Truy tìm Dracula Chương 30

Chương 30
Có lẽ các bạn khôn ngoan hơn các bạn nghĩ đấy.’

Đúng 4 giờ 02 phút, Barley và tôi đáp chuyến tàu tốc hành đi về miền Nam, đến Perpignan. Barley quẳng hành lý qua bậc thang lên tàu dựng đứng rồi đưa tay ra giúp tôi lên theo. Chỉ có vài hành khách trên chuyến tàu, thậm chí khi tàu đã chuyển bánh thì toa tàu chúng tôi bước vào vẫn trống trơn. Tôi bắt đầu thấm mệt; nếu ở nhà vào giờ này thì bà Clay đã bắt tôi ngồi vào bàn ăn trong nhà bếp, cùng với một cốc sữa và một lát bánh nướng vàng ngậy. Trong thoáng chốc, tôi hầu như cảm thấy nhớ tiếc sự chăm sóc phiền phức của bà. Barley ngồi xuống bên tôi, mặc dù còn bốn chỗ ngồi khác để anh lựa chọn, và tôi dúi tay vào dưới cánh tay mặc áo len của anh. “Anh phải học bài đây,” anh nói, nhưng không mở sách ra ngay; có quá nhiều thứ cần phải xem khi đoàn tàu tăng tốc chạy qua thành phố. Tôi nghĩ đến những lần ở đây cùng cha - leo lên dốc Montmartre, hay ngắm nhìn chú lạc đà u sầu ủ rũ trong Vườn Bách thảo. Paris giờ dường như là một thành phố tôi chưa từng nhìn thấy.

Tôi thấy buồn ngủ khi nhìn Barley mấp máy môi đọc cuốn sách của Milton, và đã lắc đầu từ chối vì đang lơ mơ ngủ khi anh nói muốn xuống toa ăn để uống trà. “Em đúng là kiệt sức rồi,” anh nói, mỉm cười. “Vậy thì em cứ ở đây mà ngủ, anh sẽ mang sách theo. Khi nào em thấy đói chúng ta có thể trở lại toa ăn dùng bữa.”

Mắt tôi gần như khép lại ngay khi anh ta rời khỏi toa, và khi lại mở mắt ra tôi thấy mình đang nằm cuộn tròn trên chiếc ghế trống trơn, như một đứa bé con, chiếc váy vải bông dài kéo lên trên mắt cá chân. Có người nào đó đang ngồi đọc báo ở băng ghế đối diện, nhưng không phải là Barley. Tôi ngồi bật dậy ngay. Người đàn ông đang đọc tờ Le Monde, tờ báo trải rộng che gần hết người ông ta - tôi hoàn toàn không thấy được phần thân trên và gương mặt người đàn ông đó. Một chiếc cặp da đen đặt trên ghế bên cạnh ông ta.

Trong một thoáng, tôi đã tưởng tượng đó là cha, một cảm xúc vừa biết ơn vừa bối rối dâng tràn trong tôi. Rồi tôi nhìn thấy đôi giày người đàn ông, cũng là loại giày da màu đen và rất bóng, mũi giày có những lỗ nhỏ sắp thành những hình thanh tú, đầu dây buộc là các tua núm màu đen. Ông ta bắt chân chữ ngũ, mang vớ lụa đen mịn và mặc quần com lê cũng màu đen không chê vào đâu được. Không phải là giày của cha; thực ra, có một cái gì đó không bình thường ở đôi giày đó, hoặc với đôi bàn chân mang nó, dù tôi không thể hiểu điều gì khiến tôi cảm nhận như vậy. Tôi nghĩ một người đàn ông xa lạ không nên vào trong khoang lúc tôi đang ngủ - chuyện này cũng có gì đó thật khó chịu, mong là ông ta đã không nhìn ngắm gì lúc tôi đang ngủ. Tôi bực mình tự hỏi liệu mình có thể đứng lên, mở cửa khoang mà không làm cho ông ta để ý hay không. Đột nhiên tôi nhận ra ông ta đã kéo rèm ngăn giữa khoang tàu của chúng tôi và lối đi lại. Không ai đi ngang qua có thể nhìn thấy chúng tôi. Hay là Barley đã kéo rèm lại trước khi đi để tôi ngủ cho yên?

Tôi liếc nhìn đồng hồ. Đã gần năm giờ. Bên ngoài, phong cảnh bao la lướt qua; chúng tôi đang tiến vào miền Nam. Người đàn ông phía sau tờ báo vẫn tiếp tục bất động, tôi bắt đầu run mặc dù không muốn chút nào. Một lát sau, tôi nhận ra điều gì đã khiến tôi hoảng sợ. Dù đã thức giấc rất lâu, và suốt thời gian đó tôi đã nhìn và lắng nghe, nhưng ông ta vẫn không lật một trang báo nào.

 

“Căn hộ của Turgut nằm tại một khu vực khác của Istanbul, trên bờ biển Marmara, chúng tôi đáp chuyến phà từ một bến cảng náo nhiệt có tên là Eminưn đến đó. Helen đứng tựa lan can, dõi nhìn những chú mòng biển đang bay lượn theo con tàu, và quay lại nhìn hình bóng đồ sộ của khu thành cổ. Cha đến đứng cạnh cô, Turgut đưa tay chỉ cho chúng ta thấy những ngọn tháp và mái vòm, giọng ông ta át hẳn tiếng ầm ì của động cơ tàu. Khi bước xuống phà, chúng ta nhận ra khu vực ngoại ô nơi ông ta ở hiện đại hơn những gì chúng ta đã nhìn thấy trước đó, nhưng trong trường hợp này hiện đại chỉ có ý nghĩa là thế kỷ thứ mười chín. Khi đi dọc theo những con đường càng lúc càng yên tĩnh hơn, xa dần địa điểm con phà đổ khách, cha nhìn thấy một Istanbul thứ hai, mới lạ trong mắt cha: những hàng cây trang nghiêm rủ bóng, những ngôi nhà xây dựng bằng đá và gỗ xinh xắn, những chung cư dường như được bốc ra từ một khu ngoại ô Paris, những vỉa hè gọn gàng, những chậu hoa, những gờ tường chạm trổ. Đây đó, dấu vết của đế quốc Hồi giáo xa xưa đột ngột hiện ra dưới hình dạng một khung cửa vòm đổ nát hoặc một thánh đường Hồi giáo nằm tách biệt lẻ loi, một căn nhà kiểu Thổ với tầng hai nhô ra ở trên. Nhưng trên con đường nơi nhà Turgut tọa lạc, phương Tây đã tràn qua để lại những dấu ấn lịch thiệp và hoàn hảo. Sau này cha đã thấy những bản sao khác của nó tại những thành phố khác - Praha và Sofia, Budapest và Matxcơva, Belgrade và Beirut. Nét thanh lịch này được vay mượn khắp nơi trong thế giới phương Đông.

“ ‘Xin mời vào.’ Turgut dừng lại phía trước một dãy nhà cổ, dẫn chúng ta lên một cầu thang đôi phía trước, và kiểm tra một hòm thư nhỏ có ghi tên GIÁO SƯ BORA - có vẻ không có gì. Ông ta mở cửa và bước tránh qua một bên. ‘Xin mời, chào mừng các bạn đã đến nơi trú ngụ của tôi, ở đây mọi thứ đều là của bạn. Tiếc là vợ tôi không có nhà - bà ấy đang dạy ở nhà trẻ.’

“Trước tiên chúng ta bước vào căn phòng sảnh có sàn và tường gỗ bóng láng, ở đó chúng ta bắt chước Turgut, cởi giày ra rồi xỏ chân vào những đôi dép thêu ông ta trao cho. Sau đó ông đưa chúng ta vào phòng khách, Helen khẽ thốt lên trầm trồ, cha cũng không thể nào không lặp lại tiếng trầm trồ đó. Gian phòng tràn ngập một thứ ánh sáng xanh nhạt dễ chịu, hòa lẫn với chút ánh hồng và vàng dịu. Một lát sau, cha nhận ra đó là ánh sáng mặt trời chiếu xuyên qua một lùm cây bên ngoài hai khung cửa sổ lớn. Căn phòng xếp đầy những thứ đồ gỗ khác thường, rất thấp, bằng thứ gỗ màu sậm có chạm khắc, có đệm lót và bọc bằng nhiều loại vải sặc sỡ. Chạy quanh theo ba bức tường là một băng ghế dài với những chiếc gối phủ ren. Phía trên băng ghế, những bức tường được sơn trắng và trang trí bằng những bức tranh in, tranh phong cảnh Istanbul, bức chân dung của một ông lão đội m ũ đuôi seo và một bức khác hình một người đàn ông trẻ hơn mặc com lê đen, một tờ giấy da được đóng khung, đầy những nét chữ Ả-rập tinh tế. Có những bức ảnh sepia chụp cảnh thành phố, màu nâu đỏ đã phai và các tủ nhỏ xếp đầy những bộ đồ cà phê bằng đồng. Trong các góc phòng là những chiếc bình gốm tráng men nhiều màu, đầy ắp hoa hồng. Dưới chân bình là những tấm thảm dày màu đỏ thẫm, hồng và xanh nhạt. Ở ngay giữa phòng là một khay tròn lớn có chân đứng bóng láng và trống không, tựa như đang chờ đợi bữa ăn kế tiếp.

“ ‘Căn nhà đẹp quá,’ Helen trầm trồ, quay sang vị chủ nhà, cha còn nhớ cô trông dễ thương như thế nào khi sự chân thành làm dịu đi những nếp nhăn khắc nghiệt quanh miệng và mắt. ‘Chẳng khác gì cảnh trong Nghìn lẻ một đêm.’

“Turgut bật cười, khiêm tốn xua tay ra vẻ không dám nhận lời khen tặng, nhưng rõ ràng ông ta rất hài lòng. ‘Là do vợ tôi đấy,’ ông ta nói. ‘Bà ấy rất yêu thích đồ thủ công mỹ nghệ cổ của đất nước chúng tôi, gia đình bên ngoại cũng để lại cho vợ tôi nhiều món rất đẹp. Có khi còn có món gì đó từ thời đế chế của Quốc vương Mehmed cũng nên.’ Ông ta cười với cha. ‘Tôi pha cà phê không ngon như bà nhà tôi - bà ấy vẫn hay bảo tôi thế - nhưng tôi sẽ cố hết sức.’ Ông ta mời chúng ta ngồi xuống bộ ghế gỗ thấp, sát bên nhau, cha cảm thấy thích thú khi nghĩ về tất cả những vật dụng truyền thống cho thấy sự sung túc kia: đệm, trường kỷ và - nhất là - ottoman, loại ghế dài có đệm.

“Nỗ lực lớn nhất của Turgut hóa ra lại là bữa trưa. Ông ta từ chối mọi đề nghị giúp đỡ tha thiết của cha và Helen, một mực tự nấu rồi tự mang vào từ gian bếp nhỏ ở bên kia phòng đợi. Cha không thể hình dung bằng cách nào ông làm xong được bữa ăn trong một thời gian ngắn như vậy - chắc có lẽ thức ăn đã được chuẩn bị sẵn trong nhà bếp. Ông mang ra mấy khay gồm nước xốt và xa lát, một tô dưa, một món thịt hầm rau cải, những xiên thịt gà nướng, món dưa leo nghiền cùng sữa chua quen thuộc, cà phê, và rất nhiều kẹo hạnh nhân tẩm mật. Chúng ta đã ăn uống rất ngon miệng, Turgut cứ thúc ép ăn cho đến lúc chúng ta phải rên lên. ‘Ôi,’ ông ta nói, ‘tôi không thể để bà nhà tôi nghĩ là tôi đã bỏ đói các bạn.’ Sau bữa ăn là một ly nước đặt gần bên một cái đĩa đựng chất gì đó màu trắng và tỏa mùi thơm ngát. ‘Tinh chất hoa hồng,’ Helen cho biết, sau khi nếm thử. ‘Rất tuyệt. Ở Rumani người ta cũng dùng thứ này.’ Cô cho một ít chất trắng vào ly rồi nhâm nhi ly nước, cha cũng làm theo. Cha không chắc sau đó thứ nước này có ảnh hưởng gì đến việc tiêu hóa của mình hay không, nhưng giờ không phải lúc cho những lo lắng như vậy.

“Khi đã no gần như muốn vỡ bụng, chúng ta ngả người dựa lưng vào những chiếc trường kỷ thấp - bây giờ cha mới hiểu công dụng của chúng: nơi nghỉ ngơi sau một bữa ăn thịnh soạn - Turgut đưa mắt nhìn chúng ta với vẻ hài lòng. ‘Các bạn chắc chắn mình no rồi chứ?’ Helen bật cười còn cha thì khẽ rền rĩ, nhưng Turgut vẫn rót đầy ly nước và cốc cà phê cho chúng ta. ‘Rất tốt. Giờ hãy bàn tiếp về những vấn đề mà chúng ta chưa k p thảo luận. Trước hết, tôi kinh ngạc khi nghĩ đến chuyện các bạn cũng quen biết giáo sư Rossi, nhưng tôi vẫn chưa hiểu rõ mối quan hệ của các bạn. Ông là giáo sư hướng dẫn của anh, đúng không anh bạn trẻ?’ Ông ta ngồi xuống ghế đệm dài, nghiêng người về phía chúng ta, đầy vẻ mong đợi câu trả lời.

“Cha liếc nhìn Helen, cô khẽ gật đầu. Cha băn khoăn tự hỏi phải chăng cái tinh chất hoa hồng kia đã làm cô bớt đi tính đa nghi. ‘Chà! Giáo sư Bora ạ, cho đến thời điểm này e rằng chúng tôi chưa hoàn toàn cởi mở với ông,’ cha thú nhận, ‘nhưng, ông thấy đó, chúng tôi đang thực hiện một nhiệm vụ kỳ dị, và không biết phải tin vào ai.’

“ ‘Tôi hiểu.’ Ông ta mỉm cười. “Có lẽ các bạn khôn ngoan hơn các bạn nghĩ đấy.’

“Câu nói trên đã làm cha khựng lại, nhưng Helen lại gật đầu, và cha lại tiếp tục. ‘Giáo sư Rossi là một mối quan tâm đặc biệt của chúng tôi, không chỉ vì ông là giáo sư hướng dẫn của tôi, mà còn vì một số thông tin ông đã cung cấp cho chúng tôi - cho tôi - và vì ông ta - vâng, ông ta đã mất tích.”

“Ánh mắt Turgut chợt đanh lại. ‘Mất tích là sao, anh bạn?’

“ ‘Đúng là vậy.’ Cha ngập ngừng tiết lộ với ông ta mối quan hệ giữa cha và thầy Rossi, công việc của cha với ông về luận văn tốt nghiệp, và cuốn sách kỳ lạ mà cha tìm thấy trong ngăn làm việc riêng tại thư viện. Khi cha bắt đầu mô tả cuốn sách, Turgut như bật người lên, đập hai tay vào nhau nhưng không nói gì, chỉ chăm chú lắng nghe. Cha tiếp tục kể việc đã mang cuốn sách đến cho thầy Rossi xem, và câu chuyện mà ông đã kể với cha về việc chính ông cũng tìm thấy một cuốn sách như vậy. Cha ngưng lại lấy hơi và thầm nghĩ, như vậy là ba cuốn sách. Bây giờ chúng ta biết rõ có ba cuốn sách kỳ lạ như thế này - một con số bí ẩn. Chúng chắc chắn có liên quan đến nhau, nhưng chính xác thì liên quan như thế nào? Cha thuật lại những gì thầy Rossi đã kể cha nghe về việc nghiên cứu của ông tại Istanbul - đến đây Turgut lắc đầu tựa như không hiểu - và việc thầy Rossi đã tìm thấy trong trung tâm lưu trữ bức hình con rồng khớp với các nét vẽ trên những tấm bản đồ cổ.

“Cha kể lại cho Turgut nghe thầy Rossi đã biến mất như thế nào, về cái bóng kỳ lạ mà cha thấy thoáng lướt qua phía trên cửa sổ phòng làm việc của thầy trong buổi tối ông ấy mất tích, và thoạt tiên cha đã một mình khởi sự cuộc tìm kiếm ra sao trong khi chỉ mới nửa tin nửa ngờ câu chuyện thầy ấy kể. Đến đây cha dừng lại, lần này để xem Helen sẽ nói gì, vì cha không muốn tiết lộ chuyện riêng tư của cô mà không được cô cho phép. Cô ngồi thụt sâu về phía sau trường kỷ, khẽ cựa người và bình thản nhìn cha, rồi trước sự ngạc nhiên của cha, đích thân cô kể lại với Turgut câu chuyện của mình và tất cả mọi điều từng kể với cha, bằng giọng trầm, đôi lúc khàn khàn - câu chuyện cô đã ra đời như thế nào, mối thù hận cá nhân đối với thầy Rossi, cô đã miệt mài lao vào nghiên cứu câu chuyện Dracula ra sao, và cuối cùng là ý định tìm hiểu về truyền thuyết về hắn ngay tại thành phố này. Chân mày của Turgut như dựng lên tận rìa mái tóc bôi sáp trơn bóng. Những lời nói, cách phát âm rõ ràng và sâu lắng, trí óc tuyệt vời, và có lẽ cả đôi gò má ửng hồng phía trên cổ áo xanh nhạt của cô, tất cả đã mang vẻ thán phục đến trên mặt Turgut - hoặc chỉ là cha thấy như vậy, và lần đầu tiên từ khi gặp Turgut cha cảm thấy sự thù địch với ông ta nhói lên trong mình.

“Khi Helen kết thúc câu chuyện, trong một khoảnh khắc, tất cả chúng ta đều ngồi lặng im. Ánh nắng màu xanh lá chiếu vào gian phòng xinh đẹp này dường như trầm lắng hơn quanh chúng ta và một cảm giác hão huyền xa xôi len lén chiếm ngự tâm tư cha. Cuối cùng Turgut phá vỡ sự im lặng. ‘Cám ơn các bạn đã kể những trải nghiệm rất khác thường của mình. Cô Rossi ạ, tôi rất tiếc khi nghe chuyện đau lòng của gia đình cô. Tôi vẫn mong muốn biết được vì sao giáo sư Rossi buộc lòng phải viết cho tôi là ông không biết gì về trung tâm lưu trữ của chúng tôi ở nơi này, đó có vẻ là một lời nói dối, đúng chứ? Nhưng việc biến mất của một học giả tài ba như vậy quả thực là kinh khủng. Giáo sư Rossi đã bị trừng phạt vì một chuyện gì đó - hoặc ông ta đang bị trừng phạt ngay lúc này, lúc chúng ta đang ngồi ở đây.’

“Tựa như bị một ngọn gió lạnh xua đi, cảm giác lừ đừ vụt tan biến khỏi đầu óc cha. ‘Nhưng điều gì khiến ông quả quyết như vậy? Và chúng ta phải xoay xở thế nào để tìm ra ông ấy, nếu điều này là sự thật?’

“ ‘Tôi cũng là một người duy lý như anh,’ Turgut bình thản trả lời, ‘nhưng theo bản năng, tôi tin những gì giáo sư Rossi đã kể với anh tối hôm đó. Và chúng ta tìm được bằng chứng cho những điều ông ấy nói qua những gì viên thủ thư già đã kể lại với tôi - có một nhà nghiên cứu nước ngoài đã kinh hãi bỏ chạy khỏi nơi đó - cũng như việc tôi tìm thấy tên giáo sư Rossi trong sổ đăng ký. Đó là chưa kể đến sự xuất hiện của một gã ác ôn khóe miệng còn vương máu…’ ông ta dừng lại. ‘Và giờ lại còn việc rối bời đáng sợ này nữa, tên của ông ta - tựa đề bài viết của ông ta - bằng cách nào đó đã được bổ sung vào bản thư mục trong trung tâm lưu trữ. Chính sự bổ sung này làm cho tôi bối rối và ngạc nhiên! Các đồng nghiệp thân mến, các bạn đã đúng khi tìm đến Istanbul. Nếu giáo sư Rossi có mặt ở đây, thì chúng ta sẽ tìm ra ông ta. Từ lâu chính tôi cũng tự hỏi liệu có thể ngôi mộ Dracula tọa lạc ở Istanbul này hay không. Theo tôi, có vẻ như nếu có một ai đó mới bổ sung tên ông Rossi vào bản danh mục kia thì rất có cơ may là ông Rossi đang ở đây. Vì các bạn đã tin tưởng là sẽ tìm thấy ông Rossi tại nơi Dracula được chôn cất. Tôi cũng sẽ hết lòng giúp đỡ các bạn trong việc tìm kiếm này. Tôi cảm thấy… có trách nhiệm với các bạn trong việc này.’

“ ‘Bây giờ tôi có một câu hỏi dành cho ông.’ Helen nhíu mắt nhìn Turgut và cha. ‘Giáo sư Bora, sao ông lại đến nhà hàng chúng tôi ngồi ăn tối hôm qua? Theo tôi, có vẻ như việc ông xuất hiện ngay khi chúng tôi vừa đến Istanbul để tìm kiếm cái trung tâm lưu trữ mà ông rất quan tâm trong những năm vừa qua, không phải là một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên.’

“Turgut đứng dậy, lấy trong bàn bên cạnh một hộp nhỏ bằng đồng rồi mở ra, mời chúng ta hút thuốc, cha từ chối nhưng Helen nhận một điếu và để Turgut châm lửa cho. Ông cũng châm cho mình một điếu rồi ngồi xuống, cả hai đưa mắt nhìn nhau, trong một khoảnh khắc cha có cảm giác mình là người ngoài cuộc. Rõ ràng, loại thuốc lá này có hương vị nhẹ và rất thơm; cha tự hỏi liệu đây có phải là đặc sản xa xỉ nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ hay không, Turgut nhẹ nhàng nhả khói, Helen bỏ đôi dép thêu ra rồi duỗi thẳng hai chân, tựa như đã quen với kiểu nằm ườn người trên những tấm đệm Đông phương. Đây là một khía cạnh mà cha chưa từng nhìn thấy ở cô, sự duyên dáng thoải mái bộc lộ khi nghe câu thần chú của lòng hiếu khách.

“Cuối cùng Turgut lên tiếng. ‘Sao tôi lại gặp được các bạn trong nhà hàng ư? Tôi đã tự nêu câu hỏi này với bản thân mình nhiều lần, nhưng bản thân tôi cũng không tìm được câu trả lời thích đáng. Nhưng với tất cả lòng trung thực của mình, tôi có thể nói với các bạn rằng khi ngồi xuống gần bàn các bạn tôi chưa biết các bạn là ai hoặc các bạn đang làm gì ở Istanbul. Thực ra, tôi thường đến đó bởi vì đó là nơi chốn ưa thích của tôi trong khu phố cổ, thỉnh thoảng tôi vẫn tản bộ đến đó vào những lúc rảnh rỗi giữa các giờ dạy. Ngày hôm đó, tôi đã đến mà hầu như chẳng chủ định, và khi thấy không có ai ngoài hai người ngoại quốc, tôi cảm thấy cô đơn, không muốn ngồi một mình trong góc. Vợ tôi thường nói tôi vốn là một người khó kết bạn.’

“Ông ta mỉm cười, gạt tàn thuốc vào một chiếc đĩa đồng, rồi đẩy nó về phía Helen. ‘Nhưng đó cũng đâu phải là một thói quen tệ hại, đúng không? Dù sao chăng nữa, tôi đã ngạc nhiên và xúc động khi nhận ra các bạn quan tâm đến trung tâm lưu trữ của chúng tôi, và bây giờ khi đã biết câu chuyện còn-hơn-cả-khác-thường của các bạn, tôi cảm thấy bằng cách nào đó mình sẽ là người trợ giúp cho các bạn tại Istanbul này. Xét cho cùng, tại sao các bạn lại đến ngồi ăn tại nhà hàng ưa thích của tôi? Tại sao tôi đã vào đó ăn tối với một quyển sách? Thưa cô, tôi thấy cô tỏ vẻ nghi ngờ, nhưng tôi sẽ không có câu trả lời dành cho cô, ngoại trừ phải nói rằng sự ngẫu nhiên này cho tôi niềm hy vọng. “Trong trời đất này còn có nhiều điều chúng ta không thể giải thích…” ’ Ông ta đăm chiêu nhìn Helen và cha, mặt ông đầy vẻ chân thành, cởi mở, và khá buồn rầu.

“Helen nhả một bụm khói thuốc Thổ Nhĩ Kỳ vào ánh nắng mờ mờ. ‘Vậy thì, kể như ổn,’ cô nói. ‘Chúng ta nên hy vọng. Còn giờ thì chúng ta sẽ làm gì với niềm hy vọng này? Chúng ta đã xem các tấm bản đồ gốc, và cũng đã xem bản thư mục của Giáo đoàn Rồng, mà Paul rất khao khát muốn xem. Nhưng tất cả những chuyện đó đưa chúng ta đến đâu?’

“ ‘Xin các bạn hãy theo tôi,’ Turgut đột ngột nói. Ông ta đứng bật dậy, và cái không khí uể oải của buổi chiều cũng lập tức biến mất. Helen dụi tắt điếu thuốc, đứng dậy theo, ống tay áo của cô cọ vào tay cha. Cha cũng đứng dậy. ‘Mời các bạn đến phòng làm việc của tôi một lát.’ Turgut mở một cánh cửa khuất sau những lớp rèm len và lụa cổ, rồi lịch sự đứng nép qua một bên.” 

Hết chương 30. Mời các bạn đón đọc chương 31!

Nguồn: truyen8.mobi/t35273-truy-tim-dracula-chuong-30.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận