Chào bạn! Hiện tượng vặn mình lại nghe thấy âm thanh (rắc rắc, cậc cậc hay khục khục…) và sau đó bạn cảm thấy thoải mái, tình trạng này xuất hiện kể cả khi bạn không hành kinh. Hiện nay, để giải thích nguyên nhân của âm thanh này vẫn chưa rõ ràng, chưa có kết luận chính xác. Bình thường cột sống của chúng ta bao gồm các đốt sống liên kết với nhau qua hệ thống dây chằng, các mô nang liên kết và một lượng dịch khớp. Trong dịch khớp có chứa khí oxy, nitơ, carbonic và có vai trò như một chất bôi trơn. Khi bạn vặn mình, các mô liên kết bị tăng khối lượng làm giảm áp lực trong khớp, dịch khớp dần biến thành những bong bóng trong lỗ trống và khi tới áp lực thấp nhất các bong bóng này sẽ nổ và phát ra âm thanh như trên. Tuy có thoải mái sau khi vặn mình nhưng đó là một việc làm không có ích đâu bạn ạ. Khớp xương bao gồm 2 mặt khớp, được bao phủ bởi hệ thống dây chằng và gân, cơ giữ vững khớp và giúp khớp cử động được. Khi bị xoẳn, vặn các khớp co giãn đột ngột phát ra tiếng kêu (nếu lực tác động quá lớn vượt ngưỡng chịu đựng thì có thể gây giãn hoặc rách bao khớp, dây chằng). Mặt khác sự cọ sát đột ngột và tăng cao áp lực lên mặt khớp do việc xoắn, vặn nếu lâu ngày có thể làm cho mặt khớp dễ bị bào mòn và nguy cơ viêm mặt sụn khớp, thoái hóa mặt khớp. Mỗi lần xoắn vặn như vậy là một lần khớp bị vi chấn thương lên tế bào sụn và quá trình tích lũy nhiều vi chấn thương như vậy sẽ làm cho ổ khớp mất dần chất sụn và khi đó cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng sinh xương ở những chỗ sụn bị mất, từ đó mọc ra gai xương. Các gai xương này tấn công vào tổ chức mô quanh khớp gây sưng, đau… Vì vậy, bạn không nên vặn mình đến khi phát ra âm thanh cậc cậc mà chỉ cần cử động nhẹ khớp (đến góc độ tối đa của khớp mà vẫn chưa gây đau, chưa tạo ra tiếng kêu) là được. Động tác đơn giản này sẽ góp phần tăng lưu lượng máu đến các mô tạo sự dễ chịu mà tránh được vi chấn thương của khớp. Chúc bạn mạnh khỏe!