Hỏi đáp: Đã chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng lại ký hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng cho người khác

Đã chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng lại ký hợp đồng đặt cọc để chuyển nhượng cho người khác

Câu hỏi

Anh X đứng tên chủ sở hữu hợp pháp đối với mảnh đất có diện tích 2500m2. Năm 2010, anh X chuyển nhượng khu đất này cho ông Y với số tiền là 3 tỉ đồng. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được hai bên kí kết và được cơ quan nhà nước chứng thực. Tuy nhiên trên thực tế ông Y mới chỉ giao cho anh X 1,5 tỉ và nói với anh X là mình chưa chắc chắn mua khu đất này. Vì vậy, anh X đã tìm đến anh C để thảo luận việc bán khu đất này. Hai bên đã kí giấy tờ đặt cọc, theo đó, anh C đã chuyển giao 200 triệu cho anh X. Tháng 01/2011, ông Y tìm đến anh X để bàn về việc tiếp tục thực hiện việc nhận chuyển nhượng khu đất này với điều kiện anh X phải làm xong thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì ông Y mới giao số tiền còn lại. Khi đến UBND làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ, anh X bị từ chối với lí do anh C đã đặt cọc tiền mua khu đất này. Ông Y phải làm gì để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
tran thao
Pháp luật

Trả lời

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa anh X và ông Y sau khi có chứng thực của cơ quan có thẩm quyền đã phát sinh quyền, nghĩa vụ của hai bên. Anh X có quyền nhận tiền chuyển nhượng và có nghĩa vụ bàn giao tài sản và giấy tờ chứng minh quyền tài sản. Ông Y có nghĩa vụ thanh toán tiền nhận chuyển nhượng và có quyền nhận tài sản, giấy tờ về tài sản. Cả hai bên cùng có nghĩa vụ tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật để đăng ký sang tên ông Y tại cơ quan có thẩm quyền. Quyền sử dụng đất được chuyển giao cho ông Y tại thời điểm đăng ký sang tên.

Trình tự, thủ tục đăng ký sang tên được quy định tại Luật Đất đai và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. Theo đó, các bên nộp một bộ hồ sơ (Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chứng thực, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tên anh X …) tại cơ quan có thẩm quyền đăng ký nhà đất. Cơ quan đăng ký nhà đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính; chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp hoặc thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp phải cấp mới giấy chứng nhận. Sau khi hai bên thực hiện xong nghĩa vụ tài chính thì cơ quan đăng ký nhà đất có trách nhiệm trao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Như trên đã nói, Hợp đồng chuyển nhượng giữa anh X và ông Y đã có chứng thực và đang có hiệu lực theo quy định của pháp luật nên hai bên hoàn toàn có quyền thực hiện các thủ tục như đã nêu để đăng ký sang tên ông Y. Sau khi đã thực hiện các thủ tục nêu trên thì anh X và ông Y có thể lấy được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên ông Y.

Riêng với việc anh X đã nhận đặt cọc của anh C và hứa chuyển nhượng quyền sử dụng đất (đã chuyển nhượng cho ông Y) là không đúng. Vì hợp đồng của ông Y vẫn còn hiệu lực và các bên đang trong giai đoạn thực hiện thủ tục đăng ký sang tên theo quy định nên anh X không được chuyển nhượng cho người khác (trừ khi anh X và ông Y hủy hợp đồng chuyển nhượng đã ký). Đây là vấn đề giữa anh X và anh C phải giải quyết. Quyền được đăng ký sang tên chủ sử dụng đất của ông Y không bị ảnh hưởng.

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 181/2004/NĐ-CP Về thi hành Luật Đất đai

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

CTV3
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=15695


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận