Tuyển Tập Truyện Ngắn Cực Hay Ngày 20 -11 Trường tôi – Lớp tôi

Trường tôi – Lớp tôi
Con đường đến trường của tôi không chút thơ mộng, không được cái may mắn có “hoa điệp vàng trải dưới chân” như trong một bài hát học trò.

 

 

Con đường đến trường của tôi chỉ là con lộ đá lởm chởm, chạy ngoằn ngoèo như con rắn lượn. Ngày nắng bụi tung mù mịt. Ngày mưa đất bùn bê bết, ếch nhái kêu uôm oang hai bên ruộng. Men theo con lộ là những bụi hoa mắc cở gai góc mọc đầy, nằm dưới những hàng ô môi nở bông tím thẳm xen giữa một rừng quả đen nhánh treo lúc lĩu trên cây . Mùa nước nổi, cả họ hàng nhà cá theo dòng nước “ngao du” đầy trên lộ .

Ngày ngày, tôi và Uyên phải vượt qua “con đường đau khổ” dài hơn 5Km để đến lớp. Ngày nắng, ông mặt trời đỏ rực như một núi lửa khổng lồ rượt đuổi như muốn thiêu sống chúng tôi . Ngày mưa, chiếc xe không chống trả nổi với cái thế giới> bùn nhầy nhụa, nó “nũng nịu” đòi cô chủ cõng. Gian nan, vất vã trăm bề nhưng lúc nào chúng tôi cũng cười nói như chim non. Bởi lẽ, qua được “con đường đau khổ” kia thì khung trời mơ ước của chúng tôi đã hiện ra .

Ngôi trường xinh xắn mái ngói đỏ tươi nằm cặp theo quốc lộ 1, “e lệ” nép mình giữa những vườn bạch đàn xanh rờn, lao xao . Ngôi trường bé nhỏ chỉ có mười phòng học này ít ai biết đến. Nó chỉ thuộc loại “cháu chắt” so với những ngôi trường lớn khác trong huyện. Nhưng đối với chúng tôi, đó đúng là một thiên đường mà chúng tôi vẫn thường gọi một cách ví von là thiên đường màu xanh. Màu xanh mát của ruộng lúa mênh mông phía sau trường. Màu xanh non của hàng Phượng Vĩ chạy thẳng tắp từ cổng trường đến sân. Màu xanh biếc của tàng cây bả đậu ở giữa sân trường. Trên đó có một dàn nhạc giao hưởng tuyệt vời của thiên nhiên : Tiếng gió vi vu, tiếng chim ríu rít ; tiếng hát êm đềm của những cô cậu học trò nghịch ngợm. Màu xanh ngắt của hồ ấu trước phía bên phải trường làm nền cho màu trắng muốt của những hoa sen mới nở. Phía trên hồ, những hàng bạch đàn xanh biếc nghiêng mình theo gió lao xao, lao xao . Thiên đường màu xanh bao bọc xung quanh những phòng học lợp ngói mới tinh, nền lót gạch bông mát lạnh, bàn ghế láng bóng như thoa mở, bảng đen nhánh in rõ những dòng chữ bằng phấn trắng. Phòng học thật là “mát mắt”.

Được vào trường cấp ba, mà hệ A đàng hoàng nữa! Tôi sướng mê ly cười nói với nhỏ Uyên :

- Mơ ước của tụi mình thành sự thật rồi đó. Năm mới năm me phải cố gắng học. Hệ A mà học dở thì “ẹ” lắm đó. Phải bỏ cái tánh “hồn nhiên, nhí nhảnh” quá lố của mầy đi nghen nhỏ.

Nhỏ Uyên dẫu môi ra dài chừng… ba tầm đất :

- Ừm, chắc… phải vậy thôi . Bỗng nó reo lên thật lớn làm tôi giật nẩy người :

- A! Ôi, trứng cá nữa kia Hằng ơi!

Vụt một cái, Uyên đã nhảy thót ra khỏi cửa sổ, đi về phía sân sau . Úi chu ơi! hai cây ổi xá lị! Hấp dẫn quá! Thêm bốn cây trứng cá nữa . Nhỏ ơi, chờ ta với! Nhanh như chớp, Uyên trèo tót lên cây ổi lớn, tôi lẽo đẽo vừa tính “nối đuôi” thì… Một cặp kính cận dày cộm từ phòng hội đồng ló ra. Cặp kính đi về phía cây ổi, dán mắt vào cái mặt tái nhợt như tàu lá chuối và đôi chân run lẩy bẩy của tôi .

- Em kia! làm gì đó?

Tôi run cầm cập như kẻ trộm bị bắt quả tang (chớ còn gì nữa) :

- Dạ, em… em… đứng đây chơi!

- Vào lớp đi ! Đến giờ học rồi mà chơi cái gì.

Cặp kính vừa phán xong, tôi quay lưng ù té chạy vào phòng học mà trái tim bé bỏng vẫn còn gửi lại trên cây cho Uyên. Cặp kính cận đó chính là thầy giám thị ! Lên lớp 10 phải mặc áo dài, kể cũng hơi vướng víu nhưng chúng tôi vẫn nghịch như quỷ sứ. Tôi và Uyên đều không giữ vững được cái chỉ tiêu cứng rắn tự mình đặt ra ban đầu . Cả hai đứa cùng hòa đồng vào cái tập thể sôi động và ồn ào có tiếng nhất trường này . Vui nhất là năm lớp 12, năm học cuối cùng của lớp tôi . Ngày khai giảng đầu năm, lớp trưởng trịnh trọng tuyên bố trước lớp :

- Các bạn thân mến! Năm học này là năm học cuối cùng của tụi mình. Các bạn phải vượt qua những kỳ thi gay go, nguy hiểm và đặc biệt kỳ thi tốt nghiệp cuối năm sẽ quyết định công sức mười hai năm học tập của các bạn. Cha mẹ, thầy cô và cả mình nữa đều mong muốn cho cả lớp cuối năm sẽ…

- Rớt! – Một tên mày râu nào đó hét lên – rớt bây giờ. Trời ơi, lớp trưởng ơi! Chạy đi!

Lớp trưởng chẳng hiểu chuyện gì, dáo dác nhìn quanh.

- Trời ơi, chạy đi mà! – Một giọng khác thúc dục.

Độp! một giọt nước to tướng, khai khai mùi … amoniac rơi bắn tung tóe xuống ngay đầu lớp trưởng. Lớp trưởng hoảng hốt nhìn lên rồi bất thần kêu “á” một tiếng thất thanh nằm lăn ra bất tỉnh. Ba mươi ba cái miệng tròn vo mới há ra chuẩn bị hưởng ứng một trận cười nôn ruột nhưng từ những cái miệng xệ xuống như mếu . Phía trên cây đòn dong con cóc xù xì bị buộc sợi dây vào chân đang há hoát cái miệng ra mà cười! Cả lớp quýnh quáng khiêng lớp trưởng ra xe để đến trạm y tế. Sau khi được tiêm một mũi thuốc, lớp trưởng tỉnh dậy nhưng vẫn chưa hoàn hồn, nói mê loạn xạ : “con cóc ! con cóc!”

Thầy cô trường tôi nổi tiếng dạy giỏi nhưng lại rất nghiêm khắc. Thầy cô dạy giỏi nên lớp tôi học rất giỏi và cũng rất ham học. Còn thầy cô nghiêm khắc nên… lớp tôi phải giỡn dữ trời để phá tan chính sách nghiêm khắc ấy, có lẽ để áp dụng phư ơng án “học giỏi, chơi không thể… dở” nên không bao giờ đoạt cờ luân lưu quá hai tuần, cả lớp “nhịn” giỡn được hai tuần thì sang đến tuần thứ ba chịu hết nổi rồi ! Một tên mày râu nào đó ngáp dài, lập tức một chuổi cười rộ lên :

- Hi, hi, hi … Ha ha ha!

Thế là công trình luyện tập nghiêm túc hai tuần lễ kể như đi đời .

Cũng có hôm thầy nghỉ, 34 cái mặt hớn hở kéo nhau xuống căn-tin cười nói muốn bay cái căn-tin luôn. Sau khi những ly chè, ly kem được vét sạch sẽ, cả bọn kéo nhau lên sân. Tụi con trai chơi đá banh còn những tà áo dài thướt tha thì tạm thời bớt thướt tha một tí. Hai tà áo dài ngoan ngoãn bám lấy cái lưng quần, hai cái ống quần rộng rãi bị “kiềm kẹp” trong hai sợi dây thung nhỏ xíu . Thế là… một hai ba … trận đá cầu bắt đầu … Một tiếng đồng hồ sau, mồ hôi mồ kê tuôn ra đầm đìa, mặt mày cô cậu nào cũng chói lọi như mặt trời, trận đấu mới kết thúc và…

- Tuấn ơi ! dép tao đâu rồi mậy?

- Ai biết ! “ông” để đâu rồi hỏi! ủa, mà dép tui cũng biến đâu mất tiêu rồi?

- Còn một chiếc nè “ông” ơi!

- Ủa, vậy chiếc kia đâu rồi? Coi có rớt xuống mương hông?

- Tui cũng mất tiêu một chiếc dép nữa .

- Tui cũng vậy!

Tụi con trai nhao nhao như ngồi phải lửa, kẻ bươi đám cỏ, người vạch từng viên đá tìm kiếm. Thậm chí có tên cởi quần áo lội xuống mương để mò. Một tà áo dài thướt tha ngồi trên băng đá dưới bóng cây bả đậu cười lên như nắc nẻ. Tụi con trai nghe thấy, nhìn nhau nghi ngờ. Lập tức cả lủ kéo đến biểu tình ầm ĩ :

- Chúng tôi muốn hòa bình, chúng tôi muốn tự do . Chúng tôi không muốn… đi một giò. Xin hãy trả lại dép lại cho chúng tôi!

Áo dài không nói mà cứ cười cười hoài . Một vài tên vờ hùng hổ, xăn tay áo lên :

- Bây giờ trả không nói mau?

Đám áo dài thấy tụi mày râu sinh sự, liền tìm cách cứu bồ. Các nàng hét lên như thổi còi :

- Vào học rồi ! Nhanh lên các bạn ơi.

Tụi con trai nửa cười nửa mếu cà nhắc từng bước vào lớp, trong lòng bừng bừng lửa giận. Chưa kịp yên vị, cô hóa đã giở sổ rà rà cây bút đỏ dò từng tên trên danh sách. Đứa nào cũng cố tạo ra bộ mặt hình sự, nhưng kỳ thực trái tim đứa nào cũng nhảy lung tung trong lồng ngực, còn ruột gan thì cứ nôn cả lên. Giọng cô hóa lạnh như đồng làm đứa nào cũng sởn gai ốc.

- Nguyễn… Ngọc… Lợi.

Kẻ được gọi tên mặt mày xanh như tàu lá, luýnh quýnh bật chiếc khóa cặp da, lục đi lục lại, lục tới lục lui, lục xuôi lục ngược… sao kỳ vậy cà ? Tập hóa của mình đâu mất tiêu rồi ? Ủa, mà sao tập sinh của nhỏ Yến lại ở trong cặp mình?

- Ngọc Lợi! Giọng cô gắt gỏng làm Lợi bật đứng dậy như một cái lò xo.

- Mau lên! Đôi mắt cô xoáy thẳng vào bộ mặt tái nhợt của cậu học trò nghịch ngợm. Tình trạng thiếu oxy diễn ra căng thẳng.

- Dạ, thưa cô … – Thủ phạm đưa cái bàn tay to như chiếc quạt nan lên gãi đầu – dạ, thưa cô … tập hóa của em bạn nào giấu mất tiêu rồi.

Cùng lúc đó Yến cũng bật đứng lên:

- Thưa cô, tập sinh của em cũng bay mất tiêu rồi, còn tập hóa của ai …

- Của tui phải không? – Lợi cướp lời Yến một cách đột ngột.

- Không phải! Của bạn… Đỗ Trung Quang.

Đến lượt Quang nhảy cỡn lên:

- Trời ơi! Vậy mà không chịu nói sớm làm nãy giờ tôi kiếm muốn “oải” luôn vậy đó !

Lớp trưởng đứng lên, trịnh trọng hỏi cả lớp :

- Bạn nào bày ra cái trò đổi chác tập vở này? Bạn nào? tự giác đứng lên đi.

Tụi con gái nhao nhao:

- Tui không biết à nha!

Những sự việc têu tếu như thế cũng lùi dần cho việc học hành nghiêm túc.

Chúng tôi cứ đùa giỡn, cứ học, cứ chơi mãi mãi nếu như … hàng phượng trong sân trường không đánh thức những tâm hồn sôi động của chúng tôi dậy . Một hôm, trong giờ văn, Uyên lơ đễnh nhìn ra cửa sổ rồi reo lên :

- Hoa Phượng nở rồi mấy bạn ơi! Trời, vậy là sắp đến nghỉ hè! Thầy dạy văn mắng yêu Uyên:

- Lẫn thẩn vừa vừa thôi chứ cô bé! Đang giờ học mà nói chuyện đâu không!

Rồi cái chuyện đâu đâu đó cũng phải đến. Đứa nào cũng mãi miết lao vào bài vở quên béng mất những trò nghịch ngợm, những lần giỡn đến long trời lở đất, những phút giây “vui sướng” khi “được” bước vào phòng hội đồng để… viết tự kiểm. Sau khi thi xong môn cuối cùng của kỳ thi tốt nghiệp, chúng tôi tụ họp lại trước sân trường, chưa đứa nào muốn về. Những cái miệng xinh xinh xì xào bàn tán… Khi cái cặp kính cận dày cộm của thầy giám thi đã khuất sau những hàng bạch đàn xanh ngắt, lập tức Quang “nhí” leo tuốt lên cây phượng to nhất, nở nhiều hoa nhất, một nhánh, hai nhánh, ba nhánh… Thế là những đóm lửa đỏ rực đua nhau rơi xuống những chiếc nón lá của phe áo dài . Bỗng… suýt nữa Quang “nhí” trượt chân vì giật mình bởi giọng nói ồm ồm của thầy hiêu trưởng :

- Ai cho các anh chị hái bông hái hoa như vầy ? Tính nghỉ học rồi không còn sợ ai hết phải không?

Chúng tôi đứng chết lặng một hồi lâu . Hình như có tiếng nấc nho nhỏ, rồi tiếng khóc sụt sịt. Mãi một lúc sau Uyên mới ấp úng nói:

- Thưa thầy, xin thầy rộng lượng tha cho tụi em lần cuối cùng. Từ đây về sau tụi em không còn được vào đây nữa … Tụi em chỉ phá một lần cuối cùng thôi mà. Hoa Phượng tụi em đem về ép bướm để dán vào lưu bút, thầy ơi …

Chưa nói hết câu, giọng Uyên nghẹn lại. Tôi cũng nghe môi mình mặn đắng. Thầy hiệu trưởng trầm ngăm một hồi rồi mới bảo:

- Thôi được! Các em cứ việc hái, tôi cho phép.

Phải như mọi lần là tụi tôi đã nhảy cẩng lên như trẻ nít, nhưng lần này chẳng đứa nào buồn nhếch môi, mà chỉ nhìn nhau … Quang nhí không buồn hái nữa mặc dù không bị ai cấm cản. Nó ngồi vắt vẻo trên cành phượng hai tay buông thỏng, chân đong đưa … Tụi áo dài ngồi bệt xuống cỏ, những cánh phượng buồn rơi lả tả như muốn nói lời từ biệt với chúng tôi . Trời chạng vạng tối, cả bọn mới lục đục kéo nhau ra về. Ra đến cổng nhỏ Uyên còn ngoái cổ trông lại những đốm lửa lập lòe ẩn khuất giữa vườn bạch đàn xanh rờn những lá.

Chúng tôi như những cánh chim non chập chững bay vào đời, cuộc đời không đơn giản như chúng tôi hằng tưởng tượng mà có những sự thật rất phũ phàng. Có đứa hý hửng bước vào trường đại học với tâm trạng vui sướng. Có đứa ngậm ngùi sớm dấn thân vào dòng đời để kiếm sống, và có đứa đã sẵn sàng rời bỏ đất nước ra đi . Thỉnh thoảng, chúng tôi trở về trường thăm lại thầy cô cũ, thăm lại nơi đã chất chứa biết bao kỷ niệm thân thương. Thầy cô cứ nhắc hoài :

- Sao lâu lắm rồi không thấy Uyên trở về trường mấy em hén!

Tôi ngậm ngùi không biết nói sao, đành tìm cách chối quanh cho bạn :

- Chắc tại Uyên bận học, gần đến kỳ thi, bài vở nhiều lắm thầy ơi! Vả lại, từ Hà Nội vô đây, xa thấy mồ!

Không ngờ Quang “nhí” lẹ miệng nói ngay:

- Từ Hà Nội vô đây bộ xa hơn qua Mỹ sao Hằng? Hừm, bên Mỹ bạn ấy còn đi tới . Vậy mà… vậy mà bạn ấy không thèm về đây từ giã thầy với tụi mình một tiếng!

Tôi chết lặng đi, nhìn thầy. Mắt thầy buồn, đăm đắm nhìn về hàng phượng xanh rì, cao vút. Uyên ơi ! bộ Uyên quên hết rồi sao? Vườn bạch đàn xanh rờn, lao xao, lao xao. Chiếc băng đã quen thuộc dưới tàn cây bả đậu mà mình thường hay ngồi đọc sách. Cái phòng thí nghiệm ngột ngạt có bộ xương người . Cái phòng hội đồng có quạt máy, nơi mình vừa ngồi viết tự kiểm vừa nhai nhóc nhách mấy miếng khô bò và đây nữa, quán kem “ruột” của tụi mình ngày đó… Uyên ơi! Ở bên Mỹ giờ này Uyên nghĩ gì? Sao Uyên không về thăm lại trường xưa?

Chúc bạn đọc truyện vui vẻ!

 

Nguồn: truyen8.mobi/t115013-tuyen-tap-truyen-ngan-cuc-hay-ngay-20-11-truong-toi-lop-toi.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận