Utopia Địa Đàng Trần Gian Chương 13

Chương 13
Thưa tiên sinh, tôi sẽ phải suy nghĩ thật chín chắn, rồi có thể chúng ta sẽ gặp lại và thảo luận chu đáo

Họ không để tâm gì đến điềm báo, bói toán, hoặc những thói dị đoan mà dân chúng các nước khác rất sùng tín. Họ coi đấy chỉ là những trò đùa. Nhưng họ rất tôn sùng các phép lạ không thể giải thích được bằng thiên nhiên, vì họ coi đó là bằng chứng của sự hiện diện và quyền năng của Thượng đế. Họ nói những phép lạ như thế vẫn thường có ở Utopia. Và quả thực là những lúc gay go khủng hoảng, con dân cả nước đều cầu xin phép lạ, và niềm tin của họ lớn đến độ đôi khi những lời nguyện ấy của họ đã được đáp ứng màu nhiệm.

Hầu hết người Utopia cảm thấy họ có thể làm hài lòng Thượng đế chỉ bằng cách nghiên cứu thấu đáo thế giới tự nhiên và ngợi ca đấng sáng tạo. Nhưng cũng có nhiều người lại mải mê theo đuổi tôn giáo chứ không phải tri thức. Họ không quan tâm đến khoa học - đơn giản là họ không có thời gian cho một việc như thế, vì họ tin rằng con đường duy nhất để có hạnh phúc sau khi chết là dành trọn cả cuộc đời để làm việc thiện mà thôi. Có người chăm sóc kẻ tàn tật. Có người đi làm đường, nạo vét sông ngòi, sửa chữa cầu cống, đào đất, xúc cát, đập đá, chặt cây, cưa gỗ, chuyên chở gỗ hoặc ngô vào thành phố. Tóm lại, họ sống như nô bộc, và làm việc chăm chỉ hơn cả nô lệ, phục vụ cả cộng đồng lẫn tư nhân. Họ vui vẻ nhận làm tất cả những việc khó khăn, bẩn thỉu và nặng nhọc mà một người bình thường sẽ rất ngại phải làm, hoặc vì phải nhọc thân, hoặc chỉ vì không thích, hoặc sợ sẽ không bao giờ làm nổi. Cứ như thế, họ tạo điều kiện cho người khác được nhàn rỗi bằng cách tự mình làm việc không ngừng - và cũng không bao giờ kể công đòi thưởng. Họ không bao giờ bới lông tìm vết nói xấu các lối sống của người khác, mà cũng không tự phụ khoe khoang gì về lối sống của mình. Cho nên họ càng sống như nô lệ bao nhiêu thì mọi người lại càng quý trọng họ bấy nhiêu.

Những người này nhóm thành hai giáo phái, và một trong số đó tin theo lối sống độc thân. Thành viên của giáo phái này hoàn toàn không tình dục, không ăn thịt hoặc bất kỳ một động vật nào. Họ chối bỏ mọi khoái lạc của đời này mà họ coi đều là tội lỗi, và chỉ mong mỏi ở đời sau. Họ cố vun đắp cho kiếp sau bằng cách đổ mồ hôi ở kiếp này, và không ngủ để tỉnh thức - chỉ có niềm hy vọng rằng kiếp sau có thể sẽ đến vào bất kì lúc nào mới có thể giữ cho họ hăng hái vui vẻ như vậy. Còn giáo phái kia, mặc dù cũng cần lao không kém, vẫn cho phép hôn nhân, với lý lẽ rằng niềm vui gia đình không có gì đáng phải ghét bỏ, và sinh con đẻ cái còn là nghĩa vụ của mỗi người đối với thiên nhiên cũng như tổ quốc. Họ không phản đối khoái lạc chừng nào chúng còn chưa can thiệp vào việc làm. Và theo nguyên lý ấy họ ăn rất nhiều thịt, vì họ nghĩ thức ăn này sẽ khiến họ làm việc được khỏe hơn. Họ thường được coi là có lý hơn so với giáo phái kia, mặc dù phái kia được coi là nhiệt thành hơn. Tất nhiên, nếu những người theo giáo phái độc thân định biện hộ cho mình bằng những lý lẽ theo logic, họ sẽ bị thiên hạ chê cười ngay. Nhưng vì họ công nhận rằng động cơ của họ là hoàn toàn tín ngưỡng chứ không phải duy lý, nên mọi người đều rất kính trọng họ - vì người Utopia luôn thận trọng tránh những phán xét thô bạo trong vấn đề tín ngưỡng. Những người thuộc giáo phái này được gọi bằng tiếng địa phương là Buthrescae, có nghĩa là cực đoan trong tín ngưỡng.

Tất cả tu sỹ của họ đều cực kỳ ngoan đạo, có nghĩa là họ có rất ít tu sỹ. Mỗi thành phố có độ mười ba tu sĩ, hoặc tính cách khác là mỗi nhà thờ chỉ có một tu sỹ. Trong thời chiến thì bảy tu sỹ này sẽ theo quân đội ra mặt trận, thay thế bằng bảy tu sỹ tạm thời. Khi hết chiến tranh, các cha tuyên úy trở về chức vụ cũ của mình, còn bảy tu sỹ tạm thời kia thì về nhà thờ của đức Giám mục - cũng là một trong mười ba tu sỹ của thành phố ấy - và sẽ dần dần lần lượt được đưa về những nhà thờ mà vị tu sỹ ở đó vừa qua đời.

Tu sỹ là do toàn thể cộng đồng bầu ra bằng cách bỏ phiếu kín, hệt như bầu các chức sắc trong chính quyền, cốt để tránh hình thành những nhóm thế lực, và người trúng cử sẽ được các đồng nghiệp làm lễ đăng nhiệm. Tu sỹ có trách nhiệm cử hành các buổi lễ, tổ chức các tôn giáo, và giám sát đạo đức. Sẽ là chuyện rất xấu hổ nếu có ai vì bậy bạ mà bị giáo hội đưa ra tòa, hoặc bị tu sỹ khiển trách. Tất nhiên là trấn áp và trừng phạt tội ác là việc của ông Thị trưởng và các quan chức khác trong chính quyền. Các tu sỹ chỉ khuyên nhủ và cảnh báo mà thôi - mặc dù họ cũng có thể rút phép thông công của những người không chịu cảnh tỉnh, và đó là một hình phạt mà mọi người đều rất sợ. Bạn phải biết là một người bị rút phép thông công thì không những sẽ bị ô nhục và ngay ngáy hãi hùng trước sự giáng phạt của Thượng đế, mà ngay cả an toàn thân thể của người ấy cũng bị đe dọa, vì nếu không nhanh chóng chứng minh được với các tu sỹ rằng mình đã hối cải, anh ta sẽ bị H i đồng thành phố bắt giam và trừng trị vì tội vô đạo.

Các tu sỹ cũng có trách nhiệm giáo dục trẻ em và thanh thiếu niên, nhấn mạnh rất nhiều đến cả đạo đức và kiến thức. Họ làm hết sức mình để đảm bảo rằng ngay từ thủa còn uốn nắn được, trẻ em đã được tiếp xúc với những tư tưởng đúng đắn về mọi chuyện - những tư tưởng đã được xây dựng chu đáo nhất để duy trì cấu trúc xã hội của họ. Nếu được thấm nhuần từ thời thơ ấu, những tư tưởng ấy sẽ phát huy trong suốt quãng đời trưởng thành và sẽ đóng góp đắc lực vào công cuộc bảo vệ chế độ, vốn chỉ thực sự lâm nguy khi đạo đức suy đồi từ mầm mống của những tư tưởng bậy bạ mà thôi.

Nam tu sỹ được phép lấy vợ - vì chẳng có lý do gì để cấm một người đàn bà trở thành tu sỹ mặc dù họ ít khi được lựa chọn để làm việc này, và chỉ những góa phụ lớn tuổi mới đủ tiêu chuẩn làm tu sỹ. Thực tế là những bà vợ của các tu sỹ họp thành một tầng lớp ưu tú trong xã hội Utopia. Không có nhân vật tai mắt nào được tôn trọng hơn là tu sỹ. Đến mức nếu một tu sỹ phạm tội, ông ta vẫn không bị truy tố. Họ để mặc ông ta cho Thượng đế và lương tâm của chính mình, bởi lẽ, cho dù ông ta có làm chuyện gì đi nữa, họ vẫn thấy là sai nếu để cho người phàm mạo phạm một cá nhân đã dâng hiến mình như một con sinh đặc biệt cho Thượng đế. Họ thấy làm như thế chẳng khó khăn gì, vì các tu sỹ chỉ là một thiểu số rất nhỏ và tất cả đều đã được lựa chọn kĩ càng. Dù sao, rất khó có khả năng một người đã được lựa chọn từ một danh sách những cá nhân xuất sắc nhất và hoàn toàn chỉ theo tiêu chí đạo đức lại có thể bỗng dưng trở thành người độc ác và đồi bại. Và thậm chí nếu ta phải chấp nhận khả năng ấy - bản tính con người là khó lường - thì một nhúm người chẳng có quyền chấp pháp gì ấy cũng khó có thể thành mối hiểm họa của cộng đồng. Họ giữ không cho số lượng tu sỹ tăng lên, để khỏi hạ thấp uy tín hiện nay của giáo sỹ, bằng cách vinh danh họ - nhất là khi nói rằng rất khó tìm được nhiều người thích hợp với một công việc đòi hỏi cao đến thế về mặt đức hạnh.

Giới tu sỹ Utopia có uy tín rất cao ở trong nước cũng như ngoài nước. Bằng chứng, và tôi nghĩ cũng là lý do của chuyện này có thể thấy được từ những thực tế diễn ra trong chiến trận. Khi trận đánh đang tiếp diễn, các tu sỹ quỳ gối cách đó không xa với đầy đủ lễ phục, và giơ hai tay lên trời. Họ cầu nguyện cho hòa bình, cho một thắng lợi không phải đổ máu ở cả hai bên. Ngay khi quân lính của họ bắt đầu thắng thế, các tu sỹ chạy vội tới trận tiền và ngăn cản mọi bạo lực không cần thiết. Khi họ đã xuất hiện ở đó, một người lính đối phương có thể cứu mạng mình chỉ bằng cách kêu cứu họ, và nếu anh ta có thể chạm tay vào tà áo lễ của họ, thì cả tài sản của anh ta cũng sẽ được an toàn. Điều này khiến cho các tu sỹ được trọng vọng ghê gớm ở tất cả các nước, và cho họ một uy quyền chân chính lớn đến nỗi họ thường bảo vệ được tính mạng của cả lính mình lẫn lính của đối phương. Đôi khi, vào những thời điểm tuyệt vọng khi các lực lượng Utopia đang phải thoái lui toàn bộ và kẻ thù đang truy đuổi sau lưng để chém giết và cướp bóc, sự can thiệp của các giáo sỹ đã từng ngăn chặn được những vụ tàn sát, ngăn không cho các chiến binh lăn xả vào nhau, và đem lại một kết cục hòa bình với những điều kiện bình đẳng. Con người của một tu sỹ Utopia được toàn thế giới coi là thiêng liêng và bất khả xâm phạm, ngay cả ở những dân tộc dã man và hoang dã nhất.

Họ có những lễ hội tôn giáo vào những ngày đầu tiên và cuối cùng của mỗi tháng và mỗi năm - và lịch của họ thì năm tính theo mặt trời và tháng tính theo tuần trăng. Trong ngôn ngữ của họ, những ngày đầu tiên ấy gọi là Khuyển Nhật, còn những ngày cuối cùng thì gọi là Hoàn Nhật - hoặc còn gọi là Lễ Đầu và Lễ Cuối.

Nhà thờ của họ trông rất ấn tượng, không những vì chúng được xây dựng rất đẹp, mà còn vì tầm vóc của chúng nữa. Bạn thấy đấy, vì có ít nhà thờ như vậy nên chúng phải có khả năng chứa được rất nhiều người. Tuy nhiên, tất cả chúng đều khá tối, và họ bảo tôi rằng đó là chính sách của họ chứ không phải lỗi kiến trúc. Các tu sỹ nghĩ rằng quá nhiều ánh sáng sẽ dễ làm cho người ta bị phân tán tư tưởng, còn trong cảnh tranh tối tranh sáng thì dễ tập trung hơn, và những cảm xúc tín ngưỡng sẽ mạnh mẽ hơn. Đương nhiên là những cảm xúc này mỗi người mỗi khác, nhưng mặc dù theo những nẻo khác nhau, tất cả chúng đều sẽ quy tụ về một mối là thờ phụng Đấng Thánh Linh. Vì lí do đó, những gì nhìn thấy và nghe được trong nhà thờ của họ đều có thể đúng với tất cả mọi tôn giáo. Nghi lễ gì là đặc thù của những giáo phái riêng lẻ thì người ta cử hành ở nhà riêng, và các buổi lễ chung tại nhà thờ được lên lịch sao cho chúng không có ảnh hưởng gì đến các nghi lễ riêng đó.

Cũng trên nguyên lý ấy, nhà thờ của họ không có một hình ảnh gì của Thượng đế để mọi người được tự do tưởng đến Ngài theo cách mường tượng riêng của mình, theo với tín ngưỡng mà họ cho là thích hợp nhất với họ. Người ta cũng không xưng tụng Thượng đế bằng những danh tính đặc biệt, mà chỉ đơn giản gọi Ngài là Mythras, một danh từ chung chỉ Đấng Tối thượng, cho dù Ngài là ai. Tương tự vậy, tất cả kinh sách ở nhà thờ đều được soạn để người của giáo phái và tín ngưỡng nào cũng có thể đọc và cầu nguyện cùng nhau mà không cảm thấy lạc lõng hoặc mâu thuẫn với những xác tín riêng của mình.

Họ nhịn ăn cả ngày trong các kỳ Lễ Cuối, và đến nhà thờ trong buổi tối hôm đó để cảm tạ Thượng đế đã cho họ được bình an cho đến tận cuối năm hoặc cuối tháng đó. Ngày hôm sau, tất nhiên lại là kỳ Lễ Đầu, họ gặp nhau tại nhà thờ vào buổi sáng để cầu nguyện cho một năm hoặc một tháng vừa bắt đầu ấy được thịnh vượng và hạnh phúc. Nhưng trước khi đến nhà thờ trong kỳ Lễ Cuối, các bà vợ đều quỳ gối trước chồng mình ở nhà, và con cái quỳ trước cha mẹ, để thú nhận mọi lỗi lầm sai phạm của mình và xin được tha thứ. Việc này giúp loại trừ tất cả những sân hận nhỏ nhặt vẫn thường bao phủ không khí gia đình và khiến cho mọi ngư ời đều có thể dự buổi lễ thiêng liêng tại nhà thờ với một tâm linh hoàn toàn trong sáng. Người ta coi việc đến dự lễ mà lòng còn đầy sân hận là một hành động báng bổ. Vì vậy, những ai còn cảm thấy oán giận người khác đều không dám đến nhà thờ cho đến khi họ đã làm lành với nhau vì sợ nếu không sẽ có thể bị thánh thần trừng phạt.

Khi bước vào nhà thờ, đàn ông sẽ sang bên phải và đàn bà sang bên trái. Người ta xếp cho các thành viên nam trong gia đình ngồi trước mặt gia phụ, còn nữ thì trước mặt gia mẫu. Như vậy, cử chỉ của mọi người đều được canh chừng bởi những người có trách nhiệm duy trì kỷ cương gia đình. Họ cũng cẩn thận xếp cho người trẻ nào cũng ngồi cạnh một người lớn tuổi hơn - vì nếu để cho trẻ ngồi riêng một chỗ, thể nào chúng cũng nghịch ngầm với nhau và cái lòng kính sợ Thượng đế, vốn là gốc của mọi hành vi chí thiện, sẽ không thể nào được hun đúc nên trong bản tâm của chúng.

Họ không bao giờ dâng hiến con sinh, vì họ không thể tưởng tượng một Thượng đế lòng lành nào lại có thể vui thích với việc giết chóc và đổ máu. Họ nói Thượng đế ban sự sống cho muôn loài là vì Ngài muốn chúng được sống. Nhưng họ có thắp nhang và nhiều thứ hương liệu thơm tho khác, và đặc biệt là rất nhiều nến. Đương nhiên là họ biết rằng những thứ đó chẳng có ích gì cho Đấng Chí Thánh, nhưng cũng thấy chúng hoàn toàn là một hình thức dâng cúng vô hại, và cùng với các yếu tố khác của nghi lễ, đèn nến và hương nhang có vẻ cũng có tác dụng đưa tư tưởng và tình cảm ngưỡng vọng Thượng đế của người ta lên cao hơn. 

Toàn bộ giáo dân đều mặc màu trắng, còn giáo sỹ thì mặc áo lễ nhiều màu, may cắt rất đẹp, nhưng bằng toàn những nguyên liệu rất bình thường - thay vì các loại vải dệt bằng sợi vàng hoặc đính đầy các loại châu ngọc quý hiếm, chúng chỉ được trang điểm bằng lông chim các loại. Ấy vậy mà giá trị nghệ thuật của chúng còn vượt xa những thứ vật liệu đắt tiền nhất thế giới. Những lông chim ấy được xếp thành các hình biểu trưng cho những chân lí thiêng liêng, và các giáo sỹ đều giải thích cặn kẽ ý nghĩa của chúng để mọi người đều biết đến và không quên những ưu ái mà Thượng đế đã dành cho mình, những nghĩa vụ của mình đối với Thượng đế và với nhau.

Khi giáo sỹ xuất hiện từ hậu điện trong bộ áo lễ như thế, toàn bộ cử tọa đều tôn kính cúi đầu chạm đất và không gian nhà thờ trở thành một cõi im lặng sâu thẳm làm rúng động lòng người đến nỗi ai cũng cảm thấy như có một hiện diện thần thánh thật sự vào lúc ấy. Một vài phút sau, giáo sỹ ra hiệu cho cử tọa đứng dậy. Rồi họ hát những bài thánh ca dâng lên Thượng đế theo nhạc đệm của nhiều nhạc cụ rất khác với các nhạc cụ của chúng ta. Hầu hết những nhạc cụ ấy đều có âm thanh ngọt ngào hơn, mặc dù có nhiều cái thì còn chưa thể so sánh được với những nhạc cụ châu Âu. Nhưng âm nhạc của họ hơn hẳn chúng ta ở một phương diện. Trong cả thanh nhạc lẫn nhạc không lời, họ đều diễn đạt được những cảm xúc tự nhiên một cách tuyệt diệu. Âm thanh được tạo ra nhuần nh ị với cảm giác đến mức cho dù chủ đề của bản nhạc là nguyện cầu hay vui ca, là khích động hay tĩnh lặng, đau buồn hay giận giữ, dòng giai điệu của nó vẫn diễn đạt chính xác niềm cảm xúc ấy. Cho nên nhạc của họ đi sâu vào lòng người nghe và gây xúc động mãnh liệt.

Buổi lễ kết thúc với một bộ các bài kinh nguyện mà giáo sỹ cùng đọc với toàn bộ cử tọa. Lời nguyện được viết sao cho người nào cũng thấy những câu chữ ấy đúng với tín ngưỡng riêng của mình. Đại loại như sau:

“Kính lạy Đức Chí Tôn là người đã tạo ra con, cai quản con, và cho con mọi thứ tốt lành. Con xin cảm tạ Người vì những ân huệ Người đã ban cho con, và hơn hết là đã cho con được sống trong một xã hội hạnh phúc nhất, được tin theo tín ngưỡng mà con hy vọng là đích thực nhất. Nếu con sai, và nếu quả còn có những tín ngưỡng hoặc chế độ xã hội nào tốt đẹp hơn và xứng đáng hơn với Người, con cầu xin Người hãy thương xót con và cho con được biết, bởi con luôn sẵn lòng theo Người về bất kể phương nào. Nhưng nếu chế độ này của chúng con là tốt đẹp nhất, và tín ngưỡng của con đây là chánh tín nhất, xin hãy cho con được trung thành với cả hai, và đem cả nhân loại về với cùng một lối sống này, cùng một tín ngưỡng này - trừ phi sự đa dạng tín ngưỡng hiện nay cũng chính là một phần mục đích khôn lường của Người. Xin hãy cho con một cái chết nhẹ nhàng khi Người gọi con về với Người. Con không dám xin được về sớm hay muộn. Nhưng nếu đó là ý Người, con xin thà được theo về với Người ngay khi được gọi, cho dù có đau đớn đến đâu, còn hơn để những vui thú của cuộc đời trần thế này giữ chân con quá lâu mà phải ở xa Người.”

Sau khi tụng bài nguyện ấy, họ lại cùng nhau cúi đầu chạm đất trong một lúc, rồi đứng dậy và ra ngoài dùng bữa trưa. Phần còn lại trong ngày, họ dùng để vui chơi giải trí và luyện tập quân sự.

Thế đấy. Đó là tất cả những gì tôi có thể kể lại một cách chính xác nhất về nước Cộng hòa Utopia. Theo nhận định của tôi, đó không những là một đất nước tốt đẹp nhất thế giới, mà còn là nước duy nhất xứng đáng có quyền được gọi là một nước cộng hòa. Ở các nước khác, người ta cũng thường nói đến công hữu, nhưng thực ra họ chỉ nhăm nhăm nghĩ đến tư lợi mà thôi. Ở Utopia, nơi không có tư hữu, con người thực hiện những công vụ của mình một cách nghiêm túc thực sự. Và cả hai thái độ ấy đều hoàn toàn dễ hiểu. Ở các nước cộng hòa giả hiệu, mọi người đều biết rằng nếu không mưu lợi cho bản thân thì họ sẽ chết đói, cho dù quốc gia có giàu mạnh đến đâu. Cho nên tất nhiên là họ phải ưu tiên cho những quyền lợi của bản thân hơn quyền lợi công cộng - nghĩa là quyền lợi của người khác. Nhưng ở Utopia, nơi tất cả mọi thứ đều là công hữu, thì chừng nào mà các kho đụn công cộng còn đầy đủ thì sẽ không ai phải sợ bị thiếu thốn. Ai cũng được phân phối công bằng, cho nên không bao giờ có người nghèo hoặc ăn mày. Không ai sở hữu một cái gì, nhưng tất cả đều giàu có - bởi có thứ của nả nào giàu có hơn một cuộc sống vui vẻ, an bình, và không có lo âu sợ hãi? Đáng lẽ phải lo lắng kiếm miếng ăn hàng ngày, khổ sở vì những đòi hỏi ì xèo của vợ, sợ con trai bị nghèo đói, sợ con gái không có của hồi môn, người Utopia có thể tuyệt đối yên trí rằng bản thân mình, vợ mình, con cái cháu chắt chút chít và muôn đời hậu duệ của mình sẽ luôn được cơm no áo ấm và yên bình hạnh phúc. Và cả những người già không còn lao động được nữa cũng vẫn được chu cấp đầy đủ hệt như khi còn làm việc.

Nào, liệu có ai dám so sánh cách thu xếp công bằng này ở Utopia với cái gọi là công lý ở các nước khác không? Tôi xin nói ngay là ở những nước khác thì có đến chết tôi cũng vẫn không thể tìm thấy một mảy may dấu vết nào của công lý hoặc công bằng. Công lý kiểu gì vậy? Những bọn người như lũ quý tộc, bọn buôn vàng, bọn cho vay nặng lãi, những kẻ không làm một việc gì cần thiết thì lại được xã hội cho hưởng một cuộc sống xa hoa lộng lẫy. Còn những người lao động, nào xà ích, nào thợ mộc, nông dân, những người không bao giờ ngưng chân ngưng tay làm những công việc cần thiết đến nỗi nếu họ ngừng làm việc thì cả đất nước sẽ đình trệ cả lại trong hàng năm trời - thế mà bản thân họ thì ra sao? Họ thiếu ăn và khốn khổ đến nỗi nếu được biến thành trâu ngựa thì chắc họ sẽ sung sướng hơn - bởi trâu ngựa cũng không phải làm nhiều giờ một ngày như thế, không bị đói khát đến thế, và cũng chẳng cần gì đến tương lai. Như hiện nay, người lao động không những đang rên xiết dưới gánh nặng của những công việc nặng nhọc và đồng lương chết đói, mà còn lo sợ đến chết về một viễn cảnh của tuổi già khốn khổ - bởi hàng ngày họ đã chẳng đủ ăn, còn nói gì đến việc dành dụm cho tuổi già.

Bạn có thấy được một tí công bằng hoặc tử tế nào ở một chế độ xã hội chỉ biết dành hết những phúc lợi của nó cho đám người gọi là quý tộc, thương gia và bọn người hoàn toàn không làm ra một thứ gì hoặc chỉ biết làm những đồ hàng hóa xa hoa và những trò du hí, còn thì không chu cấp gì cho những người cày cấy, đào than, những thợ thuyền như thợ mộc, đánh xe, những người mà không có họ thì xã hội cũng chẳng còn? Một xã hội như thế bộc lộ cái dã man nhất của nó ở tình cảnh già ốm bệnh tật và cô nhi quả phụ của người lao động. Sau khi đã bóc lột hết tuổi thanh xuân trai tráng của họ, xã hội liền quên hết những ngày tháng mà họ đã vất vả phục vụ nó và giờ đây chỉ biết đền bù cho những công việc quan trọng mà họ đã làm suốt cả đời bằng cách bỏ mặc cho họ chết trong cảnh nghèo khổ. Tệ hơn nữa, những khoản thu nhập khốn khổ của người nghèo lại còn bị kẻ giàu đục khoét đi hàng ngày, không những bằng lừa đảo cá nhân, mà còn bằng những thủ thuật công pháp. Chưa hài lòng với tình trạng bất công của việc ngược đãi những người có nhiều đóng góp nhất cho xã hội, họ còn nhẫn tâm tìm mọi cách biến những điều bất công ấy thành công lý được bảo vệ bởi luật pháp.

Quả thực, khi xem xét mọi chế độ xã hội đang thịnh hành trên thế giới ngày nay, tôi không thể, xin Thượng đế tha tội, thấy chúng là cái gì khác ngoài một âm mưu lớn của người giàu nhằm củng cố bàn h trướng những quyền lợi riêng của mình dưới chiêu bài tổ chức quản lý xã hội. Họ nghĩ ra đủ mọi mánh khóe mẹo luật, trước hết là để bảo vệ những gì họ đã kiếm được một cách bất chính, và sau đó là để bóc lột người nghèo bằng cách mua sức lao động của họ càng rẻ mạt càng tốt. Đến khi người giàu thấy rằng những mánh khóe mẹo luật ấy phải được xã hội chính thức công nhận - tức là cả người nghèo cũng phải chấp nhận chúng - họ sẽ dùng đến sức mạnh của luật pháp. Vậy là một thiểu số vô đạo đức chỉ biết nghe theo lòng tham vô độ của chính mình độc chiếm toàn bộ những gì nhẽ ra là thừa đủ để đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội. Giá những người lao động ở các nước này được sống ở Utopia thì họ sẽ hạnh phúc biết bao nhiêu! Ở đó, việc xóa bỏ tiền tệ và tâm lý ham tiền đã giải quyết được biết bao nhiêu vấn đề xã hội, tiêu diệt được biết bao nhiêu tội ác! Rõ ràng là sự cáo chung của tiền tệ cũng là sự cáo chung của mọi hành vi tội ác mà mọi thứ hình phạt hàng ngày đều bất lực: nào gian lận, nào trộm cắp, cướp bóc, tranh giành, đánh lộn, nổi loạn, giết người, phản quốc, và cả tội làm phù thủy dị đoan nữa. Ngay khi đồng tiền không còn nữa, bạn cũng có thể lập tức chia tay với sợ hãi, lo âu, lao lực, và những đêm dài mất ngủ. Và phải rồi, ngay cả nghèo đói, chính cái vấn đề có vẻ như lúc nào cũng phải cần có tiền mới giải quyết được ấy, cũng sẽ lập tức biến mất nếu đồng tiền đã không còn tồn tại ở trên đời này nữa.

Cho phép tôi làm rõ thêm về điểm này. Ta hãy thử nhớ lại một năm mùa màng thất bát và đã có hàng ngàn người chết đói. Tôi nói thực nhé, nếu kiểm tra kho đụn của các phú hào vào thời điểm cuối của thời kỳ khó khăn ấy, ta sẽ thấy rằng vẫn có thừa đủ ngô lúa để cứu mạng tất cả những người đã chết vì thiếu ăn và bệnh tật, và ngăn chặn được tất cả những di hại của giai đoạn trái tiết gở mùa ấy trong dân chúng. Trời ơi, giá không có đồng tiền oan trái này thì ai ai cũng có đủ cơm ăn áo mặc. Người ta cứ ngỡ phải có tiền thì mới có miếng ăn. Có biết đâu nó lại là thứ duy nhất khiến cho người bị đói.

Tôi tin rằng ngay cả người giàu cũng thừa biết tất cả những chuyện này, và họ cũng hiểu rằng có đủ những thứ mình cần còn hơn gấp vạn lần thừa mứa những thứ mình không cần, cho nên họ mới biết sơ tán hết ra khỏi vùng nguy hiểm chứ chẳng dại gì cố thủ sau thành lũy tài sản của chính mình. Và tôi cũng tin chắc rằng cái ý thức biết lo cho bản thân, cũng như quyền năng của Đấng Christ Cứu Thế - người có thừa trí thông sáng để biết cái gì là tốt đẹp nhất cho chúng ta, và có thừa lòng xót thương để nhất định sẽ ban cho chúng ta cái tốt đẹp nhất ấy - nhẽ ra đã phải dẫn dắt toàn bộ thế giới này tới chế độ Utopia kia từ lâu rồi, nếu như không có cái con quỷ sinh ra mọi tội lỗi kia là lòng ngạo mạn vậy. Lòng ngạo mạn của chúng ta còn có tên là tự hào, là thị dục huyễn ngã - cái ý muốn mình được người khác coi là quan trọng, là hơn đời. Chính lòng ngạo mạn đã khiến ta xét đoán sự thịnh vượng không phải bằng những gì ta có, mà bằng những gì người khác không có. Ngạo mạn sẽ không chịu đặt chân vào thiên đàng nếu nó nghĩ rằng ở đó không có những giai cấp kém đặc quyền đặc lợi hơn để nó có thể vênh vang sai phái - không có ai khốn khó để tô điểm cho hạnh phúc riêng của nó được lộng lẫy hơn, hoặc giả cảnh nghèo đói của họ có thể bị nó làm cho khốn nạn hơn bằng cách phô trương vung vãi những xa hoa của mình. Ngạo mạn, như một con rắn ma quái từ hỏa ngục trườn vào trái tim người - hoặc ví cách khác, như một quái ngư vẫn thường mút chặt lấy mạn thuyền quốc gia và lôi nó vào chốn đoạn trường - lúc nào cũng níu kéo chúng ta, ngăn trở bước tiến hóa của chúng ta đến một lối sống tốt đẹp hơn.

Dù cái khiếm khuyết này của con người đã ăn quá sâu vào bản tính và rất khó bề chữa trị, tôi vẫn còn thấy lạc quan vì cuối cùng thì cũng đã có được một quốc gia thành công trong việc xây dựng nên một chế độ mà tôi rất mong mỏi sẽ được cả thiên hạ noi theo. Lối sống Utopia đặt được nền móng hạnh phúc nhất cho một xã hội văn minh có khả năng trường tồn và thích hợp với bất kỳ một chủng tộc nào của nhân loại. Lối sống ấy đã xóa bỏ mọi gốc rễ của tham vọng, tranh chấp chính trị, và đủ mọi thứ khác tương tự. Nhờ vậy mà cũng chẳng còn nguy cơ của tình trạng mâu thuẫn và bất mãn nội bộ vốn đã từng làm tiêu vong vô vàn những thành bang bất khả xâm phạm. Và chừng nào mà người Utopia còn giữ được đoàn kết và chính quyền lành mạnh như thế của họ thì không có một vua chúa lân bang nào, cho dù có ganh tỵ đến đâu, có thể làm cho họ bị dao động chứ đừng nói gì đến việc phá hoại tiêu diệt họ. Trong lịch sử của họ đã từng có rất nhiều âm mưu chống phá như vậy, nhưng kẻ thù bao giờ cũng thất bại.

 

Trong lúc Raphael tiên sinh đang kể chuyện, tôi luôn luôn suy nghĩ để tìm cách phản biện. Đối với tôi, luật pháp và phong tục của đất nước này có vẻ chứa đựng nhiều điều kì cục và vô lí. Không kể những cái như chiến thuật quân sự, tôn giáo, hình thức thờ cúng của họ, tôi vẫn thấy có cái gì đó thậm vô lý trong nền móng của toàn bộ xã hội ấy - là chế độ cộng sản không có tiền tệ. Bản thân chế độ này đã khẳng định sự cáo chung của giai cấp quí tộc, kéo theo sự tuyệt diệt của tất cả những oai phong lẫm liệt hoành tráng vẫn được coi là vinh quang đích thực của một dân tộc.

Tuy nhiên, tôi có thể thấy rằng Raphael tiên sinh nói nhiều như vậy đã mệt mỏi rồi, và không biết liệu tiên sinh sẽ độ lượng được đến mức độ nào đối với những ý kiến phản bác - nhất là khi tôi nhớ đến cách tiên sinh dè bỉu những kẻ chỉ sợ mình thành ngu xuẩn nếu không bới lông tìm vết được những tư tưởng của người khác. Thế là tôi chỉ dám có vài nhận xét lễ độ về chế độ Utopia, rồi cảm tạ tiên sinh về câu chuyện rất thú vị ấy. Sau đó, tôi nắm lấy tay tiên sinh và dẫn ông vào nhà ăn bữa tối, vừa đi vừa nói:

"Thưa tiên sinh, tôi sẽ phải suy nghĩ thật chín chắn, rồi có thể chúng ta sẽ gặp lại và thảo luận chu đáo."

Và đúng là tôi rất mong được như vậy, một ngày nào đó. Còn bây giờ thì tôi vẫn không thể đồng ý với tất cả những gì mà ông đã nói, cho dù không dám nghi ngờ gì về học thức và kinh nghiệm của ông. Nhưng phải công nhận ngay rằng nước Cộng hòa Utopia có rất nhiều điều mà tôi mong ước sẽ được áp dụng tại châu Âu, mặc dù chẳng dám chờ đợi chuyện này trong thực tế. 

---- HẾT ----

Truyen8.mobi chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!

Nguồn: truyen8.mobi/t34709-utopia-dia-dang-tran-gian-chuong-13.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận