Hỏi đáp: Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện

Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện
Quang Tuấn
Pháp luật

Trả lời

Về khúc mắc của anh, tôi xin giải đáp như sau:

- Thứ nhất: Trách nhiệm của anh đối với khoản vay mượn của vợ.

Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng đối với giao dịch do một bên thực hiện như sau:

“Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình.”

Như vậy, nếu vợ anh vay tiền  để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì anh phải có trách nhiệm liên đới đối với khoản vay mượn đó. Theo đó, nghĩa vụ trả nợ sẽ được thực hiện bằng tài sản chung của hai vợ chồng, nếu tài sản chung không đủ thanh toán thì hai vợ chồng phải sử dụng thêm tài sản riêng để trả nợ.

Trường hợp vợ anh vay tiền vì mục đích cá nhân, không phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình thì anh không có nghĩa vụ phải thanh toán khoản nợ đó. Nghĩa vụ trả nợ là nghĩa vụ dân sự riêng của vợ anh. Trong trường hợp này, anh và vợ có thể thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân để vợ anh dùng tài sản đó thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Điều 29 Luật Hôn nhân gia đình quy định về việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau:

“1. Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

2. Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận.”

- Thứ hai: Hiệu lực của giấy vay nợ do anh bị chủ nợ ép ký.

Chủ nợ đã dùng thủ đoạn đe dọa tính mạng, khủng bố tinh thần buộc anh ký vào hợp đồng vay. Theo Điều 132 Bộ luật Dân sự thì giao dịch này vô hiệu. Điều 132 Bộ luật Dân sự quy định:

“Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.”

Vì hợp đồng vay tiền do anh ký là vô hiệu nên không làm phát sinh quyền và và nghĩa vụ giữa bên vay tiền và bên cho vay.

- Thứ ba: Hành vi chủ nợ đe dọa tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của gia đình anh là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy theo tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi, người thực hiện các hành vi trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đe dọa giết người theo quy định tại điều 103 Bộ luật Hình sự và tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 121 Bộ luật Hình sự.

- Thứ tư: Việc khởi tố anh về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Điều 139 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 1 Luật số 37/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bô luật Hình sự  thì chỉ truy tố một người về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu người đó bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng trở lên hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Anh ký vào giấy vay nợ do bị chủ nợ ép buộc thì không thể coi là hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Do đó, việc khởi tố anh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không có cơ sở.

- Thứ năm: Về tội vu khống.

Điều 122 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về Tội vu khống như sau:

“1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

…”

Theo quy định trên thì hành vi chủ nợ khai không đúng sự thật với cơ quan điều tra chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội vu khống.

 

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Luật 37/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

CTV1
02/11/2014

Nguồn: www.moj.gov.vn/hoidappl/Lists/DanhSachCauHoi/View_Detail.aspx?ItemID=15158


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận