Em hiện có một em gái sinh năm 1992 là con rơi của cậu em, bé không được cậu nhận làm con. Vì vậy, bà ngoại em đã nuôi dưỡng bé từ nhỏ đến nay. Vì hoàn cảnh bà ngoại buôn bán ở chợ và học thức kém nên không làm giấy tờ tùy thân cho em gái em. Nay em gái em đã sinh một bé trai hơn 9 tháng tuổi mà không thể làm giấy khai sinh cho bé trai được vì em của em không có bất cứ loại giấy tờ nào cả. Vậy cho em hỏi, em muốn đứng ra nhận cháu trai của em làm con nuôi có được không? Và thủ tục như thế nào? Bản thân em sinh năm 1988, hiện đang làm nhân viên văn phòng, thu nhập ổn định. Xin hãy chỉ giúp em, em xin chân thành cảm ơn.
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin trả lời như sau:
Thứ nhất, em bạn cần làm thủ tục đăng ký khai sinh cho con theo quy định tại các Điều 13, 14, 15 và 43, 44, 45 của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch. Người thân của bé (em của bạn hoặc bà ngoại) cần đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để thực hiện việc đăng ký khai sinh này. Nếu không còn giấy chứng sinh thì thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Trong trường hợp không có người làm chứng, thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực;
Thứ hai, theo quy định tại khoản 3 Điều 15, Nghị định số 158/2005/NĐ-CP, nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì Ủy ban nhân dân cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Nếu muốn nhận cháu làm con nuôi, bạn có thể nộp hồ sơ đăng ký nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân xã nơi trẻ thường trú hoặc nơi thường trú của bạn. Hồ sơ gồm các giấy tờ được quy định tại Điều 17 và Điều 18 Luật Nuôi con nuôi năm 2010).
Về lệ phí đăng ký nuôi con nuôi: trường hợp xin nuôi con nuôi trong nước của bạn phải nộp 400.000 đồng lệ phí (Điều 40 Nghị định 19/2011/NĐ-CP) tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nộp hồ sơ.