Hỏi đáp: Chủ hộ muốn tách hộ cho thành viên trong hộ nhưng người đó không đồng ý

Chủ hộ muốn tách hộ cho thành viên trong hộ nhưng người đó không đồng ý

Câu hỏi

Dì ruột tôi trước đây có nhập khẩu cho con chồng vào sổ hộ khẩu của mình (nói là chồng nhưng giữa 2 người không có đăng ký kết hôn, hiện chú ấy đã chết). Nay Dì tôi muốn tách khẩu của người đó. Vì người con chồng đó không muốn tách nên Dì tôi muốn mình tự đi tách khẩu. Xin hỏi người chủ hộ như Dì tôi có tự tách khẩu được không?  Xin chân thành cảm ơn!
Nguyễn Thị Lan
Pháp luật

Trả lời

Sổ hộ khẩu được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký thường trú và có giá trị xác định nơi thường trú của công dân (Điều 24 Luật Cư trú). Như vậy, khi người con chồng của dì bạn có tên trong sổ hộ khẩu của dì thì sẽ căn cứ vào đó để xác định nơi thường trú của người đó chính là địa chỉ nhà dì bạn.

Về nơi cư trú, nơi thường trú, nơi tạm trú thì Điều 12 Luật Cư trú quy định:

Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.

Theo quy định nêu trên thì khi người con chồng đăng ký thường trú tại nhà của dì bạn thì nghĩa là người đó phải thường xuyên sinh sống và sinh sống ổn định ở đó. Vì câu hỏi của bạn không nêu rõ hiện nay người đó đang ở đâu nên có hai khả năng như sau:

- Thứ nhất, người con chồng đang sinh sống ổn định tại nhà Dì bạn. Như vậy nơi thường trú của người đó đương nhiên phải ở nhà dì bạn. Nếu không muốn chung hộ khẩu với người đó thì Dì bạn có thể yêu cầu làm thủ tục tách hộ khẩu. Điều kiện và thủ tục tách khẩu được quy định tại Điều 27 Luật Cư trú:

Điều 27. Tách sổ hộ khẩu

1. Trường hợp có cùng một chỗ ở hợp pháp được tách sổ hộ khẩu bao gồm:

a) Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có nhu cầu tách sổ hộ khẩu;

b) Người đã nhập vào sổ hộ khẩu quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 2 Điều 26 của Luật này mà được chủ hộ đồng ý cho tách sổ hộ khẩu bằng văn bản.

2. Khi tách sổ hộ khẩu, người đến làm thủ tục phải xuất trình sổ hộ khẩu; phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; ý kiến đồng ý bằng văn bản của chủ hộ nếu thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền phải trả kết quả giải quyết việc tách sổ hộ khẩu; trường hợp không giải quyết việc tách sổ hộ khẩu thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do”.

- Thứ hai, người con chồng đó đã sinh sống lâu dài, ổn định ở nơi khác; hiện không còn bất kỳ liên quan gì đến nhà Dì bạn nữa.

Theo quy định tại Điều 23 Luật Cư trú thì: Người đã đăng ký thường trú mà thay đổi chỗ ở hợp pháp thì trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày chuyển đến chỗ ở hợp pháp mới có trách nhiệm làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú. Cơ quan có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện việc thay đổi nơi đăng ký thường trú.

Như vậy, khi đã chuyển chỗ ở hợp pháp thì người con chồng phải có trách nhiệm làm thủ tục chuyển khẩu từ nhà Dì bạn đến nơi đó. Theo quy định về trình tự, thủ tục tại Luật Cư trú và văn bản hướng dẫn thì việc chuyển khẩu, đăng ký hộ khẩu mới phải do chính người chuyển khẩu, người đăng ký hộ khẩu tiến hành (có thể là tự đi làm thủ tục hoặc ký vào các văn bản, giấy tờ liên quan và ủy quyền cho người khác đi làm thủ tục). Nếu người con chồng không tự mình tiến hành thủ tục chuyển khẩu, đăng ký nơi thường trú tại nơi người đó hiện đang sinh sống ổn định, lâu dài thì người đó đã vi phạm quy định tại Điều 23 Luật Cư trú (như nêu trên). Dì bạn có quyền khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm của người đó. Theo khoản 2 Điều 8 Nghị định số 107/2007/NĐ-CP ngày 25/6/2007 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Cư trú: Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về cư trú. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo. Khoản 1 Điều này cũng nêu rõ: Người nào vi phạm quy định của pháp Luật Cư trú thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

 

Các văn bản liên quan:

Nghị định 107/2007/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật cư trú

Luật 81/2006/QH11 Cư trú

CTV3
02/11/2014

Các mục liên quan:

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=21700


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận