Vụ Mất Tích Bí Ẩn Chương 8


Chương 8
Kết.

Xóm Chài là khu dân cư chừng vài chục hộ nằm nép mình bên dòng sông xanh uốn khúc. Lê Trực hỏi thăm người đàn ông đang ngồi câu cá dưới bóng cây râm mát: - Chú ơi, làm ơn chỉ đường đến nhà ông Sáu Đê. - Sáu Đê ba cô Lành phải không? Anh cứ đi thẳng đến cuối xóm thì rẽ phải. Nhà Sáu Đê là căn đầu tiên bên tay trái. Lê Trực cám ơn người đàn ông rồi đi theo sự hướng dẫn. Cửa nhà đóng kín, Lê Trực đưa tay gõ nhẹ lên cánh cửa. Từ bên trong có tiếng dép lẹt xẹt vọng ra. Một bé trai chừng mười hai, mười ba tuổi với chiếc đầu húi cua đưa cặp mắt hiếu kỳ nhìn khách: - Chú tìm ai vậy? Lê Trực không trả lời câu hỏi của thằng bé mà hỏi lại: - Đây có phải là nhà ông Sáu Đê không cháu? Thằng bé khẽ gật đầu, nói: - Phải, nhưng ông ngoại cháu đi vắng rồi. Cả mẹ cháu cũng thế. Chú chịu khó đứng chờ bên ngoài. Ngoại cháu dặn không tiếp người lạ khi không có người lớn ở nhà. Nói xong, thằng bé xoay người bước vào bên trong. Lê Trực lấy thuốc lá ra hút. Hút gần xong điếu thuốc thì thấy một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi từ xa bước đến, trên tay cầm chiếc giỏ đựng trái cây trĩu nặng: - Vinh ơi, mẹ về rồi đây! Thằng bé lúc nãy chạy ra đón lấy giỏ trái cây từ tay người phụ nữ. Đoạn đưa mắt nhìn về phía Lê Trực: - Chú này tìm ông ngoại. Người phụ nữ khẽ gật đầu chào khách rồi cất giọng vừa đủ nghe: - Ba tôi ra thị xã có chút việc chắc cũng sắp về rồi. Mời anh vào nhà. Bên trong bày trí sơ sài, ngăn nắp. Chính giữa nhà có kê chiếc bàn hình chữ nhật và vài chiếc ghế tựa. Lê Trực thấy trên bàn thờ có đặt bức ảnh người đàn ông quá cố khoảng ngoài ba mươi tuổi. - Mời anh dùng nước. Tôi tên Lành. Còn anh là..? - Tôi tên Trực, cán bộ phòng cảnh sát hình sự tỉnh. Lành tỏ vẻ lo lắng: - Công an à? Anh tìm ba tôi có việc gì? Lê Trực nói: - Tôi muốn gặp ba cô để hỏi thăm một số việc. Cô đừng lo lắng. Gương mặt Lành giãn ra. Vinh từ phía sau đi, tay bưng dĩa quýt đặt lên bàn thờ, rồi day mặt về phía Lành: - Mẹ đốt nhang cho ba đi. Lành đốt mấy nén nhang cắm vào bát hương rồi quay trở lại chỗ ngồi. Lê Trực uống một ngụm nước: - Chồng chị bị bệnh gì mà chết trẻ như vậy? Lành thở dài buồn bả: - Ảnh không chết vì bệnh tật mà chết vì bom đạn. Con trai tôi phải mồ côi cha khi vừa biết đi chập chững. - Như vậy chồng chị mất đã gần mươi năm rồi nhỉ? Lành gật đầu: - Hơn mười năm rồi anh ạ. Ảnh cuốc phải mìn trong chiến tranh còn sót lại. Mấy người làm bên cạnh chỉ bị thương nhẹ, còn ảnh thì chết tan xác! Những từ cuối bị biến dạng và rè đi. Lê Trực hút thuốc lá. Vinh tay cầm diều bước nhanh ra cửa: - Con đi thả diều nhé. – đoạn Vinh hướng cái nhìn về phía Lê Trực:- Chào chú. Lê Trực nhìn theo thằng bé, nói: - Cháu học đến lớp mấy rồi, chị? Lành đáp: - Nó đang học lớp bảy. Sang năm lên lớp tám. Suốt bảy năm liền nó đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tất cả hy vọng tôi đều đặt vào nó. Tôi nhất quyết không để nó khổ cực như ba mẹ của nó. Lê Trực đưa tay xem giờ tỏ vẻ sốt ruột. Lành nói: - Không hiểu sao ba tôi hôm nay lại về muộn như thế. Mọi khi vào giờ này ba đã có mặt ở nhà. Lành bảo ba cô bị bệnh chứng thấp khớp kinh niên. Hàng tuần phải ra thị xã lấy thuốc: - Anh muốn hỏi ba tôi những chuyện gì vậy? Biết đâu tôi có thể trả lời giúp anh. Lê Trực nói: - Tôi muốn hỏi thăm một số thông tin về Hai Bình. Chắc cô biết Hai Bình chứ? Lành giật mình thốt lên ngạc nhiên: - Anh Hai Bình à? Đã gần mười lăm năm rồi chúng tôi đâu còn liên lạc với nhau nữa. Lê Trực gật đầu: - Tôi muốn tìm hiểu trong khoảng thời gian Hai Bình sống tại nhà cô. Lành lo lắng, nói: - Những chuyện này không cần đợi đến ba tôi, tôi có thể trả lời cho anh được. Nhưng tôi không hiểu anh tìm hiểu về anh Hai Bình nhằm mục đích gì? Chuyện gì đã xảy đến với ảnh? Lê Trực kể vắn tắt chuyện Hai Bình bị mất tích. Lành đưa tay đặt lên ngực cố kiềm chế cảm xúc: - Trời ơi, tại sao lại như thế? Tại sao vận rủi luôn bám theo ảnh? Ảnh là người đàn ông tốt nhưng luôn gặp nhiều bất hạnh. Tại sao ông trời luôn đối xử bất công với ảnh như vậy? Đợi cho cơn xúc động lắng xuống, Lê Trực nói: - Hai Bình ở nhà cô trong thời gian bao lâu? Lành suy nghĩ một lúc rồi nói: - Gần một năm, chính xác là mười một tháng, hai mươi mốt ngày. Lê Trực nói: - Trong thời gian ấy Hai Bình làm những công việc gì? - Ảnh theo ba tôi đi đăng cá. Nếu không đi bắt cá thì ảnh đi làm thuê làm mướn kiếm sống. - Cụ thể là những công việc gì? - Việc gì ảnh cũng làm; cuốc mướn, khuân vác, làm phụ hồ, làm mộc…Anh Bình có thể làm nhiều việc nhưng không thạo nghề nào. Ảnh tỏ ra rất khéo tay. Chiếc bàn này là do ảnh đóng đấy. Lê Trực nhìn chiếc bàn, nói: - Đóng rất khéo chẳng thua gì thợ mộc lành nghề. Những chiếc ghế này cũng do Hai Bình đóng à? - Vâng, cũng một tay ảnh làm ra cả đấy. Ảnh vẽ cũng rất đẹp. Tôi còn giữ mấy bức ký họa của ảnh để làm kỷ niệm, tiếc là, sau lần làm nhà mấy bức tranh đó bị thất lạc. Vì chuyện này mà tôi mất ngủ mấy đêm liền. - Dường như cô có cảm tình đặc biệt với Hai Bình? Lành im lặng không trả lời. Gương mặt thoáng buồn: - Anh đã xác định được nguyên nhân mất tích của anh Hai Bình chưa? Lê Trực lắc đầu: - Kết quả thật đáng thất vọng, đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả gì cả. Lành tỏ vẻ băn khoăn: - Ảnh đi đâu được chứ? Người tốt bụng hiền lành như ảnh lại cũng có kẻ thù sao? Hay là ảnh bị một tại nạn nào đó? Lê Trực nói: - Lúc đầu chúng tôi nghĩ Hai Bình bị chết đuối nhưng không phải. Chúng tôi đã tìm kiếm suốt mấy hôm liền nhưng không tìm thấy xác Hai Bình. Hy vọng anh ấy còn sống. Lành nói: - Cầu trời khẩn Phật cho ảnh tai qua nạn khỏi. Cả đời anh ấy chỉ gặp toàn những bất hạnh.. Lê Trực nói: - Hai Bình sống với gia đình cô trong một thời gian dài, chắc cô hiểu rõ về Hai Bình? Lành lắc đầu. Lê Trực tỏ vẻ ngạc nhiên: - Chẳng lẽ cô không biết chút gì về Hai Bình à? Trong thời gian sống tại nhà cô, Hai Bình không nói gì về bản thân của mình hay sao? Chẳng lẽ mọi người dám chứa người lạ trong nhà mà không biết gì về bản thân của anh ta? Lành cũng ngạc nhiên không kém: - Ô hay, anh không biết anh Hai Bình bị mất trí nhớ hoàn toàn à? Anh ấy không nhớ gì về quá khứ của mình cả. Ảnh không biết mình là ai, tên gì, từ đâu đến. Cái tên Hai Bình là do tôi đặt cho ảnh đấy... * Bữa ăn tối được dọn ra trên chiếc chõng tre. Sáu Đê rót rượu ra cái chung bằng sứ rồi đưa cho Hai Bình: - Ly rượu này uống mừng chú mày đã trở thành thành viên chính thức trong ngôi nhà này. Hai Bình đón ly rượu từ tay Sáu Đê, nói bằng giọng xúc động: - Tôi mắc nợ chú Sáu và em Lành nhiều quá kiếp này không mong gì trả hết. Tôi xin uống cạn ly này cám ơn mọi người đã cứu sống và cưu mang tôi. Đoạn Hai Bình ngửa cổ uống cạn. Sáu Đê gắp cái cánh gà cho vào chén Hai Bình rồi uống cạn ly xoay tua: - Ở với qua không được ăn ngon mặc đẹp nhưng không bao giờ đói cả. Sản vật dưới sông nhiều vô kể chỉ cần siêng năng một chút là có cái ăn. Chú mày có thích theo qua đi đăng cá không? Hai Bình ngơ ngác: - Đăng cá là gì ạ? Sáu Đê bật cười sang sảng: - Chú mày kém thật. Có chuyện đăng cá mà cũng không biết. Đăng là dùng lưới chặn ngang một khúc sông đợi nước ròng bắt cá. Hiểu chưa, chú mày? Hai Bình lắc đầu bảo vẫn chưa hiểu lắm. Sáu Đê nhăn mặt nói: - Chú mày tối dạ quá. Thôi, cứ theo qua đi đăng vài lần là hiểu thôi mà. Gắp thức ăn đi chứ. Sao chú mày ngồi im như phỗng vậy? Lành xen vào: - Ba cứ gọi ảnh là “chú mày” hoài, nghe kỳ lắm. Sao mình không đặt cho ảnh một cái tên? Sáu Đê đưa tay vỗ đùi, reo lên: - Có chuyện đó mà qua cũng không nghĩ ra. Nhà có số, phố có tên huống chi là con người. Chú mày thích tên gì nói cho qua nghe thử xem có lọt cái lỗ tai không. Hai Bình suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu: - Chịu. Tôi chẳng biết chọn tên gì cả. Chú Sáu đặt giùm tôi đi. Sáu Đê suy nghĩ một lúc rồi nói: - Tên Đạt được không? Đạt là thành đạt, phát đạt đó. Qua thấy cái tên này nghe cũng hay đấy. Hai Bình ngẫm nghĩ một lúc rồi lắc đầu: - Chú nghĩ cái tên khác đi. Cái tên nghe có vẻ phô phang quá tôi không thích. bản thân tôi còn không biết mình là ai nói chi đến thành đạt phát tài. Sáu Đê nghĩ thêm vài cái tên nữa nhưng lần nào Hai Bình cũng không chịu. Tức mình Sáu Đê nói lớn: - Tên gì mày cũng không chịu. Vậy qua gọi mày là “chú mày” vậy. Lành đưa mắt nhìn Hai Bình: - Gọi anh là Bình, Hai Bình được không? Em thấy tên Bình có nhiều ý nghĩa. Sáu Đê ngẫm nghĩ một lúc rồi reo lên có vẻ khoái chí: - Con nhỏ này coi vậy mà giỏi. Bình có nghĩa là bình an, trung bình, hòa bình. Tên này hoàn toàn hợp tình hợp cảnh với số phận của chú mày. Chú mày mà không chịu thì qua hết cách. Hai Bình khẽ gật đầu: - Được rồi. Tôi chọn tên này. Tên Bình có vẻ giản dị, khiêm tốn, không kiểu cách như những tên khác. Lành nói: - Vậy từ nay em gọi anh là anh Hai Bình. Anh gọi em là Út Lành nghen? Sáu Đê thay cái chung nhỏ bằng cái ly sây chừng: - Vậy chúng ta hãy cùng nâng cốc chúc mừng chú mày có tên mới. Cạn một trăm phần trăm nghen. Cả hai cùng ngửa cổ uống cạn. Sáu Đê đánh khà một cái rồi cầm cái chân gà nhai ngấu nghiến: - Chú mày cứ ở đây với qua, qua ăn cái gì thì chú mày ăn cái ấy. Khi nào trí nhớ phục hồi thì tìm đường về quê cũng không muộn. Hai Bình buông chén, thở dài: - Không biết đến khi nào tôi mới có thể nhớ lại được. Người thân chắc đang nóng lòng chờ tôi. Tôi cảm thấy mình có lỗi với mọi người. Buồn quá chú Sáu à. Sáu Đê an ủi Hai Bình: - Chú mày cũng không nên đau buồn thái quá. Dù sao chúng ta vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu người khác. Rất nhiều người đã ngả xuống trong cuộc chiến tranh này, trong số đó có vợ của qua.. Sáu Đê uống liền ba chung rượu rồi im lặng và thở dài. Hai Bình nói: - Vợ của chú chết trong hoàn cảnh nào vậy? - Bả chết vì bị đạn lạc không kịp nói một lời trăn trối. Không khí bữa cơm bỗng chùn xuống. Sáu Đê uống rượu như người sắp chết khát: - Vợ chồng qua chung sống với nhau rất hạnh phúc. Bà ấy luôn sống nhẫn nhục và hết lòng vì chồng con. Ngược lại qua cũng rất yêu thương và cư xử bình đẳng với vợ chứ không có cái kiểu “chồng chúa, vợ tôi” như nhiều gia đình khác. Bà ấy chết, qua như muốn điên. Nếu không có Út Lành chắc qua cũng chẳng thiết sống làm gì.. Sáu Đê rươm rướm nước mắt: - Chiến tranh đến gõ cửa từng nhà và cướp đi những người yêu thương nhất. Còn đúng hai tháng là ngày giỗ của bả. Nhiều lúc qua cứ băn khoăn tự hỏi, tại sao ông trời để những kẻ vô tích sự như qua sống dai như đỉa, còn những người nhân hậu tốt bụng như bà ấy lại chết thảm. Công bằng ở đâu! Út Lành sụt sùi: - Đừng nhắc lại chuyện cũ nữa, ba à. Con khóc đây nè. Sáu Đê thở ra một cái thật mạnh như muốn trút bỏ những suy tư trĩu nặng trong lòng: - Thôi không nói đến chuyện chiến tranh chết chóc nữa. Uống đi! Đoạn Sáu Đê rót rượu ra cốc rồi day mặt về phía Hai Bình: - Bác sỹ nói bệnh tình của chú mày như thế nào? Có hy vọng gì không? Hai Bình tỏ vẻ chán nản: - Không hy vọng gì, chú Sáu à. Bác sỹ bảo, tình trạng mất trí nhớ có thể kéo dài trong nhiều năm, thậm chí không có khả năng phục hồi. Không có bất hạnh nào lớn hơn, khi ta đang sống mà không biết mình là ai. Sáu Đê thở dài: - Chim có tổ, người có tông. Qua thấy cám cảnh cho chú mày quá. Thôi, đừng buồn nữa. Ở hiền gặp lành, chú mày hãy cố sống tốt rồi ông trời sẽ để ý đến mình. Đoạn Sáu Đê nheo mắt nhìn Hai Bình hồi lâu: - Nghe giọng nói cũng dễ dàng đoán ra, chú mày không phải là người ở vùng này. Như vậy chú mày chỉ có thể là người lính. Còn lính bên nào thì qua chịu, không thể đoán được. Suy nghĩ một lúc Sáu Đê nói: - Qua có quen anh bạn tên Ba Vạn đang là huyện đội trưởng. Để qua đưa chú mày đến gặp ông ấy. Biết đâu Ba Vạn có thể giúp được gì. Thứ Hai tuần sau chúng ta sẽ lên huyện đội nhé. Còn nước còn tát, Hai Bình à. Hai Bình khẽ gật đầu. Út Lành đưa mắt nhìn Hai Bình rồi quay sang nhìn Sáu Đê: - Ba đoán thử xem, anh Bình khoảng bao nhiêu tuổi? Sáu Đê nhìn Hai Bình hồi lâu, nói: - Chắc cũng gần ba mươi. Cỡ hai bảy, hai tám gì đó. Út Lành lắc đầu, nói: - Con đoán, ảnh khoảng ngoài hai mươi tuổi thôi. Tại da ảnh đen nên trông già như vậy. Ba để ý thử coi, những lúc cười trông ảnh trẻ lắm. - Cho dù trẻ như thế nào cũng phải gần ba mươi rồi. Ba tin vào trực giác của mình. Đàn ông ở độ tuổi này thường đã có gia đình. Kể từ lúc ấy, Hai Bình chẳng nói gì mà uống hết ly này đến ly khác. Cạn hết chai rượu, Sáu Đê đã say chếnh choáng nằm lăn ra ngủ. Út Lành thu dọn chén bát đem đi rửa. Hai Bình ngồi im trên chiếc chõng tre, bóng đổ liu xiu lên vách. Nửa đêm, Út Lành giật mình tỉnh giấc thấy Hai Bình vẫn ngồi im bất động: - Chưa ngủ hả, anh Hai? Hai Bình lắc đầu, nói: - Anh không thấy buồn ngủ. Út Lành bắc ghế ngồi xuống bên cạnh: - Anh có tâm sự buồn phải không? Hai Bình làm thinh không trả lời. Út Lành nói: - Em biết anh buồn về chuyện cái tên, đúng không? Thôi mà, đừng buồn nữa, anh Hai. Khi nào trí nhớ được hồi phục thì anh lại trở về với tên thật của mình. Hai Bình chỉ là cái tên tạm thời để tiện xưng hô thôi. Hai Bình thở dài: - Anh thật vô dụng, thậm chí cái tên cha mẹ đặt còn không nhớ nổi. – Giọng Hai Bình chua chát:- Anh là một người từ đất nẻ chui lên. - Anh đừng tự xỉ vả mình như vậy. Chuyện này ngoài ý muốn của anh. Em tin, sớm muộn gì anh cũng nhớ ra thôi. - Em đừng an ủi anh. Anh thật sự thấy tuyệt vọng. Con người sống cũng cần quá khứ. Và quá khứ với anh hoàn toàn xa lạ. Đã bao lần anh băn khoăn tự hỏi; anh là ai? Từ đâu đến? Cha mẹ anh là những người như thế nào? Anh đã có gia đình chưa? Và nếu có vợ, thì vợ anh tên gì? Con anh tên gì? Trai hay gái?..Biết bao câu hỏi cứ ám ảnh tâm trí anh. Nó khiến anh mất ngủ.. - Em cũng đã từng bị chứng mất ngủ khi mẹ em mất. Tình trạng ấy kéo dài trong nhiều tháng. Sau này, ba em phải chuyển nhà em mới ngủ lại trước. – Út Lành thở dài:- Ngôi nhà cũ có quá nhiều kỷ niệm. Im lặng một lúc Út Lành nói: - Kỳ quá ha, anh Hai, em bị mất ngủ vì bị ám ảnh bởi quá khứ, còn anh mất ngủ vì bị đánh rơi quá khứ. * Lê Trực nói: - Rồi cha cô có đưa Hai Bình đi gặp Ba Vạn không? Út Lành gật đầu: - Có. Nhưng chú Ba Vạn hoàn toàn không biết anh Bình là ai. Du kích địa phương thì không phải rồi. Còn lính chủ lực thì chú Ba chỉ biết vài sỹ quan chỉ huy thôi. Sau đó, chú Ba Vạn có giới thiệu ảnh đến vài đơn vị bộ đội đã từng tham gia trận đánh giải phóng thị xã… - Và kết quả như thế nào? - Rất đáng thất vọng – Út Lành nói:- Chẳng ai biết ảnh là ai cả. Sau đó, ảnh tìm đến sở thương binh – xã hội hỏi thăm về những trường hợp mất tích trong chiến tranh. Và, rốt cuộc cũng hoài công vô ích. Vì chuyện này mà ảnh mấy đêm liền không ngủ được. Lê Trực nói: - Tại sao mọi người không nghĩ Hai Bình là lính chế độ cũ? - Có chứ. Ảnh đã từng nghĩ đến điều này. Và mọi nỗ lực của ảnh đều tuyệt vọng. Tuy nhiên có một lần tưởng chừng ảnh đã tìm được chính mình… * Bảy giờ tối. Sau khi ăn bữa tối xong, Hai Bình và Sáu Đê ngồi nói chuyện trên chiếc chõng tre. Chủ đề câu chuyện xoay quanh việc bắt cá. Trong lúc Sáu Đê đang hào hứng kể về kỷ niệm một lần đi đánh cá hô bỗng có mấy người từ ngoài xộc vào. Sáu Đê nhận ra Bảy Thập, trưởng công an xã, Năm Nhiều, công an ấp và một người đàn ông lạ mặc độ bộ đội có dáng vẻ khắc khổ. Thấy công an đến, nghĩ họ có việc muốn trao đổi với Sáu Đê, Hai Bình vội đứng dậy định bước ra ngoài thì Bảy Thập nắm tay kéo lại: - Chúng tôi có chuyện muốn nói với anh. Hai Bình ngồi xuống, ngơ ngác nhìn mọi người. Người đàn ông mặc đồ bộ đội bỗng nhìn xoáy vào mắt Hai Bình nói rành rọt từng tiếng: - Anh định trốn tránh đến bao giờ nữa, Lê Thái Tài? - Anh nói ai vậy? – Hai Bình thốt lên:- Tôi ư? Bảy Thập nói: - Chẳng nói với anh thì nói với ai? Chúng tôi có đủ bằng chứng chứng minh anh là Lê Thái Tài, trung úy thủy quân lục chiến, thuộc tiểu đoàn.. Hai Bình “ồ” lên một tiếng tỏ vẻ mừng rỡ: - Thật sự là tôi không biết mình là ai cả. Tôi bị thương ở đầu và hoàn toàn mất trí nhớ. Lê Thái Tài là tôi? Vậy tôi đã từng làm những việc gì? Người đàn ông mặc quân phục nói: - Đừng đóng kịch nữa Lê Thái Tài! Anh đã gây ra rất nhiều tội ác với cách mạng và nhân dân. Chính quyền cách mạng đã mở lượng khoan hồng đưa các sỹ quan chế độ cũ tập trung học tập cãi tạo để trở thành con người tốt, anh không những không chấp hành mà còn cố tình thay tên đổi họ lẩn trốn không chịu ra trình diện. Anh thật sự là phần tử ngoan cố. Anh còn gì để nói nữa không? - Thật sự là tôi hoàn toàn bị mất trí nhớ. Nếu thật sự tôi đã gây ra tội ác thì tôi xin sẵn sàng chịu sự trừng phạt của pháp luật. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ lẩn trốn ai cả, bởi tôi không nhớ gì. Các anh có thể hỏi những người xung quanh và bệnh viện, nơi tôi điều trị. Người đàn ông mở xắc cốt lấy ra tập hồ sơ mỏng: - Chúng tôi sẽ xác minh những gì anh nói. Nếu anh đã quên thì tôi xin nhắc lại cho anh nhớ; anh tên Lê Thái Tài, sinh năm 1950, tại Sài Gòn, đã từng học trường sỹ quan Đà Lạt chế độ cũ. Bản thân đã có vợ và một đứa con gái… - Tôi đã có con rồi à. – Hai Bình thốt lên mừng rỡ:- Cám ơn các anh nhiều lắm. Nhờ các anh mà tôi tìm thấy mình. * Lê Trực nói: - Như vậy Hai Bình chính là Lê Thái Tài? Út Lành lắc đầu: - Nếu như vậy đã là may cho ảnh. Ảnh bị bắt đi đúng một tháng thì bỗng nhiên quay trở về. Lúc đầu mọi người cứ lo là ảnh trốn nhưng sau khi chuyện trò cặn kẽ mọi người mới vỡ lẽ, chỉ là chuyện người giống người. Tay trung úy thủy quân lục chiến tổ chức vượt biên bị bắt, từ đó cơ quan công an mới lần ra chân tướng của gã. Tất nhiên, sau đó anh Bình được thả kèm theo vài lời xin lỗi. Trông ảnh tuyệt vọng đến dường nào. Ảnh cứ đinh ninh đã tìm được chính mình. Lê Trực thắc mắc: - Tại sao Hai Bình lại rời khỏi nhà cô? Chuyện gì đã xảy ra? Út Lành thở dài: - Chúng tôi yêu nhau. Và ba tôi không chấp nhận cho chúng tôi đến với nhau. Lê Trực thốt lên ngạc nhiên: - Theo như lời cô kể, Hai Bình là người đàn ông tốt, vậy tại sao ba cô không chấp nhận Hai Bình? Út Lành cất giọng buồn buồn: - Thật ra, ba tôi cũng rất dễ tính. Ông sẵn sàng gả con mình cho bất kỳ người đàn ông nào cho dù người đó xuất thân là trẻ mồ côi, hay một kẻ bơ vơ không nơi nương tựa. Gia đình tôi cũng đâu danh giá gì mà kén cá chọn canh. Ba tôi không chấp nhận Hai Bình bởi ông không biết anh Bình đã có gia đình hay chưa. Giả sử ảnh đã có vợ con đàng hoàng, giả sử lúc nào đó ảnh bỗng dưng nhớ lại, rất có thể ảnh sẽ bỏ rơi tôi mà trở về với những người thân yêu của mình. - Thì ra là như vậy. – Lê Trực nói:- Và sau đó, ba cô đã đuổi Hai Bình ra khỏi nhà? - Vâng. Ba tôi bảo chừng nào Hai Bình chứng minh được mình chưa có vợ thì ông mới gả con gái cho. Và, ông ra kỳ hạn trong vòng một năm. Một năm sau Hai Bình không trở lại, tôi đi lấy chồng. Chồng tôi vốn là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến với anh ấy vì bổn phận chứ hoàn toàn không có tình yêu. Cho đến bây giờ tôi vẫn không quên được Hai Bình. – giọng Út Lành buồn bã:- Chúng tôi có duyên mà không có nợ. - Kể từ sau lần đó, Hai Bình không một lần quay trở lại? Út Lành nói: - Vâng, ảnh đã không quay trở lại. Nhưng, có lẽ như vậy sẽ tốt hơn. Tôi đã có chồng gặp nhau chi cho bẽ bàng duyên phận. Tôi cứ đinh ninh ảnh đã có vợ, không ngờ ảnh vẫn sống một mình. Tội nghiệp ảnh quá! - Nói chuyện với cô tôi đã hiểu ra nhiều vấn đề. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao Hai Bình lại từ chối tình yêu của cô Ngọc. Hai Bình đã không thể vượt qua được số phận của mình. Sáu Đê về tới. Đấy là một ông lão ốm yếu, già khọm vì tuổi tác và bệnh tật, tuy nhiên cử chỉ và ánh mắt vẫn còn khá linh hoạt: - Hai Bình à? Đã lâu lắm rồi chúng tôi không gặp nhau. Hai Bình có khỏe không? Anh ta đã lập gia đình rồi nhỉ? Lê Trực kể vắn tắt câu chuyện. Nghe xong, Sáu Đê ngồi thừ một lúc lâu: - Hai Bình là người đàn ông tốt. Lẽ ra chúng tôi đã cùng sống vui vẻ dưới một mái nhà. Qua cũng không ngờ chứng bệnh mất trí nhớ của cậu ấy đến giờ vẫn chưa khỏi. Lê Trực nói: - Nguyên nhân nào đã khiến Hai Bình tìm đến bác? Phải chăng trước đó giữa hai người đã có mối ràng buộc nào đó? Sáu Đê lắc đầu, nói: - Chẳng có sự ràng buộc nào cả. Tôi là người đã đưa Hai Bình đến bệnh viện tỉnh. Và sau khi xuất viện anh ta tìm đến tôi trước là để cám ơn, sau là để hỏi một số việc liên quan đến bản thân anh ta. Tiếc rằng, tôi không thể giúp gì được anh ta cả. Lê Trực nói: - Bác đã cứu Hai Bình trong trường hợp nào? Sáu Đê, mắt mơ màng đắm chìm theo dòng hồi ức xa xăm: - Chuyện là như thế này...Một ngày cuối tháng tư năm 1975 đã xảy ra một trận đánh lớn giữa quân đội Sài Gòn và quân giải phóng. Trận đánh kéo dài suốt đêm đến tận mười giờ sáng hôm sau. Lính tráng hai bên chết nhiều vô kể. Sau khi im tiếng súng, qua tìm thấy Hai Bình nằm bất động bên cạnh lô cốt khắp người máu me bê bết. Sau khi biết chắc chắn Hai Bình còn sống qua vội đưa anh ta đến bệnh viện. Hai Bình bị thương ở vùng đầu rất nặng. Lê Trực ngạc nhiên, nói: - Nhưng bác phải biết Hai Bình là người thuộc bên nào chứ? Quân phục trên người, vũ khí Hai Bình đang sử dụng sẽ nói lên tất cả. Sáu Đê lắc đầu, nói: - Hai Bình chỉ mặc trên người mỗi chiếc quần cộc. Qua không hiểu tại sao như vậy. Còn vũ khí, qua không nhìn thấy, có lẽ, bộ đội đã lấy đi rồi. Im lặng một lúc Sáu Đê nói: - Trong thời gian Hai Bình nằm viện qua có đến thăm vài lần. Do không biết tên của bệnh nhân nên các nhân viên y tế gọi Hai Bình là bệnh nhân giường số 2. Bệnh nhân giường số 2 vào tiêm thuốc. Bệnh nhân giường số 2 đi làm xét nghiệm. Bệnh nhân giường số 2…Mỗi lần nghe mọi người gọi Hai Bình bằng cái tên kỳ lạ đó qua không nhịn được cười. * Thượng tá Trần Đàm, trưởng phòng cảnh sát hình sự tỉnh hướng cái nhìn về phía Lê Trực: - Việc điều tra về sự mất tích của Nguyễn Văn Bình đã có kết quả gì chưa? Lê Trực lắc đầu, nói: - Vẫn chưa có kết quả gì, thủ trưởng ạ. Nguyễn Văn Bình không phải là tên thật của anh ta. Trần Đàm thốt lên ngạc nhiên: - Không phải tên của anh ta vậy là tên của ai? Tôi không hiểu gì cả. Lê Trực nói: - Tên Nguyễn Văn Bình, mọi người thường gọi là Hai Bình là do mọi người đặt cho để tiện xưng hô. Còn tên thật của Hai Bình không ai biết. Hai Bình bị thương ở vùng đầu vào những ngày cuối cùng của chiến tranh. Vết thương này đã khiến Hai Bình hoàn toàn mất trí nhớ. - Thì ra là như vậy. Và đồng chí chưa xác minh được nhân thân của Hai Bình à? - Chưa, thủ trưởng ạ - Lê Trực nói:- Nhân thân của Hai Bình hiện thời vẫn còn là một ẩn số. Điều này chỉ có thể được giải đáp sau khi ta tìm được Hai Bình mà thôi. - Hai Bình hoàn toàn mất trí nhớ thì làm sao có thể biết mình là ai? Lê Trực nói: - Sau khi xâu chuỗi các sự kiện ta đã có kết luận: Hai Bình đã hồi phục trí nhớ sau chấn thương do Tư Tăng dùng gậy vụt vào đầu. Tôi đã gặp bác sỹ chuyên khoa để tham khảo vấn đề này. - Bác sỹ nói như thế nào? - Bác sỹ kết luận ; rất có thể một chấn động ở vùng đầu đã đánh thức ý thức từ lâu đã ngủ quên. Hai Bình đã nhớ lại tất cả. - Vậy tại sao Hai Bình bỗng nhiên bị mất tích. Phải chăng anh ta đã về với gia đình của mình? Lê Trực nói: - Tôi cũng đã nghĩ đến điều đó. Tuy nhiên, những chứng cứ thu thập được lại phản bác lại suy luận này. Tạm thời chúng ta chỉ có thể kết luận, Hai Bình đã mất tích không rõ nguyên nhân. Trần Đàm suy nghĩ một lúc rôi quyết định: - Trước mắt ta tạm thời khép lại hồ sơ vụ mất tích bí ẩn của Nguyễn Văn Bình. Chúng ta còn nhiều việc phải làm. Vừa xảy ra một vụ thanh toán đẫm máu tại khách sạn Hoàng Hôn, đồng chí khẩn trương đến đó nhé. - Rõ!

Các chương khác:

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/75074


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận