Thắng cảnh di tích chùa núi Tà Cú nằm ở vị trí đầu mối các tuyến đường giao thông: Từ thành phố Hồ Chí Minh ra hoặc từ Vũng Tàu đi qua suối nước nóng Bình Châu, Dinh Thầy Thím, Mũi Điện Khe Gà … rất thuận lợi cho lộ trình hành hương và những lữ hành sinh thái.Từ thành phố Hồ Chí Minh dọc theo quốc lộ 1A vượt một đoạn đường khoảng 170km và dừng ở cây số 28 tính từ Phan Thiết vào có con đường rẽ về hướng biển chừng hơn 2 km là đến chân núi Tà Cú, một địa danh gắn liền với di tích lịch sử văn hóa Chùa Linh Sơn Trường Thọ mang đậm sắc cổ kính, nằm giữa khung cảnh rừng núi chập chùng lẫn khuất bóng mây. Du khách sẽ ngỡ ngàng khi đứng trước cảnh chùa cổ kính, tượng Phật trầm tư và dấu thiêng của Tổ sư từ buổi khai sơn cách đây trên 130 năm.
Đường lên chùa núi dài hơn 2500m, qua nhiều chặng dốc cao với nhiều địa danh rất ấn tượng. Chặng đầu có Đá Bàn Hạ rồi Đá Bàn Thượng và có người gọi là Đá Ông Địa, cạnh đó có dòng suối chảy róc rách len dưới chân tảng đá lớn thờ Thổ thần. Càng lên cao dốc càng gắt cũng là lúc gặp Dốc Bằng Lăng bởi quanh đây có nhiều Cây Bằng lăng, hoa nở tím ngắt một góc rừng, tiếp đến là Dốc Yên Ngựa với một khối đá lớn mặt phẳng như bộ phản nằm nghiêng bên khe suối có tên gọi là Giếng tiên gợi cho du khách hành hương hình dung được một bàn cờ của các vị tiên chưa tàn cuộc còn lưu dấu.
Quần thể Chùa Núi được hình thành dựa theo thế núi nên có Chùa Trên, chùa Dưới đều quay mặt về hướng đông nam. Với đặc trưng kiến trúc chùa theo phái Bắc Tông thường thấy dù qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được nét riêng cổ kính với mái cong lợp ngói, lưỡng long chầu nguyệt đã nhuốm dày bao lớp rêu phong tồn tại với thời gian. Các chú chuẩn đề ở vòng linh phù được chạm khắc trên vách đá sau chùa Tổ mới thấy phần nào dấu tích của phái mật tông, nói lên một thời các bậc cao tăng đại lão đã tu luyện phép thuật làm phương tiện tu chứng nhằm đạt hai chữ Chơn – Không.
Vị trí trung tâm chùa Linh Sơn Trường Thọ gồm chùa trên, Chùa Tổ. Chùa xây dựng từ khoảng năm 1870 – 1880 do sư tổ Hữu Đức và các chư hậu tổ tiếp tục trùng tu. Quy mô cấu trúc chùa Tổ có ba gian: Giữa là chánh điện thờ Phật, bên tả là nhà giám tự, bên hữu là nơi thờ tổ Hữu Đức. Có trên một trăm bậc đá tam cấp rêu phong ngược dốc từ cổng tam quan lên chùa Tổ làm nổi bật vị thế tôn nghiêm, mái chùa điểm xuyết lên bầu trời xanh lồng lộng, đặc trưng nghệ thuật kiến trúc Phật giáo mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn.Ở triền núi hướng đông của chùa Tổ là chùa Long Đoàn được sư Tâm Tố hiệu Viên Minh tạo dựng sau khi tổ Hữu Đức viên tịch. Lối kiến trúc pha với phong cách hiện đại những nóc chùa hình tháp, mái ngói âm dương được hài hòa thanh thoát. Ngôi chánh điện với những bức tường xây bằng đá chẻ trong rất bề thế giữa khu đất rộng có nhiều cây ăn trái lưu niên tạo nên một màu xanh sinh thái tự nhiên hài hòa với cảnh sắc núi rừng. Trong khuôn viên chùa có tháp mộ Tổ và các chư hậu Tổ. Chuyện kể rằng trước khi Tổ Hữu Đức sắp viên tịch có một đệ tử là sư cô Thái Thị Tràng nhờ chuyên tâm tu niệm, khắc kỹ tu thân đã tiên tri được nên chất củi thiêu mình thoát hóa trước Tổ. Lại có chuyện, sau khi Tổ viên tịch Bạch hổ lâu năm theo hầu cũng về phủ phục bên mộ Tổ buồn rầu chẳng hề ăn uống và mấy hôm sau chết bên tháp. Do vậy mà bên cạnh tháp có một nắm mộ Bạch hổ do nhà chùa mai táng.
Tổng thể di tích Linh Sơn Trường Thọ Tự không thể tách rời những kiến trúc tượng Phật, tháp mộ, miếu thờ, ao thất bảo được xây dựng sau này. Công trình mang tính đồ sộ và độc đáo nhất là pho tượng phật Thích Ca Mâu Ni nhập niết bàn dài 49m cao 11m với tư thế nằm nghiêng, lưng tựa vào vách núi, gối đầu lên tay. Khởi công xây dựng từ năm 1962 và gần 4 năm sau mới hoàn thành. Đến nay vẫn có những thắc mắc không hiểu sao lúc bấy giờ nơi thâm sơn cùng cốc, đường lên hiểm trở mà chỉ bằng sức lực con người lại có thể chuyển hàng ngàn tấn sắt, thép, xi măng làm nên kỳ công đó?
Phía chân tượng phật nằm, ven bãi đá ngổn ngang mọc đầy những cây thuốc ngũ gia bì, chuối đá … có một hang đá, cửa vào rất hẹp chỉ đủ một người. Lối vào trong có tảng đá bằng phẳng là nơi Tổ thiền tịch nay trở thành chỗ thờ, bước chân đầu tiên vào buổi khai sơn Tổ đã coi nơi này là “Như la f4f i tịch thất”. Vào sâu nữa bằng con đường đầy ngóc ngách, bóng tối âm u trong lòng đá như vô tận. Lối đi càng sâu càng thấy trút dần, gặp nhiều ngả, nhiều vực thăm thẳm và hơi lạnh từ đá xông lên. Người đi thám hiểm vào hang sâu thường thắp nhang cắm dọc lối đã qua để định hướng quay về. Tiếng nước chảy róc rách từ khe đá vang vọng chân ngôn huyền bí khó mà diễn đạt bằng ngôn ngữ thế gian. Có người kể, ngày xưa quăng vào hang một trái bưởi hoặc quả dừa nếu đánh dấu thì những ngày sau sẽ gặp trôi trên biển Khe Gà … Những chuyện mang vẻ kỳ bí và linh diệu về hang Tổ đến nay vẫn nằm trong tâm hưởng của người mộ đạo.