Hỏi đáp: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng văn bản không có công chứng, chứng thực từ năm 1990

Chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng văn bản không có công chứng, chứng thực từ năm 1990

Câu hỏi

Gia đình tôi nhận chuyển nhượng mảnh đất hơn 200m2 từ năm 1990 của gia đình ông N bà S, và chỉ làm giấy tờ mua bán tay với nhau. Sau khi hai bên ký mua bán có gửi một bản để báo cáo UBND xã. Năm 1994 khi gia đình tôi định xây nhà trên mảnh đất đó thì gia đình bên bán không cho làm và nói giấy tờ viết tay không có hiệu lực và trái pháp luật. Năm 2011 gia đình tôi đến xã xin xác nhận thì xã yêu cầu gia đình bên bán đến xác nhận đất không còn tranh chấp nhưng gia đình bên bán không muốn thương lượng giải quyết. Vậy tôi phải làm như thế nào cho hợp pháp?
Nguyễn Nam Hưng
Pháp luật

Trả lời

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật (Điều 689 Bộ luật Dân sự). Như vậy, hợp đồng của gia đình bạn đã sai quy định về hình thức hợp đồng vì được lập thành văn bản nhưng chưa có công chứng, chứng thực (việc gửi hợp đồng cho UBND xã để bảo cáo không phải là chứng thực).

Để đăng ký sang tên quyền sử dụng đất cho mình và thực hiện các quyền của chủ sử dụng đối với thửa đất đó thì bạn cần thương lượng với bên bán thực hiện lại thủ tục chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Các bên cần phải công chứng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hoặc chứng thực hợp đồng nếu trên địa bàn huyện nơi có đất chưa có tổ chức hành nghề công chứng).

Thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được tiến hành tại tổ chức công chứng trên địa bàn tỉnh/thành phố nơi có bất động sản. Hồ sơ yêu cầu công chứng: Giấy tờ tùy thân của các bên; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở;  Giấy tờ khác theo quy định. Các thủ tục về lập hợp đồng, ký công chứng được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng. Sau khi có Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất công chứng, bạn làm thủ tục đăng ký sang tên tại cơ quan nhà đất có thẩm quyền.

Nếu bên bán không chịu hợp tác thì bạn có thể khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp trong việc thực hiện hợp đồng. Theo đó, vấn đề về hình thức của hợp đồng sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 134 BLDS: Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.

Nếu hợp đồng của bạn bị tuyên vô hiệu thì theo Điều 137 BLDS có những hậu quả pháp lý sau:

- Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

- Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 82/2006/QH11 Công chứng

CTV3
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=18102


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận