Giải quyết việc cho mượn sổ đỏ thế chấp vay vốn ngân hàng
Câu hỏi
Gia đình tôi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) hộ gia đình, mẹ tôi cho một người mượn để đi thế chấp vay vốn ngân hàng và giờ người đó mất khả năng thanh toán. Ngân hàng đã đưa ra tòa yêu cầu gia đình tôi trả nợ nếu không trả trong khoảng thời gian đã định thì sẽ phát mãi lô đất này. Tòa đã gửi thông báo về gia đình và gia đình tôi cũng đã làm đơn kiến nghị lại với tòa với lý do như sau: Sổ đỏ đó là sổ đỏ hộ gia đình, khi mẹ tôi cho mượn, người mượn đi làm thủ tục công chứng và chỉ có mẹ tôi ký vào văn bản này còn tôi, anh trai tôi và bố tôi không biết việc này và cũng không hề ký vào bất kỳ một loại văn bản giấy tờ nào liên quan đến việc này. (Gia đình tôi cũng đã làm đơn đề nghị phía công an xác minh chữ ký, Phía công đã xác minh và trả lời những chữ ký còn lại trong văn bản công chứng là không phải của tôi, anh trai tôi và bố tôi). Mấy hôm vừa rồi có 2 cậu nhân viên phòng pháp chế của ngân hàng hẹn gặp đến làm việc với bố mẹ tôi và yêu cầu gia đình tôi trả nợ, và câu trả lời cuối cùng của bố mẹ tôi là "cứ để tòa án giải quyết". Qua đây mong được trả lời giúp tôi những câu hỏi sau:
1. Các quy định pháp luật nào đề cập đến việc này?
2. Trách nhiệm liên quan của các bên, Gia đình tôi, người mượn sổ đỏ, ngân hàng và cơ quan công chứng là gì?
3. Nếu muốn lấy lại sổ đỏ thì gia đình tôi phải làm gì ngoài việc trả nợ hộ?
Trước tiên, xác định đây là tài sản của hộ gia đình căn cứ theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp chứng nhận cho hộ gia đình. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Điều 43 khoản 3 mục b của Nghị định 181 ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai qui định: “Trường hợp hộ gia đình sử dụng đất là tài sản chung của cả hộ gia đình thì giấy chứng nhận chỉ ghi tên chủ hộ”. Theo qui định tại các Điều 106, Điều 108 và Điều 109 BLDS năm 2005, hộ gia đình gồm các thành viên có tài sản chung, cùng đóng góp công sức để hoạt động kinh tế chung trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp hoặc một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác do pháp luật qui định. Hộ gia đình là chủ thể tham gia giao dịch dận sự; Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, tài sản do các thành viên cùng nhau tạo lập...; “Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ 15 tuổi trở lên đồng ý”.
Xác định các thành viên trong hộ gia đình phải dựa vào sổ hộ khẩu gia đình tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Giao dịch thế chấp vay vốn ngân hàng:
Theo thông tin bạn đọc cung cấp, Như vậy có thể xác định rằng giao dịch đối với ngân hàng bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự giả mạo chữ ký của các thành viên trong gia đình, cũng như giấy tờ để qua mặt cơ quan công chứng thực hiện chót lọt giao dịch này.
Theo nội dung vụ việc bạn đưa ra, Tòa án tuyên giao dịch với ngân hàng vô hiệu và giải quyết Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu theo Điều 137 bộ luật dân sự :
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
CÔNG TY LUẬT QUỐC TẾ THĂNG LONG Địa chỉ: 188 Nguyễn Lương Bằng, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Luật sư Vũ Trường Giang Điện thoại: 0987 335 309