Yêu Người Ở Bên Ta Chương 23


Chương 23
Luôn luôn lịch sự sẽ làm phương hại đến sự thật.

Vài ngày sau, lúc Oprah đang dẫn chương trình trên ti vi thì tôi đang tuyệt vọng chống chọi lại chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế và dán những miếng nhãn trắng trơn tru lên các ngăn kéo tủ bếp. Khi đang làm chiếc nhãn có chữ dao phết, tôi nghe tiếng gõ cửa bên và nhìn lên thấy Margot đang đứng phía bên kia khung kính.

Trước khi tôi kịp vẫy tay chào cô, Margot mở cửa ra và nói, “Chào bạn yêu. Tớ đây mà!”

Khi tôi tắt tiếng ti vi và ngước mắt lên khỏi mấy chiếc nhãn mới làm, hai phần trong tôi thấy cảm ơn người bạn, và một phần thấy phiền toái vì kiểu đi vào quá tự phụ của cô. Và có thể cả một chút ngại ngùng vì mình đã trở nên say sưa xem ti vi suốt cả ngày - điều mà tôi chưa bao giờ làm ở New York.

“Này,” cô nói, trao cho tôi một nụ cười mệt mỏi. Mặc một chiếc áo hai dây ôm sát, quần bó màu đen, đi tông, lần đầu tiên cô trông đúng là một bà bầu ì ạch, gần như là kềnh càng - ít nhất là so với Margot của ngày thường. Thậm chí chân và mắt cá của cô đã bắt đầu phù lên. “Tối nay vẫn ăn bên nhà tớ đấy chứ?”

“Chắc rồi. Tớ vừa định gọi cho cậu để xác nhận lại... Cậu ở đâu vậy?” tôi nói, nhận ra thật bất thường biết bao khi tôi không biết chính xác Margot đang ở chỗ nào.

“Phòng tập yoga cho bà bầu,” cô nói, ném người xuống trường kỷ kèm theo một tiếng rên rỉ. “Thế cậu đã làm gì?”

Tôi làm một chiếc nhãn thìa có rãnh và cầm nó lên. “Sắp xếp mọi thứ thôi,” tôi nói.

Cô gật đầu hăng hái và rồi nói, “Thế Josephine thì sao nhỉ?”

Tôi nhìn cô dò hỏi cho tới khi nhận ra rằng cô đang nói về những cái tên định đặt cho em bé. Lại nữa rồi. Gần đây, dường như đó là tất cả những gì chúng tôi bàn tới. Về cơ bản, tôi thích tìm tên đặt cho con trẻ, và đương nhiên hiểu được tầm quan trọng của việc đặt tên cho chúng - đôi khi có vẻ như một cái tên sẽ định hình một con người - nhưng tôi đã dần thấy có chút chán chường với chủ đề này. Nếu Margot ít ra đã biết giới tính của đứa trẻ thì sẽ giảm được nửa phần công việc cho nhiệm vụ này của chúng tôi.

“Josephine,” tôi nói to. “Tớ thích nó đấy... Nó hấp dẫn... khác thường... rất dễ thương.”

 “Còn Hazel?” cô hỏi.

“Hừm,” tôi nói. “Hơi màu mè. Hơn nữa... Đó chẳng phải là tên của con gái Julia Roberts à? Cậu không muốn bị nghĩ là bắt chước ngôi sao, phải thế chứ?”

“Chắc là không,” cô nói. “Thế còn Tiffany?”

Tôi không thích cái tên đó lắm, và nó có vẻ hơi nằm ngoài danh sách cổ điển của Margot, nhưng tôi vẫn suy nghĩ cẩn thận. Nói rằng mình không thích cái tên định đặt cho con của bạn là một tuyên bố hết sức nguy hiểm (cũng giống như nói rằng mình không thích người bạn trai mà họ đảm bảo chắc chắn sẽ lấy làm chồng vậy).

“Tớ không chắc lắm,” tôi nói. “Tên cũng đẹp đấy nhưng dường như hơi kiểu cách... Tớ nghĩ cậu phải thích những cái tên truyền thống mà gia đình hay dùng hơn chứ?”

“Tớ thích vậy đấy chứ. Tiffany là tên một người em họ của Webb - cô ấy chết vì bệnh ung thư vú... Nhưng mẹ cho rằng đó là cái tên từ thập niên tám mươi, cũ rồi... đặc biệt là bây giờ khi nó đã trở nên phổ biến...”

“Ồ, tớ có biết một số Tiffany ở Pittsburgh,” tôi nói trúng trọng tâm. “Cũng có thể mẹ nói đúng khi cho rằng cái tên này hơi thông dụng quá...”

Margot bỏ qua lời phản đối tế nhị của tôi và vui vẻ tiếp tục. “Nó làm tớ nghĩ đến bộ phim Breakfast at Tiffany’s, Audrey Hepburn... Này! Tên Audrey thì thế nào nhỉ?”

“Tớ thích tên Audrey hơn Tiffany đấy... mặc dù âm điệu của nó nghe có vẻ phô trương,” tôi nói.

Margot bật cười - cô là một người hâm mộ nhiệt tình đối với trò giễu nhại mà tôi dành cho những cái tên không thông dụng. “Sao mà một đứa trẻ sơ sinh có thể biết cái tên đó nghe phô trương được chứ?”

“Cậu không biết đấy thôi,” tôi nói. “Và nếu cậu dính thêm cái tên đệm là Sims, tên viết tắt sẽ là ABS - cơ bụng... và rồi con gái cậu tốt nhất là nên có cái bụng phẳng lỳ. Nếu không cậu sẽ khiến con gái cậu suốt đời bị chứng khiếp sợ ăn uống...”

Margot lại cười lớn, lắc đầu. “Cậu đúng là kỳ khôi.”

“Sẽ thế nào nếu đặt là Louisa?” tôi hỏi.

Trong nhiều tuần, Louisa - một cái tên truyền thống khác - đã được xem xét nhiều nhất trong việc đặt tên cho bé gái. Margot thậm chí còn mua quần áo bơi tại hội chợ quần áo trẻ em và chọn chiếc có chữ viết tắt L - phòng trường hợp cô sinh con gái. Điều đó thể hiện một cách quá rõ ràng mong muốn của Margot đến nỗi tôi bắt đầu lo đến khả năng cô ấy sẽ sinh con trai. Ngay đêm trước, tôi nói với Andy rằng Margot rồi sẽ giống một ngôi sao được đề cử giải Oscar đang ngồi chờ nghe công bố kết quả. Tình trạng chờ đợi đó sẽ dẫn đến niềm vui sướng hân hoan nếu cô thắng giải - và phải giả vờ cảm động không kém nếu cô không thắng.

Margot nói, “Tớ yêu Louisa. Tớ chỉ là chưa hoàn toàn duyệt cái tên đó thôi.”

“Ồ, cậu tốt hơn là nên nhanh nhanh duyệt một cái tên nào đó,” tôi nói. “Cậu chỉ còn bốn tuần nữa thôi.”

“Tớ biết,” cô nói. “Cậu làm tớ nhớ ra - chúng ta cần phải chụp ảnh lưu niệm lúc mang bầu... Tớ sẽ nhuộm tóc vào thứ Hai, và Webb bảo rằng tuần sau tối nào anh ấy cũng có thể về sớm. Vậy bất kể lúc nào cậu rảnh...”

“Phải rồi,” tôi nói, nhớ lại lần chúng tôi nói chuyện nhiều tháng trước đây khi đó cô ấy đề nghị - và tôi đã đồng ý - rằng tôi sẽ chụp, theo cách gọi của cô ấy, “những bức ảnh đen trắng đậm tính nghệ thuật với bụng bầu”. Nó có vẻ là một ý tưởng hay vào lúc ấy, nhưng trong trạng thái tâm lý của mình lúc này, tôi chỉ có cảm giác bị ép buộc nếu phải chụp ảnh, đặc biệt là giờ đây khi tôi biết rằng Webb cũng sẽ tham gia chụp cùng. Tôi hình dung ra cảnh anh ta đang nhìn Margot đắm đuối, vuốt ve cái bụng trần của cô, và thậm chí có thể còn hôn lên rốn cô nữa. Ôi trời. Tôi đã xuống cấp đến thế nào rồi đây. Nếu không cẩn thận, tôi sẽ rơi từ việc chụp hình cho tạp chí Platform sang việc lau dãi cho nhóc sơ sinh hay gõ trống om sòm chiều lòng một đứa bé cáu kỉnh.

Vậy nên, với tất cả những suy nghĩ này, tôi nói, “Cậu có nghĩ rằng như vậy hơi... Tớ không biết nữa... phô mai không?”

Không hiểu sao gọi cô là phô mai bằng tiếng Pháp có vẻ như làm giảm sự nhỏ mọn của câu hỏi đó.

Trong một khoảnh khắc Margot có vẻ bị tổn thương, nhưng cô nhanh chóng bình tĩnh lại và nói với giọng hơi xúc động, “Không. Tớ thích chúng mà... Ý tớ là, không phải để trưng bày trong đại sảnh - mà để trong phòng ngủ và cho vào album... Ginnny và Craig cũng có ảnh như vậy, chúng thật sự tuyệt vời.”

Tôi kiềm chế để không nói với cô rằng tôi không hề mong muốn được giống như Ginny hay Craig, những người đứng đầu trong danh sách những thứ khó ưa ở Atlanta của tôi.

Ginny là người bạn xa xưa nhất, và trước khi tôi choán chỗ thì cô cũng là bạn thân nhất của Margot. Tôi đã nghe chuyện hai người gặp nhau như thế nào ít nhất phải một tá lần, thường thường là do chính Ginny kể. Ngắn gọn thế này, mẹ họ tham dự một nhóm mẫu giáo trong khu phố thời các cô con gái của hai bà còn bé bỏng, nhưng rồi ra khỏi nhóm hai tuần sau đó vì cho rằng không có bà mẹ nào khác chia sẻ được cảm giác của họ. (Cụ thể là, có một bà mẹ trong nhóm làm quà sáng với món bột Cheerios chiên, sự việc đã có thể được lờ đi nếu không có chuyện bà ấy cũng mang luôn món đó ra mời các bà bạn cùng hội. Trong một chiếc bát nhựa, ngạc nhiên thế chứ. Kể đến đây, Ginny luôn chêm vào câu nói khó chịu và kém chân tình quen thuộc của người miền Nam, “Chúa phù hộ cô ta.” Đồng nghĩa: “Kẻ thô lỗ thảm thương.”

 Thế rồi chuyện đương nhiên, hai bà mẹ rút khỏi nhóm đó để lập hội riêng, và phần còn lại thì như ta đã biết. Qua những bức ảnh trong các cuốn album của Margot, có thể thấy hai người dính nhau như sam suốt thời thiếu nữ, dù là khi lãnh đạo đội cổ động viên (cũng nói thêm, Ginny luôn theo sát phía sau bên trái Margot trong một đội hình hình kim tự tháp, tôi xem đó là biểu tượng tình bạn của họ), hay khi nằm thư giãn ở một câu lạc bộ tư trong cặp bikini màu vàng đồng loại, hay khi thưởng trà và nhảy điệu Cotillion và tham dự dạ vũ đầu đời. Luôn tươi cười rạng rỡ, luôn có làn da rám nắng, luôn nổi bật hẳn lên giữa những cô gái xinh đẹp đang ngưỡng mộ họ. Một sự khác biệt xa so với mấy bức ảnh tôi chụp với Kimmy - bạn thân nhất của tôi ở quê - tại sân trượt pa tanh Ches-A-Rena, trưng ra kiểu tóc rẽ ngôi thập niên 1970, áo ba lỗ sáng màu và hàng đống chỉ đeo tay lóng lánh, lộn xộn.

Dù sao đi nữa, cũng như Kimmy và tôi đã đi hai con đường khác nhau sau khi tốt nghiệp (cô theo học ngành thẩm mỹ và giờ vẫn đang say sưa với công việc làm đẹp ở salon của cô ở Pittsburgh), Ginny và Margot cũng vậy. Cứ cho là những trải nghiệm của họ có phần tương đồng hơn của tôi và Kimmy đi, vì Ginny vào Đại học Georgia và cũng tham gia hội nữ sinh, nhưng họ vẫn có nhiều trải nghiệm khác nhau với nhiều người khác nhau trong suốt một quãng đời sôi nổi - điều đó hầu như sẽ luôn lấy đi chữ Nhất trong Bạn Thân Nhất Suốt Đời. Nói về điều này, Ginny vẫn say sưa với đám bạn ở Atlanta (ít nhất một nửa trong số họ vào học trường Đại học Geogria), còn Margot thì rẽ nhánh, tạo dựng cuộc sống riêng ở Wake Forest. Và một phần trong cuộc sống riêng ấy chính là kết bạn với tôi, một cô gái Yankee không phù hợp (nếu không muốn nói là hoàn toàn coi thường) trật tự xã hội của Atlanta. Trên thực tế, khi nhìn lại, đôi khi tôi nghĩ rằng làm bạn với tôi là một cách để Margot xác định lại bản thân, kiểu như thích thú nhập vào một nhóm người mới mẻ, khác lạ. Không phải là tôi lập dị hay gì cả, nhưng một cô gái da sẫm màu, mắt nâu, nói giọng địa phương Pittsburgh, theo đạo Thiên Chúa rõ ràng là một sự khác biệt so với hệ thống giáo dục xã hội miền Nam của Margot. Thẳng thắn mà nói, tôi còn nghĩ Margot thích một điều rằng tôi rất thông minh, nếu không muốn nói là thông minh hơn cô, đối lập hoàn toàn với Ginny, một người cũng khá sáng ý nhưng không ham tìm tòi hiểu biết bất cứ điều gì. Thực sự thì, qua vài điều tình cờ nghe được trong những lần trò chuyện điện thoại thời đại học của họ, tôi thấy rằng dường như Ginny chẳng hứng thú với bất kể thứ gì ngoài tiệc tùng, quần áo và các cậu trai, và mặc dù Margot chia sẻ những đam mê đó nhưng ẩn dưới bề nổi ấy con người cô phong phú hơn nhiều.

Thế nên dễ dàng đoán trước được rằng Ginny trở nên ghen tị và ganh đua với tôi, nhất là trong suốt mấy năm đầu của bước chuyển quyền lực dần dần đó. Tuyệt nhiên không có bất cứ chuyện gì hai năm rõ mười, chỉ là thái độ lạnh lùng đi kèm với cái lối cay nghiệt toàn kể lại những chuyện riêng và vui đùa cá nhân khi có mặt tôi. Có thể là tôi hoang tưởng, nhưng cô ta dường như quá đáng đến độ chỉ thảo luận những thứ mà tôi chẳng tài nào hiểu nổi - kiểu như mẫu hoa văn bạc của từng người (bà của cả hai người chọn hoa văn cho họ tại tiệm bạc Beverly Bremer trên đường Buckhead, dựa theo ngày sinh) hay cuộc trò chuyện gần đây nhất ở câu lạc bộ Piedmont Driving, hay mức cara lý tưởng của viên kim cương đính bông tai (hình như bất kể viên nào dưới một cara đều quá ư “tuổi mười sáu ngọt ngào” và bất kể viên nào trên hai cara rưỡi đều “tiền siêu mới”).

Thời gian trôi qua, khi tình bạn của họ càng lúc càng lùi dần về quá khứ còn tình bạn của tôi và Margot trở thành tất cả những gì hiện hữu, trước là trong trường đại học và sau đó là New York, Ginny biết điều gì phải tới. Thế rồi, lúc tôi và Andy chính thức yêu nhau, và cô ta nhận ra rằng mặc cho cô ta và Margot đã quen biết nhau bao lâu, tôi sẽ là người một nhà, chuyện trở nên hiển nhiên rằng tôi sẽ chiếm mất vị trí của cô ta để thành phù dâu cho Margot - một điều chắc chắn, rõ ràng tương đương với việc được đeo chiếc dây chuyền của người bạn thân nhất. Và mặc dù Ginny luôn tỏ ra lịch thiệp chấp nhận vị trí thứ hai trong tất cả các bữa tiệc đính ước và tiệc trưa cho phù dâu, tôi có cảm giác rõ rành rành rằng cô ta nghĩ Margot, và thậm chí Andy, lẽ ra có thể lựa chọn tốt hơn thế.

Tuy vậy, tất cả những xung đột ngầm mang tính đàn bà này chẳng làm tôi suy nghĩ bao nhiêu cho tới khi Margot trở lại Atlanta. Ban đầu, cô dường như còn miễn cưỡng khi bám vào những mối quan hệ cũ. Cô vẫn luôn chung thủy đủ đầy với Ginny - một trong những tính cách tốt đẹp nhất của Margot - nhưng cũng thỉnh thoảng đưa ra bình luận tùy tiện về đầu óc nhỏ nhen của Ginny, tại sao cô ta lại không có mơ ước đi tới một nơi nào khác ngoài Sea Island, hay tại sao cô ta chưa bao giờ đọc một tờ báo, hay thật “nực cười” khi cả đời Ginny chưa bao giờ có một công việc độc lập. (Và khi tôi nói chưa bao giờ thì có nghĩa là chưa bao giờ. Không có một công việc đảm bảo cuộc sống thời trung học mà cũng chẳng có một công việc văn phòng ngắn ngủi trước khi cô ta kết hôn và ngay lập tức có - gì khác được chứ? - một cậu con trai, và sau đó, hai năm tiếp là một cô con gái. Cô ta chẳng bao giờ thanh toán một tờ hóa đơn. Và nhân tiện cũng nói, với tôi, người đã làm việc liên tục từ khi mới mười lăm tuổi, sự thật đó còn hơn cả là nực cười. Nó giống như cảm giác quen biết cặp song sinh dính nhau hay một kẻ nhào lộn trên không thì đúng hơn. Quá chừng quái dị, và cả một chút đáng buồn nữa.)

Nhưng kể từ khi chúng tôi chuyển đến Atlanta, Margot dường như chẳng còn để ý tới những thứ đó ở Ginny nữa mà thay vào đấy đưa cô ta từ một người bạn nối khố đáng tin cậy trở lại thành người bạn thân nhất. Và mặc dù những người thật sự trưởng thành (như tôi muốn xem mình là như vậy) không còn chơi trò phân hạng bạn thân nhất, tôi vẫn không thể không cảm thấy bị kích động bởi kẻ địch thủ cũ tóc vàng khi mà tôi giờ đây đã gia nhập vào cùng cái thế giới Buckhead của cô ta.

Vậy nên, khi Margot nói những lời tiếp theo, “Ồ, tiện thể, tối nay tớ cũng mời cả Ginny và Craig. Hy vọng là thế cũng được đấy chứ?” tôi nở một nụ cười rạng rỡ giả tạo, “Nghe ngon đó.”

Một tính từ mới học được rất hợp với cuộc sống mới ở Georgia của tôi.

Tối hôm đó, tôi cố tình đi muộn để đến khi tới thì bữa ăn đã sẵn sàng, một chuyện tương đối lạ lùng khi mà suốt cả ngày tôi chẳng có việc gì làm. Lúc hong khô mái tóc còn ướt và bôi kem lên má, tôi nghe tiếng Andy chạy lên bậc thang và gọi tên tôi bằng giọng tất-cả-mọi-thứ-trên-thế-gian-đều-tuyệt và nói thêm, “Em yêu! Anh về rồi!”

Tôi nghĩ tới đoạn trích từ cuốn sách kinh tế học gia đình thập niên 1950, thường xuyên được bàn luận trên Internet, viết về những điều khiến phụ nữ không là một người vợ tốt và đặc biệt là cách chúng ta nên đón chào chồng sau một ngày anh ta làm việc mệt nhọc ở nhiệm sở. Làm cho buổi tối là của người chồng... Cài ruy băng lên mái tóc và giữ dáng vẻ thật tươi mát... Đề nghị được cởi giày cho chồng... Nói bằng giọng dịu dàng.

Tôi hôn lên môi Andy và nói vẻ giễu cợt, châm chọc, “Tin vui đây, anh yêu. Ginny và Craig sẽ dùng bữa tối với chúng ta hôm nay.”

“Ồ, vậy hả,” anh nói, mỉm cười. “Cứ lịch sự. Họ cũng đâu đến nỗi tệ.”

“Quá ấy chứ,” tôi nói.

“Cứ lịch sự,” anh nhắc lại, khi tôi cố gắng nghĩ xem đó có phải là một câu nói đúng lúc hay không. Luôn luôn lịch sự sẽ làm phương hại đến sự thật.

“Okay,” tôi nói. “Em sẽ lịch sự cho đến lần thứ năm cô ấy gọi cái gì đó là ‘cực kỳ dễ thương’. Sau đấy thì em sẽ lại là em. Vậy được chứ?”

Andy bật cười khi tôi tiếp tục, bắt chước Ginny, “Chiếc váy này thật là cực kỳ dễ thương. Cái cũi kia thật là cực kỳ dễ thương. Jessica Simpson và Nick Lachey đã từng cực kỳ dễ thương bên nhau. Tớ biết chuyện rối loạn ở Trung Đông và khắp nơi tệ hại thật, nhưng cuộc chia tay của hai người họ vẫn thực sự là điều đáng buồn nhất trần đời.”

Andy lại cười khi tôi quay lại với tủ đựng quần áo khổng lồ, chỉ mới treo hết khoảng một phần ba của mình và chọn một chiếc quần jean, đôi dép xỏ ngón bằng da và một chiếc áo phông Orange Crush màu nho.

“Anh có nghĩ thế này hợp với bữa tối không?” tôi hỏi, tuột chiếc áo qua đầu và hầu như hy vọng Andy sẽ phản đối sự lựa chọn của tôi.

Thay vì đó, anh lại hôn lên mũi tôi và nói, “Chắc rồi. Em trông cực kỳ dễ thương.”

Đúng như mọi lần, Ginny ăn mặc rất điệu đà với váy liền, xăng đan da và vòng ngọc trai, còn Margot mặc váy trùm bầu màu xanh nhạt, cũng đi kèm vòng ngọc trai. (Phải thừa nhận là vòng của Margot gồm những hạt ngọc to bự lạ mắt được buộc lại phía sau bằng một chiếc ruy băng sọc trắng chứ không phải sợi dây đẹp đẽ do bà để lại, nhưng dù sao thì chúng vẫn là ngọc trai.)

Tôi ném ánh nhìn về phía Andy nhưng anh không nhận ra vì còn đang mải cúi xuống vỗ vỗ con cún không lông giống Trung Quốc tên là Delores của Ginny, con vật mà không có nó thì cô ta nhất định không rời khỏi nhà (và, thậm chí tệ hơn, còn là con vật được cô ta thường xuyên bôi kem chống nắng cho). Tôi thề là cô ta thích Delores hơn cả mấy đứa con - hoặc ít nhất là đứa con trai bị chứng Mất khả năng tập trung nghiêm trọng mà Ginny luôn gào la về chuyện phải thường xuyên mang theo thuốc Benadryl cho nó mỗi lúc đi xe đường dài hay khi dùng bữa tối ở ngoài.

“Tớ thấy mình ăn mặc thật tuềnh toàng,” tôi nói, đưa cho Margot một chai rượu mà tôi vớ từ tủ rượu trên đường rời khỏi nhà. Tôi nhét tay vào túi chéo của quần và nói thêm, “Tớ tưởng cậu bảo là thông thường thôi mà?”

Ginny trông có vẻ vui sướng, ơ hờ trước thực tế là tôi đã thầm tưởng rằng thật thích hợp, thậm chí diện bộ, trong quần jean và áo phông - và rằng tôi nghĩ cô ta là người ăn mặc quá đỏm. Nhoài người ôm tôi bằng cái ôm xương-đòn-chạm-vào-xương-đòn khẽ khàng, Margot cảm ơn vì chai rượu và nói, “Tớ nói thế mà. Cậu trông rất tuyệt.” Rồi, khi rót rượu margaritas vào những chiếc cốc thủy tinh thổi tay ngoại cỡ, cô nói thêm, “Chúa ơi, ước gì tớ có chiều cao của cậu... Đặc biệt là thời gian này. Ginny, cậu có kết cặp chân như vậy không chứ?”

Ginny, kẻ chẳng bao giờ lấy lại được dáng sau khi sinh mặc dù có một huấn luyện viên thể dục riêng và từng phẫu thuật vùng bụng bị sổ - một việc mà cô ta không nghĩ là tôi biết cô ta đã làm, liếc nhìn đôi chân của tôi đầy thèm khát rồi lẩm bẩm mấy câu vô cảm. Rõ ràng cô ta muốn lời khen dành cho tôi chỉ là lời cợt giả châm biếm - giống như những lời ngọc ngà vừa nãy cô ta phát ra trong khi chúng tôi đang chọn thiệp mời ở Paces Papers cho lễ chào đón em bé của Margot (một sự kiện mà thật xấu hổ là tôi khiếp sợ). Sau khi rề rà quyết định từ ngữ và lựa chọn giấy chưa xén mép màu hồng nhạt, mực than, cùng hình ảnh xe cũi theo mô típ cổ điển, tôi nghĩ rằng công việc của chúng tôi đã xong. Tôi đã cầm ví lên chuẩn bị rời khỏi đó thì Ginny chạm vào cổ tay tôi, mỉm cười vẻ kẻ cả và nói, “Phông chữ nữa, cưng ạ. Mình còn phải chọn phông chữ nữa.”

“Ờ, phải rồi,” tôi nói, nhớ đến phòng làm việc của mình ở New York và biết bao nhiêu kiểu chữ mà tôi đã học được từ Oscar. Kiểu chữ khác với những kiểu mà Ginny có thể đã chọn cho thiệp cưới, mấy lần sinh con và những bữa tiệc từ thiện. Nhưng tôi vẫn mua vui cho mình mà buông lời, “Ờ, tớ đoán là phông Times New Roman không hợp với lần này hả?”

Đến đó thì Ginny đã cố gắng hết sức để truyền tải sự kinh hoàng cho cô gái tóc đỏ dễ thương giúp chúng tôi làm thiệp và rồi tuyên bố, “Ôi, Ellen. Tớ vô cùng ngưỡng mộ đấy, những chi tiết cậu lựa chọn mới bình dị làm sao... Tớ cố gắng lắm để theo được lối đó, nhưng mà thật sự chẳng được.”

Chúa phù hộ cho tôi.

Dù sao đi nữa, lúc này tôi đang ngồi đây giữa phòng khách của Margot trong chiếc áo phông Orange Crush, sắc màu giản đơn duy nhất trong một biển những bộ sưu tập thời trang sang trọng mùa hè. Và cũng là người duy nhất đã chẳng hề theo dõi những tin tức nóng hổi - ví như Cass Phillips phát hiện ra chồng mình, Morley, tậu một chiếc đàn hạc ba-ngàn-đô-la cho cô bồ hai-mươi-mốt-tuổi vốn là con đỡ đầu của người bạn thân nhất của cô ta. Điều này, như ta có thể hình dung, đã tạo ra cơn chấn động ở Cherokee, một câu lạc bộ tư chỉ chứa chấp những thành viên thích hợp.

“Một chiếc đàn hạc?” tôi nói. “Bất kể là người ta mặc quần áo xoàng xĩnh sao?”

Ginny ném cho tôi một cái nhìn cứ như thể tôi vừa hoàn toàn để lỡ mất trọng tâm câu chuyện và nói, “Ôi, Ellen. Cô ta là một nghệ sĩ đàn hạc.”

“Rồi,” tôi nói, lầm bầm rằng tôi rất hiểu vấn đề, nhưng dù sao, có kẻ quỷ tha ma bắt nào lại quyết định nhận quà là một chiếc đàn hạc chứ?

Andy nháy mắt với tôi và nói, “Elizabeth Smart_(1).”

Tôi nhớ lại tấm hình “mất tích” chụp Elizabeth đang chơi đàn hạc, mỉm cười với khả năng tìm ra những ví dụ thích đáng cho mọi chuyện của chồng mình, trong lúc đó Ginny phớt lờ những trao đổi của chúng tôi và cho tôi biết rằng cô ta và Craig đã mời một nghệ sĩ đàn hạc biểu diễn trong tiệc đêm trước đám cưới của họ, cùng với cả một dàn tứ tấu đàn dây nữa.

“Elizabeth là ai?” Craig hỏi, quay lại phía Andy, như thể đang cố gắng tìm kiếm cái tên đó trong môi trường Buckhead chật hẹp của anh ta vậy.

“Anh biết đấy,” tôi nói. “Một cô gái theo đạo Mormon, người đã bị bắt cóc và được tìm thấy một năm sau đó lúc đang dạo chơi quanh thành phố Salt Lake trong chiếc áo ngủ cùng tên râu ria đã bắt cóc cô.”

“Ồ phải rồi. Cô ta hả,” Craig trả lời lơ đãng. Khi nhìn anh ta xắn một miếng bơ Brie to và kẹp nó vào giữa hai lát bánh, tôi đột nhiên nghĩ rằng dù anh ta giống Webb ở một vài điểm nào đó - cả hai đều là những anh chàng thể thao khỏe mạnh, ưa nói đùa - nhưng anh ta chẳng có một chút nào sự nhã nhặn và khả năng tạo sự thoải mái cho người khác như Webb. Ngẫm cho kỹ, anh ta chưa bao giờ thật sự biết rõ về tôi hay thậm chí là để ý đến cuộc sống của tôi. Anh ta phủi vài mẩu vụn trên chiếc quần sọc rồi nói, “Tôi nghe nói nghệ sĩ đàn hạc là những cô nàng hot nhất...”

“Craig!” Ginny gào tên chồng và trông có vẻ thất kinh, như thể cô vừa bắt gặp anh ta đang thủ dâm khi xem tạp chí khiêu dâm Penthouse vậy.

“Xin lỗi, em yêu,” Craig nói, hôn cô ta theo một cách sẽ khiến người khác tưởng rằng họ chỉ mới bắt đầu hò hẹn, trong khi sự thực thì họ đã cặp bồ từ những ngày đầu tiên vào đại học.

Webb trông có vẻ thích thú khi hỏi tại sao Morley lại bị vỡ chuyện.

Ginny giải thích rằng Cass phát hiện ra khoản chi trên thẻ tín dụng Amex của Morley, “Cô ta nghĩ có gì đó ám muội và gọi đến cửa hàng... Rồi cô ta xem xét chuyện này cùng với sở thích âm nhạc đột ngột của anh ta,” cô nói, đôi mắt sáng lên trước những chi tiết đậm màu sắc scandal.

“Anh ta không nghĩ rằng khi có những tin đồn về chuyện đàn bà, cô ta sẽ kiểm tra thẻ tín dụng Amex của mình hay sao?” Margot hỏi.

Craig nháy mắt nói, “Thông thường thì n 19d5 là một nơi che giấu an toàn.”

Ginny lại gào tên chồng lần nữa, rồi xô đùa anh ta một cái. “Em phải bỏ anh ngay thôi,” cô nói.

Phải, tôi nghĩ. Cô ta chính xác là kiểu phụ nữ khéo giữ chuyện, có thể chịu đựng được vô khối chuyện xấu xa. Làm bất cứ điều gì để giữ cho hình ảnh của họ luôn hoàn hảo.

Khi mọi người tiếp tục bàn luận về vụ đàn hạc xấu xa đó thì ý nghĩ của tôi trôi về Leo, tôi băn khoăn ít nhất là lần thứ một trăm, theo cái cung cách như trong trò hỏi-một-trăm-người-trên-Quảng-trường-Thời-đại, rằng tôi có lừa dối Andy về buổi đêm hôm đó trên chuyến bay hay không. Mọi lần trước đây, tôi mong muốn rằng câu trả lời sẽ là không - vì lợi ích của cả Andy và tôi. Nhưng trong đêm nay, tôi nhận ra rằng một phần nhỏ trong tôi gần như mong câu trả lời sẽ rơi vào bên đen tối. Muốn có một bí mật tách biệt tôi khỏi Ginny và toàn bộ thế giới những bà nội trợ hết thuốc chữa mà tôi thấy mình đã gia nhập vào này. Tôi có thể nghe thấy câu chuyện ngồi lê đôi mách của cô ta với nhóm bạn Buckhead - “Tôi không biết Margot nhìn thấy trong một cô nàng Yankee chọn-phông-chữ-đơn-giản, mặc áo phông, không nhuộm tóc màu.”

Phần còn lại của buổi tối trôi qua bình thường - đám đàn ông thì sôi nổi bàn về golf và kinh doanh, còn cánh phụ nữ thì say sưa trò chuyện về em bé - cho tới khoảng giữa bữa tối thì Ginny nhấp một ngụm rượu, nhăn mặt nói, “Margot, này cưng. Chúng ta đang uống cái gì đây vậy?”

“Đó là một loại rượu nho,” Margot nói nhanh, một điều gì đó trong giọng nói của cô khiến tôi cảm thấy có vấn đề. Tôi nhìn sang chai rượu và nhận ra đó là chai tôi mang đến tối nay - và khi tôi nghĩ kỹ hơn thì đó chính xác là chai mà bố tôi và Sharon đã cho Andy và tôi khi chúng tôi dọn đến căn hộ ở New York.

“Ôi, nó có mùi như mông đít ấy,” Ginny nói, như thể cô ta là một cô nàng người Anh ưa chọc ngoáy tôi vậy. (Vừa mới đầu bữa tối hôm nay, cô ta nói rằng cô ta và Craig sẽ làm một chuyến du lịch tới Mexico).

Margot liếc Ginny bằng một ánh nhìn nhắc nhở đầy ngụ ý - một cái nhìn có thể khiến người ta nghĩ tới việc họ đã tuyệt đối thân thiết lúc còn học phổ thông - nhưng Ginny vừa vô tình để nhỡ vừa chủ ý phớt lờ ánh mắt đó, tiếp tục lời giễu cợt của cô ta. “Cậu kiếm ra nó ở đâu vậy? Siêu thị Wal-Mart à?”

Trước khi Margot kịp đưa lời chặn trước, Craig đã chộp lấy chai rượu trên bàn, liếc qua cái nhãn và mỉa mai, “Pennsylvania. Nó từ Pennsylvania đấy. Phải rồi. Mọi người đều biết những vườn nho ở Philadelphia vang danh thế giới tới cỡ nào mà.” Anh ta cười to, tự hào về câu đùa của mình, tự hào về màn phô diễn sự tinh tế và khả năng đánh giá của anh ta đối với tất cả những điều đẹp đẽ trong cuộc sống. “Mọi người chẳng nên biết làm gì,” anh ta nói thêm, trông chờ tất cả chúng tôi sẽ phá lên cười.

Andy gửi cho tôi một ánh nhìn ngụ ý, Hãy mặc kệ họ. Cũng như em gái và mẹ của mình, anh là người luôn tránh mọi loại va chạm, và trong thâm tâm, tôi biết đó chính xác là điều tôi nên làm lúc này. Tôi cũng công bằng mà nghĩ rằng không ai có ý định xúc phạm tôi cả - rằng Craig và Ginny có lẽ cũng không hùa nhau để biết là tôi đã mang chai rượu tới - và rằng đó chỉ là một chuyện vui đùa rất tự nhiên giữa những người bạn thân. Một kiểu vô-tình-làm-bối-rối người khác mà bất kỳ ai cũng có thể mắc phải.

Nhưng bởi vì chuyện đó bắt nguồn từ Craig và Ginny, và bởi vì tôi không thích Craig và Ginny cũng như họ không thích tôi, và bởi vì ngay tại thời điểm này tôi muốn được ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này ngoại trừ ngồi bên một cái bàn trong thành phố Atlanta mới mẻ của tôi để dùng bữa tối với Craig và Ginny, tôi nói to lên, “Pittsburgh, chính xác là như vậy.”

Craig nhìn tôi, băn khoăn. “Pittsburgh?” anh ta hỏi.

“Phải đấy. Pittsburgh... không phải Philadelphia,” tôi nói, gương mặt cháy lên nỗi căm phẫn. “Đó là loại rượu nho ngon nhất ở Pittsburgh.”

Craig, người chẳng biết tí gì về nguồn gốc của tôi và dĩ nhiên chẳng bao giờ phải phiền tâm để hỏi tới, tiếp tục nhìn đầy dò hỏi trong khi tôi bắt gặp Webb và Margot trao nhau một ánh mắt khó chịu.

Tôi đến từ Pittsburgh,” tôi nói vẻ hài hước, biện hộ. “Tôi mang chai rượu đó tới hôm nay đấy.” Tôi chuyển ánh nhìn sang Ginny và xoáy tít cốc rượu. “Xin lỗi vì nó không có mùi vị thơm tho gì.”

Rồi, khi Craig trông có vẻ ngượng ngùng và Ginny lắp bắp những lời kỳ cục trong họng và Margot cười mệt mỏi và Webb chuyển sang chủ đề khác và Andy hoàn toàn chẳng làm một cái gì, tôi lặng lẽ nâng cốc lên uống một ngụm lớn rượu nho đỏ rẻ tiền.

Hết chương 23. Chương tiếp theo sẽ được cập nhật trong thời gian nhanh nhất.

Nguồn: truyen8.mobi/wDetail/control/chapter_id/27511


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận