Hỏi đáp: Cấp sổ đỏ cho đất lấn chiếm

Cấp sổ đỏ cho đất lấn chiếm

Câu hỏi

Ông nội tôi có mảnh đất thuộc diện lấn chiếm. Thời điểm nộp phạt lấn chiếm là năm 1995. Năm 2005, cơ quan địa chính về đo đạc thì từ đó đến nay mảnh đất mang tên bố tôi trên bản đồ địa chính và bố tôi nộp thuế nhà đất từ đó đến nay. Xin hỏi bây giờ bố tôi muốn làm sổ đỏ có được không? Phải làm như thế nào?
Nguyễn Thị Cương
Pháp luật

Trả lời

Theo quy định chung của pháp luật đất đai, lấn chiếm đất đai là hành vi bị nghiêm cấm. Từ Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, đến nay là Luật Đất Đai năm 2003 đều có các điều khoản quy định về việc nghiêm cấm hành vi lấn chiếm đất đai.  Người có hành vi lấn, chiếm đất đai, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thông thường, các trường hợp đất đai lấn chiếm đều không thuộc diện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có thể bị Nhà nước thu hồi theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do chính sách quản lý, sử dụng đất đai ở mỗi thời kỳ là khác nhau nên trong một số trường hợp, Nhà nước có thể công nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp đất lấn chiếm. Cụ thể, sau khi Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực thi hành, để việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai không gặp trở ngại và đúng tinh thần của pháp luật, Tổng cục Địa chính có ra công văn số 1427/CV/ĐC ngày 13/10/1995 về việc hướng dẫn xử lý một số vấn đề về đất đai để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là công văn 1427). Đối với các trường hợp lấn chiếm đất đai, Mục IV- Công văn 1427 có hướng dẫn xử lý như sau:

“1- Không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất bị lấn chiếm trong những trường hợp sau đây:

a) Đất đã có quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

b) Đất có di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh.

c) Đất nằm trong hành lang bảo vệ đê điều, đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, công trình thủy lợi, thuỷ điện, đường dây cao thế, hạ thế, đường ống dẫn khí, dẫn dầu, các công trình an ninh, quốc phòng.

2- Đối với các trường hợp không thuộc quy định tại điểm 1 trên đây mà phù hợp với quy hoạch hiện nay thì người đang sử dụng đất được xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng phải nộp phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất đai, làm thủ tục hợp thức hoá, nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại thời điểm được hợp thức hoá, nộp lệ phí địa chính.

3- Trường hợp lấn chiếm đất hoang hoá để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản mà không thuộc đối tượng giao đất theo Nghị định 64/CP ngày 27-9-1993 và Nghị định số 2/CP ngày 15-1-1994 của Chính phủ thì được xem xét hợp thức hoá và phải nộp phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất đai, làm thủ tục hợp thức hoá, nộp lệ phí địa chính.

4- Mức diện tích, thời hạn sử dụng đất, tiền sử dụng đất phải nộp để được hợp thức hoá đối với đất bị lấn chiếm do cơ quan có thẩm quyền cho hợp thức hoá quyết định nhưng phải phù hợp với quy định của Luật đất đai và phù hợp với việc quản lý sử dụng đất ở từng địa phương.”

Có thể trường hợp đất lấn chiếm của gia đình anh chị đã thực hiện việc nộp phạt theo hướng dẫn trên của công văn 1427. Như vậy mảnh đất đó có thể được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc bố của anh chị đã có tên trên bản đồ địa chính và có nộp tiền sử dụng đất cho thấy Nhà nước đã ghi nhận quyền sử dụng đất của gia đình anh chị tại mảnh đất trên. Bố của anh chị có thể đến UBND quận, huyện, thị xã nơi có đất để thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất căn cứ theo khoản 6 điều 50 Luật Đất đai năm 2003: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ.” Bạn có thể tìm hiểu thêm tại Nghị định số 88/2009/NĐ-CP của Chính Phủ ban hành ngày 19/10/2009 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 88/2009/NĐ-CP Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

CTV1
02/11/2014

Các mục liên quan:

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=11007


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận