Làm gì khi bên chuyển nhượng yêu cầu thanh toán hết số tiền nhận chuyển nhượng trước khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
Câu hỏi
Tôi và chị D có thỏa thuận mua bán 1 ngôi nhà. Tôi đã trả chị 2/3 số tiền theo giao ước. Trong giao ước bằng lời nói và giấy tờ, tôi sẽ thanh toán toàn bộ số tiền khi chị D giao sổ đỏ. Đến nay đã 6 tháng, chị D chỉ giao cho tôi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chị D và đòi tôi thanh toán hết tiền trước khi làm hợp đồng công chứng. Như vậy đúng hay sai? Tôi nên làm gì?
Theo như giao ước giữa bạn và chị D thì bạn sẽ phải thanh toán cho chị D toàn bộ số tiền nhận chuyển nhượng khi chị D giao cho bạn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bạn không nêu rõ là hai bên có chỉ định chính xác thời điểm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không (bàn giao trước hay sau khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng) nhưng thực tế thì chị D đã bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bạn nên việc chị D yêu cầu bạn thanh toán toàn bộ số tiền nhận chuyển nhượng là phù hợp với giao ước của hai bên. Hơn nữa, trong giao dịch dân sự, các bên có thể tự do thỏa thuận, không bên nào được áp đặt bên nào, thỏa thuận được đưa ra trên tinh thần tự nguyện và được sự nhất trí của hai bên. Đây là các nguyên tắc cơ bản mà Bộ luật Dân sự đã quy định tại chương II. Việc chị D đưa ra yêu cầu đối với bạn là sự thể hiện ý chí của chị D, không có ý nghĩa áp đặt hay bắt buộc bạn phải tuân thủ. Bạn có thể thương lượng với chị D để đưa ra phương án giải quyết tối ưu cho cả hai bên.
Khi thỏa thuận, bạn có thể vận dụng các quy định của pháp luật có liên quan để đưa ra những lập luận cho ý kiến đề xuất của mình.
- Trước hết, bạn nên nêu rõ với chị D: việc chị D giao cho bạn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không có giá trị pháp lý gì trong việc chuyển giao quyền sử dụng đất thửa đất đó cho bạn. Chị D vẫn là chủ sử dụng của thửa đất đó, chứ không phải là bạn nên việc bạn thanh toán hết toàn bộ số tiền nhận chuyển nhượng sẽ là bất lợi lớn cho bạn.
- Thứ hai, Quyền sử dụng đất chỉ được chuyển giao tại thời điểm đăng ký sang tên quyền sử dụng đất tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo khoản 1 Điều 168 Bộ luật Dân sự). Cụ thể: Khi bạn và chị D thỏa thuận về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì hai bên phải lập hợp đồng có công chứng, chứng thực (theo Khoản 2 Điều 689 Bộ luật Dân sự). Sau khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bạn phải làm thủ tục đăng ký sang tên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và tại thời điểm đăng ký, hợp đồng chuyển nhượng đó mới có hiệu lực (khoản 4 Điều 146 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 hướng dẫn thi hành luật đất đai) và bạn được công nhận là chủ sử dụng của mảnh đất đó.
- Thứ ba, từ việc dẫn chứng quy định về trình tự, thủ tục và thời điểm chuyển quyền sử dụng đất như nêu trên, bạn có thể đề xuất với chị D về phương thức thanh toán một cách hợp lý. Ví dụ như: Trước khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng, bạn sẽ thanh toán một phần tiền chuyển nhượng; ngay sau khi công chứng, bạn sẽ thanh toán thêm một phần tiền nữa; và ngay sau khi hoàn thành thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất và nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bạn, bạn sẽ thanh toán nốt phần tiền còn lại. Đây là một trong những phương án mà các bên có thể lựa chọn hoặc bạn và chị D có thể thương lượng để đưa ra phương án tối ưu và đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.
- Thứ tư, trong trường hợp giữa hai bên không thể thống nhất được phương thức thanh toán dẫn đến không tiếp tục giao kết hợp đồng thì bạn có thể yêu cầu chị D hoàn trả số tiền đã nhận. Việc bạn và chị D có viết giấy giao ước và việc bạn trả chị D 2/3 số tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giao ước chính là hình thức của hợp đồng đặt cọc. Theo Khoản 2 Điều 358 Bộ luật Dân sự thì: Trong trường hợp hợp đồng dân sự được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng dân sự thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Theo quy định này thì khi không tiếp tục giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nữa thì bạn có thể thỏa thuận với chị D về việc hoàn trả số tiền đã nhận trong một thời gian hợp lý.