Tuyết Hoa Và Cây Quạt Bí Mật Chương 14


Chương 14
Niềm vui và nỗi buồn

KHI ĐỨA CON TRAI ĐầU CỦA TÔI LÊN NĂM, chồng tôi đề cập đến việc mời thầy về để bắt đầu cho việc học hành chính thức của con trai tôi. Từ khi về sống trong nhà chồng, đàn bà chúng tôi không còn bất cứ nguồn tài trợ nào khác nên phải nhờ gia đình chồng chi trả cho việc đó. Tôi đã không bao giờ phải hối tiếc vì trót làm chồng tôi thất vọng, chuyện đó không hề xảy ra. Về phần mình, bố mẹ chồng tôi không thể hài lòng hơn vào cái ngày ông thầy đến nhà và con trai tôi rời khỏi căn buồng trên gác. Tôi rơi lệ khi nhìn thấy nó đi, nhưng đó là một trong những khoảnh khắc tự hào nhất của cuộc đời tôi. Tôi âm thầm nuôi dưỡng niềm hy vọng một ngày nào đó con trai tôi sẽ theo đòi khoa cử. Tôi chỉ là một người đàn bà, nhưng tôi cũng biết rằng khoa cử sẽ là bước đệm cho ngay cả những nhà nho xuất thân cơ hàn nhất để vươn lên cuộc sống cao sang hơn. Tuy nhiên, nó đi khỏi căn buồng trên gác để lại trong tôi một khoảng trống tối đen mà những trò hề của đứa con trai thứ hai, tiếng quang quác của các bà thiếp, những vụ cãi cọ của các cô em dâu, hay thậm chí những cuộc gặp gỡ thường kỳ của tôi với Tuyết Hoa cũng không thể nào khỏa lấp. Thật sung sướng biết bao, ngay tháng Giêng đầu năm mới, tôi lại biết mình có mang.

Vào thời gian này, căn buồng luôn đông đúc. Cô em dâu thứ ba vừa về và sinh con gái đầu lòng. Tiếp sau cô ta là cô em dâu thứ tư, cô này cứ luôn miệng kêu ca làm ai cũng nhức đầu. Cô ta cũng lại sinh một đứa con gái. Mẹ chồng tôi luôn đối xử với cô em dâu thứ tư đặc biệt khắc nghiệt, sau này cô ta lại mất hai đứa con trai trong khi sinh. Vì vậy cũng khá hợp lý khi nói rằng những người đàn bà khác trong gia đình đón nhận tin vui của tôi mà thấy ghen. Trong căn buồng này, không gì khiếp đảm hơn là kinh nguyệt hàng tháng của các bà vợ lúc đến kỳ. Mọi người đều biết; mọi người đều nói về nó. Bà Lữ luôn để ý mấy sự vụ này và lớn tiếng mắng mỏ những người đàn bà trẻ khi yêu cầu tất cả phải lắng nghe. “Một người vợ không sinh được con trai luôn có thể bị thay thế,” bà nói vậy, mặc dù bà căm ghét đến tận xương tủy mấy người thiếp của chồng mình. Giờ đây, khi nhìn quanh căn buồng, tôi thấy sự đố kỵ và nỗi oán giận âm ỉ, nhưng những gì họ có thể làm chỉ là chờ đợi xem liệu có phải là tôi sẽ sinh ra một đứa con trai khác hay không. Còn tôi lại cảm thấy có sự thay đổi trong trái tim mình. Tôi mong sinh được một đứa con gái, nếu không vì lý do thiết thực nhất đó. Đứa con trai thứ hai của tôi rồi cũng sẽ sớm rời bỏ tôi để gia nhập vào thế giới đàn ông, còn những đứa con gái thì sẽ không rời bỏ mẹ cho đến khi chúng đi lấy chồng. Khát khao thầm kín của tôi càng bùng cháy khi biết tin Tuyết Hoa cũng đang có bầu. Tôi không thể nói với bạn là tôi mong cô cũng sẽ sinh một đứa con gái nhiều đến mức nào.

Cơ hội đầu tiên và tốt nhất để chúng tôi gặp gỡ và chia sẻ những khát vọng và mong ước của mình đến vào dịp hội Thi Nếm ngày mùng sáu tháng Sáu. Sau năm năm sống ở nhà họ Lữ, tôi biết mẹ chồng tôi sẽ không để địa vị của bà bị ảnh hưởng vì Tuyết Hoa. Tôi ngờ rằng bà biết chúng tôi vẫn gặp nhau vào mỗi dịp lễ hội, nhưng miễn là tôi không phô bày mối quan hệ đó và làm tròn bổn phận với nhà chồng thì bà cũng sẽ lờ đi.

Như mọi lần, Tuyết Hoa và tôi lại được thoải mái khi ở căn buồng trên gác nhà bố mẹ tôi, nhưng sự gần gũi thân mật như trước kia không còn được phép bộc lộ ra nữa, khi lũ con của chúng tôi nằm trên giường hay trên những chiếc võng cạnh chúng tôi. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn thầm thì với nhau. Tôi thú nhận với cô rằng tôi khao khát có một đứa con gái để bầu bạn với tôi. Tuyết Hoa xoa nhẹ tay quanh bụng mình và bằng một giọng nhỏ nhẹ nhắc tôi nhớ rằng con gái chỉ là nhánh cây bỏ đi không thể duy trì dòng giống của cha mình.

“Chúng sẽ không vô dụng đối với chúng ta,” tôi nói. “Liệu chúng ta có thể tác hợp một mối quan hệ lão đồng cho chúng ngay từ bây giờ - trước khi chúng chào đời không?”

“Bách Huệ, chúng ta là những kẻ vô dụng mà.” Tuyết Hoa nhỏm dậy. Tôi có thể nhìn thấy khuôn mặt của cô dưới ánh trăng. “Bạn biết điều đó mà, đúng không?”

“Những người đàn bà là mẹ của những đứa con trai,” tôi sửa lời cô. Điều này đảm bảo vị trí của tôi trong gia đình chồng. Chắc chắn là con trai của Tuyết Hoa cũng sẽ đảm bảo cho vị trí ấy của cô.

“Mình biết, là mẹ của những đứa con trai… nhưng…”

“Vì thế con gái sẽ là bầu bạn của chúng ta.”

“Mình đã mất hai…”

“Tuyết Hoa, lẽ nào bạn không muốn con gái của chúng ta sẽ trở thành lão đồng?” Ý nghĩ rằng có thể cô không muốn nhói lên trong óc tôi.

Cô nhìn tôi và nở một nụ cười buồn. “Tất nhiên, nếu chúng ta cùng có con gái. Chúng ta sẽ có thể duy trì tình yêu của đôi ta ngay cả sau khi đã sang thế giới bên kia.”

“Tốt, thỏa thuận rồi nhé. Nào, giờ thì nằm xuống cạnh mình. Dãn lông mày ra. Đây là khoảnh khắc hạnh phúc. Hãy để chúng ta cùng hạnh phúc bên nhau.”

Chúng tôi trở lại Phủ Vĩ với hai đứa con gái mới sinh vào mùa xuân năm sau. Ngày sinh của chúng không trùng nhau. Chúng tôi tháo tã của cả hai đứa ra và cầm bàn chân chúng lên đặt cạnh nhau. Dù mới đẻ nhưng cỡ chân của chúng đã khác nhau. Lẽ ra tôi có thể nhìn con gái tôi, Bích Ngọc, bằng đôi mắt thiên vị của một người mẹ, nhưng thậm chí là vậy tôi vẫn thấy con gái của Tuyết Hoa, Xuân Nguyệt, xinh đẹp hơn so với con tôi. Nước da của Bích Ngọc quá đen so với người nhà họ Lữ, trong khi nước da của Xuân Nguyệt trắng tựa hoa mai. Tôi hy vọng Bích Ngọc sẽ cứng rắn như viên ngọc tên nó và mong cho Xuân Nguyệt mạnh khỏe hơn cô em họ của tôi, người mà Tuyết Hoa muốn tưởng nhớ khi đặt tên cho con gái cô. Không có điểm nào trong số tám đặc điểm phù hợp với nhau, nhưng chúng tôi không quan tâm. Lớn lên những đứa bé này sẽ là lão đồng của nhau.

Chúng tôi mở chiếc quạt ra và cùng nhìn vào cuộc đời của hai đứa. Bao nhiêu niềm vui đã được lưu giữ ở đây. Cuộc kết giao của chúng tôi. Hôn nhân của chúng tôi. Lúc sinh hai đứa con trai đầu lòng. Khi sinh những đứa con gái. Cuộc kết giao trong tương lai của chúng. “Một ngày nào đó, hai cô bé sẽ gặp gỡ và trở thành lão đồng,” tôi viết. “Chúng sẽ trở thành đôi uyên ương. Một cặp uyên ương khác - những trái tim hân hoan - sẽ cùng nhau ngồi trên chiếc cầu và nhìn đôi uyên ương bé nhỏ đó bay lên.” Trên vòng lá ở mép quạt, Tuyết Hoa vẽ hai đôi cánh nhỏ đang bay về phía mặt trăng. Một đôi chim khác, nép mình vào nhau, nhìn theo.

Khi chúng tôi làm xong, chúng tôi ngồi cạnh nhau, đu đưa hai đứa bé trong tay. Tôi thấy rất vui, nhưng không phải không nhận ra rằng bất chấp những quy tắc kết giao lão đồng là chúng tôi đang phá vỡ cấm kỵ.

 

 

HAI NĂM SAU, Tuyết Hoa gửi cho tôi một lá thư thông báo rằng cuối cùng cô cũng sinh được đứa con trai thứ hai. Cô phấn khởi lắm và tôi cũng rất vui, tin rằng địa vị của cô ở nhà chồng sẽ được nâng lên. Nhưng chúng tôi chẳng có nhiều thời gian để mà vui mừng, vì ba ngày sau huyện tôi nhận được tin buồn. Vua Đạo Quang băng hà. Cả huyện than khóc, mặc dù thái tử đã lên ngôi kế vị, lấy hiệu Hàm Phong.

Tôi đã học được, từ kinh nghiệm xương máu của gia đình Tuyết Hoa, rằng khi một vị vua băng hà thì triều đình của ngài cũng sẽ bị thất sủng cho nên mỗi lần chuyển giao vương quyền là lại xuất hiện sự náo loạn và bất ổn, không chỉ trong hoàng cung mà còn trên khắp đất nước. Vào bữa tối, khi bố mẹ chồng tôi, chồng tôi và các chú em chồng thảo luận với nhau về những chuyện xảy ra bên ngoài Thông Khẩu, tôi chăm chú lắng nghe những chuyện mà tôi không thể bỏ qua được. Quân nổi loạn gây rắc rối ở đâu đó và các địa chủ đang gây sức ép nhằm tăng địa tô với tá điền. Tôi thấy cảm thông với những người nông dân - như những người ở nhà tôi - phải hứng chịu khổ sở, nhưng thật ra những chuyện đó còn xa mới tước đi sự sung túc an nhàn của gia đình họ Lữ.

Thế rồi chú Lữ mất địa vị và quay về Thông Khẩu. Khi ông bước ra khỏi kiệu của mình, tất cả chúng tôi đều khấu đầu. Khi ông bảo chúng tôi đứng dậy, tôi trông thấy một người đàn ông đã già vận chiếc áo choàng bằng lụa. Ông có hai nốt ruồi trên mặt. Mọi người đều thích thú sợi râu mọc trên nốt ruồi của mình, nhưng sợi râu trên nốt ruồi của chú Lữ thật hoành tráng. Ông có ít nhất là mười sợi râu - trông thô cứng và đã bạc trắng, dài cỡ ba phân - mọc ra từ mỗi nốt ruồi. Khi đã hiểu rõ hơn về ông, tôi thấy ông thích nghịch nghịch những sợ râu đó, nhẹ nhàng vuốt chúng để khuyến khích chúng mọc dài thêm.

Đôi mắt còn tinh tường của ông lướt qua từng khuôn mặt trước khi dừng lại ngắm gương mặt đứa con trai lớn của tôi. Con trai tôi nay đã được tám tuổi. Chú Lữ, lẽ ra phải chào anh trai của mình trước, nhưng ông lại đưa bàn tay gân guốc ra đặt lên vai của con trai tôi. “Hãy đọc đủ thiên kinh vạn quyển,” ông nói, giọng sang sảng vẻ dạy bảo nhưng đã đổi khác đi nhiều do bao năm sống nơi kinh thành, “và văn vẻ của cháu sẽ trơn tru như nước. Nào, bé con, dẫn ông về nhà nào.” Dứt lời, người đàn ông đáng kính nhất trong gia đình nắm lấy tay con trai tôi, và cả hai cùng nhau bước qua cổng thôn.

 

HAI NĂM NỮA trôi qua. Tôi lại sinh đứa con trai thứ ba, và tất cả chúng tôi đều phải làm việc vất vả để giữ mọi thứ như vốn có, nhưng ai cũng có thể thấy rằng việc chú Lữ bị thất sủng cộng với cuộc nổi loạn chống lại việc tăng địa tô khiến cuộc sống không còn được như trước nữa. Bố chồng tôi bắt đầu hút thuốc lá ít hơn và chồng tôi dành nhiều thời gian ngoài đồng hơn, thỉnh thoảng còn tự tay mang cuốc vác cày ra đồng làm cùng các nông phu. Ông thầy rời đi và chú Lữ đảm nhiệm việc dạy dỗ cho con trai lớn của tôi. Và trong căn buồng trên gác, những cuộc cãi vã giữa các bà vợ và bà thiếp ngày càng nhiều vì những món quà thông thường như vải lụa và chỉ thêu ngày càng ít đi.

Khi Tuyết Hoa và tôi gặp nhau tại nhà bố mẹ tôi hằng năm, tôi ít khi dành thời gian cho gia đình mình. Ồ, chúng tôi đã ăn cùng nhau và ngồi ngoài trời vào buổi đêm như cái thuở tôi còn là con gái, nhưng bố mẹ không phải là lý do để tôi về thăm nhà. Tôi chỉ muốn gặp và ở bên Tuyết Hoa thôi. Chúng tôi đều đã sang tuổi ba mươi và có hai mươi ba năm là lão đồng của nhau. Thật khó có thể tin rằng thời gian trôi qua lâu đến vậy và tôi với Tuyết Hoa đã có thời tâm tình gần gũi đến thế. Tôi yêu quý Tuyết Hoa vì là lão đồng, nhưng thời giờ của tôi nay bị chiếm dụng bởi việc nội trợ và chăm sóc lũ trẻ. Tôi đã là mẹ của ba đứa con trai và một đứa con gái, còn cô cũng đã có hai đứa con trai và một đứa con gái. Chúng tôi có một mối quan hệ tình cảm mà chúng tôi tin rằng sẽ không bao giờ tan vỡ và sâu sắc hơn cả mối ràng buộc với nguời chồng của chúng tôi, nhưng sự nồng thắm trong tình cảm của chúng tôi đã phai nhạt. Chúng tôi không lo lắng về điều này, vì mọi mối quan hệ sâu sắc đều phải chịu đựng hoàn cảnh thực tế của những ngày gạo và muối. Chúng tôi biết rằng đến những ngày ngồi im lặng, chúng tôi lại trở về như cũ với nhau. Còn bây giờ, chúng tôi chỉ có thể cùng nhau chia sẻ cuộc sống đời thường càng nhiều càng tốt.

Bên nhà chồng Tuyết Hoa, cô em chồng cuối cùng đã đi lấy chồng, Tuyết Hoa không còn phải làm những việc mà trước đây cô phải làm cho họ. Bố chồng cô cũng đã mất. Con lợn ông ta làm thịt lồng lên lúc giãy chết mạnh đến mức con dao văng khỏi tay ông ta và cắm một nhát sâu hoắm tới tận xương trên cánh tay ông ta; ông ta chết vì mất máu ở ngưỡng cửa nơi ông ta đã giết biết bao nhiêu con lợn. Giờ thì chồng của Tuyết Hoa đã thành chủ gia đình, mặc dù anh ta - và tất cả mọi người sống dưới mái nhà đó - vẫn chịu sự điều khiển của bà mẹ. Biết rằng Tuyết Hoa không có gì và cũng chẳng còn ai bênh vực, mẹ chồng cô càng tìm cách châm chọc cô nhiều hơn, còn chồng cô thì ngày càng ít bênh vực cô hơn. Tuy nhiên, Tuyết Hoa lại tìm thấy niềm vui với thằng bé thứ hai, từ đứa bé còn ẵm ngửa nay đã lớn lên thành một thằng bé khỏe mạnh đang chập chững bước đi. Mọi người đều yêu quý thằng bé, họ chắc rằng đứa con trai đầu sẽ không sống nổi đến khi sinh nhật mười tuổi, chứ nói gì đến tuổi hai mươi.

Mặc dù hoàn cảnh của Tuyết Hoa không được cao quý như tôi, song cô lại chịu khó để ý và nghe ngóng hơn tôi. Lẽ ra tôi đã phải nghĩ đến chuyện này. Cô luôn luôn để ý đến việc bên ngoài hơn tôi. Cô giải thích cho tôi rằng quân phiến loạn mà tôi vẫn nghe kể được gọi là quân Thái Bình và họ muốn đạt được một trật tự hài hòa hơn. Cũng giống như người Dao, họ tin rằng ma quỷ, thần thánh chi phối mùa màng, sức khỏe, và chuyện sinh con trai. Quân Thái Bình cấm rượu, thuốc phiện, cờ bạc, nhảy múa và thuốc lá. Họ cho rằng cần phải tịch thu đất đai của địa chủ, những kẻ sở hữu tới chín phần đất đai và tận thu tới bảy phần hoa lợi, và những người lao động trên đồng sẽ phải được chia đều hoa lợi. Ở tỉnh chúng tôi, hàng trăm ngàn người đã bỏ nhà đi theo quân Thái Bình và chiếm đóng nhiều thôn mạc, thành phố. Cô kể về vị lãnh tụ của quân khởi nghĩa, người tin rằng mình là con trai của một vị thần nổi tiếng, về lãnh địa gì đó mà ông ta gọi là Thái Bình Thiên Quốc, về sự ghê tởm của ông ta đối với người ngoại quốc và chế độ mục nát này. Tôi không thể hiểu nổi những điều Tuyết Hoa cố gắng kể cho tôi nghe. Với tôi, một người ngoại quốc là ai đó đến từ một huyện khác. Tôi chỉ sống trong bốn bức tường của căn buồng trên gác, còn đầu óc Tuyết Hoa thì lúc nào cũng bay bổng tới những vùng đất xa xôi, nhìn ngắm, tìm kiếm, và thắc mắc.

Khi tôi trở về nhà chồng và hỏi chồng tôi về quân Thái Bình, anh chỉ bảo, “một người vợ chỉ nên chăm sóc cho các con mình và lo sao cho gia đình được êm ấm hạnh phúc. Nếu gia đình nàng làm nàng băn khoăn về chuyện đó, thì lần sau ta sẽ không cho phép nàng về nữa đâu.”

Từ đó tôi không bao giờ dám hé một lời về chuyện bên ngoài nữa.

 

 

THIẾU MƯA và mùa màng thất thu khiến mọi người ở Thông Khẩu đều bị đói - từ đứa con gái thứ tư thấp kém nhất cho đến chú Lữ - nhưng tôi cũng chưa thấy lo lắng cho đến khi thấy kho thóc bắt đầu trống trơn. Chẳng mấy chốc mẹ chồng tôi bắt đầu đặt ra những quy tắc cấm rót trà tràn ra ngoài và đốt lửa quá to trong lò. Bố chồng tôi cố nhịn không gắp nhiều thịt trong đĩa thức ăn chính, để các cháu trai của mình ăn những thực phẩm quý giá này trước. Chú Lữ, người từng sống trong hoàng cung, không hề than thở một lời, trừ khi là về tình cảnh thất thế của ông, ông lại càng đòi hỏi con trai tôi khe khắt hơn, hy vọng rằng thằng bé sẽ đưa gia đình trở lại thời kỳ thịnh vượng.

Điều này gây trở ngại cho chồng tôi. Đêm đến, khi tắt đèn đi ngủ, anh tâm sự với tôi: “Chú Lữ nhìn thấy điều gì đó ở con trai chúng ta, và ta rất vui khi chú nhận dạy dỗ thằng bé. Nhưng giờ ta nhìn về phía trước và thấy rằng lẽ ra chúng ta nên gửi nó đi để theo đuổi việc học hành của nó. Làm sao chúng ta có thể làm được việc đó khi cả huyện đều biết rằng chúng ta sẽ phải bán ruộng đi để mua lương thực?” Trong bóng tối, chồng tôi nắm lấy tay tôi. “Bách Huệ, ta có một ý này và cha cũng cho là hay, nhưng ta lo cho nàng và các con trai của chúng ta.”

Tôi chờ đợi, sợ hãi những gì anh sắp nói.

“Người ta cần một số thứ để sống,” anh nói tiếp. “Không khí, ánh nắng, nước và củi thì sẵn có, nếu không muốn nói là luôn thừa thãi. Nhưng muối thì không như vậy, mà mọi người đều cần muối để sống.”

Tay tôi siết chặt lấy tay anh. Vậy ý định của anh là gì đây?

“Ta đã hỏi cha xem liệu ta có thể đem theo số tiền dự trữ cuối cùng của nhà mình,” anh nói, “để đến Quế Lâm, mua muối, và mang về đây bán hay không. Cha đã cho phép rồi.”

Có nhiều hiểm họa hơn so với những gì tôi có thể chỉ ra. Quế Lâm là tỉnh bên cạnh. Để tới được đó, chồng tôi sẽ phải đi qua vùng quân khởi nghĩa chiếm đóng. Những người không tham gia nghĩa quân là những nông dân bị cắt hết đường sống mất nhà mất cửa và trở thành thổ phỉ chặn cướp những người dám đi qua vùng đó. Buôn muối vốn dĩ là một việc nguy hiểm, đó là một trong những lý do khiến muối luôn luôn khan hiếm như thế. Lái buôn muối ở tỉnh chúng tôi có những đội quân của riêng họ, còn chồng tôi thì đơn độc. Anh chưa từng đối phó với các thủ lĩnh phiến quân và đám lái buôn xảo quyệt. Nếu tất cả những điều này còn chưa đủ, thì đầu óc đàn bà của tôi còn tưởng tượng ra rằng chồng tôi sẽ gặp nhiều người đàn bà xinh đẹp ở Quế Lâm. Nếu anh thành công trong chuyến đi này, có thể anh sẽ mang theo một vài người nữa về làm thiếp. Sự yếu đuối của đàn bà vuột thốt ra khỏi miệng tôi trước tiên.

“Xin đừng ngắt những đóa hoa dại,” tôi nài nỉ anh, dùng lối uyển ngữ về loại đàn bà mà có thể anh sẽ gặp phải.

“Giá trị của một nguời vợ là ở cái nết, đâu phải ở cái đẹp,” anh bảo đảm. “Nàng đã sinh cho ta những đứa con trai. Thân xác ta có thể lênh đênh phương xa, nhưng mắt ta sẽ không khi nào nhìn những gì ta không nên nhìn.” Anh ngừng lại, rồi nói tiếp, “hãy chung thủy, tránh mọi cám dỗ, vâng lời mẹ ta, và chăm sóc các con chu đáo nhé.”

“Thiếp sẽ không làm tệ hơn,” tôi hứa. “Nhưng thiếp không lo cho mình.”

Tôi cố nói với chàng về những nỗi lo khác, nhưng chàng đáp lại, “chúng ta phải ngừng sống tiếp vì một số người không hạnh phúc ư? Chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng những con đường và những dòng sông. Chúng thuộc về mọi người dân trên đất nước Trung Hoa này.”

Anh nói là có thể sẽ đi xa một năm.

 

TỪ LÚC chồng tôi đi, tôi thấy lo lắng. Ngày tháng trôi đi, nỗi lo âu và hoảng sợ trong tôi càng ngày càng lớn lên. Nếu có điều gì đó xảy đến với anh, điều gì sẽ xảy ra với tôi? Là một bà góa, tôi sẽ có rất ít lựa chọn. Vì các con tôi còn quá nhỏ để có thể chăm sóc cho tôi, có thể bố chồng tôi sẽ bán tôi cho một người đàn ông khác. Biết rằng nếu chuyện đó xảy ra, tôi sẽ không bao giờ còn gặp lại các con mình nữa, tôi đã hiểu vì sao có nhiều bà góa tự vẫn đến thế. Nhưng tôi không định ngồi khóc hoài khóc hủy vì những chuyện có thể xảy ra. Bề ngoài tôi cố tỏ ra điềm tĩnh khi ở căn buồng trên gác, dù trong thâm tâm tôi khổ sở vì lo lắng cho sự an toàn của chồng tôi.

Khao khát được nhìn thấy đứa con trai đầu lòng hòng xoa dịu lòng mình đôi chút, tôi đã làm một việc trước đây tôi chưa bao giờ làm. Mỗi ngày tôi mang trà cho những người đàn bà trong buồng nhiều lần; rồi khi đã xuống nhà, tôi ngồi lặng lẽ cách một quãng đủ để nghe thấy chú Lữ giảng bài cho con trai tôi.

“Thiên, Địa, Nhân thị vị tam tài,” con trai tôi lặp lại. “Nhật, Nguyệt, Tinh thị vị tam quang. Những cơ hội do Trời mang lại không bằng những thuận lợi mà Đất ban cho, những thuận lợi Đất ban cho lại chẳng sánh nổi hạnh phúc do sự hòa hợp giữa con người đem tới.”

“Mọi đứa trẻ đều có thể nhớ những lời này, nhưng ý nghĩa của nó là gì nào?” chú Lữ giọng nghiêm khắc đòi một câu trả lời chính xác.

Bạn nghĩ là con trai tôi có thể trả lời sai ư? Không đâu, và tôi sẽ kể cho bạn nghe lý do tại sao. Nếu nó không trả lời đúng hay nhắc lại không chính xác, chú Lữ sẽ quật vào bàn tay nó thật đau bằng roi mây. Nếu hôm sau nó nói sai, nó sẽ ăn đòn gấp đôi.

“Trời ban bốn mùa cho con người, nhưng nếu không cho Đất phì nhiêu, thì điều đó chỉ là vô dụng,” con trai tôi trả lời. “Và đất đai phì nhiêu cũng vô dụng nếu không có sự hòa hợp giữa con người.”

Ngồi trong góc tối, tôi mỉm cười hãnh diện, nhưng chú Lữ không kết thúc bài học chỉ nhờ một câu trả lời đúng.

“Rất tốt. Nào, bây giờ chúng ta sẽ nói về đế quốc. Nếu con làm cho gia đình mình thịnh vượng và tuân theo những luật lệ ghi trong Kinh Lễ, thì gia đình sẽ yên bình trật tự. Mọi gia đình đều yên bình trật tự thì đất nước sẽ yên ổn, ngôi vua sẽ vững vàng. Nhưng cuộc nổi loạn này sẽ làm nảy sinh cuộc nổi loạn khác, chả mấy chốc sẽ dẫn đến bạo loạn. Cậu bé, chú ý nhé. Gia đình chúng ta sở hữu nhiều đất đai. Ông nội của con quản lý nó khi ta đi vắng, nhưng giờ mọi người đều biết ta không còn quan hệ gì với triều đình nữa. Bọn họ đã thấy và nghe nói về những cuộc nổi loạn; chúng ta phải rất, rất cẩn thận.”

Nhưng điều khiến ông sợ hãi đến thế không phải là do cuộc nổi dậy của quân Thái Bình. Điều tôi nghe được cuối cùng trước khi những vận xấu giáng xuống đầu chúng tôi là Tuyết Hoa lại có mang. Tôi thêu tặng cô một chiếc khăn tay chúc cô khỏe mạnh và hạnh phúc trong những tháng sắp tới, rồi trang trí hình một con cá bạc nhảy lên khỏi mặt nước xanh, tin rằng đó là hình ảnh tốt lành và tươi mát nhất tôi có thể thêu tặng ai đó có mang vào mùa hè.

 

NĂM ĐÓ cái nóng rang người đến sớm. Còn quá sớm để quay về nhà bố mẹ đẻ của tôi, nên đám đàn bà chúng tôi và những đứa trẻ cứ phải ở trong buồng phụ nữ mòn mỏi chờ đợi, chờ đợi, và chờ đợi. Khi tiết trời ngày càng nóng bức, những người đàn ông ở Thông Khẩu và mấy thôn xung quanh dắt trẻ con ra sông bơi lội. Đó cũng chính là dòng sông nơi tôi ngâm đôi chân mình trong dòng nước mát của nó khi còn bé, vì thế tôi rất thích thú khi bố chồng và các em trai chồng tôi bảo sẽ đưa mấy đứa trẻ ra sông. Nhưng đó cũng chính là dòng sông mà những cô gái chân to giặt giũ và - khi nước trong các giếng trở nên chua lòm vì ấu trùng sâu - đi xách nước về để nấu nướng và uống.

Ca thương hàn đầu tiên xuất hiện tại thôn lớn nhất trong huyện - thôn Thông Khẩu của tôi. Nó rơi đúng vào cậu quý tử của một trong những tá điền của gia đình chúng tôi, sau đó lan ra khắp cả nhà và giết chết không chừa một ai. Khi mắc phải người bệnh có triệu chứng sốt, kèm theo cơn đau đầu dữ dội, rồi bụng đau quặn lên. Thỉnh thoảng kèm theo cơn ho đến khản cổ, hay nổi đầy mẩn đỏ. Nhưng một khi đã bị tiêu chảy, thì cái chết thảm thương sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Ngay khi biết tin đứa trẻ đó mắc bệnh, chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Đầu tiên đứa trẻ chết, sau đó đến các em trai và em gái của nó, rồi mẹ nó, bố nó. Đó là những chuyện mà chúng tôi vẫn nghe đi nghe lại, vì người mẹ không thể bỏ mặc đứa con bệnh tật của mình và người chồng thì không thể bỏ mặc người vợ sắp chết. Chẳng mấy chốc tất cả các thôn đều có người mắc bệnh.

Nhà họ Lữ đóng cửa không tham gia vào đời sống của thôn nữa. Tôi tớ trong nhà đi sạch cả, có thể là bố chồng tôi đã cho họ đi, cũng có thể là vì sợ bệnh mà bỏ chạy. Cho đến hôm đó, tôi vẫn không hề biết chuyện. Những người đàn bà trong gia đình tôi kéo hết lũ trẻ lên căn buồng phụ nữ, tin rằng đó là nơi an toàn nhất. Đứa con trai còn ẵm ngửa của cô em dâu thứ ba là đứa đầu tiên xuất hiện những triệu chứng. Trán nó khô và nóng ran. Hai má nó ửng đỏ lên. Tôi nhận thấy điều đó và đưa các con mình vào buồng ngủ của vợ chồng tôi. Tôi gọi thằng lớn về. Không có chồng tôi ở đây, lẽ ra tôi phải đầu hàng khát vọng muốn ở cùng ông chú vĩ đại của nó và những người đàn ông khác trong nhà, nhưng tôi không cho nó sự lựa chọn nào cả.

“Chỉ khi nào mẹ rời khỏi căn buồng này,” tôi nói với đàn con. “Anh cả sẽ đảm trách trông chừng các con khi mẹ không có ở đây. Các con phải nhất nhất nghe lời anh đấy nhé.”

Mỗi ngày trong cái mùa đáng sợ đó, tôi chỉ rời khỏi phòng một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối. Biết rõ cách căn bệnh này lây lan từ ngư 5f14 ời bị nhiễm bệnh, tôi tự tay mang chiếc bô trong buồng ra ngoài đổ đi, thận trọng tránh không để bất cứ thứ gì từ khu đổ phân chạm vào tay, chân, quần áo hay chiếc bô của chúng tôi. Tôi kéo thứ nước đen đen từ giếng, đun sôi lên và sau đó lọc đi sạch và trắng hết mức có thể. Tôi cũng lo ngại về thức ăn, nhưng chúng tôi vẫn phải ăn. Tôi không biết phải làm gì. Liệu mẹ con tôi có nên ăn những thực phẩm chưa đun nấu, lấy trực tiếp ở vườn nhà không? Nhưng khi tôi nghĩ về việc phân được sử dụng trên những cánh đồng thế nào và cách mà bệnh tật lan ra bao nhiêu như thế, tôi biết là không nên làm vậy. Tôi nhớ lại một món mẹ tôi luôn nấu cho ăn khi tôi ốm - cháo. Tôi bèn nấu nó mỗi ngày hai lần.

Thời gian còn lại chúng tôi nhốt mình trong buồng. Suốt ngày, chúng tôi nghe thấy người ta chạy đi chạy lại. Tối đến, những tiếng la hét vì đau đớn từng đợt từng đợt của trẻ bị bệnh và tiếng khóc đau khổ của những người mẹ vọng đến tai chúng tôi. Sáng ra, tôi áp tai vào cửa để nghe ngóng tin tức về những người vừa mới qua đời. Những người thiếp, vì không có ai chăm sóc họ ngoài chính bản thân họ, hẳn sẽ chết trong đau đớn và cô độc nếu không có người đàn bà mà xưa nay họ vẫn âm mưu chống lại.

Bất kể ngày hay đêm, tôi luôn phấp phỏng về Tuyết Hoa và chồng tôi. Liệu cô có thử cách phòng bệnh giống như tôi đang làm không? Cô có khỏe không? Liệu cô có chết không? Liệu có phải đứa con trai đầu lòng thảm hại của cô đã mắc bệnh rồi qua đời? Phải chăng cả gia đình bên đó đều chết hết cả? Còn chồng tôi hiện giờ ra sao? Có phải anh đã chết ở một phủ khác hay trên đường đi rồi không? Nếu có điều gì xảy ra cho một trong hai người ấy, tôi không biết mình sẽ làm gì nữa. Tôi cảm thấy mình bị giam cầm trong sợ hãi.

Buồng ngủ của tôi chỉ có một cửa sổ, mà nó lại quá cao để tôi có thể trông ra bên ngoài. Mùi của những cái xác nhiễm bệnh và trương phình lên đặt trước các nhà lan khắp bầu không khí ẩm ướt. Chúng tôi bịt mũi, bịt miệng, nhưng vẫn không ngăn được mùi - mùi hôi thối làm mắt chúng tôi hoa lên và lưỡi mất hết cả cảm giác. Trong đầu mình tôi điểm lại những việc phải làm: thường xuyên cầu khấn Phật Bà phù hộ. Quấn lũ trẻ bằng vải đỏ thẫm. Quét buồng một ngày ba lần để làm cho ma quỷ đi săn lùng nạn nhân hoảng sợ bỏ chạy. Tôi cũng liệt kê mọi thứ phải nhịn: không ăn đồ rán, không ăn đồ xào. Nếu chồng tôi có nhà, chúng tôi cũng sẽ không ân ái. Nhưng anh lại đang đi vắng, và tôi chỉ phải thận trọng cho chính mình.

Một hôm khi tôi nấu cháo đặc, mẹ chồng tôi vào bếp với con gà chết trên tay.

“Có cố giữ những thứ này cũng chẳng ích gì,” bà nói cộc cằn. Khi bà tháo khớp xương gà và băm tỏi, bà nhắc nhở, “các con cô sẽ chết vì không có thịt và rau. Cô sẽ làm chúng chết đói mất trước khi chúng kịp mắc bệnh.”

Tôi nhìn chằm chằm vào con gà. Tôi muốn ứa nước miếng và bụng tôi bắt đầu sôi lên, nhưng lần đầu tiên từ khi lấy chồng tôi phải giả điếc. Tôi không trả lời. Tôi chỉ múc cháo vào bát và đặt vào khay. Trên đường về buồng mình, tôi dừng lại trước cửa phòng chú Lữ, gõ cửa, và mang một bát cho chú. Bạn thấy không, tôi phải làm như vậy? Chú không chỉ là người cao tuổi nhất và đáng kính nhất trong gia đình tôi mà còn là thầy của con trai tôi. Thánh hiền xưa vẫn dạy rằng, trong các mối quan hệ rường cột, quan hệ thầy trò chỉ đứng sau quan hệ cha con.

Còn những bát cháo khác tôi chia cho các con tôi. Khi Bích Ngọc cự nự rằng cháo gì mà chẳng có hành, chẳng có thịt, thậm chí cũng không có dưa muối, tôi tát nó một cái trời giáng. Những đứa khác đành nuốt hết mọi lời than phiền, trong khi chị của chúng mím môi và gạt nước mắt. Tôi chẳng buồn chú ý đến chuyện đó, chỉ cầm lấy cây chổi và lại quét nhà.

Nhiều ngày trôi qua và vẫn chưa có triệu chứng nào trong buồng của chúng tôi, nhưng giờ đến lượt tiết trời nóng ngột ngạt bủa vây chúng tôi, khiến mùi hôi thối của những người bệnh và xác chết càng xông lên nồng nặc. Một tối nọ, khi bước vào bếp, tôi thấy cô em dâu thứ ba đứng giữa căn phòng tối om vận đồ tang trắng từ đầu đến chân trông như một bóng ma. Nhìn vẻ ngoài của cô ta tôi đoán là chồng và những đứa con của cô ta hẳn đã chết. Tôi đứng chết trân tại chỗ trước ánh mắt trống rỗng, vô hồn của cô ta. Cô ta không nhúc nhích, mà cũng chẳng nhận ra là tôi chỉ cách trước mặt cô ta một mét. Tôi sợ đến mức không quay trở lại hay bước tiếp được nữa. Ngoài kia, tôi nghe thấy tiếng cú đêm kêu thảm thiết và tiếng phì phò của những con trâu. Trong lúc hoảng hốt, tôi chợt có một ý nghĩ ngớ ngẩn. Tại sao những con vật ấy không chết quách đi? Hay là chúng đang chết mà chẳng còn ai để nói cho tôi biết?

“Đồ con lợn vô dụng!” Một giọng ác nghiệt và chát chúa vang lên từ đằng sau tôi.

Cô em dâu thứ ba không hề chớp mắt, nhưng tôi quay lại để xem ai vừa nói. Là mẹ chồng tôi. Búi tóc của bà sổ tung và xõa xuống mặt thành từng làn trơn óng. “Lẽ ra chúng ta không nên rước mày về nhà này làm gì. Mày đang hủy hoại cả dòng tộc nhà họ Lữ, đồ tởm lợm, đồ con lợn bẩn thỉu.”

Mẹ chồng tôi thẳng tay giáng một cái tát vào mặt cô em dâu thứ ba, cô ta chẳng còn chút ý thức nào để mà chùi rửa mặt mày lem luốc của mình nữa. 

“Tao nguyền rủa mày,” mẹ chồng tôi nói, mặt bà đỏ gay vì giận dữ và đau đớn. “Tao muốn mày chết luôn đi. Nếu mày không chết - cầu trời, hãy làm nó phải đau đớn quằn quại - ông chủ Lữ sẽ bán mày cho người khác vào mùa thu này. Nhưng nếu là tao, tao sẽ không để mày được sống mà nhìn thấy mặt trời.”

Dứt lời, mẹ chồng tôi, không biết có sự hiện diện của tôi, quay ngoắt đi, vịn vào tường, rồi lảo đảo rời khỏi bếp. Tôi quay lại chỗ cô em dâu, trông có vẻ như đã lạc ra khỏi thế giới này. Mọi thứ đều mách bảo tôi rằng cái việc tôi sắp làm là sai lầm, sai lầm nhưng tôi vẫn đưa tay ra, ôm lấy cô ta, và dẫn cô đến chiếc ghế. Tôi đun nước, rồi bằng tất cả lòng can đảm, tôi có thể thấy mình đang nhúng mảnh khăn vào xô nước lạnh và lau mặt cho cô em dâu. Tôi ném chiếc khăn vào lò than và nhìn nó bốc cháy. Khi nước sôi, tôi pha một ấm trà, rót ra một tách cho cô em dâu tôi, và đặt trước mặt cô ta. Cô ta không cầm lấy nó. Tôi không biết mình có thể làm gì hơn được nữa, vì thế tôi bắt đầu nấu cháo, nhẫn nại quấy dưới đáy nồi để gạo không bị dính hay cháy.

“Tôi thấy căng thẳng khi nghe bọn trẻ la khóc. Tôi tìm chồng mình khắp nơi.” Cô em dâu thứ ba lẩm bẩm. Tôi quay lại nhìn cô, nghĩ cô đang nói chuyện với mình. Nhưng đôi mắt cô ta lại bảo cho tôi biết là không phải. “Nếu tôi tái giá, làm thế nào tôi có thể gặp lại chồng và các con tôi ở thế giới bên kia bây giờ?”

Tôi không tìm được lời nào khả dĩ an ủi cô, vì chẳng có từ nào cả. Cô ta không có một cái cây lớn để tựa vào mà cũng không có quả vững chãi ở đằng sau che chở. Cô lắc lư ra khỏi gian bếp trên đôi gót sen mỏng manh, yếu ớt như chiếc đèn được thả lên trời trong lễ hội hoa đăng và bị gió cuốn bay xa. Tôi quay lại quấy nồi cháo.

Sáng hôm sau, khi tôi xuống nhà, có vẻ như có sự thay đổi nào đó. Dũng Cảm và hai người hầu khác đã quay về và đang lau dọn căn bếp và chất đống củi đốt. Dũng Cảm báo cho tôi biết là mọi người phát hiện ra em dâu thứ ba đã chết vào sáng sớm. Cô ta đã tự vẫn bằng cách nuốt thuốc tẩy quần áo. Tôi vẫn thường tự hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra nếu cô ta đợi thêm vài giờ nữa, vì vào bữa trưa mẹ chồng tôi bắt đầu lên cơn sốt. Hẳn là bà đã mắc bệnh vào đêm hôm trước khi bà nghiệt ngã đến thế.

Giờ đây tôi chỉ có một lựa chọn kinh khủng. Tôi đã cố gắng bảo vệ lũ con tôi bằng cách nhốt chúng trong buồng, nhưng trách nhiệm của một người con dâu cả đối với bố mẹ chồng cao hơn hẳn mọi việc khác. Hầu hạ họ không có nghĩa chỉ là dâng trà vào buổi sáng, giặt giũ quần áo cho họ, hay nghe lời mắng chửi mà vẫn phải giữ bộ mặt tươi cười. Hầu hạ họ có nghĩa là phải tôn kính họ hơn bất cứ ai - hơn cả bố mẹ tôi, hơn cả chồng tôi, hơn cả con tôi. Trong khi chồng tôi thì đi xa, tôi phải quên đi nỗi sợ hãi bệnh tật, gạt bỏ mọi tình cảm với con cái ra khỏi trái tim mình, và làm mọi việc đúng đắn. Nếu tôi không làm thế và mẹ chồng tôi mất đi, tôi sẽ mang nỗi nhục đó suốt đời.

Nhưng tôi không bỏ mặc lũ con tôi dễ dàng như vậy. Các cô em dâu khác của tôi cùng gia đình họ đều ở hết trong phòng mình. Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra sau những cánh cửa đóng kín ấy. Có thể họ đã đổ bệnh hết thảy. Có thể họ đã chết hết cả rồi. Tôi cũng không thể tin tưởng để bố chồng tôi chăm sóc các con tôi. Chẳng phải là ông đã ngủ cùng vợ mình đêm qua sao? Biết đâu ông lại là người đổ bệnh tiếp theo? Và tôi không hề thấy mặt chú Lữ từ khi bệnh dịch bắt đầu hoành hành, mặc dù buổi sáng và buổi tối ông vẫn bỏ chiếc bát không trước cửa phòng mình để tôi múc cháo vào.

Tôi ngồi trong bếp, những ngón tay đan vào nhau lo lắng. Dũng Cảm bước vào, quỳ xuống trước mặt tôi và nói, “con sẽ trông chừng các cô cậu.”

Tôi nhớ lại con bé đã hộ tống tôi đến nhà Tuyết Hoa ngay sau lễ cưới, đã chăm sóc tôi khi tôi sinh con, đã trung thành và kín đáo ra sao khi mang những lá thư của tôi đến cho lão đồng. Con bé đã làm tất cả những việc đó vì tôi, và bao lâu nay tôi không hề để ý rằng từ một con bé mười tuổi nay nó đã là một thiếu nữ cao lớn chân to ở tuổi hai mươi tư. Với tôi, nó vẫn xấu xí như cái bĩm lợn, nhưng tôi biết nó chưa mắc bệnh và nó sẽ chăm sóc những đứa con của tôi như con của chính mình.

Tôi chỉ bảo con bé tỉ mỉ là tôi muốn nước và thức ăn của lũ trẻ phải được chuẩn bị như thế nào, rồi tôi đưa cho nó con dao để phòng khi tình hình trở nên tồi tệ hơn và con bé phải gác cửa. Dặn dò con bé xong xuôi, tôi đành phó mặc những đứa con của mình cho số mệnh và chú tâm chăm sóc bố mẹ chồng. 

Năm ngày sau đó, tôi chăm sóc mẹ chồng tôi bằng tất cả mọi phương cách mà một cô con dâu có thể làm. Tôi lau rửa nửa người bên dưới của bà vì bà không còn đủ sức để đi vào bô nữa. Tôi cũng nấu cháo cho bà như tôi đã nấu cho các con tôi; rồi tôi cắt tay mình như tôi từng thấy mẹ tôi làm để cái dòng chất tinh túy của tôi có thể hòa vào bát cháo. Đây là món quà cao quý nhất của một cô con dâu, và tôi đã tặng nó đi, hy vọng nhờ một phép màu nào đó, cái tinh chất đã đem lại cho tôi sức sống ấy sẽ truyền sang cho bà.

Nhưng tôi không cần phải kể hết với các bạn căn bệnh này khủng khiếp đến mức nào. Các bạn đều biết điều gì sẽ xảy ra. Bà ấy chết. Bà vẫn luôn công bằng và thường đối xử tốt với tôi, vì thế thật đau lòng khi phải nói lời vĩnh biệt. Khi bà trút hơi thở cuối cùng tôi biết rằng tôi không thể làm được mọi việc cần thiết cho một người đàn bà với tầm vóc ấy. Tôi lau rửa thân thể lấm bê lấm bết phân và khô đét của bà bằng nước ấm và xức dầu đàn hương. Tôi mặc cho bà bộ quần áo mừng thọ và gài những bài viết bằng nữ thư của bà vào túi áo, tay áo và áo dài thắt lưng. Không giống như một người đàn ông, bà không viết để lưu dành muôn thuở. Bà viết để kể với bạn bè của mình những suy nghĩ và cảm xúc của bà, và họ cũng viết lại cho bà như vậy. Trong hoàn cảnh khác, hẳn tôi sẽ phải đốt những thứ đó trước mộ của bà. Nhưng với cái nóng và dịch bệnh này, phải nhanh chóng chôn cái xác mà không cần phải quá bận tâm về phong thủy, nữ thư, hay đạo hiếu làm gì. Tất cả những gì tôi có thể làm là đảm bảo rằng mẹ chồng tôi sẽ có thể tìm được yên ủi trong việc đọc và hát lên những lời tâm tình của bạn bè mình khi sang thế giới bên kia. Ngay sau khi tôi làm xong việc đó, thi thể của bà được đưa lên xe chở ra chỗ chôn đào gấp. 

Mẹ chồng tôi đã sống một cuộc đời khá dài. Về mặt này tôi thấy mừng cho bà. Và, vì mẹ chồng tôi đã mất, tôi trở thành người đàn bà đứng đầu trong nhà, mặc dù chồng tôi vẫn chưa về. Bây giờ, các cô em dâu sẽ phải trả lời tôi. Họ cần giữ lấy ân huệ của tôi để được sự đối xử tử tế. Vì những người thiếp đã chết hết cả, tôi chờ đợi mọi chuyện trở nên yên ổn hơn, vì tôi thấy rõ một điều: sẽ không còn một người thiếp nào nữa dưới mái nhà này.

Như mấy người hầu linh cảm thấy từ trước, dịch bệnh đã rời khỏi huyện. Chúng tôi mở tung các cánh cửa ra và cầm lấy những hàng hóa dự trữ. Trong gia đình tôi, chúng tôi đã mất mẹ chồng tôi, cậu em thứ ba và cả gia đình cậu ấy, cùng mấy người thiếp. Các cậu em trai thứ hai và thứ tư vẫn còn sống, gia đình họ cũng vậy. Ở nhà bố mẹ tôi, bố tôi và mẹ tôi đều đã chết. Đương nhiên tôi thấy ân hận vì đã không ở lại với họ lâu hơn trong lần về thăm nhà cuối cùng, nhưng bố tôi và tôi đã trở nên xa cách kể từ sau khi tôi bị bó chân, còn quan hệ giữa mẹ tôi và tôi sau vụ tranh cãi chuyện bà đã nói dối tôi về Tuyết Hoa đã vĩnh viễn thay đổi. Là một người con gái đã đi lấy chồng, tôi chỉ phải để tang bố mẹ mình một năm. Tôi cố gắng kính trọng người mẹ tính khỉ của tôi vì những gì bà đã làm với tôi và cho tôi, nhưng tôi không thấy đau lòng thương tiếc gì cả.

Nhìn chung, chúng tôi khá may mắn. Chú Lữ và tôi không bao giờ nói chuyện với nhau. Thế là không đứng đắn. Nhưng khi chú đi ra khỏi phòng, chú không còn là một ông chú hòa nhã sống cuộc đời nhàn nhã suốt những năm tháng về hưu. Ông rèn giũa con trai tôi nghiêm khắc, tập trung, và tận tâm đến mức chúng tôi không bao giờ còn phải thuê thầy bên ngoài nữa. Con trai tôi chưa bao giờ nhác học, được khuyến khích vì vinh quang lớn lao nhất của cuộc đời mình là yết tên trên bảng vàng và tận hưởng đêm tân hôn. Trong quãng đời đầu tiên, nó sẽ thực hiện vai trò của một đứa con hiếu thảo; nhưng sau này, nó sẽ bật lên khỏi sự tăm tối của vùng quê nhỏ bé này để đạt được cái danh vọng lẫy lừng được mọi người dân Trung Hoa biết đến.

Nhưng trước khi những chuyện đó xảy ra thì chồng tôi trở về. Tôi không thể dù chỉ là để bắt đầu giải thích sự nhẹ nhõm mà tôi cảm thấy được khi tôi trông thấy chiếc kiệu của anh vào tới lộ chính, theo sau là cả một đoàn xe bò chở đầy những bao tải muối và các loại hàng hóa khác. Mọi chuyện khiến tôi lo lắng và than khóc đã không - hay ít nhất là chưa - xảy ra với tôi. Tôi ào ra, sung sướng thấy mọi phụ nữ ở Thông Khẩu đều hiện diện trong khi những người đàn ông dỡ hàng hóa trên xe xuống. Mọi người đều bật khóc, trút hết tất cả những gánh nặng, sợ hãi và đau khổ mà chúng tôi đã phải chịu đựng bao lâu nay. Đối với tôi - với tất cả chúng tôi - chồng tôi là dấu hiệu tốt lành đầu tiên mà tất cả chúng tôi từng được thấy trong những ngày tháng vừa qua.

Muối được bán khắp huyện cho những con người cùng quẫn nhưng vẫn chân thành biết ơn. Muối bán với giá khá cao nên chúng tôi không còn phải lo lắng về tiền bạc nữa. Chúng tôi đóng thuế. Chúng tôi mua lại những mảnh ruộng phải bán đi trước kia. Gia đình họ Lữ khôi phục lại địa vị cao sang và phồn thịnh. Mùa màng năm đó bội thu, khiến mùa thu lễ hội càng tưng bừng. Sống sót qua những ngày đen tối, chúng tôi không thể nhẹ nhõm hơn được nữa. Bố chồng tôi mướn những người thợ thủ công đến Thông Khẩu sơn vẽ những trụ ngạch làm thêm bên dưới mái hiên để nói về sự thịnh vượng và may mắn của gia đình chúng tôi với các láng giềng hay bất kỳ ai đến thăm thôn chúng tôi sau này. Giờ đây tôi có thể ra ngoài để nhìn ngắm: chồng tôi khoác chiếc áo choàng lên thuyền đi xuôi xuống hạ lưu, những cuộc trao đổi mua bán của anh với các lái buôn ở Quế Lâm, đám phụ nữ trong gia đình tôi mặc áo choàng thướt tha và thêu thùa trong khi chờ đợi, và chuyến trở về vui vẻ của chồng tôi.

Mọi chuyện đã xảy ra đều được vẽ lại dưới mái hiên, chỉ thêm bức chân dung của bố chồng tôi. Trên các trụ ngạch, ông ngồi trên một chiếc ghế lưng cao, quan sát mọi thứ ông sở hữu và trông thật kiêu hãnh, nhưng thật ra ông đã mất vợ và không còn lòng dạ nào mà để tâm đến những thứ trần tục nữa. Vào một ngày nọ, ông đã ra đi lặng lẽ trong khi đang tản bộ trên cánh đồng. Bổn phận đầu tiên của chúng tôi là phải tổ chức một đám tang lớn nhất xưa nay trong huyện. Bố chồng tôi được đặt trong linh cữu và để bên ngoài năm ngày. Với khả năng tài chính hiện giờ, chúng tôi mời ban nhạc, suốt cả ngày lẫn đêm. Mọi người quanh huyện đều đến để khấu đầu trước linh cữu. Họ mang đến những món quà phúng viếng bằng tiền để trong phong bì màu trắng, những dải lụa, những cuộn giấy uốn lượn dòng chữ viết của đàn ông ca ngợi bố chồng tôi. Các em trai chồng tôi và vợ của chúng quỳ gối đi đưa bố chồng tôi ra mộ. Mọi người ở Thông Khẩu và những người từ các thôn bên đi bộ theo sau chúng tôi. Trong bộ đồ tang, chúng tôi hợp thành một dòng sông trắng xóa nhích từng bước đi qua những cánh đồng xanh bát ngát. Cứ đi được bảy bước, mọi người lại khấu đầu. Ngôi mộ cách thôn chúng tôi một cây số, nên bạn cứ tưởng tượng xem chúng tôi phải dừng lại bao nhiêu lần trên con đường lởm chởm đá đó.

Cả trẻ lẫn già đều than khóc tiếc thương, trong khi ban nhạc thổi kèn ò í e, thổi sáo, đập hai cái chũm chọe vào nhau, và gõ trống thùng thùng. Là con trai trưởng, chồng tôi đốt tiền giấy và pháo. Đàn ông, đàn bà cùng hát. Chồng tôi cũng thuê vài vị sư, cử hành những nghi lễ để giúp đưa đường dẫn lối cho bố chồng tôi - và, chúng tôi hy vọng là cả những người đã mất trong nạn dịch vừa qua nữa - đến được thế giới hạnh phúc của các vong hồn. Sau lễ an táng, chúng tôi mở tiệc thết đãi cả thôn. Khi khách khứa ra về, những người họ hàng khá giả của gia đình họ Lữ tặng cho mỗi người một đồng xu may mắn gói trong giấy, một miếng kẹo để làm trôi đi vị cay đắng của cái chết, và chiếc khăn ướt để mọi người lau rửa thân thể mình. Công việc này diễn ra trong tuần nghi lễ đầu tiên. Tính tổng cộng, chúng tôi có bốn mươi ngày để làm lễ, cúng bái, tiệc tùng, đọc điếu văn, hát và khóc. Cuối cùng - mặc dù chồng tôi và tôi vẫn chưa kết thúc thời kỳ để tang chính thức - nhưng mọi người trong huyện đều biết rằng, chúng tôi là ông chủ Lữ và bà chủ Lữ mới, ít nhất là trên danh nghĩa.

 

Hết chương 14. Mời các bạn đón đọc chương 15!

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/34722


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận