Tháng 11, nắng vẫn hanh hao vàng ruộm trên khắp các khu vườn rộng lớn nơi cù lao Mây như bất kì một ngày nào khác của năm. Những vườn trái cây ở đây, cũng như bao khu vườn khác trên khắp miền Tây, không mùa nào vắng mùi hương của trái chín. Những cơn mưa chợt đến rồi chợt tạnh làm cho không khí ở đây dịu dàng và đằm thắm đến kì lạ, khác xa hẳn với cái nắng ồn ào nơi thành thị.
Một buổi sáng, người dân ấp An Hòa xôn xao vì có tin sắp có một công ty xuất nhập khẩu trái cây được xây dựng ngay nơi này. Trước nay, người dân trồng và bán trái cây cho các công ty hay các nhà buôn lớn trên thành phố với giá thấp hơn rất nhiều so với giá ngoài thị trường. Trái cây đến kì không thu hoạch cũng sẽ hỏng, mà thu hoạch rồi không bán ngay cũng không được nên nhiều khi bị ép giá, các chủ vườn vẫn phải cắn răng bán rẻ cho nhà buôn. Nay tự nhiên có một công ty đến xây dựng và thu mua ngay tại đây, niêm yết giá mua khá cao nên ai cũng phấn khởi mừng thầm. Từ nay có lẽ họ sẽ không cần phải chạy đôn chạy đáo tìm một nhà thu mua có uy tín cho mình nữa.
Công ty Xuất nhập khẩu Thiên Thanh nằm tọa lạc ngay trên một khu đất mua lại của một chủ vườn, người vốn đã bỏ cù lao này ra thành phố sinh sống nhiều năm. Khu đất nằm ngay ven sông, đối diện chính là chùa Pháp Thiên- ngôi chùa nhỏ vốn chỉ có người đến thắp hương vào những ngày rằm, mùng một.
Trước ngày làm lễ động thổ, người đại diện của công ty có đến chùa Pháp Thiên thắp hương, xin phép được xây dựng công ty ở vùng đất bên kia sông. Đến ngày làm lễ động thổ xây dựng, giám đốc của công ty mới xuất hiện.
Mấy cô gái của vùng miệt vườn đỏ mặt đùn đẩy nhau khi được cử lên tặng hoa cho người giám đốc trẻ đẹp ấy. Gương mặt anh luôn phảng phất một nét u buồn không thể nói thành lời. Và anh có vẻ lơ đãng trong suốt lễ động thổ, trước ánh mắt và những lời tán tụng của người dân nơi đây, chốc chốc anh lại đưa mắt sang bên kia sông, nơi vẫn văng vẳng đến tiếng gõ mõ đều đều nhưng có thể làm tâm hồn của anh rối bời.
Người hãnh diện nhất là Hai Triều khi ông thông báo rằng người giám đốc này đã xin ở nhờ nhà ông cho đến khi công ty được khánh thành. Người ta còn kháo nhau rằng chẳng mấy chốc mà vị giám đốc trẻ tuổi ấy sẽ bị nét đẹp của cô con gái lớn của Hai Triều đánh gục. Hai Liên vốn là cô gái đẹp và ngoan nổi tiếng của cù lao này. Chỉ từ khi có một cô gái đến chùa Pháp Thiên và được gọi bằng cái tên Diệu Hư, người ta mới thôi không ca ngợi Hai Liên nhiều như trước.
Với người dân ở đây, Diệu Hư giống như một người đến từ một thế giới cổ tích nào đó. Không phải đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cô gái ấy có những nét dung dị và hài hòa trên gương mặt trắng hồng, đôi mắt to đầy bi ai. Hơn nữa cô là một người thông tuệ và nói chuyện khá cuốn hút. Có không ít anh chàng trong vùng ngày nào cũng đưa trái cây đến chùa hay đến đây giúp sư cô thu hoạch trái cây, cốt để được nhìn và nói chuyện với Diệu Hư.
Như cháu của Hai Triều là một ví dụ điển hình. Hầu như ngày nào người dân quanh đây cũng thấy anh ta lặn lội đến đây để gặp Diệu Hư. Họ có vẻ thân nhau lắm, vì ít khi họ thấy Diệu Hư cười với ai, nhưng cô lại cười với Năm Sơn- tên người cháu của Hai Triều, ở trên tận Tây Nguyên về đây chơi. Mãi đến ngày mà Năm Sơn trở lại, tay trong tay với một cô gái xinh xắn khác, họ mới biết rằng thì ra anh ta chỉ là bạn của Diệu Hư mà thôi.
Một tuần sau khi bị bỏ lại giữa đám cưới dở dang, Khánh Nam nhận được một bức thư từ châu Phi của Sang. Cô gửi cho anh đơn ly dị đã có sẵn chữ kí của mình, kèm theo một bức thư thật dài với những lời chúc phúc chân thành và nồng nhiệt nhất.
Không phải là Khánh Nam không nhẹ người hơn sau sự ra đi ấy, nhưng anh luôn có cảm giác hối lỗi rằng chính anh đã gây ra cho Sang biết bao đau khổ và nỗi đau. Chính sự ra đi của cô cũng làm anh cảm thấy một phần hẫng hụt. Anh đã yêu Sang sao? Anh đã bị cảm động bởi sự quan tâm và tình yêu đầy nhiệt tình của cô sao?
Thế nên hơn ba tháng sau sự ra đi đột ngột ấy, anh mới đủ dũng cảm để bước tiếp, tiến về phía người con gái mà anh đã yêu và nguyện gắn bó suốt đời. Xây dựng công ty Thiên Thanh là ý của anh, để anh có cơ hội vừa được ở gần Vũ, cũng là tạo nên một bước đà để sau này Việt và Vân tiếp quản thay anh sẽ dễ hơn. Cánh tay của Lotus sẽ vươn ra hết miền Tây trù phú này. Xuất nhập khẩu hoa quả là một ngành có lẽ phải dựa vào may rủi nhiều hơn, và phải là người luôn trong tâm thế chấp nhận rủi ro mới dám làm.
Gần đây cũng có nhiều chuyện xảy ra nên anh cảm thấy uể oải hết cả người. Bà nội anh càng ngày càng yếu đi sau đám cưới không thành của anh, và gần đây nhất chính là việc Mai Anh- bà chị họ của anh tự vẫn không thành vì nghe tin bố mình, người bác của anh có vợ lẽ và có một cậu con riêng. Với gia đình anh, đó là một tin shock, nhưng riêng với bản thân Khánh Nam, anh cảm thấy nhẹ nhàng hẳn vì từ nay anh không còn lo việc một mình anh phải chịu trách nhiệm với cả gia tộc họ Vũ và cả tập đoàn Lotus nữa.
- Giám đốc Nam…- Hai Liên bước khấp khểnh trên những mô đất nham nhở vì đào xới.- Ba tôi mời anh về ăn tối.
- Tôi đã dặn cả nhà không phải đợi cơm tôi mà.- Anh quay lại nhìn cô gái.
- Ba bảo tôi đến đón anh về.
Mùi nhang từ bên kia bờ sông thoảng sang làm Khánh Nam cồn cào cả người. Một ngày rồi nhưng anh vẫn không đủ dũng cảm để bước sang bên kia để gặp Vũ. Anh sẽ đối mặt với cô thế nào, khi mà giờ đây cô không còn là cô của ngày xưa nữa?
- Chùa Pháp Thiên ở bên đó. Cả sư cô và chị Diệu Hư ở bên đó tôi đều quen cả. Anh có muốn qua đó dạo chơi không?
- Ừm… thôi để khi khác tôi qua.- Khánh Nam lắc đầu.- Ta về thôi.
Anh dợm bước về phía xuồng mà không nhìn sang bên kia sông thêm một lần nào nữa.
Rồi cũng đến ngày Khánh Nam quyết tâm sang bên kia sông để gặp Phượng Vũ, bây giờ đã mang một cái tên đầy tu hành- Diệu Hư. Đó là một buổi sáng, khi công việc ở công trường đã đi vào ổn định và anh chẳng còn việc gì khác để làm. Anh lấy xuồng và tự sang sông một mình. Sống ở đây ít lâu nên anh cũng đã thành thạo đôi chút việc chèo xuồng rồi.
Tiếng gõ mõ đều đều vang lên khiến anh hơi chùn bước khi đặt chân lên con đường dẫn vào chùa. Tâm của Vũ có lẽ đã tịnh, liệu rằng sự xuất hiện của anh có làm cô thấy xao động hay không?
Một cái dáng cao cao quen thuộc đứng quay lưng về phía anh, cây chổi trên tay cô đung đưa nhè nhẹ quét những chiếc lá rơi trên sân. Những hành động đó của cô nhịp nhàng, chậm rãi và thanh thoát. Dường như không phải cô đang quét lá, mà quét những buồn lo ra khỏi cuộc sống của mình. Cô mặc bộ quần áo vải màu nâu dành cho những người tu hành, nhưng điều khiến anh ngạc nhiên nhất là mái tóc của cô vẫn dài, thẳng và mượt. Một chiếc kẹp được thắt ngang dưới tóc làm nó gọn gàng hơn.
Vì một lý do gì đó mà đến giờ cô vẫn còn chưa xuống tóc?
Phượng Vũ dừng lại vì hình như cô nghe thấy tiếng kêu sửng sốt của anh. Cô quay người lại, anh chẳng còn đủ thời gian để núp vào một đâu đó nữa.
Hai ánh mắt giao nhau.Một bối rối và đau đớn. Một u buồn nhưng bình thản. Bình thản đến dửng dưng. Khánh Nam muốn khụy xuống trước ánh mắt xa lạ đó. Đó không phải Phượng Vũ của anh. Cô ấy chỉ là Diệu Hư- thực mà không thực.
- A di đà Phật…- Phượng Vũ khẽ cúi đầu hành lễ với anh như một người đi tu thực thụ.
- Chào em.- Khánh Nam nghe thấy giọng mình nhẹ bẫng và có chút mênh mang.
- Thí chủ ghé thăm chùa ắt có việc gì? Sư cô ở trong kia, mời thí chủ bước vào.
- Anh đến để gặp em mà.
Rồi anh bước nhanh đến, chộp lấy tay cô, anh giật mình, tay cô ướt đầm mồ hôi. Thế mà còn cố tỏ ra lạnh lùng xa lạ với anh.
Khánh Nam gạt cây chổi đi, kéo cô về phía vườn cây rộng lớn của chùa.Đến dưới một gốc cây chôm chôm lớn, anh dừng lại. Phượng Vũ giật tay ra khỏi tay anh, luống cuống:
- Xin thí chủ tự trọng. Tôi là người của chùa này rồi… Nếu không có việc gì thì thí chủ xin về cho.
- Buông tay em ra ư?- Khánh Nam lại chộp lấy tay cô- Anh đã nắm được lại rồi thì sẽ không buông ra đâu.
- Thí chủ xin về cho.- Phượng Vũ nghiêm nghị nhắc.
- Nếu đồng ý gọi anh như ngày trước thì anh sẽ buông tay ra, em chọn đi. Em quá hiểu anh để biết rằng anh không khi nào nói đùa mà.
Phượng Vũ im lặng. Tay cô vẫn run lên trong bàn tay anh. Khánh Nam thấy cô như vậy, không đành lòng bèn buông tay cô ra.
- Em tuyệt tình vậy sao?
- Dĩ vãng đã xưa lắm rồi. Mọi ân oán tình thù, hỉ nộ ái ố đều sẽ trở thành hư không khi đứng trước mặt đức Phật. Nếu như thí chủ tin vào kiếp luân hồi, thì xin hẹn được đáp lại mối ân tình này vào kiếp sau.
- Kiếp sau?- Khánh Nam cười đau khổ- Em đi tu chỉ để nói với anh một câu đó thôi sao?
Phượng Vũ quay lưng lại phía anh, có lẽ cô cũng đang bối rối lắm.
- Bây giờ em đã là người của cửa Phật… Anh có nói gì cũng vô ích thôi. Anh về đi, đừng chạy theo những điều hư ảo nữa.
- Nhưng em đâu phải là hư ảo. Em đang đứng trước mặt anh, thật như chưa bao giờ thật hơn. Em biết anh muốn làm gì lúc này không?- Khánh Nam xoay người cô lại, đối diện với mình.
- Đây là nơi thanh tịnh…- Phượng Vũ gạt tay anh ra nghiêm nghị.
Khánh Nam chưa kịp làm gì thì có tiếng gọi ở phía sau:
- Anh Nam…
Cả hai quay lại và nhận ra Hai Liên. Đôi mắt anh lập tức sầm lại đầy khó chịu.
- Anh về ăn cơm… Các công nhân đang đợi anh…
- Được rồi. Tôi về liền.
- Chị Diệu Hư…- Hai Liên chào Vũ bằng một nụ cười thật tươi.
Diệu Hư khẽ cúi đầu chào lại cô gái ngoan này rồi nói tiếp:
- Cám ơn thí chủ đã ghé thăm chùa.
Khánh Nam mím môi tức giận và bước qua cô, không nói thêm một câu nào nữa. Anh khoát tay nói với Hai Liên:
- Về thôi. Tôi đói rồi.
Hai Liên lật đật chạy theo anh. Còn lại mình Diệu Hư đứng dưới gốc cây chôm chôm. Cô run rẩy ngồi phịch xuống gốc cây, tựa lưng vào đó và ngước mắt nhìn lên. Bầu trời qua vòm lá một màu trong vắt. Nhưng sao lòng cô lại như đầy giông tố. Tại sao cô lại cứ bị mất tự chủ như thế khi đứng trước mặt người đàn ông đó. Chẳng lẽ sư cô nói đúng, cô chưa thể hóa duyên vì nợ hồng trần chưa dứt thật hay sao?
Chốn này với cô những tháng ngày qua giống như một nơi bình yên khiến tâm hồn cô thanh thản nhất. Cô nghe kinh sư cô tụng hàng ngày, ăn cơm chay, đọc sách, dường như bụi trần không bén nổi đến vạt áo mình. Nhưng anh vừa xuất hiện mà tâm trí cô đã bị hoảng loạn. Ánh mắt da diết của anh làm cô thấy yêu và nhớ anh da diết. Mọi cảm xúc như trực trào ra nếu như không phải Hai Liên xuất hiện lúc đó.
- Em ngủ đấy ư, Diệu Hư?
Diệu Hư giật mình thức giấc bởi giọng nói nhẹ nhàng của sư cô Diệu Thanh.
- Sư cô?
- Em đã gặp người đàn ông đó phải không?
- Sao sư cô biết?- Diệu Hư thốt lên ngạc nhiên.
- Ta đã nghe Năm Sơn nói về chuyện của em rồi.
- Sao anh ấy biết?- Cô càng kinh ngạc hơn- Lần đến mới đây anh ấy có nói gì với em đâu.
- Mọi chuyện đều là một chữ duyên. Duyên chưa dứt thì có muốn gỡ ra cũng không được. Duyên của em với người đàn ông đó vẫn còn, nên ta không thể để em vào cửa Phật được. Chúng ta không có quyền lừa dối chính bản thân mình, càng không thể lừa dối Đức Phật.
- Nhưng em thực tâm muốn tu hành…
- Nếu có tâm thì tu ở đâu cũng có thể thành chính quả. Cái gốc của Đức Phật chính là hành thiện tích đức. Chùa không thể là nơi để em giấu mình hay trốn tránh được…
- Nhưng sư cô cũng giống em. Sư cô vào đây cũng chẳng phải vì một chữ tình hay sao?
- A di đà phật. Đời là bể khổ. Ta không muốn nhìn thấy em năm mười năm sau vẫn không dứt khỏi mối dây tình oan nghiệt mà em đã giăng ra khắp trái tim em.
- Sư cô vẫn không quên chuyện cũ đúng không?
- Ta đã lừa dối Đức Thánh Ca Mâu Ni, ta luôn luôn đóng cửa sám hối nhưng tội nghiệt của ta chẳng bao giờ hết được, vốn dĩ vì tâm ta không sạch. Ta không muốn em bước lên sai lầm của ta.
- Thầy cho rằng em nên quay lại với anh ấy sao?
- Tình là dây oan. Không không sắc sắc, sắc sắc không không…- Sư cô Diệu Thanh đáp lại và cầm tràng hạt, quay trở bước về phía chùa.
Nhìn theo bóng sư cô, Vũ khẽ thở dài. Thì ra, bao năm qua, sư cô cũng chưa bao giờ dứt được cái tình của mình. Câu chuyện của sư cô giống như một tiểu thuyết tình yêu không có hậu, nó đã khiến sư cô chôn vùi cả tuổi thanh xuân nơi cửa Phật, chỉ để quên đi một người đàn ông.
Câu chuyện ấy cứ ám ảnh tâm trí Vũ, khiến cô phải suy nghĩ nhiều điều về những người đàn bà, tưởng như tầm thường nhưng lại vô cùng đáng trọng.
Sư cô Diệu Thanh quê gốc ở Tây Ninh, tên thật là Miền, một cô gái lớn lên ở vùng quê nghèo, vô cùng chất phác, lương thiện. 18 tuổi, cô lên Sài Gòn tìm việc như bao cô gái quê khác, với mong muốn có một cuộc sống tốt hơn. Cô gặp và yêu một người đàn ông tại công ty nơi cô đang làm công nhân. Cô không ngờ rằng người đàn ông giản dị đó lại là con trai của ông chủ mình. Đó là một mối tình ngang trái, hai người gặp phải vô vàn ngăn trở từ phía gia đình người yêu cô. Họ không chấp nhận một cô con dâu ít học, lại không môn đăng hộ đối, không tiền bạc, họ cho rằng cô đã dùng sắc đẹp trời cho để rù quyến con trai họ.
Miền khi đó phải chống trả lại vô vàn những phản đối của gia đình người yêu. Họ đuổi việc, làm mọi cách không cho cô có cơ hội tìm được việc khác ở thành phố, buộc cô phải trở lại miền quê nghèo của mình. Không thể chống lại được thế lực to lớn ấy, trong khi người yêu cô cũng bị gia đình bắt ra nước ngoài học tập, Miền bỏ về Trà Vinh làm công nhân hái trái cây thuê.
Một thời gian sau, không hiểu vì sao người yêu cô tìm được cô và hai người bàn nhau trốn đi nơi khác làm ăn. Họ chấp nhận sống nghèo khó một chút, bắt đầu với hai bàn tay trắng, miễn là được ở bên nhau. Hai người đưa nhau về Đồng Tháp, với chút vốn nho nhỏ tích cóp được, họ mua được một ngôi nhà, cả hai mở cửa hàng ăn. Miền nấu ăn rất ngon, nhất là các món thủy sản nên quán ăn của vợ chồng cô nhanh chóng có tiếng ở trong vùng.
Thời gian cứ êm đềm trôi qua, khi cả hai bắt đầu có một chút của ăn của để, họ bèn nghĩ đến chuyện sinh con. Nhưng trời vừa được cho họ như ý, họ chưa kịp hạnh phúc thì một vụ tai nạn đã cướp đi cả chồng và đứa con ba tháng trong bụng Miền. Cô chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần sau đó, mỗi lần đều nhờ hàng xóm phát hiện sớm và đưa đi cấp cứu kịp thời.
Trong lòng nguội lạnh, Miền bán hết cơ ngơi mà hai vợ chồng đã gây dựng được, cô về lại Trà Vinh, chấp nhận cuộc sống khổ cực trước đây. Cô không muốn hàng ngày sống một mình trong ngôi nhà đã từng là một mái ấm hạnh phúc, cô muốn đầy đọa bản thân mình để ép bản thân quên đi nỗi đau không nguôi đó. Duyên số đưa cô đến ngôi chùa này, khi đó cô mới 25 tuổi. Lúc đó ở chùa cũng chỉ có một vị sư bác. Sư bác đã cưu mang cô, cho phép cô nương náu tại chùa để hằng ngày tụng kinh niệm phật siêu độ cho chồng và con mình.
Thấm thoắt, sư cô Diệu Thanh ở tại chùa Pháp Thiên đã được hơn 10 năm. Giờ đây, sư cô lại như sư bác khi xưa, cưu mang một người phụ nữ muốn tìm quên hồng trần nơi cửa Phật. Nhưng sư cô nhận ra rằng, nữ đệ tử Diệu Hư của mình còn nhiều duyên phận với cuộc đời, không thể từ bỏ được. Sư cô cũng không muốn Diệu Hư 10 năm sau như mình, luôn tiếc nuối quá khứ. Sư cô Diệu Thanh đã hàng ngàn lần quỳ sám hối dưới tượng đức Phật nhưng cũng không gạt đi được những tạp niệm trong lòng.
Có lẽ, số phận đã an bài như thế, nên sư cô không muốn tiếp tục để Diệu Hư trốn chạy quá khứ bằng cách của mình khi xưa.