Ngôi nhà gỗ này có một phòng khách, bốn phòng ngủ, trong đó hai phòng có sẵn toa-lét nhưng vẫn có thể dùng chung toa-lét ở ngoài hành lang. Lúc đầu Giản Tự Viễn và Hân Nghi muốn vào ở hai phòng này. Giản Tự Viễn nằng nặc đòi ở căn phòng có toa-lét khép kín nhưng Cốc Y Dương quẳng hành lý của anh ta ra ngoài rồi bảo tôi vào ở. Tôi muốn nhường điều kiện tốt cho Hân Nghi nhưng cô ấy không chịu. Chúng tôi nhường qua nhường lại mãi, cuối cùng vẫn là Hân Nghi ở. Gian khép kín còn lại đương nhiên dành cho hai vợ chồng Thành Lộ và La Lập Phàm. Cốc Y Dương và Giản Tự Viễn ở chung một phòng. Về sau Lê Vận Chi xuất hiện, tôi mới chuyển sang ở cùng Hân Nghi.
Nghe có vẻ phức tạp, đúng là… sự đời vốn đơn giản chỉ tại con người hay vẽ chuyện.
Khi vào ở, thoạt đầu vẫn chưa có Lê Vận Chi, chỉ có vợ chồng Thành Lộ - La Lập Phàm, Cốc Y Dương, Hân Nghi, Giản Tự Viễn và tôi. Các phòng đều được khu nghỉ dưỡng bố trí trà túi lọc, sau khi ổn định, tôi pha tách trà nóng nhấm nháp, thấy rất nhẹ nhõm. Tối đến, chúng tôi cùng ngồi ca-bin cáp treo “chuyên dành cho nhà gỗ” trượt xuống nhà ăn ở gần đại sảnh lưng chừng núi, đồ ăn, rồi hát karaoke và tán đủ thứ chuyện. Nhà ăn chính của khu nghỉ dưỡng tương đối hoành tráng, tường vách lung linh treo các bức thư pháp sáng giá, các tấm chụp ảnh chung có chữ ký của giám đốc khu nghỉ dưỡng và các ngôi sao điện ảnh bốn phương. La Lập Phàm tỏ ra kính nể vị giám đốc hoành tráng này. Cốc Y Dương nói ông ấy tên gọi là Tôn Duy Thiện, người huyện này, là nhà hoạt động xã hội, đã khôn khéo kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nên khu nghỉ dưỡng trượt tuyết này. Là phú hào nhưng rất rộng rãi. Ông làm từ thiện xây trường học, rất được mọi người khen ngợi. Thành Lộ trêu đùa: “Có phải sếp Phàm định hẹn ông ta để ký kết một thương vụ mở màn không đấy?” La Lập Phàm không trả lời.