Trường hợp của bạn có hai vấn đề đáng chú ý như sau:
1. Thủ tục hủy hợp đồng ủy quyền.
Việc công chứng viên chỉ thu hồi các bản hợp đồng ủy quyền đã phát hành mà không làm văn bản hủy là sai.
Điều 44 Luật Công chứng quy định về công chứng việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch như sau:
- Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.
- Người thực hiện việc công chứng sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch phải là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động hoặc giải thể thì công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch.
- Công chứng việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch được thực hiện theo thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương IV của Luật này.
Theo quy định trên thì khi các bên cần hủy hợp đồng đã công chứng thì phải lập thành văn bản và phải được công chứng. Công chứng viên có có trách nhiệm công chứng văn bản hủy hợp đồng công chứng đó theo thủ tục quy định của Luật Công chứng nếu yêu cầu hủy hợp đồng là hoàn toàn hợp pháp.
Việc thu hồi các hợp đồng ủy quyền đã phát hành không có nghĩa là hợp đồng đó đã được hủy; mà chỉ khi Văn bản hủy hợp đồng ủy quyền được các bên ký, công chứng viên ký, đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng thì hợp đồng ủy quyền đó mới hết hiệu lực, lúc này các bên mới không có quyền, nghĩa vụ gì theo hợp đồng đó nữa.
Như vậy, việc hủy hợp đồng ủy quyền của bố mẹ bạn phải được lập thành văn bản và có công chứng.
2. Việc công chứng viên nói rằng sẽ kiện bố bạn vì tội làm giả giấy tờ và vu khống.
Nếu đúng là bố bạn làm giả hợp đồng ủy quyền thì công chứng viên có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật. Nếu ngược lại, những vấn đề mà bạn trình bày là đúng sự thật thì bạn có quyền khiếu nại công chứng viên đó về việc: gây khó khăn cho người yêu cầu công chứng hoặc từ chối yêu cầu công chứng. Đơn khiếu nại có thể gửi đến Trưởng Văn phòng/Trưởng phòng công chứng nơi công chứng viên đó hành nghề hoặc gửi lên Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh, thành phố nơi tổ chức công chứng đó đặt trụ sở. Trong trường hợp nếu thấy có dấu hiệu của hành vi lừa đảo thì bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Các văn bản liên quan:
Luật 82/2006/QH11 Công chứng