Chị sinh năm 1954 trong một gia đình có truyền thống lâu đời về ươm tơ dệt lụa ở một vùng quê nghèo xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây. Trưởng thành lên từ các công việc trồng dâu, chăm tằm cho đến ươm tơ, dệt lụa.
Đến Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Tây, không ai là không nhắc đến một cái tên Thuận. Cái tên của chị Phan Thị Thuận dường như là một sự gắn bó chặt chẽ với mảnh đất tằm tơ này. Có lẽ cũng từ cái tiếng, từ cái nghề và sự sáng tạo không mệt mỏi trong quá trình sản xuất và cải tiến kỹ thuật cũng như mẫu mã lụa truyền thống, chị Thuận đã được gần xa biết tiếng. Do đó, năm 2001 chị đã được tỉnh Vĩnh Phúc mời về để gây dựng phát triển dâu tằm tơ của tỉnh, tạo dựng công ăn việc làm cho hàng trăm người. Cho đến hôm nay, chị Phan Thị Thuận đã có được một cơ nghiệp đồ sộ hơn 3000m2 nhà xưởng với hơn 25 thợ chính lành nghề thuận việc và hàng chục máy dệt thủ công, bán công nghiệp.
Công Ty Phong Nam (nay là Công ty Dâu Tằm tơ Mỹ Đức) của chị hàng năm sản xuất ra hàng nghìn sản phẩm với các chủng loại khác nhau. Các sản phẩm chủ yếu nhất của chị là tơ tằm đặc chủng, các sản phẩm dệt lụa trơn, lụa thô, và đặc biệt là hàng thổ cẩm bằng tơ tằm. Đây là những mặt hàng hoàn toàn được làm theo lối thủ công truyền thống và kết hợp với một số kỹ thuật hiện đại, để tạo ra những sản phẩm đẹp có chất lượng cao.
Sản phẩm lụa thô, khăn thô
Đây là một trong những sáng tạo độc đáo nhất của chị trong suốt những năm lăn lộn cùng nghề làm và sản xuất tằm tơ. Nếu trước đây việc kéo kén lấy tơ chỉ được làm từ những con con kén nguyên, mới có thể cho ra được các chủng loại sợi tốt để dệt nên những tấm lụa trơn mượt và mịn. Còn những né kén vỏ hay các lõi ruột của tằm tơ thường được bỏ mà không thể dùng vào làm việc gì. Chị Thuận thấy đó là một một sự lãng phí lớn, nên cất công nghiên cứu để có thể tận dụng nguồn tơ tằm từ các phế liệu đó. Bởi theo chị, các con kén này tuy là phế, nhưng chất liệu tơ là hoàn toàn đẹp và bền không kém gì sản phẩm từ các con kén nguyên. Do đó, bằng việc “lấy công làm lãi” chị Thuận đã phát triển được ngành nghề mới trong việc sản xuất tơ tằm.
Vê và nối kén bằng tay là một phương thức tuy có mất nhiều công nhưng chị lại cho ra được những sản phẩm thô mang đầy chất cảm. Đây là một công việc khá tỷ mỹ và đòi hỏi người thợ phải có một trình độ tay nghề cao để có thể cho ra được những sợi tơ đều đặn và những gút nối đẹp.
Một người thợ giỏi, một ngày cũng chỉ có thể vê được một lạng sợi, đủ cho thấy đây là một công việc cần một sự kiên nhẫn cao. Sau đó những cuộn sợi thô này được mắc vào những khung cửi gỗ hoàn toàn truyền thống để có thể cho ra đời những chiếc khăn lụa óng ả mang đầy chất cảm. Tiếp đến là công đoạn nhuộm màu, một trong những công đoạn công phu tạo ra được những sản phẩm bền và đẹp. Ngoài việc sử dụng những chất liệu màu lấy từ thiên nhiên như truyền thống vẫn làm, chị còn kết hợp với các kỹ thuật hấp, tẩy, nhuộm hiện đại để tạo nên những sản phẩm có màu sắc đa dạng, mà vẫn giữ được cái vẻ óng ả đặc trưng của lụa. Công đoạn cuối cùng là tết tua, thì tuỳ theo từng chủng loại khăn mà tết để tạo cho chiếc khăn thêm phần duyên dáng
Sản phẩm khăn, lụa thổ cẩm
Đồng thời với việc sản xuất các mặt hàng thô, sản phẩm lụa thổ cẩm của công ty Phong Nam, cũng là một sản phẩm mang cá tính độc đáo. Cho dù lụa thổ cẩm xuất hiện khá nhiều trên thị trường tơ tằm, nhưng các sản phẩm vừa dệt kết hợp với thêu lại mang tính chất độc đáo khác biệt. Để dệt lên các sản phẩm có hoa văn dày và phức tạp là điều không hề đơn giản. Từ một cái máy dệt truyền thống, chị đã đã nghiên cứu cách thức để cải tiến sao cho các công đoạn dệt được nhanh và chính xác. Các máy thủ công bán công nghiệp được ra đời, với những bộ hoa văn mẫu định sẵn. Cho đến nay công ty của chị đã thiết lập được hàng trăm bộ hoa văn như vậy cho các máy dệt thủ công. Kết thúc công đoạn dệt, để điểm xuyết cho các sản phẩm khăn lụa thổ cẩm cao cấp, các mặt hàng này còn được đem đi thêu thêm màu theo dạng thổ cẩm. Chính sự cầu kỳ này đã tạo nên một nét riêng biệt cho các sản phẩm của công ty.
Sản phẩm thổ cẩm tơ tằm
Khác với sản phẩm lụa thổ cẩm, sản phẩm thổ cẩm bằng tơ tằm lại là một hướng đi mới của Công ty. Sản phẩm này là sự hợp tác chặt chẽ giữa công ty Phong Nam và nhóm sáng tác thiết kế mẫu hoa văn dân tộc của các hoạ sĩ Trường mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Các dạng hoa văn này lấy cảm hứng dựa trên các dạng hoa văn dân tộc ít người của Việt Nam để tạo ra những mẫu độc đáo mang phong cách hiện đại. Đây cũng là một hướng đi mới của công ty Phong Nam, trong việc sản xuất các sản phẩm mang tính mỹ thuật cao.
Sản phẩm của Công ty Phong Nam do chị Phan Thị Thuận làm giám đốc đã được không ít các khách hàng thế giới (như Đức, Bỉ, Australia) biết đến bởi chất lượng và mẫu chủng loại. Đặc biệt là các khách hàng của khối các nước Trung Đông như Ả Rập rất chuộng các mẫu mã này./.