Điều 15 Luật Biên giới quốc gia 2003 quy định, việc nhập khẩu qua biên giới quốc gia được thực hiện tại cửa khẩu. Người, phương tiện, hàng hoá qua lại biên giới quốc gia phải có đầy đủ giấy tờ hợp pháp và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Điều 21 Luật này quy định, trong trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lý do đặc biệt khác hoặc theo đề nghị của nước hữu quan, người, phương tiện, hàng hoá có thể bị hạn chế hoặc tạm ngừng qua lại biên giới quốc gia.
Điều 17 Nghị định số 32/2005/NĐ-CP ngày 14/3/2005 của Chính phủ về Quy chế cửa khẩu biên giới đất liền quy định, người có thẩm quyền ra quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động qua lại biên giới tại cửa khẩu phụ là Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh và Đồn trưởng Đồn biên phòng. Đối với Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh có quyền ra quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động tại cửa khẩu phụ hoặc đường qua lại tạm thời không quá 12 giờ và Đồn trưởng Đồn biên phòng có quyền ra quyết định hạn chế hoặc tạm dừng các hoạt động tại cửa khẩu phụ hoặc đường qua lại tạm thời không quá 06 giờ.
Trong tình huống phức tạp như trên xảy ra tại các xã biên giới có cửa khẩu phụ hoặc có đường mòn biên giới, hoặc đường qua lại tạm thời, chính quyền xã cần làm những việc sau đây:
Thứ nhất, phối hợp với Bộ đội biên phòng và Đồn biên phòng quản lý khu vực cửa khẩu phụ và khu vực biên giới giữ an ninh, trật tự, đảm bảo việc xuất khẩu khoáng sản sang nước láng giềng phải qua cửa khẩu phụ và theo đúng quy định của pháp luật;
Thứ hai, bố trí lực lượng Dân quân tự vệ hoặc Công an xã đóng chốt bảo vệ biên giới tại những khu vực đường mòn biên giới, ngăn chặn việc xuất khẩu khoáng sản sang nước láng giềng không đúng quy định của pháp luật;
Thứ ba, phối hợp với Đồn biên phòng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát đối với những người phải lưu lại khu vực biên giới, khu vực cửa khẩu phụ, đảm bảo những người này phải đăng ký tạm trú.