Vài năm trước đây, ngoài những lá thư của cha, tôi còn tìm thấy giữa đống giấy tờ của ông một bức thư không liên quan gì tới câu chuyện này, chỉ trừ việc đó là vật duy nhất gợi nhớ về tình yêu cha dành cho Helen mà nay tình cờ đang ở trong tay tôi. Cha chẳng khi nào giữ lại những ghi chép hàng ngày như vậy, còn những ghi chép bất chợt của riêng bản thân ông thì hầu như chỉ hoàn toàn liên quan đến công việc, như những suy ngẫm về các vấn đề ngoại giao, hoặc lịch sử, đặc biệt khi nó liên quan đến cuộc xung đột quốc tế nào đó. Những suy ngẫm ấy, cũng như các bài giảng và bài báo phát triển từ đó ra, giờ đang nằm trong cái thư viện do cha thành lập, và rốt cuộc, tôi chỉ được thừa hưởng một mẩu thư mà ông chỉ viết cho riêng mình - và cho Helen. Tôi biết cha là một người toàn tâm toàn ý với chân lý và lý tưởng chứ không phải với thơ ca, điều đó khiến tài liệu này càng trở nên quan trọng hơn đối với tôi. Bởi đây không phải một cuốn sách trẻ con, và cũng bởi tôi muốn cuốn sách càng đầy đủ tư liệu càng tốt, nên dù còn đôi chút lưỡng lự đắn đo tôi vẫn đưa bức thư vào đây. Hoàn toàn có khả năng cha đã viết những lá thư khác như thế này, nhưng với tính cách của mình thì có thể ông đã tiêu hủy chúng - có lẽ ông đã đốt chúng trong mảnh vườn nhỏ phía sau căn nhà ở Amsterdam của chúng tôi, nơi mà thời niên thiếu, thỉnh thoảng tôi phát hiện ra những mảnh giấy đã cháy thành than và không còn đọc được gì trong chiếc cối đá nhỏ - và lá thư này có thể tình cờ còn sót lại. Lá thư không đề ngày, vì vậy tôi đã lưỡng lự không biết xếp nó vào đâu theo trình tự thời gian. Tôi đưa lá thư vào ở thời điểm này vì nó nhắc đến những ngày đầu tiên của mối tình giữa họ, mặc dù nỗi khổ đau trong đó khiến tôi tin rằng cha đã viết lá thư khi không còn gửi nó cho Helen được nữa.
Em yêu, anh đã nhớ em biết bao. Tâm trí anh hoàn toàn thuộc về em, bởi những ngày này anh cứ không thôi nhớ về những giây phút đầu tiên ta bên nhau. Anh đã nhiều lần tự hỏi tại sao những tình cảm khác không thể thay thế sự hiện diện của em, và vì đâu lúc nào anh cũng ảo tưởng rằng chúng ta vẫn còn bên nhau, để rồi - dù muốn hay không - anh đành chấp nhận rằng em đã bắt giữ tâm trí anh làm con tin mất rồi. Lời em nói tràn ngập ký ức trong anh vào những lúc ít trông đợi nhất. Anh cảm nhận sức nặng bàn tay em trên tay anh, cả hai bàn tay đều nằm khuất dưới mép áo khoác của anh, chiếc áo được cuộn lại trên ghế ngồi giữa hai ta, khuôn mặt nghiêng nghiêng của em quay sang phía khác, tiếng trầm trồ của em khi ta cùng nhau bay vào vùng trời Bungari, khi ta lần đầu bay trên những đỉnh núi Bungari.
Em yêu, ngay từ thuở ta còn thanh xuân đã diễn ra cách mạng tình dục, một lễ hội say sưa hoan lạc như trong những thiên sử thi mà em không còn sống để chứng kiến - giờ đây, ít ra là ở các nước phương Tây, có vẻ như giới trẻ gặp gỡ nhau mà không e ngại gì. Nhưng anh vẫn nhớ về thời chúng ta bị cấm đoán với nỗi ước ao chẳng kém gì nhớ đến đêm tân hôn rất lâu sau đó của chúng ta. Đây là những ký ức anh không thể chia sẻ cùng ai: chúng ta đã quen thuộc đến cả những thứ người kia mặc, trong một tình huống mà cả hai ta đều phải trì hoãn không dám hoàn thành, cái cách cởi bỏ từng món quần áo trên người cũng là một câu hỏi cháy bỏng giữa chúng ta, để rồi anh nhớ rõ ràng đến khổ sở - ngay lúc anh không muốn nhớ nhất - cả cần cổ thanh tú lẫn nếp cổ áo mềm mại của em, chiếc áo mà anh đã thuộc nằm lòng từng đường nét bên ngoài trước cả khi những ngón tay anh lướt trên lớp vải hay chạm đến những hạt nút xà cừ. Anh nhớ mùi tàu xe và cả mùi xà phòng gắt nồng tỏa ra từ bờ vai chiếc áo khoác đen của em, nhớ chiếc mũ rơm đen ram ráp, cũng trọn vẹn như nhớ mái tóc nhung mượt mà gần như cùng một tông màu với mũ. Khi chúng ta dám ở cùng nhau nửa tiếng đồng hồ trong phòng khách sạn ở Sofia trước khi lại đi đến một bữa ăn u ám nữa, anh tưởng như nỗi ham muốn mãnh liệt sắp hủy hoại bản thân mình đến nơi. Khi em treo áo khoác lên ghế, rồi vắt chiếc áo cánh bên trên một cách chậm rãi và khoan thai, rồi khi em quay lại đối mặt với anh, mắt không rời khỏi mắt anh, anh đã đờ người ra vì cảm giác nóng rực. Khi em đặt tay anh lên hông em, và hai bàn tay anh phải chọn lựa giữa lớp vải váy láng mịn và làn da còn láng mịn hơn của em, anh tưởng như có thể khóc lên được.
Có lẽ đó là lúc anh nhận ra vết sẹo duy nhất của em - nơi duy nhất mà chắc sẽ chẳng bao giờ anh hôn lên - hình con rồng bé nhỏ cuộn tròn trên bả vai em. Chắc hẳn anh đã lướt tay qua đó trước khi anh nhìn thấy nó. Anh nhớ mình đã gần như nín thở - và em cũng vậy - khi anh nhận ra rồi ve vuốt con rồng bằng một ngón tay vừa e dè vừa hiếu kỳ. Đối với anh nó dần trở thành một phần trên tấm lưng mịn màng của em, nhưng trong khoảnh khắc đầu tiên ấy, nó đã khích động trong anh nỗi thèm muốn ghê gớm. Dầu cho chuyện này có xảy ra hay không trong cái khách sạn tại Sofia ấy, chắc hẳn anh đã phải nhận ra vết sẹo xung quanh thời điểm anh khắc sâu vào tâm trí mình gờ hàm dưới của em, cạnh khía sắc nhọn của những chiếc răng em, và làn da quanh mắt em, với những dấu hiệu đầu tiên của tuổi tác đan cài như mạng nhện...
Lá thư của cha ngắt ngang ở đó, và tôi chỉ còn cách trở lại với những lá thư ý tứ hơn cha viết cho tôi.
Hết chương 49. Mời các bạn đón đọc chương 50!