Hỏi đáp: Người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường và thương lượng việc giải quyết bồi thường

Người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường và thương lượng việc giải quyết bồi thường

Câu hỏi

Xin hỏi về việc cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường và thương lượng việc giải quyết bồi thường được pháp luật quy định như thế nào?
Nguyễn Thanh Loan
Pháp luật

Trả lời

Việc cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường được quy định tại Điều 7 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP:

“1. Ngay sau khi thụ lý đơn yêu cầu bồi thường, Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải ra quyết định cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường (sau đây gọi chung là người đại diện).

Trường hợp thủ trưởng cơ quan là người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc là vợ (hoặc chồng), ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi (bên vợ hoặc bên chồng), con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột (bên vợ hoặc bên chồng), cháu nội, cháu ngoại của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại (sau đây gọi chung là người liên quan) thì tập thể lãnh đạo cơ quan cùng thảo luận, thống nhất cử một đại diện lãnh đạo cơ quan chịu trách nhiệm về việc giải quyết bồi thường.

Trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoạt động theo chế độ tập thể thì tập thể cơ quan quyết định cử người đại diện.

2. Người đại diện phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là cán bộ lãnh đạo cấp phòng trở lên hoặc tương đương;

b) Có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực phát sinh trách nhiệm bồi thường;

c) Không phải là người liên quan của người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại hoặc của người bị thiệt hại.”

Điều 19 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định về thương lượng việc bồi thường như sau:

“1. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tổ chức và chủ trì thương lượng với người bị thiệt hại về việc giải quyết bồi thường; trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng có thể kéo dài nhưng không quá 45 ngày.

2. Thành phần thương lượng gồm đại diện cơ quan có trách nhiệm bồi thường và người bị thiệt hại hoặc đại diện hợp pháp của họ. Trong trường hợp cần thiết, người thi hành công vụ gây ra thiệt hại được mời tham gia vào việc thương lượng.

Đại diện của cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải là người có thẩm quyền để thỏa thuận việc bồi thường với người bị thiệt hại và chịu trách nhiệm trước cơ quan có trách nhiệm bồi thường.

3. Địa điểm thương lượng là trụ sở của cơ quan có trách nhiệm bồi thường hoặc trụ sở của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người bị thiệt hại cư trú, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Việc thương lượng phải lập thành biên bản. Biên bản thương lượng phải ghi rõ những nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm tiến hành thương lượng;

b) Địa điểm thương lượng, thành phần tham gia thương lượng;

c) Ý kiến của các bên tham gia thương lượng;

d) Những nội dung thương lượng thành hoặc không thành.

Biên bản thương lượng phải có chữ ký của các bên và được gửi cho người bị thiệt hại một bản ngay sau khi kết thúc thương lượng.

5. Kết quả thương lượng là cơ sở để quyết định việc bồi thường.”

Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 16/2010/NĐ-CP quy định:

“2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc xác minh thiệt hại, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải tiến hành thương lượng với người bị thiệt hại theo quy định tại Điều 19 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc thương lượng, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải hoàn thành dự thảo quyết định giải quyết bồi thường. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có trách nhiệm bồi thường có thể gửi dự thảo quyết định giải quyết bồi thường để lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan.

4. Căn cứ vào kết quả xác minh thiệt hại, thương lượng với người bị thiệt hại và ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan có trách nhiệm bồi thường ban hành quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại Điều 20 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

5. Khi quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực, cơ quan có trách nhiệm bồi thường phải thực hiện thủ tục cấp và chi trả tiền bồi thường theo quy định tại Điều 54 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.”

Bạn có thể căn cứ những quy định nêu trên để hiểu rõ về việc cử người đại diện thực hiện việc giải quyết bồi thường và thương lượng việc giải quyết bồi thường.

 

Các văn bản liên quan:

Luật 35/2009/QH12 Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Nghị định 16/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

hoidapphapluat
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=31664


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận