Vòng Tay Yêu Tinh Chương 14


Chương 14
Bất giác, tôi thốt lên thành tiếng:

- Ðúng là nàng rồi...!

- Ai đó?

Tiếng nói của Kiều Xuân vang đến tai tôi, nàng nói nhỏ, giọng không có âm thanh ngạc nhiên hay sợ hãi.

- Tôi...Huy Giang đây..

Tôi vội vã trả lời nàng.

- Anh..

Một ngọn đèn mờ, nhỏ, sáng lên:

- Sao đến muộn vậy? Em chờ...Lo muốn chết...

Kiều Xuân đang ngồi trên giường, người nàng nhô lên trên đống mền gối, đôi mắt nhung đen mở rộn và sáng long lanh, mái tóc dài xoà xuống hai vai. Lúc này nàng có một vẻ đẹp khác: nàng là người đẹp nhất mà tôi đã được gặp, được gần. Mỗi lần gặp nàng, tôi lại thấy nàng đẹp hơn. Tôi thắc mắc không biết tôi sẽ còn thấy nàng đẹp hơn đến chừng nào nữa. Nàng bận chiếc áo ngủ lụa hồng. Từ đây về sau cho đến hết đời tôi, tôi biết tim tôi sẽ đập mạnh mỗi lần tôi trông thấy một chiếc áo ngủ lụa hồn, dù chỉ là chiếc áo được bày hàng trong tủ kiếng.

Nàng lẹ làng ra khỏi giường, chạy tới ôm chầm lấy tôi, hôn tôi. Tôi quên tất cả mọi chuyện khác..

Một lúc sau, không biết dài ngắn bao lâu, tôi nghe thấy tiếng động lạ sau lưng. Quay lại, tôi thấy Bé Hiêu đứng đó, hai tay chắp trước ngực, gã đang vừa cười, vừa khóc.

Bé Hiêu là một tên đạo chích nhưng là một đạo chích giầu tình cảm. Kiều Xuân nhìn gã, nàng cười, nói như một thiếu nữ tinh quái:

- Nếu anh cần nói..."Xứng đôi, vừa lứa " quá...Cứ việc nói đi...

Bé Hiêu cũng cười, giọng trìu mến:

- Làm tôi nhớ lại...Ma Ri và tôi...Ngày bọn tôi mới yêu nhau. Cũng vậy...Ra rít...Xa nhau một phút gặp lại nhau là lại ôm nhau, hôn nhau...Ấm lòng lắm...

Ðến lượt tôi nhớ lại thực tế, tôi nhìn quanh và hỏi chung cả Bé Hiêu lẫn Kiều Xuân:

- Xong rồi. Ðể bao giờ ba đứa mình thoát được ra ngoài, tha hồ mà...ra rít với xứng đôi...Bây giờ thì phải lo đề phòng chúng mình bị người khác bắt gặp. Có thể có ai biết được trong phòng này có người lạ không?

- Không đâu - nàng đáp - Người ở đây có thể kỳ lạ nhưng toàn là người lịch sự, tuyệt đối tôn trọng đời tư của nhau. Nếu không có lời mời nhau đến phòng, không ai tới phòng nhau lúc nửa đêm. Về việc có người nghi anh tới đây đêm nay nữa thì lại càng không lo. Vì Huy Giang và Kiều Xuân là hai kẻ ác cảm vớinhau nhất đời, hai người đó nhìn mặt nhau còn không muốn, đâu có mất công đêm khuya tới thăm nhau...Và mất công...

Nàng hôn tôi:

-...Hôn nhau như thế này...

Tôi hỏi riêng Bé Hiêu:

- Còn chú? Có sợ bị người nửa đêm phát giác ra chú vắng mặt không? Như họ mở cuộc kiểm soát chẳng hạn?

Gã lắc đầu:

- Không sợ. Trừ khi có đại biến. Nếu có kẻ thấy tôi không ngủ ở trong giường, cũng không sợ. Tôi có thể nói là tôi đi kiểm soát hệ thống điện ban đêm. Chỉ có Ma Vương biết rõ việc tôi làm mà thôi. Kẻ khác không có quyền dòm ngó.

Nghe lời gã, tôi thấy cái hại và nhược điểm của Ma Vương: bao nhiêu quyền hành ở đây đều tập trung trong tay Y, không kẻ nào có quyền hành gì với người khác, trừ Y ra. Ma Vương không thể tin ở ai, không cho phép mọi người biết đến việc làm của nhau, do đó không có sự dòm chừng nhau. Càng tốt.

- Nhưng, dù sao - tôi nói - chúng mình cũng phải đề phòng tối đa. Chúng mình chỉ nên nói chuyện trong bóng tối và nói thật nhỏ...

Kiều Xuân đưa tay tắt ngọn đèn ngủ bên giường. Rồi nàng đi tới kéo nhẹ tấm màn che cửa sổ. Ánh trăng mời từ đỉnh núi cao bên ngoài xa kia chiếu vào phòng. Ba chúng tôi tới ngồi sát bên nhau trên cái ghế dài ở góc tối nhất của gian phòng ngủ thơm và ấm cúng.

Chúng tôi bàn kế hoạch, góp ý kiến.. Nhưng dù có bàn đến cả đêm hoặc bàn đến đêm mai, chúng tôi cũng chẳng đi đến đâu. Không có kế hoạch nào khả dĩ tin tưởng là thành công được thành hình. Ðôi khi, chúng tôi cũng đưa ra được vài kế hoạch thoạt đâu thấy hấp dẫn, nhưng chỉ cần xét sâu đến tác dụng đến hậu quả, lại thấy hỏng. Tôi có cảm tưởng như ba chúng tôi là ba con ruồi bị mắc trong một màng lưới nhện, càng vùng vẫy càng chóng chết, nhưng nằm yên rồi cũng chết.

Tiếng kêu nặng những kinh hoàng...

Tôi nẩy tới sau lưng Bé Hiêu.

Một tia sáng chiếu thẳng vào mặt Bé Hiêu. Một bàn tay từ bóng tối bay ra như một con rắn độc, bay tới chụp vào cổ Bé Hiêu. Tôi trông thoáng thấy nét mặt Bé Hiêu nhăn lại đau đớn, rồi hai bàn tay gã bay lên định gỡ cổ.

Ánh sáng chiếu vào mắt tôi, làm tôi không trông thấy gì hết. Tôi thụp người xuống và xông vào. Truớc khi tôi kịp nắm được một vật gì, cây đèn bấm rơi xuống thảm rồi tấm thân Bé Hiêu bị đẩy mạnh ngã lên lưng tôi, tôi loạng choạng lùi lại. Ðèn trong phòng bật sáng.

Ðứng ngay trước mặt tôi, khẩu súng lục đe doạ trong tay, là Hải Tùng.

Ðôi mắt Hải Tùng lạnh và tàn nhẫn. Có Thần Chết ở trong đôi mắt ấy. Ðôi mắt ấy nhìn tôi rồi nhìn Kiều Xuân. Rồi nét mặt lão ôn hoà đi, bớt vẻ khẩn trương như người vừa hết sợ hãi một chuyện gì. Rất nhanh, nét mặt ấy chuyển sang lạ lùng, không tin, ngạc nhiên. Sau đó, nét mặt ấy lại sắt đanh và tàn nhẩn trở lại. Họng súng chỉa vào ngực tôi không hề rung động.

Dưới chân tôi, Bé Hiêu lồm cồm bò dậy rồi loạng choạng đứng lên, hai bàn tay đưa lên xoa cổ. Tôi đưa một bàn tay ra giữ cho gã bớt run rẩy.

- Hai người này làm gì ở đây, Kiều Xuân?

Giọng nói của Hải Tùng vẫn nhỏ và nhẹ, như lão đang cố trấn tỉnh. Qua nét mặt thay đổi của lão, tôi biết lão vừa nghĩ gì trong những giâu phút ngắn vừa qua: thoạt đầu, lão tưởng tôi và Bé Hiêu vào phòng Kiều Xuân để lén làm một việc gì có hại cho nàng, sau đó, khi thấy Kiều Xuân vẫn yên lành, lão nghi ngờ cả nàng nữa.

Tôi phải làm sao để lão không nghi Kiều Xuân. Phải để Kiều Xuân ở ngoài cuộc bằng bất cứ giá nào. Tôi trả lời Hải Tùng trước khi Kiều Xuân kịp nói:

- Hải Tùng, ông làm chi mà dữ dội quá vậy? Tôi có làm gì đáng sợ đâu mà ông phải chỉa súng giữ tôi? Ðể tôi kể cho ông nghe tại sao tôi có mặt ở đây..Không có gì khó hiểu hết...Hồi nãy, vì khó ngủ, tôi đi trở xuống dưới phòng ăn. Nhưng chưa quen đường, tôi đi lạc. Tôi gặp gã này. Gã nói gã đi sửa điện gì đó trong lâu đài..Tưởng gã biết đường, tôi nhờ gã đưa tôi về phòng tôi. Nhưng khôi hài hết sức, gã đưa tôi về phòng cô Kiều Xuân...Chuyện chỉ có thế. Tôi rất muốn đi khỏi đây và cô Kiều Xuân cũng không bằng lòng thấy tôi vào phòng cô chút nào...Cô Kiều Xuân...Xin cô nói cho ông Hải Tùng biết sự thực có phải như tôi vừa nói không?

Tôi quay lại nhìn nàng. Câu chuyện của tôi tuy không vững lắm nhưng cũng có thể tạm nghe được. Nếu nàng cũng nhất định nói như tôi thì Hải Tùng có thể vẫn nghi ngờ nhưng không tìm được bằng cớ gì ngay lúc này. Nhưng Hải Tùng không chú ý gì đến tôi, lão hỏi lại Kiều Xuân:

- Kiều Xuân...Tôi hỏi cô...hai gã này vô đây làm chi?

Kiều Xuân nhìn thẳng vào mặt lão, rồi nàng bước tới đứng bên cạnh tôi:

- Bác sĩ Hải Tùng...- nàng nói - Ông Huy Giang đã nói dối như một người quân tử, nói dối để bảo toàn danh dự cho tôi. Nhưng sự thật không phải như ông ấy nói. Sự thật là chính tôi đã yêu cầu chú Bé Hiêu đây đưa ông ta tới đây gặp tôi. Hai người nầy không có tội gì cả. Trách nhiệm ở tôi hết.

Trên trán Hải Tùng chợt lộ ra những sợi gân máu và khẩu súng trong tay lão từ từ hạ xưống. Mặt lão đỏ lên. Cơn giận lạnh lùng đã biến thành cơn giận nóng bỏng. Lão có thể nguy hiểm, lão có thể làm hại chúng tôi nhưng tôi tin rằng Kiều Xuân biết rõ hậu quả việc làm của nàng.

- Như vậy nghĩa là. -Hải Tùng trầm giọng - cô đã lừa tôi? Cô tưởng là cô đã lừa nổi tôi ư? Lầm to...Tôi biết ngay cô muốn dấu tôi điều gì. Cô đã biết tánh tôi, tôi không ưa bị ai lừa bịp...Cô và hắn quen biết nhau tự bao giờ?

Lão bắt đầu cuộc chất vấn, nhưng Kiều Xuân vẫn thản nhiên:

- Chúng tôi chỉ nhìn thấy nhaư lần đầu khi ông đưa anh ấy đến gặp tôi đêm ấy...

- Cô cho tên kia đi mời hắn tới đây đêm nay làm chi?

- Ðể nhờ anh ấy cứu tôi ra khỏi móng vuốt của Ma Vương.

Hải Tùng sững sờ trố mắt nhìn nàng:

- Tại sao cô lại nghĩ rằng hắn có thể làm được việc ấy?

- Bởi vì...tôi yêu anh ấy. Và bởi vì anh ấy yêu tôi.

Lão quay lại nhìn tôi. Ðột nhiên, cơn giận tiêu tan đi, đôi mắt lão trở lại hiền từ và ưu ái:

- Tội nghiệp - lão như nói một mình - hai nười muốn chống lại Ma Vương ư? Hai người như một cặp cừu non trước miệng hổ dữ...

Kiều Xuân đưa tay ra, Hải Tùng cầm lấy bàn tay nàng, vỗ nhẹ nhẹ như để làm nàng yên tâm. Lão hết nhìn nàng lại nhìn tôi, như chúng tôi là hai kẻ có mặt mũi, hình thù rất lạ mà lào mới gặp lần đầu. Rồi lão đi tắt hết điện trong phòng, chỉ để sáng ngọn đèn ngủ bên giường Kiều Xuân. Lão đi tới bên cửa sổ, hé màn che nhìn ra ngoài. Xong, lão trở lại với chúng tôi.

Lão ra hiệu cho chúng tôi lại gần:

- Lại đây các bạn. Chúng ta cần bàn chuyện này. Chú Hiêu, tôi xin lỗi đã làm chú đau. Tôi cũng xin lỗi đã coi thường chú. Còn Kiều Xuân, tôi không nghi ngờ gì cô, tôi không tới để rình rấp cô. Tôi chỉ thấy cô có tâm sự gì khó giải quyết, tôi biết cô đang buồn, đang lo sợ, nhưng cô không nói với tôi. Song, tôi nghĩ là thế nào cô cũng nói cho tôi biết cô lo sợ gì..Tôi suy nghĩ về cô nhiều nên không ngủ dược. Tôi nghĩ cô có thể đang nằm khóc. Nên tôi tới, định mở hé cửa coi cô ngủ yên hay thức. Không ngò cánh cửa mở ra trước mặt tôi, tôi nhìn thấy bóng đàn ông lạ...Và chuyện xảy ra..Cũng may, chưa có gì đáng đê ta phải ân hận cả.

Tôi đưa tay ra bắt tay lão, ngỏ ý quên thù hằn qua cái bắt tay ấy. Lão xiết chặt tay tôi. Bé Hiêu thì đứng nghiêm chào và hỏi:

- Thưa...tôi nên rút lui hay ở lại?

- Chú ở lại đây đã - Hải Tùng đáp.

Và lão hỏi tôi:

- Huy Giang...anh biết chú Hiêu này lâu chưa?

Bé Hiêu đỡ lời tôi:

- Thưa bác sĩ...khá lâu. Ông ấy cứu sống tôi. Ơn ấy là ơn cứu tử. Tôi quyết đền ơn ông Huy Giang, dù có phải chết. Khi tôi được biết rằng sự đền ơn của tôi có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời của cô Kiều Xuân, tôi lại càng thêm hăng hái và quyết chí.

Tôi kể vắn tắt cho Hải Tùng nghe sự liên lạc giữa tôi và Bé Hiêu. Lão gật đầu tỏ vẻ thán phục:

- Tốt. Bây giờ đến lượt tôi nói về tôi. Tôi là thủ hạ của Ma Vương. Tôi có bổn phận phục vụ ông vì một lời thề nguyền rất nặng.

Tôi đã tự ý thốt ra lời thế ấy, không hề bị bắt buộc. Tôi chịu hết hậu quả việc tôi làm. Tôi đã tới tự nguyện làm đệ tử của Ma Vương chứ không như anh bị bắt buộc tới. Tôi nhìn nhận rằng anh không hề tuyên thệ trung thành với Ma Vương, mà dù anh có thề nguyền đi chăng nữa, lời thề của anh không có giá trị. Vì anh bị cưỡng bách, không thề trung thành không được. Anh có quyền làm đủ mọi cách để tự giải thoát. Nhưng tôi không thể làm được như anh. Tôi không thể làm phản lại những gì tôi đã hứa. Ngoài ra, tôi còn tin chắc rằng nếu tôi không là đệ tử của Ma Vương tôi sẽ không sống được lâu. Mà tôi thì rất muốn được sống. Cuộc sống của tôi, nhờ Ma Vương, đã cho tôi hưởng thụ hạnh phúc, những hạnh phúc mà nếu không có Ma Vương thì tôi không thể nào được hưởng. Trước khi tới với Ma Vương, tôi là kẻ sống mà cũng như chết. Ma Vương cải tử hoàn sinh cho tôi. Anh Hiêu đây nhờ anh cứu cho khỏi chết, ghi ơn anh và trung thành, hy sinh với anh chừng nào, tôi đối với Ma Vương cũng thế. Nếu anh thông cảm được lòng anh Hiêu, chắc chắn anh cũng thông cảm được lòng tôi với Ma Vương.

Tôi nói rõ ràng như vậy để anh hiểu rằng...tôi không hứa hẹn giúp đở gì anh và Kiều Xuân hết. Tôi chỉ có thể giúp các người bằng cách báo cho các người biết những nguy hiểm sắp tới với các người, và nhắm mắt làm ngơ những gì tôi biết về việc làm của các người, như việc đêm nay chẳng hạn.

- Thưa bác sĩ...- tôi nói với lão - được ông giúp như vậy đã là quá nhiều lắm rồi. Thật ra, tôi không dám mở miệng yêu cầu ông giúp cho như thế.

Hải Tùng thốt ra một tiếng thở dài chất chứa nhiều âu lo trước khi nói tiếp:

- Ðiều quan trọng thứ hai tôi cần nói với anh là...theo như tôi nghĩ, theo những hiểu biết của tôi...anh khó có thể thắng Ma Vương. Không thể thắng mà thua thì cầm chắc. Con đường anh chọn đi đó là con đường dẫn đến cái chết. Chết thê thảm, ghê rợn. Tôi biết anh can đảm có thừa nhưng can đảm không đủ giúp anh thắng được Ma Vương. Tôi cần nói thế trước mặt Kiều Xuân để cho nàng biết, để nàng suy nghĩ trước khi bằng lòng chấp nhận để cho người nàng yêu dấu bước vào con đường chết...

Lão kết luận sau vài giây yên lặng:

- Tôi mong hai người tìm một lối thoát khác.

Tôi nhìn vào mặt Kiều Xuân. Làn môi nang run run và đôi mắt nàng biểu lộ sự đau đớn:

- Còn có lối thoát nào nữa không?

Nàng run giọng hỏi, tiếng nói nhỏ như tiếng thì thầm.

Tôi trả lời thay Hải Tùng:

- Có một lối thoát.. Ðó là...em trở thành vợ Ma Vương...Nhưng em chỉ có thể chọn lối thoát đó sau khi tôi chết.

Hải Tùng giơ tay ra ngăn tôi lại:

- Ðừng vội bi phẫn. Hãy nghe tôi nói, tôi chưa nói hết ý mà...Tôi không cho việc Kiều Xuân trở thành vợ Ma Vương là một lối thoát đâu...

Có vẻ do dự, ngần ngại, Hải Tùng liếc mắt nhìn Bé Hiêu. Nhưng ngay sau đó, lão vội nghĩ sang chuyện khác. Ðúng ra là lão nghĩ tiếp về những gì lão sắp trình bày với chúng tôi:

- Anh nên biết rằng...tôi muốn anh thắng. Ðúng hơn là tôi muốn anh thoát tay Ma Vương. Thoát hay thắng cách nào không tổn hại đến lời thề của tôi với Ma Vương, hoặc làm cho cuộc sống của tôi bị đe doạ. Nên nhớ rằng nếu Ma Vương chết, tôi cũng không thể sống. Tức là tôi phải chết theo Ma Vương. Nếu anh chỉ tìm cách thoát khỏi tay Ma Vương, tôi sẽ giúp anh. Ngoài việc đó ra, tôi không thể làm gì giúp anh được hết. Cũng nên nhớ rằng tôi là thủ hạ của Ma Vương, nếu Ma Vương ra lệnh cho tôi giết anh, tôi sẽ phải theo lệnh...giết anh.

Kiều Xuân thản nhiên nói:

- Nếu Huy Giang chết, tôi cũng chết. Nếu ông giết anh ấy, ông cũng giết cả tôi.

Nàng nói bằng một giọng thản nhiên, vẻ mặt vẫn không thay đổi, nhưng Hải Tùng cũng như tôi, chúng tôi cùng hiễu rằng nàng nói sự thực. Sự việc xảy ra sẽ đứng như nàng nói.

- Dù cô có vì Huy Giang chết mà chết, tôi vẫn cứ phải giết Huy Giang...nếu Ma Vương bảo...tôi giết...

Hải Tùng cũng không cao giọng khi nói câu đó. Và Kiều Xuân với tôi cũng biết lão nói sự thực.

Im lặng một lúc. Chợt Kiều Xuân lên tiếng:

- Hải Tùng, hồi nãy ông vừa sắp nói đến một lối thoát nào khác.

Hải Tùng vội ngắt lời nàng:

- Huy Giang...tôi không muốn biết gì hết về kế hoạch của anh. Tôi chỉ muốn biết được một điều: anh có tính giết Ma Vương không?

Tôi do dự. Ðây là câu hỏi quan trọng và khó trả lời. Nguy hiểm nữa. Hải Tùng vừa nói rõ cho tôi biết lão không muốn ai tính chuyện giết Ma Vương. Nếu bây giờ tôi nói tôi tính giết Ma Vương, phản ứng của lão sẽ ra sao? Không nên đòi hỏi lão quá nhiều. Còn như nếu tôi nói tôi không định giết Ma Vương tôi sẽ can lỗi nói dối lão. Khi lão biết sự thực, lão sẽ không còn nể nang gì nữa. Tuy chưa được gần Hải Tùng lâu, tuy chưa biết nhiều gì về lão, qua những lời lão vừa trách Kiều Xuân, tôi cũng biết rằng lão là người không thích bị ai lừa bịp, dối trá.

Thông cảm sự yên lặng của tôi, lão bình thản tiếp:

- Như vậy tức là tôi hiểu...anh mưu tính giết Ma Vương. Trước hết tôi khuyên anh bỏ mưu toan đó. Vì việc đó không thể thực hiện được. Anh nghĩ rằng anh có thể giết Ma Vương lúc chỉ có anh và ông ấy ngồi gần nhau? Nhưng anh chưa biết rằng Ma Vương không bao giờ ở một mình cả. Lúc nào cũng có những vệ sĩ gần ông ấy. Anh không thấy chúng đâu. Có những tên vệ sĩ ra mặt và có những tên nấp trong vách, trong những chỗ nấp bí mật không ai ngoài Ma Vương ra, biết. Trước khi anh kịp ra tay, chúng đã nắm cổ anh chặt cứng rồi. Ma Vương lại tinh nhanh và khỏe một cách khủng khiếp. Tôi tin rằng một viên đạn không đủ sức làm chết được Ma Vương cũng như một viên đạn chưa đủ làm chết một con voi đầu đàn vậy. Ðiều quan trọng là anh sẽ không bao giờ có cơ hội thực hiện ý định mưu sát.

Tôi không nói gì hết, nhưng tôi nghĩ đến vết nứt trên trần nhà qua đó tôi nhìn trộm được Ma Vương hồi nãy. Hải Tùng tuy thông minh nhưng cũng không biết hết được tất cả. Một họng súng trường chỉa qua khe nứt đó chiếu xuống ngực Ma Vương có thể nổ liền một tràng tám chín viên đạn mà bọn vệ sĩ vẫn chưa biết súng nổ từ nơi nào. Với tám chín viên đạn súng carbin vào ngực, dù Ma Vương có mạnh như voi cũng phải chết. Y chỉ không chết nếu Y không phải là người.

Như hiểu ý được ý nghĩ của tôi, Hải Tùng nói tiếp:

- Giả tỷ như anh có thể giết được Ma Vương, một việc mà tôi tin chắc là không sao xảy ra được, anh cũng vẫn không thể thoát chết. Nếu giết Ma Vương, anh nên tự tử ngay tại chỗ thì hơn. Vì không có một nơi nào trên trái đất nầy anh cho thể sống mà bọn đệ tử của Ma Vương không tới giết anh. Bởi vì Ma Vương ngự trị trên linh hồn và thể xác nhưng đệ tử của ông không phải chỉ nhờ hình phạt, nhờ sự sợ hãi mà thôi. Ma Vương không chỉ đe doạ và trừng phạt người. Ông ấy biết đãi ngộ người, Ma Vương trả công rất hậu. Ma Vương cho nhiều người được sống sung sướng, hạnh phúc, quyền lực, danh vọng. Ông ta có quá nhiều đệ tử, nhiều đến nỗi anh không thể tưởng tượng được. Ðệ tử của ông có mặt trên khắp nơi, trong số có nhiều kẻ có thế lực lớn. Kiều Xuân, tôi nói có đúng không?

- Ông nói đúng.

Nàng đáp. Vẻ mặt nàng thêm sợ hãi hơn.

- Ðệ tử của Ma Vương không phải chỉ là bọn hắc nô hoặc số người anh thấy ở đây - Hải Tùng nói tiếp – Tôi sống bên Ma Vương đã lâu, tôi có thể tự hào tôi là người biết hơn ai hết về Ma Vương, tôi cũng chưa được biết tới một phần ba số đệ tử của ông ta. Không được đâu...Huy Giang, anh phải bỏ mưu toan hạ sát Ma Vương. Nếu anh thất bại, cái chết của anh rất khủng khiếp. Nếu anh thành công anh cũng vẫn chết. Nếu anh chết mà không giết nổi Ma Vương, Kiều Xuân không được giải cứu. Còn như nếu anh chết sau Ma Vương, nàng yêu anh, làm sao nàng có thể sống được khi anh chết vì nàng? Sự giải thoát của nàng nếu phải trả bằng cái chết của anh, sẽ quá đắt.

Kiều Xuân đứng phắt dậy, nàng dang trước mặt tôi như để đem thân ra bảo vệ tôi và nàng kêu lên:

- Không...Không...Tôi không muốn Huy Giang phải chết...!

Tôi đột ngột hỏi:

- Hải Tùng...Tại sao Ma Vương bận áo thụng mỗi khi ngồi lên ngai và tại sao trong lúc có người đi lên đài may rủi, hai tay ông ta cứ dấu ở trong tay áo?

Câu hỏi bất chợt và không liên can gì đến câu chuyện đang nói của tôi làm Hải Tùng ngạc nhiên, lão trố mắt nhìn tôi:

- Anh...anh nói chi?

- Tôi đã trông thấy Ma Vương thủ hai tay trong tay áo ba lần – tôi nói – Hai lần khi Lê Các lên đài, một lần người đi lên đài là tôi. Ông cũng để ý thấy chứ? Sau khi Ma Vương thò tay ra kéo cái cần sắt làm đảo lộn thứ tự những vết chân vàng, Y thủ hai tay vào trong tay áo rộng ngay. Y chỉ rút tay ra khỏi tay áo khi cuộc đi trên những bước chân vàng may rủi đã chấm dứt. Tại sao thế? Chắc chắn có nguyên do nào chứ?

- Bộ anh nghĩ rằng Ma Vương đã bịp chúng ta với trò may rủi đó sao?

- Nghĩ thì chưa. Tôi chỉ thấy thắc mắc. Hải Tùng, ông đã từng chứng kiến nhiểu cuộc đi lên đài may rủi, ông thử nhớ lại coi có lần nào ông thấy Ma Vương để hai bàn tay ở ngoài tay áo hay không? Ông cố nhớ coi...

Lão im lặng, nhưng tôi biết lão đang suy nghĩ. Mặt lão trắng ra..

Sau cùng lão nói:

- Tôi không nhớ ra. Vì tôi không để ý. Lần nào có người lên đài tôi cũng chỉ chú ý nhìn những bước chân vàng. Nhưng...dường như tôi chưa lần nào trông thấy hai bàn tay của Ma Vương trong khi có người đang bước trên những bước chân vàng thì phải...

Chợt lão đứng bật dậy:

- Bậy...Không thể được...Dù cho Ma Vương có thủ hai bàn tay trong tay áo thì...có gì khả nghi đâu?

Tôi như người thợ săn nóng ruột bắn bừa một mũi tên vào bóng tối nhưng không ngờ trúng con mồi. Tôi đang tạo ra sự nghi ngờ quyền lực trong lòng Hải Tùng. Và cả trong lòng Bé Hiêu nữa.

- Ông chắc chắn là không có gì khả nghi không? – Tôi hăng hái tiếp – Ông có chắc chắn là Ma Vương không chơi trò bịp bợm không? Có ai đã thắng được Ma Vương với cái trò ma quỹ ấy chưa?

Nghe tôi nói, Hải Tùng thở ra một hơi dài. Lão như người vừa trút được gánh nặng:

- Huy Giang, Anh làm cho tôi nghi ngờ rồi cũng lại chính anh làm cho tôi hết nghi ngờ. Tôi đã ở gần Ma Vương 5 năm...Rất tiếc, tôi đã thấy ba người thắng Ma Vương trên những bước chân vàng đó..

Tôi như người bất thình lình bị tát mạnh một cái vào mặt. Nếu có người thắng Ma Vương tức là nếu có người đặt chân lên bốn bưóc chân vàng của Phật trên đài may rủi đó thì không thể nói là Ma Vương chơi bịp. Tôi ngồi lặng đi không còn nói gì được, nhưng Kiều Xuân hỏi:

- Ba người may mắn đó bây giờ đâu cả rồi?

Hải Tùng lại có vẻ bối rối:

- Một người vì có bệnh nặng từ trước nên...đã chết sau đó sáu tháng...

Giọng nói của Kiều Xuân có âm thanh chế riễu:

- Ðúng. Lão đó có bệnh từ trước, thôi thì cho lão chết đi cho rãnh. Nhưng còn hai người may mắn kia?

- Một người chết vì tai nạn phi cơ rớt giữa Thái Bình Dương..- Hải Tùng đáp – Nàng la một người đàn bà. Một tai nạn bất ngờ mà cũng là rất thường. Ma Vương dù có quyền phép nhưng cũng không thể ngăn nổi tai nạn xẩy ra. Phi cơ chìm xuống đáy biển và tất cả mọi hành khách trên đó đều mất xác...

Kiều Xuân vờ ngây thơ:

- Như thế là bà đó không may chứ có may mắn gì đâu? Tai nạn đó xẩy ra sau ngày bà ta thắng Ma Vương bao lâu nhỉ?

- Ba tháng sau...

- Cũng lại ba tháng sau. Thế là đã hai người chết rồi, chết mà chưa được hưởng thụ gì hết...Thật tiếc. Còn người thứ ba?

- Người thứ ba thì tôi không biết...

Như bất mãn với chính mình, đôi lông mày rậm của Hải Tùng nhíu lại, giọng nói của lão trở thành gắt gỏng:

- Tôi thật không biết...Nhưng chắc chắn đang sống sung sư 5caa ớng ở đâu đó, ở Ba Lê, Ðông Kinh..những kinh thành ăn chơi xa hoa quốc tế. Hắn có thể đang sống ở Trung Ðông. Hắn muốn được làm vua trong một xứ Ngàn Lẻ Một Ðêm. Ma Vương đã cho hắn toại nguyện.

Kiều Xuân kẻ nói như người tính sổ:

- Hai người chết chắc chắ, một người mất tích. Nhưng cứ vô tư và bình thản mà nghĩ...nếu người may mắn thứ ba đó mà còn sống, dù là sống ở một nơi thật kín đáo nào đó, ông cũng phải đôi khi nghe nói xa gần đến hắn chứ? Ông nên tìm coi hắn ra sao rồi? Có thể nào hắn cũng...cũng gặp tai nạn không may như hai người kia không?

Câu nói nhẹ nhàng của Kiều Xuân là một đòn đau đánh mạnh vào tâm trạng của Hải Tùng. Lão ngồi ngây mặt ra đến một lúc. Lão có thừa thông minh, không cần phải nhấn mạnh ở điểm khả nghi về trường hợp mất tích của kẻ may mắn thứ ba, Hải Tùng cũng thấy trường hợp đó đầy nghi ngờ để cho lão suy nghĩ, tìm biết.

Chờ cho niềm nghi ngờ đã in sâu vào tâm trạng Hải Tùng, tôi mới nói:

- Như vậy là từ ngày nào tới giờ, có ba người đã may mắn hơn Ma Vương. Nhưng trong số đó có hai người đã chết vì tai nạn, còn số phận một người thì chưa biết ra sao. Cũng không có gì là khó hiểu. Ông Hải Tùng, nếu ông ở vào địa vị Ma Vương, ông cũng dư biết rằng không nên làm cho những đệ tử của mình hoàn toàn tuyệt vọng. Ðôi khi cũng phải cho họ có hy vọng. Ðôi khi cũng nên dàn xếp cho một kẻ nào đó thắng mình để cho những kẻ kia thêm hăng hái, thêm tin tưởng. Khi Ma Vương có thể làm cho kẻ khác thua, Ma Vương cũng có thể làm cho người khác thắng. Cho thắng để rồi cho chết trong một tai nạn thì có thắng cũng bằng không...

Bé Hiêu thốt ra một câu thật đúng lúc. Gã tránh cho tôi khỏi phải nói ra lời kết tội nặng nề có thể làm chướng tai Hải Tùng:

- Khốn nạn...Vậy là lừa bịp rồi. Hắn thông minh mà thắng bằng cách bịp mình thì đâu có gì đáng cho mình phục, mình sợ..?

Ðược thế, tôi nhắc lại câu hỏi:

- Ma Vương đã làm gì hai bàn tay dấu trong tay áo thụng của ông ta suốt trong thời gian có ngươi đi lên đài may rủi?

Kiều Xuân tiếp lời:

- Số phận của kẻ may mắn thứ ba ra sao khi thắng Ma Vương?

Nhiều giọt mồ hôi đọng lại trên trán Hải Tùng.

Lão không còn giận dữ vì Ma Vương, thần tượng của lão bị chúng tôi nghi ngờ. Lão đang run rẩy như người bị xúc động mạnh.

Tôi vỗ vai lão:

- Hải Tùng, ông vừa nói với bọn tôi rằng ông không thích ai lừa bịp. Giả tỷ như Ma Vương lừa bịp ông, Ma Vương đưa ông ra làm một trò ma giáo ma ông yên trí đó là chuyện quan trọng thật, ông xử sự ra sao?

Tôi thấy rõ lão cố gắng lấy lại sự trấn tĩnh. Tình trạng xúc động và cố gắng tự chủ của lão làm cho tôi thấy sợ. Tôi đã kết tội Ma Vương quá nặng trong khi tôi chưa có một bằng chứng xác thực nào để có thể căn cứ vào đó mà quả quyết rằng Ma Vương bịp. Và nếu Hải Tùng biết rằng tôi chỉ cố tình tố cáo Ma Vương để lung lạc lòng tin tưởng của lão...

Nhưng rất may, lời tố cáo của tôi không phải là hoàn toàn vu vơ. Suốt trong thời gian có người đi lên đài may rủi, quả thực hai bàn tay của Ma Vương đều nằm gọn trong hai tay áo y. Kiều Xuân, Bé Hiêu nhận thất thế và Hải Tùng cũng nhận thấy như thế. Lại còn những trường hợp gặp tai nạn khả nghi của những kẻ may mắn chiến thắng Ma Vương. Dù ngoan cố đến đâu, Hải Tùng cũng không thể chối được sự khả nghi. Người ngu si nhất đời cũng nhận thấy Ma Vương đáng nghi, đừng nói gì đến người thông minh như Hải Tùng.

Như ngưòi vừa chọn xong một quyết định, Hải Tùng không trả lời tôi, lão quay lại Bé Hiêu:

- Anh Hiêu...anh phải nói thật: đã bao giờ anh xem kỹ bộ máy điện mà Ma Vương vẫn nói là chỉ dùng để đảo lộn thứ tự những bước chân vàng trên 21 bực thang của đài may rủi chưa? Anh phải nói sự thực đừng bịa đặt lừa tôi mà dại...

Bé Hiêu bối rối hết nhìn tôi lại nhìn Kiều Xuân. Gã nuốt nước miếng hai ba lần.

- Trả lời ngay...

Hải Tùng gay gắt, trang nghiêm ra lệnh.

Bé Hiêu khổ sợ nói như kẻ tuyệt vọng:

- Thiếu tá Huy Giang, cô Kiều Xuân..Thật trong đời tôi, tôi nói dối đã nhiều song chưa bao giờ tôi thấy muốn nói dối bằng lúc nầy. Tôi rất muốn nói rằng tôi chưa biết gì về bộ máy đó hoặc tôi đã xét nó và thấy nó là máy bịp. Song rất tiếc...Sự thật là là tôi đã xem xét kỹ nó rồi và thấy nó không có gì là khả nghi hết. Nó chỉ hoàn toàn một cái máy điện dùng để thay đổi vị trí những bước châ vàng trên 21 bực thang...

Lời khai của Bé Hiêu làm tiêu tan hy vọng của tôi trong nháy mắt. Nếu Ma Vương bịp, y chỉ có thể bịp với cái máy điện gắn gần ngay ngai vàng đó của y. Nếu Y bịp, nhất định Y phải bịp bằng cái máy đó. Trong vài giây đồng hồ, tôi hơi hận Bé Hiêu vì gã đã không tế nhị chối là gã không biết. Nhưng ngay sau đó, tôi lại nghĩ khác: Bé Hiêu có quyền được nói sự thật.

Tôi gượng vui để nói với Bé Hiêu:

- Chú nói sự thật là đúng. Chúng ta đang hận vì bị Ma Vương lừa bịp, tất nhiên chúng ta không thể bắt chước Ma Vương mà lừa bịp lẫn nhau. Dù cho sự lừa bịp ấy có đem lợi đến cho chúng ta nhiều là chừng nào.

Bé Hiêu rên rỉ:

- Tôi muốn nói dối lắm Thiếu Tá ơi...Nhưng không nói được.

Bỗng dưng tôi nhận thấy Hải Tùng lại có thái độ khác lạ kỳ dị. Tôi tưởng rằng sau khi nghe Bé Hiêu nói thế, lão phải tươi lên vì lòng tin ở Ma Vương của lão không bị suy giảm, nhưng không, lão lại có vẻ xúc động và khổ sở, bối rối hơn bao giờ hết.

- Hiêu, anh về đi – lão đột ngột nói – Tôi sẽ đưa ông Huy Giang về phòng.

Bé Hiêu đi tới bức vách. Gã vừa cười vừa mếu cúi chào, rồi bức vách mở ra, để lộ một lối đi, gã biến mất qua khe hở đó.

Chớ Bé Hiêu đủ thì giờ đi xa rồi, Hải Tùng mới lên tiếng:

- Kiều Xuân...bây giờ để tôi nói cho cô biết lý do làm tôi tới đây đêm nay. Như tôi đã nói, tôi không tới để rình rập cô vì nghi ngờ cô lừa dối tôi. Thật sự không phải thế. Tôi suy nghĩ về cô rất nhiều trong mấy ngày gần đây và tôi vừa nghĩ ra được một kế có thể làm cô thoát được tay Ma Vương...Lẽ tất nhiên tôi chỉ đề nghị thôi, Kiều Xuân mới là người quyết định.

Tôi và Kiều Xuân cùng nín thở nghe lão nói tiếp, Kiều Xuân đưa bàn tay mềm của nàng ra nắm chặt lấy tay tôi.

- Tôi chợ nhớ ra cái mưu nầy trong một truyện cổ của Trung Hoa. Kế giả chết. Trong truyện cổ, người ta gọi là kế "thiềm thừ thoát xác ", con mối bị người bắt, giả chết để người đem vứt đi và nó sống lại. Trong vở kịch lớn của văn học Anh quốc, vở Roméo and Juliet của đại văn hào Shakespeare cũng có cái mưu kế giả chết đó. Hai người còn nhớ nàng Juliet được một tu sĩ giúp cho bằng cách cho nàng uống một thứ thuốc làm nàng chết trong mấy ngày chứ? Trong vở kịch ấy, Ma Vương của cặp tình nhân đáng thương đó chính là hai gia đình thù hận nhau của họ.

Kiều Xuân nói như người thì thầm:

- Giả chết? Tôi phải giả chết...?

Hải Tùng gật đầu. Ðôi mắt lão nhìn nàng chan chứa cảm thương. Tôi có cảm giác như Kiều Xuân chính là con gái lão, một người con gái được ông bố già yêu thương, hy sinh cho tất cả để được sung sướng.

- Gần như vậy thôi chứ không hẳn là giả chết...

Giọng nói của Hải Tùng lúc đó vừa chứa chan hy vọng, thương yêu, vừa nhuốm đau đớn, tủi cực:

- Với sự hiểu biết của tôi về y dược và cơ thể con người, tôi có thể làm cho Kiều Xuân trong một thời gian tương đối ngắn, từ một cô gái khoẻ mạnh, tươi trẻ, đẹp như hiện nay trở thành...già, yếu, xấu, bệnh tật. Làm cho nét quyến rũ của Kiều Xuân mất đi, Ma Vương sẽ không còn thấy Kiều Xuân xứng đáng với y nữa. Tôi sẽ giữ cho Kiều Xuân ở trong tình trạng đó mãi cho tới khi nào Ma Vương tìm được người đẹp nào khác và chán hẵn cô...Hoặc cho đến lúc có sự việc khác xẩy ra...

Lão gìơ tay lên cản Kiều Xuân:

- Khoan đã. Cho tôi nói hết. Tôi cần phải nói hết những gì có thể xẩy ra cho cô. Nếu làm vậy, sắc đẹp của cô có thể nguy hại đấy. Vì làm cho cô mất đẹp thì dễ nhưng làm cho cô trở lại đẹp thì hơi khó. Có thể vì thời gian giữ cô ở trạng thái xấu lâu quá đi, tài năng của tôi không còn làm cô trở lại đẹp như xưa được nữa. Có điều tôi chắc chắn rằng nếu cô xấu xí, ốm yếu,bệnh tật, Ma Vương sẽ không chọn cô đâu. Việc này quan hệ tới cô, chỉ có cô là người quyết định.

Kiều Xuân ấp bàn tay tôi lên ngực nàng, nàng hồi hộp:

- Ðể thoát tay Ma Vương, tôi chấp nhận tất cả nguy hiểm. Bác sĩ Hải Tùng, tôi bằng lòng theo mưu kế của ông.

Và nàng hỏi dồn:

- Mưu này có thể thành công, phải không ông?

Hải Tùng không tỏ ra vui mừng, phấn chấn khi Kiều Xuân bằng lòng mưu kế của lão. Trái lại lão tỏ ra ưu phiền, lo âu:

- Trước đây, khi mới nghĩ ra được mưu này, tôi tin là có thể thành công. Ðó là khi tôi chưa biết trong cuộc có một chàng Romeo, khi đó tôi tưởng chỉ có mình nàng Juliet mà thôi...

Kiều Xuân nhíu đôi lông mày, ngạc nhiên:

- Ông nói gì?

- Cô còn trẻ con quá - Huy Giang cầm nhẹ bàn tay nàng – cô có chịu xa hẳn người cô yêu không? Không gặp mặt chàng, không bao gìờ thư từ cho chàng, không được nghe tiếng chàng nói...Như vậy không phải là trong một tháng mà là một năm, hai năm? Cô có chịu để cho tình yêu chết mòn trong trái tim chàng không? Cô có chịu sống cũng như chết rồi không?

Kiều Xuân trả lời ngay:

- Không.

Tôi thấy đã đến lúc tôi phải có tiếng nói trong vụ nầy:

- Còn tôi thì các người bỏ đi đâu? Dù cho Kiều Xuân có thuận theo mưu kế của ông đi nữa, không lẽ tôi như người ở ngoại cuộc, khoanh tay chờ hạnh phúc từ trên trời rơi xuống hay sao? Tôi không thể ngồi yên được...

Hải Tùng bình thản đáp:

- Tôi không có ý thuyết phục Kiều Xuân. Tôi chỉ đưa ra một mưu kế mà tôi nghĩ rằng may ra có thể thành công. Mưu kế ấy không phải là dễ thực hiện. Ma Vương không phải là người dễ bị lừa. Phải làm sao cho Kiều Xuân có những triêu chứng bệnh tật thật. Ma Vương sẽ sai tôi điều trị cho nàng. Khi thấy tôi chữa không được, ông ta sẽ nhờ đến những bác sĩ tài ba khác. Nên nhớ không phải chỉ mình tôi trong số đệ tử Ma Vương là bác sĩ...

Tuy vậy tôi vẫn tin rằng tôi có thể qua mặt được những nhà y học chuyên khoa ấy được, vì tôi ở gần người bệnh hơn, vì tôi không bị nghi ngờ. Mưu kế này nếu thực hiện, cần thiết một thời gian rất dài! Vì sao? Vì Ma Vương không chịu thua sớm đâu. Nếu ông chỉ muốn gần Kiều Xuân vì sự đòi hỏi của dục tình không mà thôi – tôi xin lỗi phải nói quá trắng trợn, nhưng lúc nầy không phải là lúc chúng ta có thì giờ nói xa xôi, bóng gió – làm cho ông ta mất thèm muốn thật dễ. Nhưng cảm tình của Ma Vương với Kiều Xuân không phải chỉ là sự thèm muốn của dục tình. Ma Vương coi trọng Kiều Xuân hơn thế. Nên nhớ Ma Vương đã chọn nàng làm người mẹ của con ông ta. Và khi Ma Vương đã làm hết sức mà vẫn không lấy lại được nhan sắc cùng sức khỏe được cho nàng, rất có thể ông ta sẽ chọn cho nàng một lối thoát mà ông ta tưởng là tốt đẹp cho nàng...Ðó là cái chết.

Lão ngừng lại, đôi mắt ưu ái nhìn Kiều Xuân.

Tôi lắc đầu:

- Mưu kế ấy nhiều nguy hiểm quá. Không thể dùng được. Phải để cho tôi thực hiện kế hoạch của tôi trước..

Hải Tùng cười cay đắng:

- Không cần anh lên tiếng phản đối, tôi cũng biết là mưu kế của tôi không làm được. Vì khi nghĩ ra mưu kế đó, tôi không biết rằng Kiều Xuân có người yêu. Nếu nàng có người yêu, nàng sẽ không hy sinh tình yêu và người yêu nàng sẽ không chịu hy sinh nàng. Chuyện đó dễ hiểu và dễ chấp nhận. Anh nghĩ rằng cuộc đời anh mà thiếu nàng sẽ không còn đáng sống?

Tôi đáp ngay:

- Tôi không nghĩ thế. Tôi biết như thế...

Hải Tùng hỏi Kiều Xuân:

- Còn cô? Cô có chịu mất Huy Giang không?

Nàng trả lời rất nhẹ, nhẹ như hơi thở:

- Không, nhưng để chàng khỏi phải chết...

- Cô sẽ hy sinh? – Hải Tùng lắc đầu – Không được đâu. Khi hai người yêu nhau, ý kiến của một người không thể dùng cho cả hai người. Dù cô có chịu hy sinh, Huy Giang cũng không để cho cô hy sinh. Chàng vần làm đủ mọi cách để cứu cô. Nhất là Huy Giang lại không phải là người chịu ngồi yên chờ đợi. Nếu chàng chịu ngồi yên, đừng can thiệp thì may ra tôi và cô, cộng lực lại, hai ta có thể lừa được Ma Vương. Vì nóng ruột cứu cô, Huy Giang sẽ bại lộ chẳng sớm thì muộn. Khi đó Ma Vương sẽ biết rõ âm mưu và để cứu chính tôi khỏi chết, tôi sẽ phải lánh xa, phải bỏ rơi cô. Còn giả tỷ như cô và Huy Giang có thể thoát khỏi đây, hai người đưa nhau đi tới đâu vũng vẫn bị bọn tay sai của Ma Vương tìm tới đó. Hai người sẽ trốn tránh, sẽ sợ hãi suốt đời. Tôi thành thật hỏi cô một cuộc sống như thế có xứng đáng để hai người sống không? Tình yêu trong hoàn cảnh ấy chắc gì không mau tàn lụi?

- Không bao giờ chúng tôi...

Tôi nói và Kiều Xuân tiếp:

-...hết yêu nhau.

Tuy nói thế nhưng cả nàng và tôi cùng bị xúc động vì cái viễn ảnh đen tối mà Hải Tùng vừa vẽ ra trước mắt chúng tôi. Cuộc sống bị ám ảnh bởi Ma Vương thật không xứng đáng cho chúng tôi sống. Cũng như tất cả những người yêu nhau chân thật ở cõi đời nầy, tôi và Kiều Xuân cùng không sợ mình sẽ khổ, nhưng sợ người mình yêu sẽ khổ.

Kiều Xuân thẫn thờ:

- Vậy thì chúng tôi có thể làm gì bây giờ?

Hai bàn tay lúc thì chắp lại sau lưng, lúc thì khoanh trước ngực, một bàn tay đưa lên vuốt bộ râu, Hải Tùng đi đi, lại lại trong phòng. Lão có vẻ suy nghĩ. Khi lão dừng lại trước mặt tôi, tôi lại thấy vết gân xanh nổi trên vừng trán thông minh của lão.

Lão nắm chặt bàn tay lại đấm nhẹ vào ngực tôi:

- Chúng ta chỉ còn có một cách.

Lão dằn từng tiếng:

- Tìm xem vì lý do gì hai bàn tay Ma Vương lại thủ trong tay áo suốt thời gian có người lên đài may rủi.

Ðến lượt tôi và Kiều Xuân ngạc nhiên, chúng tôi nhìn nhau, không hiểu Hải Tùng định nói gì. Giả thuyết Ma Vương lừa bịp chúng tôi đã bị phá hư, đã đổ ngã khi Bé Hiêu chứng nhận rằng bộ máy điện ở bên ghế của Ma Vương trên đài cao không có gì khả nghi. Hải Tùng còn muốn nhắc lại chuyện đó làm chi nữa?

Ý nghĩ bị lừa bịp, dù người lừa lão có là Ma Vương, dường như làm cho Hải Tùng tức giận đến điên lên. Người lão run rẩy và lão phải quay mặt đi để hai chúng tôi khỏi nhìn thấy những nét giận làm cho mặt lão biến đổi.

Một lát sau, khi đã trấn tỉnh được, Hải Tùng mới quay lại. Lão giải thích:

- Chỉ còn một cách chống lại Ma Vương hữu hiệu nhất là tìm coi ông ta có đánh lừa bọn mình hay không. Nếu ộng ta lừa bịp tôi, lời thề có thể tự giải toả được đôi phần. Nhưng việc đó không cần phải là có thể tìm rõ được ngay. Cần có thì gìờ. Trong thời gian đo, tôi chờ đợi...

Như một người cha yêu thương cô con gái, Hải Tùng dơ tay lên vuốt nhẹ lọn tóc nhung dài và êm mượt của Kiều Xuân, miệng lẩm bẩm:

- Tội nghiệp...Ðẹp mà làm gì nếu đẹp mà không được hiến dâng sắc đẹp cùng tuổi xuân của mình cho người mình yêu dấu...

Lão ra hiệu cho tôi và đi tới bức vách đứng chờ tôi.

Tôi nói nhỏ với Kiều Xuân:

- Ðêm mai.

- Không...- nàng thì thầm -...đêm nay chứ...

Tôi nhớ lại giờ giấc. Lúc này là đã 1 giờ sáng và nàng nói đúng, chúng tôi sẽ gặp lại vào đêm nay chứ không phải đêm mai.

Vòng tay nàng choàng lấy cổ tôi và môi nàng xiết lên môi tôi:

- Anh yêu...Em yêu anh.

Và nàng buộng cho tôi đi.

Khi đi ngang qua khung cửa, tôi nhìn lại. Nàng vẫn đứng yên chỗ tôi rời nàng, hai tay còn đưa về phía tôi, mắt mở rộng chứa chan tình yêu và hy vọng. Nàng như một cô bé sợ ma không dám lên giường tắt đèn ngủ. Tôi cảm thấy trái tim tôi đập mạnh một nhịp. Nhịp đập của sự quyết tâm.

Khung cửa khép lại.

Tôi yên lặng đi theo Hải Tùng suốt trên quãng đường từ đó về phòng tôi. Lão vào phòng và đứng yên nhìn tôi trong một lúc, vẻ mặt đầy lo âu. Ðột nhiên, tôi cảm thấy mệt mỏi, rã rời.

- Ðêm nay chắc chắn anh phải ngủ ngon hơn tôi, Hải Tùng bỗng nói.

Lão đi. Vì quá mệt mỏi nên tôi cũng không bận tâm tìm hiểu tại sao lão lại nói như thế. Tôi còn chỉ kịp thay quần áo ngủ và ngủ ngay trước khi kịp kép tấm mền che kín cả người

Mời các bạn đón đọc chương tiếp theo!

.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/46928


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận