Hỏi đáp: Chứng minh quyền thừa kế đất khi không có di chúc

Chứng minh quyền thừa kế đất khi không có di chúc

Câu hỏi

Ông bà nội tôi có ba người con, 2 trai và một gái. Cô tôi đã lấy chồng và định cư tại Hà Nội. Ông bà tôi mất không để lại di chúc gì. Mảnh đất ông bà tôi chia cho bố tôi và chú tôi, nhưng chỉ trồng cây dừa làm mốc và nhờ họ hàng làm chứng. Phần đất của chú tôi đã xây nhà và ở đến nay. Phần đất của bố tôi thì chỉ dựng một ngôi nhà cấp 4 để bàn thờ ông bà, còn không ai ở vì gia đình tôi sinh sống ở nơi khác, chỉ ngày lễ tết mới về thắp hương. năm 1992 bố tôi cũng mất. Bố tôi có 3 con là anh chị tôi và tôi, nhưng bố tôi cũng không có di chúc gì. Nay chú tôi muốn chiếm cả phần đất của bố tôi. Vậy xin hỏi :Theo luật thì mảnh đất của ông bà nội tôi được chia như thế nào trong trường hợp không có di chúc? Cần thủ tục gì để chứng minh quyền thừa kế phần đất của bố tôi cho anh tôi? Anh tôi có thể làm sổ đỏ đứng tên phần đất của bố tôi không?
nguyễn tuệ lâm
Bất động sản

Trả lời

Thứ nhất: Về yêu cầu tư vấn mảnh đất của ông bà để lại chia như thế nào:

Do ông bà của gia đình chết đã lâu và không để lại di chúc, về nguyên tắc khối tài sản là nhà đất do ông bà để lại được xác định là di sản thừa kế, chia cho các hàng thừa kế thứ nhất của ông bà theo quy định của pháp luật:

Điều 676. Người thừa kế theo pháp luật (Bộ luật dân sự)

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Căn cứ theo quy định trên thì những người con của ông bà (03 người) được hưởng phần di sản do ông bà chết để lại.

Thứ hai: Vấn đề đảm bảo quyền lợi liên quan đến khối tài sản nhà đất thừa kế trên cho anh chị em bạn.

Do từ khi ông bà mất đến nay có sự biến động về đất đai là rất lớn. Trên thực tế mảnh đất của ông bà chia ra làm 02 phần một phần là của người chú đã xây dựng nhà cửa, phần còn lại là của người bố xây dựng nhà cấp 04 và làm nơi thờ cúng ông bà. Việc xác định phân chia này là do hai người con trai của ông bà thực hiện, chỉ có họ hàng làm chứng không đảm bảo quy định của pháp luật. Theo quy định của pháp luật thì các hàng thừa kế của ông bà phải kê khai và lập biên bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có xác nhận chứng thực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và đăng ký biến động về quyền sử dụng đất.

Một vấn đề nữa, là người bố mất từ năm 1992 đến nay là trên 20 năm, thời hiệu khởi kiện phân chia di sản nhà đất do bố bạn để lại đã hết. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế: Tại điều 645 Bộ luật dân sự quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế...”. Như vậy nếu yêu cầu chia di sản thừa kế thì thời hiệu khởi kiện là 10 năm. Hết thời hạn này thì người được thừa kế không có quyền khởi kiện nữa. Ngoài ra gia đình bạn không trực tiếp(kể cả bố khi còn sống) quản lý và sử dụng đất vì ở nơi khác, hàng năm về thắp hương khói cho ông bà cũng là một điều bất lợi trong việc đảm bảo quyền lợi cho mình.

Tuy nhiên dựa vào quy định của pháp luật, bố bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bà có quyền được hưởng một phần khối di sản do ông bà để lại là một. Hai là trên thực tế đã xác nhận việc phân chia di sản thừa kế giữa người bố và người chú về nhà đất. Ba là phần đất phân chia được xác định rõ ràng có mốc giới, làm chứng của họ hàng, hàng xóm. Bốn là phần đất của bố bạn xây dựng nhà cấp 4, làm nơi thờ cúng của ông bà từ trước năm 1993 khi có luật đất đai mới năm 1993 ra đời. Là cơ sở, căn cứ chứng minh cho quyền thừa kế của ba anh chị em bạn.

Theo quy định tại điểm 2.4 điều 2 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì trường hợp hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế nêu trên nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết thì di sản đó sẽ trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế, cụ thể như sau: “Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết ...”.

Hiện tại tranh chấp đất đang sảy ra, người chú muốn chiếm đoạt toàn bộ phần đất do ông bà để lại. Chính vì vậy để đảm bảo quyền lợi cho mình ba anh em bạn tiến hành khởi kiện người chú ra Tòa án nhân dân để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Công ty Luật quốc tế Thăng Long
Luật sư Vũ Trường Giang
Mail:giangvt.09@gmail.com
ĐT: 0987 335 309

Luật sư Vũ Trường Giang
01/11/2012
Cả Nước

Nguồn: batdongsan.com.vn/hd-tranh-chap/chung-minh-quyen-thua-ke-dat-khi-khong-co-di-chuc-fq20009


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận