Hỏi đáp: Quyền hạn của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Quyền hạn của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Câu hỏi

Tôi xin kể trường hợp của tôi hiện tại như sau. Căn nhà tôi đang ở có từ thời ông bà( tôi là hàng cháu). Ông bà có 4 người con. Bố tôi là cả và 3 em trai. Cách đây 10 năm thì 2 người em đã chuyển ra chỗ khác sống. Còn lại gia đình tôi và 1 người chú. Cách đây 1 năm, bố tôi mất. Hiện tại, từ đời ông bà đã ko có giấy tờ về quyền sử dụng đất cũng như di chúc lại cho con cháu, bố tôi lúc mất cũng ko có di chúc. Và bây giờ thì người chú đang ở cùng nhà tôi lại có 1 tờ giấy với nội dung sau:

Giấy chứng nhận QSDĐ/Quyền sử dụng nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất
Địa chỉ : X _ Y _Z

I) Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Ông: Nguyễn Văn A

Năm sinh : XXXX

Địa chỉ thường trú : X_Y_X ( trùng với địa chỉ phía trên)

Là đại diện cho các thừa kế của ông Nguyễn Văn B và bà Nguyễn Thị C

II) Thửa đất , nhà ở và tài sản gắn liền với đất

Mục 1 và 5 tôi thấy ko cần viết ra

Mục 6 : Giấy chứng nhận được cấp theo Quyết định số 535/QD/SXD của Sở Xây Dựng TP Hà Nội về việc xác lập sở hữu nhà ở cho các thừa kế của ông Nguyễn Văn B và bà Nguyễn Thị C, đại diện là ông Nguyễn Văn A tại X_Y_Z

Vậy, với giấy tờ trên ông Nguyễn Văn A có được phép đơn phương bán nhà hay không? Giả sử có quyền đó thì gia đình tôi có được nhận khoản trợ cấp hay gì không? Còn nếu không có quyền đó thì khi bán sẽ cần chữ kí của những ai? Nhà tôi đang rất hoang mang, rất mong nhận được câu trả lời của LS và đưa dẫn chứng về văn bản luật đi cùng! Xin chân thành cảm ơn!
Bất động sản

Trả lời

Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 676 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: “Vợ chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết”. Do đó hàng thừa kế thứ nhất của ông và bà là 4 người con. Về nguyên tắc, người chú phải có văn bản ủy quyền chính thức của cả 4 đồng thừa kế trong gia đình mới có quyền đứng tên và làm sổ đỏ… Bộ luật Dân sự cũng quy định: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Theo đó, căn nhà sẽ được chia đều cho 4 người con thuộc hàng thừa kế thứ nhất trong gia đình theo quy định của pháp luật.

Để hợp thức giấy tờ căn nhà, 4 anh chị em trong gia đình thỏa thuận cho người chú đại diện cho 4 anh chị em đứng tên sổ đỏ căn nhà này. Điều kiện kèm theo trong thỏa thuận bằng văn bản là người chú phải cam kết chỉ là người đại diện đứng tên căn nhà, chứ hoàn toàn không phải tài sản riêng của người chú. Nếu khi gia đình có nhu cầu chuyển nhượng phải được sự đồng ý của cả 4 anh chị em.

Trong Giấy chứng nhận QSDĐ/Quyền sử dụng nhà ở và các tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp người chú chỉ là đại diện cho các hàng thừa kế của ông bà. Chính vì vậy trong mọi trường hợp có văn bản ủy quyền hay không có văn bản ủy quyền của 04 người thuộc hàng thừa kế cho người chú thì người chú không được đơn phương bán nhà.

Hiện tại người bố của anh chị đã mất không để lại di chúc chính vì vậy quyền lợi của gia đình bạn không còn liên quan gì đến khối tài sản do ông bà để lại xét về quy định của pháp luật. Còn trên thực tế gia đình trực tiếp sinh sống và ăn ở trên đất có thể yêu cầu tiền tu tạo và xây dựng trên đất, một số tài sản trên đất khác theo thảo thuận.

Hiện tại chỉ cần 03 người con của ông bà còn sống ký và xác nhận việc chuyển nhà đất là đủ, cộng thêm bản sao giấy chứng tử của bố anh chị là nhà đất có thể chuyển nhượng theo quy định.

Công ty Luật quốc tế Thăng Long

Luật sư Vũ Trường Giang
Điện thoại: 0987 335 309
Email: giangvt.09@gmail.com

Luật sư Vũ Trường Giang
16/11/2012
Cả Nước

Nguồn: batdongsan.com.vn/hd-quyen-so-huu/quyen-han-cua-giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-fq20102


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận