Vợ Người Du Hành Thời Gian Chương 8

Chương 8
Bốn Thứ Tư, 21/7/1999 - 8/9/1998 (Henry 36 tuổi, Clare 28 tuổi)

HENRY: Chúng tôi đang nằm trên giường. Clare nằm cuộn tròn bên phía của cô ấy, quay lưng lại với tôi, và tôi nằm cuộn tròn quanh Clare, áp mặt vào lưng cô ấy. Đang khoảng hai giờ sáng, và chúng tôi vừa tắt điện đi ngủ sau một cuộc trao đổi dài vô nghĩa về sự bất hạnh trong việc sinh nở của chúng tôi. Tôi nằm áp chặt vào Clare, một bên tay tôi khum khum bên dưới ngực phải của cô ấy, tôi đang cố xác định xem liệu chúng tôi có đang đi cùng đường hay tôi đã bị bỏ lại phía sau.

“Clare”, tôi nói khẽ vào cổ cô ấy.

“Dạ?”

“Chúng ta nhận con nuôi nhé?” Tôi đã suy nghĩ về vấn đề này hàng tuần, hàng tháng nay. Nó có vẻ như là một đường vòng hợp lí: chúng tôi sẽ có một đứa con. Nó sẽ khỏe mạnh. Clare sẽ khỏe mạnh. Chúng tôi sẽ hạnh phúc. Đó là một giải pháp hiển nhiên đúng đắn.

Clare nói, “Nhưng như vậy là ngụy tạo, là giả vờ”. Cô ấy ngồi dậy, đối mặt với tôi, và tôi cũng làm y hệt.

“Nó sẽ là một đứa trẻ thực sự, và sẽ là của chúng ta. Như vậy thì có gì là ngụy tạo ?”

“Em mệt mỏi vì suốt ngày phải giả tạo rồi. Chúng ta không ngừng giả dối. Em muốn thực sự làm việc này.”

“Chúng ta không suốt ngày giả tạo. Em đang nói gì vậy?”

“Chúng ta vờ như mình là những người bình thường, có một cuộc sống bình thường! Em vờ như mình hoàn toàn ổn mỗi khi anh biến mất đến nơi chỉ có Chúa mới biết. Em vờ như mọi chuyện vẫn không có vấn đề gì khi anh suýt nữa bị giết và Kendrick không biết phải làm cái quái gì với nó! Em vờ như em không đau buồn khi các con của chúng ta chết...” Clare thổn thức và gập người lại, mặt cô ấy chìm trong tóc, một chiếc rèm cửa bằng lụa che chắn cho khuôn mặt.

Tôi mệt mỏi với những tiếng khóc. Tôi mệt mỏi vì phải nhìn Clare khóc. Tôi vô dụng trước những giọt nước mắt của cô ấy, tôi không thể làm bất cứ điều gì để thay đổi được nó.

Clare... tôi với tay chạm vào cô ấy, để an ủi cô ấy, để an ủi chính tôi, nhưng cô ấy đẩy tôi ra. Tôi đứng dậy khỏ i giường và nhặt quần áo của mình. Tôi vào trong phòng tắm và mặc đồ. Tôi lấy chìa khóa của Clare từ trong túi xách của cô ấy và đi giày vào. Clare xuất hiện trong hành lang, hỏi:

“Anh đi đâu đấy?”

“Anh không biết.”

“Henry...”

Tôi bước ra ngoài, đập mạnh cửa. Thật thoải mái khi được ở bên ngoài. Tôi không thể nhớ xe đỗ ở đâu. Rồi tôi nhìn thấy nó bên kia đường. Tôi chạy lại và bước vào.

Ý nghĩ đầu tiên của tôi là sẽ ngủ trong xe, nhưng khi đã ngồi vào trong tôi quyết định sẽ lái đi đâu đó. Bãi biển, tôi sẽ lái xe ra biển. Tôi biết đây là một ý tưởng tồi tệ. Tôi đang mệt, đang buồn bực. Sẽ là điên khùng nếu lái xe lúc này. Nhưng tôi rất muốn được lái xe đi. Những con phố vắng tanh, không một bóng người. Tôi nổ máy. Nó gầm lên oai vệ. Mất hơn một phút để tôi lái xe ra khỏi bãi đỗ. Tôi nhìn thấy khuôn mặt Clare bên ô cửa sổ chính. Để cho cô ấy lo lắng. Lần đầu tiên tôi chẳng bận tâm.

Tôi đi qua Ainslie tới Lincoln, rẽ sang Western và tiếp tục đi về phía bắc. Đã khá lâu kể từ lần cuối tôi ra ngoài một mình lúc nửa đêm trong hiện tại; tôi không thể nhớ nổi lần cuối cùng tôi lái xe khi tôi không thực sự buộc phải lái là khi nào. Khá dễ chịu. Tôi tăng tốc qua nghĩa trang Roschill và đi qua một dãy dài các cửa hàng đại lí ô tô. Tôi bật radio, họ đang chơi Coltrane, nên tôi tăng volume và hạ cửa kính ô tô xuống. Tiếng ồn, những cơn gió, sự lặp lại dịu dàng của những cột đèn đỏ và đèn đường khiến tôi bình tĩnh trở lại, khiến tôi đê mê, và sau một hồi, tôi gần như quên mất lí do tôi ở đây. Ở ranh giới Evanston, tôi rẽ qua Ridge, và đi vào Dempster để tới hồ. Tôi đỗ xe gần bờ, để nguyên chìa khóa trong ổ, bước ra ngoài và đi bộ. Trời mát và yên tĩnh. Tôi đi ra cầu tàu và đứng ở cuối bến, nhìn xuống đường bờ biển Chicago đang bập bùng bên dưới bầu trời cam và tía.

Tôi mệ lử. Tôi mệt vì phải nghĩ đến cái chết. Tôi mệt vì phải làm tình với ý nghĩ một sự kết thúc. Tôi sợ nơi mà tất cả có thể sẽ chấm dứt. Tôi không biết mình có thể chịu đựng được thêm bao nhiêu áp lực nữa từ Clare.

Những bào thai, những phôi thai, và những tổ hợp tí bào mà chúng tôi không ngừng tạo ra rồi đánh mất này là gì? Chúng có gì quan trọng để phải mạo hiểm tính mạng của Clare vì nó, để nhuốm màu thất vọng lên mỗi ngày trôi qua. Tự Nhiên đang bảo chúng tôi hãy từ bỏ, Tự Nhiên đang bảo rằng: Henry, mày là một thể sinh vật thất bại của tạo hóa, và chúng tao không muốn tạo ra bất kì sinh vật nào khác giống mày nữa. Tôi đã sẵn sàng để chấp nhận điều đó.

Tôi chưa từng thấy chính mình trong tương lai với một đứa trẻ. Cho dù tôi đã dành nhiều thời gian ở bên chính mình khi còn nhỏ, cho dù tôi đã dành nhiều thời gian ở bên Clare khi còn nhỏ, tôi không cảm thấy cuộc sống của mình không trọn vẹn nếu không có một đứa của riêng tôi. Không một bản thể từ tương lai nào của tôi từng khích lệ tôi hãy tiếp tục kiên trì. Thậm chí, vài tuần trước, tôi đã không thể chịu nổi và hỏi tôi đến từ năm 2004, khi đụng mặt cậu ta ở thư viện Newberry. Chúng ta có bao giờ có con không? Tôi hỏi. Tôi chỉ mỉm cười và nhún vai. Cậu phải sống và trải nghiệm nó thôi, xin lỗi, cậu ta trả lời, chảnh chọe và cảm thông. Ôi Chúa ạ, cứ nói toẹt ra đi, tôi khóc, thét ầm lên trong lúc cậu ta giơ tay lên và biến mất. Đồ khốn, tôi rống lên, Isabelle thò đầu qua cửa an toàn và hỏi tại sao tôi đứng đây la hét, rồi tôi nhận ra rằng họ có thể nghe thấy tôi từ phòng đọc.

Tôi không thấy có cách nào để thoát khỏi những chuyện này. Clare đang bị nó ám ảnh. Amit Montague khích lệ cô ấy, kể cho cô ấy nghe chuyện về những đứa trẻ sinh ra như một kì tích, đưa cho cô ấy đồ uống vitamin và khiến tôi nhớ đến Đứa trẻ của Rosemary. Có lẽ tôi nên đình công. Phải rồi, đó là giải pháp: đình công tình dục. Tôi cười với chính mình. Tiếng cười bị nuốt chửng bởi những con sóng đang hiền từ vỗ vào cầu tàu. Khó mà khả thi. Tôi sẽ ngã quỵ chỉ trong vài ngày.

Đầu tôi đau nhức. Tôi gắng ngó lơ; tôi biết nó xuất hiện vì tôi đang mệt. Tôi tự hỏi liệu tôi có thể ngủ trên bãi biển mà không bị ai quấy rầy không. Trời đêm tuyệt đẹp. Tôi đang ngây ngất trong ánh sáng mãnh liệt trải vàng dọc cầu tàu và trên khắp mặt tôi thì đột nhiên đã thấy mình trong bếp của Kimy, nằm ngửa người bên dưới chiếc bàn ăn, vây quanh bởi những cái chân ghế. Kimy đang ngồi trên một trong những chiếc ghế và đang nhìn tôi dưới gầm bàn. Hông trái của tôi đang tựa vào giày của bà.

“Chào bạn già”, tôi nói yếu ớt. Tôi cảm thấy như sắp sửa lăn ra ngất xỉu.

“Sẽ có ngày cháu khiến ta trụy tim mà chết, anh bạn ạ”, Kimy nói. Bà thúc tôi bằng mũi giày. “Chui ra khỏi đó và mặc quần áo vào.”

Tôi lăn ra khỏi bàn, cuộn tròn người trên thảm lót sàn và nghỉ một Iát, trấn tĩnh lại và cố không nôn ra sàn.

“Henry, cháu ổn chứ?” Kimy nhoài người về phía tôi. “Cháu muốn ăn gì không? Súp nhé? Ta có súp thịt đấy. Hay cà phê?” Tôi lắc đầu. “Cháu muốn nằm lên ghế sofa không? Cháu ốm hả?”

“Không, Kimy, cháu ổn, cháu sẽ ổn thôi.” Tôi gắng gượng đứng dậy. Tôi lảo đảo bước vào phòng ngủ và mở tủ quần áo gần như trống không của Kimy, ngoại trừ vài chiếc quần jeans đủ kích cỡ được treo cẩn thận, xếp theo thứ tự từ của một cậu bé đến người lớn, vài chiếc áo sơ mi trắng, tủ quần áo dự phòng nho nhỏ của tôi, sẵn sàng vì chờ đợi. Tôi mặc quần áo vào rồi quay trở lại nhà bếp, cúi người xuống Kimy và hôn nhẹ lên mi bà. “Hôm nay là ngày bao nhiêu ạ?”

“8 tháng Chín, năm 1998. Cháu từ đâu đến?”

“Tháng Bảy tới.” Chúng tôi ngồi xuống bàn. Kimy đang chơi ô chữ New York Times.

“Chuyện gì xảy ra ở tháng Bảy tới?”

“”Đó là một mùa hè mát mẻ, khu vườn của bà rất đẹp. Tất cả cổ phiếu công nghệ đều đang lên. Bà nên mua cổ phiếu của Apple vào tháng Một tới”

Kimy ghi chú trên một góc của chiếc túi giấ y màu nâu. “Được rồi. Còn cháu? Cháu ổn chứ? Clare thế nào? Bọn cháu có con chưa?”

“Cháu đói quá. Cho cháu ít súp mà hồi nãy bà nhắc đến nhé?”

Kimy nặng nề di chuyển ra khỏi ghế và mở tủ lạnh. Bà lôi ra một cái chảo và bắt đầu hâm lại súp. “Cháu chưa trả lời câu hỏi của ta.”

“Chẳng có gì mới, Kimy ạ. Vẫn không có con. Clare và cháu dùng mọi thời gian tỉnh táo để cãi nhau về nó. Làm ơn đừng bắt đầu lên lớp cháu nhé?”

Kimy quay lưng lại phía tôi. Bà mạnh tay khuấy súp. Lưng bà tỏa ra sự phiền muộn. “Ta không ‘lên lớp’ cháu. Ta chỉ hỏi vậy thôi, được chứ?”

Chúng tôi yên lặng trong vài phút. Tiếng ồn của chiếc thìa cọ vào đáy chảo khiến tôi khó chịu. Tôi nghĩ đến Clare nhìn ra ngoài cửa sổ lúc tôi lái xe đi mất.

“Kimy.”

“Sao, Henry?”

“Tại sao bà và ông Kim không sinh con?”

Im lặng hồi lâu. Rồi: “Chúng ta đã có con.”

“Thật sao?”

Bà đổ món súp nghi ngút khói vào một trong những chiếc tô Mickey Mouse mà tôi đã rất thích khi còn nhỏ. Bà ngồi xuống và đưa tay vuốt tóc, vén những sợi tóc bạc đang xõa ra vào trong búi tóc nhỏ phía sau. Kimy nhìn tôi, nói, “Ăn súp đi. Ta sẽ quay lại ngay.” Bà đứng dậy và đi ra khỏi bếp. Tôi nghe tiếng bà lê bước trên hành lang. Tôi ăn súp của mình. Nó đã gần hết khi bà quay trở lại.

“Đây là Min. Con gái của ta” Tấm ảnh trắng đen đã mờ của một cô bé khoảng chừng năm, sáu tuổi đang đứng trước nhà của bà Kim, trước căn nhà này, nơi tôi đã lớn lên. Cô bé mặc đồng phục trường Công Giáo, mỉm cười, tay cầm một chiếc ô. “Đó là ngày đầu tiên nó đến trường. Nó đã rất hạnh phúc, rất sợ.”

Tôi chăm chú nhìn tấm ảnh. Tôi ngại không dám hỏi gì. Tôi ngẩng đầu lên. Kimy đang nhìn chăm chăm ra cửa sổ, ra dòng sông. “Chuyện gì đã xảy ra?”

“Con bé đã qua đời. Trước cả khi cháu được sinh ra. Nó bị bạch cầu”

Đột nhiên tôi nhớ ra. “Có phải cô bé hay ngồi ở xích đu trong sân sau? Trong bộ váy đỏ?”

Kimy sững sờ nhìn tôi chằm chằm. “Cháu đã thấy nó ?”

“Cháu nghĩ vậy. Đã khá lâu rồi. Khi cháu khoảng bảy tuổi. Cháu đứng trên bậc cầu thang dẫn ra sông, trần trùng trục, và cô bé bảo cháu rằng tốt hơn cháu đừng có lại gần vườn nhà cô ấy, và cháu cãi lại rằng đó là vườn nhà cháu, nhưng cô ấy không tin. Cháu đã không hiểu.” Tôi cười. “Cô bé nói với cháu rằng mẹ cô bé sẽ tét vào mông cháu nếu cháu không đi chỗ khác.”

Kimy cười run run. “Con bé nói đúng.”

“Khi đó cô bé chỉ mới vài tuổi.”

Kimy mỉm cười. “Con bé rất hiếu động. Bố nó hay gọi nó là Mồm Rộng. Ông ấy yêu nó rất nhiều.” Kimy quay đầu đi chỗ khác, lén lấy tay chạm vào mắt. Trong kí ức của tôi ông Kim là một người trầm lặng, người dành hầu hết thời gian ngồi trên chiếc ghế bành và xem thể thao trên ti vi.

“Min sinh năm bao nhiêu ạ?”

“1949. Con bé mất năm 1956. Thật khôi hài, đáng lẽ nó đang là một bà trung niên với con cái của riêng nó vào lúc này. Đáng lẽ nó đang 49 tuổi. Con của nó sẽ đang học đại học, có thể lớn hơn một chút.” Kimy nhìn tôi, và tôi nhìn lại bà.

“Bọn cháu đang cố, Kimy ạ. Bọn cháu đang thử tất cả những gì có thể nghĩ đến.”

“Ta đã không nói gì cả.”

Kimy hấp háy mắt với tôi như thể bà là Louise Brooks hay ai đó khác. “Này anh bạn, ta đang mắc kẹt ở ô chữ này. Ô thứ 9 dọc, bắt đầu bằng chữ K...”

CLARE: Tôi nhìn cảnh sát trong những bộ đồ lặn sục sạo khắp hồ Michigan. Một buổi sáng nhiều mây nhưng chưa gì đã rất nóng. Tôi đang đứng trên cầu tàu đường Dempster. Có năm chiếc xe cứu hỏa, ba xe cứu thương và bảy xe cảnh sát đang nhấp nháy đèn. Có 17 nhân viên cứu hỏa và sáu nhân viên cứu thương, 14 nam cảnh sát và một nữ cảnh sát - một phụ nữ mập lùn, người có cái đầu như bị bóp nén lại bởi chiếc mũ của cô ấy, người không ngừng nói những câu tẻ nhạt nhằm an ủi tôi cho đến khi tôi khao khát được đẩy cô ta ngã khỏi cầu tàu. Tôi đang ôm quần áo của Henry. Đang là năm giờ sáng. Có 21 nhà báo, một vài trong số họ là phóng viên truyền hình với xe tải và micro, cùng những người quay phim của họ, một vài người khác là phóng viên báo giấy với các nhiếp ảnh gia. Có một cặp đôi già đang đứng quanh rìa hiện trường, thận trọng nhưng tò mò. Tôi gắng không nghĩ đến những miêu tả của viên cảnh sát về cảnh Henry nhảy khỏi cầu tàu, lọt vào ánh đèn pha của xe cảnh sát. Tôi gắng không nghĩ.

Hai nhân viên cảnh sát mới đến bước dọc cầu tàu. Họ trao đổi với một vài cảnh sát đã có mặt ở đây từ trước, rồi một trong số họ, viên cảnh sát già hơn, tách ra và đi về phía tôi. Ông ấy có bộ ria mép cong quăn tít, đuôi bé tí teo, kiểu cổ điển. Ông ấy giới thiệu mình là đội trưởng Michels và hỏi tôi liệu có lí do gì khiến chồng tôi muốn tự kết liễu đời mình hay không.

“Tôi không nghĩ vậy. Anh ấy bơi rất giỏi, có lẽ anh ấy chỉ đang bơi đến Wilmette hay đâu đó thôi”...

Tôi vẫy tay về phía bắc... “và anh ấy sẽ sớm trở lại...”

Viên đội trưởng vẫn có vẻ hồ nghi. “Anh ấy có sở thích đi bơi lúc nửa đêm?”

“Anh ấy bị mất ngủ.”

“Anh chị có cãi nhau trước đó? Anh ấy có tức giận?”

“Không”, tôi nói dối. “Dĩ nhiên không.” Tôi nhìn ra biển. Tôi biết mình không có vẻ thuyết phục. “Lúc đó tôi đang ngủ, chắc hẳn anh ấy đã quyết định đi bơi và không muốn đánh thức tôi.”

Nguồn ebooks: http://www.luv-ebook.com

“Anh ấy có để lại ghi chú?”

“Không.” Trong lúc đang lục lọi trong đầu để tìm sự giải thích hợp lí hơn, tôi nghe có tiếng rơi tõm gần bờ. Tạ ơn Chúa! Vừa đúng lúc. “Anh ấ y kia rồi!” Henry bắt đầu đứng lên khỏi mặt nước, nghe tiếng tôi gọi và lặn xuống trở lại, bơi vào gần cầu tàu.

“Clare. Chuyện gì đang diễn ra vậy?”

Tôi quỳ xuống cầu tàu. Henry có vẻ mệt mỏi và lạnh. Tôi nói khẽ, “Họ tưởng anh bị chìm. Một trong số họ đã nhìn thấy anh nhảy xuống khỏi cầu tàu. Họ đã tìm xác anh suốt hai giờ đồng hồ.”

Henry có vẻ lo lắng, nhưng cũng có vẻ thích thú. Bất cứ điều gì có thể chọc tức cánh cảnh sát đều khiến anh ấy thích. Tất cả các nhân viên cảnh sát đã quây lại quanh tôi và nhìn Henry trong yên lặng.

“Anh là Henry DeTamble?” viên đội trưởng hỏi.

“Phải. Ông có phiền nếu tôi lên bờ không?” Tất cả chúng tôi đi theo Henry lên bờ, Henry bơi, còn chúng tôi đi bên cạnh anh ấy trên cầu tàu. Anh ấy bước lên khỏi mặt nước và đứng ướt như một con chuột lột. Tôi đưa áo sơ mi cho Henry, anh ấy dùng nó để lau người. Anh ấy mặc đống quần áo còn lại vào rồi đứng điềm tĩnh, đợi cho đám cảnh sát quyết định xem họ sẽ làm gì với anh ấy. Tôi muốn ôm chầm lấy anh ấy mà hôn rồi giết chết anh ấy. Hoặc ngược lại. Henry quàng tay qua người tôi. Anh ấy lạnh và ướt nhèm nhẹp. Tôi tựa vào anh ấy, để lấy cái lạnh, và anh ấy tựa vào tôi, để lấy hơi ấm. Cảnh sát tra hỏi anh ấy. Anh ấy trả lời họ rất lịch sự. Đây là những viên cảnh sát Evanston, cùng một số cảnh sát ở Morton Grove và Skokie ghé qua chỉ để cho đông đúc. Nếu họ là cảnh sát Chicago, họ sẽ biết Henry và sẽ bắt giam anh ấy.

“Tại sao anh không trả lời khi cảnh sát tuần tra yêu cầu anh ra khỏi mặt nước?”

“Lúc đó tôi đang đeo bịt tai, thưa đội trưởng.”

“Bịt tai?”

“Để tránh không cho nước vào tai.” Henry giả vờ tìm kiếm trong túi. Tôi không biết chúng biến đâu mất rồi. Tôi luôn đeo bịt tai khi bơi.”

“Tại sao anh đi bơi vào lúc ba giờ sáng?”

“Tôi không ngủ được.”

Và nhiều nữa. Henry nói dối trơn tru và đưa ra các dẫn chứng để chứng minh câu chuyện của mình. Cuối cùng, phía cảnh sát bất đắc dĩ phải phạt anh ấy vì tội đi bơi khi bãi biển đã đóng cửa. Mức phạt là 500 đô la. Khi cảnh sát để chúng tôi đi, các nhà báo, nhiếp ảnh và máy quay đổ dồn vào chúng tôi trong lúc chúng tôi bước về xe của mình. Không có gì để nói. Chỉ ra ngoài đi bơi thôi. Làm ơn, chúng tôi không muốn bị chụp hình. Click. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được xe, nó đang nằm trơ trọi một mình với chùm chìa khóa vẫn còn nguyên trong ổ, trên đường Sheridan. Tôi khởi động máy và kéo cửa kính xuống. Cảnh sát và đám nhà báo cùng cặp bô lão đang đứng trên bãi cỏ nhìn chúng tôi. Chúng tôi không nhìn nhau.

“Clare.”

“Henry.”

“Anh xin lỗi.”

“Em cũng vậy.” Anh ấy nhìn tôi, chạm vào tay tôi đang đặt trên cần lái. Chúng tôi về nhà trong im lặng.

Thứ Sáu, 14/1/2000 (Clare 28 tuổi, Henry 36 tuổi)

CLARE: Kendrick dẫn chúng tôi qua một mê cung thảm, tường vữa và hành lang cách âm, rồi đi vào một phòng họp. Phòng không có cửa sổ, chỉ có tấm thảm xanh và một chiếc bàn đen dài, vây quanh bởi những chiếc ghế xoay bọc đệm. Có một tấm bảng trắng và vài cây bút dạ, một chiếc đồng hồ phía trên cửa, bình đựng cà phê và cốc, kem và đường bỏ sẵn bên trong. Kendrick và tôi ngồi xuống bàn, còn Henry đi tới đi lui khắp phòng. Kendrick gỡ kính ra và mát-xa hai bên sống mũi bằng các đầu ngón tay. Cánh cửa mở ra và một người đàn ông gốc Tây Ban Nha trong bộ đồ phẫu thuật đẩy xe vào phòng. Trên xe là một cái lồng được che bằng vải. “Ngài muốn đặt nó ở đâu?” người đàn ông trẻ hỏi, và Kendrick nói, “Cứ để cả xe đó, nếu cậu không cảm thấy phiền”, người đàn ông nhún vai rồi bỏ đi. Kendrick đi tới cửa và xoay tay nắm rồi vặn đèn tối bớt lại. Tôi chỉ lờ mờ thấy Henry đang đứng cạnh cái lồng. Kendrick đi về phía anh ấy và lặng lẽ tháo lớp vải.

Mùi gỗ tuyết tùng tỏa ra cừ chiếc lồng. Tôi đứng dậy và nhìn nó chằm chằm. Chẳng có gì ngoài một cái lõi của cuộn giấy vệ sinh, vài bát thức ăn, một chai nước và một cái bánh xe tập thể dục, mùn cưa từ gỗ cây tuyết tùng. Kendrick mở nắp lồng và thò tay vào, nhấc lên một thứ gì đó nhỏ và trắng. Henry và tôi tiến lại gần, nhìn vào con chuột tí hon đang ngồi nháy mắt trong lòng bàn tay của Kendrick. Kendrick lôi từ trong túi ra một cái đèn pin nhỏ bật nó lên và không ngừng chớp về phía con chuột. Con chuột căng ra, rồi biến mất.

“Ồ”, tôi nói. Kendrick đặt tấm vải trở lại lồng và bật điện lên. “Nó sẽ được công bố trên số tuần tới của tờ Nature”, ông ấy nói, mỉm cười. “Nó sẽ là bài báo chính.”

“Xin chúc mừng”, Henry nói. Anh ấy liếc nhìn đồng hồ. “Chúng thường biến mất trong bao lâu? Và chúng đi đâu?”

Kendrick chỉ tay về phía bình cà phê và cả hai chúng tôi gật đầu. “Chúng thường biến mất trong khoảng mười phút”, ông ấy nói, rót ra ba cốc cà phê trong lúc trò chuyện, rồi đưa cho chúng tôi mỗi người một cốc. “Chúng đi đến phòng thí nghiệm động vật ở dưới tầng hầm, nơi chúng sinh ra. Chúng có vẻ không thể du hành nhiều hơn vài phút theo mỗi chiều của dòng thời gian.”

Henry gật đầu. “Chúng sẽ du hành xa hơn khi chúng lớn hơn.”

“Đúng vậy, cho đến giờ đó là biểu hiện chung.”

“Ông đã làm thế nào vậy?” tôi hỏi Kendrick. Tôi vẫn không thể tin ông ấy đã thực sự làm được nó.

Kendrick thổi cà phê của mình và nhấp một ngụm, rồi nhăn mặt. Cà phê khá đắng, tôi bỏ thêm đường vào cốc của mình. “Việc Celera hoàn thành sự sắp xếp của toàn bộ hệ thống gen ở chuột đã giúp ích rất nhiều”, ông ấy nói. “Nó chỉ cho chúng tôi nơi cần tìm bốn bộ gen mà chúng tôi lấy làm mục tiêu. Nhưng dù sao chúng tôi cũng có thể hoàn thành thí nghiệm cho dù không có nó.”

“Chúng tôi đã tiến hành sao chép các gen của cậu và sử dụng các en-zim để cắt các phần DNA bị tổn thương. Rồi c húng tôi lấy những mẫu này nhét vào các bào thai chuột ở kì phân bào cuối. Đó là phần khá dễ dàng.”

Henry nhướn lông mày. “Phải rồi, dĩ nhiên. Clare và tôi làm như vậy suốt, ở trong bếp của chúng tôi. Vậy phần khó khăn là gì ?” Anh ấy ngồi lên mặt bàn và đặt cốc cà phê bên cạnh. Tôi có thể nghe thấy tiếng cót két phát ra từ xe tập thể dục trong lồng.

Kendrick liếc nhìn tôi. “Phần khó khăn là khiến những chuột mẹ sinh sản thành công. Chúng không ngừng chết, vì xuất huyết.”

Henry có vẻ cảnh giác cao độ. “Những con chuột mẹ chết?”

Kendrick gật đầu. “Chuột mẹ chết, và chuột con chết. Chúng tôi không thể khám phá ra vì sao, nên chúng tôi bắt đầu theo dõi chúng sát sao từng giây phút, và rồi chúng tôi nhận ra. Các thai nhi đã đi xuyên thời gian, ra khỏi bụng mẹ, rồi lại quay về, khiến những con chuột mẹ chảy máu trong mà chết. Hoặc chúng chỉ đơn giản ngừng phát triển bào thai ở ngày thứ mười. Thật dễ bực bội.”

Henry và tôi trao đổi cái nhìn rồi quay mặt đi chỗ khác. “Chúng tôi có thể hiểu cảm giác đó”, tôi nói với Kendrick.

“Phải”, ông ấy nói. “Nhưng chúng tôi đã giải quyết được vấn đề.”

“Bằng cách nào ?” Henry hỏi.

“Chúng tôi nghĩ đó có thể là phản ứng miễn dịch. Có điều gì đó ở bào thai chuột rất khác lạ đối với hệ thống miễn dịch của chuột mẹ nên chúng tìm cách chống lại bào thai như thể nó là một loại vi-rút. Nên chúng tôi đã kìm hãm hệ thống miễn dịch của chuột mẹ lại, và nó có hiệu quả như một phép màu.”

Tim tôi đập tận lên tai. Như một phép màu.

Kendrick đột nhiên khom người lại và nhặt thứ gì đó trên sàn lên. “Tóm được mày rồi”, ông ấy nói, xòe con chuột trong lòng bàn tay ra.

“Hay lắm!” Henry nói. “Giờ thì sao?”

“Liệu pháp gen”, Kendrick trả lời. “Thuốc, hóa chất” Ông ấy nhún vai. “Mặc dù chúng tôi có thể khiến nó xảy ra chúng tôi vẫn không hiểu tại sao nó xảy ra. Hoặc làm thế nào nó xảy ra. Nên chúng tôi sẽ cố tìm hiểu điều đó.” Ông ấy đưa con chuột cho Henry.

Anh ấy chụm tay lại và Kendrick thả con chuột vào. Henry tò mò xem xét nó kĩ lưỡng.

“Nó có một vết xăm”, anh ấy nói.

“Đó là cách duy nhất để chúng tôi có thể theo dõi chúng”, Kendrick đáp. “Chúng khiến các kĩ sư ở phòng thí nghiệm động vật phát điên, chúng luôn trốn thoát.”

Henry cười. “Đó là ưu thế tiến hóa của chúng tôi”, anh ấy nói. “Chúng tôi trốn thoát.” Anh ấy vuốt ve con chuột và nó ỉa lên lòng bàn tay anh ấy.

“Không có sức chịu đựng trước áp lực”, Kendrick nói, rồi đặt con chuột vào lồng, nó chạy biến vào lõi của cuộn giấy vệ sinh.

Ngay khi về nhà, tôi gọi cho bác sĩ Montague và bép xép về sự kìm hãm hệ thống miễn dịch và xuất huyết trong. Bà ầy lắng nghe rất cẩn thận và bảo tôi đến gặp bà ấy vào tuần tới, trong thời gian từ giờ đến lúc đó, bà ấy sẽ tìm hiểu thêm về vấn đề này. Tôi đặt điện thoại xuống và Henry đang nhìn tôi lo lắng sau mục kinh tế của tờ Times. “Đáng để thử mà”, tôi bảo anh ấy.

“Rất nhiều con chuột mẹ đã chết trước khi họ tìm ra giải pháp”, Henry nói.

“Nhưng nó đã có hiệu quả! Kendrick đã thành công!”

Henry chỉ nói, “Phải”, rồi tiếp tục đọc báo. Tôi mở miệng định nói rồi thay đổi ý định và đi ra ngoài, bước vào xưởng vẽ. Tôi quá phấn khích để tranh cãi vào lúc này. Nó đã có hiệu quả. Như một phép màu. Như một phép màu.

Nguồn: truyen8.mobi/t85535-vo-nguoi-du-hanh-thoi-gian-chuong-8.html?read_type=1


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận