Barley giận dữ. Tôi không thể trách anh ấy, nhưng rõ ràng đây là một trong những sự kiện bất lợi nhất đối với tôi, và tôi cũng cảm thấy hơi bực bội. Tôi càng giận dữ hơn bởi tiếp theo cơn khó chịu ban đầu là một cảm giác nhẹ nhõm thầm kín dâng trào; trước khi nhìn thấy anh, tôi đã không nhận ra mình hoàn toàn cô đơn trên chuyến tàu này, lao tới những gì chưa biết, có lẽ là vào một nỗi cô đơn lớn lao hơn vì không thể tìm được cha, hoặc thậm chí vào nỗi cô đơn vĩnh hằng vì phải mất cha mãi mãi. Vài ngày trước đây, với tôi Barley chỉ là một người xa lạ nhưng giờ đây anh đã trở thành một gương mặt thân thuộc.
Tuy nhiên, vào lúc này gương mặt đó vẫn còn cau có. “Em nghĩ mình đang đến nơi quái quỷ nào vậy? Em vừa tặng cho anh một cuộc đuổi bắt thú vị đấy - mà dù sao chăng nữa, em đang làm quái gì vậy?”
Lúc đó, tôi cố lẩn tránh câu hỏi cuối cùng. “Em không có ý làm anh lo lắng, Barley. Em cứ tưởng anh đã ra bến phà và sẽ không bao giờ biết chuyện này.”
“Phải, anh vội vã quay về báo cho thầy James biết em đã an toàn về đến Amsterdam rồi liền nhận được tin em đã biến mất. Ồ, lúc đó chắc hẳn anh sẽ được thầy khen ngợi lắm đấy.” Anh ngồi phịch xuống bên cạnh tôi, khoanh tay lại, vắt đôi chân dài ngoằng lên nhau. Anh xách theo chiếc va li nhỏ, mớ tóc màu vàng rơm phía trước đầu dựng ngược lên. “Em nghĩ gì mà làm thế vậy?”
“Tại sao anh lại theo dõi em?” tôi vặn lại.
“Chuyến phà sáng nay bị hoãn lại để sửa chữa.” Lúc này, dường như anh không thể nhịn được cười. “Anh đói quá sức, vì vậy đã quay lại để kiếm vài ổ bánh và uống chút trà, khi ấy anh thấy em rẽ sang hướng khác, đi ngược lên, nhưng vẫn không chắc chắn lắm. Em biết đấy, anh đã nghĩ chắc mình chỉ đang tưởng tượng thôi, nên vẫn yên trí đứng đó mua bữa điểm tâm cho mình. Sau đó lương tâm anh chợt cắn rứt, vì nếu đó là em thì anh sẽ gặp rắc rối to. Vì vậy anh vội vã đi theo con đường đó và thấy nhà ga, sau đó khi thấy em lên tàu, anh tưởng mình sắp lên cơn đau tim.” Anh lại nhìn tôi chằm chằm. “Em quả đã gây quá nhiều phiền phức cho anh sáng hôm nay. Anh phải vội chạy đi mua vé tàu - anh hầu như không đủ tiền Hà Lan để mua vé - và đã lùng tìm em khắp nơi trên đoàn tàu này. Và giờ chúng ta đã đi quá xa để có thể xuống tàu ngay.” Anh nheo mắt nhìn ra cửa sổ, sau đó nhìn vào mớ bì thư trên đùi tôi. “Em sẽ giải thích cho anh biết tại sao em lại ở trên chuyến tàu tốc hành đi Paris này thay vì đến trường chứ?”
Tôi có thể làm gì đây? “Em xin lỗi, anh Barley,” tôi rụt rè nói. “Em không có ý định lôi anh vào chuyện này chút nào. Thực sự em cứ tưởng anh đã lên đường về nhà lâu rồi và có thể yên tâm đến gặp thầy James. Em đâu muốn gây rắc rối cho anh.”
“Vậy à?” Rõ ràng anh đang chờ đợi câu trả lời sáng tỏ hơn. “Nghĩa là em chỉ có chút ham muốn đến Paris thay vì vào lớp học lịch sử thôi sao?”
“À thì,” tôi bắt đầu tìm cách câu giờ. “Cha em đã gửi cho em một bức điện tín nói rằng ông ổn và em phải đến đó ở cùng ông vài ngày.”
Barley im lặng một lúc. “Xin lỗi nhé, nhưng việc đó không giải thích được mọi chuyện. Nếu em nhận được điện tín, có lẽ nó đã đến vào tối hôm qua nhưng anh đâu có nghe nói gì về bức điện đó. Và đâu có câu hỏi nào về việc cha em không được ‘ổn’ đâu nào? Anh nghĩ ông chỉ đi xa vì công việc. Em đang đọc cái gì vậy?”
“Đây là một câu chuyện dài,” tôi thủng thẳng trả lời, “và em biết anh đang nghĩ em rất kỳ quặc…”
“Quá sức kỳ quặc,” Barley gắt gỏng đáp lại. “Nhưng tốt hơn em nên nói cho anh biết em định làm chuyện gì. Chúng ta chỉ có quãng thời gian trước khi xuống tàu tại Brussels rồi bắt chuyến tàu tiếp trở về Amsterdam.”
“Không!” Tôi không có ý định hét to lên như vậy. Người phụ nữ đối diện chúng tôi chợt cựa mình trong giấc ngủ êm ái, tôi trầm giọng lại. “Em phải đi tiếp đến Paris. Em ổn mà. Anh có thể xuống tàu ở đó, nếu anh muốn, sau đó quay trở về Luân Đôn tối nay.”
“Hả, ‘xuống ở đó’? Ý em là em sẽ không xuống đó? Chuyến tàu này còn đi đến nơi nào khác nữa?”
“Không, nó sẽ dừng ở Paris…”
Anh lại khoanh tay và chờ đợi. Anh còn tệ hơn cả cha tôi. Có khi anh còn tệ hơn cả giáo sư Rossi nữa. Tôi thoáng hình dung ra cảnh Barley đang đứng lớp, hai tay khoanh lại, quắc mắt nhìn đám sinh viên không may của anh, giọng sắc lẹm: “Thế cuối cùng chuyện gì đã dẫn Milton đến cái kết luận khủng khiếp của ông ta về việc Xa tăng bị tống khỏi thiên đường? Không ai chịu đọc sách hay sao?”
Tôi nuốt nước bọt. “Đây là một câu chuyện dài.” Tôi lặp lại, giọng nghe càng lí nhí hơn.
“Chúng ta có đủ thời gian đấy,” Barley nói.
“Helen và Turgut và cha ngồi quanh chiếc bàn nhỏ trong quán ăn, đưa mắt nhìn nhau, và cha cảm nhận một tín hiệu thân thiện đang xuất hiện giữa chúng ta. Có lẽ để trì hoãn thêm chốc lát, Helen cầm viên đá xanh tròn mà Turgut đã đặt cạnh bên đĩa thức ăn của cô lên rồi chìa nó ra cho cha. ‘Đây là một biểu tượng cổ xưa,’ cô nói. ‘Đây là một cái bùa chống lại Con Mắt Quỷ.’ Cha cầm lấy, cảm nhận hòn đá trơn phẳng, nặng, còn vương hơi ấm bàn tay cô, rồi lại đặt nó lại xuống bàn.
“Tuy nhiên Turgut vẫn tỉnh táo. ‘Thưa cô, cô là người Rumani?’ Cô im lặng. ‘Nếu đúng vậy thì cô phải cẩn thận hơn ở nơi này.’ Ông ta nhỏ giọng lại một chút. ‘Cảnh sát có thể sẽ khá quan tâm đến cô. Đất nước tôi không được thân thiện với Rumani lắm.’
“ ‘Tôi biết,’ cô lạnh lùng đáp lại.
“ ‘Nhưng vì sao ả Gypsy ấy biết được điều này nhỉ?’ Turgut cau mày. ‘Cô đâu có nói gì với ả?’
“ ‘Tôi không biết.’ Helen nhún vai, tỏ vẻ không hiểu nổi.
“Turgut lắc đầu. ‘Vài người cho rằng người Gypsy có biệt tài xem tướng. Tôi không bao giờ tin việc này, nhưng…’ Ông ta dừng lại giữa câu và dùng khăn ăn chấm chấm bộ ria. ‘Chuyện cô ta nói về ma cà rồng mới đúng là kỳ quặc.’
“ ‘Thật vậy à?’ Helen đốp chát. “Chắc hẳn ả điên rồi. Dân Gypsy đều là lũ khùng điên.’
“ ‘Có thể, có thể.’ Turgut im lặng. ‘Tuy nhiên, đối với tôi, việc này rất kỳ lạ, cách cô ả nói, vì đó cũng là lĩnh vực chuyên môn của tôi.’
“ ‘Về dân Gypsy à?’ cha hỏi.
“ ‘Không, anh bạn ạ - về ma cà rồng.’ Helen và cha nhìn ông ta đăm đăm nhưng thận trọng tránh nhìn vào mắt nhau. ‘Shakespeare là sự nghiệp của đời tôi, nhưng truyền thuyết về ma cà rồng là thú tiêu khiển của tôi. Ở đây, chúng tôi có một truyền thuyết cổ xưa nói về ma cà rồng.’
“ ‘Đó là… à… một truyền thuyết Thổ Nhĩ Kỳ sao?’ cha kinh ngạc thốt lên.
“ ‘Ồ, truyền thuyết ấy đã lan truyền ít nhất là đến tận Ai Cập, các bạn đồng nghiệp thân mến ạ. Nhưng ở đây, tại Istanbul, có một câu chuyện cho rằng những bạo chúa khát máu nhất của đế chế Byzantine đều là ma cà rồng, một số trong bọn họ hiểu cộng đồng Thiên Chúa giáo là nguồn máu người trần mời gọi để uống. Nhưng tôi không tin chuyện này. Tôi tin về sau nó mới xuất hiện.’
“ ‘Ừm…’ cha không muốn để lộ sự quan tâm sâu sắc, vì sợ Helen sẽ lại đạp lên chân cha dưới bàn hơn sợ bất kỳ niềm tin nào rằng Turgut có thể mang trong mình quyền lực của bóng tối. Nhưng cô cũng đang chăm chú nhìn Turgut. ‘Vậy còn truyền thuyết về Dracula thì sao? Ông đã nghe nói về truyền thuyết đó chứ?’
“ ‘Nghe nói à?’ Turgut khịt mũi, vặn xoắn chiếc khăn ăn, đôi mắt đen nhánh ngời lên. ‘Cô biết Dracula là một con người có thật, một nhân vật lịch sử chứ? Một đồng bào của cô, thật vậy, thưa cô…’ Ông cúi người xuống chào Helen. ‘Hắn là một lãnh chúa, một voivoda, tại miền Tây Carpates vào thế kỷ mười lăm. Các bạn biết đấy, hắn chẳng phải là một người đáng ngưỡng mộ gì đâu.’
“Helen và cha gật đầu - chúng ta không thể làm gì khác. Ít ra thì cha cũng không thể, còn cô thì hình như đã quá chăm chú vào những lời nói của Turgut để có thể tự kiềm chế. Cô hơi chồm tới trước lắng nghe, đôi mắt đen cũng sáng rực một màu đen láy như ông ta. Làn da xanh xao thường lệ bây giờ đã điểm chút sắc hồng. Dù đang giữa cơn khích động cha vẫn nhận ra đây là một trong những khoảnh khắc mà vẻ đẹp ngời sáng từ nội tâm của cô đột ngột xuất hiện và phủ lấp đi nét mặt vốn khá cay nghiệt thường ngày.
“ ‘Chà…’ Turgut có vẻ phấn khích với đề tài này. ‘Tôi không có ý định làm cô thấy chán, nhưng có giả thuyết Dracula là một nhân vật rất quan trọng trong lịch sử Istanbul. Người ta biết rằng khi còn là một cậu bé, hắn đã bị Quốc vương Mehmed II cầm giữ tại Gallipoli, rồi sau đó là xa hơn về phía Đông, tại Anatolia - cha hắn đã trao hắn cho cha của Mehmed, Quốc vương Murad II, làm con tin cho hòa ước từ năm 1442 đến 1448, sáu năm dài đằng đẵng. Cha của Darcula cũng không phải là một quý ông tốt đẹp gì.’ Turgut cười khùng khục. ‘Bọn lính canh giữ cậu bé Dracula là những bậc thầy về nghệ thuật tra tấn, và hẳn hắn đã học được nhiều hơn cần thiết trong khi quan sát chúng. Nhưng các anh ạ’ - trong một khoảnh khắc nhiệt huyết thuyết giảng, có vẻ như ông ta đã quên phắt giới tính của Helen - ‘tôi có giả thuyết của riêng mình là hắn cũng để lại dấu ấn của hắn lên bọn lính.’
“ ‘Ý ông là quái gì vậy?’ Hơi thở cha đã trở nên hổn hển.
“ ‘Kể từ khoảng thời gian đó đã có ghi nhận về hiện tượng ma cà rồng ở Istanbul. Quan điểm của tôi - và than ôi, nó vẫn chưa được công bố mà tôi cũng không thể chứng minh được nó - là những nạn nhân đầu tiên của hắn nằm trong số những người Ottoman, có thể là những lính gác đã trở thành bạn của hắn. Tôi cho rằng hắn đã để lại trong đế quốc của chúng tôi mầm truyền nhiễm, sau đó mầm nhiễm này hẳn đã truyền vào Constantinople cùng với Người Chinh phục.(_1)’
“Chúng ta nhìn ông ta chằm chằm, không nói được lời nào. Cha chợt nhớ lại, theo truyền thuyết, chỉ có người chết mới trở thành ma cà rồng. Việc này phải chăng có nghĩa là Vlad Dracula thực sự đã bị giết tại vùng Tiểu Á và sau đó trở thành ma cà rồng lúc còn là một thanh niên rất trẻ, hay đơn giản là từ rất nhỏ hắn đã có sở thích bệnh hoạn là uống máu người và truyền cái cảm hứng đó sang người khác? Cha xếp thắc mắc này vào loại sẽ chỉ được nêu ra với Turgut sau này, khi đã biết nhiều hơn về ông ta. ‘Ồ, các bạn biết đấy, đây là sở thích kỳ lạ của tôi.’ Turgut lại nở một nụ cười đôn hậu. ‘Chà, thứ lỗi cho tôi đã quá nhiều chuyện. Vợ tôi thường bảo tôi đúng là kẻ hết chịu nổi.’ Trước khi nhấp thêm một ngụm nước, ông ta lại nâng cốc chúc mừng bọn ta, cử chỉ nhã nhặn, tinh tế. ‘Nhưng, trời ơi, tôi có một bằng chứng! Tôi có bằng chứng là các Quốc vương Hồi giáo sợ hắn chẳng khác gì sợ ma cà rồng!’ Ông chỉ tay lên trần nhà.
“ ‘Bằng chứng à?’ cha lặp lại.
“ ‘Phải! Tôi đã phát hiện ra bằng chứng này vài năm về trước. Quốc vương Mehmed quan tâm tới Vlad Dracula đến mức đã thu thập một số tài liệu và những vật gì hắn từng sở hữu ở nơi này sau khi hắn chết tại Wallachia. Dracula từng tiêu diệt nhiều binh lính Thổ tại xứ sở hắn, và vì vậy Quốc vương chúng tôi rất căm hận hắn, nhưng đó không phải là lý do khiến ông lập ra kho lưu trữ này. Không! Vào năm 1478, thậm chí Quốc vương đã viết một lá thư cho tổng trấn Wallachia, hỏi xin ông này bất cứ tài liệu nào về Vlad Dracula mà ông ta biết được. Tại sao ư? Vì theo như ông ta nói, ông ta đang lập một thư viện chống lại cái xấu xa mà Dracula đã gieo rắc trong thành phố của ông ta sau khi hắn chết. Các bạn thấy đó - tại sao Quốc vương Mehmed vẫn sợ sau khi Dracula đã chết nếu không tin hắn có thể quay trở lại? Tôi đã tìm được bản sao lá thư mà vị tổng trấn phúc đáp cho Quốc vương.’ Ông ta đấm tay xuống mặt bàn và mỉm cười với bọn ta. ‘Thậm chí tôi đã tìm được thư viện mà ông ta đã lập ra để chống lại cái ác ấy.’
“Helen và cha ngồi lặng yên. Sự trùng hợp kỳ lạ đến mức hầu như không thể tin nổi. Cuối cùng cha đánh bạo nêu ra một câu hỏi. ‘Thưa giáo sư, bộ sưu tập này có chắc là do Quốc vương Mehmed II lập ra không?’
“Lần này ông ta lại chằm chằm nhìn bọn ta. ‘Ui chà, anh đúng là một sử gia tài giỏi. Anh quan tâm đến giai đoạn lịch sử này của chúng tôi à?’
“ ‘À - rất quan tâm,’ cha đáp. ‘Và chúng tôi - tôi rất mong muốn được xem tài liệu mà ông đã tìm được.’
“ ‘Lẽ dĩ nhiên,’ ông ta thốt lên. ‘Rất sẵn lòng. Tôi sẽ cho các bạn xem. Hẳn vợ tôi sẽ phải kinh ngạc lắm khi thấy có người muốn xem nó.’ Ông ta khúc khích cười. ‘Nhưng, than ôi, tám năm trước đây, tòa nhà xinh đẹp từng lưu giữ tư liệu đó đã bị phá hủy để nhường chỗ xây dựng văn phòng Bộ Giao thông Công chính. Đó là một tòa nhà nhỏ xinh xắn gần Thánh đường Xanh. Thật đáng tiếc.’
“Cha có cảm giác như mặt mình không còn chút máu. Hóa ra đó là nguyên nhân vì sao chúng ta không thể xác định địa điểm trung tâm lưu trữ mà thầy Rossi nhắc tới. ‘Nhưng còn các tài liệu…?’
“ ‘Đừng lo, anh bạn. Đích thân tôi đã bảo đảm để chúng trở thành một phần của Thư viện Quốc gia. Chúng phải được bảo quản, cho dù không có ai khác sùng bái chúng như tôi.’ Gương mặt ông ta hình như lại thoáng sa sầm lần đầu tiên kể từ lúc ông trách mắng ả Gypsy. ‘Trong thành phố chúng tôi vẫn còn có cái ác cần chiến đấu chống lại, cái ác hiện diện ở khắp mọi nơi.’ Ông ta nhìn lần lượt từng người bọn ta. ‘Nếu các bạn thích những cổ vật hiếm, tôi sẽ rất vui lòng dẫn các bạn đến đó vào ngày mai. Lẽ dĩ nhiên, tối nay thì nó đã đóng cửa. Tôi quen với viên thủ thư ở đó, anh ta có thể cho phép các bạn nghiên cứu bộ sưu tập đó.’
“ ‘Cám ơn ông rất nhiều.’ Cha không dám nhìn Helen. ‘Mà làm sao… sao ông lại quan tâm đến chủ đề không bình thường này?’
“ ‘Ồ, đây là một câu chuyện dài,’ Turgut trả lời, giọng nghiêm trọng. ‘Tôi không thể làm phiền các bạn nhiều quá.’
“ ‘Chúng tôi chẳng thấy phiền hà gì cả,’ cha khăng khăng.
“ ‘Các bạn thật tử tế.’ Ông ta ngồi im lặng một lúc lâu, dùng ngón tay cái và ngón trỏ chùi bóng chiếc nĩa. Bên ngoài hốc tường gạch của chúng tôi, trên đường phố đông đúc, những chiếc xe hơi bóp còi inh ỏi lách qua những chiếc xe đạp còn khách bộ hành tới đây thì xuất hiện rồi bước qua như diễn viên trên sân khấu - cánh phụ nữ mặc chân váy suông có hoa văn, cổ quàng khăn và đeo hoa tai vàng đong đưa, hoặc váy liền đen và tóc hung đỏ; đàn ông thì com lê phương Tây cùng sơ mi trắng và cà vạt. Những cơn gió nhẹ mang theo hương muối thổi đến chỗ bàn chúng ta ngồi, cha tưởng tượng cảnh tàu thuyền từ khắp vùng Âu-Á đang mang tặng vật về trung tâm của một đế quốc - đầu tiên là của người Thiên Chúa giáo, sau đó là của người Hồi giáo - và cập bến tại một thành phố mà tường thành vươn xuống đến tận mặt biển. Cái thành trì trong rừng rậm của Vlad Dracula, với các nghi thức bạo lực man rợ dường như thực sự cách xa với thế giới quốc tế cổ xưa này. Cha nghĩ chẳng có gì phải ngạc nhiên khi hắn căm ghét người Thổ và họ cũng thù hận hắn. Mà với các phẩm vật thủ công bằng vàng, đồng và lụa, các khu chợ sầm uất, tiệm sách và vô số nơi dành cho việc thờ phụng, người Thổ tại Istanbul hẳn phải có nhiều điểm chung với người Byzantine Thiên Chúa giáo mà họ đã chinh phục ở nơi chốn này hơn là với Vlad, kẻ đã luôn thách thức họ từ vùng biên cương của hắn. Nhìn từ trung tâm văn hóa này, hắn giống như một tên côn đồ ở vùng rừng núi hẻo lánh, một con quỷ tỉnh lẻ, một tên thô lậu thời Trung cổ. Nhưng cha chợt nhớ đến bức chân dung của hắn mà cha đã thấy trong bộ bách khoa tự điển ở nhà - tranh khắc gỗ một gương mặt để ria, lịch sự, ăn mặc phong nhã. Quả là một nghịch lý.
“Khi Turgut lại lên tiếng, cha vẫn còn miên man suy nghĩ về bức chân dung Dracula. ‘Xin cho tôi biết, các bạn thân mến, điều gì làm cho các bạn quan tâm đến chủ đề Dracula này?’ Ông ta đột ngột đổi chủ đề, với một nụ cười lịch sự - hoặc ngờ vực?
“Cha liếc mắt nhìn Helen. ‘Vâng, tôi đang nghiên cứu châu Âu thế kỷ mười lăm để làm bối cảnh cho luận văn của tôi,’ cha trả lời và ngay tức khắc bị trừng phạt vì sự thiếu trung thực của mình, bởi một cảm giác rằng lời dối trá này có thể đã là sự thật. Cha nghĩ, chỉ có trời mới biết khi nào cha sẽ làm tiếp luận văn này, và điều cha không cần nhất là một chủ đề rộng lớn hơn. ‘Còn giáo sư,’ cha lại thúc ép. ‘Làm thế nào mà ông lại nhảy từ Shakespeare sang ma cà rồng?’
“Turgut mỉm cười - buồn rầu, cha thấy hình như vậy, và vẻ trung thực bình thản của ông lại càng làm cha áy náy nhiều hơn. ‘À, đây là một việc rất kỳ lạ, lâu lắm rồi. Các bạn thấy đó, tôi đang viết cuốn sách thứ hai của mình về Shakespeare - về các bi kịch. Hàng ngày tôi vào ngồi làm việc trong - các bạn gọi là gì nhỉ? - trong một hốc tường trong phòng tiếng Anh của trường đại học. Rồi một ngày kia tôi phát hiện một quyển sách, mà trước nay chưa bao giờ thấy nó ở đó.’ Ông ta quay sang phía cha, một lần nữa với một nụ cười buồn. Cha thấy ớn lạnh cả người. ‘Cuốn sách này không giống như những cuốn sách khác, một cuốn sách không có chữ nào cả, rất cổ, chỉ có hình một con rồng ở ngay giữa sách và một chữ - DRAKULYA. Trước đó tôi chưa bao giờ nghe nói đến Dracula. Nhưng bức hình này rất kỳ lạ và ấn tượng. Sau đó tôi nghĩ mình phải biết cuốn sách này là cái gì. Vì vậy tôi cố tìm hiểu đủ mọi thứ.’
“Helen nãy giờ như đóng băng ở phía đối diện cha, bỗng cử động, có vẻ rất háo hức. ‘Mọi thứ?’ cô ta lặp lại nhẹ nhàng.
Barley và tôi đã gần đến Brussels. Tôi đã mất một lúc lâu - mặc dù có vẻ như chỉ là vài phút - để kể cho Barley nghe theo cách ngắn gọn và rõ ràng nhất có thể về những trải nghiệm của cha trong thời gian theo học cao học mà cha đã kể với tôi. Barley đăm đăm nhìn qua tôi vào những ngôi nhà và khu vườn nhỏ bé của đất n ớc Bỉ bên ngoài cửa sổ, trông ủ rũ dưới một màn mây. Lúc tàu đến gần Brussels, thỉnh thoảng chúng tôi cũng nhìn thấy một tia nắng trên tháp chuông nhà thờ hay ống khói cũ kỹ của một nhà máy. Người phụ nữ Hà Lan ngáy khe khẽ, tờ tạp chí đã rớt xuống trên sàn tàu, bên cạnh chân.
Lúc tôi sắp đề cập đến trạng thái bất an gần đây của cha, vẻ xanh xao ốm yếu và thái độ kỳ lạ của ông, Barley đột ngột quay sang nhìn thẳng vào mặt tôi. “Chuyện này quả thực vô cùng kỳ lạ,” anh nói. “Anh không hiểu vì sao mình lại tin câu chuyện lung tung này, nhưng thật sự anh tin. Mà anh cũng muốn tin nữa.” Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ nhìn thấy anh nghiêm túc như vậy - anh thường chỉ khôi hài, hoặc nói cộc lốc, hoặc tỏ ra bực bội. Đôi mắt anh, nheo lại, xanh như hai mảnh bầu trời. “Điều buồn cười là tất cả mọi thứ này lại gợi cho anh nhớ lại một chuyện.”
“Chuyện gì vậy anh?” Tôi hầu như nhẹ cả người khi thấy anh có vẻ như đã chấp nhận câu chuyện của tôi.
“Chà, đó là một câu chuyện lạ thường. Anh không biết phải diễn tả như thế nào. Liên quan đến thầy James. Nhưng đó là chuyện gì nhỉ?”
Hết chương 26. Mời các bạn đón đọc chương 27!