Lúc anh ngồi ấm cúng bên mâm cơm tất niên cùng vợ con thì chị đang bươn bả trên trường. Trời nhoà tối. Mưa vẫn vô tình rơi trong giá rét ngọt ngào. Chiếc áo len mỏng manh không đủ ấm khiến đôi môi tím tái của chị càng bợt bạt hơn. Chẳng hề gì. Mắt chị ngợp niềm vui. Anh ấy vẫn dịu dàng và chu đáo như cái ngày xa xôi ấy. Vậy là đã hơn hai mươi năm. Chị mỉm cười. Phải nói chị có nụ cười rất duyên. Nó khiến gương mặt trái xoan của chị thoáng hồng. Đèn xanh rồi đèn đỏ. Chị nhấn ga, chiếc xe luồn lách dọc các con phố quen thuộc. Chiều cuối năm, hình như ai cũng muốn trở về nhà sớm hơn. Riêng chị ngược về con đường hai mươi tuổi. Dãy phố nhỏ có quán cà phê nép mình bên hàng cây hoa sữa. Nơi ấy ngày xưa… “ Uỵch”. Bất ngờ từ trong ngõ nhỏ, một chiếc xe thồ đột ngột xuất hiện loạng choạng tạt ngang xe chị. Chị ngã bệt xuống nền đường ướt lạnh, gương mặt ngơ ngác đến tội nghiệp. Chiếc xe máy nằm nghiêng nổ máy ành ạch. Như người vừa ra khỏi giấc mơ, chị mỉm một nụ cười thay lời xin lỗi. Ông xe thồ ngỡ ngàng nhìn người phụ nữ trước mặt. Cô ấy có làm sao không nhỉ? Lỗi tại mình kia mà. Ở đâu ra người con gái trong suốt như thiên thần thế ? Phải mụ yêu tinh khác, hôm nay mình sẽ được “ăn” đủ thứ trên đời. Chị dựng xe, phủi qua áo quần rồi lại chầm chậm vê ga. Chiếc áo mỏng manh, mái tóc ướt mưa và một nụ cười như thiên sứ trên môi. Chị trôi giữa một dòng sông người tìm về bến cũ. Sao mãi chưa đến? Anh ấy đang chờ mình phía trước. Người gì đến lạ, vẫn thói quen sở hữu như ngày xưa: “Anh chờ em ở chỗ cũ nhé”. Một câu rồi cúp máy, anh có biết là em đang ở rất xa nơi ấy không?
Cái ngày xa xôi ấy… Chị lại khẽ mỉm cười. Lớp tập huấn cán bộ kỹ thuật lúc nào cũng ồn ào như ong vỡ tổ. Thôi thì đủ các thành phần, đủ các lứa tuổi. Họ đến để gặp gỡ hàn huyên hơn là để nâng cao kiến thức. Chị như tách mình ra bởi lối sống khép kín. Mặc mọi thứ xung quanh, chị chú tâm vào các bản đồ án quy hoạch, những mẫu biểu mô hình và… đôi lúc ngắm mưa. Chiếc bàn chị ngồi trông ra cửa sổ, nơi ấy có tán bàng xanh thẫm che rợp cả khoảng trời. Có con chuồn kim lẻ loi lượn vòng trên đóa hướng dương tàn lụi. Và chị thích thú khi phát hiện một dây bìm bìm nhỏ nhoi đang cố leo lên mảng tường sụt nở. Cây mai mảnh mai ấy từng là mối quan tâm rất riêng của chị. Chị hồi hộp nín thở chứng kiến nó trổ những cánh hoa tim tím đầu tiên với một niềm vui kín đáo. Vốn là người không theo chủ nghĩa xê dịch nên chị chỉ quen đi một đường, quen ngồi một chỗ. Hành trình trong ngày của chị là lên lớp, xuống nhà ăn và vào thư viện. Có đo chi tiết cặn kẽ cũng không quá nửa cây số vuông. Lúc đầu, họ cố lôi chị nhập cuộc nhưng rồi cũng phải phải chào thua trước nụ cười thật đẹp và cái lắc đầu kiên quyết. Nửa năm là khoảng thời gian không dài, nhưng lại có thể làm đổi thay rất nhiều số phận. Cũng như chị, rất có thể chị sẽ là học viên xuất sắc nhất khóa nếu như không chị không gặp anh. Nhưng làm sao lại không gặp anh được? Không gặp anh thì sẽ là người khác chứ. Thói đời thường đỏng đảnh cợt đùa. Cứ như nếu không có những sự bất thường thì cuộc đời sẽ nhạt hoen hoét mất. Riêng chị thì lại thầm cảm ơn nó. Đó là quan điểm riêng của chị, chứ với hai mươi năm đợi chờ trong vô vọng thì cuộc gặp gỡ định mệnh kia là đại hoạ chứ phúc phận gì. Bây giờ người con gái không còn trẻ nữa là chị, lại đang lao đến điểm hẹn bằng một trái tim của tuổi hai mươi. Không biết ở cuối con đường đã khác ngày xưa, chị có tìm được sự bình yên mong đợi?
Trời đã tối hẳn. Những ngọn đèn cao áp sụt điện chỉ lờ mờ hắt sáng. Mưa cũng mau hạt hơn. Chiếc áo len mỏng manh trên người chị lóng lánh vô số những bụi nước như những hạt kim cương nhỏ. Chị vẫn đang độc hành trên con đường hun hút mưa rơi. Mang mang trong ký ức chị là vô vàn hình ảnh của anh. Hình ảnh nào cũng lung linh kỳ ảo. Anh là đứa trẻ sớm mồ côi bố. Hai mẹ con anh lặn ngụp lần hồi nuôi nhau tại một xóm nghèo của đồng chiêm trũng. Suốt những tháng năm quen rồi yêu nhau, anh kể cho chị nghe toàn những điều về mẹ. Nhiều và thật đến nỗi, chị có thể tìm gặp bà ngay cả trong giấc mơ. Anh yêu và kính trọng mẹ. Vì tình yêu lớn lao ấy mà anh quyết chia tay người vợ trẻ khi cô ấy vô tình làm mẹ anh tổn thương. Chị thấy anh hoàn toàn có lý. Có lý cả khi anh đem tặng chị bông chuối rừng vào đúng ngày sinh nhật. “Em mạnh mẽ và hoang dã như bông chuối rừng này, cô bé ạ!”. Vậy là mặc lũ bạn châm chọc, chị giữ bông chuối ấy cho đến khi cánh hoa cuối cùng rụng xuống, chỉ còn trơ lại chiếc cuống dài nghêu từ đỏ bầm chuyển sang xám xịt.
Lớp học tan, trở về cơ quan cũ, chị mang theo hình ảnh bông chuối đỏ tươi lạ lùng anh trao tặng. Tuy khác cơ quan nhưng anh chị vẫn có rất nhiều cơ hội gặp nhau. Chị vẫn song hành với những câu chuyện triền miên anh kể về mẹ. Thế rồi anh bất ngờ nhảy sang lĩnh vực văn học bằng một bài thơ rất hay về mẹ. Bài thơ được giải cao nhất của một cuộc thi. Báo chí, truyền hình đã góp phần cơ bản để anh rẽ ngang trên con đường nghệ thuật. Bây giờ thì trong câu chuyện hai người nói với nhau (thật ra chỉ toàn anh độc thoại), đã manh nha những ý tưởng cao siêu của những tác phẩm đồ sộ anh đang ấp ủ. Chị lại thủy chung song hành với những dự định to tát ấy. Năm tháng cứ vô tình trôi nhanh, thêm hai lần hoa chuối rừng có mặt trong căn phòng chị, anh lại bất ngờ rẽ sang bến mới. Nghe tin anh đột ngột cưới một nhà thơ nữ, chị hóa đá bên bông chuối rừng chỉ còn lại một cánh cuối cùng. Cánh hoa không còn giữ được màu đỏ bầm như máu, nó nhợt nhạt tàn tạ và yếm thế như chính chị lúc này.
Vậy là đã hai mươi năm. Chị lại khẽ mỉm cười. Sau ngày anh cưới vợ, chị vẫn dõi theo từng bước anh đi. Thầm lo, thầm mừng trước bao nhiêu biến cố anh trải qua. Cái đận anh đưa vợ vào phòng mổ lúc sinh thằng cu Tũn. Chị đã rất đau lòng trước gương mặt anh nhạt nhòa nước mắt. Vợ anh không qua được ải vượt cạn. Anh ôm thằng nhỏ còn đỏ hỏn ra đi, khước từ cả tình yêu của chị. Biền biệt những tháng ngày khắc khoải chờ mong, chị chợt nhận ra một điều: Anh chưa khi nào thuộc về chị. Trong vô vàn những tác phẩm của anh, nhiều nhất và hay nhất vẫn là những dòng anh viết về mẹ. Thấp thoáng hình ảnh mẹ con cu Tũn, chứ tuyệt nhiên không có dòng nào viết về chị, về những bông chuối rừng định mệnh của hai người. Lạ thay, chị gần như không nghĩ cho mình. Canh cánh trong trái tim đa cảm của chị là nỗi xót xa lo anh gà trống nuôi con. Chị đọc không sót bất kỳ điều gì anh viết ra. Chị thuộc anh hơn cả thuộc lòng mình. Bài thơ đầu tiên anh viết về mẹ. Bài báo đầu tiên anh cũng viết về mẹ. Cuốn tiểu thuyết vừa ra đã xôn xao dư luận của anh tháng trước cũng lại viết về mẹ. Thấm đẫm trong từng câu chữ là tấm lòng thơm thảo của anh dành cho người mẹ. Có lẽ chị yêu anh cũng vì điều ấy. Chị không thể quên anh cũng vì điều ấy. Biết bao nhiêu cơ hội đã đến rồi lại đi vì chị không tìm được người nào giống anh. “May mà trên đời này chỉ có một thằng điên, ai mà thèm giống hắn!”. Hình như Thành đã đôi lần lùng bùng bảo chị như vậy. Thành kém chị gần nửa con giáp nhưng chỉ gọi chị bằng tên. Có thể nói, đó là một chàng trai lý tưởng, mạnh mẽ và tự trọng. Ở bên cạnh Thành, chị thấy bình yên lắm. Thành thuộc lớp đàn em, về cơ quan sau chị dăm năm. Nhưng chị luôn coi Thành là người bạn tri âm, tri kỷ. Chị có thể nói được với Thành mọi điều chị nghĩ. Kể cả mối tình thầm kín tuyệt vọng đã đeo đuổi chị ngót hai mươi năm. Lúc nhận được điện thoại của anh, chị gần như chết sững. Niềm hạnh phúc quá lớn khiến chị gần như nghẹt thở. Bữa cơm tất niên cơ quan tổ chức rôm rả là thế, chị vẫn như người ngoài cuộc. Mắt Thành xoáy sâu một câu hỏi lặp đi lặp lại không được chị trả lời. Rồi chị tất tả phóng xe đi, bỏ lại đằng sau ánh mắt đầy lo âu tội nghiệp của Thành.
Chị là gì trong cuộc đời sóng gió của anh? Điều đó đâu có gì quan trọng? Chị không thể giản đơn như Hân, chấp nhận một cuộc sống bình lặng nhạt nhẽo rồi tha hồ mà điều chỉnh cho nó êm trong ấm ngoài. Một, hai đứa con ra đời, thế là bận bịu với những lo toan mà quên béng những mơ ước của tuổi học trò. Chị càng không thể như Diệu, chấp nhận một người chồng chỉ có mác là tiến sĩ để lấy danh mở mặt với bạn bè, đành phải sống cả đời trong địa ngục của bao toan tính thấp hèn. Nhưng chị có gì hơn họ? Một tình yêu không thể gọi là yêu. Một hạnh phúc chưa một lần có được theo đúng nghĩa của hai từ hạnh phúc. Chị có gì hơn họ nếu không muốn nói là không bao giờ bằng họ? “Băng có tôi mà!”. Chị đã bật cười trước câu nói thành thật của Thành. Công bằng mà nói, Thành hơn hẳn anh về mọi mặt. Thành có thể nghe chị nói mọi điều và cũng sẻ chia với chị được mọi điều. Đi bên Thành chị luôn có cảm giác rất tự tin. Điều mà chị không có được khi ở cạnh anh.
“Anh chờ em ở chỗ cũ nhé!”. Anh và chị không có nhiều “chỗ cũ”. Đã bảo chị không theo “chủ nghĩa xê dịch” nên điểm hẹn của hai người mấy chục năm cũng chỉ có một chỗ. Chị đang đến đây. Không biết anh ấy bây giờ ra sao, thằng cu Tũn nghe nói cũng đã vào đại học. Anh còn độc thân hay đã quay đò sang bến khác? Chuyện ấy bây giờ đâu có gì quan trọng sao lòng chị vẫn canh cánh không nguôi. Nhiều đêm không ngủ, chị cứ trăn trở mãi về cái điều anh nói. Anh nghĩ chị là người mạnh mẽ hay muốn chị là người mạnh mẽ, chị cũng không biết nữa. Vả lại, chị có mạnh mẽ hay không thì cũng có thay đổi được điều gì đâu? Tất cả đã thật sự xa rồi. Xa như thể chưa khi nào xuất hiện. Chị nghẹn ngào khẽ chớp hàng mi, đôi dòng lệ ngoằn ngoèo âm thầm tuôn chảy…
Bàn tay vê ga đã bắt đầu tê cứng. Chị khẽ nhúc nhắc cựa mình trên chiếc xe đẫm ướt nước mưa. “Băng không biết tự thương mình, lần nào cũng quên áo đi mưa.”. Thành luôn có kiểu mắng yêu như thế! Dầm mưa có cái thú vị riêng chứ. Chị ghét nhất là phải chui vào chiếc áo đi mưa nồng nặc mùi nhựa tái sinh. Cái mùi ấy luôn làm chị muốn ói. Thế mà có lần cùng Thành xuống cơ sở, chính Thành đã thuyết phục được chị đội chung áo đi mưa suốt mấy tiếng đồng hồ. Ngồi áp mặt vào tấm lưng vững chãi của Thành, chị đã ngủ một giấc thật sâu, mặc Thành luồn lách trên con đường ràn rạt mưa rơi. Nhưng chỉ một lần duy nhất đó thôi. Nếu biết chị dầm mưa tối nay, thế nào Thành cũng nhăn mặt lầm bầm. Chị đang đến điểm hẹn với anh kia mà! Sao cứ miên man nghĩ về Thành mãi thế? Cậu ấy có biết bao nhiêu cô gái vây quanh nhưng lại chỉ thương mình chị. “Tôi lấy ai cũng được, nhưng phải giống Băng kia!”. Giống Băng ư? Chị cười chua xót. Giống chị thì có gì tốt đẹp? Thành đúng là đồ ngốc. Đúng là Thành còn ngốc hơn cả chị.
Bây giờ chị không thể cố được nữa. Mưa bỗng nhiên nặng hạt, nước duềnh lên xăm xắp mặt đường. Chiếc xe khựng lại khục khục vài tiếng rồi tắt lặng. Cũng chẳng còn xa điểm hẹn là mấy. Chị quyết định dắt xe đi bộ. Đằng nào cũng ướt hết cả rồi. Thương anh phải chờ chị lâu thì có. Nhưng... Liệu có lâu hơn chị chờ anh chuyến tàu năm ấy? Với chị, đó là một kỷ niệm buồn. Buồn sao cứ nhớ quay quắt thế hả trời? Lần ấy chị vào Nam dự hội nghị ngành. Anh cũng đang dự một trại viết văn ở thành phố biển Nha Trang. Chẳng hiểu sao anh lại biết tin. Anh gọi điện cho chị, giọng tha thiết đến độ làm chị cảm động suýt rơi nước mắt:
- Tôi sẽ đón em tại sân ga. Hãy nói cho tôi biết đi, em đang ở toa nào?
Chị dịu dàng bảo anh trong tiếng nấc:
- Tàu dừng ở ga Nha Trang ít lắm, anh không đón được em đâu. Mình gặp nhau sau vậy.
- Không! Nhất định tôi sẽ đón được em. Em tin không? Tôi có thể dừng tàu lại cả một tiếng nếu muốn. Lời hứa của một người lính đấy.
Vâng, lời hứa của một người lính thì chị phải tin thôi. Chị thức cùng vòng quay của bánh con tàu. Thức trong thương nhớ đầy vơi. Thức trong nỗi lo âu quánh đặc trong lòng. Một dự cảm không lành hết sức mơ hồ nhưng lại dai dẳng đeo đuổi chị suốt cuộc hành trình. Tàu đến ga Nha Trang là lúc 0 giờ. Chẳng phải đợi anh dùng tình cảm để dừng thì tàu vì sự cố cũng ở lại sân ga đến sáng. Chị đã chầm chậm đi trọn hai vòng từ đầu đến cuối đoàn tàu cũng không thể nào tìm thấy bóng dáng anh. Chị nhìn xuyên thủng cả màn đêm mà anh thì vẫn bặt vô âm tín. Sau chuyến đi ấy khá lâu, đúng lúc chị bắt đầu quên đi cảm giác bẽ bàng trên sân ga thì anh đột nhiên xuất hiện. Bông chuối rừng rực rỡ trên tay anh là lời giảng hòa hiệu nghiệm nhất. Anh líu lo vô khối chuyện trên đời. Chị lặng lẽ với niềm vui bé nhỏ. Đôi mắt đen như chì than trùm lợp lên anh những tia ấm áp, che chở, bao dung. Có lẽ đó là lần cuối cùng họ gặp nhau để rồi cho mãi đến hôm nay...
*
* *
Chị đã đi đi lại lại đến mỏi cả chân vẫn không thể nào tìm ra chốn cũ. Những tòa biệt thự nguy nga cao ngất chắn ngang tầm mắt sao mà kệch cỡm đến vô duyên. Khôn g còn bóng dáng cây hoa sữa từng tỏa hương đậm đặc không gian mỗi độ thu về. Đập vào mắt chị là tấm biển lòe loẹt nhấp nháy hàng chữ “Nhà nghỉ Biển Đêm” với cánh cổng uy nghi khóa ba vòng xích. Phải rồi, ai còn đến nhà nghỉ vào đêm năm cùng tháng tận này nữa. Mình thật là ngốc. Nhưng còn anh? Còn lời hẹn? Còn... Mưa ngoài trời hay mưa trong lòng chị? Ngay cả việc trở về với chị bây giờ cũng rất khó khăn. Đã quá khuya rồi. Mải đi theo tiếng gọi trái tim chị không hề biết mình vừa đi một quãng đường gần trăm cây số. Gần trăm cây số hay vài trăm cây số nào có khác gì nhau? Đối với chị, anh đã là tất cả. Chị cần anh bảo chị đến là chị sẽ đến. Dù nơi ấy là đầu sông hay cuối bể. Có một nhà thơ đã từng viết thế này: “Em ở nơi nào anh cũng nhớ”. Hẳn nỗi nhớ phải sâu nặng lắm. Có bằng nỗi nhớ trong chị lúc này? Bây giờ thì chiếc xe gần như dừng hẳn lại. Chị dùng chút sinh lực ít ỏi cố đẩy nó tiến về phía trước. Năm bước. Mười bước. Bỗng mắt chị sáng lên, trên chạc ba của cây bằng lăng cụt ngọn lấp lánh màu đỏ của bông chuối rừng. Chị véo mạnh vào bắp tay tê lạnh. Mình đang tỉnh hay mơ đây? Đúng là bông chuối rừng thật mà. Nó đang ướt đẫm nước mưa đằm nặng trong bàn bay nhỏ bé của chị. Có thế chứ! Lời hứa của người lính. Anh ấy đã đến, đã chờ đợi và đã kịp tặng hoa cho chị. Thoáng nghĩ đến đó, chị ngả người vào thân cây bằng lăng, môi mỉm một nụ cười và chìm vào vô thức. Đôi bàn tay bợt bạt nước mưa níu chặt bông chuối rừng vào vồng ngực mãi mãi thanh tân.