KHẮP HUYỆN, MỌI NGƯỜI ĐỀU ĐANG BẮT TAY vào tái thiết cuộc sống của mình. Những người còn sống sót qua năm đó đã trải qua quá nhiều chuyện, đầu tiên là đại dịch thương hàn, sau đó là cuộc nổi loạn. Chúng tôi đều kiệt quệ - về cảm xúc, bởi những mất mát - nhưng cũng may là còn sống sót. Chúng tôi dần dần hồi phục. Đàn ông lại ra đồng và đám con trai lại quay về gian phòng lớn để học tập, còn đàn bà con gái thì lại nghỉ ngơi trong căn buồng trên gác để thêu thùa và dệt vải.
Ngày trước, thỉnh thoảng tôi cũng tò mò đôi chút về địa hạt bên ngoài của nam giới. Giờ thì tôi thề sẽ không bao giờ bén mảng thêm lần nữa. Cuộc đời của tôi là ở trong buồng phụ nữ. Tôi hạnh phúc khi được thấy khuôn mặt của các cô em dâu và mong ngóng được cùng họ may vá, uống trà, hát và kể chuyện suốt các buổi chiều dài. Nhưng điều này vẫn chẳng là gì so với cảm giác của tôi khi được gặp lại các con. Ba tháng là khoảng thời gian vĩnh viễn, trong lòng chúng cũng như trong lòng tôi. Chúng đã lớn lên và thay đổi. Con trai tôi đã bước sang tuổi mười hai trong khi tôi vắng mặt. An toàn tại khu đầu não của huyện Vĩnh Minh được lính triều đình bảo vệ trong suốt thời kỳ loạn lạc, nó đã học hành hết sức chăm chỉ. Nó đã học được bài học quan trọng nhất: tất cả những người đã bước vào nơi cửa Khổng sân Trình, dù ở đâu hay nói phương ngữ gì, đều đọc những cuốn sách giống nhau và tham gia những kỳ thi như nhau để cho quan niệm trung thành, chính trực và độc tôn được duy trì khắp đất nước. Dù ở những huyện xa kinh thành, hẻo lánh như huyện chúng tôi, các quan lại địa phương - tất cả đều được đào tạo theo một phương thức giống nhau - sẽ giúp người dân có thể hiểu mối quan hệ giữa họ với hoàng đế. Nếu con trai tôi đi đúng theo con đường đó, thì một ngày nào đó chắc chắn nó sẽ tham gia các kỳ thi này.
Năm đó, tôi gặp Tuyết Hoa nhiều hơn cả khi còn con gái. Chồng chúng tôi không ngăn cản, mặc dù quân nổi loạn vẫn hoành hành ở một số vùng khác. Sau tất cả những chuyện đã xảy ra, chồng tôi tin tưởng rằng tôi sẽ được an toàn dưới sự bảo vệ của đồ tể, còn đồ tể thì khuyến khích vợ đến chơi nhà tôi, vì anh ta biết rằng cô luôn mang về quà biếu nào là đồ ăn, sách vở hay tiền. Chúng tôi được ngủ chung với nhau ở nhà tôi hay nhà Tuyết Hoa, còn chồng của chúng tôi thì sang ngủ ở phòng khác để chúng tôi có thời gian tâm tình với nhau. Đồ tể không dám phản đối, vâng theo sự chỉ đạo của chồng tôi trong chuyện này. Nhưng làm sao họ có thể ngăn chặn bất cứ điều gì trong đó - những chuyến đến thăm nhau, những đêm ở cùng nhau, những chuyện riêng tư thì thầm với nhau? Chúng tôi không sợ trời nắng, trời mưa hay tuyết rơi. “Tuân phục, tuân phục, tuân phục, rồi hãy làm những gì mình muốn.”
Tuyết Hoa và tôi tiếp tục gặp nhau ở Phủ Vĩ vào những dịp hội hè như mọi khi. Gặp lại chú thím tôi, những người mà cả cuộc đời sống thuận hòa trong gia đình nên đã được mọi người yêu kính, cũng tốt cho cô. Thím tôi luôn được yêu quý như bà nội đối với tất cả những đứa “cháu nội” của bà. Đồng thời, địa vị của chú tôi đã được nâng lên cao hơn so với khi cha tôi còn sống. Anh trai tôi cần chú chỉ bảo trong việc đồng áng và quản lý tiền bạc, và vì thế chú được nể trọng. Không ngờ chú và thím về cuối đời lại được hạnh phúc như vậy.
Năm đó khi Tuyết Hoa và tôi tới Miếu Cô Bà, chúng tôi cảm tạ rất sâu sắc và chân thành. Chúng tôi dâng lễ, khấu đầu tạ ơn vì chúng tôi đã qua được mùa đông vừa rồi. Rồi chúng tôi khoác tay nhau đến chỗ quán khoai của ông lão Chu. Ngồi ở đó chúng tôi lên kế hoạch cho tương lai của hai đứa con gái và bàn luận về cách bó chân để chắc chắn chúng sẽ trở thành những đôi “gót sen ba tấc” hoàn hảo. Về nhà, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị dụng cụ bó chân, mua các loại dược liệu làm dịu cơn đau, thêu đôi giày nhỏ xíu đặt ở bàn thờ Quan Âm, nặn những chiếc bánh nếp để đặt lên bàn thờ Bà Cô Chân Nhỏ, và cho con gái chúng tôi ăn bánh bao nhân đậu đỏ để làm mềm chân chúng. Cả hai chúng tôi đều nói chuyện riêng với bà Vương về mối kết giao của hai đứa con gái. Khi Tuyết Hoa và tôi gặp lại nhau, chúng tôi so sánh hai cuộc trao đổi với nhau và cười phá lên vì thấy dì của Tuyết Hoa vẫn y như trước, khuôn mặt trát bự phấn và cung cách xảo quyệt.
Ngay cả bây giờ, khi nhìn lại mấy tháng xuân và chớm hè đó, tôi vẫn thấy mình tình cờ hạnh phúc biết bao. Tôi có gia đình và có lão đồng của mình. Như tôi đã nói, tôi đang tiến lên. Nhưng Tuyết Hoa thì không vậy. Cô không thể lấy lại được sức vóc lúc trước. Cô ăn thức ăn của riêng mình - vài hạt gạo, vài miếng rau - thích uống trà hơn. Da cô lại trắng trẻo như trước, nhưng hai má thì không chịu đầy đặn lên. Khi cô đến Thông Khẩu, tôi rủ cô đến thăm mấy người bạn cũ của cô, cô lịch sự từ chối, nói rằng “họ sẽ không muốn gặp mình đâu” hay “họ chẳng nhớ mình là ai cả.” Tôi nài nỉ mãi cô mới đồng ý năm tới sẽ đi cùng tôi tới dự lễ Ngồi và Hát của một cô gái họ Lữ ở Thông Khẩu, chính là em họ cách hai đời của Tuyết Hoa và là hàng xóm ngay cạnh nhà tôi.
Vào các buổi chiều, Tuyết Hoa ngồi bên tôi trong khi tôi thêu thùa, nhưng cô cứ nhìn đăm đăm qua chấn song cửa sổ, tâm trí cô đang để đâu đâu. Cứ như thể rốt cuộc cô đã lao qua vách đá, vào cái ngày cuối cùng chúng tôi ở trên núi, một cú rơi lặng lẽ. Tôi nhận thấy nỗi buồn của cô nhưng nhất định không chấp nhận nó. Chồng tôi từng cảnh báo tôi vài lần về chuyện này. “Nàng là người mạnh mẽ,” anh nói, vào một đêm sau khi Tuyết Hoa đã trở lại Cẩm Điền. “Nàng từ trên núi trở về và càng ngày càng làm cho ta tự hào bởi cung cách nàng coi sóc chuyện nhà cửa và trở thành một tấm gương tốt cho đàn bà con gái trong thôn này. Nhưng nàng - bỏ quá cho ta nếu ta nói thẳng ra thế này nhé - nàng mù mờ về lão đồng của mình. Cô ấy không còn giống nàng ở mọi điểm nữa. Có lẽ những chuyện xảy ra mùa đông vừa rồi thật quá sức chịu đựng của cô ấy. Ta không hiểu cô ấy lắm, nhưng chắc rằng nàng có thể nhận thấy cô ấy luôn tỏ ra dũng cảm trong những hoàn cảnh tồi tệ. Phải mất nhiều năm nữa nàng mới hiểu nổi chuyện này, nhưng không phải người đàn ông nào cũng giống ta đâu.”
Chuyện anh thổ lộ với tôi khiến tôi vô cùng xấu hổ. Không, điều đó không đúng. Hơn nữa, tôi thấy bực bội vì anh dám can thiệp vào những chuyện nội bộ của đàn bà chúng tôi với nhau. Nhưng tôi không tranh cãi với anh, vì tôi không có quyền như vậy. Tuy nhiên, trong tâm trí mình tôi phải chứng minh là anh sai còn tôi mới đúng. Vì thế, tôi quan sát Tuyết Hoa kỹ hơn khi cô đến thăm tôi lần tiếp theo. Tôi lắng nghe, lắng nghe thật sự. Cuộc sống đối với Tuyết Hoa ngày càng thê thảm. Mẹ chồng cô đã cắt khẩu phần ăn của cô xuống chỉ còn một phần ba số gạo tối thiểu đủ để cô tồn tại được.
“Mình chỉ ăn cháo trắng,” cô nói, “nhưng mình thấy thế cũng được. Dạo này mình không thấy đói.”
Tệ hơn nữa, đồ tể vẫn không ngừng đánh đập cô.
“Bạn nói hắn sẽ không làm thế nữa cơ mà,” tôi cự nự, không chịu tin những điều chồng tôi đã nhìn thấy rõ mồn một.
“Nếu hắn hành hạ mình, mình có thể làm gì nào? Mình không thể đánh lại hắn được.” Tuyết Hoa ngồi đối diện với tôi, tấm vải thêu nằm trong lòng cô rũ xuống và nhăn nheo như lớp vỏ miếng đậu.
“Tại sao bạn không kể chuyện đó với mình?”
Cô trả lời bằng một câu hỏi cho chính mình. “Mình làm phiền bạn với những chuyện mà bạn không thể thay đổi được làm gì cơ chứ?”
“Chúng ta sẽ thay đổi được số phận nếu chúng ta cố gắng hết sức,” tôi nói. “Mình đã thay đổi được cuộc đời của mình. Bạn cũng có thể làm được.”
Cô nhìn tôi bằng đôi mắt như mắt chuột.
“Chuyện đó có thường xuyên diễn ra không?” Tôi hỏi, cố gắng giữ giọng mình điềm tĩnh nhưng thấy thất vọng vì chồng cô vẫn tiếp tục dùng nắm đấm với cô, tức vì cô chấp nhận chuyện đó một cách thụ động, và đau đớn khi cô không thèm thổ lộ với tôi.
“Chuyến đi lên núi đó đã thay đổi anh ta. Nó thay đổi tất cả chúng ta. Bạn không thấy điều đó sao?”
“Có thường xuyên không?” tôi gặng hỏi.
“Mình làm chồng mình thất vọng trong rất nhiều chuyện…”
Nói cách khác, chuyện này diễn ra nhiều hơn so với những gì cô muốn thừa nhận.
“Mình muốn bạn đến đây sống với mình,” tôi nói.
“Bỏ trốn là điều tồi tệ nhất mà một người đàn bà có thể làm,” cô đáp. “Bạn biết điều đó mà.”
Tôi biết. Đối với một người đàn bà, đó là tội lỗi đáng bị giết chết bởi chính bàn tay người chồng.
“Hơn nữa,” Tuyết Hoa nói tiếp, “mình sẽ không bao giờ rời bỏ các con mình. Con trai mình cần được bảo vệ.”
“Nhưng bảo vệ nó bằng tấm thân của chính bạn ư?” tôi hỏi.
Cô có thể trả lời thế nào đây?
Giờ đây tôi nhìn lại với sự sáng suốt của tuổi tám mươi, tôi thấy mình đã quá thiếu kiên nhẫn với sự ngã lòng của Tuyết Hoa. Trước đó, bất kỳ khi nào tôi không biết chắc phải phản ứng ra sao trước nỗi bất hạnh của lão đồng, tôi thường ép cô phải tuân theo tục lệ và truyền thống đối với người đàn bà như một phương cách để chống chọi với những chuyện tệ hại xảy ra trong cuộc đời cô. Lần này, tôi tiến xa hơn bằng cách vận động cô kiểm soát gã chồng đồ tể của mình, tin rằng với tính cách của một người đàn bà cầm tinh con ngựa thì cô có thể dùng sự ngang bướng của mình để thay đổi hoàn cảnh. Chỉ với một đứa con gái vô dụng và một đứa con trai không được thương yêu thì cô sẽ phải cố có thai lần nữa. Cô cần phải cầu khấn nhiều hơn, ăn những thức ăn thích hợp, nhờ thầy lang cắt thuốc bổ - tất tật, để đảm bảo sinh được một đứa con trai. Nếu cô mang lại cho chồng mình cái mà hắn ta muốn, hắn sẽ nhớ ra giá trị của cô. Nhưng thế chưa phải là tất cả…
Khi Lễ Vu Lan tới vào rằm tháng Bảy, tôi đã hỏi Tuyết Hoa rất nhiều mà lẽ ra cô nên hiểu là những gợi ý để giúp cô cải thiện hoàn toàn hoàn cảnh của mình. Tại sao cô không thể cố gắng để trở thành một người vợ tốt hơn? Tại sao cô không thể làm chồng mình hạnh phúc hơn bằng những cách mà tôi biết cô có thể làm được? Tại sao cô không véo má mình để nó hồng hào trở lại? Tại sao cô không ăn nhiều hơn để khỏe mạnh hơn? Tại sao cô không về nhà ngay lúc này và khấu đầu trước mẹ chồng mình, nấu ăn cho bà ta, khâu vá cho bà ta, hát cho bà ta nghe, làm tất cả những chuyện có thể khiến bà già đó vui vẻ ở độ tuổi của mình? Tại sao cô không cố gắng nhiều hơn để làm mọi việc cho phải lẽ? Tôi nghĩ tôi đã cho cô những lời khuyên thiết thực, nhưng tôi không có những mối lo lắng ưu tư như Tuyết Hoa. Thế nên, tôi vẫn là bà Lữ và tôi nghĩ rằng mình đúng.
Vì thế khi tôi hỏi xong những việc mà Tuyết Hoa có thể làm ở nhà cô, tôi xoay qua hỏi cô về thời gian ở nhà tôi. Phải chăng cô không hạnh phúc khi ở bên tôi? Phải chăng cô không thích những bộ quần áo bằng lụa tôi tặng cho cô? Phải chăng cô không đưa những món quà mà gia đình họ Lữ chúng tôi gửi biếu chồng cô cho thấy chúng tôi không khi nào quên ơn anh ta với sự nể trọng vừa phải để anh ta hài lòng về cô? Phải chăng cô không đánh giá cao việc tôi thuê thầy dạy đọc và viết cho đám con trai cùng tuổi với con cô ở Cẩm Điền? Phải chăng cô không nhận thấy rằng bằng cách cho Bích Ngọc và Xuân Nguyệt kết làm lão đồng thì chúng tôi sẽ thay đổi được số phận của Xuân Nguyệt, giống như số phận của tôi đó sao?
Nếu cô thật sự yêu quý tôi, tại sao cô không làm như tôi đã làm - bao bọc mình trong các tục lệ bảo vệ người đàn bà - để cải thiện hoàn cảnh tồi tệ của cô? Với tất cả những lời chất vấn đó cô chỉ thở dài hoặc gật đầu. Phản ứng của cô càng khiến tôi mất kiên nhẫn. Tôi hỏi dồn hỏi dập và xem xét mọi nguyên cớ, cho đến khi cô đầu hàng, hứa sẽ làm như tôi chỉ bảo. Nhưng cô đã không làm, và lần gặp tiếp theo nỗi thất vọng bực bội của tôi đối với cô càng lớn hơn. Tôi không hiểu rằng tính cách ngựa táo bạo ở con người Tuyết Hoa thời thơ ấu đã sụp đổ rồi. Tôi ngoan cố đến mức tin rằng mình có thể chữa trị cho một con ngựa đã què quặt.
CUỘC ĐỜI TÔI THAY ĐỔI mãi mãi kể từ rằm tháng Tám năm Hàm Phong thứ sáu. Rằm Trung Thu đã tới. Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bắt đầu bó chân cho con gái chúng tôi. Năm đó, lẽ ra Tuyết Hoa và các con sẽ đến chơi nhà tôi vào dịp lễ, nhưng không phải họ xuất hiện ở ngưỡng cửa nhà tôi mà là Liên Hoa, một trong những người đàn bà cùng trú ngụ dưới tán cây với chúng tôi hồi ở trên núi. Tôi mời cô ta vào nhà uống trà với tôi ở căn buồng trên gác.
“Cảm ơn cô,” cô ta nói, “nhưng tôi về Thông Khẩu để thăm nhà.”
“Gia đình nào cũng muốn đón các cô con gái đi lấy chồng về chơi,” tôi đáp lại, theo thói quen xã giao tế nhị. “Tôi chắc họ sẽ vui lắm khi được gặp lại chị.”
“Vậy tôi phải về gặp người nhà tôi đây,” cô ta nói, tay với lấy chiếc bánh trung thu trong chiếc giỏ đeo vào tay. “Cô bạn của chúng ta nhờ tôi mang đến cho cô cái này.” Cô ta lôi ra một cái gói dài, mảnh, bọc trong một mảnh lụa màu ngọc bích tôi mới tặng Tuyết Hoa gần đây. Liên Hoa đưa nó cho tôi, chúc tôi may mắn, rồi quay lưng đi xuôi con ngõ nhỏ, và vòng qua góc quành.
Qua hình dạng, tôi biết vật mình đang cầm trong tay là cái gì, nhưng tôi không thể hiểu được tại sao Tuyết Hoa không đến mà thay vào đó lại gửi chiếc quạt cho tôi. Tôi cầm cái gói đó đi lên gác và đợi đến khi các cô em dâu cùng nhau ra ngoài để phân phát bánh trung thu cho bạn bè của chúng tôi ở trong thôn. Tôi cho con gái tôi đi cùng họ, bảo với họ rằng con bé cần được chạy chơi ở bên ngoài nốt mấy ngày khi còn có thể. Khi họ đã đi hết, tôi ngồi xuống chiếc ghế đặt cạnh cửa sổ. Ánh sáng lờ mờ hắt qua tấm rèm mắt cáo, tạo thành hình những chiếc lá và cây leo trên chiếc bàn đựng đồ khâu vá của tôi. Tôi nhìn đăm đăm vào cái gói một lúc lâu. Tôi đâu biết trong đó ghi gì để mà sợ cơ chứ? Cuối cùng, tôi mở một mép vải ra, rồi một mép vải khác, của tấm lụa màu xanh lục cho đến khi chiếc quạt lộ ra toàn bộ. Tôi cầm nó lên. Rồi tôi chậm rãi chạm mở từng nếp gấp một. Bên cạnh những chữ viết bằng thứ mực than vào buổi tối trước khi chúng tôi xuống núi, tôi nhìn thấy một cột chữ mới.
Mình có quá nhiều vấn đề, Tuyết Hoa viết. Chữ viết của cô bao giờ cũng đẹp hơn của tôi, các nét chân muỗi nhỏ và mảnh đến mức lướt thành một dải. Mình không thể trở thành con người mà bạn mong đợi. Bạn không cần phải lắng nghe những lời than vãn của mình nữa. Ba người chị em kết nghĩa nguyện sẽ thương yêu mình như mình vốn vậy. Hãy viết thư cho mình, không phải để an ủi mình như bạn vẫn thường làm, mà là để nhớ về những tháng ngày hạnh phúc của chúng ta thuở còn con gái. Lá thư vỏn vẹn có vậy.
Tôi cảm thấy như có một lưỡi gươm đâm thẳng vào người tôi. Dạ dày tôi quặn lên vì kinh ngạc, rồi co lại thành một khối chẳng dễ chịu chút nào. Yêu thương ư? Có phải cô thực sự đang nói về tình yêu với đám chị em kết nghĩa trên chiếc quạt bí mật của chúng tôi? Tôi đọc lại những dòng chữ đó lần nữa, bối rối và hoang mang. Ba người chị em kết nghĩa nguyện sẽ yêu thương mình. Nhưng Tuyết Hoa và tôi là lão đồng cơ mà, tức là một cuộc hôn phối về mặt tình cảm đủ mạnh mẽ để vượt qua bất kỳ khoảng cách xa xôi hay chia ly cách trở lớn lao nào. Mối ràng buộc của chúng tôi được cho là còn quan trọng hơn cuộc hôn phối với một người đàn ông. Chúng tôi đã thề sẽ chân thành và chung thủy với nhau cho đến khi cái chết chia lìa đôi lứa. Cái cơ sự là cô đã từ bỏ những lời ước hẹn của chúng tôi vì một mối quan hệ mới với những người chị em kết nghĩa khiến tôi đau đớn bất chấp lý do là gì đi chăng nữa. Chuyện cô bảo rằng chúng tôi vẫn có thể làm bạn với nhau theo cách nào đó thật sự làm tôi nghẹt thở. Với tôi, những điều cô vừa viết còn tệ hơn gấp vạn lần so với việc chồng tôi bước vào và tuyên bố anh đã dẫn về người thiếp đầu tiên. Và không phải là tôi không có bất kỳ một cơ hội nào để tham dự vào một hội chị em kết nghĩa sau khi đã lấy chồng. Mẹ chồng tôi đã thúc đẩy tôi đi theo xu hướng đó rất mạnh mẽ, nhưng tôi đã phải tính kế bày mưu để giữ Tuyết Hoa ở lại với cuộc đời tôi. Thế mà bây giờ cô lại đẩy tôi ra rìa vậy sao? Có vẻ như Tuyết Hoa - người đàn bà mà tôi rất mực yêu thương, người mà tôi trân trọng như báu vật, người mà tôi quyết gắn bó cả cuộc đời - đã không còn quan tâm tới tôi như tôi quan tâm tới cô nữa.
Chỉ khi tôi thấy điều đó không thể tàn phá tôi sâu sắc hơn được nữa, tôi mới nhận ra rằng ba người chị em kết nghĩa cô nhắc đến trong thư hẳn phải là nhóm ba người đàn bà cùng thôn với cô mà chúng tôi gặp lúc ở trên núi. Tôi lục lại mọi chuyện xảy ra mùa đông năm trước trong tâm trí mình. Có phải họ đã âm mưu cướp cô từ tay tôi ngay cái đêm đầu tiên bằng tiếng hát của họ không? Có phải cô đã bị họ lôi cuốn, giống như một người chồng bị lôi cuốn bởi người thiếp mới trẻ trung hơn, xinh đẹp hơn, và thiết tha hơn người vợ hiền thủy chung son sắt? Phải chăng giường của những người đàn bà ấy ấm áp hơn, thân thể của họ rắn chắc hơn, những câu chuyện của họ mới mẻ hơn? Phải chăng khi nhìn vào khuôn mặt họ cô không thấy nỗi mong đợi hay trách nhiệm?
Nỗi đau này không hề giống bất kỳ điều gì tôi đã từng trải qua - chìm nghỉm, héo hon, dằn vặt, tồi tệ hơn cả khi sinh con. Rồi có một cái gì đó thay đổi trong tôi. Tôi bắt đầu phản ứng lại không phải như một con bé có tình yêu với Tuyết Hoa mà là như bà Lữ, người đàn bà luôn xem quy tắc và tập tục có thể mang lại sự thanh thản trong tâm hồn. Tôi có thể dễ dàng phê phán lỗi lầm của Tuyết Hoa hơn là cảm thấy những cảm xúc đang bừng bừng bên trong.
Tôi đã từng luôn bỏ qua cho Tuyết Hoa vì tôi yêu cô. Nhưng một khi tôi bắt đầu chú ý đến sự nhu nhược của cô, một hình mẫu của sự dối trá, lừa lọc và phản bội bắt đầu xuất lộ. Tôi nghĩ về tất cả những lần Tuyết Hoa đã nói dối tôi - về gia đình cô, về cuộc hôn nhân của cô, thậm chí về những trận đòn cô phải hứng chịu. Không những cô không phải là một lão đồng chân thành, mà cô còn chẳng phải là người bạn tốt nữa kia. Một người bạn phải chân thành và thẳng thắn. Nếu tất cả những chuyện đó vẫn chưa đủ, thì tôi lại để cho ký ức về mấy tuần lễ vừa qua xâm chiếm mình. Nhờ vào tiền bạc và địa vị của tôi, Tuyết Hoa đã được ăn, mặc tử tế hơn, nâng vị thế của con gái cô lên cao hơn, thế mà cô lại lờ đi mọi sự giúp đỡ và ý kiến của tôi. Tôi cảm thấy mình bị lừa và cực kỳ ngu ngốc.
Rồi chuyện kỳ lạ nhất xảy ra. Hình ảnh mẹ tôi hiện về trong tâm trí tôi. Tôi nhớ lại hồi còn bé tôi đã ước chi bà sẽ thương yêu tôi. Tôi đã nghĩ nếu như tôi làm tất cả mọi việc mà bà yêu cầu trong suốt thời kỳ bó chân, tôi sẽ giành được tình cảm của bà. Tôi tin rằng mình đã đạt được điều đó, nhưng rốt cuộc bà không hề có một chút tình cảm nào với tôi. Cũng giống như Tuyết Hoa, cô nhăm nhăm tìm kiếm bên ngoài những gì phục vụ cho lợi ích vị kỷ của riêng mình mà thôi. Phản ứng đầu tiên của tôi trước sự dối trá và thiếu quan tâm đến tôi của mẹ tôi là nổi giận, và tôi không bao giờ tha thứ cho bà, nhưng dần dần tôi tách mỗi lúc mỗi xa khỏi mẹ tôi cho đến khi bà không còn để lại trong tôi chút tình cảm nào nữa. Để bảo vệ trái tim mình, tôi cũng sẽ phải làm thế với Tuyết Hoa. Tôi không thể để bất kỳ ai biết rằng tôi đang chết dần chết mòn bởi nỗi đau đớn vì cô không còn yêu tôi nữa. Tôi cũng phải che giấu cả nỗi giận dữ và thất vọng, vì đó không phải là những phẩm chất tốt đối với người phụ nữ chính chuyên.
Tôi gấp chiếc quạt lại và cất nó đi. Tuyết Hoa bảo tôi viết thư trả lời cô. Tôi không viết. Một tuần trôi qua. Tôi không bắt đầu bó chân cho con gái mình đúng vào ngày mà chúng tôi đã thống nhất với nhau. Một tuần nữa lại trôi qua. Liên Hoa lại tới trước cửa nhà tôi, lần này mang theo một lá thư, Dũng Cảm mang lên gác cho tôi. Tôi mở lá thư ra và nhìn chằm chằm vào những con chữ. Luôn luôn là vậy, những nét chữ ấy giống như những cái vuốt ve. Giờ tôi đọc mà thấy như đó là những lưỡi dao.
Tại sao bạn không viết thư lại cho mình? Bạn đang ốm hay là một hạnh vận nào đó lại đang mỉm cười trước ngưỡng cửa nhà bạn? Mình bắt đầu bó chân cho con gái mình vào ngày hai mươi bốn, đúng vào ngày bắt đầu bó chân của chúng ta. Bạn có bắt đầu vào ngày đó không? Mình nhìn qua cửa sổ nhà mình về phía nhà bạn. Trái tim mình bay đến với bạn, hát về niềm hạnh phúc cho các con gái của chúng ta.
Tôi đọc nó một lần, sau đó đưa một mép giấy vào ngọn lửa cây đèn dầu. Tôi nhìn các mép giấy uốn cong lại và từng chữ tan biến theo làn khói. Trong những ngày sắp tới - khi tiết trời se lạnh tôi mới bắt đầu bó chân cho con gái tôi - lại vài lá thư nữa gửi đến. Tôi lại đốt.
Tôi đã ba mươi ba tuổi. Nếu may mắn, tôi sẽ sống thêm bảy năm nữa, may mắn hơn, tôi sẽ được sống thêm mười bảy năm. Tôi không thể chịu đựng cái cảm giác quặn thắt ruột gan thêm một phút nào nữa, huống chi là một năm hay lâu hơn nữa. Nỗi đau của tôi thật lớn lao, nhưng tôi đã viện đến cái khả năng chịu đựng đã giúp tôi vượt qua thời kỳ bó chân, đại dịch, và mùa đông trên núi. Tôi bắt đầu cái quá trình gọi là cắt bỏ phần bệnh tật khỏi trái tim tôi. Bất kỳ lúc nào ký ức hiện về trong tâm trí tôi, tôi lập tức bôi đen nó. Nếu cái nhìn của tôi sa vào hoài niệm, tôi bèn xua nó đi bằng cách nhắm mắt lại. Nếu kỷ niệm hiện về qua một mùi hương, tôi sẽ bịt mũi lại bằng những cánh hoa, ném thêm tỏi vào trong chảo, hay gợi nhớ lại mùi của đói khát khi ở trong núi. Nếu kỷ niệm sượt qua da tôi - khi con gái tôi chạm vào bàn tay tôi, hay hơi thở của chồng tôi phả vào tai tôi mỗi đêm, hoặc cảm giác làn gió nhè nhẹ mơn man trên bầu vú khi tôi tắm - tôi gãi, chà xát hay đấm thình thịch để xua đi. Tôi nhẫn tâm như người nông phu sau vụ gặt, nhổ hết bất kỳ thứ gì còn sót lại của cái mà mùa trước từng là vụ thu hoạch đáng tự hào nhất của anh ta. Tôi cố gắng xóa sạch sành sanh mọi thứ, hiểu rằng đó là cách duy nhất để bảo vệ trái tim tổn thương của mình.
Khi những ký ức về tình yêu của Tuyết Hoa tiếp tục hành hạ tôi, tôi đã dựng một cái tháp hoa giống như cái chúng tôi đã làm để tránh bị hồn ma của Mỹ Nguyệt ám ảnh. Tôi phải xua đuổi hồn ma mới này, ngăn không cho cô ta ám ảnh tâm trí tôi hay hành hạ tôi bởi sự phá vỡ những lời thề nguyện yêu thương chân thành. Tôi dọn sạch những chiếc giỏ, rương hòm, ngăn kéo và giá kệ đặt những món quà mà Tuyết Hoa đã làm tặng tôi bao năm qua. Tôi lục tìm từng lá thư cô đã viết cho tôi trong suốt quãng đời chúng tôi gắn bó bên nhau. Tôi đã phải vất vả lục tìm mọi thứ. Tôi không tìm thấy chiếc quạt. Tôi không thể tìm thấy… hãy để chúng tôi nói nhiều điều đang mất đi. Nhưng những gì tìm thấy tôi đều dán hay đặt vào chiếc tháp hoa; sau đó tôi viết một lá thư:
Bạn, người từng có thời thấu hiểu tâm tư của mình, giờ đây lại chẳng hiểu gì cả. Mình đốt hết những lời lẽ của bạn, mong rằng chúng biến mất vào những đám mây. Bạn, người đã phụ bạc và bỏ rơi mình, sẽ vĩnh viễn ra khỏi trái tim mình. Làm ơn, làm ơn hãy để tôi yên.
Tôi gấp tờ giấy lại và đút qua ô cửa sổ mắt cáo tí xíu vào căn buồng trên gác của chiếc tháp hoa. Rồi tôi châm lửa vào đáy tháp, đổ thêm dầu khi cần để đốt những chiếc khăn tay, những mảnh vải dệt, những đồ được thêu thùa.
Nhưng Tuyết Hoa vẫn ám ảnh tôi dai dẳng. Khi tôi bó chân cho con gái tôi, cứ như thể Tuyết Hoa cũng đang có mặt trong buồng, đặt tay lên bờ vai tôi, thì thầm vào tai tôi, “đừng để có nếp gấp trong lớp vải bó. Hãy thể hiện tình mẫu tử với con gái bạn.” Tôi hát lên để át đi những lời thì thầm ấy. Thỉnh thoảng vào buổi đêm tôi vẫn có cảm giác bàn tay vô hình của cô đặt lên má tôi và tôi không thể nào ngủ được. Tôi nằm đó trằn trọc, giận chính mình và giận cô, thầm nghĩ, mình ghét bạn, mình ghét bạn. Bạn đã phá vỡ lời thề trung thực. Bạn đã phản bội mình.
Hai người đã phải hứng chịu gánh nặng của nỗi đau khổ trong tôi. Người thứ nhất, tôi xấu hổ phải thú nhận rằng đó là con gái tôi. Người thứ hai, tôi lấy làm tiếc phải nói rằng đó là bà già Vương. Tình mẫu tử trong tôi rất lớn, nên khi bó chân cho Bích Ngọc bạn sẽ không thể nào biết là tôi đã cẩn thận đến thế nào, nhớ lại không chỉ những chuyện đã xảy ra với em ba mà còn cả những bài học về cách làm việc đó thế nào cho đúng, hạn chế rủi ro bị nhiễm trùng, dị dạng, thậm chí là chết, ở mức thấp nhất, mà mẹ chồng tôi đã chỉ dạy cho tôi. Nhưng đồng thời tôi cũng trút hết nỗi đau đớn vì Tuyết Hoa ra khỏi người mình vào đôi chân của con gái. Chẳng phải đôi gót sen ba tấc của tôi chính là nguồn gốc của những nỗi đau đớn và thành tựu của tôi đó sao?
Mặc dù xương chân của con gái tôi rất dễ uốn mà nó cũng dễ bảo, song nó vẫn khóc lóc thảm thương. Tôi không thể chịu đựng được điều đó, mặc dù chúng tôi mới chỉ bắt đầu. Tôi nắm lấy cảm xúc của mình và đóng cương vào chúng, bắt con gái tôi đi đi lại lại trên sàn căn buồng trên gác, mỗi lần thay vải bó lại càng siết chặt chân nó hơn, và đánh đập nó - không, hét lên với nó một cách chua chát - với những gì mà chính mẹ tôi đã dạy tôi. “Một bậc phu nhân đích thực không để cho cái xấu xí lọt vào cuộc sống của mình. Chỉ qua đau đớn con mới trở nên xinh đẹp. Chỉ qua khổ đau con mới có được bình yên. Mẹ quấn, mẹ bó, nhưng chính con sẽ được hưởng phần thưởng xứng đáng.” Tôi hy vọng bằng những việc làm đó của mình tôi sẽ gặt hái một phần nhỏ nhoi trong cái phần thưởng đó và tìm được sự bình yên mà mẹ tôi đã hứa hẹn.
Dưới chiêu bài vì điều tốt nhất cho Bích Ngọc, tôi nói với những người đàn bà khác ở Thông Khẩu cũng đang bó chân cho con gái mình. “Tất cả chúng ta đều sống ở đây,” tôi nói. “Gia đình chúng ta đều rất tốt. Sao chúng ta không để con gái chúng ta trở thành hội chị em kết nghĩa với nhau?”
Đôi chân của con gái tôi sắp nhỏ gần bằng chân tôi rồi. Nhưng trước khi tôi biết được kết quả cuối cùng, bà Vương ghé thăm tôi vào tháng thứ năm của năm mới. Trong tâm trí tôi, bà ta chẳng bao giờ thay đổi. Bà ta vẫn luôn là một bà già, nhưng ngày hôm đó, tôi nhìn bà ta với cặp mắt soi mói hơn. Bà ta trẻ hơn nhiều so với tôi bấy giờ, vậy có nghĩa là khi tôi gặp bà ta lần đầu tiên từ hai mấy năm trước, bà ta chỉ độ bốn mươi là cùng. Nhưng mẹ tôi và mẹ Tuyết Hoa đều đã chết vào độ tuổi ấy - trên dưới bốn mươi - mà đã được xem là thọ. Nghĩ lại chuyện đó, tôi tin rằng bà Vương, một bà góa, không muốn chết hay về sống dưới mái nhà của một người đàn ông khác. Bà ta chọn sống một mình và tự lo liệu cho mình. Bà ta hẳn không thể thành đạt nếu không quá khôn ngoan và ranh mãnh trong làm ăn. Nhưng bà ta vẫn còn có tấm thân để mà đấu tranh. Bà ta muốn để mọi người biết rằng bà ta không thể bị tấn công bằng cách trát phấn lên mặt để che đi những nét có lẽ trên khuôn mặt từng đẹp một thời và mặc quần áo hoa hòe hoa sói để phân biệt mình với những người đàn bà đã có chồng trong huyện chúng tôi. Giờ tôi đoán bà ta phải ngoài sáu lăm, ở độ tuổi này bà ta không còn phải giấu mình sau lớp phấn và tấm lụa sặc sỡ nữa. Bà ta là một bà già - vẫn khôn ngoan, vẫn ranh mãnh trong chuyện làm ăn, nhưng vẫn có một điểm yếu mà tôi biết quá rõ. Bà ta rất thương cô cháu gái của mình.
“Chào bà Lữ, đã lâu không gặp,” bà ta nói, thả mình xuống chiếc ghế tựa trong căn phòng chính. Thấy tôi không mời trà, bà ta nhìn quanh vẻ lo ngại. “Chồng bà có nhà chứ?”
“Ông chủ Lữ lát nữa mới về nhà, nhưng sao bà cứ thích chạy trước thế nhỉ. Con gái tôi còn quá nhỏ để ông ấy bàn định chuyện hôn nhân.”
Bà Vương vỗ đánh đét một cái vào đùi mình rồi cười như nắc nẻ. Khi thấy tôi không hưởng ứng, bà ta nghiêm túc trở lại. “Bà biết là tôi đến đây không phải vì chuyện đó. Tôi đến để bàn bạc về chuyện kết giao lão đồng. Chuyện này chỉ cần đàn bà nói chuyện với nhau là được.”
Tôi bắt đầu gõ gõ móng tay ngón trỏ lên tay ghế bằng gỗ tếch tôi đang ngồi. Tiếng gõ ồn ào và khó chịu ngay cả đối với tôi, nhưng tôi không ngừng lại.
Bà ta rút từ ống tay áo ra một chiếc quạt. “Tôi mua nó cho con gái của cô. Có lẽ tôi có thể đưa cho cô bé.”
“Con gái tôi ở trên gác, nhưng ông chủ Lữ sẽ không thấy việc cho con bé xem vật gì ông chưa kiểm tra trước là thích hợp.”
“Nhưng bà Lữ,” bà Vương giải thích, “nó được viết bằng chữ của đàn bà chúng ta mà.”
“Vậy thì đưa nó cho tôi.” Tôi đưa tay ra.
Bà mối già nhìn thấy tay tôi run run thì lưỡng lự. “Tuyết Hoa…”
“Không!” Tiếng đó thốt ra gay gắt hơn so với ý định của tôi, nhưng tôi không thể chịu đựng được khi nghe nhắc đến cái tên đó. Tôi cố trấn tĩnh lại, rồi nói, “bà cứ đưa chiếc quạt cho tôi.”
Bà ta miễn cưỡng đưa nó cho tôi. Trong đầu mình tôi đã chuẩn bị cả tá bút lông và mực, để xóa sạch mọi ý nghĩ và ký ức cứ bất chợt hiện lên. Tôi viện đến cái cứng rắn của đồng thiếc trong miếu thờ họ, cái cứng rắn của băng trong mùa đông, và cái cứng rắn của xương cốt phơi khô dưới ánh mặt trời không ngừng thiêu đốt để đem lại cho tôi sức mạnh. Soạt cái, tôi mở chiếc quạt ra.
Mình được biết trong nhà bạn có một cô gái tính tình thùy mị nết na và hiểu đạo công dung ngôn hạnh. Bạn và mình sinh cùng ngày cùng năm. Sao chúng ta không trở thành bạn tương giao của nhau nhỉ? Đây là những chữ đầu tiên Tuyết Hoa viết cho tôi từ nhiều năm trước. Tôi ngước lên và bắt gặp bà Vương đang nhìn tôi chằm chằm, dò xét xem phản ứng của tôi thế nào, nhưng tôi giữ nét mặt bình lặng như mặt ao vào buổi đêm thanh tĩnh. Hai gia đình chúng ta đều ươm một vườn cây. Hai bông hoa đã nở. Chúng đã sẵn sàng để gặp nhau. Bạn và mình sinh cùng năm. Sao chúng ta không trở thành lão đồng của nhau nhỉ? Chúng ta sẽ cùng vút bay vào những đám mây.
Tôi nghe thấy giọng nói của Tuyết Hoa trong từng chữ viết cẩn thận. Tôi sập chiếc quạt lại và đưa trả cho bà Vương. Bà ta không cầm nó từ cánh tay đang chìa ra của tôi.
“Bà Vương ạ, tôi nghĩ rằng đã có chút lầm lẫn. Tám đặc điểm của hai con bé không tương đồng. Chúng được sinh ra khác ngày khác tháng. Và quan trọng hơn, chân của chúng trước khi bó không bằng nhau, và tôi ngờ rằng chúng khó mà tương xứng với nhau sau khi được bó. Và ” - tôi uể oải đưa tay chỉ khắp căn phòng chính - “hoàn cảnh hai đình không tương xứng. Tất cả những điều này ai cũng biết.”
Đôi mắt của bà Vương thu hẹp lại. “Cô nghĩ là tôi không biết sự thật về những chuyện này à?” Bà ta khịt mũi. “Để tôi nói cô nghe những gì mà tôi biết nhé. Cô đã cắt đứt giao kèo mà không một lời giải thích. Có một người đàn bà - lão đồng của cô - đã phải khóc vì sự nhầm lẫn này…”
“Nhầm lẫn ư? Bà có biết cô ấy đã nói gì không?”
“Hãy nói chuyện với con bé,” bà Vương tiếp tục. “Đừng có phá vỡ kế hoạch đã được nhất trí bởi hai bà mẹ hiền từ. Hai đứa con gái sẽ cùng có tương lai tươi sáng. Chúng sẽ hạnh phúc như hai bà mẹ của mình.”
Chắc chắn tôi không thể đồng ý với lời đề nghị của bà mối. Tôi đã trở nên yếu đuối vì đau khổ, và đã quá nhiều lần trong quá khứ tôi để mình bị lừa phỉnh - đánh lạc hướng, chi phối, thuyết phục - bởi Tuyết Hoa. Tôi cũng không thể liều lĩnh nhìn thấy Tuyết Hoa với những người chị em kết nghĩa của cô. Lòng tôi đã bị giày vò quá đủ bởi sự tưởng tượng về những chuyện thầm thì bí mật và sự đụng chạm gần gũi giữa cô với họ.
“Bà Vương,” tôi nói, “tôi sẽ không đời nào hạ thấp giá trị của con gái tôi đến mức để cho nó kết thân với dòng giống của một tên đồ tể đâu.”
Tôi cố ý tỏ ra hằn học, hy vọng bà mối sẽ bỏ cuộc, nhưng như thể bà ta không nghe thấy những điều tôi vừa nói vậy, vì tôi thấy bà ta nói, “tôi nhớ lại hai cô hồi trước. Bước qua cầu, bóng các cô phản chiếu dưới mặt nước - cao như nhau, bàn chân bằng nhau, can đảm như nhau. Các cô đã thề sẽ trung thành với nhau. Các cô đã hứa sẽ không rời xa nhau một bước, sẽ ở bên nhau mãi mãi, không bao giờ chia lìa, không bao giờ rời xa…”
Tôi đã làm tất cả những điều đó với trái tim rộng mở, nhưng Tuyết Hoa thì sao?
“Bà không biết mình nói gì cả,” tôi nói. “Vào cái ngày mà cháu gái của bà và tôi ký vào bản thỏa ước, bà đã nói, ‘Không có thê thiếp.’ Bà có nhớ điều này không, bà lão? Bây giờ thì đi mà hỏi xem cháu gái bà đã làm gì.”
Tôi ném chiếc quạt vào lòng bà mối và quay mặt đi, trái tim tôi lạnh lẽo như dòng sông mùa đông thường chảy qua chân tôi. Tôi cảm thấy ánh mắt của bà già đó đang chiếu vào tôi, đánh giá, ngạc nhiên, dò xét, nhưng bà ta không dám dấn tới. Tôi nghe thấy bà ta loạng choạng đứng dậy. Đôi mắt bà ta vẫn nhìn chằm chằm vào tôi, nhưng tôi vẫn kiên định không chút nao núng.
“Tôi sẽ truyền lại lời nhắn của cô,” cuối cùng bà ta lên tiếng, giọng nói của bà ta đầy vẻ ân cần và thấu hiểu khiến tôi bối rối, “nhưng hãy biết điều này. Cô là con người hiếm có. Tôi nhìn thấy điều này từ lâu. Mọi người trong huyện đều ghen tỵ với hạnh vận của cô. Mọi người đều mong cô sẽ thọ lâu và sung túc. Nhưng tôi cũng thấy cô đang làm tan nát hai trái tim. Thật đáng buồn. Tôi nhớ cô bé từng là cô khi xưa. Cô chẳng có gì cả ngoài đôi bàn chân đẹp. Giờ thì cô đã có cả một cuộc sống giàu có, bà Lữ ạ - và cũng thừa thãi sự độc ác, vô ơn, mau quên.”
Bà ta tập tễnh ra cửa. Tôi nghe thấy bà ta bước lên kiệu và bảo những người khiêng kiệu đưa bà ta đến Cẩm Điền. Tôi không thể tin nổi đó là lần cuối cùng tôi để cho bà ta nói.
MỘT NĂM TRÔI qua. Lễ Ngồi và Hát ở Căn buồng trên gác của em họ Tuyết Hoa sắp đến. Tôi vẫn còn đau khổ, đầu óc tôi cứ đánh nhịp - ta dum, ta dum, ta dum - liên hồi kỳ trận như nhịp đập trái tim hay lời tụng niệm của một người đàn bà. Tuyết Hoa và tôi từng dự định sẽ cùng nhau đến dự buổi lễ. Tôi không biết liệu cô có đến nữa không. Nếu cô đến, tôi hy vọng chúng tôi có thể tránh đối đầu với nhau. Tôi không muốn cãi nhau với cô như với mẹ tôi trước đây.
Ngày mùng mười tháng Mười âm tới - ngày lành tháng tốt cho cô gái hàng xóm bắt đầu lễ cưới. Tôi đi sang nhà cô bé và bước lên căn buồng trên gác. Cô dâu trông thật xinh đẹp trong dáng vẻ uể oải. Các chị em kết nghĩa ngồi xung quanh cô. Tôi nhận ra bà Vương và, bên cạnh bà ta là Tuyết Hoa: sạch sẽ, mái tóc buộc ra sau theo đúng kiểu của một quý cô đã có chồng, và vận một trong những bộ y phục tôi đã tặng cô. Cái vùng nhạy cảm vốn là điểm đến của các xương sườn ở phía trên dạ dày tôi thắt lại. Dường như máu trên đầu rút hết xuống dưới và tôi thấy mình sắp ngất mất. Tôi không biết liệu tôi có thể ngồi dự hết buổi lễ này khi có Tuyết Hoa trong buồng mà vẫn giữ được vẻ đĩnh đạc đường hoàng của một người đàn bà không. Tôi liếc nhìn những khuôn mặt khác. Tuyết Hoa không dẫn theo Dương Liễu, Liên Hoa, Mai Hoa đi cùng để bầu bạn. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nếu một trong số họ hiện diện ở đây, tôi sẽ bỏ về.
Tôi ngồi xuống một chiếc ghế ở phía đối diện với dì cháu Tuyết Hoa. Nghi lễ trong căn buồng có tất cả các phần hát hò, than thở, kể chuyện và trêu đùa như lệ thường. Rồi mẹ của cô dâu đề nghị Tuyết Hoa kể về cuộc sống của cô từ khi rời Thông Khẩu.
“Hôm nay tôi sẽ hát lời Lá thư Lăng mạ,” Tuyết Hoa nói.
Tôi không hề lường trước chuyện này. Làm sao Tuyết Hoa lại có thể muốn cất lời oán trách tôi ngay trước đám đông trong khi tôi mới là người bị đối xử tồi tệ? Nếu thế, lẽ ra tôi nên chuẩn bị một bài hát kết tội để trả miếng.
“Con chim trĩ kêu vang và tiếng kêu của nó lan xa,” cô bắt đầu hát. Đám đàn bà con gái trong căn phòng quay lại nhìn cô khi nghe thấy cách mở đầu quen thuộc cho kiểu giao tiếp truyền thống. Rồi Tuyết Hoa bắt đầu hát theo nhịp điệu ta dum, ta dum, ta dum, mà tôi đã nghe suốt mấy tháng qua. “Tôi đã thắp hương suốt năm ngày để cầu khấn thần linh ban cho tôi lòng can đảm để đến đây. Tôi đã đun nước thơm để tắm táp thơm tho và giặt giũ sạch sẽ suốt ba ngày chỉnh tề trước mắt những người bạn cũ của tôi. Tôi trút cả hồn mình vào trong bài hát. Thuở còn bé, tôi được quý trọng nâng niu, nhưng mọi người ở đây đều biết cuộc sống của tôi khó khăn thế nào. Tôi đã mất ngôi nhà nơi tôi sinh ra. Tôi đã mất gia đình ruột thịt. Hai thế hệ đàn bà trong gia đình tôi phải chịu bất hạnh. Chồng tôi không tốt. Mẹ chồng tôi cay nghiệt. Tôi đã mang thai bảy lần, nhưng chỉ có ba đứa con tôi được hít thở bầu không khí của cuộc đời này. Giờ chỉ còn một đứa con trai và một đứa con gái sống sót. Dường như tôi bị số phận nguyền rủa. Hẳn tôi đã để lại nghiệp chướng từ kiếp trước. Tôi bị coi là người thấp kém hơn những người khác.”
Mấy chị em kết nghĩa của cô dâu khóc vì thương cảm theo đúng tục lệ. Các bà mẹ của họ chăm chú lắng nghe - ô và a lên ở những đoạn buồn, lắc đầu trước cái số phận không tránh khỏi của một người đàn bà, và ngưỡng mộ cách Tuyết Hoa dùng ngôn ngữ của chúng tôi kể về nỗi bất hạnh.
“Tôi chỉ còn một hạnh phúc duy nhất trong đời mình, lão đồng của tôi,” Tuyết Hoa tiếp tục - ta dum, ta dum, ta dum. “Trong thỏa ước chúng tôi đã thề sẽ không bao giờ nặng lời với nhau, và hai mươi bảy năm qua chưa một lần như vậy. Chúng tôi luôn nói những điều thành thật. Chúng tôi như hai cây dây leo, vươn tới nhau, mãi mãi quấn lấy nhau. Nhưng khi tôi kể cho cô ấy nghe nỗi buồn của tôi, cô đã không chịu kiên nhẫn lắng nghe. Khi cô ấy nhìn thấy tinh thần tôi sa sút ra sao, cô ấy nhắc nhở tôi rằng đàn ông phải làm đồng còn đàn bà phải dệt vải, rằng siêng năng thì mới no đủ, và tin rằng tôi có thể thay đổi được số phận của mình. Nhưng làm sao mà trên đời này có thể hết được những người sầu đau và bạc mệnh?”
Tôi thấy những người đàn bà trong phòng khóc thương cho cô. Tôi vẫn quá sững sờ.
“Tại sao bạn lại quay lưng lại với mình?” Cô hát lên, giọng cô thật cao và đẹp. “Bạn và mình là lão đồng - tâm hồn chúng ta vẫn ở bên nhau dù chúng ta không được gắn bó với nhau trong cuộc sống thường nhật.” Đột nhiên, cô chuyển sang chủ đề mới. “Và tại sao bạn lại làm tổn thương con gái mình? Xuân Nguyệt còn quá trẻ để có thể hiểu được tại sao, mà bạn cũng chẳng nói lý do. Mình không ngờ trái tim bạn lại độc ác đến vậy. Mình xin bạn hãy nhớ rằng đã có lúc tình cảm của chúng ta sâu tựa biển xanh. Đừng để thế hệ con gái thứ ba của nhà mình phải tiếp tục đau khổ.”
Đến đoạn cuối cùng này, không khí trong phòng thay đổi khi những người khác nghe theo lời phán xét bất công cuối cùng đó. Đối với các cô gái, cuộc đời đã quá đủ khó khăn chưa kể đến chuyện tôi gây khó khăn thêm cho ai đó yếu thế hơn tôi.
Tôi đứng đơ người. Tôi là bà Lữ, người đàn bà cao quý nhất huyện, và lẽ ra tôi phải không được chấp chuyện đó. Thay vào đó, tôi lại đi nghe tiếng hát thầm kín cho đến giờ cứ nện thình thịch vào đầu và tim tôi bao tháng trời.
“Con chim trĩ kêu vang và tiếng kêu của nó lan xa,” tôi nói, khi đoạn mở đầu của Những lời Lăng mạ hình thành trong đầu óc tôi. Tôi vẫn muốn hành xử cho phải lẽ, vì vậy tôi nhắc đến lời buộc tội cuối cùng và bất công nhất của Tuyết Hoa trước tiên. Tôi nhìn từ người này sang người khác khi hát lên. “Hai đứa con gái của chúng tôi không thể trở thành lão đồng. Chúng không giống nhau ở bất kỳ điểm nào. Người láng giềng lâu năm của các bạn muốn làm điều gì đó cho con gái cô ta, nhưng tôi sẽ không phá vỡ cấm kỵ. Khi nói lời chối từ, tôi đã làm cái điều mà mọi người mẹ sẽ làm.”
Rồi, “mọi người đàn bà trong căn buồng này đều đã nếm mùi gian khổ. Khi còn là con gái, chúng ta được nuôi dưỡng như những nhánh cây vô dụng. Có thể chúng ta yêu quý gia đình mình, nhưng chúng ta không sống với họ lâu dài. Chúng ta được gả tới những thôn mà mình không hề biết đến, vào những gia đình mà mình chưa hề biết mặt. Chúng ta phải làm việc quần quật, và nếu kêu ca chúng ta sẽ mất nốt chút tôn trọng nhỏ nhoi mà gia đình chồng dành cho mình. Chúng ta sinh ra con cái; có khi chúng chết yểu, có khi lại là chính chúng ta sẽ lìa đời. Khi chồng chúng ta chán chúng ta, bọn họ sẽ cưới thêm người thiếp. Tất cả chúng ta đều phải đương đầu với nghịch cảnh - mùa màng thất thu, mùa đông giá rét, mùa trồng cấy không có mưa. Chẳng có gì trong số những chuyện đó là quá đặc biệt, nhưng người đàn bà đó cố gây chú ý đặc biệt cho những bất hạnh của cô ta.”
Tôi quay về phía Tuyết Hoa. Nước mắt làm cay mắt tôi khi tôi hát lên với cô, và ngay khi những lời đó thốt ra khỏi miệng tôi đã thấy hối tiếc. “Bạn và mình quấn quít như đôi uyên ương với nhau. Mình luôn luôn thành thật, nhưng bạn đã lảng tránh mình để ôm ấp những người chị em kết nghĩa. Một người con gái gửi chiếc quạt cho một người con gái khác, sẽ không bao giờ viết cái mới cho ai nữa. Một con ngựa tốt không bao giờ có hai yên cương; một người đàn bà tử tế không bao giờ phản bội lão đồng của mình. Có lẽ, sự bội bạc của bạn chính là nguyên do mà chồng bạn, mẹ chồng bạn, con cái bạn, và, vâng, người lão đồng bị phản bội trước mặt bạn đây, không còn yêu thương bạn như họ có thể làm vậy. Bạn đã làm tất cả chúng tôi xấu hổ bằng những tưởng tượng thời con gái của bạn. Nếu chồng mình trở về nhà ngày hôm nay với một người thiếp, mình sẽ bị ném ra khỏi giường, bị thờ ơ, bị gạt bỏ khỏi sự quan tâm của chồng mình. Mình - như tất cả những người đàn bà ở đây - sẽ phải chấp nhận chuyện đó. Nhưng… từ… bạn…”
Cổ họng tôi nghẹn lại và những giọt nước mắt mà tôi cố nén tuôn trào. Trong khoảnh khắc, tôi nghĩ là tôi không thể nào tiếp tục được. Tôi ra khỏi nỗi đau của mình và cố gắng đưa chuyện này trở lại với một thứ gì đó mà tất cả những người đàn bà trong căn phòng này đều có thể hiểu được. “Có lẽ chúng ta đều thấy chuyện người chồng không còn ưu ái mình nữa là bình thường - họ có quyền như vậy, còn chúng ta chỉ là những người đàn bà - nhưng để chịu đựng điều này từ một người đàn bà khác, người mà chính giới tính của cô ta cũng đủ khiến cô ta chỉ sống thôi đã là khốn khổ, thì quả là tàn nhẫn.”
Tôi hát tiếp, nhắc các láng giềng của tôi nhớ tới địa vị của tôi, của chồng tôi người đã mang muối về cho thôn này, và việc anh đã lo lắng chu toàn để đảm bảo tất cả mọi người ở Thông Khẩu đều được đưa đến nơi an toàn trong suốt cuộc nổi loạn.
“Ngưỡng cửa nhà mình sạch sẽ,” tôi tuyên bố, rồi nhìn vào Tuyết Hoa. “Nhưng còn nhà bạn thì sao?”
Khoảnh khắc đó, cái suối nguồn giận dữ chưa bùng lên bao giờ nay bỗng dâng lên sục sôi trên bề mặt, và không một người đàn bà nào trong phòng ngăn tôi thể hiện nó ra. Những lời tôi thốt ra xuất phát từ một vùng tăm tối và đắng cay đến mức tôi như thấy mình bị mổ phanh ra bằng một con dao. Tôi biết mọi chuyện về Tuyết Hoa, và tôi dấn tới dùng tới nó để chống lại cô dưới cái lốt của chuẩn mực xã hội và quyền lực của Lữ phu nhân. Tôi làm nhục cô trước những người đàn bà khác, nói toạc ra mọi điểm yếu của cô. Tôi chẳng chừa một điều gì cả, vì tôi đã mất hết tự chủ rồi. Tự nhiên, một ký ức xa xôi về cái chân buông thõng của em gái tôi và đống vải bó chân quấn quanh người nó chợt hiện về với tôi. Với mỗi lời thóa mạ tuôn ra, tôi cảm giác như chính lớp vải bó chân mình đã lỏng ra và cuối cùng tôi được thoải mái nói hết những điều mình nghĩ. Phải nhiều năm sau tôi mới nhận ra rằng nhận thức của tôi lúc này là hoàn toàn sai. Dải bó không bay qua không khí và đập vào lão đồng của tôi. Trái lại, chúng quấn lấy tôi càng lúc càng chặt, cố gắng bóp nặn lấy tình yêu sâu sắc mà tôi đã khao khát suốt cuộc đời mình.
“Người đàn bà này, láng giềng của các bạn, đã mang món hồi môn được làm từ chính hồi môn của mẹ cô ta, vì thế khi người mẹ nghèo khổ kia phải lang thang trên đường phố bà ấy không còn chăn mền hay quần áo để mặc cho ấm,” tôi tuyên bố. “Người đàn bà này, láng giềng của các bạn, đã không giữ cho nhà cửa sạch sẽ. Chồng của cô ta làm một công việc ô uế, mổ lợn ngay trên bậc thềm trước cửa nhà. Người đàn bà này, láng giềng của các bạn, có nhiều tài năng, nhưng cô ta đã lãng phí chúng, không chịu dạy cho những người đàn bà khác trong gia đình chồng thứ ngôn ngữ bí mật của chúng ta. Người đàn bà này, láng giềng của các bạn, đã nói dối về hoàn cảnh của cô ta khi còn là đứa con gái nhỏ, nói dối khi đã là thiếu nữ trong những ngày búi tóc, và vẫn tiếp tục nói dối khi đã là người vợ và người mẹ trong những ngày gạo muối. Cô ta không chỉ nói dối tất cả các bạn mà còn nói dối với chính lão đồng của mình.”
Tôi ngừng lại một chút, dò xét nét mặt của những người đàn bà quanh mình. “Cô ta sử dụng thời giờ của mình như thế nào? Tôi sẽ kể cho mọi người nghe! Cho sự dâm ô của cô ta! Loài vật nào cũng chỉ động dục theo mùa, nhưng người đàn bà này lúc nào cũng vậy. Sự động dục của cô ta là nguyên nhân khiến cả gia đình cô ta phải im lặng. Khi chúng tôi chạy lên núi tránh đám quân nổi loạn” - tôi lắc lư tiến về phía trước và những người khác ngả về phía tôi - “cô ta thích ân ái với chồng mình hơn là ở bên tôi - lão đồng của cô ta. Cô ta nói rằng chắc cô ta đã làm những việc tồi tệ từ kiếp trước, nhưng tôi, với tư cách là bà Lữ, nói với các bạn rằng chính những việc tồi tệ của cô ta ở kiếp này đã làm nên số phận của cô ta.”
Tuyết Hoa ngồi đối diện với tôi, nước mắt ròng ròng hai má, nhưng tôi đau khổ và giận dữ đến mức chỉ muốn làm thế nào để có thể trút hết cơn giận của mình mà thôi.
“Chúng ta đã viết thỏa ước từ hồi nhỏ,” tôi kết luận. “Chính bạn đã hứa, rồi cũng tự phá bỏ nó.”
Tuyết Hoa hít một hơi sâu run rẩy. “Bạn từng bảo mình phải luôn nói với bạn sự thật, nhưng khi mình nói thật, bạn lại hiểu lầm hay không muốn nghe những điều mình nói. Mình đã tìm thấy những người đàn bà không hề coi thường mình ở thôn. Họ không phê phán mình. Họ cũng không muốn mình sẽ trở thành một ai khác mà không còn là mình nữa.”
Mỗi lời cô nói ra càng củng cố thêm những điều mà tôi ngờ vực.
“Họ cũng không làm nhục mình trước mặt những người khác,” Tuyết Hoa nói tiếp. “Mình đã thêu thùa cùng với họ, và cùng an ủi nhau khi gặp những chuyện không vui. Họ không thương hại mình. Họ đến thăm mình khi mình không khỏe... Mình cô đơn và đơn độc. Mình cần những người đàn bà đó để khuây khỏa qua ngày, không chỉ là những lúc mà bạn sắp xếp. Mình cần những người đàn bà có thể lắng nghe mình như mình vốn vậy chứ không phải như người họ nhớ tới hay mong chờ mình sẽ trở thành như vậy. Mình thấy mình giống như cánh chim cô độc. Không thể tìm được bạn cho mình…”
Giọng nói êm ái và lời biện hộ dịu dàng của cô làm tôi thấy sợ. Tôi nhắm mắt lại, cố nén chặt cảm xúc của mình. Để bảo vệ chính mình, tôi phải tiếp tục giữ mối bất bình này như với mẹ tôi trước kia. Khi tôi mở mắt ra, Tuyết Hoa đã đứng dậy và uyển chuyển đi ra phía cầu thang. Khi thấy bà Vương không bước theo cô, tôi cảm thấy nhói lên nỗi thương cảm. Ngay cả dì của cô, người duy nhất trong số chúng tôi có thể kiếm sống và tồn tại được bằng sự khôn ngoan của mình, cũng không an ủi cô một lời.
Nhìn Tuyế d47 t Hoa từng bước khuất dần dưới cầu thang, tôi tự hứa sẽ không bao giờ gặp lại cô nữa.
KHI TÔI NHỚ lại ngày hôm đó, tôi biết rằng tôi đã thất bại thảm hại với trách nhiệm và bổn phận của một người đàn bà. Những gì mà cô đã làm là không thể tha thứ được, nhưng tôi nói ra như vậy thì thật hèn hạ. Tôi đã để cho sự giận dữ, nỗi đau và rốt cuộc là khao khát muốn trả thù điều khiển hành động của tôi. Mỉa mai thay, chính những điều khiến tôi xấu hổ và sau này khiến tôi hết sức ân hận lại hoàn tất con đường trở thành bà Lữ của tôi. Các láng giềng của tôi đã thấy tôi xốc vác ra sao khi chồng tôi đang ở Quế Lâm. Họ đã biết tôi chăm sóc mẹ chồng mình khi nạn dịch bùng phát như thế nào và thể hiện lòng hiếu thảo đúng mực trong đám tang của bố mẹ chồng tôi ra sao. Sau khi tôi sống sót được qua mùa đông trên núi, họ đã chứng kiến việc tôi gửi thầy giáo đến thôn Cẩm Điền hẻo lánh, có mặt trong hầu hết các dịp lễ lạt ở mọi gia đình của Thông Khẩu, và nói chung là làm tròn bổn phận của vợ trưởng thôn. Nhưng vào ngày hôm đó, tôi thực sự đã giành được sự kính trọng đi liền với địa vị của bà Lữ bằng cách làm được cái việc được cho là của mọi người đàn bà trên đất nước tôi nhưng hiếm có ai làm nổi. Một người đàn bà phải là điển hình về sự đúng mực và suy nghĩ hợp đạo trong khuôn khổ nội gia. Nếu đạt được như vậy, thì điều đó sẽ từ cửa ngõ nhà cô ta truyền sang các nhà khác và không chỉ khiến đàn bà và con trẻ cư xử đúng đắn mà còn thúc đẩy người đàn ông càng gắng sức làm cho địa hạt ngoại gia trở nên an toàn và ổn định để từ ngai vàng hoàng đế được thấy sự thanh bình khắp nơi nơi. Tôi làm tất cả những việc đó công khai hết mức để hàng xóm láng giềng của tôi thấy rằng Tuyết Hoa là người đàn bà thấp kém và đê tiện không đáng là một phần trong cuộc sống của chúng tôi. Tôi đã thành công, thậm chí phải hủy hoại lão đồng của mình.
Bài hát Lăng mạ của tôi trở nên nổi tiếng. Nó được chép lại trên khăn tay và quạt. Nó được truyền dạy cho các cô gái như bài giáo huấn và hát suốt các lễ cưới để cảnh báo các cô dâu về những cạm bẫy của cuộc đời. Theo đó, nỗi ô nhục của Tuyết Hoa lan truyền khắp huyện chúng tôi. Đối với tôi, những chuyện đã xảy ra quay lại làm khổ chính tôi. Trở thành bà Lữ thì phỏng có ích gì nếu cuộc sống của tôi sẽ chẳng còn tình yêu nữa?
Hết chương 17. Mời các bạn đón đọc chương 18!