Truy tìm Dracula Chương 11-12

Chương 11-12
Không nơi nào trên thế giới sống động bằng Venice vào một ngày nắng nóng

Lần kế tiếp đến thư viện ở Amsterdam, tôi nhận thấy quả thực bác Binnerts đã tìm được vài thứ cho tôi trong thời gian tôi vắng mặt. Khi tôi đi thẳng từ trường đến phòng đọc sách, cặp đựng sách vở vẫn mang trên lưng, bác ấy nhìn tôi mỉm cười. “Cháu đấy à,” bác nói bằng thứ tiếng Anh sành sỏi. “Nhà sử học trẻ tuổi của ta. Bác có vài thứ cho cháu, cho dự án của cháu đây.” Tôi theo bác đến bàn làm việc, bác lấy ra một cuốn sách. “Cuốn sách này không cổ lắm đâu,” bác bảo tôi. “Nhưng trong đó có một số chuyện rất xưa. Đọc chúng cũng không mấy vui vẻ đâu, cháu ạ, nhưng có lẽ chúng sẽ giúp cháu làm được bài tập của cháu.” Bác Binnerts để tôi lại bên cạnh một chiếc bàn, tôi nhìn chiếc áo len cổ lọ của bác xa dần với ánh mắt biết ơn. Tôi thấy thật cảm động khi có người tin tưởng mang đến cho mình một thứ tuyệt vời.

Cuốn sách có tựa đề là Những câu chuyện vùng Carpates, một cuốn sách khổ lớn, cáu bẩn, do một nhà sưu tập người Anh tên Robert Digby xuất bản từ thế kỷ mười chín với tư cách cá nhân. Lời nói đầu của Digby mô tả sơ lược những chuyến lãng du của ông giữa các vùng núi hoang dã và những ngôn ngữ còn hoang dã hơn nữa, mặc dù ông đã dùng một số nguồn tư liệu tiếng Đức và tiếng Nga cho một phần cuốn sách. Những câu chuyện của Digby cũng mang một âm hưởng hoang dã, và văn phong cũng khá lãng mạn, nhưng sau này khá lâu, khi khảo sát lại chúng, tôi nhận ra lối kể chuyện của ông so ra rất giống với lối kể chuyện của các nhà sưu tầm và dịch giả sau này. Có hai chuyện về “Ông Hoàng Dracula”, tôi háo hức đọc chúng. Chuyện đầu tiên thuật lại một cách chi tiết việc Dracula thích tổ chức tiệc tùng ngoài trời, giữa đám tử thi của những người dân bị hành hình bằng cách đóng cọc xuyên người. Một hôm, một người hầu công khai than phiền trước mặt Dracula về mùi hôi khủng khiếp, thế là ông hoàng ra lệnh cho bọn thuộc hạ đóng cọc tên hầu cao hơn so với những người khác để cái mùi kia không làm phiền cái lỗ mũi của tên hầu đáng chết đó nữa. Digby còn kể trong một phiên bản khác của chuyện này, theo đó Dracula đã quát tháo đòi một cây cọc dài gấp ba lần các cây cọc dùng để hành hình những người khác.

Câu chuyện thứ hai cũng khủng khiếp không kém. Chuyện kể lại có lần Quốc vương Mehmed II phái hai sứ giả đến gặp Dracula. Khi các sứ giả triều kiến Dracula, họ đã không bỏ khăn đội đầu ra. Dracula muốn biết tại sao họ thất lễ với hắn như vậy, họ trả lời là họ chỉ hành xử theo phong tục tập quán của họ. “Như vậy ta sẽ giúp các ngươi củng cố thêm tập quán của các ngươi,” ông hoàng đáp và sai người đóng đinh ghim chặt các chiếc khăn xếp đó vào đầu họ.

Tôi chép hai mẩu chuyện ngắn đó của Digby vào sổ tay. Khi bác Binnerts quay lại để xem tôi làm việc thế nào, tôi hỏi bác liệu có hay không và có thể tìm ở đâu những tư liệu về Dracula do những người cùng thời với hắn để lại. “Chắc chắn là có,” bác trả lời, gật đầu vẻ nghiêm nghị. Lúc đó bác không ở bàn làm việc, nhưng chắc chắn bác sẽ tìm được cho tôi một cái gì đó khi rảnh rỗi. Rồi có thể sau đó - bác lắc đầu, mỉm cười - có thể sau đó tôi sẽ tìm được chủ đề nào đó vui hơn, như kiến trúc thời Trung cổ chẳng hạn. Tôi cũng mỉm cười đáp lại, và hứa sẽ suy nghĩ về điều đó.

Không nơi nào trên thế giới sống động bằng Venice vào một ngày nắng nóng, trời quang, hiu hiu gió thổi. Tàu thuyền trên dòng kênh Lagoon lắc lư, dập dềnh, không một bóng thủy thủ, tựa như đang tự mình khởi hành vào những chuyến phiêu lưu; các mặt tiền bên ngoài thuyền được trang hoàng lộng lẫy, sáng rực lên trong ánh mặt trời; dòng nước phía dưới như chưa bao giờ tươi mát tới vậy. Cả thành phố căng lên như một cánh buồm, bập bềnh như con tàu đã nhổ neo, sẵn sàng ra khơi. Mép nước phía quảng trường San Marco ầm ào sóng vỗ, những con sóng tỏa ra từ phía sau xuồng cao tốc, tạo ra một thứ nhạc tưng bừng nhưng chợ búa chẳng khác gì âm thanh chan chát của đôi chũm chọe. Ở Amsterdam, Venice của phương Bắc, kiểu thời tiết làm nao nức lòng người thế này hẳn sẽ làm cho thành phố trở nên rạng rỡ ngập tràn quyết tâm tươi mới. Nhưng nơi đây, thành phố lại kết thúc bằng cách trưng ra những khiếm khuyết giữa sự hoàn hảo, chẳng hạn như, một đài phun đầy cỏ dại phía sau quảng trường, lẽ ra phải phun ra những tia nước thay vì chỉ nhỏ từng giọt xuống mép bồn bên dưới. Những con chiến mã của Thánh Mark vẫn nhảy lồng lên, nhưng đã cũ kỹ tồi tàn lắm, trong ánh trời lấp lánh. Dãy cột của dinh thự tổng trấn trông cáu bẩn đến không sao chấp nhận nổi.

Tôi bình luận về bầu không khí lễ hội nhếch nhác này, cha mỉm cười. “Con thật mẫn cảm với thời tiết,” cha nói. “Venice nổi tiếng về nghệ thuật trình diễn sân khấu, và có nhếch nhác chút đỉnh cũng chẳng hề gì, miễn là thế giới vẫn đổ dồn về đây để chiêm ngưỡng nó. Cha khoát tay chỉ trỏ quanh quán cà phê ngoài trời - chốn ưa thích của chúng tôi sau quán Florian - hướng vào những khách du lịch ướt đẫm mồ hôi, mũ và áo sơ mi sáng màu phần phật bay trong gió từ kênh thổi lại. “Hãy chờ đến tối, con sẽ không thất vọng đâu. Dàn dựng một sân khấu cần loại ánh sáng êm dịu hơn ánh sáng này nhiều. Con sẽ ngạc nhiên vì sự biến đổi đó.”

Lúc này, dù sao chăng nữa, sau khi nhấp một ngụm nước cam, tôi cũng cảm thấy dễ chịu đến mức chẳng muốn đi đâu nữa mà chỉ mong chờ được đón nhận một bất ngờ thú vị thích hợp với mình. Đây là đợt nóng cuối cùng của mùa hè trước khi mùa thu đến. Mùa thu đến cũng có nghĩa là mùa tựu trường và, nếu may mắn, tôi sẽ học hỏi thêm vài điều, khi cùng với cha xuôi ngược trên các lộ trình đi đàm phán, thỏa thuận và thương lượng gay gắt. Mùa thu này, cha sẽ lại đi Đông Âu, và tôi đã cố gắng thuyết phục cha để được đi cùng.

Cha uống cạn cốc bia rồi lật lật trên cuốn sách hướng dẫn. “Đây rồi.” Cha đột ngột lên tiếng. “Đây là San Marco. Như con biết đấy, trong nhiều thế kỷ Venice là một đối thủ của thế giới Byzantine, và cũng là một lực lượng hùng mạnh trên mặt biển. Thực ra, Venice đã đánh cắp của Byzantium(_1) một vài thứ đặc biệt, kể cả hình tạc những con vật ở trên kia.” Từ mái hiên, tôi nhìn ra ngoài quảng trường Thánh Mark, nơi những chú ngựa đồng như đang kéo cả sức nặng của các mái vòm sũng nước và xám xịt phía sau. Toàn bộ thánh đường như tan chảy dưới ánh mặt trời - thứ ánh sáng chói chang và nóng, một kho báu quỷ quái. “Dù sao chăng nữa,” cha tiếp tục, “San Marco một phần nào đó được thiết kế phỏng theo Santa Sophia của Istanbul.”

“Istanbul ư?” tôi hỏi, giọng tinh nghịch, hớp hết ly nước đá. “Ý cha nói nó giống như thánh đường Hagia Sophia?”

“À, tất nhiên thánh đường Hagia Sophia đã bị đế quốc Ottoman tàn phá, vì vậy con sẽ thấy những ngọn tháp kiểu Hồi giáo đứng bao bọc bên ngoài, rồi bên trong là những tấm mộc đồ sộ ghi những văn bản thiêng liêng của tín đồ Hồi giáo. Con sẽ thực sự nhìn thấy Đông và Tây đụng đầu nhau ở đó. Nhưng cũng có những mái vòm khổng lồ trên đỉnh như ở San Marco, dấu ấn riêng biệt của Thiên Chúa giáo và đế quốc Byzantine.”

“Chúng có giống những mái vòm này không?” tôi trỏ qua phía bên kia quảng trường.

“Đúng, rất giống những mái vòm này, nhưng lớn hơn. Quy mô của nơi đó lớn không tưởng tượng nổi. Nó sẽ khiến con nín thở vì kinh ngạc.”

“Ồ,” tôi thốt lên. “Con uống ly nữa được không cha?”

Cha chợt trừng mắt nhìn tôi, nhưng đã quá trễ. Lúc này, tôi biết cha đã phiêu bạt tận Istanbul rồi.

 

Chương 12

Ngày 16 tháng Mười hai, 1930

Cao đẳng Trinity, Oxford

Người kế thừa thân mến và bất hạnh của tôi:

Đến đây, câu chuyện của tôi hầu như đã đuổi kịp tôi, hoặc có thể tôi đã đuổi kịp nó, nên tôi sẽ phải kể lại các sự kiện đã đưa câu chuyện tôi đến thời điểm này. Từ đây, tôi hy vọng, nó sẽ dừng lại vì tôi khó lòng chịu đựng được cái ý tưởng là tương lai có thể sẽ chứa đựng nhiều sự kiện kinh hoàng hơn.

Như đã kể, cuối cùng tôi lại cầm cuốn sách kỳ lạ của mình lên, như một người bị cơn nghiện bắt buộc. Tôi tự nhủ trước khi làm việc đó là cuộc sống của tôi đã trở lại bình thường, rằng trải nghiệm của mình tại Istanbul thật kỳ lạ, nhưng chắc chắn là nó có thể giải thích được và đã bị đầu óc mệt lử vì những chuyến đi của tôi phóng đại quá đáng lên. Vì vậy, tôi cầm cuốn sách đó lên lần nữa, theo nghĩa đen, và cảm thấy nên kể lại với bạn về khoảnh khắc đó bằng những từ ngữ đúng nghĩa nhất.

Đó là một buổi tối mưa tháng Mười, chỉ mới hai tháng trước. Học kỳ đã bắt đầu, và một giờ sau bữa ăn, tôi thanh thản ngồi một mình trong phòng, nhẩn nha giết thời gian. Tôi đang chờ một người bạn, Hedges, một con người tài hoa lớn hơn tôi mười tuổi mà tôi vô cùng ngưỡng mộ. Hedges tuy vụng về nhưng là người tốt bụng, những cái nhún vai xin lỗi và n ụ cười bẽn lẽn dễ thương che giấu một năng khiếu hài hước sắc sảo đến độ tôi sẽ cảm thấy biết ơn hơn nếu anh ấy chĩa nó vào văn chương thế kỷ mười tám thay vì vào các đồng sự của anh. Dù rất nhút nhát nhưng anh lại thấy rất thoải mái khi tụ tập ở bất cứ quán cà phê nào ở Luân Đôn, giữa mớ tác phẩm của Addison, Swift và Pope. Anh chỉ có vài người bạn và hiếm khi nhìn thẳng vào một phụ nữ không có quan hệ gì với mình, chẳng ấp ủ ước mộng gì ngoài phạm vi vùng nông thôn Oxford, nơi anh thường tản bộ và thỉnh thoảng nghiêng mình qua hàng rào xem đàn bò nhẩn nha nhai cỏ. Tính hiền lành của anh có thể bộc lộ rõ qua hình dạng cái đầu to, hai bàn tay núc ních thịt và đôi mắt nâu dịu dàng, vì vậy anh trông có vẻ như hơi đần đần, hoặc một chút gì đó quê mùa, cho đến lúc những lời châm biếm sắc sảo của anh bất ngờ khuấy động không gian. Tôi thích nghe về công trình nghiên cứu của anh, những công trình mà anh thường bàn luận với một cung cách khiêm tốn nhưng nhiệt tình, anh cũng chưa bao giờ thất bại trong việc thúc hối tôi làm những việc tôi đang đeo đuổi. Tên anh - vâng, bạn có thể tìm thấy ở một thư viện bất kỳ, không mấy khó khăn, vì anh là người đã làm sống lại nhiều thiên tài văn học Anh cho giới độc giả bình thường. Nhưng tôi chỉ gọi anh là Hedges, bí danh mà tôi đã đặt cho anh, để cuộc sống riêng tư và đáng kính của anh không bị ảnh hưởng khi tôi đưa anh vào câu chuyện này. 

Buổi tối đặc biệt hôm đó, Hedges phải đến phòng làm việc của tôi, mang theo bản thảo hai bài viết mà tôi đã tóm tắt từ công trình nghiên cứu của mình tại đảo Crete. Anh đã đọc và hiệu đính chúng, theo yêu cầu của tôi; dù không thể đánh giá về mức độ chính xác hoặc sai lạc của các bài viết về chủ đề nền giao thương vùng Địa Trung Hải thời cổ đại, nhưng anh có biệt tài về viết, loại biệt tài mà sự chính xác của nó cho phép anh nhảy múa ngay trên đầu một cây kim, anh cũng thường gợi ý tôi nên đánh bóng lại văn phong của mình. Tôi đã tiên liệu anh sẽ dành nửa giờ để thân tình phê bình tôi, sau đó làm chút rượu sherry, rồi đến cái khoảnh khắc thoải mái khi một người bạn tri kỷ duỗi thẳng chân bên lò sưởi và hỏi thăm ta dạo này thế nào. Tôi sẽ không thổ lộ với Hedges sự thật về tình trạng khủng hoảng tinh thần của mình, dĩ nhiên, nhưng chúng tôi sẽ bàn luận với nhau về đủ mọi chuyện trên đời.

Trong khi chờ đợi, tôi cời lửa trong lò sưởi, cho thêm vào một khúc củi, bày ra hai cái ly và xem lại bàn làm việc của mình. Phòng làm việc của tôi cũng là phòng khách, và tôi luôn đảm bảo cho nó phải được xếp đặt ngăn nắp và thoải mái như sự vững chắc mà đồ đạc kiểu thế kỷ mười chín trong phòng này đòi hỏi. Buổi chiều hôm đó, tôi đã làm được rất nhiều việc, ăn hết một đĩa thức ăn được mang đến lúc sáu giờ, sau đó hoàn thành phần cuối luận án của mình. Bóng tối đến sớm hơn thường lệ, theo cùng là một màn mưa xiên xiên, buồn ảm đạm. Nhưng tôi nhận ra đây không phải là một buổi tối mùa thu u sầu nhất mà hấp dẫn nhất, nên tôi chỉ thoáng rùng mình linh cảm thấy gì đó sắp xảy ra khi bàn tay đang dò tìm một bài viết ngắn vô tình chạm vào quyển sách cổ mà tôi đang cố lảng tránh. Tôi đã nhét nó vào giữa những cuốn ít khiến tôi lo âu hơn trên giá sách, phía trên bàn làm việc. Lúc này tôi đang ngồi ở đó, cảm nhận trong niềm thỏa mãn ngấm ngầm cái cuốn sách cổ bìa da lộn mềm mại một lần nữa nằm gọn trong tay mình ấy, rồi mở sách ra.

Ngay tức khắc tôi nhận ra điều gì đó rất quái lạ. Mùi nồng nặc bốc lên từ các trang giấy, không phải mùi thơm dịu của giấy cũ và giấy da đã nứt nẻ. Đây là mùi phân hủy, một mùi bệnh hoạn khủng khiếp, mùi thịt thối rữa. Trước đó tôi chưa bao giờ nhận thấy có mùi này, nên đã cúi xuống thấp hơn, ngửi lại thật kỹ, không tin nổi, rồi đóng ập cuốn sách lại. Lát sau, tôi lại mở nó ra, và một lần nữa cái mùi buồn nôn bốc lên từ các trang giấy. Quyển sách nhỏ dường như đang sống trong đôi tay tôi, nhưng lại bốc lên mùi tử khí.

Mùi hôi hám khó chịu đó đã khơi dậy lại trong tôi tất cả nỗi sợ hãi bồn chồn của chuyến trở về từ Lục địa, và tôi chỉ làm những xúc động của mình lắng xuống được bằng một nỗ lực tập trung cao độ. Tôi đã du hành cùng với cuốn sách này qua mưa bão, và sách cũ mục rã là chuyện bình thường. Mùi hôi hám đó chỉ có thể được giải thích như vậy. Có lẽ tôi sẽ lại mang nó đến Phòng Sách Hiếm để nhờ chỉ dẫn làm sạch hay xông khói cho nó, bất kỳ biện pháp nào cần thiết.

Có lẽ tôi đã quẳng cuốn sách xuống, đã lại một lần nữa tôi cất nó đi nếu dằn lòng được trước cái mùi hôi hám đó. Nhưng lúc này, lần đầu tiên sau nhiều tuần, tôi đã lật ngay tới bức hình lạ thường ở giữa sách, con rồng có đôi cánh dang rộng đang gầm gừ nhe nanh múa vuốt trên cái tiêu kỳ đề chữ DRAKULYA ấy. Đột nhiên, với độ chính xác đến choáng váng, lần đầu tiên tôi đã thấy một cái gì đó mới và thấu hiểu nó. Tôi không nhạy bén lắm trong việc hiểu được sự vật nhờ quan sát, nhưng một thoáng linh cảm nào đó khiến tôi nhận ra được đường nét chính của hình con rồng, đôi cánh dang rộng và chiếc đuôi cong lên cuộn lại. Trong cơn tò mò, tôi lục lọi đống sổ ghi chép mang về từ Istanbul, vẫn bỏ xó trong hộc bàn làm việc bấy lâu nay. Tôi dò dẫm và tìm ra được trang ghi chú mình cần; nó được xé ra từ cuốn sổ ghi chép và có bức phác thảo mà tôi đã vẽ trong trung tâm lưu trữ tư liệu lịch sử ở Istanbul, sao lại tấm đầu tiên trong số các bản đồ mà tôi đã phát hiện ở đó.

Chắc hẳn bạn còn nhớ có ba tấm bản đồ, được vẽ theo tỷ lệ xích lớn dần, tấm sau chi tiết hơn tấm trước, cho thấy cùng một khu vực không tên. Khu vực đó, ngay cả được vẽ bằng bàn tay tôi dù cẩn thận đến mấy cũng không thể chuyên nghiệp, vẫn cho thấy một hình dạng nhất định, trông giống hệt như một con thú có hai cánh đối xứng đang dang ra. Một dòng sông dài chạy uốn cong từ đó theo hướng Tây Nam, cuộn lại như đuôi rồng. Tôi nghiên cứu bức tranh khắc gỗ, lòng xốn xang kỳ lạ. Đuôi rồng có ngạnh, đầu mút là một mũi tên trỏ hướng về - đến đây tôi gần như thở hổn hển, quên phắt những tuần mình nỗ lực thoát khỏi cơn ám ảnh trước đây - điểm tương ứng với cạn h của Hầm mộ Tội lỗi trên tấm bản đồ của tôi.

Hình dạng giống nhau giữa hai bức tranh quá hiển nhiên để có thể cho rằng đó là một sự trùng hợp. Làm sao lúc trước tôi lại không nhận ra ngay trong trung tâm lưu trữ kia, rằng khu vực được vẽ trên những tấm bản đồ đó chính xác có hình dạng như con rồng có đôi cánh xòe rộng trong cuốn sách của tôi, tựa như từ phía trên cao nó phủ bóng xuống khu vực đó? Bức tranh khắc gỗ đã làm tôi vô cùng bối rối trước chuyến đi chắc hẳn phải có một ý nghĩa nhất định nào đó, một thông điệp. Nó được thiết kế để cảnh báo và đe dọa, để tưởng niệm một quyền năng. Nhưng về lâu dài, đây có thể là một manh mối; cái đuôi rồng chỉ vào ngôi mộ giống y hệt như một ngón tay chỉ vào bản thân: đây là tôi. Tôi ở đây. Vậy thì ai ở đó, trong cái điểm trung tâm đó, trong Hầm Mộ Tội Lỗi đó? Con rồng đã giữ câu trả lời trong móng vuốt sắc bén và tàn bạo của nó: DRAKULYA.

Tôi cảm thấy vị hăng xè tận nơi cuống họng, giống như chính máu của mình. Tôi biết mình không được vội vã đi tới những kết luận này, quá trình đào tạo đã cảnh báo tôi như thế, nhưng tôi đã bị điều gì đó sâu sắc hơn cả lý trí thuyết phục. Không một bản nào trong số các tấm bản đồ này cho thấy hồ Snagov, nơi người ta cho rằng Vlad Ţepeş đã được chôn cất. Chắc chắn việc này có nghĩa là Ţepeş - Dracula - nằm ở một nơi khác, một nơi nào đó mà thậm chí truyền thuyết cũng không ghi lại một cách rõ ràng. Vậy thì mộ của hắn ở đâu? Tôi nghiến răng rồi hét to câu hỏi đó, dù không định thế. Và tại sao vị trí của nó lại được giữ bí mật?

Trong lúc đang ngồi cố gắng tập hợp các manh mối lại với nhau, tôi nghe có tiếng bước chân quen thuộc dọc theo hành lang của trường - bước chân kéo lê thân thuộc của Hedges - và lơ đãng nghĩ mình phải giấu các tài liệu này đi, bước ra cửa, rót rượu và sẵn sàng tinh thần trò chuyện vui vẻ. Tôi vừa khom người đứng lên, thu dọn mớ giấy tờ thì đột nhiên không nghe gì nữa, chỉ còn sự yên lặng. Giống như một nhịp lỗi trong khúc nhạc, một nốt bị kềm nhịp quá lâu làm hụt hẫng người nghe. Những tiếng bước chân thân thuộc đã dừng lại bên ngoài cửa phòng, nhưng Hedges không gõ cửa, như vẫn thường làm. Tiếng tim tôi vang vọng trong khoảng lặng của nhịp bị bỏ cách đó. Trên nền tiếng sột soạt của giấy tờ và tiếng nước mưa chảy trong máng xối phía trên cửa sổ, giờ đã tối đen, tôi nghe trong tai tiếng lùng bùng dâng lên - âm thanh của máu chảy trong mạch. Buông cuốn sách xuống, tôi lao đến, mở khóa và giật mạnh cánh cửa phòng.

Hedges đang ở đó, nhưng nằm sóng soài trên nền nhà bóng láng, đầu bị bẻ ngược ra sau còn thân người oặt qua một bên, tựa như một lực rất mạnh đã lôi anh xuống. Tôi chợt cảm thấy buồn nôn khi nhận ra mình không hề nghe tiếng anh thét lên hay ngã xuống. Hai mắt anh vẫn mở, trừng trừng nhìn qua tôi. Trong một thoáng như kéo dài vô tận, tôi nghĩ anh đã chết. Nhưng rồi, anh cựa đầu và cất tiếng rên. Tôi cúi xuống bên cạnh anh. “Hedges!”

Anh lại rên lên và chớp mắt thật nhanh.

“Anh có nghe tôi không?” tôi thở hổn hển, nhẹ nhõm đến suýt phát khóc vì nhận ra Hedges còn sống. Ngay lúc đó, đầu anh bỗng lắc mạnh, để lộ một vết cắt còn rỉ máu ở bên cổ. Vết cắt không lớn nhưng có vẻ sâu, tựa như một con chó đã nhảy lên và táp vào đó, qua vai anh máu đang chảy dầm dề xuống cổ áo và sàn nhà. “Cứu với!” tôi hét lên. Tôi nghĩ trong suốt nhiều thế kỷ từ lúc được xây dựng đến nay, chưa có ai phá vỡ sự tĩnh lặng của hành lang lát gỗ sồi này bằng cách thét to dữ dội như vậy. Nhưng tôi không biết liệu có ích gì không; đêm hôm ấy hầu hết các nghiên cứu sinh đi ăn tối với thầy hiệu trưởng. Sau đó một cánh cửa ở cuối hành lang bật mở và người hầu của giáo sư Jeremy Forester vội vã chạy tới, một anh chàng tốt bụng tên Ronald Egg, sau vụ này cậu đã nghỉ việc. Có vẻ như cậu đánh giá được mọi việc ngay tức khắc, đôi mắt như muốn lồi ra, cậu quỳ xuống, lấy khăn tay quấn quanh vết thương trên cổ Hedges.

“Đây,” cậu bé nói với tôi. “Chúng ta phải đỡ ông ta ngồi dậy, để nâng vết cắt lên, nếu ông ta không bị vết thương nào khác.” Cậu cẩn thận sờ khắp cơ thể đã đờ cứng của Hedges, và khi thấy anh bạn tôi không phản ứng gì, chúng tôi dựng anh dựa vào tường. Tôi dùng vai đỡ anh, anh rũ người vào vai tôi, mắt nhắm nghiền. “Tôi đi gọi bác sĩ,” Ronald nói và chạy biến xuống cuối hành lang. Tôi dùng một ngón tay xem mạch Hedges; đầu anh oặt oẹo trên vai tôi nhưng mạch có vẻ vẫn đều. Tôi không thể không gọi cho anh tỉnh lại. “Chuyện gì đã xảy ra, Hedges? Có ai đó đánh anh phải không? Anh có nghe tôi nói không? Hedges?”

Anh mở mắt nhìn tôi. Đầu ngoẹo hẳn sang một bên, nửa gương mặt anh trông tái xanh, yếu ớt, nhưng anh vẫn nói rõ ràng, “Hắn nói hãy bảo cho anh biết.”

“Cái gì? Ai?”

“Hắn nói hãy bảo với anh hắn sẽ không cho phép xâm phạm...”

Đầu Hedges lại ngã vào vách tường, cái đầu to lớn, chứa trong đó một trong những trí tuệ xuất sắc nhất nước Anh. Hai cánh tay tôi nổi da gà khi ôm anh. “Ai, Hedges? Ai nói với anh như vậy? Hắn có làm anh đau không? Anh có nhìn thấy hắn không?”

Anh sùi bọt mép và hai bàn tay co giật bên hông.

“Không cho phép xâm phạm,” Hedges lặp lại, giọng líu ríu.

“Nằm yên nào,” tôi giục. “Đừng nói nữa. Vài phút nữa bác sĩ sẽ đến. Cố thở và thư giãn đi.”

“Than ôi,” Hedges thều thào. “Pope và lặp âm đầu. Cô gái xinh đẹp ngọt ngào. Còn đang tranh cãi.”

Tôi nhìn anh trừng trừng, ruột quặn lên. “Hedges?”

“ ‘The Rape of the Lock(1)_,” Hedges nói, giọng lễ phép. “Chắc chắn là thế.”

Bác sĩ của trường cho Hedges nhập viện và bảo với tôi Hedges bị đột quỵ do vết thương, “Do cú sốc gây ra. Vết thương trên cổ anh ta,” ông cho biết thêm khi ra khỏi phòng Hedges. “Trông có vẻ như do một vật bén gâ y ra, có nhiều khả năng là do răng sắc nhọn, một con vật. Anh không nuôi chó chứ?”

“Tất nhiên là không. Chúng tôi không được phép nuôi chó trong phòng nhà trường.”

Ông bác sĩ lắc đầu. “Rất kỳ lạ. Tôi tin là anh ta bị một con vật tấn công trên đường đến phòng anh, và cú sốc đã dẫn đến một cơn đột quỵ vốn tiềm tàng, chỉ chờ có cơ hội ập đến. Lúc này, đầu óc anh ta không được tỉnh táo dù vẫn nói năng mạch lạc. Sẽ có một cuộc điều tra, tôi e là vậy, do có vết thương, nhưng tôi thấy có lẽ cuối cùng ta sẽ tìm được thủ phạm là một con chó dữ nhà ai đó. Thử nghĩ xem anh ta đã theo lối nào để đến phòng anh.”

Cuộc điều tra chẳng mang lại kết quả nào đáng hài lòng, tôi không bị cáo buộc gì vì cảnh sát không tìm được chứng cứ hay lý do để buộc tôi đã làm hại Hedges. Hedges lại không thể khai báo gì, và cuối cùng người ta ghi nhận vụ này là do nạn nhân “tự gây thương tích”, việc này theo tôi là một tai họa lẽ ra đã có thể tránh được cho danh tiếng của Hedges. Một hôm khi đến thăm anh tại nhà nghỉ dưỡng, tôi đã khẽ yêu cầu Hedges suy nghĩ về câu: “Ta không cho phép xâm phạm.”

Anh nhìn tôi, ánh mắt thờ ơ, đưa các ngón tay sưng phù sờ vào vết thương còn đỏ lòm trên cổ. “Nếu có, chỉ là nhắc lại lời người khác,” anh nói giọng vui vẻ, gần như hài hước. “Nếu không, quên nó đi.” Vài ngày sau đó Hedges chết vì một cơn đột quỵ thứ hai giữa đêm khuya. Nhà nghỉ dưỡng báo cáo không có vết thương ngoài da nào trên cơ thể. Khi thầy hiệu trưởng trường đại học đến báo cho biết, tôi thề với mình là sẽ làm việc không mệt mỏi để trả thù cho cái chết của Hedges, dù tôi vẫn chưa thể hình dung ra sẽ như thế nào.

Tôi không đành lòng ghi lại chi tiết tang lễ đau lòng của Hedges tại nhà nguyện của chúng tôi ở Trinity, tiếng khóc nức nở của người cha già khi đội hợp xướng nam bắt đầu cất lên bài Thánh ca để an ủi người sống, cơn giận dữ của tôi với những thứ bánh thánh rượu thánh vô dụng trên khay. Hedges được chôn cất tại quê nhà anh ở Dorset, và vào một ngày tháng Mười một êm ả tôi đã một mình đến viếng mộ anh. Bia mộ có dòng chữ REQUIESCAT IN PACE - YÊN NGHỈ TRONG THANH BÌNH, và câu đó cũng chính xác là lựa chọn của tôi, nếu như tôi có quyền quyết định. Tôi cũng được nhẹ lòng vô hạn khi nhận thấy đây là khu nghĩa trang đồng quê yên tịnh nhất và vị cha xứ ở đây đọc điếu văn cho anh ôn tồn như có lẽ ông vẫn làm với bất kỳ cá nhân nào mang vinh dự về cho địa phương. Tôi chưa nghe một câu chuyện nào về ma cà rồng Anh tại các quán rượu, ngay cả khi buông ra những ám chỉ rõ ràng, thẳng thừng nhất. Xét cho cùng, Hedges chỉ bị tấn công một lần, mà theo Stoker mô tả thì phải nhiều lần mới khiến người sống bị nhiễm chất ma cà rồng và biến thành loài đó được. Tôi tin rằng anh đã bị hy sinh đơn thuần chỉ để cảnh cáo - cảnh cáo tôi. Và phải chăng cả bạn nữa, người độc giả bất hạnh? 

Người bạn vô cùng sầu khổ của bạn, Bartholomew Rossi

Cha khuấy nước đá trong ly, tựa như để giữ cho bàn tay khỏi run và bày ra một cái gì đó để làm. Cái nóng ban trưa chùng xuống thành một buổi chiều Venice yên ả, làm cho bóng của du khách và các tòa nhà đổ dài vắt qua quảng trường. Dường như bị điều gì làm cho sợ hãi, một đàn bồ câu lớn chợt vụt bay khỏi nền quảng trường lát đá, lượn vòng trên đầu chúng tôi, khi bay trông chúng thật to lớn. Cơn ớn lạnh do những ly đá lạnh cuối cùng đã đến với tôi, ngấm vào tận xương. Có ai đó bật cười ở phía xa xa, và tôi có thể nghe lũ mòng biển oang oác bên trên đàn bồ câu. Trong lúc chúng tôi ngồi ở đó, một thanh niên mặc áo trắng, quần jean xanh sà đến bắt chuyện. Anh ta đeo trên vai một túi vải bạt, mặc áo sơ mi chấm màu. “Mua tranh chứ, quý vị?” anh ta hỏi, cười với cha. “Hôm nay, ngài và cô đây là hai ngôi sao trong bức tranh của tôi đấy.”

“Không, không, cám ơn anh bạn,” cha tôi trả lời một cách máy móc. Các quảng trường và lối đi đầy ắp đám sinh viên mỹ thuật này. Đây là cảnh tượng thứ ba mà Venice cống hiến cho chúng tôi trong ngày; cha hầu như không buồn nhìn bức tranh, nhưng chàng thanh niên vẫn mỉm cười, có lẽ không muốn bỏ đi mà không có được ít nhất một lời khen tặng dành cho tác phẩm của mình, đưa nó lên cho tôi xem, tôi thân thiện gật đầu, liếc nhìn bức tranh. Một lát sau anh ta khẽ nhún chân chào và quay đi tìm các du khách khác, và tôi như cóng người lại, nhìn anh ta bước đi.

Bức tranh mà anh ta vừa cho tôi xem vẽ bằng màu nước, rất nhiều màu. Nó vẽ cảnh quán cà phê nơi chúng tôi ngồi, và rìa của quán Florian, một bức tranh theo trường phái ấn tượng về buổi chiều, rực rỡ và vô hại. Tôi nghĩ, người họa sĩ chắc hẳn phải dựng giá vẽ đâu đó phía sau tôi, nhưng khá gần quán cà phê; anh ta đã chộp một mảng màu sắc mà tôi nhận ra đó là phía sau chiếc mũ cói màu đỏ của mình, cha ở xa hơn một chút, màu xanh và nâu mờ mờ. Đó là một tác phẩm giản dị và thanh nhã, hình ảnh của sự biếng nhác mùa hè, cái gì đó mà du khách có thể muốn giữ làm kỷ niệm về một ngày hoàn mỹ ở vùng biển Adriatic. Nhưng tôi còn nhìn thấy trong đó một hình bóng cô độc ngồi xa phía bên kia cha, một dáng người với bờ vai rộng, tóc đen, một bóng đen sắc nét giữa những tấm vải bạt che hiên và tấm trải bàn màu sắc tươi vui. Tại chiếc bàn kia, tôi nhớ rất rõ ràng, không có ai ngồi suốt buổi chiều hôm đó. 

Hết chương 12. Mời các bạn đón đọc chương 13!

Nguồn: truyen8.mobi/t34778-truy-tim-dracula-chuong-11-12.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận