Hỏi đáp: Kê biên tài sản có đúng không?

Kê biên tài sản có đúng không?

Câu hỏi

Ngày 01/8/2011, Tòa án huyện V xét xử tuyên ông A phải trả cho ông B số tiền 100.000.000đ. Ngày 01/9/2011, ông B có đơn yêu cầu THA. Quá trình giải quyết CHV xác định ông A có 01 mảnh đất chưa được cấp GCNQSD đất, nhưng mảnh đất trên thuộc diện đủ điều kiện cấp và ông A đã có đơn xin cấp GCNQSD đất. CHV đã làm đủ các thủ tục cần thiết xác minh được biết ngày 25/9/2011 ông C có trình bày là đã mua lại mảnh đất trên từ ông A, thủ tục chuyển nhượng chỉ làm giấy viết tay, không có công chứng và chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. CHV đã tiến hành các thủ tục để kê biên mảnh đất trên. Sau khi kê biên bán đấu giá, ông C đã không giao đất, CHV đã đề nghị cưỡng chế giao QSD đất cho người trúng đấu giá. Quá trình họp bàn cưỡng chế, có đại diện TAND, VKSND, Chủ tịch UBND huyện là Trưởng Ban chỉ đạo THA. Trưởng Ban chỉ đạo THA có ý kiến do CHV không có công văn ngăn chặn nên đã để đương sự bán tài sản vì vậy không đồng ý cưỡng chế, đại diện TAND có ý kiến giấy mua bán viết tay vẫn có hiệu lực, đại diện VKS đề nghị xem xét lại hồ sơ. CHV đã đưa ra quan điểm là việc kê biên là đúng quy định của luật dân sự, Luật Đất đai, Điều 146 Nghị định 181/2004NĐ-CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn về hợp đồng chuyển nhượng QSD đất, Luật THADS, thông tư 14. Tuy nhiên, Trưởng Ban chỉ đạo đã kết luận không đồng ý cưỡng chế giao QSD đất cho người trúng đấu giá. Hiện tại người trúng đấu giá đã có đơn khiếu nại việc CHV không giao tài sản trúng đấu giá cho mình. Đề nghị cho biết việc kê biên như trình bày trên có đúng quy định không và hướng xử lý như thế nào?
Thanhhieng
Pháp luật

Trả lời

Trường hợp bạn nêu là một vụ việc thi hành án dân sự cụ thể, nhưng không có hồ sơ thi hành án nên chúng tôi không khẳng định đúng sai, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên, với những tình tiết bạn nêu ra, chúng tôi trao đổi một số nội dung sau đây:

1. Thứ nhất, về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất:

Theo quy định của Bộ luật dân sự, Luật đất đai, Nghị định số 181/2004NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai, thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có chứng nhận của cơ quan công chức hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền. Việc ông A chuyển nhượng đất cho ông C chỉ làm giấy viết tay không có công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, thì chưa đúng quy định về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Mặt khác, thời điểm chuyển quyền sử dụng đất cho bên nhận quyền sử dụng đất theo quy định kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Do đó, ông C chưa đăng ký quyền sử dụng đất thì ông C chưa phải là chủ sử dụng đất. Về mặt pháp lý, diện tích đất vẫn thuộc quyền sử dụng của ông A.

2. Thứ hai, về việc ban hành công văn ngăn chặn:

Luật Thi hành án dân sự năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này không có quy định nào bắt buộc Chấp hành viên phải ban hành công văn ngăn chặn.

Trong trường hợp cần thiết thì Chấp hành viên áp dụng biện pháp bảo đảm theo quy định tại Điều 66 Luật Thi hành án dân sự. Ý kiến cho rằng do Chấp hành viên không có công văn ngăn chặn nên đã để đương sự bán tài sản vì vậy giấy mua bán viết tay vẫn có hiệu lực là không có cơ sở pháp luật.

3. Thứ ba, về tài sản được kê biên để đảm bảo thi hành án:

Khoản 1 Điều 6 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự quy định: “Kể từ thời điểm có bản án, quyết định sơ thẩm mà người phải thi hành án bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố tài sản của mình cho người khác, không thừa nhận tài sản là của mình mà không sử dụng khoản tiền thu được để thi hành án thì tài sản đó vẫn bị kê biên để thi hành án, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu có tranh chấp thì Chấp hành viên hướng dẫn đương sự thực hiện việc khởi kiện tại Toà án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo mà không có người khởi kiện thì cơ quan thi hành án xử lý tài sản để thi hành án.

Kể từ thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật hoặc trong trường hợp đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà tài sản bị bán, chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, bảo lãnh, cầm cố cho người khác, người phải thi hành án không thừa nhận tài sản là của mình thì bị kê biên, xử lý để thi hành án”.

4. Thứ tư, về cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đúng giá:

Điều 258 Bộ luật Dân sự năm 2005 về quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình quy định: “Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”.

Điều 4 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/03/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá, theo đó quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá được pháp luật bảo vệ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản bán đấu giá. Trong trường hợp có người thứ ba tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đã bán đấu giá thì việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản đó được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ các quyết định liên quan đến tài sản bán đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra bán đấu giá nhưng trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật thì tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản bán đấu giá. Tổ chức, cá nhân có lỗi gây ra thiệt hại phải bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, tại khoản 5 Điều 2 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự có quy định: “Trường hợp bản án, quyết định bị kháng nghị đã được tổ chức thi hành một phần thông qua bán đấu giá nay bị huỷ, sửa thì cơ quan thi hành án tiếp tục hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật cho bên mua đấu giá, trừ trường hợp thủ tục bán đấu giá vi phạm quy định của pháp luật”.

Do vậy, trường hợp quyền sử dụng đất nêu trên được bán đấu giá đúng quy định, thì người trúng đấu giá được bảo vệ và được giao tài sản đã bán đấu giá.

5. Thứ năm, về hướng xử lý tiếp theo:

Chấp hành viên, cơ quan thi hành án cần rà soát lại toàn bộ quá trình thi hành án (có thể phối hợp cùng cơ quan kiểm sát) xem đã thực sự đúng trình tự, thủ tục thi hành án dân sự hay chưa. Có thể xin ý kiến hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn theo ngành dọc.

Trường hợp việc thi hành án đúng quy định, thì làm báo cáo bằng văn bản lại với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, đề nghị Ban Chỉ đạo báo cáo, tham mưu với Uỷ ban nhân dân chỉ đạo việc cưỡng chế giao tài sản cho người trúng đấu giá theo quy định tại Điều 173 hoặc Điều 174 Luật Thi hành án dân sự.

Trường hợp việc thi hành án không đúng quy định của pháp luật thì cần thoả thuận với người trúng đấu giá để huỷ kết quả bán đấu giá tài sản.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự

Nghị định 181/2004/NĐ-CP Về thi hành Luật Đất đai

Luật 13/2003/QH11 Đất đai

Lê Anh Tuấn - Tổng cục THADS
02/11/2014

Các mục liên quan:

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=15372


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận