vẫn xanh xao như thế và nước thì lấp lánh trên mặt sông. Giấc ngủ của đứa trẻ vẫn hồn nhiên im lìm.

Cho đến một ngày, tôi nhìn bóng người quen thuộc rảo bước qua gian chính. Người biến mất sau cánh cửa thư phòng mà ngoài ni cô Đàm Khanh, chỉ có tôi mới được tự do vào ra như thế. Tôi nhớ ra không chờ những hôm trăng sáng, đã bảy đêm liên tục cha tôi đàn bản nhạc buồn bã "Cuốn trôi trong gió" trong bóng đen hạ tuần. Qua cánh cửa không khép chặt, tôi nhìn thấy bàn tay cha run rẩy trên gò má ni cô Đàm Khanh. Đầu cha rũ xuống tựa hồ trên vai đã quá nặng, rồi ông kéo mạnh người đàn bà vào lòng, trong ánh vàng vọt mờ nhạt của hoàng hôn hắt vội qua thư phòng.

- Anh đành phải lựa chọn. Anh không thể sống mãi như thế này… Thà rằng anh không nhìn thấy em nữa…

Ngày hôm sau, cha báo cho cả gia đình chuẩn bị chuyển nhà ra Hà Nội. Ông đã sắp xếp được một công việc ngoài ấy, tốt hơn ở cái kinh thành ảm đạm này. Chúng tôi bán nhà cho một người hàng xóm, giá rẻ. Mẹ xin giấy chuyển trường cho tôi. Cha thu dọn đồ đạc. Còn tôi len lén mang bọc vải chéo màu xám ra sau nhà. Tôi dùng một viên gạch đỏ còn nguyên vẹn ghè nát từng thứ một bên trong. Những viên đá cẩm thạch, những bức tượng Phật, những hình bông sen vụn vỡ tung tóe.

- Phước, tại sao con làm thế?

Giọng nói quen thuộc sau lưng tôi lộ vẻ kinh ngạc và đau đớn. Tôi không quay lại mà nói đều đều vô cảm như đang đọc một đoạn kinh Phật.

- Niềm vui là vật sở hữu quý nhất của con người. Sự chân thật là hương vị ngọt ngào nhất.

Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra ni cô Đàm Khanh đã lấy đi c a tôi cả hai điều ấy. Tôi không nhớ mình đã nhìn vào mắt cô lần cuối cùng là bao giờ, vì lúc đó, và ngay cả trước khi lên xe ra ga tàu, tôi kiên quyết không đối diện với đôi mắt ẩn dưới vầng trăng hạ tuần ấy nữa.

 

*

*      *

 

Cũng trong khoảnh khắc, tôi thấy mình thoát khỏi bóng thâm u của kinh thành Huế và quay trở về bên mặt nước Hồ Tây lạnh giá.

- Anh cho rằng tình yêu ấy xuất phát từ đâu?

- Không biết. - Phước nhún vai. - Bà ấy đẹp lắm, vẻ đẹp ma mị không phải của người trần mắt thịt. Và ba anh là đàn ông. Đơn giản thế thôi mà. Giờ đã trưởng thành rồi thì anh thông cảm với ông ấy.


 

*

*      *

 

Tôi lại thoắt thấy mình vụt biến thành cái cây lẫn trong rặng xanh rậm rì trên con đường dẫn ra bờ sông.

Mùa hè năm 1967.

Những tán lá trên mình tôi đu đưa che bóng gắt trên con đường trải nhựa. Những mắt cây xù xì nhìn thấy người thanh niên mặc quần ống côn thời thượng, áo sơ mi trắng cộc tay, mái tóc đen dày rậm, vai khoác ba lô vải dù màu cỏ úa đang bước vội dọc vỉa hè. Anh ta cao lớn song hơi gầy, vẻ gầy gò thư sinh của một chàng trai mới 20 tuổi. Ánh mắt anh tìm kiếm dọc con phố.

- Xin lỗi, cho tôi hỏi…

- Dạ?

Bóng nắng lốm đốm trên lớp vải lụa trắng khiến nó dường trong suốt như nước hồ. Người đi bộ phía trước ngoảnh mặt lại và bất thần anh thấy lời nói của mình trở nên không suôn sẻ.

- Cho tôi… hỏi… đường đến Quốc học Huế.

- Đi theo tôi.

Người kia quay bước. Anh lóc cóc theo sau. Gió từ sông Hương rượt qua mặt đường lay động dải lụa mảnh dẻ. Trời nắng và quãng đường dài đi bộ từ ga xe lửa khiến mắt anh hoa lên, chỉ còn thấy lấp lóa một làn sóng đen mềm xõa dài trên bờ lưng thon thả.

Bất chợt cô gái dừng lại. Chờ đợi. Anh cũng
đứng yên. Chờ đợi. Chân như dính keo xuống mặt đất nóng bỏng.

- Trường Quốc học Huế đang ở trước mặt anh. - Cô gái ngạc nhiên.

Anh ngơ ngác ngước nhìn lên và thấy tấm biển trường to đến nỗi đứng xa vài trăm mét cũng có thể nhìn thấy. Anh cười ngượng nghịu.

- Cảm ơn cô. Chúc cô một ngày tốt lành.

- Không có chi.

Dải lụa đen trắng lại tiếp tục lay động theo những nhịp bước. Anh hết ngẩn ngơ ngó tấm biển xanh lục rồi lại nhìn theo chấm đen huyền ở phía trước, mãi sau mới bước vào sân trường vắng lặng. Người bảo vệ già đứng chặn ngay trước mặt chàng trai xa lạ.

- Anh hỏi chi?

- Cho cháu hỏi cô Tôn Nữ Huệ Giang Khanh,
lớp 10…

- Có chuyện chi?

- Cháu là Toàn Nghi, phóng viên của tờ Tin sáng, muốn phỏng vấn cô Giang Khanh cho số báo tới.

- Tin sáng ở mô?

- Tòa soạn ở Sài Gòn. Cháu vừa từ ga xe lửa vô đây.

- Răng mà phỏng vấn?


- Giang Khanh vừa đoạt giải nhất tiếng hát toàn miền. Tổng biên tập đặt bài cháu phỏng vấn.

- Trẻ rứa mà đã là nhà báo?

- Dạ. Cháu làm lâu rồi mà. - Anh nói dối. Thực ra bài phỏng vấn Giang Khanh là bài báo đầu tiên mà anh sẽ thực hiện. Chứ trước giờ anh chỉ cộng tác làm thơ cổ động cho tờ Tin sáng.

- Mỗi bài phỏng vấn răng mà đi xa xôi?

- Là cháu kết hợp vô tham quan thành Huế.

- Chừ là mùa hè. Học sinh nghỉ hết rồi à.

Cháu biết mà. Chỉ là hỏi địa chỉ nhà cô ấy. Nhờ bác dẫn lên ban giám hiệu giùm.

- Rứa mà tui vừa thấy cậu đứng ngoài nớ với cô Giang Khanh mà.

Anh giật nảy mình. Chân dậm xuống đất.

- Trời, vậy mà bác không nói sớm.

Anh chạy băng ra đường nhưng chấm đen hạt huyền đã biến mất. Mồ hôi trên trán trên cổ anh long tong như mưa đổ mùa.

Địa chỉ nhà Giang Khanh rất dễ tìm. Đó là khu nhà cổ với mảnh sân vườn rộng, những cột nhà đồ sộ láng đen nhưng cũ kỹ. Nhìn vào đó người ta không còn thấy vẻ thịnh vượng như khởi nguồn của chủ nhân, nhưng dáng vẻ quý tộc của kiến trúc cổ xưa dễ khiến khách đứng trước cửa nhà phải kính nể. Người ra mở cửa tự giới thiệu là bà vú già.


- Tiếc cho cậu quá. Cô Giang Khanh vừa mới ra ga xe lửa để lên Sài Gòn cách đây mươi phút. Lên nhà ông bác nghỉ hè.

- Trời, để cháu đuổi theo, may ra kịp. - Anh dợm chạy đi mà không kịp chào bà vú.

- Chắc không kịp đâu. Vì lúc đi cũng sát giờ rồi. Cậu ra đến nơi thì tàu đã chạy.

- Vậy bác cho cháu địa chỉ nhà trên ấy.

- Tôi không có. - Bà vú già lắc đầu. - Nhà chỉ có hai cha con thì họ đi cả rồi.

Số phận Toàn Nghi lận đận. Anh nghĩ như thế. Sự nghiệp và ước mơ nhà báo của anh rồi cả đời sẽ bị chậm chễ mươi phút thế này. Ấy là lúc đó anh chưa ngờ tới những sự chậm chễ khác của định mệnh.

 

Đầu mùa khô năm 1967, hội trại sinh viên náo nhiệt trong những cơn gió mát lành đang trờ qua bầu trời không một bóng trăng sao. Những ngọn lửa đỏ rực hắt lên từ thảm cỏ đen sẫm. Toàn Nghi đứng vắt tréo chân sau cánh gà. Biền trọc ngồi bên cạnh lấy vạt áo lau cho bóng loáng chiếc kèn harmonica, miệng làu bàu:

- Tao ghét nhất là thằng Chang dẫn chương trình. Miệng thì lào phào mà lần nào cũng làm bể vở. Tao mà là tổng đạo diễn thì cho nó xuống hậu cần phục vụ nước với chạy cờ.


- Theo tin vỉa hè thì lần này lưu diễn Tết Quang Trung, Văn Chang cũng được dẫn. - Nghi nháy mắt.

- Ông bỏ liền. - Biền trọc dựng ngược cặp mày Trương Phi. - Mà này, Thiệu mới đắc cử, sẽ làm tới, liệu kế hoạch của Tổng hội có thực hiện được không?

Nghi xòe hai tay.

- Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome.

- Đến lượt… Đến lượt rồi…

Biền chỉnh lại chiếc áo pull đen cho thẳng. Trông gã bụi bặm đối nghịch nực cười với bộ sơ mi trắng của Nghi. Tuy nhiên họ sẽ cùng hòa âm bản "The times they are A-Changin’"(1) bằng guitar và harmonica. Tiếng hò reo và huýt sáo khiến Biền trọc phấn chấn. Gã hứng chí thổi một khúc ngẫu hứng không theo bản nhạc.

Hết tiết mục, lẽ ra Nghi solo thêm bài "Blowin’ in the wind" theo kịch bản nhưng Chang đã cắt ngang bằng một giọng cố tạo vẻ bất ngờ rất đáng ghét.

- Còn bây giờ là… "Sơn nữ ca"… qua sự trình bày…

Nghi nghe câu được câu mất vì ngay lúc đó người biểu diễn đã xuất hiện trên sân khấu. Trong ánh lửa đêm bập bùng, dải lụa đen óng ánh xõa xuống bờ vai trần trên chiếc đầm ren trắng.

- Và người đệm đàn cho ca sĩ Giang Khanh chính là Bob Dylan của Việt Nam…

Cây đàn trong tay Nghi chợt vã mồ hôi.

- Thằng Chang lúc nào cũng vô duyên như thế. - Biền trọc dứ một nắm đấm. - Nhưng sự xuất hiện của người đẹp đúng là bất ngờ thật. Sao nó không nhờ harmonica đệm nhạc tango chứ.

Nghi không kịp nghe nốt câu càu nhàu của Biền trọc. Anh lướt năm đầu ngón tay, lướt cả hồn mình trên những dây đàn. Không còn đám đông phắc im bên dưới, không còn những đống củi hồng cháy rực, không còn Biền trọc đang cau có và Chang toét miệng ra cười, không còn những bản tin thông báo về lực lượng quân sự hùng mạnh của Việt Nam Cộng hòa trên Đài phát thanh, không còn khuôn mặt hiếu chiến của tướng Westmoreland nổi giữa màn hình, chỉ còn ánh trăng bạc rười rượi đầu non, tiếng róc rách của suối rừng, âm thanh rì rào của lá, mùi
trong ngát của sương đêm, làn hơi mát lạnh của cỏ mềm và giọng hát trong vắt của người đã gặp tình cờ bên
dòng Hương.

Sơn nữ ơi!

Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ

Sơn nữ ơi!

Hoàng hôn xuống dần đợi chờ ai đây.


Tiếng vỗ tay ràn rạt không thể tan loãng vào trời đêm và Biền trọc từ cánh gà toét một đoạn harmonica phụ họa. Giang Khanh quay sang cười tươi rói vẻ cảm ơn rồi chiếc váy đầm trắng vụt biến mất sau cánh gà
bên phải.

Nghi cũng len giữa đám đông đang đứng ngồi quanh những đống lửa. Vài cô gái quấn vạt áo dài thắt nút một cách ngỗ ngược vẫy Nghi tíu tít.

- Bob Dylan… Bob Dylan…

Lúc quay trở lại cánh gà, Nghi đưa cánh tay đẫm mồ hôi lên quệt trán.

- Đi đâu thế? - Biền trọc trợn mắt.

- Mày có thấy Giang Khanh đi hướng nào không?

- Có. - Gã nheo mắt chỉ ra phía cửa vào được làm giả bằng hai cột tre. - Nhưng đi cách đây năm phút rồi. Mày đuổi theo không kịp đâu.

Biền trọc thổi réo rắt một đoạn "Sơn nữ ca" rồi chìa ra một mẩu giấy.

- Tao đã hỏi được địa chỉ của nàng rồi. Tết năm nay chúng ta du hành cố đô một chuyến.

 

Biền và Nghi có mặt tại ga xe lửa Huế vào ngày 28 tháng Chạp. Biền có một ông chú làm tại Đài p hát thanh và ông chú đã hứa sẽ sắp xếp cho hai ông khách một căn phòng cho đến tận ra Tết. Dường như tất cả cư dân sinh sống bên dòng sông Hương này đều mềm mỏng giống như người Huế đầu tiên mà Nghi đã hỏi đường. Nhưng Giang Khanh kín đáo hệt một tiểu thư thời nhà Nguyễn, còn ông chú Biền đón tiếp cả hai bằng vẻ nồng nhiệt như thể đã sống cùng một nhà cả thế kỷ nay. Ông sắp mền và nước nóng, rồi giục Biền mang vài cái bánh tét về phòng kẻo đêm mùa rét đói bụng.

- Hai đứa mi thế nào cũng thức khuya. Vừa lạ chỗ vừa nói lắm chuyện. Lúc ấy có cái bánh tét là sướng
lắm đó.

Tuy nhiên, khi nghe thằng cháu kể về chuyến lưu diễn Tết Quang Trung, ông có vẻ không vui rồi lặng lẽ chúc hai đứa ngủ ngon.

Sáng sớm hôm sau, họ đi bộ đến nhà Giang Khanh. Làn hơi nước ẩm lạnh vẩn vương từ dưới lòng sông bao phủ lấy từng bước chân khách bộ hành. Nghi chưa bao giờ cảm thấy lạnh như thế. Từ lúc lọt lòng anh chỉ nhìn thấy ánh mặt trời ấm áp của thành phố phương Nam. Còn nơi này, con người thì nồng hậu mà khí lạnh như nuốt trọn cả hơi thở vừa rời môi. Không hình dung được thời tiết nên cả hai đành khoác chiếc áo vải dù dày dặn nhưng rất xấu xí của ông chú Biền. Họ đi qua Đại Nội. Trời bắt đầu mưa lâm thâm tải cái rét ngọt vào tận tim gan. Những chóp mái đền đài, thành quách, lăng tẩm âm u, cô tịch như người cung nữ già đã quá mệt mỏi để nhớ lại một thời vàng son quá vãng. Cả thành phố Huế sẽ vô cùng ảm đạm trong đám bụi mưa màu xám nếu không có những chậu thược dược, violet, cúc đại đóa chen chúc đủ màu ở đầu cầu Tràng Tiền và thảng hoặc đâu đó trong ngõ nhỏ tiếng pháo tép, pháo đùng giật nổ ì oàng của một đứa trẻ không nhịn nổi chờ đợi.

Họ tìm đến ngôi nhà vườn có cây cột gỗ đen đồ sộ. Trước đôi mắt ngạc nhiên của cô gái Huế, Biền trọc giới thiệu như một cái máy.

- Anh là Huỳnh Hữu Biền, đại học Khoa học Sài Gòn, còn cậu này có bút danh Toàn Nghi, phóng viên tờ Tin sáng, học Văn khoa Sài Gòn, là người đệm đàn cho em hôm hội trại và là người rất hâm mộ em.

"Vô duyên chẳng kém gì thằng Chang". Nhưng thay vì cằn nhằn vào tai thằng bạn lắm mồm, anh lại nở nụ cười ngượng nghịu quen thuộc. Cùng lúc ấy, một người đàn ông mặc áo bông màu tím than may chặn bằng những đường chỉ vắt chéo, mày rậm, râu rậm đen nhánh xuất hiện sau cột gỗ sơn thếp. Khuôn mặt này, vóc dáng này hệt một ông quan dưới thời Minh Mạng. Ông ta vừa có vẻ gì đó đáng kính nể lại vừa bí ẩn khơi gợi trí tò mò. Ông cũng nồng nhiệt không kém gì ông chú của Biền, chỉ thiếu điều sắp xếp cho hai khách phương xa một phòng ngủ nữa mà thôi. Trong nhà Giang Khanh, mọi thứ đồ đạc cũ kỹ tuồng ba thế kỷ nay không sắm thêm đồ gì mới. Song trên kệ lại có rất nhiều đồ gốm cổ mà sau khi giục con gái lấy ra đầy một mâm bánh đãi khách, ông mang từng chiếc xuống lau chùi bằng một chiếc khăn bông mềm. Chiếc bình cổ trong tay ông sáng dần lên, soi rõ lớp men xanh rêu trong ánh sáng lờ mờ của ngày giá rét. Họa tiết hoa sen và bông cúc trên men ngọc lung linh in dấu một thời đại hoàng kim. Nhiều cánh sen chưa nở quây kín lấy gương sen. Những nét hoa văn và cách thể hiện sen của người nghệ nhân Huế dường như cũng khiêm tốn, một vẻ khiêm tốn sang trọng và đài các. Việc đánh bóng đồ cổ là của ông. Giang Khanh không được làm công việc ấy. Những món đồ quý lũ lượt xếp dần ra cửa. Một chiếc đỉnh nắp vòm với tượng Nghê vờn ngọc, thân đỉnh chạm mây, hai quai hình rồng. Rồi tượng Nghê ngồi chầu, cổ đeo chuỗi nhạc. Hũ màu lam niên hiệu Gia Long, vai đắp nổi bốn đầu sư tử ngậm vòng tròn. Đặc biệt, thứ quý nhất, kỳ công nhất, chủ nhân phải đặt lên đùi như nâng một đứa trẻ sơ sinh đầu họ, rồi tẩm rượu vào khăn bông miết đều tay theo chiều vát từ trên xuống dưới, ấy là vò rượu sành của Thổ tù Đinh Công Kỷ, với những hình chạm khắc quan quân trên mình ngựa sinh động như thoát ảnh khỏi mặt men sứ.

Biền trọc đã che cái đầu trọc bằng một chiếc mũ
cát két dạ kẻ ca rô, vừa để che cái rét cắt da giữa miền Trung, vừa lấy vẻ nho nhã với chủ nhà. Biền tỉ tê nói ý, loanh quanh thế nào ông cha Giang Khanh hồ hởi mời cả hai tới góp vui giao thừa. Nhà chỉ có hai cha con, bà vú đã về quê từ hôm Táo quân chầu Trời, thêm người, căn nhà rộng năm trăm thước vuông bớt phần cô quạnh. Giao thừa là thời khắc chỉ dành cho gia đình, nhưng ông cha mặc nhiên coi hai người đã như thành viên trong nhà. Giang Khanh để mặc khách nói chuyện với cha. Cô ở dưới bếp gói những viên bánh bằng giấy bóng kính đủ màu. Giấy kính được cắt tua cầu kỳ, bao lấy những viên bột tròn xoe. Cô tước măng non bằng chiếc lược thép, rim măng với đường rồi rây bột cho mịn. Cô rang mè, tráng bột nếp bên bếp lửa nóng sực. Cô sắp những chiếc bánh huỳnh tinh màu tím ra đĩa đệm lá chuối. Toàn Nghi cũng loay hoay với món bánh măng. Anh hoa mắt bởi đủ thứ ngũ vị xanh đỏ tím vàng. Người Huế rất đặc biệt. Họ ẩm thực cầu kỳ thường dân cũng như vua chúa. Họ thích sự sạch sẽ và thẩm mỹ. Dễ đâu ngày mai đại bác bắn nổ trên đầu vẫn phải chỉn chu xống áo và đồ cúng tế. Họ quảng giao bằng một sự cởi mở tinh tế ấm áp không giống cách nồng nhiệt ầm ào của người miền Tây.

Có thêm hai người khách, mâm cơm cuối năm dường ồn ã hơn. Ông cha rót rượu từ chiếc vò sành đã 400 năm tuổi. Ông nói rất ít, nhưng đôi mắt sáng rỡ trong men rượu hồng. Ông hỏi han sơ qua về công việc của Biền và Nghi. Rút kinh nghiệm về thái độ của ông chú Biền, Nghi nói rằng anh làm cho tờ Tin sáng, nhưng không kể rõ việc chuyên viết thơ cổ động phê phán chính quyền Việt Nam Cộng hòa cho mục Cái loa. Khi tiệc rượu đã tàn, ông giao cho Biền trọc treo bánh pháo ra đầu cột. Pháo tép trộn lẫn pháo đùng, dây dài tới ba mét. Sau đó ông đứng lặng trước hương án kê giữa sân, quần áo tề chỉnh, rồi chừng mươi phút sau lui vào chiếc sập trong phòng khách, yên lặng đợi tiếng pháo đầu tiên.

Trong vòng một tiếng đồng hồ, pháo ran khắp kinh thành Huế. Tiếng pháo đuổi nhau trong xóm, nhà sau lại to hơn nhà trước. Âm thanh chói chát bủa vây lên bầu trời đêm ba mươi. Khi pháo đã vãn, Biền trọc rút cây kèn harmonica trong túi quần réo rắt một điệu khúc vui tai. Rồi Toàn Nghi hòa âm trên cây đàn gỗ bản "Blowin’ in the wind". Tiếng hát của anh trầm buồn lẫn vào pháo nổ lác đác trong những con ngõ nhỏ.

Bao nhiêu năm hòn núi kia đứng đó

Trước khi bị cuốn ra biển khơi

Bao nhiêu năm tồn tại những con người

Chờ tự do cho đến khi tìm thấy

Bao nhiêu năm một người ngoảnh mặt

Giả đò như không thấy không nghe

Câu trả lời, bạn ơi, chỉ cuốn trôi theo gió

Câu trả lời rồi theo gió cuốn trôi.(1)

Giang Khanh mặc chiếc áo nỉ màu tím, đôi bàn chân nhịp trên xác pháo hồng rợp, hai tay nhét sâu vào miệng túi và giọng ca cao vút cũng hòa theo.

Biết bao lần ta phải ngước nhìn lên

Trước khi thấy được bầu trời

Biết bao nhiêu lỗ tai người mang tới

Để mà nghe được tiếng khóc than

Đã bao thân rồi chết chôn trong lòng đất

Để mà hiểu quá nhiều người ra đi

Câu trả lời, bạn ơi, chỉ cuốn trôi theo gió

Câu trả lời rồi theo gió cuốn trôi.(1)

Tiếng guitar và ba giọng hát hòa lẫn vào mưa phùn
ủ ê, nhưng mặt người sáng hồng bên bếp lò ấm áp đã được bệ ra sân. Toàn Nghi hát bằng phản xạ, đôi mắt anh thi thoảng chạm vào đốm lửa lấp lánh trong ánh nhìn của người bạn gái mới quen, mà dường thân thiết đã từ lâu. Má anh nóng rực và mười đầu ngón tay trôi theo những dây đàn.

Câu trả lời rồi cuốn trôi theo gió

Câu trả lời rồi theo gió cuốn trôi.

Cùng lúc đó có những âm thanh ì oàng chập chờn vào tiếng pháo. Giang Khanh ngừng hát đầu tiên, rồi đến Toàn Nghi và Biền cũng đã buông thõng cây kèn harmonica. Tiếng nổ, song không phải là tiếng pháo.

- Ba. - Giang Khanh thảng thốt gọi, nhưng không có tiếng đáp lại.

Ông cha đã rời khỏi nhà lúc nào mà cả ba không hay biết. Có lẽ từ lúc họ còn đang mê mị trong tiếng nhạc bên bếp than thì ông đã bí mật đi ra cửa.

- Có phải quân Cộng hòa lại gây chuyện không? - Biền trọc băn khoăn nhìn sang bạn.

- Tao không nghĩ thế. - Nghi thì thầm. - Hai bên đã thỏa hiệp ngưng bắn vào đêm giao thừa. Chắc có chuyện gì khác kia.

Giang Khanh tỏ ra bình thản hơn, cứ như thể cô đã biết chuyện gì đó. Cô chỉ hơi lo lắng vì thoắt cái đã không còn thấy cha mình.

- Muốn biết chuyện gì xảy ra thì phải nhìn tận mắt. - Nghi quyết định.

- Đồng ý. - Biền lột mũ gãi điên cuồng vào cái đầu trọc. - Giang Khanh ở yên đây nha, chúng tôi đi ra phố một lát.


Nói rồi họ vội vã lao ra ngoài. Họ không còn cảm thấy cái lạnh kinh hồn như lúc mới đặt chân xuống thành Huế, cho dù càng về sáng nhiệt độ càng hạ thấp dần. Má họ nóng rực, và huyết quản trong người rần rật như lên cơn sốt. Trời đêm không một vảy sáng, họ chỉ có thể nghe thấy những âm thanh dồn dập từ nhiều phía. Rồi những quầng lửa chóe lên từ khu Mang Cá Lớn.

Ngay lúc vừa tang tảng, Nghi có thể nhìn thấy những bức tường thành lờ mờ trong ánh lờn lợt của bình minh rét mướt. Sáng hôm qua, Đại Nội còn thâm u im lìm như nhiều thế kỷ nay vẫn thế, giờ đầy những bóng người vội vã chuyển động dưới chân thành.

- Mày nhìn thấy gì không, Nghi? - Biền kêu lên giữa những tiếng nổ chát chúa.

Và cho đến khi trời sáng rõ mặt người, không cần thông báo mới nhất của ông cha Giang Khanh thì họ cũng đã biết chuyện gì đang diễn ra: Cờ giải phóng với ngôi sao ở giữa nổi rực trên nền trời ảm đạm. Gió thổi phần phật ba màu xanh đỏ vàng trên đỉnh cột cờ Đại Nội.

- Quân Giải phóng đã chiếm được thành Huế. - Toàn Nghi thì thầm. - Quân Giải phóng đã chiếm được thành Huế. Lạy Trời, không thể tin nổi!

 

- Quân Giải phóng đã chiếm được Huế.

Ông cha Giang Khanh thông báo bằng vẻ trầm tĩnh, nhưng ánh mắt sắt đá dong hình một ông quan triều Nguyễn thì ánh lên kỳ lạ.


- Chúng ta đã kiểm soát được khu Chánh Tây, cửa An Hòa và chợ Đông Ba.

- Chiến xa của quân Cộng hòa đã bị bắn hạ ngay gần Ty Cảnh sát quốc gia.

Dường như ông nắm tin tức nhanh nhất thành
phố này.

Theo kế hoạch, Biền và Toàn Nghi sẽ rời Huế vào ngày 4 Tết, nhưng giờ họ bị kẹt lại trong nội thành. Sáng mùng 5, tiếng máy bay trực thăng xè xè trên bầu trời xám xịt. Phần lớn thời gian, họ ở lại nhà Giang Khanh, lúc này thường xuyên vắng mặt người cha. Họ cũng quay trở lại nhà ông chú Biền nhưng không còn một ai ở đó nữa. Toàn bộ những người trong gia đình gồm vợ chồng ông chú và hai đứa nhỏ đã biến mất, tuy nhiên đồ đạc hầu như còn nguyên vẹn. Một vài người hàng xóm nói rằng họ đã lánh đến khu vực nhà thờ Phủ Cam. Những người khác lại cho rằng ông đã bị bắt giữ ngay sau khi rời khỏi Đài phát thanh, còn ba mẹ con đã chuyển đến một nhà bà con ở đâu đó bên Vinh Lộc. Giang Khanh vẫn giữ vẻ kín đáo thường ngày, giống như một công nương trong đại nội, dù có biến cũng chỉnh tề xiêm áo và tư thế đàng hoàng. Cô nổi lửa hâm nóng những chiếc bánh làm từ trước ba mươi. Như thể đã biết có chuyện xảy ra, những chiếc bánh tét được gói chay không nhân thịt để giữ được lâu. Vỏ lá chuối đã khô giòn trong tiết trời lạnh giá nhưng bên trong còn nguyên vị thơm của gạo nếp. Tuy nhiên, cũng có bữa cô kiếm được một mớ lòng mề ngan, hái thêm vài ngọn húng ngoài vườn và hai người khách được đãi món nộm măng trong tiếng nổ đì đùng của bộc phá, đó là món ăn mà Nghi chưa bao giờ được nếm thử trước đó. Đến mãi sau này, anh cũng không thể nào quên được khuôn mặt điềm tĩnh của Giang Khanh khi tiếng nổ giật mìn ở cầu Tràng Tiền vang dội khắp thành phố, và món ăn đặc biệt với đủ vị chua, ngọt, đắng làm từ tất cả những gì còn sót lại trong căn bếp vẫn vô cùng gọn ghẽ như lúc thường.

Chỉ ít ngày sau đó, ngôi nhà cố kính của cha con Giang Khanh cũng trở thành cứ địa. Bàn ghế sập gụ đen bóng vết tay người qua nhiều thế kỷ được trưng dụng làm chướng ngại vật. Biền, Toàn Nghi và Giang Khanh phải chuyển đến trung tâm tị nạn trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, còn ông cha vẫn ở lại ngôi nhà của mình.

Ba người chia nhau tấm chăn bông trải trên sàn đá nhà thờ lạnh giá. Những chiếc ghế dài cầu nguyện được dẹp gọn vào góc để nhường cho trẻ nhỏ. Người người ngổn ngang bên đống đồ đạc gói đùm trong vải vóc. Họ ăn những chiếc bánh tét nhân đậu cứng ngắc giờ đã chuyển mùi vị lạ. Họ thức gần trắng đêm nằm nghe những tiếng nổ ầm ầm như sấm làm rung chuyển cả bầu trời và mặt đất. Một triệu cân thuốc nổ đã đổ như vãi rạ xuống kinh thành Huế. Giang Khanh ngồi tựa lưng vào bức tường nhà thờ. Đã năm tiếng đồng hồ trôi qua và cô vẫn giữ nguyên tư thế ấy, đôi mắt mở to trong đêm tối. Gần sáng, những tiếng nổ vãn dần. Trong khoảnh khắc, không gian lặn vào sự tịch mịch chết chóc. Biền trọc đã chìm vào giấc ngủ không mộng mị. Gã úp mặt vào góc tường, bình yên như đang nằm trên giường nhà hứng gió quạt. Toàn Nghi kéo người bạn nằm xuống. Anh nhích ẹp vào Biền trọc để nhường chỗ cho cô. Đôi bàn tay cô lạnh toát và ánh mắt vẫn long lanh không hòa lẫn vào màn đêm. Nhà nguyện ngập trong bóng tối dày đặc. Nghi ghé vào tai cô khẽ thì thầm bản "Blowin’ in the wind" giống như đang an ủi một người thân yêu nhất. Hơi ấm ít ỏi trong chăn tỏa dần sang cả hai. Anh ôm chặt cô vào lòng và Giang Khanh cứ để nguyên như thế, ngón cái vùi chặt trong lòng bàn tay. Anh ước gì thời gian dừng lại ở khoảnh khắc này, và địa cầu ngừng không quay nữa. Anh nhắm mắt lại và chập chờn tỉnh thức trong những hình ảnh lờ mờ của đền đài, thành quách, cung điện sụp đổ nát vụn dưới ánh chớp lòa. Và giữa đống đổ nát, một dải lụa đen trắng mềm mại đứng lặng yên bất động tựa hồ là sinh thể cuối cùng còn sót lại trên Trái đất này. Trong cơn mơ vô thức, anh càng ôm chặt cô vào lòng, như sợ hãi chỉ cần nới lỏng tay là cô sẽ tan chảy cuốn trôi vào trong gió.

Liên tục những ngày sau đó, Tòa tỉnh trưởng thông báo thiết quân luật 24/24 trên Đài phát thanh. Cận Tết Nguyên tiêu, những bức tường kiên cố giữa kinh thành đồng loạt sụp đổ dưới làn mưa bom Napalm và hỏa tiễn. Nhiều người trong trại tị nạn vẫn cố chạy về nhà vớt vát ít đồ đạc và lương thực. Mùi trầm hương và bạch lạp trong nhà nguyện quyện lẫn vào nhau ngào ngạt. Thứ mùi thơm ấy không mang lại an lành mà toát lên sự chết chóc. Không khí tê tái trong những tiếng khóc như ri của đám người mới vào. Người thân của họ không kịp đem chôn yên ả nơi nghĩa địa, không cờ phướn, không hò nện, đành đoạn vùi đất vội vã ngay vệ đường. Trong hai ngày liên tiếp, những tiếng nổ dội tức ngực từ khu trục cơ của Thủy quân lục chiến để lại từng vệt đại bác trên dãy tường thành. Vài gia đình không chịu nổi sự ngột ngạt tù bức của trại tị nạn, mới ngày trở về nhà ăn uống, tắm giặt, tối quay lại nhà thờ. Người già và trẻ con thì không rời khỏi tu viện nửa bước. Giang Khanh dường như không đêm nào chợp mắt. Cô im lặng nấu nướng các thực phẩm tìm được, giúp đỡ những người không quen biết chăm sóc lũ trẻ và đêm đến đứng lặng ngoài giáo đường, mắt dõi vào không gian u tối lập lòe ánh hỏa châu. Nghi cũng đứng lặng nhìn. Hôm ấy trời không quá lạnh. Bóng đen của tháp chuông nhà thờ vươn lên bất lực. Giang Khanh và cái tháp chuông, cứ im lìm mãi như thế. Chừng ba giờ sáng, khi tiếng đại bác tạm ngưng như thể người điều khiển nó muốn nghỉ giải lao, Giang Khanh khoác thêm chiếc áo dạ và cắm cúi bước ra ngoài.

- Em đi đâu? - Toàn Nghi thảng thốt.


- Em về nhà.

- Đừng, nguy hiểm lắm. Em muốn lấy gì ở đó để đến sáng mai anh và thằng Biền sẽ tính.

- Không, em chỉ muốn về nhà.

Nghi vội bước rảo theo. Hai người im lặng không nói câu gì, chỉ căng mắt quan sát mặt đường. Họ không dám đi phố lớn mà vòng vào các ngõ nhỏ, chấp nhận quãng đường xa hơn gấp đôi. Một con gà lạc bắt đầu gáy sáng, và ngay lập tức chóe lên tao tác sau những tiếng rú rít của loạt đạn súng máy xối xả qua ô cửa sổ của một trường tiểu học. Đạn bên trong bắn ra. Lựu đạn thảy vào khiến ngói rụng lả tả. Bụi khói và các mảnh gạch đá tóe ra từ vách tường. Cũng chỉ cách đó vài trăm mét, những ngọn lửa và cột khói đen bốc lên cao, mù mịt trên đống gạch đổ nát. Những cây cột điện vỉa hè trúng bom từ trước oằn xuống xiêu vẹo, tạo thành các hình nhân quái gở và ai oán. Nghi kéo sạt Giang Khanh nép vào hiên một ngôi nhà còn lành lặn trong kiệt gần đó. Thân mình cô run lên, có lẽ không phải do sợ hãi mà vì lạnh. Bàn tay cô như hai khối băng, và tóc thì ướt lạnh sương đêm. Nghi đứng chắn trước mặt cô, đôi mắt căng thẳng hướng ra đầu kiệt, sẵn sàng hứng một chùm đạn súng máy vào ngực. Anh thấy mình đang rơi vào một cơn ác mộng mà trong đó anh vừa là nhân vật bị săn đuổi, vừa thoát xác bay lơ lửng trên cao để đối diện với cảnh đổ nát hoang tàn của thành phố chúa và những hình thù nằm vật vã trên đám gạch vụn. Tuy nhiên, loạt đạn súng máy vừa rồi không phải là ảo giác. Những tiếng nổ chát chúa va đập lùng bùng vào màng nhĩ đến nghẹt thở. Kết thúc bằng một tiếng rít kinh hoàng. Rồi tất cả chấm dứt. Im lặng. Có tiếng động cơ xe Jeep rồ lên và bánh xe lướt sạt trên mặt đường. Họ rời khỏi chỗ nấp, thấy một góc trường tiểu học đã lở sụp. Có lẽ là một quả đạn rocket đã thổi tung bức tường phía trước và khoan thủng ra tận lưng sau. Ngôi trường im lìm như cánh đồng chết. Tuy nhiên khói hơi cay vẫn tỏa ra mù mịt.

Giang Khanh không nhìn sang phía bên kia đường. Cô dán mắt vào khoảng không trước mặt, đôi môi mím chặt lại và những bước đi vội vã hơn. Khi họ về đến ngã tư Duy Tân - Lê Lợi, hàng loạt xe tăng Mỹ với nòng súng Canon Beauford đã đứng dọc sông Hương. Những chiếc mũ đặc trưng của lính Cộng hòa đảo qua đảo lại nổi chỏm dưới ráng trời còn sậm tối. Giang Khanh kéo vội Nghi đi ngược sang hướng khác. Những con đường không còn nguyên hình vẹn dạng giống trước kia nữa, nhà cửa hai bên chỉ còn lùm lùm những gạch và đá. Trong bóng đêm, chúng trơ khấc không khác đám mộ khổng lồ. Họ cứ vòng vèo như thế cho đến khi về tới khu nhà vườn thì đồng hồ đã chỉ sát số 5. Toàn bộ dãy nhà cổ kính khuất trong im lặng, sự im lặng gi ống hệt ngôi trường tiểu học. Không cần chạm vào người bạn gái đang bước đi như chạy, Nghi cũng biết rằng cô đang run. Ngay cả bản thân anh cũng đang run lên, ruột gan bồn chồn nhộn nhạo như dập xuống dềnh lên với sóng biển. Anh không thể bước qua cổng nhà vì không còn cổng nữa. Bức tường rào đã bị phá sập thành những ụ lổn nhổn. Đôi bàn chân phía trước thoăn thoắt vượt qua gạch đá. Ánh sáng non đầu ngày chỉ đủ khiến mắt người lờ mờ thấy những thân áo xanh bất động trong đám hỗn độn. Lá cờ xanh đỏ vàng trên nóc nhà đã ám khói đen và rũ xuống thân cột trong một bình minh lặng gió. Đỉnh nắp vòm, tượng Nghê vờn ngọc và vò rượu sành của Đinh Công Kỷ rải rác vụn vỡ lẫn vào những mảnh gỗ mà trước đây từng là tủ là sập. Một cơn gió hiếm thoảng qua, đẩy đưa mùi tanh nồng của nỗi tang thương và chết chóc. Nghi chỉ thoáng thấy bóng người nhào vào chiếc áo bông màu tím than may chặn bằng những đường chỉ vắt chéo sấp trên mặt sàn. Một bàn tay nắm chặt lấy thân súng, và đôi mắt vẫn trừng trừng dưới cặp mày rậm. Cô không khóc, mắt chỉ mở to tuyệt vọng và thân mình run lên từng chập. Anh quỳ xuống bên cạnh con người mới hơn nửa tháng trước vẫn còn ngồi bên hiên nhà nâng niu chiếc vò sành của Đinh Công Kỷ bằng một miếng bông tẩm rượu. Anh vuốt nhẹ lên chân mày người quá cố, rồi choàng tay chặn những cơn run không dứt của người
bạn gái.

Lần đầu tiên, anh chạm tay mình vào chiến tranh. Nó ở ngay trước mắt anh và có thật trong những tiếng rù rù đập cánh của một loài côn trùng mới đánh hơi thấy mùi máu, có thật trong chấm đen hạt huyền đã từng long lanh sức sống dưới trời đêm vi vút bản "Sơn nữ ca".

 

Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, thành phố của những cung điện và đền đài đã chỉ còn là tro tàn với tám mươi phần trăm ngôi nhà bị phá hủy.

 

Mãi sang tháng hai, anh và Biền mới quay được về Sài Gòn, và chỉ ngót tuần sau đó đã bị bắt vào Tổng nha Cảnh sát. Cả hai là nhân vật nòng cốt trong đêm diễn 26 tháng Chạp và việc họ có mặt tại Huế trong suốt tháng Giêng vừa rồi cũng đủ là lý do để cảnh sát hành hẹ. Đến tận hai tháng sau anh mới được thả ra, còn Biền trọc nhờ sự can thiệp của một ông chú họ trong Nha Cảnh sát đã được về nhà ngay trong tuần.

Cùng năm đó, Giang Khanh đỗ đại học Khoa học Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, Nghi tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, còn Biền trọc được nhập học đặc cách vào trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Năm 1972, Biền trọc tốt nghiệp với lon thiếu úy. Và sau một năm bổ sung vào không lực Việt Nam Cộng hòa, Huỳnh Hữu Biền đã nhanh chóng lên hàm thiếu tá. Đầu mùa khô năm 1973, Biền và Giang Khanh kết hôn trong một đám cưới tưng bừng sang trọng ở Continental Palace. Tối hôm đó, Toàn Nghi vừa từ Tây Ninh trở về, anh lặng lẽ đứng ở góc đường Tự Do nhìn dãy xe Peugeot Citroen, Simca, Ford Angila, Ford Cortina… đỗ dài dặc trước cửa khách sạn sáng choang ánh đèn vàng. Báo chí đưa tin thiếu tá Huỳnh Hữu Biền đã tặng cho Giang Khanh, ca sĩ gốc Huế nổi tiếng Sài Gòn, chiếc nhẫn cưới nạm kim cương Nam Phi đắt giá nhất trong tiệm vàng Émile Bodin. Những tấm ảnh cưới chụp từ studio Nguyên Kỳ có mặt trên trang nhất các tờ báo lớn.

Tháng tư năm 1975, súng lại nổ giữa lòng Sài Gòn. Tòa đại sứ Mỹ trên đại lộ Thống Nhất lúc nhúc như một thứ trại tị nạn. Các công chức cao cấp và sĩ quan quân đội điên cuồng chửi rủa Graham Martin(1). Trong số đó có cả Huỳnh Hữu Biền và Giang Khanh. Tất cả giẫm đạp lên nhau để leo lên cầu thang tầng thượng bất chấp những trái lựu đạn hơi cay của sĩ quan Mỹ thả qua các cánh cửa lầu đã khóa trái.

Có một điều đáng ngạc nhiên. Trong suốt những ngày quần quật trên chiến trường miền Tây chịu đựng những trận đói khát và những cơn sốt đến kiệt quệ, khi đứng ở góc đường Tự Do nhìn các khuôn mặt người hớn hở qua ô cửa kính khách sạn, lúc chứng kiến đám sĩ quan điên cuồng chen chúc tìm một cơ hội để leo lên trực thăng ở Tòa đại sứ và ngay cả khi hòa lẫn giữa dòng nườm nượp cờ hoa, anh luôn nhìn thấy hai dải lụa đen trắng mềm mại ở phía trước. Dải lụa mơ hồ trôi theo gió rồi thu gọn trong lòng anh run rẩy, hai nắm tay bọc lấy ngón cái như đứa trẻ muốn tìm sự an toàn. Nhiều lần trong đêm, anh nghe thấy tiếng đại bác va quệt vào những bức tường thành cổ kính, và cả giọng trong ngần vi vút theo bản tango "Sơn nữ ca". Rồi ngay cả khi choàng thức giấc, thứ âm thanh pha trộn ấy vẫn thành hình một ảo giác không thể tan chảy vào ý thức.

Cũng một buổi chiều, anh đứng lặng trên khoảng trống trước Nhà thờ Đức Bà, dõi mắt hai tháp chuông vòi vọi trên nền trời, ảo giác lại khiến anh nhìn thấy dải lụa mềm bất động phía trước như cái đêm Giang Khanh nhất định đòi chạy về nhà. Linh tính đã khiến cô trở nên liều mình và tuyệt vọng. Điều duy nhất khiến Nghi không hối hận là anh đã được ở bên cô khi ấy, cho dù duyên mệnh đã khiến cả cuộc đời, anh và cô như hai đường song song không bao giờ tiệm cận.

 

*

*      *

 

Bản "Blowin’ in the wind" vừa dứt và chuyển sang một ca khúc cũ kỹ khác của Bob Dylan. Loa rè, đĩa vấp, gió Hồ Tây hun hút thổi, khó khăn lắm mới hình dung được đấy là một bản nhạc. Hình như Phước không nhìn thấy những gì mà tôi vừa nhìn thấy. Hoặc cũng có thể cậu đã biến thành một vệt nước dưới lòng sông Hương để chiêm ngưỡng một dị bản khác của tình yêu. Tôi đọc lại những câu thơ của ông Trần Phước T vừa được viết nguệch ngoạc ra một tờ giấy, mà Phước nói rằng "Anh cũng đã thử lý giải điều này mà cơ hồ thất bại."

Anh đã nhìn bóng em đổ mát ánh chiều

Hoa đại ướt mưa tuôn và má em cũng ướt

Như lúc em siết tay anh, đau thương,

 giữa những tiếng bom gầm

Và con đường, và ngôi nhà,

và những cây cột điện cũng lặng câm trong gió

Chỉ còn cuốn trôi theo gió em ơi

Rồi sông Hương, nước hai lần mải theo gió

cuốn trôi.

Sau này, Toàn Nghi kết hôn với một cô gái Huế và gia đình anh tình cờ chuyển đến cạnh ngôi chùa. Rồi một chiều bình yên như mùa, anh phát hiện ra cái tên Tôn Nữ Huệ Giang Khanh nằm trong danh sách điệp báo thành Huế. Hai cha con cô ấy đã tham gia cụm điệp báo H32 từ trước đợt tấn công đầu tiên trong Tết Mậu Thân. Đám cưới chỉ là màn kịch một chiều và khi mọi thứ kết thúc, Huỳnh Hữu Biền ngồi trên một trong những chiếc trực thăng cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Đại sứ quán Mỹ. Anh ta thuyết phục vợ đi theo nhưng…


- Hoặc Toàn Nghi đã phát hiện ra điều đó từ trước và nghiến răng chịu đựng, để rồi sau này khi cô ca sĩ tài danh biến mất đã bỏ công đi tìm và nhìn thấy người cũ lặng lẽ đơn độc giữa những cây hoa đại. - Phước thì thầm. - Nhà văn chỉ có vài kịch bản cho một câu chuyện tình, còn cuộc sống có đến cả triệu cách bắt đầu cho một tình yêu.

Nhưng cho dù câu chuyện xảy ra theo cách nào thì cũng chỉ khởi nguồn từ một lý do duy nhất - Tình yêu. Quán cà phê bắt đầu nhộn nhịp khách vào ra. Đĩa Bob Dylan bị vấp, cứ tua đi tua lại một bản nhạc. Ngót nửa thế kỷ, Bob Dylan vẫn còn hát. Chúng tôi vẫn nghe Bob Dylan, nhưng không phải "Blowin’ in the wind" nữa mà là bản "Modern Times"(1) trong âm điệu blues pha trộn. Đại Nội vẫn trầm lặng khuê các, ngày ngày tấp nập khách đủ màu da trên những chiếc xích lô chậm chạp lăn qua cổng thành. Và những câu chuyện là bất tử, cho dù chúng dựa trên phiên bản nào. Cả ký ức nữa, sẽ chẳng thể nào theo gió cuốn trôi.

 


1. Blowin’ in the wind (Cuốn trôi trong gió): Bài hát phản chiến nổi tiếng của nhạc sĩ Bob Dylan hồi thập niên 60 thế kỷ XX.

1. The times they are A-changin’: một ca khúc phản chiến khác của Bob Dylan, đã góp phần làm dậy lên làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam của thanh niên Mỹ hồi cuối thập niên 60, đầu 70 thế kỷ XX.

1. Nguyên văn:

Yes, 'n' how many years can a mountain exist

Before it's washed to the sea?

Yes, 'n' how many years can some people exist

Before they're allowed to be free?

Yes, 'n' how many times can a man turn his head,

Pretending he just doesn't see?

The answer, my friend, is blowin' in the wind,

The answer is blowin' in the wind.

1. Nguyên văn:

Yes, 'n' how many times must a man look up

Before he can see the sky?

Yes, 'n' how many ears must one man have

Before he can hear people cry?

Yes, 'n' how many deaths will it take till he knows

That too many people have died?

The answer, my friend, is blowin' in the wind,

The answer is blowin' in the wind.

1. Graham Martin: Đại sứ Mỹ cuối cùng tại Việt Nam
Cộng hòa.

1. Modern Times (Thời đại ngày nay): album mới nhất của Bod Dylan phát hành năm 2006 và đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc của Mỹ.

Nguồn: truyen8.mobi/t85907-truyen-ngan-dac-sac-cac-tac-gia-nu-truyen-ngan-10.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận